GTCG gồm những loại nào, trong đó chứng chỉ tiền gửi, sổ tiết kiệm cũng được xem là một loại GTCG nhận cầm cố. Theo số liệu sao kê tài sản bảo đảm quy đổi trong toàn hệ thống PG Bank trong năm 2011 (số liệu tính đến ngày 30 tháng 9 năm 2011) tại Báo cáo thống kê tình hình nhận tài sản bảo đảm trong toàn hệ thống ngân hàng PG Bank cho thấy, loại GTCG mà PG Bank nhận làm tài sản cầm cố chủ yếu là sổ tiết kiệm, các giấy tờ có giá khác chỉ là cổ phiếu, trái phiếu, kỳ phiếu do TCTD phát hành. Sổ tiết kiệm được nhập liệu và hạch toán vào mục GTCG, trị giá sổ tiết kiệm nhận cầm cố chiếm tỷ lệ 80% so với tổng giá trị các GTCG nhận cầm cố.
Mặc dù, xét về bản chất pháp lý sổ/thẻ tiết kiệm hay chứng chỉ tiền gửi không phải là GTCG mà chỉ là "chứng chỉ xác nhận quyền sở hữu của chủ sở hữu hoặc đồng chủ sở hữu tiền gửi về khoản tiền đã gửi tại tổ chức nhận tiền gửi tiết kiệm " [10, Khoản 7 Điều 6], nhưng hầu như các TCTD đều cho rằng chứng chỉ tiền gửi, sổ tiết kiệm là GTCG nên các TCTD đều xác lập giao dịch và nhận cầm cố chính sổ tiết kiệm, chứng chỉ tiền gửi như nhận cầm cố GTCG. Tức là, bên cầm cố thực hiện chuyển giao sổ tiết kiệm, chứng chỉ tiền gửi cho TCTD nắm giữ với tư cách là tài sản cầm cố, trong khi chính số tiền gửi được ghi trong sổ tiết kiệm, chứng chỉ tiền gửi đang gửi tại tổ chức nhận tiền gửi mới là tài sản cần chuyển giao. Vì vậy, nếu chiểu theo đúng quy định về xử lý tài sản cầm cố tại BLDS năm 2005 và Nghị định số 163 thì khi bên vay không thực hiện đúng nghĩa vụ trả nợ, TCTD chỉ được quyền xử lý tài sản cầm cố chính là sổ tiết kiệm, chứng chỉ tiền gửi chứ không phải xử lý số tiền gửi tại tổ chức nhận tiền gửi. Tuy nhiên, trên thực tế thì TCTD lại xử lý số tiền gửi tại tổ chức nhận tiền gửi bằng cách yêu cầu tổ chức nhận tiền gửi tự động trích chuyển số tiền gửi cho TCTD nhận bảo đảm và như vậy có thể thấy rằng trong trường hợp này TCTD đã thực hiện không phù hợp với quy định pháp luật về xử lý tài sản cầm cố.
Sở dĩ có sự nhầm lẫn trong việc xác định loại GTCG nhận làm tài sản bảo đảm như vừa phân tích trên đây là do pháp luật hiện hành về GTCG và
bảo đảm tiền vay bằng GTCG chưa đồng bộ, chưa có quy định thống nhất về khái niệm và các khía cạnh pháp lý liên quan đến GTCG nên rất khó xác định chính xác loại GTCG có thể dùng làm tài sản bảo đảm.
Thứ hai, tổ chức tín dụng chỉ nhận những GTCG thỏa mãn các điều kiện theo quy định của pháp luật và theo quy định của TCTD đã đặt ra làm tài sản bảo đảm.
Pháp luật hiện hành về GTCG và giao dịch bảo đảm (BLDS năm 2005, Nghị định số 163, Quy chế phát hành GTCG, Luật CCCCN, …) quy định cho phép người sở hữu GTCG được dùng GTCG làm tài sản bảo đảm nghĩa vụ dân sự, đồng thời cũng đặt ra các điều kiện để GTCG được "tham gia" vào các giao dịch dân sự.
Tại Quy chế phát hành GTCG quy định, GTCG do TCTD phát hành được dùng làm tài sản cầm cố tại TCTD nếu tổ chức tín dụng đó chấp thuận (khoản 1 Điều 15). Luật CCCCN cũng quy định hối phiếu đòi nợ, hối phiếu nhận nợ, séc được dùng làm tài sản cầm cố (Điều 36, Điều 57).
