Gắn Vấn Đề Bảo Hộ Quyền Shtt Với Việc Bảo Vệ Lợi Ích Quốc Gia, Phục Vụ Các Mục Tiêu Phát Triển Kinh Tế - Xã Hội Của Đất Nước


Việt Nam cần thực hiện một loạt những đổi mới toàn diện và đồng bộ liên quan đến các lĩnh vực kinh tế- xã hội khác.

3.1.4. Gắn vấn đề bảo hộ quyền SHTT với việc bảo vệ lợi ích quốc gia, phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước

Trong việc xây dựng và thực thi chính sách về quyền SHTT nhằm đáp ứng các yêu cầu của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, chúng ta phải nhận thức về quyền SHTT có liên quan chặt chẽ với các vấn đề kinh tế và phát triển, chứ không chỉ mang yếu tố luật pháp đơn thuần. Bởi vậy, một mặt chúng ta phải cố gắng đạt tới các chuẩn mực quốc tế, nhưng mặt khác cần có sự cân nhắc thấu đáo, bao gồm việc tìm cách kiềm chế ở mức thấp nhất những tác động tiêu cực ban đầu do việc phải bảo hộ quyền SHTT của các chủ thể nước ngoài. Nói cách khác, đó là việc chỉ áp dụng các yêu cầu bảo hộ trong phạm vi hẹp nhất có thể, đồng thời khôn khéo áp dụng các bảo lưu, giới hạn, ngoại lệ đối với quyền ở phạm vi rộng nhất có thể. Bởi vì việc quy định phạm vi quyền quá rộng và giới hạn quyền quá hẹp cũng có nghĩa là lợi ích quốc gia không thể được đảm bảo, vì tuyệt đại đa số người có quyền được bảo hộ là chủ thể nước ngoài. Bên cạnh đó, ở một mức độ nhất định, cần tạo điều kiện nhất định cho các doanh nghiệp trong nước có thể dễ bắt chước công nghệ nước ngoài qua mô phỏng và công nghệ ngược (tách tháo máy móc thiết bị, hoặc phân tích các hóa phẩm để học hỏi các bí quyết công nghệ, công thức chế biến). Kinh nghiệm của Đài Loan, Hàn Quốc trong các thập kỷ 60, 70 và 80 của thế kỷ trước về nhập khẩu và sao chép công nghệ của Nhật Bản và các nước tiên tiến khác, hay của Nam Phi và Braxin ngày nay đã cho thấy tác dụng của cách tiếp cận này. Điều đó đòi hỏi chúng ta phải khai thác được sự linh hoạt và những ngoại lệ mà Hiệp định TRIPs cho phép, nhất là những quy định về đối xử đặc biệt và khác biệt dành cho các nước kém và đang phát triển, mặt khác nên tìm mọi cách hạn chế sự bảo hộ thái quá tài sản trí tuệ của phương Tây để có thể đạt được những lợi ích tối đa từ việc thực thi Hiệp định và giảm thiểu những bất lợi thế mà Hiệp định có thể gây ra. Quả thực, đây là vấn đề cũng


quan trọng và nan giải không kém việc phải đổi mới hệ thống chính sách, pháp luật về quyền SHTT cho phù hợp với xu hướng hội nhập quốc tế, và điều này đòi hỏi Việt Nam phải có các chuyên gia giỏi trong lĩnh vực luật pháp SHTT để có thể đưa ra những chính sách khôn ngoan để đạt được cả hai mục tiêu đầy khó khăn nói trên.‌


3.2. Các giải pháp

3.2.1. Hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về bảo hộ quyền SHTT theo hướng tuân thủ các quy định của Hiệp định TRIPs

