Các cơ quan nghiên cứu tư nhân thường khó có thể tiếp cận được với các nguồn vốn ngân sách. Số lượng loại hình này phát triển không đáng kể mặc dù Nhà nước đã có chính sách cho phép thành lập các tổ chức tư nhân.
Sự hợp tác giữa cơ quan nghiên cứu và trường đại học, giữa các cơ quan nghiên cứu trong các lĩnh vực và thậm chí trong cùng lĩnh vực còn quá rời rạc. Mô hình tổ chức các cơ quan R&D và cơ chế hoạt động hiện nay không khuyến khích sự phối hợp và liên kết giữa các tổ chức R&D với doanh nghiệp và giữa họ với các trường đại học.
Cơ sở vật chất của các cơ quan R&D còn nghèo nàn và lạc hậu, mặc dù đã được cải thiện đáng kể trong những năm gần đây. Điều kiện cơ sở vật chất nghèo nàn là một trong những nguyên nhân hạn chế chất lượng nghiên cứu khoa học và sáng tạo của các cán bộ nghiên cứu trong thời gian qua.
+ Nhân lực cho khoa học công nghệ:
Thứ nhất, cơ cấu cán bộ và bố trí cán bộ khoa học công nghệ chưa hợp lý. Hầu hết số cán bộ khoa học công nghệ hiện có đều đang hoạt động trong khu vực nhà nước (chủ yếu là tại các cơ quan quản lý và nghiên cứu nhà nước), số cán bộ làm ở khu vực tư nhân và doanh nghiệp còn rất ít. Số cán bộ nghiên cứu công nghệ còn ít, trong khi số cán bộ nghiên cứu khoa học cơ bản chiếm phần đông. Hầu hết các nhà khoa học tập trung ở hai thành phố lớn là Hà nội và thành phố Hồ Chí Minh (chiếm 83,1% tổng số tiến sĩ hiện có), số cán bộ khoa học công nghệ ở các tỉnh hầu như không đáng kể. Nhiều cán bộ nghiên cứu thuộc lĩnh vực công nghệ tiên tiến ở nước ta còn thiếu trầm trọng như công nghệ tự động hoá, công nghệ tin học, công nghệ sinh học. Thêm vào đó, hiện đang thiếu nghiêm trọng cán bộ khoa học đầu đàn.
Cán bộ khoa học công nghệ ít tham gia vào giảng dạy và ngược lại, giảng viên đại học cũng ít tham gia nghiên cứu khoa học; sự liên kết, phối hợp giữa các nhà khoa học của các tổ chức nghiên cứu với nhau, của trường đại học và viện nghiên cứu còn hết sức rời rạc.
Thứ hai, các cán bộ khoa học công nghệ làm việc trong các tổ chức khoa học công nghệ của Nhà nước đang có xu hướng bị "công chức hoá". Cơ chế trả lương theo bậc lương công chức mà không theo trình độ và cống hiến thực tế của nhà khoa học, kèm theo môi trường hoạt động nghiên cứu khoa học thiếu tính cạnh tranh hiện nay đã không khuyến khích các nhà khoa học năng động, sáng tạo. Mặc dù người Việt Nam nói chung được coi là thông minh, chăm chỉ, cần cù nhưng kết quả sáng tạo công nghệ lại không nhiều. Mặt khác, theo đánh giá của nhiều nhà khoa học và cơ quan quản lý khoa học, các đề tài nghiên cứu công nghệ của Việt Nam chủ yếu vẫn chỉ là ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ đã có sẵn trên thế giới mà chưa phải là sáng tạo ra công nghệ mới.
Có thể bạn quan tâm!
- Vốn Đầu Tư Nước Ngoài Đăng Ký Qua Các Năm 2001 - 2005
- So Sánh Một Số Chỉ Tiêu Sử Dụng Cơ Sở Hạ Tầng Giữa Việt Nam Và Thái Lan
- Đánh Giá Tác Động Của Kết Cấu Hạ Tầng Tới Năng Lực Cạnh Tranh
- Năng Lực Cạnh Tranh Của Doanh Nghiệp
- Những Mặt Hạn Chế Về Năng Lực Cạnh Tranh Của Việt Nam:
- Định Hướng Quan Điểm Đối Với Việc Nâng Cao Năng Lực Cạnh Tranh Quốc Gia:
Xem toàn bộ 120 trang tài liệu này.
Thứ ba, sự giao lưu giữa các nhà khoa học Việt Nam với cộng đồng khoa học trên thế giới mặc dù đã được nâng lên trong những năm gần đây nhưng vẫn còn hạn chế. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này là do nhiều nhà khoa học còn đang bị hạn chế về khả năng tiếp cận với công nghệ thông tin- một công cụ hữu hiệu giúp cho nhà khoa học mở mang kiến thức và tầm nhìn ra thế giới bên ngoài. Nhiều nhà khoa học bị hạn chế về ngoại ngữ nên không giao dịch trực tiếp được trong các cuộc hội thảo quốc tế và sử dụng internet để kết nối toàn cầu. Điều này phần nào làm cho khoa học Việt Nam chưa tận dụng được lượng kiến thức dồi dào và chưa bắt nhịp với sự thay đổi nhanh chóng của thời đại.
+ Về đầu tư cho khoa học công nghệ
Thứ nhất, đầu tư cho khoa học công nghệ hiện nay chủ yếu từ nguồn ngân sách (bao gồm cả vốn ODA) và được sử dụng một cách manh mún, chưa đạt hiệu quả cao.
Thứ hai, khác với nhiều nước trong khu vực và thế giới, vai trò của doanh nghiệp đối với việc đầu tư cho khoa học công nghệ còn quá thấp. Cho đến nay, mới có các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và một số doanh nghiệp nhà nước qui mô lớn (chủ yếu là các tổng công ty 90, 91) có riêng cơ sở hoạt động nghiên cứu phát triển công nghệ. Trong khi đó, các doanh nghiệp tư nhân hầu như không tham gia hoạt động R&D. Sở dĩ có tình trạng này là do:
- Chưa có môi trường cạnh tranh thực sự buộc doanh nghiệp phải đổi mới công nghệ.
- Doanh nghiệp Việt Nam đang còn đang chập chững trong cơ chế thị trường và trình độ phát triển còn thấp.
- Quyền sở hữu công nghiệp và đặc biệt là năng lực thực thi các quyền đó chưa tốt.
Thứ ba, việc đầu tư cho các đề tài, chương trình nghiên cứu khoa học công nghệ chưa thực sự căn cứ vào nhu cầu của nền kinh tế và của xã hội, do vậy giá trị sử dụng thấp. Trong lĩnh vực công nghệ, theo thống kê của Bộ Tài chính, chỉ có khoảng 10% số các đề tài và chương trình nghiên cứu khoa học công nghệ được ứng dụng vào thực tiễn, số còn lại hoặc không có điều kiện để phát triển tiếp, hoặc không có tính thực tiễn. Lý do chính của tình trạng này là:
- Việc xác định các đề tài và chương trình nghiên cứu về công nghệ ngay từ đầu đã không có sự tham gia của các doanh nghiệp, những người sẽ sử dụng công nghệ;
- Nhà nước chưa có chính sách khuyến khích cũng như cơ chế phù hợp cho đề tài sau nghiệm thu (giai đoạn thử nghiệm và ứng dụng). Các đề tài hầu hết được cấp kinh phí để nghiên cứu từ giai đoạn đầu đến giai đoạn thử nghiệm, trong khi đó hầu như không chú ý đến giai đoạn ứng dụng.
- Khung pháp luật quy định về sở hữu đối với các sản phẩm nghiên cứu chưa đầy đủ nên chưa tạo được động lực cho các nhà nghiên cứu đưa các sản phẩm đó ứng dụng vào trong cuộc sống.
- Hình thức cấp ngân sách nhà nước hiện nay chưa đảm bảo tính hiệu quả của các đề tài do Nhà nước đầu tư. Các đề tài nghiên cứu khoa học chủ yếu được cấp qua kênh cấp phát "xin-cho", chưa dựa trên cơ sở cạnh tranh bình đẳng và chưa có cơ chế để gắn bó chặt chẽ giữa các cơ quan nghiên cứu, các trường đại học với doanh nghiệp.
Chuyển giao và phổ biến công nghệ
Gần đây, một số ngành như: viễn thông, dầu khí, điện lực, xi măng, điện tử tiêu dùng, dệt may, chế biến lương thực, thực phẩm và chế biến một số nông sản đã đầu tư và nâng cao trình độ công nghệ trong sản xuất và hiện đã đạt trình độ công nghệ trung bình của thế giới song nhìn chung, trình độ công nghệ của các ngành sản xuất khác của nước ta hiện đang tụt hậu khoảng 2-3 thế hệ so với các nước trong khu vực. Hiện đang tồn tại một số vấn đề liên quan tới chuyển giao công nghệ và phổ biến công nghệ như sau:
Thứ nhất, tỷ trọng hàng hoá và dịch vụ sử dụng công nghệ vừa và cao ở nước ta còn ở mức thấp.
Thứ hai, những công nghệ được đầu tư trong những năm qua chủ yếu là nhập khẩu từ nước ngoài. Điều này cho thấy thực tế là những kết quả hoạt động khoa học công nghệ trong nước thời gian qua chưa có tác động rõ rệt tới việc nâng cao trình độ công nghệ của các doanh nghiệp nước ta và tốc độ chuyển giao công nghệ trong nước rất hạn chế.
Thứ ba, các cơ quan nghiên cứu cũng chưa có "lực đẩy" để gắn kết hơn các công trình nghiên cứu với hoạt động của doanh nghiệp cũng như chưa chú ý tới việc quảng bá kết quả nghiên cứu cho doanh nghiệp.
Thứ tư, hiện tại vẫn chưa có chính sách hữu hiệu thúc đẩy các cơ quan nghiên cứu triển khai ứng dụng kết quả nghiên cứu và công bố rộng rãi kết quả nghiên cứu của mình. Thêm vào đó, các hoạt động hỗ trợ thị trường công nghệ chưa được tổ chức tốt. Hệ thống thông tin và dịch vụ khoa học công nghệ chưa làm tốt vai trò trung gian, thúc đẩy sự trao đổi thông tin giữa bên cung cấp công nghệ và bên có nhu cầu đổi mới công nghệ.
2.2.6 Lao động
2.2.6.1 Lợi thế:
+ Lực lượng lao động dồi dào
Một trong những lợi thế so sánh được công nhận rộng rãi hiện nay của Việt Nam là có lực lượng lao động dồi dào. Xét về số lượng, Việt Nam có lực lượng lao động tương đối đông đảo và ngày càng tăng. Số liệu của Bộ Lao động Thương binh Xã hội cho thấy đến ngày 1 tháng 7 năm 2005, lực lượng lao động nói chung (dân số từ 15 tuổi trở lên tham gia hoạt động kinh tế) của
cả nước có 44.385 nghìn người, tăng 2,6 % so với năm 2004. Trong đó, khu vực thành thị có 11.071,1 nghìn người, chiếm 24,9%, tăng hơn 1%; khu vực nông thôn có 33.313,9 nghìn người, chiếm 75,1%, tăng hơn 1,8%., Tốc độ tăng dân số trung bình hàng năm trong hơn một thập kỷ qua là 1,7%; mức tăng trung bình hàng năm của dân cư trong độ tuổi lao động là 2,6%.
Với lực lượng lao động như vậy, Việt Nam tránh được hiện tượng thiếu lao động mà một số nước phát triển hoặc đang phát triển với tốc độ nhanh khác trên thế giới đang gặp phải.
+ Tỷ lệ tham gia lao động cao
Tính chung cả nước, tại thời điểm 1/7/2005 có 43.456,6 nghìn người từ đủ 15 tuổi trở lên đang làm việc trong các ngành kinh tế quốc dân, tăng 1.145,5 nghìn người hay 2,7% so với thời điểm 1/7/2004. Đây là mức tăng lớn hơn mức tăng trung bình hàng năm giai đoạn 2001-2005 (tăng 1.017,9 nghìn người làm việc/năm với tốc độ tăng 2,5%).
Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động cao còn thể hiện truyền thống yêu lao động, cần cù, tinh thần tự lực tự cường, vốn được coi là một trong những giá trị truyền thống rất đáng trân trọng của người dân Việt Nam. Xét từ giác độ thị trường lao động, điều này càng có ý nghĩa quan trọng trong điều kiện nền kinh tế của ta hiện còn ở trình độ phát triển thấp, còn thiếu nhiều phương tiện vật chất để thực hiện bảo đảm xã hội cho người lao động.
+ Giá cả sức lao động tương đối thấp
Cùng với nhịp độ đi lên của đời sống kinh tế - xã hội của đất nước, giá cả sức lao động ở Việt Nam (thể hiện qua tiền công, tiền lương của người lao động) đã được tăng lên: Theo số liệu điều tra của Bộ Lao động Thương binh và xã hội tính đến 1/7/2005 tính chung cả nước, thu nhập trung bình tháng
của một lao động làm công ăn lương là 973 nghìn VND, ở khu vực thành thị là 1.028 nghìn VND, ở khu vực nông thôn là 822 nghìn VND; Thu nhập trung bình tháng của một lao động làm công ăn lương trong khu vực Nhà nước năm 2005 là 1.065 nghìn VND, gấp 1,22 lần mức thu nhập của lao động làm công ăn lương ngoài khu vực Nhà nước.
Tuy vậy, nhìn chung, giá cả sức lao động ở Việt Nam hiện vẫn được coi là tương đối rẻ và là một trong những lợi thế so sánh của thị trường lao động Việt Nam. Cho đến nay, giá nhân công rẻ vẫn là yếu tố quan trọng để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
2.2.6.2 Hạn chế:
+ Tỷ lệ lao động được đào tạo nghề thấp
Theo số liệu của Bộ Lao động Thương binh Xã hội năm 2005, về trình độ học vấn của lực lượng lao động, 4% còn mù chữ; tốt nghiệp THCS chiếm 32,6%; tốt nghiệp THPT 21,2%. Lao động ở vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ có trình độ học vấn phổ thông cao nhất, tỷ lệ mù chữ chỉ chiếm 0,8%, trong khi tốt nghiệp THPT chiếm tới 32,7%; tiếp đến là vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với các chỉ số tương ứng là 2,6% và 26,2%; thấp nhất là khu vực miền Trung 2,9% và 20,6%.
Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo của cả nước năm 2005 là 24,8% (chỉ tăng thêm 2,2% so với một năm trước), trong đó tỷ lệ qua đào tạo nghề nói chung là 15,2% (tăng1,8%), tỷ lệ tốt nghiệp trung học chuyên nghiệp là 4,3% (giảm gần 0,1%), tỷ lệ tốt nghiệp cao đẳng, đại học và trên đại học là 5,3% (tăng 0,4%). Trong 8 vùng lãnh thổ, vùng có tỷ lệ lực lượng lao động đã qua đào tạo cao nhất là Đông Nam Bộ (37,4%) và đồng bằng sông Hồng (34,4%), thấp nhất là Tây Bắc (13,5%). Vùng kinh tế trọng điểm, có tỷ lệ qua đào tạo cao
nhất là Bắc Bộ với 36,4%, tiếp đến là phía Nam 36,1%, thấp nhất là miền Trung 31%. (Nguồn: Báo cáo kết quả điều tra lao động-việc làm, Bộ LĐ-TB- XH, 1-7-2005)
Lực lượng lao động qua đào tạo mặc dù không ngừng tăng lên, bình quân giai đoạn 2001 – 2005 tăng tới 12,9% (gần 938.000 người/ năm) nhưng cũng mới đạt 24,8% còn thấp so với mục tiêu Đại hội IX của Đảng đề ra là 30%.
Nếu so sánh với các nước khác, số lao động được đào tạo chính quy còn quá thấp, trình độ ngoại ngữ của lao động Việt Nam còn rất kém (so với Philippines hoặc Thái Lan). Hơn thế nữa, cơ cấu đào tạo lực lượng lao động còn nhiều bất hợp lý: số lao động có trình độ trung học chuyên nghiệp và công nhân kỹ thuật còn quá thiếu so với yêu cầu. Số này chủ yếu chỉ tập trung tại các thành phố và khu đô thị lớn (Hà nội, thành phố Hồ Chí Minh và một số thành phố, trung tâm công nghiệp lớn khác). Trong khi đó, ngành nông nghiệp chiếm 60,5% tổng số lực lượng lao động của cả nước, nhưng chỉ chiếm 3,85 % số người được đào tạo. Điều này không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến việc tăng cơ hội việc làm và thu nhập, mà còn là yếu tố làm hạn chế sức cạnh tranh của nền kinh tế.
+ Lao động trí thức còn thiếu cả về số lượng và chất lượng
Nhìn chung, đội ngũ lao động trí thức của ta còn yếu kém cả về số lượng (tuyệt đối và tương đối), cả về chất lượng so với thế giới và khu vực. Nhóm lao động khoa học công nghệ chưa đáp ứng được yêu cầu triển khai công nghệ mới theo những mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Nhóm lao động quản lý kinh doanh trong khu vực quốc doanh còn chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường và hội nhập.