Bảo đảm quyền con người của phụ nữ trong bối cảnh HIV AIDS ở Việt Nam - 10

2.2.1.7 Công tác an toàn truyền máu

An toàn máu tại Việt Nam luôn là một trong những nền tảng của can thiệp ngành y tế cho phòng chống HIV. Theo báo cáo của Ủy ban truyền máu Quốc gia năm 2011, về hoạt đồng của 82 trung tâm máu/phòng thí nghiệm sàng lọc máu, có

313.453 đơn vị máu được thu thập trên toàn quốc với 248.610 đơn vị đến từ những người cho máu tính nguyện. 100% các đơn vị máu được sàng lọc HIV, viêm gan B, C, giang mai, bệnh sốt rét. Trong số này, 369 đơn vị máu xét nghiệm dương tính với HIV [3]. Làm hạn chế đến mức thấp nhất trường hợp lây nhiễm HIV qua đường truyền máu, đặc biệt đối với phụ nữ đối tượng có nhu cầu truyền máu cao do mất máu trong quá trình sinh nở.

2.2.1.8 Công tác chăm sóc và điều trị cho người nhiễm HIV

Chương trình đã tập trung triển khai tại các cơ sở y tế tại tuyến tỉnh và tuyến huyện với các gói dịch vụ chăm sóc kết hợp giữa cơ sở y tế với dịch vụ chăm sóc dựa vào gia đình và cộng đồng. Trong những năm qua, chương trình không ngừng được mở rộng, từ 2 điểm điều trị ARV năm 2003 lên 315 điểm điều trị ARV vào năm 2010 [23]. Tổng số người điều trị ARV đến cuối năm 2010 gần 50.000 người, tăng gấp 16,7 lần so với năm 2005, chương trình điều trị đáp ứng được 60% nhu cầu điều trị ARV của bệnh nhân [23]. Với việc mở rộng việc tiếp cận với chương trình điều trị ARV đã góp phần làm giảm số ca tử vong do HIV/AIDS từ hơn 6000 ca mỗi năm trước năm 2006 xuống còn 2.500 ca mỗi năm trong 2 năm gần đây. Cũng nhờ chương trình điều trị đã giúp cho hàng chục ngàn người nhiễm HIV vẫn đang lao động bình thường và tiếp tục cống hiến cho xã hội [23].

2.2.1.9 Kinh phí dành cho công tác phòng, chống HIV/AIDS

Ngân sách nhà nước dành cho các chương trình về phòng, chống HIV/AIDS ngày càng tăng. Tổng kinh phí đầu tư trong giai đoạn 2004-2009 là 3.824 tỷ đồng, trong đó năm 2009 là 765 tỷ đồng, tăng gấp 2,7 lần so với năm 2004 [23]. Tỷ lệ ngân sách đầu tư cho công tác phòng, chống HIV trung ương mỗi năm chiếm 1,7% tổng ngân sách chi cho y tế. Tuy vậy, so với dự toán kinh phí của Chiến lược quốc gia, nguồn kinh phí được đầu tư mới đáp ứng được 78% nhu cầu [23]. Trong đó,

nguồn kinh phí nước ngoài là 2.129 tỷ đồng, chiếm 71% tổng kinh phí đầu tư cho phòng, chống HIV/AIDS [23].

2.2.2 Hạn chế trong việc bảo đảm quyền của phụ nữ trong bối cảnh HIV/AIDS ở Việt Nam

Phụ nữ - nhóm đối tượng bị tổn thương kép trong bối cảnh HIV/AIDS, thể hiện ở việc có nguy cơ lây nhiễm HIV cao và bị phân biệt đối xử nghiêm trọng khi bị nhiễm HIV.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 96 trang tài liệu này.

Ở Việt Nam, vai trò phụ thuộc về mặt kinh tế vì vậy phụ nữ khó có cơ hội thực hiện quyền tự chủ và không có đủ nguồn lực nhất định để thực hiện các quyền con người của mình. Điều đó dẫn đến hậu quả là họ khó có thể chủ động về địa điểm cũng như cách thức quan hệ tình dục an toàn. Do đó nguy cơ phơi nhiễm HIV là khó tránh khỏi.

Hơn nữa, những chuẩn mực về giới có ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người phụ nữ. Phụ nữ thường phải giữ gìn đạo đức, tiết hạnh và có trách nhiệm phải chung thủy với chồng, trong khi đó nam giới có thể có nhiều bạn tình và có thể có quan hệ ngoài hôn nhân, do vậy làm tăng nguy cơ lây nhiễm HIV đối với phụ nữ. Ngoài ra, các chuẩn mực xã hội lâu đời ở Việt Nam không khuyến khích thảo luận cởi mở về tình dục, điều này hạn chế cơ hội của phụ nữ để có được tình dục an toàn, đi xét nghiệm HIV và các hành động dự phòng khác.

Bảo đảm quyền con người của phụ nữ trong bối cảnh HIV AIDS ở Việt Nam - 10

Bạo hành đối với phụ nữ: Một nghiên cứu tiến hành năm 2006 đã cho thấy 21,2% các cặp vợ chồng đã trải qua ít nhất một loại hình nào đó của bạo hành gia đình, như bạo hành về lời nói, bạo hành tinh thần, thân thể hoặc tình dục. Các nghiên cứu khác ở quy mô nhỏ hơn ước tính từ 16% đến 37% là bạo hành thân thể, 19% đến 55% là bạo hành tinh thần và 6,6% đến 33% là bạo hành tình dục [44,12]) là một nguyên nhân khác khiến phụ nữ có nguy cơ lây nhiễm HIV cao hơn.

Bất bình đẳng giới hạn chế khả năng tiếp cận của phụ nữ đối với sự chăm sóc và các dịch vụ xã hội. Các số liệu thống kê cho thấy so với nam giới, phụ nữ đi xét nghiệm HIV ít hơn và có ít thông tin về dự phòng HIV hơn. Theo điều tra các chỉ tiêu dân số và HIV/AIDS của Việt Nam năm 2005 chỉ có 2,1% phụ nữ độ tuổi từ 15

– 49 đi xét nghiệm HIV trong 12 tháng qua và biết kết quả (so với 2,6% nam giới)

[44]. Điều tra quốc gia về thanh niên và vị thành niên Việt Nam năm 2009 cho thấy nữ thanh niên hiểu biết về các biện pháp phòng ngừa lây truyền HIV ít hơn nam thanh niên [44].

Mặt khác phụ nữ bị nhiễm HIV thường bị xã hội nhìn nhận theo hướng tiêu cực và thường bị đánh giá là suy đồi về đạo đức, nhân phẩm. Phụ nữ có HIV thường bị quan niệm là đối tượng của tệ nạn xã hội, đi liền với mại dâm, trong khi bản thân người phụ nữ phần nhiều là lây nhiễm từ chồng, từ bạn tình hoặc do chăm sóc người bệnh ở nhà và các cơ sở điều trị.

Những sự khác biệt trong các hoạt động chăm sóc cũng khá phổ biến. Những người đàn ông sống với HIV/AIDS luôn được mẹ và vợ chăm sóc nhưng nếu phụ nữ nhiễm HIV/AIDS thì những người trong gia đình chồng có thể bỏ mặc thậm chí có thể bắt người phụ nữ phải tách khỏi những đứa con của mình [44,14].

Các chuẩn mực văn hóa liên quan đến giới và tình dục cũng làm tăng sự kỳ thị đối với phụ nữ. Do lo sợ bị kỳ thị nhiều người đã không tìm kiếm thông tin và các dịch vụ dự phòng lây nhiễm HIV hoặc các dịch vụ chăm sóc và điều trị khi họ biết bản thân đã có HIV.

Trong văn hóa Việt Nam, người phụ nữ được trông đợi phải hi sinh toàn bộ cuộc đời họ cho gia đình trong khi nam giới lại không phải chịu áp lực này. Dường như xã hội dễ chấp nhận những người nam giới sống với HIV/AIDS hơn so với phụ nữ. Nếu một người đàn ông bị nhiễm HIV do sử dụng ma túy anh ta được coi là “nạn nhân của tệ nạn xã hội” còn nếu một người phụ nữ bị nhiễm HIV thì sẽ bị xã hội chê trách, phê phán bởi vì người ta cho rằng phụ nữ đó đã vi phạm một chuẩn mực đạo đức cơ bản của xã hội. Bằng chứng về thành kiến của xã hội đối với người phụ nữ đã được chứng minh với việc nhiều người trả lời phỏng vấn trong một cuộc nghiên cứu liên quan đến mại dâm nữ đã cho biết họ coi mại dâm nữ là tệ nạn đáng sợ hơn so với sử dụng ma túy ở nam giới [44].

Như vậy, bất bình đẳng giới ở Việt Nam có ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc thực hiện các quyền của phụ nữ có HIV/AIDS.

Mặc dù đạt được những thành tựu nhất định trong các chương trình liên quan

đến phòng, chống HIV/AIDS nhưng những chương trình này vẫn còn những hạn chế nhất định, đó là khó khăn trong việc mở rộng phạm vi của các chương trình này. Hiện nay, một số chương trình mới chỉ được thực hiện thí điểm ở một số tỉnh, thành trong cả nước dẫn đến cơ hội tiếp cận với các dịch vụ của các chương trình này còn hạn chế. Đặc biệt đối với nhóm phụ nữ có HIV và nguy cơ lây nhiễm HIV cao như phụ nữ trong các trung tâm chữa bệnh, trung tâm giáo dục, lao động xã hội và trong các trại giam, trại tạm giam, việc tiếp cận với các dịch vụ về HIV còn rất hạn chế. Phạm vi hoạt động của các chương trình điều trị bằng thuốc thay thế vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu. Mô hình triển khai chương trình dự phòng nhiễm HIV từ mẹ sang con chưa phù hợp với đặc điểm của các khu vực địa lý khác nhau, tạo rào cản đối với việc đạt mục tiêu 100% phụ nữ mang thai được xét nghiệm HIV, tỷ lệ tiếp cận với dịch vụ này còn thấp, chỉ có 45% phụ nữ sống chung với HIV cho biết đã từng tiếp cận được với dịch vụ PLTMC khi mang thai, thậm chí có 01 phụ nữ cho biết chị bị từ chối cung cấp dịch vụ [3]

Tình trạng kỳ thị, phân biệt đối xử với những người tiêm chích ma túy, với phụ nữ mại dâm và những người có HIV còn diễn ra rất phổ biến. Vẫn có những trường hợp người có HIV bị từ chối nhận vào học, người lao động nhiễm HIV bị cho thôi việc, người sử dụng ma túy và mại dâm trong các cơ sở khép kín không được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc và điều trị HIV. Chính sự thiếu hiểu biết về HIV/AIDS, thành kiến của xã hội và sự thiếu kiến thức về quyền của người sống chung với HIV là nguyên nhân chính dẫn đến sự phân biệt đối xử này.

Nguồn kinh phí cho các chương trình về phòng, chống HIV/AIDS còn hạn chế. Ngân sách quốc gia và địa phương cho các chương trình này còn thấp. Thêm vào đó, phần lớn ngân sách hiện tại cho các chương trình này đến từ các nhà tài trợ quốc tế. Mặt khác, Việt Nam đã trở thành quốc gia có thu nhập trung bình, cùng với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu là những yếu tố khiến nguồn tài trợ quốc tế có nguy cơ bị cắt giảm. Các nhà tài trợ đã có kế hoạch kết thúc hoặc sẽ giảm đáng kể nguồn tại trợ hiện có (như trong trường hợp của PEPFAR) và hơn nữa Việt Nam cũng chưa thể phân bổ đủ ngân sách quốc gia để bù đắp vào phần ngân sách thiếu hụt.

Cơ hội được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc và điều trị HIV/AIDS của

phụ nữ còn hạn chế một phần là do những khó khăn xuất phát từ hệ thống y tế. Sự thiếu hụt nhân sự, cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc men cho việc xét nghiệm, khám và điều trị cho người nhiễm HIV. Chế độ đãi ngộ còn chưa phù hợp với áp lực và tính chất nguy hiểm của công việc đối với những cán bộ y tế làm việc trong lĩnh vực này, do vậy không thu hút được các cán bộ có kinh nghiệm, có tâm huyết gắn bó với nghề.

Các chương trình về HIV/AIDS chủ yếu tập trung vào việc tư vấn các thông tin liên quan đến HIV/AIDS và mục đích chăm sóc, điều trị cho người có HIV/AIDS mà chưa coi trọng việc tư vấn về quyền của phụ nữ có HIV/AIDS cũng như trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức trong xã hội đối với phụ nữ có HIV/AIDS.

2.3 Giải pháp bảo đảm quyền con người của phụ nữ trong bối cảnh HIV/AIDS ở Việt Nam

2.3.1 Giải pháp về pháp luật trong việc bảo đảm các quyền con người của phụ nữ trong bối cảnh HIV/AIDS ở Việt Nam

Xuất phát từ những hạn chế của pháp luật Việt Nam, một việc làm cấp thiết là rà soát lại hệ thống các văn bản pháp luật Việt Nam để thống nhất với quy định của pháp luật quốc tế về quyền của người có HIV/AIDS nói chung và phụ nữ có HIV/AIDS nói riêng đồng thời để hạn chế sự chồng chéo, tạo điều kiện cho việc thực thi các quyền con người của phụ nữ được thuận lợi.

Rà soát, sửa đổi và bổ sung các văn bản pháp luật hiện hành theo hướng tập trung vào giới vì phụ nữ là đối tượng có đặc điểm đặc thù về mặt sinh học và dịch tễ học trong bối cảnh HIV/AIDS.

Các quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính đối với người tiêm chích ma túy và mại dâm cần được sửa đổi theo hướng loại bỏ việc giam giữ hành chính đối với họ.

Hoàn thiện các quy định của Luật bảo hiểm y tế trong việc bảo hiểm cho người có HIV/AIDS.

Cần có chính sách liên quan đến hỗ trợ tín dụng cho phụ nữ nhiễm HIV/AIDS để họ có cơ hội tiếp cận với nguồn vốn để phát triển kinh tế cũng như đáp ứng nhu cầu về điều trị, chăm sóc sức khỏe cho bản thân.

Các tổ chức xã hội dân sự có vai trò ngày càng quan trọng trong các hoạt động liên quan đến việc bảo đảm thực thi các quyền của phụ nữ nói chung và phụ nữ có HIV/AIDS nói riêng và trong công tác phòng chống HIV/AIDS do vậy cần có văn bản pháp luật quy định về tổ chức và hoạt động của các tổ chức này để các tổ chức này hoạt động hiệu quả hơn.

Ban hành các văn bản pháp luật về phổ biến, giáo dục pháp luật bắt buộc về HIV/AIDS, về phòng chống HIV/AIDS, bình đẳng giới, không phân biệt đối xử tại nơi làm việc, trường họ, cộng đồng dân cư.

Xây dựng chiến lược về nguồn nhân lực để giữ những cán bộ có trình độ và tạo điều kiện nâng cao năng lực cho cán bộ ở mọi cấp. Có chính sách đãi ngộ thỏa đáng, đảm bảo điều kiện về an toàn lao động đối với đội ngũ nhân viên tham gia công tác phòng chống, chăm sóc, hỗ trợ, điều trị cho người có HIV/AIDS.

2.3.2 Giải pháp thực tiễn trong việc bảo đảm quyền của phụ nữ trong bối cảnh HIV/AIDS

Công tác thông tin tuyên truyền: Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục cho những phụ nữ có HIV/AIDS, gia đình họ và cộng động về kiến thức liên quan đến HIV/AIDS, về quyền, nghĩa vụ của phụ nữ có HIV/AIDS, trách nhiệm của gia đình và cộng đồng đối với phụ nữ có HIV/AIDS và công tác phòng chống HIV/AIDS để nâng cao nhận thức của cộng đồng đối với người có HIV/AIDS tiến tới xóa bỏ sự phân biệt đối xử với những người có HIV/AIDS nói chung và phụ nữ có HIV/AIDS nói riêng.

Các chương trình phòng, chống HIV/AIDS: Tăng cường cả về phạm vi và chất lượng của các chương trình về phòng, chống HIV/AIDS. Tiến tới việc các chương trình này được áp dụng trong cả nước, đến tất cả các đối tượng và đạt được hiệu quả thiết thực. Bằng cách tăng cường sự tham gia của tất cả các tổ chức xã hội, người có HIV/AIDS và khu vực tư nhân, đồng thời có cơ chế giám sát, đánh giá các chương trình này để rút kinh nghiệm và không ngừng hoàn thiện chất lượng của các chương trình.

Lồng ghép giới trong tất cả các chương trình về phòng, chống HIV/AIDS đòi hỏi thực hiện các can thiệp từ nhiều cấp độ khác nhau:

Can thiệp “không gây hại”: Cấp độ này đặt ra yêu cầu cơ bản cho một chương trình có lồng ghép giới là phải xoa bỏ được những quan niệm, khuôn mẫu về giới gây tổn hại đến khả năng hưởng lợi từ các chương trình ứng phó với HIV/AIDS của nam và nữ giới. Can thiệp không gây hại nhằm đảm bảo cũng cấp cho phụ nữ và nam giới các dịch vụ giống nhau đối với các nhu cầu giống nhau. Như chương trình tiếp cận bao cao su và bơm kim tiêm sạch cho phụ nữ tiêm chích ma túy, đảm bảo cho phụ nữ tham gia chương trình phòng ngừa lây truyền từ mẹ sang con cũng được tiếp cận với ARV để điều trị cho bản thân.

Can thiệp nhạy cảm giới: Giai đoạn này yêu cầu phải có sự nhận biết những khác biệt trong nhu cầu về dự phòng, chăm sóc, hỗ trợ và điều trị giữa nam và nữ xuất phát từ sự khác biệt về mặt sinh học cũng như về vai trò giới do xã hội cấu thành. Chẳng hạn như chương trình phát triển và phổ biến các biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV do phụ nữ kiểm soát: bao cao su nữ và chất diệt vi trùng. Lồng ghép dịch vụ sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục và HIV: tư vấn và xét nghiệm tự nguyện cho tất cả đối tượng là phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, những phụ nữ có nguy cơ cao, bao cao su tránh thai và tránh các bệnh lây truyền qua đường tình dục, liệu pháp ARV, làm mẹ an toàn và nạo phá thai an toàn. Chú ý đến những hành vi dễ bị tổn thương và hành vi tình dục của nam giới.

Can thiệp “tạo sự thay đổi”: Các chương trình về thay đổi vai trò giới và tạo ra các mối quan hệ công bằng về giới là bước phát triển cao hơn cấp độ can thiệp nhạy cảm giới. Những can thiệp theo cách tiếp cận này coi việc tiếp cận với cả nam giới và nữ giới là những thành tố quan trọng để đảm bảo tính hiệu quả của chương trình về HIV/AIDS. Cần điều chỉnh chuẩn mực giới và khuyến khích tình dục lành mạnh. Tăng cường các cuộc đối thoại với chồng và bạn tình, với cộng đồng về quyền lực giới, hành vi tình dục và tính dễ bị tổn thương, các giải pháp để thay đổi hành vi và thái độ, giáo dục giới tính toàn diện cho thanh thiếu niên về tình dục an toàn, bình đẳng và không gây bạo lực, lây bệnh và mang thai ngoài ý muốn.

Can thiệp tạo quyền: Giai đoạn này được coi là mục tiêu cuối cùng của quá trình can thiệp giới trong các chương trình về HIV/AIDS. Can thiệp tạo quyền năng

là để đạt tới sự bình đẳng về quyền giữa nam giới và nữ giới, bảo đảm thực thi tất cả các quyền con người của phụ nữ đã được pháp luật thừa nhận.

Trong lĩnh vực y tế: Các trung tâm y tế cần được tăng cường cả về số lượng và chất lượng để đảm bảo tính sẵn có, tính có thể tiếp cận và chất lượng của các trung tâm này.

Tăng cường các hoạt động đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về HIV/AIDS, kiến thức về giới, về chuyên môn nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp đối với những cán bộ y tế.

Tăng cường công tác nghiên cứu, sản xuất thuốc điều trị HIV/AIDS đảm bảo cho phụ nữ có HIV/AIDS được tiếp cận rộng rãi với các loại thuốc điều trị và có chất lượng với mức chi phí hợp lý.

Trong lĩnh vực giáo dục

Đưa chương trình giáo dục kiến thức về HIV/AIDS, về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục vào nội dung học của các trường trung học.

Đẩy mạnh giáo dục về bình đẳng giới. Tăng cường giáo dục về không phân biệt đối xử với người có HIV/AIDS.

Chú trọng hoạt động giáo dục nội dung các quyền của người có HIV/AIDS. Một mặt, nâng cao trách nhiệm của các cá nhân, chủ thể khác trong việc thừa nhận và tôn trọng các quyền con người của người có HIV/AIDS, mặt khác để phụ nữ có HIV/AIDS thấy được các quyền của mình, và chủ động thực hiện các quyền đó.

Trong lĩnh vực lao động, việc làm

Lồng ghép công tác phòng chống HIV vào các chương trình phát triển kinh tế. Cần hỗ trợ nhiều chương trình đảm bảo việc làm cho những phụ nữ có

HIV/AIDS sao cho họ có thể tiếp tục lao động phù hợp với tình trạng sức khỏe của họ. Tăng cường các hoạt động về phổ biến kiến thức về HIV/AIDS tại nơi làm việc, cũng như quyền lợi của người lao động có HIV/AIDS.Tạo điều kiện để phụ nữ có HIV/AIDS được tiếp cận với các nguồn tín dụng phục vụ cho mục đích phát triển kinh tế và chăm sóc, điều trị cho bản thân.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 28/06/2022