- Bổ sung các quy định pháp luật giải quyết các vấn đề nảy sinh trong quá trình thực hiện Luật SHTT. Luật SHTT 2005 là sự tổng hợp các quy định liên quan đến SHTT từ nhiều văn bản pháp luật. Có thể nói, đây là một văn bản khá toàn diện, mang tính tổng hợp cao, đồng thời khá đầy đủ và cụ thể. Rất nhiều quy phạm pháp luật cụ thể đến mức có thể thi hành ngay đã được thể hiện trong Luật. Các nghị định hướng dẫn thi hành Luật SHTT mà Chính phủ ban hành trong tháng 9 năm 2006 đang được triển khai thực hiện. Trong thời gian tới, tuỳ theo yêu cầu cụ thể của từng lĩnh vực, các Bộ có thể ban hành các văn bản hướng dẫn giải quyết những vấn đề nảy sinh trong quá trình thực hiện, đặc biệt là các quy định xử lý hành vi xâm phạm quyền SHTT, các quy định giải quyết các nội dung liên quan giữa tên miền (thuộc quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông) và nhãn hiệu (thuộc quản lý của Bộ Khoa học và Công nghệ), cạnh tranh không lành mạnh (thuộc quản lý của Bộ Công thương) và cạnh tranh không lành mạnh về sở hữu công nghiệp (thuộc quản lý của Bộ Khoa học và Công nghệ). Hệ thống văn bản này có thể bảo đảm cho việc thực thi các quy định của Luật SHTT được tiến hành đồng bộ, bảo đảm tính khả thi của đạo luật trên thực tế. Việc xây dựng một khung pháp lý hoàn thiện về bảo hộ quyền SHTT với đầy đủ các quy định quản lý, các chế tài xử phạt... dễ áp dụng trong thực tiễn là rất cần thiết. Điều đó không

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 114 trang tài liệu này.


chỉ nâng cao hiệu lực bảo hộ quyền SHTT mà còn đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.

Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam - 12

- Từng bước chỉnh sửa lại một số quy định của Luật SHTT cho phù hợp với Hiệp định TRIPs. Như đã đề cập ở phần trên, so với các chuẩn mực của Hiệp định TRIPs, Luật SHTT 2005 vẫn còn một số điểm chưa hoàn toàn tương thích mà nguyên nhân xuất phát từ nhu cầu tự vệ, bảo hộ nền kinh tế non trẻ trước các quy định khắt khe của Hiệp định TRIPs. Điều này hoàn toàn chính đáng đối với một nước kém phát triển như Việt Nam. Tuy nhiên, khi bước chân vào sân chơi thế giới, có nghĩa là chúng ta phải chấp nhận luật chơi của quốc tế và như vậy, những quy định tự bảo vệ cho Việt Nam như trên lại vi phạm nguyên tắc của Hiệp định. Bởi vì, theo Hiệp định TRIPs, không có một ngoại lệ nào dành cho các nước đang phát triển trừ phi ngoại lệ đó không làm phương hại đến lợi ích của các quốc gia khác hay ngoại lệ đó vẫn đảm bảo cho các quyền SHTT được thực hiện bình thường. Chính vì vậy, chúng ta cần chuẩn bị có sự sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện Luật SHTT 2005 sao cho phù hợp nhất với các cam kết quốc tế, đồng thời gây ra ít khó khăn nhất đến nền kinh tế quốc gia trong thời gian đầu thực thi Hiệp định TRIPs.

- Tham gia các công ước quốc tế về SHTT. Việt Nam cần phải có kế hoạch chuẩn bị tham gia một số công ước quốc tế khác theo quy định của Hiệp định TRIPs, như Công ước Rome về Bảo hộ người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm và tổ chức phát thanh, truyền hình...

- Quy định về tên miền Internet. Hiện nay, có một vấn đề quyền SHTT rất quan trọng đang nổi lên mà Hiệp định TRIPs chưa đề cập tới, đó là tên miền trên Internet. Tuy nhiên, nhận thức được ý nghĩa của vấn đề này, nhiều quốc gia đã có các quy định luật pháp điều tiết các quyền SHTT đối với tên miền. Có một số tổ chức quản lý việc đăng ký, gia hạn và chuyển nhượng tên miền tùy theo phần cuối của các địa chỉ gồm chữ và số. Thí dụ, những địa chỉ kết thúc bằng mã quốc gia là “fr” hay “uk” sẽ chịu sự điều chỉnh tương ứng của luật Pháp và luật Anh.