Bộ luật Dân sự năm 2005 ghi nhận theo hướng liệt kê các GTCG được dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự tại Điều 321 gồm trái phiếu, cổ phiếu, kỳ phiếu và GTCG khác. Nhưng tuyệt nhiên, Bộ luật này không có bất kỳ điều khoản nào quy định điều kiện để GTCG được dùng làm tài sản bảo đảm là gì, mặc dù, tại các Điều 320 và Điều 322 của Bộ luật lại quy định rất cụ thể các điều kiện để một tài sản là vật, là quyền tài sản được dùng làm tài sản bảo đảm, và trước đây tại Điều 327 BLDS năm 1995 cũng đã quy định chỉ có giấy tờ trị giá được bằng tiền, được phép giao dịch mới được dùng làm tài sản bảo đảm.
Đến Nghị định số 163, loại GTCG được dùng làm tài sản bảo đảm được quy định cụ thể hơn bao gồm cổ phiếu, trái phiếu, hối phiếu, kỳ phiếu, chứng chỉ tiền gửi, séc, giấy tờ có giá khác theo quy định của pháp luật, trị giá được thành tiền và được phép giao dịch (Khoản 9 Điều 3).
Việc một GTCG không được phép giao dịch trong nhiều trường hợp do tình trạng pháp lý của GTCG đó tại thời điểm xác lập giao dịch bảo đảm chưa thỏa mãn hết các điều kiện để được tham gia giao dịch (như cổ phiếu mà cổ đông chưa thanh toán hết tiền mua cổ phiếu hoặc cổ phiếu mà các bên thỏa thuận không được dùng làm tài sản bảo đảm). Các trường hợp khác, do pháp luật quy định GTCG không được "tham gia" một số giao dịch cụ thể. Ví dụ, theo khoản 2 Điều 10 Nghị định số 52 thì doanh nghiệp không được sử dụng trái phiếu do chính doanh nghiệp phát hành để chiết khấu, thế chấp, cầm cố trong các quan hệ tín dụng. Luật Các TCTD quy định TCTD không được cho vay trên cơ sở nhận bảo đảm bằng cổ phiếu của chính TCTD hoặc công ty con của TCTD, không được cho vay để góp vốn vào một TCTD khác trên cơ sở nhận tài sản bảo đảm bằng cổ phiếu của chính TCTD nhận vốn góp. Luật CCCCN quy định cấm chuyển nhượng hoặc nhận chuyển nhượng CCCN bị làm giả, bị sửa chữa, bị tẩy xóa; cấm chuyển nhượng CCCN khi đã biết CCCN đó đã quá hạn thanh toán hoặc đã bị từ chối chấp nhận, bị từ chối thanh toán hoặc đã được thông báo bị mất; hối phiếu đòi nợ không được chuyển nhượng nếu trên hối phiếu đòi nợ có ghi cụm từ "không được chuyển nhượng", "cấm chuyển nhượng", "không trả theo lệnh" hoặc cụm từ khác có ý nghĩa tương tự.
Có thể bạn quan tâm!
- Khái Niệm, Đặc Điểm, Phân Loại Bảo Đảm Tiền Vay Bằng Giấy Tờ Có Giá Tại Tổ Chức Tín Dụng
- Nội Dung Của Pháp Luật Về Bảo Đảm Tiền Vay Bằng Giấy Tờ Có Giá Tại Tổ Chức Tín Dụng
- Quy Định Của Pháp Luật Về Giải Quyết Tranh Chấp Liên Quan Đến Bảo Đảm Tiền Vay Bằng Giấy Tờ Có Giá
- Hợp Đồng Bảo Đảm Tiền Vay Bằng Giấy Tờ Có Giá Tại Tổ Chức Tín Dụng
- Chuyển Giao Và Quản Lý Tài Sản Bảo Đảm Là Giấy Tờ Có Giá
- Tranh Chấp Và Giải Quyết Tranh Chấp Về Bảo Đảm Tiền Vay Bằng Giấy Tờ Có Giá Tại Tổ Chức Tín Dụng
Xem toàn bộ 107 trang tài liệu này.
Qua phân tích trên đây cho thấy, pháp luật hiện hành chỉ quy định rằng, giấy tờ có giá làm tài sản bảo đảm là GTCG được phép giao dịch. Nhưng vấn đề đặt ra là phạm vi của "giao dịch" ở đây được hiểu gồm những giao dịch gì (giao dịch chuyển nhượng hay giao dịch bảo đảm, … hay phải tất cả các giao dịch)? Việc một GTCG có được tham gia giao dịch hay không phải được xem xét ở thời điểm nào (tại thời điểm GTCG tham gia giao dịch bảo đảm hay cả trong quá trình thực hiện giao dịch bảo đảm)?
Về điều kiện của GTCG dùng làm tài sản bảo đảm, Bộ luật Dân sự Nhật Bản có quy định rất rõ về trường hợp dùng cổ phiếu ghi danh để cầm cố. Theo quy định của Bộ luật này, "cổ phiếu có thể được chuyển giao thậm chí
cả trong trường hợp điều lệ của công ty quy định là phải có sự đồng ý của Ban giám đốc thì cổ phiếu vẫn có thể được bán đấu giá để việc cầm cố cổ phiếu có thể thực hiện được " [1, tr. 298].
Trên thực tế không phải tất cả các loại GTCG đều được TCTD nhận làm tài sản bảo đảm. Giấy tờ có giá mà các TCTD nhận làm tài sản bảo đảm chỉ giới hạn ở một số loại nhất định và phải thỏa mãn các điều kiện sau:
Điều kiện về chủ thể phát hành GTCG: tổ chức tín dụng thường chỉ nhận các GTCG do Chính phủ và các cơ quan được Chính phủ ủy quyền phát hành như Bộ Tài chính, Ủy ban nhân dân các Tỉnh,Thành phố trực thuộc Trung ương và GTCG do các TCTD khác phát hành. Riêng GTCG là cổ phiếu, hầu hết các TCTD chấp nhận cổ phiếu được niêm yết chính thức trên thị trường chứng khoán (TTCK) và cổ phiếu chưa niêm yết của các ngân hàng TMCP được đánh giá ở vị trí hàng đầu hay trung bình khá như cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Á Châu, của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín,...
Điều kiện về tình trạng sở hữu GTCG: giấy tờ có giá phải thuộc sở hữu hợp pháp của bên bảo đảm, không có tranh chấp về quyền sở hữu, không bị phong tỏa, không bị hạn chế quyền sở hữu.
Các điều kiện khác như: giấy tờ có giá khi ở dạng chứng chỉ phải còn nguyên hình, nguyên khổ, không rách rời, không chắp vá, không bị sửa chữa, tẩy xóa hoặc có dấu hiệu giả mạo.
Để GTCG nhận làm tài sản bảo đảm thỏa mãn các điều kiện đã đặt ra, các TCTD đều thực hiện thẩm định, kiểm tra GTCG rất kỹ lưỡng để xác định liệu GTCG do bên bảo đảm đề xuất dùng làm tài sản bảo đảm có thỏa mãn các điều kiện này hay không. Việc thẩm định GTCG thỏa mãn được các điều kiện này có ý nghĩa đảm bảo cho hợp đồng bảo đảm không bị vô hiệu, cũng như để thuận lợi cho TCTD khi phải xử lý GTCG để thu hồi nợ vay.
Các TCTD thực hiện kiểm tra "tính chân thực" của GTCG nhằm đảm bảo GTCG là thật; kiểm tra GTCG thuộc loại nào (trái phiếu, cổ phiếu hay kỳ
phiếu,…) do chủ thể nào phát hành (Chính phủ, Kho bạc nhà nước, TCTD,…); kiểm tra mệnh giá và lãi suất GTCG (lãi trả trước, lãi trả sau, lãi trả định kỳ) để xác định giá trị của GTCG từ đó xác định mức cho vay so với giá trị GTCG; kiểm tra thời hạn GTCG (ngắn hạn hay dài hạn, thời hạn còn lại của GTCG) để xác định thời gian cho vay,...
Tùy thuộc vào loại GTCG được lưu ký hay không lưu ký, được phát hành dưới hình thức ghi sổ hay chứng chỉ, các TCTD áp dụng các cách thức kiểm tra khác nhau. Đối với các GTCG không lưu ký, TCTD thực hiện kiểm tra bản gốc các GTCG do bên bảo đảm chuyển giao. Đối với các GTCG đang lưu ký tại các công ty lưu ký thì TCTD sẽ thông qua công ty lưu ký đó để xác minh các điều kiện của GTCG. Đối với các chứng chỉ nợ phát hành dưới dạng ghi sổ, TCTD thực hiện việc kiểm tra đối chiếu tại nơi thực hiện ghi sổ đăng ký quyền sở hữu chứng chỉ nợ. Đặc biệt là các GTCG phát hành dưới dạng chứng chỉ vô danh như công trái, trái phiếu ngân hàng,... thì TCTD thường thực hiện xác minh tại nơi phát hành để tránh nhận bảo đảm các GTCG giả mạo.
Thực tế hiện nay là, mỗi TCTD tự đặt ra các điều kiện khác nhau về GTCG nhận làm tài sản bảo đảm nên áp dụng cách thức kiểm tra, thẩm định điều kiện về GTCG cũng khác nhau. Có TCTD đưa ra các điều kiện rất "thông thoáng" nhưng cũng có những TCTD lại yêu cầu rất nhiều điều kiện "gây khó khăn" cho bên bảo đảm. Điều này xuất phát từ thực trạng quy định không đầy đủ và thiếu rõ ràng của pháp luật hiện hành về điều kiện của GTCG dùng làm tài sản bảo đảm, trong khi TCTD luôn đứng trước yêu cầu vừa phải phòng tránh các rủi ro pháp lý có thể xảy ra để đảm bảo an toàn hoạt động, vừa phải thúc đẩy hoạt động cho vay phát triển theo những chỉ tiêu, kế hoạch đã đặt ra. Các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần sớm xem xét ban hành văn bản pháp luật quy định cụ thể về điều kiện của GTCG được dùng làm tài sản bảo đảm, hướng dẫn cách thức kiểm tra, thẩm định GTCG dùng làm tài sản bảo đảm nhằm tạo cơ sở pháp lý thống nhất cho TCTD thực hiện trên thực tế.
2.1.2. Trình tự, thủ tục nhận tài sản bảo đảm là giấy tờ có giá tại tổ chức tín dụng
Cũng như nhận các tài sản bảo đảm khác, khi nhận GTCG để đảm bảo nghĩa vụ trả nợ tiền vay của bên vay, TCTD phải thực hiện theo một trình tự, thủ tục phù hợp với quy định của pháp luật và với thực tế hoạt động tại TCTD đó.
Cho đến nay, hệ thống văn bản pháp luật về giao dịch bảo đảm nói chung được thiết lập khá đầy đủ; trình tự, thủ tục nhận các tài sản như đất đai, nhà ở được quy định tại nhiều văn bản pháp luật khác nhau. Tuy nhiên, đối với trình tự, thủ tục nhận tài sản bảo đảm là GTCG lại chưa được quy định riêng tại bất kỳ văn bản pháp luật nào.
Vì vậy, trên thực tế, căn cứ vào những quy định của pháp luật về nhận tài sản bảo đảm nói chung như BLDS năm 2005, Nghị định số 163, Nghị định số 83, các TCTD đều tự xây dựng các quy định, hướng dẫn về trình tự, thủ tục nhận tài sản bảo đảm là GTCG để thực hiện phù hợp với đặc điểm hoạt động của chính TCTD đó. Do đó, trình tự, thủ tục nhận GTCG làm tài sản bảo đảm của các TCTD thường khác nhau, mỗi TCTD thực hiện theo "một phách" riêng biệt, dù rằng các TCTD đều hướng tới mục tiêu thực hiện biện pháp bảo đảm tiền vay bằng GTCG phù hợp quy định pháp luật, phù hợp với tình hình thực tế của bên bảo đảm, của chính TCTD cũng như phù hợp với tính chất, đặc điểm của tài sản bảo đảm là GTCG.
Qua tìm hiểu thực tế cũng như có cơ hội tìm hiểu các quy định nội bộ về nghiệp vụ cho vay có bảo đảm bằng GTCG tại một số TCTD có thể thấy rằng các TCTD thực hiện nghiệp vụ này theo trình tự gồm nhiều bước khác nhau, kèm theo đó yêu cầu bên vay, bên bảo đảm cung cấp các loại hồ sơ, tài liệu khác nhau, cũng như yêu cầu các tổ chức, cá nhân liên quan phối hợp thực hiện nhận tài sản bảo đảm là GTCG.
Đơn cử, tại Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PG Bank) quy trình thực hiện gồm các bước như kiểm tra điều kiện bảo đảm (điều kiện về
GTCG nhận bảo đảm, điều kiện về bên bảo đảm), định giá GTCG và xác định giá trị cho vay tối đa so với giá trị định giá GTCG, xác nhận số dư và phong tỏa GTCG, ký kết hợp đồng bảo đảm bằng GTCG, quản lý GTCG bảo đảm, giải tỏa, tất toán khoản vay. Trong khi, tại Ngân hàng TMCP Quân đội (MB Bank) thủ tục nhận GTCG làm tài sản bảo đảm là thu thập và thẩm định hồ sơ khách hàng, kiểm tra và thẩm định GTCG, soạn thảo và ký các hợp đồng, mẫu biểu (hợp đồng bảo đảm GTCG, giấy đề nghị trích tiền, chuyển quyền sở hữu GTCG và đề nghị phong tỏa GTCG), thực hiện các thủ tục phong tỏa GTCG và nhập kho tài sản bảo đảm, giải tỏa tài sản bảo đảm.
2.2. Phạm vi bảo đảm tiền vay bằng giấy tờ có giá
Trong quy trình nhận tài sản bảo đảm là GTCG của các TCTD, việc định giá GTCG được thực hiện ngay sau khi hoặc đồng thời với việc xác định các điều kiện của GTCG. Khi GTCG đáp ứng đủ các điều kiện để nhận làm tài sản bảo đảm thì GTCG cũng được TCTD định giá tức là xác định giá trị của nó.
Việc định giá GTCG là cơ sở để xác định phạm vi nghĩa vụ mà GTCG "có khả năng" đảm bảo tức là xác định mức cho vay hợp lý, phù hợp với quy định của pháp luật. Vì theo quy định của BLDS năm 2005 thì nghĩa vụ dân sự có thể được bảo đảm một phần hoặc toàn bộ kể cả nghĩa vụ trả lãi và bồi thường thiệt hại. Nên, các TCTD phải định giá GTCG để xác định mức cho vay bao nhiêu là đủ để chắc chắn rằng phạm vi nghĩa vụ cần được bảo đảm luôn nằm trong "khả năng bảo đảm" của GTCG. Việc cho vay vượt quá "khả năng bảo đảm" của GTCG là quyền của TCTD, do TCTD quyết định. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp pháp luật cũng có quy định hạn chế việc cho vay không có tài sản bảo đảm (kể cả không có bảo đảm đối với một phần hay toàn bộ nghĩa vụ trả nợ) hoặc cho vay với điều kiện ưu đãi. Ví dụ như theo quy định tại Quy chế cho vay của các TCTD đối với khách hàng ban hành kèm theo Quyết định số 1627/2001/QĐ-NHNN ngày 31 tháng 12 năm 2007
và theo Luật Các TCTD thì TCTD không được cho vay không có bảo đảm đối với một số đối tượng khách hàng cụ thể như cổ đông lớn, cổ đông sáng lập, các công ty con, công ty liên kết của TCTD hoặc doanh nghiệp mà TCTD nắm quyền kiểm soát.
Thực tế, việc xác định giá trị GTCG được lập thành văn bản định giá tài sản bảo đảm riêng biệt kèm theo hợp đồng bảo đảm hoặc được ghi trong hợp đồng bảo đảm hoặc hợp đồng cho vay kiêm bảo đảm tiền vay. Trong hợp đồng bảo đảm và hợp đồng cho vay thường có điều khoản xác định rõ giá trị của GTCG sau khi đã định giá, phạm vi nghĩa vụ trả nợ tiền vay mà GTCG bảo đảm là toàn bộ hay một phần, cụ thể ở mức bao nhiêu.
Ngoài ra, việc định giá GTCG có ý nghĩa rất quan trọng khi TCTD phải xử lý GTCG để thu hồi nợ vay (mặc dù các TCTD khi định giá GTCG chỉ để làm cơ sở xác định mức cho vay, không làm căn cứ để xử lý GTCG để thu hồi nợ vay). Nếu GTCG được định giá chính xác thì khi xử lý GTCG sẽ có khả năng thu hồi đủ khoản tiền vay mà bên vay đáng lẽ phải trả cho TCTD vì GTCG được bám sát với giá đã được định giá. Ngược lại, nếu GTCG được định giá quá cao so với giá thực tế khi xử lý GTCG thì khả năng thu hồi đủ nợ sẽ khó đạt được như mong muốn.
Vì GTCG có nhiều loại với tính chất, đặc điểm khác nhau nên TCTD thực hiện định giá theo các phương thức khác nhau phù hợp với từng loại GTCG. Phương thức định giá mà các TCTD có thể áp dụng rất đa dạng như tự định giá hoặc thuê tư vấn định giá hoặc thuê thẩm định giá. Mặc dù vậy, trên thực tế, các TCTD thường áp dụng phương thức tự định giá bằng cách căn cứ vào mệnh giá (cộng lãi suất) của GTCG, kết hợp với tham khảo giá trên thị trường và tự phân tích tình hình hoạt động cũng như các thông tin liên quan của tổ chức phát hành, trong đó có tính đến xu hướng biến động giá trong tương lai.
Tại quy định về sản phẩm cho vay cầm cố GTCG của PG Bank, GTCG được định giá như sau: