Nguyên Nhân Của Những Hạn Chế, Vướng Mắc

Thực tế cũng cho thấy rằng, kiểm sát viên có thể kiểm soát được những tài liệu, chứng cứ nào được đưa vào hồ sơ vụ án, định hướng được trước những diễn biến phiên tòa thông qua việc đề nghị danh sách những người được triệu tập để xét hỏi tại phiên tòa để Tòa án quyết định triệu tập nên có thể đề xuất triệu tập những người làm chứng có lợi cho việc buộc tội của kiểm sát viên. Do vậy, Hội đồng xét xử trong các vụ án cần nhìn nhận bình đẳng những chứng cứ do người bào chữa đưa ra với những chứng cứ do cơ quan điều tra đã thu thập được và kiểm sát viên đưa vào hồ sơ. Khi thực hiện tranh tụng Hội đồng xét xử không hạn chế thời gian trình bày của người bào chữa về việc đối đáp với kiểm sát viên tại phiên tòa, trong trường hợp cần thiết chủ tọa phiên tòa cần yêu cầu kiểm sát viên đối đáp lại với người bào chữa. Trong thực tế, người bào chữa, tuy được tiến hành thu thập chứng cứ nhưng pháp luật chưa nêu rò cụ thể thủ tục quyền thu thập chứng cứ, tài liệu có liên quan đến vụ án. Nên khi thực hiện việc bào chữa họ chỉ dựa vào các chứng cứ do bên buộc tội cung cấp, điều này vô hình dung đã không tạo được sự bình đẳng giữa các bên trong tranh tụng, dẫn đến hạn chế chất lượng tranh tụng hạn chế việc làm rò sự thật khách quan của vụ án; do vậy, cần phải có sự nghiên cứu để sửa đổi bổ sung đối với vấn đề nêu trên, để việc tranh tụng thực sự có hiệu quả cao nhất.

Năm là, về xét xử. Thẩm phán tham gia chủ tọa, xét xử tại phiên tòa có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo cho chất lượng tranh tụng giữa kiểm sát viên và người bào chữa. Thực tế công tác xét xử thời gian qua cho thấy rằng, bên cạnh những phiên tòa xét xử đúng với tinh thần tranh tụng, thì cũng còn có những phiên tòa không đạt yêu cầu. Do công tác chuẩn bị xét xử chưa được tốt, chưa nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án, khi chuẩn bị phiên tòa, dẫn đến trong phiên tòa đánh giá chứng cứ không đầy đủ, thiếu chính xác nên vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng hình sự, không áp dụng kịp thời các văn bản pháp luật mới, không áp dụng đầy đủ các quy định của pháp luật hoặc các hướng dẫn phải áp dụng trong công tác xét xử... dẫn đến xét xử oan, sai. Ngược lại, có những trường hợp do đánh giá chứng cứ không chính xác, nhận thức không đầy đủ về quy định của pháp luật nên lẽ ra phải kết án đối với bị cáo lại tuyên bị cáo không có tội. Ngoài ra, trong thực tế cũng còn những vụ án đưa ra xét xử chưa đảm bảo thủ tục tố tụng như xét xử vắng mặt bị cáo nhưng không có lệnh truy nã và kết quả truy nã; xét xử bị cáo chưa thành niên mà không

có người đại diện hợp pháp của bị cáo hoặc nhà trường tham gia… Tại phiên tòa, cũng còn những vụ án mà thẩm phán chủ tọa phiên tòa khi xét hỏi bị cáo thường thẩm vấn theo hướng buộc tội như cáo trạng của Viện kiểm sát, giúp Viện kiểm sát bảo vệ cáo trạng… nên việc đưa ra phán quyết chưa đảm bảo dựa trên kết quả tranh tụng tại phiên tòa.

3.2.4.2. Nguyên nhân của những hạn chế, vướng mắc

Thứ nhất, nguyên nhân về mô hình tố tụng

Chúng ta đều biết, mô hình tố tụng của Việt Nam hiện này là mô hình tố tụng xét hỏi có tăng cường những yếu tố tranh tụng. Việc chứng minh vụ án hình sự hoàn toàn do trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng và đặc trưng của mô hình tố tụng Việt Nam hiện nay là sự mờ nhạt, thụ động của các chủ thể khác. Hạn chế này cho thấy nó không đảm bảo các nguyên tắc khác của TTHS trong đó có nguyên tắc suy đoán vô tội. Bên cạnh đó, mô hình tố tụng hiện này còn cho thấy nó chưa có sự phân biệt rò ràng, rành mạch các chức năng của tố tụng là chức năng buộc tội, chức năng bào chữa và chức năng xét xử. Bộ luật tố tụng hình sự cũng thiết kế không theo chức năng này mà theo thẩm quyền của từng cơ quan trong quá trình tố tụng hình sự được phân chia thành các giai đoạn. Chính vì không có sự rành mạch về chức năng dẫn đến sự chồng lấn trong chức năng, ví dụ Toà án có chức năng buộc tội như trả hồ sơ để điều tra bổ sung, khởi tố vụ án hình sự. Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 đã cho thấy những sửa đổi, bổ sung quan trọng nhưng nhìn chung chưa cho thấy sự thay đổi về mô hình tố tụng. Tố tụng của chúng ta vẫn là tố tụng xét hỏi có cài đặt yếu tố tranh tụng bằng việc quy định nguyên tắc tranh tụng và bổ sung thêm các quy định nhằm tăng cường tranh tụng. Tuy nhiên, nhiều quy định, đặc biệt là quy định các quyền tố tụng của các chủ thể có trong mô hình tranh tụng được bổ sung nhưng thực tế cho thấy sự cài đặt này là không nhuần nhuyễn. Những quyền tố tụng, ví dụ quyền bào chữa, tranh tụng chỉ phát huy hiệu quả cao khi và chỉ khi nó được đặt trong mô hình tố tụng tranh tụng thực chất. Chính vì vậy tố tụng hình sự Việt Nam chứa đựng các yếu tố của tố tụng buộc tội. Quá trình tố tụng là quá trình buộc tội qua các giai đoạn, mức độ khác nhau và các chủ thể khác nhau để buộc tội [123].

Thứ hai, nguyên nhân về quy định của pháp luật

Một là, bất cập trong quy định tại Điều 13 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về nguyên tắc suy đoán vô tội.

Nguyên tắc suy đoán vô tội được quy định chính thức tại khoản 1 Điều 31 Hiến pháp năm 2013 và được cụ thể hóa tại Điều 13 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015: “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội”. Suy đoán được hiểu là sự công nhận một vấn đề nào đó là đúng cho đến khi chứng minh được điều ngược lại. Trong pháp luật, là suy đoán pháp lý nên suy đoán vô tội là một quan điểm pháp lý coi một người không phải là người phạm tội khi người đó chưa bị Tòa án kết tội bằng bản án có hiệu lực pháp luật. Suy đoán vô tội thể hiện quan điểm của Nhà nước tôn trọng danh dự, nhân phẩm của con người, tôn trọng tính “bản thiện”, loại trừ định kiến, kết tội một chiều trong quá trình tố tụng. Do đó, để đảm bảo thực hiện nguyên tắc suy đoán vô tội trong pháp luật tố tụng hình sự cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật tố tụng hình sự nói chung, các quy định về bảo đảm quyền được suy đoán vô tội nói riêng. Mặc dù, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã được sửa đổi, bổ sung rất cơ bản, đồng bộ, có căn cứ khoa học, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm trong giai đoạn hiện nay, tuy nhiên, để đảm bảo thực hiện hiệu quả nguyên tắc suy đoán vô tội, chúng tôi cho rằng, cần tiếp tục nghiên cứu để bổ sung và hoàn thiện hơn.

Hai là, bất cập trong quy định về một số nguyên tắc khác có liên quan đến việc bảo đảm thực hiện nguyên tắc suy đoán vô tội.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 192 trang tài liệu này.

- Bất cập trong quy định tại Điều 7 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 về bảo đảm pháp chế xã hội chủ nghĩa trong tố tụng hình sự.

Theo quy định tại Điều 7 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 thì, mọi hoạt động tố tụng hình sự phải được thực hiện theo quy định của Bộ luật này. Không được giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử ngoài những căn cứ và trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định. Quy định này mới chỉ nhấn

Bảo đảm thực hiện nguyên tắc suy đoán vô tội trong pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam hiện nay - 17

mạnh về tính hợp pháp của các hoạt động tố tụng mà chưa đề cập đến hậu quả pháp lý của việc vi phạm pháp chế nên ít nhiều có ảnh hưởng đến nguyên tắc suy đoán vô tội.

- Bất cập trong quy định tại Điều 15 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về “Xác định sự thật của vụ án”.

Điều 15 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 chỉ quy định trách nhiệm chứng minh tội phạm của cơ quan có thẩm quyền tố tụng và quyền không buộc phải chứng minh là mình vô tội của người bị buộc tội nhưng chưa quy định trách nhiệm bảo đảm đảm quyền được suy đoán vô tội của người bị buộc tội của các cơ quan này.

- Bất cập trong quy định tại Điều 26 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm.

Với tên gọi “Tranh tụng trong xét xử được bảo đảm sẽ dẫn đến tình trạng thực hiện không đúng tinh thần của nguyên tắc là chỉ nhìn nhận tranh tụng chỉ diễn ra trong xét xử và đã phủ nhận những quy định về quyền được tranh tụng giữa bên buộc tội và bên gỡ tội trước khi mở phiên tòa và cả sau phiên tòa nên cũng ảnh hưởng đến nguyên tắc suy đoán vô tội. Về nội dung của hoạt động tranh tụng. Vấn đề đặt ra của việc thể hiện nguyên tắc tranh tụng trong tố tụng hình sự đó chính là, việc tranh tụng trong vụ án hình sự được thực hiện như thế nào, nhiệm vụ quyền hạn của các bên tham gia vào quá trình tranh tụng được thể hiện ra sao? Đây là vấn đề mà nguyên tắc tranh tụng của Bộ luật tố tụng hình sự cần thể hiện cụ thể để có thể áp dụng trên thực tiễn cụ thể.

- Bất cập trong quy định tại Điều 16 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 về nguyên tắc bảo đảm quyền bào chữa của người bị buộc tội... Theo đó người bị buộc tội có quyền tự bào chữa, nhờ người khác bào chữa. Do nội dung quy định này diễn đạt theo hướng người bị buộc tội có quyền nhờ người khác bào chữa nên cũng hạn chế đến quyền được suy đoán vô tội. Đặc biệt là đối với những trường hợp bào chữa chỉ định.

Ba là, các quy định về chứng cứ.

Về nguyên tắc, mọi chứng cứ do người có thẩm quyền thu thập đúng trình tự, thủ tục đều có giá trị pháp lý ngang nhau nên phải được đánh giá, sử dụng như nhau nhưng Bộ luật tố tụng hình sự Việt Nam chưa thể hiện được điều này. Vẫn còn sự bất bình đẳng trong thu thập, đánh giá chứng cứ. Bộ luật tố tụng hình sự quy định

luật sư có quyền thu thập tài liệu, đồ vật, nhưng lại chưa quy định cụ thể về trình tự, thủ tục thu thập chứng cứ của luật sư. Giá trị pháp lý của tài liệu, đồ vật do luật sư thu thập không cao, thậm chí không được cơ quan tiến hành tố tụng chấp nhận. Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 không lượng hóa chứng cứ để chứng minh trong vụ án hình sự, mà chỉ quy định “chứng cứ thu thập được phải bảo đảm đủ để giải quyết vụ án hình sự” nên trong mỗi vụ án cụ thể, cơ quan tiến hành tố tụng có quyền xác định số lượng chứng cứ cần và đủ để giải quyết vụ án hình sự. Trường hợp chứng cứ do luật sư cung cấp hoàn toàn khách quan và tin cậy, có ý nghĩa quan trọng đối với quá trình giải quyết vụ án nhưng cơ quan tố tụng lại xem nhẹ vì cho rằng họ đã xác định số lượng [116]. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến việc bảo đảm thực hiện nguyên tắc suy đoán vô tội. Mặt khác, mặc dù đã có nhiều quy định mới được sửa đổi bổ sung góp phần nâng cao vị trí của luật sư trong việc thực hiện chức năng bào chữa của mình nhưng, thực tiễn hoạt động thu thập chứng cứ của Luật sư vẫn không ít khó khăn, chưa có cơ chế bảo đảm thực hiện. Khoản 4 Điều 88 Bộ luật tố tụng hình sự quy định: “Khi tiếp nhận chứng cứ, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử liên quan đến vụ án do những người quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này cung cấp, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải lập biên bản giao nhận và kiểm tra, đánh giá theo quy định của Bộ luật này”. Như vậy, sau khi thu thập được tài liệu, đồ vật… thì việc đánh giá xem đó có phải là chứng cứ hay không và việc quyết định có sử dụng hay không lại phụ thuộc hoàn toàn vào cơ quan tiến hành tố tụng. Một bên gỡ tội thực hiện thu thập các chứng cứ gỡ tội, khi thu thập được lại phải kịp thời giao nộp cho bên buộc tội (cơ quan tiến hành tố tụng – Viện kiểm sát), dẫn đến sự thiếu khách quan, trong nhiều trường hợp khi giao nộp những chứng cứ quan trọng sẽ bị vô hiệu hóa dẫn đến giá trị chứng minh không còn. Nên thực tiễn khi thu thập được chứng cứ quan trọng, quyết định việc có tội hay không có tội của bị can, bị cáo thì thông thường luật sư sẽ không tiến hành giao nộp ngay mà chỉ đợi đến khi phiên tòa được mở, thậm chí đến phần tranh luận mới xuất trình, gây khó khăn trong quá trình xem xét đánh giá chứng cứ của Tòa án. Ngoài ra, hoạt động thu thập chứng cứ bằng việc đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử liên quan đến việc bào chữa. Quy định này rất hình thức bởi thực tiễn, rất hiếm trường hợp Luật sư đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân đặc biệt là cơ

quan, tổ chức Nhà nước cung cấp được các tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử liên quan đến việc bào chữa. Khi nhận được sự bất hợp tác của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc cung cấp các tài liệu, đồ vật thì Luật sư lại phải quay sang “đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng” thu thập. Như vậy, hoạt động thu thập chứng cứ của Luật sư vẫn trở lại bằng việc đề nghị cơ quan tiến hành tố tụng tiến hành thu thập; việc xem xét có tiến hành theo đề nghị của Luật sư hay không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của chủ thể tiến hành tố tụng trong việc đánh giá xem Luật sư đã sử dụng mọi biện pháp cần thiết nhưng không thể thu thập chứng cứ được hay chưa [134].

Bốn là, bất cập trong quy định của những vấn đề khác có liên quan như căn cứ áp dụng biện pháp bắt, tạm giữ, tạm giam; quy định về giới hạn xét xử (Điều 298); quy định cụ thể về quyền im lặng của người bị buộc tội và nghĩa vụ của người có thẩm quyền trong việc giải thích cho người bị bắt, bị tạm giữ, bị khởi tố bị can về quyền im lặng của họ; quy định về thẩm quyền khởi tố vụ án của Tòa án; quy định về trả hồ sơ để điều tra bổ sung của Tòa án; quyền điều tra của Tòa án trong giải quyết vụ án hình sự…; về khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự....

Thứ ba, các nguyên nhân về tổ chức và thực hiện.

Một là, các cơ quan tiến hành tố tụng chưa làm hết trách nhiệm, trong việc quản lý giám sát việc thực thi nhiệm vụ của những người được giao thẩm quyền tiến hành tố tụng.

Hai là, những người có thẩm quyền tiến hành tố tụng chưa nhận thức hết, chưa nhận thức đầy đủ nội dung, ý nghĩa và tầm quan trọng của nguyên tắc suy đoán vô tội, cũng như chưa hội tụ đầy đủ năng lực, cái tâm, cái tầm để thực hiện nhiệm vụ. Do vậy, phải lấy nhận thức là quan trọng hàng đầu để thực hiện hành vi không tắc trách, không trệch hướng trong việc bảo đảm thực hiện nguyên tắc suy đoán vô tội trong pháp luật tố tụng hình sự.

Ba là, chưa thực hiện nghiêm chỉnh quy định về trách nhiệm chứng minh tội phạm trong tố tụng hình sự.

Bốn là, quyền được suy đoán vô tội của người bị buộc tội chưa được cơ quan có thẩm quyền, người được giao thẩm quyền, đánh giá như nghĩa vụ và trách nhiệm

phải bảo đảm thực hiện nguyên tắc suy đoán vô tội mà đã được pháp luật tố tụng hình sự quy định.

Năm là, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, lương tâm, đạo đức nghề nghiệp của một số người có thẩm quyền tiến hành tố tụng còn hạn chế, cần phải có nhận thức đổi mới cho phù hợp với xu thế phát triển đất nước hòa nhập và hội nhập quốc tế.

Sáu là, công tác kiểm tra, giám sát hoạt động áp dụng pháp luật trong tố tụng hình sự chưa được triệt để chú trọng, cần phải được quan tâm nhiều hơn nữa.

Bảy là, công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành và phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng còn lỏng lẻo, chưa đắp ứng với yêu cầu nhiệm vụ trong việc bảo đảm thực hiện nguyên tắc suy đoán vô tội trong pháp luật tố tụng hình sự.

Tám là, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo đảm thực hiện nguyên tắc suy đoán vô tội đối với các cơ quan tiến hành tố tụng và người được giao thẩm quyền tiến hành tố tụng còn hạn chế.

KẾT LUẬN CHƯƠNG 3

Trên cơ sở phân tích, đánh giá thực trạng pháp luật và thực tiễn bảo đảm thực hiện nguyên tắc suy đoán vô tội trong pháp luật tố tụng hình sự ở Việt Nam hiện nay, cho phép rút ra một số kết luận sau đây:

1. Suy đoán vô tội là một nguyên tắc cơ bản trong tố tụng hình sự, góp phần đảm bảo các quyền con người, quyền công dân. Bởi vậy, bảo đảm thực hiện các quy định về suy đoán vô tội có ý nghĩa quan trọng trong việc đảm bảo xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật và không làm oan người vô tội. Trên cơ sở Hiến pháp năm 2013, nguyên tắc suy đoán vô tội đã chính thức được khẳng định, thể chế hóa tương đối căn bản trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và đặc biệt là cùng với việc bổ sung nguyên tắc “Tranh tụng trong xét xử được bảo đảm” đã tạo cơ sở đặc biệt quan trọng cho việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả bảo đảm quyền được suy đoán vô tội của người bị buộc tội.

2. Thực tiễn thực hiện nguyên tắc suy đoán vô tội trên thực tế cũng còn nhiều vấn đề cần quan tâm và rút kinh nghiệm, đặc biệt là yêu cầu về nhận thức và việc áp dụng nguyên tắc này trong suốt các giai đoạn của quá trình tố tụng. Kể cả khi bản án đã có hiệu lực pháp luật, người bị kết án vẫn có quyền được thực hiện suy đoán vô tội để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình, bảo vệ sự thật và công lý. Cũng từ thực tiễn thực hiện cho thấy, quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 vẫn có những hạn chế, bất cập, ảnh hưởng đến bảo đảm thực hiện nguyên tắc suy đoán vô tội. Bởi vậy, việc tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 là cần thiết, đặc biệt là những quy định liên quan đến bảo đảm quyền bào chữa của người bị buộc tội; việc cung cấp chứng cứ; quyền im lặng của người bị buộc tội, tranh tụng và trình tự xét hỏi tại phiên tòa hình sự nhằm bảo đảm suy đoán vô tội.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 07/06/2022