Những địa chỉ kết thúc bằng “edu” theo thoả thuận với Bộ Thương mại Hoa kỳ sẽ do Educause, một tổ chức phi chính phủ Hoa Kỳ quản lý. Do tên miền chứa đựng nhiều thông tin liên quan đến tên, nhãn hiệu của công ty nên người ta không coi tên miền như một địa chỉ thuần túy. Ngay từ khi mới ra đời tên miền đã được coi là tài sản của doanh nghiệp và việc đăng ký tên miền vì mục đích thương mại đã diễn ra. Nhiều tên miền có đuôi “com” đã được đăng ký và bán với số phí khổng lồ và đi kèm với nó là việc đăng ký trái phép và tranh chấp tên miền. Chẳng hạn, sau khi một hãng du lịch đăng ký tên miền là “Barcelona.com”, họ đã bị thành phố Barcelona ở Tây Ban nha kiện để giành lại tên miền này. Hành động kiểu như thế bị quy vào tội “chiếm dụng không gian mạng trái phép”. Từ thực tế đó, người ta đã phải thiết lập các quy trình nhằm ngăn chặn việc đăng ký tên miền sai trái hoặc giải quyết những tranh chấp liên quan đến tên miền. Đối với vấn đề tên miền Internet, Việt Nam cần có các quy định pháp luật cụ thể, có thể bổ sung vấn đề này vào một nghị định thích hợp mà Chính phủ đã ban hành.

3.2.2. Tăng cường hiệu lực thực thi chính sách, pháp luật về bảo hộ quyền SHTT

Vấn đề khó khăn nhất liên quan đến bảo hộ quyền SHTT ở Việt Nam là hiệu lực thực thi của các chính sách và các quy định pháp luật về bảo hộ quyền SHTT. Để thực hiện nhiệm vụ này, Việt Nam phải chú ý đến tất cả các yếu tố cần thiết để tạo ra một mảnh đất màu mỡ nhằm duy trì sự phát triển của nền văn hóa SHTT, như giáo dục ý thức tôn trọng quyền SHTT trong cộng đồng, tổ chức lại và tăng cường năng lực của các cơ quan quản lý và thực thi bảo hộ quyền SHTT, đào tạo về quyền SHTT tại các trường đại học, trung tâm nghiên cứu… Bởi vì các tài sản trí tuệ chỉ có thể phát triển lành mạnh trong một nền văn hóa nơi mà tầm quan trọng của quyền SHTT được hiểu và chấp nhận đầy đủ và nơi nó được bảo hộ bằng pháp luật và pháp luật được thực thi có hiệu quả và hiệu lực. Cụ thể, để phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế và phát huy đầy đủ vai trò và ảnh hưởng quan trọng của quyền SHTT, hệ thống pháp luật về quyền SHTT của Việt Nam


cần hội tụ được các điều kiện sau đây: (i) quy định của pháp luật về quyền SHTT phải phù hợp với đòi hỏi của thực tiễn và đầy đủ, rõ ràng đến mức có thể hiểu và thi hành một cách đúng đắn và thống nhất; (ii) các cơ quan có trách nhiệm thi hành luật phải đủ năng lực; và (iii) nhận thức về nội dung của các điều luật phải được chuyển tải sâu rộng tới công chúng, đặc biệt là các đối tượng chịu sự tác động, điều chỉnh trực tiếp. Cả ba điều kiện này đều là các yếu tố thiết yếu tạo thành nền tảng hạ tầng của bất kỳ hệ thống bảo hộ quyền SHTT nào. Để đạt được điều đó, Việt Nam cần phải có các chính sách và biện pháp phù hợp.

3.2.2.1. Nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo hộ quyền SHTT

- Giáo dục, đào tạo và phổ biến pháp luật về quyền SHTT nhằm tạo dựng nền văn hoá SHTT: Trong tất cả các lĩnh vực, để có thể thực hiện thành công, thì yếu tố con người luôn luôn đóng vai trò cốt yếu. Chính vì vậy, công tác giáo dục, đào tạo và phổ biến pháp luật về quyền SHTT là rất cần thiết. Điều quan trọng là phải tạo ra được một ý thức hệ về quyền SHTT, từ người dân cho đến các doanh nghiệp và công chức nhà nước. Điểm yếu của Việt Nam là không chỉ riêng người dân chưa nhận thức về sở hữu trí tuệ, mà ngay cơ quan quản lý và cộng đồng doanh nghiệp cũng chưa coi trọng vấn đề này. Do vậy, cần có sự phân chia đối tượng và tiến hành các hình thức giáo dục, tuyên truyền phù hợp cho từng nhóm nhằm nâng cao nhận thức của người dân và doanh nghiệp về việc cần phải tôn trọng các nội dung của quyền SHTT nhằm mục đích hạn chế xâm phạm quyền SHTT của các chủ thể trong nước cũng như nước ngoài tại Việt Nam. Các cơ quan chức năng cần nghiên cứu đưa các chương trình giáo dục về quyền SHTT vào trường học các cấp, thực hiện tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng. Điều này rất có ý nghĩa vì một trong các nguyên nhân dẫn đến các hành vi xâm phạm quyền SHTT hoặc không ý thức được tầm quan trọng của quyền SHTT là sự nhận thức hạn chế không đầy đủ về pháp luật về quyền SHTT. Nói về văn hóa SHTT, tức là tạo ra cách sống và quan niệm đúng, đầy đủ về quyền SHTT của toàn xã hội chứ không phải chỉ cần nỗ lực của cá nhân. Nếu như ngay


cả những người trong cuộc, thí dụ như những người sáng tạo ra các phẩm văn học nghệ thuật, hoặc các sáng chế mà cũng không ý thức được quyền của mình hoặc không có hiểu biết luật pháp về quyền SHTT thì dù chúng ta nỗ lực đến mấy cũng không đạt được hiệu quả.

- Tăng cường khả năng nhận thức của doanh nghiệp đối với vấn đề quyền SHTT: Thời điểm này là hết sức cấp bách, nếu không nói là đã muộn, đối với các doanh nghiệp Việt Nam trong việc nhận thức đầy đủ về vấn đề quyền SHTT trong nền kinh tế thị trường. Các doanh nghiệp phải ý thức được trách nhiệm và quyền lợi của mình trong vấn đề bảo hộ quyền SHTT và phải coi tài sản trí tuệ của mình là tài sản quan trọng trong hoạt động sản xuất kinh doanh, bằng không họ sẽ bị thua thiệt rất nhiều. Doanh nghiệp phải xác định rõ các vấn đề liên quan đến toàn bộ hoạt động từ việc đặt tên doanh nghiệp cho đến việc lựa chọn sản phẩm, dịch vụ do mình sản xuất kinh doanh sẽ có kiểu dáng gì, mang nhãn hiệu nào… Đặc biệt, doanh nghiệp cần bố trí bộ phận chăm lo về quyền SHTT để tiến hành các thủ tục xác lập quyền, tổ chức khai thác tài sản trí tuệ trong và ngoài nước. Vấn đề này càng trở nên cấp bách khi doanh nghiệp bước ra thị trường thế giới. Thí dụ về việc thương hiệu của các công ty lớn như thuốc lá Vinataba, cà phê Trung nguyên đã bị các hãng nước ngoài đăng ký trước tại các thị trường nước ngoài là những bài học cụ thể mà các doanh nghiệp Việt Nam cần rút kinh nghiệm.

Để các doanh nghiệp có thể tiếp cận thấu đáo vấn đề quyền SHTT, bên cạnh sự nỗ lực của chính bản thân doanh nghiệp, cần có sự hỗ trợ đồng bộ của Chính phủ như: xây dựng hệ thống thông tin thường xuyên về các nội dung liên quan đến quyền SHTT, đưa các hệ thống thông tin này lên mạng Internet để các doanh nghiệp có thể thực hiện xác lập quyền SHTT một cách tốt nhất. Hiện nay, Chính phủ đang thực hiện chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của doanh nghiệp. Đây là một chương trình lớn được thực hiện từ 2005 tới 2010. Mục tiêu là nâng cao nhận thức và hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam trong việc tạo ra, khai thác, bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ nhằm nâng cao sức cạnh tranh.


- Tăng cường công tác tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp về vấn đề quyền SHTT: Cùng với việc tăng cường nhận thức của doanh nghiệp về tầm quan trọng của bảo hộ quyền SHTT, thì việc đẩy mạnh hoạt động tư vấn về quyền SHTT là một hoạt động rất cần thiết và có tác động trực tiếp tới sự hình thành, khai thác và bảo vệ quyền SHTT của doanh nghiệp. Mỗi một doanh nghiệp hoặc hiệp hội doanh nghiệp cần có một luật sư hoặc nhà tư vấn thường xuyên trao đổi về các vấn đề về quyền SHTT liên quan đến việc tiếp cận của doanh nghiệp vào thị trường thế giới, cũng như giải quyết các vấn đề SHTT trong thị trường nội địa của các doanh nghiệp đó. Để đáp ứng yêu cầu này, cần phải mở rộng những người làm công tác tư vấn, đại diện pháp luật SHTT (như văn phòng luật sư, công ty dịch vụ pháp lý,…). Ngoài ra, về vấn đề bản quyền và các quyền liên quan, cần thiết phải có các tổ chức chuyên nghiệp có chức năng tư vấn, làm trung gian cho các nhà xuất bản trong việc giao dịch, thỏa thuận các vấn đề về bản quyền và các quyền liên quan với các đối tác nước ngoài. Trường hợp một số nhà xuất bản Việt Nam bị phía nước ngoài kiện vì xâm phạm bản quyền trong thời gian qua là những bài học cần được các nhà xuất bản nghiêm túc rút kinh nghiệm. Thực tế nhiều nước cho thấy rằng, hoạt động tư vấn, dịch vụ về pháp luật quyền SHTT có ý nghĩa quan trọng trong việc xã hội hoá các dịch vụ về quyền SHTT, hỗ trợ các chủ thể quyền SHTT thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình theo quy định của pháp luật. Hoạt động của các tổ chức này góp phần không nhỏ vào việc nâng cao hiệu quả hoạt động của toàn bộ hệ thống pháp luật bảo hộ quyền SHTT. Tính đến cuối năm 2006, Việt Nam đã có 43 tổ chức đại diện sở hữu công nghiệp với 161 người hành nghề đại diện sở hữu công nghiệp chuyên nghiệp. Đây là con số còn rất hạn chế so với nhu cầu tư vấn tiềm năng ngày càng tăng về quyền SHTT. Chính vì vậy, việc tiếp tục nâng cao năng lực của các tổ chức tư vấn và mở rộng các dịch vụ về quyền SHTT là một điều kiện cần thiết để thực thi có hiệu quả việc bảo hộ quyền SHTT.


- Thúc đẩy vai trò của các tổ chức xã hội hỗ trợ thực hiện bảo hộ quyền SHTT: Để đổi mới và hoàn thiện bộ máy thực thi việc bảo hộ quyền SHTT, vai trò của các tổ chức xã hội có ý nghĩa rất quan trọng. Ở các nước có nhiều hiệp hội như Hiệp hội Đại diện Patent châu Á (APAA), Hiệp hội Nhãn hiệu Hàng hoá Cộng đồng châu Âu (ECTA), Hội Nhãn hiệu Hàng hoá Quốc tế (INTA),… Các hiệp hội này có điều lệ và cương lĩnh rõ ràng và hoạt động rất mạnh, nhằm hỗ trợ cho các cơ quan chính phủ, bảo đảm thực thi có hiệu quả quyền SHTT. Ở Việt Nam, một số tổ chức như Hiệp hội Sở hữu Công nghiệp, Hội Âm nhạc Việt Nam, hay Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả,… đã được thành lập và đi vào hoạt động. Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động của các tổ chức này còn hạn chế, chưa huy động hết tiềm năng của xã hội vào việc tăng cường bảo hộ quyền SHTT. Trong thời gian tới, việc xã hội hoá công tác bảo hộ quyền SHTT cần được tăng cường hơn nữa thông qua việc huy động tiềm năng của tất cả lực lượng xã hội vào công tác này.

3.2.2.2. Đổi mới và nâng cao năng lực của các cơ quan đảm bảo thực thi bảo hộ quyền SHTT

- Thiết lập một cơ quan thống nhất quản lý về quyền SHTT, kiện toàn hệ thống quản lý nhà nước về SHTT từ trung ương đến cơ sở. Đây là vấn đề cần thiết bởi lẽ các hoạt động liên quan đến quyền SHTT diễn ra và tác động tới tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội, và công nghệ và nguyên tắc điều chỉnh các hoạt động đó cần thống nhất và quy về một mối. Việc quy về một mối các cơ quan quản lý về quyền SHTT sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các chủ thể quyền với các thủ tục xác lập quyền đơn giản và thuận tiện hơn, đồng thời giúp thực thi tốt hơn luật về quyền SHTT, vì nó tránh được sự chồng chéo về chức năng giữa các cơ quan quản lý. Về khía cạnh này, kinh nghiệm của Singapore là đáng được học hỏi. Singapore nhận thức tầm quan trọng của các tài sản trí tuệ đối với nền kinh tế của họ, vừa như nguồn tài nguyên quốc gia vừa là nhân tố thu hút đầu tư nước ngoài. Để phát triển các tài sản trí tuệ trở thành một loại tài sản có tính chiến lược và khả năng cạnh tranh cao, Singapore thành lập Cơ quan SHTT- là cơ quan nửa tự

Xem tất cả 114 trang.

Ngày đăng: 15/09/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí