- Lỗ/Chi phí không thành lỗ/ chi phí được trừ.
- Lỗ đầu tư thành lỗ từ hoạt động sản xuất kinh doanh.
Tạo giá trị: Để tạo ra GTDN cần cân nhắc yếu tố thời gian của giao dịch thuế vì tiền có giá trị thay đổi theo thời gian. Khi gia tăng giá trị cho doanh nghiệp từ lợi ích thuế, nhà quản trị cần cân nhắc đến các vấn đề như xung đột lợi ích có thể xảy ra, các rủi ro phải đánh đổi và các chi phí giao dịch có liên quan.
Dựa trên khung lý thuyết SAVANT, Karayan & Swenson (2007) đã đề xuất các nhà quản trị áp dụng trong từng trường hợp cho doanh nghiệp mới thành lập, doanh nghiệp đang hoạt động và doanh nghiệp được tái cơ cấu lại. Ở Việt Nam, theo sự tìm hiểu của tác giả, các công ty đào tạo và dịch vụ tư vấn thuế - lập kế hoạch thuế thường vận dụng khung lý thuyết SAVANT để đưa ra các phương pháp tối ưu hóa thuế cho doanh nghiệp.
Thảo luận về các phương pháp lập kế hoạch thuế
Quan điểm của Scholes & Wolfson (1992) và Karayan & Swenson (2007) về các phương pháp tiếp cận KHT có những điểm khác nhau và giống nhau. Scholes & Wolfson (1992) đề cao ba nguyên tắc thiết lập KHT cần đảm bảo là phản ánh tất cả các loại thuế, các bên liên quan và cả thuế hiện và thuế ẩn. Ngoài ra, các tác giả chú trọng các phương pháp chuyển đổi thu nhập là lợi thế của các công ty đa quốc gia và các doanh nghiệp được tái cơ cấu. Karayan & Swenson (2007) lại nhấn mạnh vào sự hài hòa của chiến lược thuế trong chiến lược chung của công ty để hướng tới gia tăng giá trị. Khung lý thuyết SAVANT đem lại cho các nhà quản trị một mô hình thiết lập KHT hướng tới tối ưu hóa thuế, góp phần gia tăng giá trị doanh nghiệp. Tuy nhiên, cả hai quan điểm này đều dựa trên cơ sở vận dụng giá trị thời gian của tiền thuế tức là việc đóng thuế sớm hay muộn, chênh lệch giá trị tính thuế tức là thu nhập chịu thuế nhiều hay ít và chênh lệch thuế suất do yếu tố thuế suất các loại hình kinh doanh khác nhau, thuế suất tại các nước khác nhau là khác nhau.
Có thể bạn quan tâm!
- Ý Nghĩa Khoa Học, Thực Tiễn & Đóng Góp Mới
- Tổng Quan Về Kế Hoạch Thuế, Sở Hữu Nhà Nước Và Giá Trị Doanh Nghiệp
- Khung Savant Trong Lập Kht Của Karayan & Swenson (2007)
- Lý Thuyết Đại Diện – Khía Cạnh Mâu Thuẫn Lợi Ích Giữa Cổ Đông Và Nhà Quản Trị
- Ảnh Hưởng Của Kế Hoạch Thuế Đến Giá Trị Doanh Nghiệp Khi Có Điều Tiết Bởi Sở Hữu Nhà Nước
- Thống Kê Nghiên Cứu Về Ảnh Hưởng Của Kht Đến Gtdn Khi Không Có Yếu Tố Điều Tiết
Xem toàn bộ 249 trang tài liệu này.
Như vậy, Luận án nhận thấy khung lý thuyết SAVANT của Krayan & Swenson (2007) dễ áp dụng và theo quan sát của tác giả hiện đang được áp dụng tại nhiều công ty tư vấn thuế ở Việt Nam. Vì vậy, ngoài khung lý thuyết của Scholes et al. (1992), Luận án chủ yếu dựa vào khung lý thuyết SAVANT để thảo luận và đề xuất KHT phù hợp với hạch định tài chính cho các doanh nghiệp niêm yết ở Việt Nam trong chương 5 của Luận án.
2.1.2. Sở hữu Nhà nước
Tại các nước có nền kinh tế chuyển đổi, Nhà nước sở sữu một tỷ lệ vốn cổ phần nhất định trong tổng vốn góp tại các doanh nghiệp sau cổ phần hóa (Djankov & Murrell, 2002). Nhà nước đóng hai vai khi vừa làm chủ sở hữu vừa làm người đại diện tại doanh nghiệp (Hanlon & Heitzman, 2010). Ngoài ra, Nhà nước vừa là người nộp thuế vừa là người thu thuế. Do vậy, tỷ lệ sở hữu Nhà nước có thể đem lại lợi ích hoặc bất lợi (chi phí) cho doanh nghiệp niêm yết có sở hữu Nhà nước. Theo kết quả nghiên cứu của Dharwadkar & cộng sự (2000), sở hữu là một yếu tố có thể làm sói mòn giá trị của cổ đông bằng nhiều cách khác nhau, vì vậy để giảm vấn đề đại diện cần đánh giá ảnh hưởng của sở hữu Nhà nước đến GTDN, cũng như độ mạnh của bối cảnh quản trị khi Nhà nước đóng vai trò là chủ thể bên ngoài đối với doanh nghiệp.
Trước hết, lợi ích của sở hữu Nhà nước tại các doanh nghiệp niêm yết phải được xem xét từ góc độ mục tiêu thu thuế của Nhà nước hay mục tiêu gia tăng giá cổ phiếu Nhà nước sở hữu. Đứng trên phương diện mục tiêu thu thuế của Nhà nước, việc sở hữu cổ phần trong các doanh nghiệp niêm yết có thể giúp Nhà nước tăng nguồn thu từ thuế thu nhập doanh nghiệp tại các doanh nghiệp niêm yết. Như vậy, khi mục tiêu của Nhà nước là tăng nguồn thu từ thuế, Nhà nước có thể gia tăng tuân thủ thuế hoặc thúc đẩy doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả (Chan & cộng sự, 2013; Chen, 2013). Nghiên cứu của Le & Buck (2009) công bố kết quả về sự ảnh hưởng cùng chiều của sở hữu của chính phủ đến kết quả hoạt động của doanh nghiệp, do đó hỗ trợ cho quan điểm là Nhà nước có thể sử dụng quyền lực của
mình qua thiết lập quy định để tạo nguồn thu, cũng như đầu ra cho các hoạt động của chính phủ.
Với mục tiêu tối đa hóa giá trị cổ đông, Nhà nước có thể ảnh hưởng đến khả năng tăng giá cổ phiếu bằng nhiều cách. Sở hữu Nhà nước cũng có thể đem lại sự hỗ trợ cho doanh nghiệp (helping hand) (Shleifer & Vishny, 1998). Sở hữu Nhà nước có thể giúp các nhà quản trị của doanh nghiệp có được mối quan hệ tốt với quan chức chính phủ để có lợi thế về quyền sử dụng đất và thông tin, cũng như giấy phép cho các dự án đặc biệt (Tian & Estrin, 2007). Hơn nữa, doanh nghiệp cũng có thể có được lợi thế cạnh tranh trong thu hút đối tác kinh doanh (Hitt & cộng sự, 2000). Các cơ chế này dẫn đến tăng giá cổ phiếu của các doanh nghiệp niêm yết có sở hữu Nhà nước, đặc biệt là dễ thực hiện hơn đối với các doanh nghiệp có sở hữu kiểm soát bởi Nhà nước.
Ngược lại, việc Nhà nước sở hữu cổ phần tại các doanh nghiệp niêm yết có thể gây ra một số bất lợi. Khi tỷ lệ sở hữu Nhà nước cao, doanh nghiệp phải đối diện với mâu thuẫn giữa cổ đông lớn và cổ đông nhỏ trong phân bổ tài sản của doanh nghiệp (Young & cộng sự, 2008). Vấn đề này càng trở nghiêm trọng hơn do sự khác biệt về quyền lực giữa Nhà nước và các cổ đông khác (Dharwadkar & cộng sự, 2000). Do đó, sở hữu Nhà nước có thể gây ra mâu thuẫn nghiêm trọng giữa cổ đông lớn và cổ đông nhỏ, do các cổ đông có quyền lực có thể cơ hội chiếm đoạt tài sản của các cổ đông nhỏ (Porta & cộng sự, 2000; Walsh & Seward, 1990).
Tóm lại, sở hữu Nhà nước thực sự đem lại lợi ích hay chi phí phụ thuộc vào bối cảnh của từng quốc gia, quyền của người sở hữu tài sản theo luật, luật định về bảo vệ cổ đông và các vấn đề về tham nhũng và chuẩn mực đạo đức. Một số nghiên cứu chỉ ra sở hữu Nhà nước tạo ra cho doanh nghiệp nhiều chi phí hơn là lợi ích (Boardman & Vining, 1989; Djankov & Murrell, 2002; Megginson & Netter, 2001), trong khi có nghiên cứu cho kết quả trái ngược (Estrin & cộng sự, 2009).
Trong đề tài Luận án này, sở hữu Nhà nước được xác định là một yếu tố không chỉ ảnh hưởng đến GTDN mà còn điều tiết đối với mối quan hệ ảnh hưởng của KHT đến GTDN. Cụ thể đề tài Luận án kỳ vọng rằng sở hữu Nhà nước tại các
doanh nghiệp phi tài chính niêm yết ở Việt Nam tác động cùng chiều lên GTDN do lợi thế của cổ đông Nhà nước nhưng yếu tố này có thể làm suy yếu/mạnh thêm sự ảnh hưởng của KHT đến GTDN.
2.1.3. Giá trị doanh nghiệp
GTDN là cơ sở để đưa ra quyết định của các bên liên quan bao gồm cả cơ quan quản lý, nhà quản trị và các cổ đông. Mỗi doanh nghiệp đều có giá trị riêng. Đứng trên quan điểm của cổ đông, GTDN được hiểu là những lợi ích hiện tại hoặc tương lai mà cổ đông nhận được. Ngoài ra, GTDN phản ảnh trực tiếp các quyết định của ban quản trị doanh nghiệp trong đó có các quyết định về KHT (Damodaran, 2012).
GTDN được lượng định theo nhiều cách khác nhau tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể (Damodaran, 2012). Nói chung có 3 hướng tiếp cận để đo lường GTDN: (i) Theo quan điểm của kế toán: đo lường bằng khả năng sinh lợi của doanh nghiệp. (ii) Theo quan điểm dòng tiền chiết khấu. (iii) Tiếp cận theo giá trị tài sản: giá trị tài sản thuộc sở hữu của doanh nghiệp hoặc giá cổ phiếu trên thị trường (Ilaboya, Izevbekhai, & Ohiokha, 2016).
Theo quan điểm của kế toán: Miller and Modigliani (1961) cho rằng GTDN được xác định bằng khả năng sinh lợi của tài sản, trong đó có tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản (Return on Asset - ROA) và tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (Return on Equity - ROE).
ROA được tính bằng tỷ lệ giữa lợi nhuận trước lãi vay và sau thuế với giá trị tổng tài sản bình quân. Chỉ tiêu này phản ánh suất sinh lời trên tài sản của doanh nghiệp. Do đó, các nhà đầu tư có thể đánh giá hiệu quả đầu tư của doanh nghiệp qua chỉ số này. Tuy nhiên, chỉ tiêu này chưa phản ánh được sự ảnh hưởng của của vốn nợ đến hiệu suất sinh lời, cụ thể là lợi ích thuế mang lại do sử dụng vốn vay (Ngô Kim Phượng & cộng sự, 2018).
ROE được tính bằng tỷ lệ giữa lợi nhuận sau thuế và giá trị vốn chủ sở hữu bình quân, theo đó ROE là chỉ tiêu phản ánh một đồng vốn đầu tư của chủ sở hữu
vào doanh nghiệp đem lại cho chủ sở hữu bao nhiêu đồng lợi nhuận sau khi đã trừ thuế thu nhập doanh nghiệp. Chỉ tiêu này phản ánh được hiệu quả sử dụng vốn của chủ sở hữu dưới tác động của đòn bẩy tài chính, là thước đo mục tiêu lợi nhuận của các doanh nghiệp dưới góc độ quản trị tài chính, nền tảng tạo nên GTDN (Ngô Kim Phượng & cộng sự, 2018).
Theo quan điểm dòng tiền chiết khấu: Giá trị của doanh nghiệp chính là giá trị hiện tại của các dòng tiền mà doanh nghiệp đó sẽ tạo ra trong tương lai (tức là dòng tiền còn lại sau khi trừ tất cả các chi phí hoạt động, tái đầu tư, thuế nhưng trước khi thanh toán nợ vay và cổ tức) với một suất chiết khấu là chi phí sử dụng vốn bình quân gia quyền (Damodaran, 2012).
Theo quan điểm dựa trên tài sản: Giá trị doanh nghiệp là giá trị của tất cả các tài sản hiện có của doanh nghiệp theo số liệu trên bảng cân đối kế toán hoặc theo giá trị thị trường của tài sản tại thời điểm định giá (Damodaran, 2012; Nguyễn Minh Kiều, 2014).
Tobin’Q là chỉ số về giá thị trường của công ty so với chi phí thay thế tài sản của công ty. Chỉ số này đại điện cho kết quả quản trị doanh nghiệp. Tobin’s Q lớn nghĩa là các nhà quản trị của doanh nghiệp đã tạo ra giá trị thị trường lớn hơn từ cùng một lượng tài sản. Các doanh nghiệp có Tobin’Q lớn hơn 1 đã sử dụng nguồn lực hiệu quả và ngược lại đối với các doanh nghiệp có Tobin’s Q nhỏ hơn 1.
Tobin’s Q cũng được sử dụng rộng rãi để đo lường GTDN trong các nghiên cứu về tránh thuế (Desai & Dharmapala, 2009). Để chỉ số này phản ánh chính xác chi phí thay thế các tài sản của doanh nghiệp, Aivazian (2005) gợi ý nên sử dụng Tobin’Q gần đúng, tức là tính giá trị sổ sách của tài sản thay vì giá trị thị trường. Ngoài ra, Tobin’Q còn là 1 chỉ báo tốt về cơ hội tăng trưởng trong tương lai và hoạt động tài chính dài hạn được kỳ vọng bởi doanh nghiệp.
Luận án lựa chọn Tobin’s Q gần đúng để xác định giá trị của các doanh nghiệp phi tài chính niêm yết ở Việt Nam. Lựa chọn này cũng phù hợp với quy định của Luật Doanh nghiệp Việt Nam năm 2014. Khoản c Điểm 1 Điều 160 Luật Doanh nghiệp Việt Nam năm 2014 yêu cầu ban giám đốc phải làm việc dựa trên
lợi ích của cổ đông. Do đó hiệu quả của quản trị có thể đo lường bằng giá thị trường của công ty. Ngược lại, giá thị trường của công ty phản ánh kỳ vọng cũng như đánh giá của cổ đông về hoạt động quản trị doanh nghiệp. Do vậy, giá trị thị trường của công ty hay giá trị tài sản của cổ đông là tiêu chí hiệu quả trong quản trị tài chính.
2.2. CƠ SỞ LÝ THUYẾT VỀ ẢNH HƯỞNG CỦA KẾ HOẠCH THUẾ ĐẾN GIÁ TRỊ DOANH NGHIỆP VÀ VAI TRÒ ĐIỀU TIẾT CỦA SỞ HỮU NHÀ NƯỚC
Để kiểm định ảnh hưởng của KHT đến GTDN, đề tài Luận án chủ yếu căn cứ vào lý thuyết đại diện (Agency theory), lý thuyết nhà quản lý (Steward theory), lý thuyết “bàn tay hỗ trợ” (Helping hand theory), lý thuyết “can thiệp có động cơ” (Glabbing hand theory), lý thuyết quyền lực chính trị (Political power theory), lý thuyết chi phí chính trị (Political cost theory).
Lược khảo của đề tài Luận án cho thấy lý thuyết đại diện được vận dụng trong nhiều nghiên cứu đánh giá về ảnh hưởng của KHT đến giá trị doanh nghiệp. Trong đó, chiều hướng ảnh hưởng của KHT đến giá trị doanh nghiệp phụ thuộc vào đặc điểm chung về quản trị của các doanh nghiệp tại nhóm nước phát triển hay đang phát triển (Dharwadkar & cộng sự, 2000). Tuy nhiên, lý thuyết đại diện không thể giải quyết được những tình huống mà lợi ích của nhà quản trị không có xung đột với lợi ích của chủ sở hữu, trong trường hợp này cần phải dựa trên Lý thuyết nhà quản lý. Trong bối cảnh của các doanh nghiệp Việt Nam sau 35 năm đổi mới, tỷ lệ sở hữu Nhà nước tại các công ty phi tài chính niêm yết trong mẫu nghiên cứu của Luận án có giá trị trung bình là 25,28%, ảnh hưởng mang tính đáng kể đến hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp niêm yết. Đây là luận điểm quan trọng để Luận án xác định rõ bối cảnh ảnh hưởng của KHT đến giá trị các doanh nghiệp phi tài chính niêm yết ở Việt Nam. Vì vậy ngoài lý thuyết đại diện và Lý thuyết nhà quản lý, Luận án kết hợp lý thuyết “bàn tay hỗ trợ”, lý thuyết “bàn tay can thiệp có động cơ”, lý thuyết quyền lực chính trị và lý thuyết chi phí chính trị để xác định cụ thể vai trò của sở hữu Nhà nước trong mối quan hệ giữa
KHT và giá trị doanh nghiệp phi tài chính niêm yết tại Việt Nam, làm rõ hơn điều kiện ảnh hưởng đến mối quan hệ này.
2.2.1. Lý thuyết đại diện
Lý thuyết đại diện (Agency theory) là một lý thuyết lâu đời, được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau như kế toán, tài chính, kinh tế, khoa học chính trị, hành vi tổ chức và marketing (Panda & Leepsa, 2017). Lý thuyết đại diện chỉ ra các vấn đề đối với doanh nghiệp do sự tách bạch giữa sở hữu với quản trị. Lý thuyết đại diện chú trọng biện pháp để giảm nhẹ vấn đề người đại diện. Trong công ty cổ phần, chủ sở hữu là các cổ đông sẽ lựa chọn nhà quản trị để điều hành doanh nghiệp, tuy nhiên vấn đề chính là các nhà quản trị điều hành doanh nghiệp vì chủ sở hữu hay vì chính họ (Jensen & Meckling, 1976; Ross, 1973).
Sự phát triển của lý thuyết đại diện
Adam Smith là tác giả đầu tiên nghi vấn về sự tồn tại của vấn đề người đại diện và điều này đã tạo động lực cho các nhà kinh tế nghiên cứu chuyên sâu về các khía cạnh trong lý thuyết đại diện (Panda & Leepsa, 2017). Adam Smith cho rằng của cải của một tổ chức do một hoặc một nhóm người không phải chủ sở hữu thực sự quản trị, tuy nhiên không đem lại lợi ích cho chủ sở hữu. Ý tưởng sơ khởi của Adam Smith được phát triển và ngày càng phổ quát qua nhiều nghiên cứu.
Các nghiên cứu trước năm 1973 giải thích vấn đề mâu thuẫn giữa chủ sở hữu và nhà quản trị dựa vào cấu trúc sở hữu, tại các công ty lớn nhà quản trị có thể hành động vì lợi ích riêng của họ (Berle & Means, 1932) hoặc thông qua cơ chế phân tán rủi ro cho các chủ sở hữu để tạo lợi ích cho nhà quản trị (Wilson, 1968).
Ross (1973) và Mitnick (1975) đã định hình lý thuyết đại diện và phát triển lý thuyết này theo 2 hướng tiếp cận. Ross cho rằng động cơ của nhà quản trị gây ra vấn đề người đại diện. Do đó bằng cơ chế thưởng, doanh nghiệp có thể giảm vấn đề này. Mitnick (1975) lại xem xét sự ảnh hưởng của cấu trúc thể chế đến vấn đề người đại diện. Tuy nhiên, ý tưởng cốt lõi của 2 nghiên cứu này tương tự nhau.
Jensen and Meckling (1976) là các tác giả đầu tiên luận giải rõ ràng về mối liên quan giữa hành vi của nhà quản trị, chi phí đại diện và cấu trúc sở hữu. Các tác giả cho rằng các mối quan hệ trong doanh nghiệp có tính cam kết, trong mối
quan hệ giữa chủ sở hữu và người đại diện, mỗi bên theo đuổi lợi ích riêng. Trong quá trình điều hành doanh nghiệp, nhà quản trị có thể làm gia tăng chi phí, ngược lại chủ sở hữu muốn giảm chi phí đại diện bằng nhiều cách khác nhau qua cơ chế lương thưởng, tuyển dụng mới hoặc giảm thiểu tình trạng thông tin bất cân xứng. Trên cơ sở đó lý thuyết về cấu trúc sở hữu được hình thành, trong đó nhấn mạnh phần vốn sở hữu của công ty cổ phần bao gồm phần vốn sở hữu của các nhà quản trị bên trong (cổ đông bên trong) và bên ngoài (cổ đông bên ngoài) công ty. Do đó giá trị thị trường của công ty bằng giá trị thị trường phần vốn của cổ đông bên trong và cổ đông bên ngoài. Như vậy giá trị công ty là tổng giá trị thị trường vốn cổ phần và vốn vay bên ngoài công ty.
Jensen and Meckling (1976) lập luận rằng doanh nghiệp giống như một cái hộp đen hoạt động nhằm tối đa hóa lợi nhuận và tạo giá trị tăng thêm cho doanh nghiệp. Việc tối đa hóa giá trị tài sản của công ty chỉ có thể đạt được bằng cơ chế dung hòa lợi ích giữa các cổ đông và nhà quản trị. Khi lợi ích của các bên khác nhau, xung đột tăng lên, tình trạng này có thể loại bỏ bằng việc sở hữu cổ phiếu của các nhà quản trị và thông qua nắm giữ tỷ lệ cổ phần có khả năng kiểm soát công ty. Do đó để gia tăng lợi ích của mình, nhà quản trị sẽ làm việc vì sự tồn tại và phát triển của công ty. Ngoài Jensen & Meckling (1976), nghiên cứu của Fama (1980) cũng cho kết luận tương tự.
Fama & Jensen (1983) đã tiếp tục nghiên cứu căn cứ vào quá trình quyết định của nhà quản trị và các yếu tố liên quan khác. Các tác giả phân biệt giữa quản trị quyết định (khởi xướng và thực hiện) và kiểm soát quyết định (thông qua và giám sát). Đây là 2 vấn đề tồn tại ở các công ty có cơ cấu sở hữu phân tán. Vấn đề người đại diện tại các công ty này có thể gia tăng do các nhà quản trị là bên đưa ra các quyết định có liên quan đến tài sản của doanh nghiệp trong khi cổ đông là bên chịu kết quả của các quyết định đó. Vì vậy, cần phải kết hợp quản trị quyết định và kiểm soát quyết định để cổ đông không phải chịu các rủi ro phát sinh từ việc tách bạch giữa vấn đề sở hữu và kiểm soát đối với doanh nghiệp.
Grossman & Hart (1983) giải thích vấn đề người đại diện dựa theo mức khác biệt về ưa thích rủi ro giữa chủ sở hữu và người đại diện, trong đó lợi ích của cổ