Một Số Giải Pháp Kiến Nghị Góp Phần Nâng Cao Hiệu Quả Thực Thi Pháp Luật Bảo Hộ Quyền Tác Giả Của Việt Nam Trong Điều Kiện Hiện Nay

trí tuệ được bảo hộ, bao gồm: bản quyền tác giả và các sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hóa, tên gọi xuất xứ và chỉ dẫn địa lý, giống cây trồng mới...

Từ năm 2005 đến nay, việc đăng ký và cấp chứng nhận bảo hộ tăng bình quân hằng năm 20%. Về quyền tác giả, nhiều cuốn sách hay của nước ngoài đã được mua bản quyền tác giả để dịch và xuất bản ở trong nước. Trong những nhận định đánh giá, nhất là đánh giá của một số đối tác quan trọng trong kinh tế (đầu tư, thương mại) trong quá trình đàm phán gia nhập WTO của Việt Nam là EU, Thụy Sĩ, Nhật Bản, Mỹ và Ô-xtrây-li-a đều có chung nhận định rằng Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc xây dựng các văn bản pháp luật về sở hữu trí tuệ nhưng vấn đề thực thi là một điểm yếu cần phải khắc phục.

Tình trạng xâm phạm quyền tác giả ở Việt Nam có tính phức tạp và có dấu hiệu phổ biến. những vi phạm với tác giả nước ngoài đã giảm (chỉ xảy ra một, hai vụ bị kiện) trong mấy năm gần đây, nhưng trong nước thì tình trạng xuất bản, điện ảnh, nhiếp ảnh, nghệ thuật tạo hình bị sao chép nhiều (như tranh ký tên Bùi Xuân Phái hay Nguyễn Tư Nghiêm trên thị trường nhiều gấp ba, bốn lần số tranh đích thực do hai họa sĩ này vẽ). Nghệ thuật biểu diễn, công nghiệp ghi âm, ghi hình, sao chép lậu sách báo, phim ảnh, các chương trình biểu diễn ca nhạc, chương trình truyền hình cũng ở tình trạng tương tự (như các phim do Trung tâm truyền hình Việt Nam, Chương trình "Gặp nhau cuối tuần" bị in bán tràn lan trên thị trường, nguy hiểm hơn đã có nhiều phim và chương trình truyền hình của VTV bị đánh cắp, biên tập lại và phát hành băng đĩa lậu tại Việt Nam, Mỹ, Ô-xtrây-li-a, châu Âu...). Sự xâm phạm quyền tác giả của các tác phẩm văn học, nghệ thuật, thậm chí cả khoa học và nổi bật nhất là những phần mềm máy tính vẫn diễn biến phức tạp.

Theo thống kê sơ bộ, số vụ vi phạm về sở hữu trí tuệ được phát hiện và xử lý bởi các cơ quan chức năng vào đầu những năm 90 thế kỷ 20 chỉ có

vài chục vụ, thì đến nay đã tăng đáng kể. Năm 1994 chỉ có 48 vụ (trong đó, 1 vụ xâm phạm sáng chế, 6 vụ xâm phạm kiểu dáng công nghiệp và 41 vụ xâm phạm nhãn hiệu hàng hóa), năm 2003 là 326 vụ (với số tương ứng là 23, 43 và 260), đến năm 2006 đã tăng lên gần 500 vụ (tương ứng 60, 152 và 288) [3].

"Báo cáo tổng kết đánh giá tác động của năm năm thực hiện Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ đến luật pháp Việt Nam" của Bộ Tư pháp thì từ năm 2001 đến 2006 đã đưa truy tố 219 vụ án liên quan đến tội phạm xâm phạm sở hữu; còn theo thống kê của ngành kiểm sát nhân dân thì từ năm 2003 đến cuối sáu tháng đầu năm 2008 đã tiến hành truy tố 259 vụ án liên quan tội phạm xâm phạm quyền sở hữu [1]. Thực tế trên cho thấy việc xử lý các hành vi vi phạm về sở hữu trí tuệ bằng biện pháp hành chính và dân sự vẫn là chủ yếu, còn việc xử lý các hành vi vi phạm trên bằng biện pháp hình sự thì hạn chế; những vụ việc đã đưa ra truy tố cũng mới chỉ tập trung các tội làm hàng giả, còn việc truy tố đối với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu khác thì còn rất khiêm nhường.

Tình hình nêu trên chưa phải là sự phản ánh đầy đủ tình trạng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ở nước ta và cho đến nay chúng ta cũng chưa có sự đánh giá chính xác những thiệt hại do những hành vi vi phạm này đối với nền kinh tế của đất nước; đây là thách thức không nhỏ đối với sự phát triển kinh tế của nước ta cũng như các cơ quan chức năng trong việc kiểm soát tình hình, xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Việc sao chép tác phẩm không chỉ xảy ra với các sản phẩm giải trí như băng đĩa ca nhạc, phim ảnh và không chỉ thực hiện bởi những người buôn bán thuần túy, mà còn xảy ra cả với các sản phẩm nghiên cứu, sáng tác, phần mềm... Việc mạo nhận tác giả, sao chép từng phần hoặc toàn bộ tác phẩm, xào xáo lại tác phẩm xuất hiện ở một số lĩnh vực. Cùng với đà phát triển công nghệ, phương tiện và công nghệ sao chép, bắt chước ngày càng được cải tiến và có mặt ở Việt Nam ngày một nhiều, nên sản phẩm vi phạm được sản xuất

với số lượng lớn và tốc độ tăng nhanh. Thực tế, nhiều người buôn bán, nhiều cửa hàng băng đĩa ở các thành phố lớn đều bán băng đĩa sao chép lậu, thậm chí tỷ lệ còn lớn hơn băng đĩa có bản quyền.

Tình trạng trên có thể do những nguyên nhân sau đây:

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 132 trang tài liệu này.

i) Cơ chế bảo đảm thực thi chưa được hoàn thiện và chưa phát huy đúng mức, biểu hiện vụ việc được giải quyết ở tòa án rất ít ỏi, mà chủ yếu được giải quyết ở các cơ quan hành chính, cùng với các quy định đã có nhưng mới chỉ dừng ở nguyên tắc chứ chưa đủ chi tiết, nên việc áp dụng các chế tài bị lẫn lộn và thiếu hiệu quả. Trình tự tố tụng dân sự phải được coi là biện pháp chủ yếu nhưng các quan hệ dân sự thông thường đã bị hành chính hóa một cách quá mức.

ii) Các tổ chức bảo đảm thực thi chưa thực sự phù hợp. Chúng ta tuy có nhiều cơ quan (mỗi cơ quan lại có nhiều cấp: tỉnh, huyện) có chức năng và thẩm quyền xử lý hành chính về sở hữu trí tuệ, nhưng năng lực chuyên môn của chính hệ thống này lại chưa đáp ứng với đòi hỏi của thực tế. Hiện nay, tại các tòa án và các cơ quan bảo đảm thực thi sở hữu trí tuệ khác có rất ít cán bộ được đào tạo về lĩnh vực sở hữu trí tuệ.

Vấn đề bảo hộ quyền tác giả theo pháp luật Hoa Kỳ - 14

iii) Sự hiểu biết của toàn xã hội đối với vấn đề bảo hộ sở hữu trí tuệ còn hạn chế: chưa hình thành tập quán tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ, các chủ thể sở hữu trí tuệ chưa chủ động thực hiện việc bảo vệ quyền và tài sản của mình mà còn mang nặng tâm lý trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước. Đây còn là lĩnh vực mới mẻ với đa số cán bộ, công chức nhà nước và gần như hầu hết các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Mạng lưới dịch vụ về sở hữu trí tuệ còn rất mỏng, số chuyên gia dịch vụ mới chỉ có khoảng gần 1.000 người với trên 120 công ty cung cấp dịch vụ này. Thông tin sở hữu trí tuệ đang là một trong các khâu yếu nhất của hoạt động sở hữu trí tuệ, với năng lực tài nguyên thông tin có tại Việt Nam về sở hữu trí tuệ thuộc loại trung bình, song chưa được phát huy đầy đủ, số lượt người khai thác thông tin sáng chế rất thấp chỉ khoảng hơn 1.000 lượt người/năm ở cả ba trung tâm tư liệu

sáng chế: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng và phần lớn các yêu cầu tra cứu là về nhãn hiệu hàng hóa và kiểu dáng công nghiệp.

iv) Do ảnh hưởng từ mặt trái của quá trình hội nhập kinh tế, thực tế không phải mọi loại hàng nhái, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ đều được sản xuất ở Việt Nam, mà một khối lượng hàng hóa loại đó được sản xuất ở nước ngoài rồi đưa vào Việt Nam theo nhiều đường, bằng nhiều cách để tiêu thụ.

Hai là, pháp luật quyền tác giả Việt Nam vẫn còn nhiều điểm chưa tương thích với các quy định của các công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Trước hết, về tác phẩm không được bảo hộ, Công ước Berne không quy định các tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học không được bảo hộ mà dành quyền chủ động cho các quốc gia thành viên "trong khi các tác phẩm ấy chưa được ấn định trên một hình thái vật chất nhất định" (Điều 2). Như vậy, theo Công ước Berne, căn cứ để không bảo hộ một tác phẩm không là nội dung của tác phẩm. Hầu hết các quốc gia thành viên của công ước không quy định tác phẩm không được bảo hộ. Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam lại quy định các tác phẩm không được bảo hộ và cơ sở để loại trừ các tác phẩm này khỏi sự bảo hộ là nội dung của tác phẩm vi phạm pháp luật và đạo đức xã hội. Cụ thể, Nhà nước không bảo hộ các tác phẩm có nội dung chống lại nhà nước Việt Nam, phá hoại khối đoàn kết toàn dân; tuyên truyền bạo lực, chiến tranh xâm lược, gây hận thù giữa các dân tộc và nhân dân các nước; truyền bá tư tưởng, văn hóa phản động, lối sống dâm ô đồi trụy, các hành vi tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong mỹ tục; tiết lộ bí mật của Đảng, Nhà nước, bí mật quân sự, an ninh, kinh tế, đối ngoại, bí mật đời tư của cá nhân và các bí mật khác do pháp luật quy định; xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, xúc phạm vĩ nhân, anh hùng dân tộc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân.

Thứ hai, quy định về quyền của tác giả, chủ sở hữu tác phẩm, Công ước Berne quy định hai loại quyền tác giả là quyền tinh thần và quyền kinh tế.

Quyền tinh thần gồm: quyền đứng tên tác giả của tác phẩm và quyền phản đối bất kỳ sự cắt xén, bóp méo hoặc sửa đổi tác phẩm, hoặc các hành vi xúc phạm khác liên quan đến tác phẩm mà có thể phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả (Điều 6bis). Quyền kinh tế bao gồm một số quyền sau đây: quyền dịch thuật, quyền thực hiện phóng tác và chuyển thể tác phẩm; quyền trình diễn công cộng tác phẩm kịch, nhạc kịch, âm nhạc, quyền trần thuật công cộng tác phẩm văn học, quyền truyền thông công cộng trình diễn các tác phẩm; quyền phát sóng; quyền làm bản sao; quyền cho sử dụng tác phẩm. Còn Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam qui định hai loại quyền là quyền nhân thân và quyền tài sản (Điều 19 và 20).

Thứ ba, việc qui định các điều kiện vật chất để sáng tạo ra tác phẩm theo Điều 37 và 38 Luật Sở hữu trí tuệ là không cần thiết. Đây là một qui định vi phạm nghiêm trọng tiêu chuẩn tối thiểu của TRIPS, vì qui định như vậy có nghĩa là việc sử dụng thời gian, tài chính, cơ sở vật chất, kỹ thuật của tác giả để sáng tạo là điều kiện để tác giả được hưởng quyền tác giả. Theo đó, một nhà thơ khó có thể được hưởng quyền nhân thân, quyền tài sản vì anh ta không cần tài chính, cơ sở vật chất kỹ thuật đã có thể sáng tạo được một bài thơ. Điều 38 Luật Sở hữu trí tuệ cũng qui định các điều kiện tương tự đối với các đồng tác giả. Các qui định như vậy không những là thừa mà còn gián tiếp qui định thêm các điều kiện khác với tiêu chuẩn quốc tế cho việc công nhận một tác phẩm và qua đó là quyền tác giả. Theo tiêu chuẩn quốc tế tối thiểu, một tác phẩm- mà tác giả được hưởng quyền tác giả- sẽ được Luật Quyền tác giả công nhận bảo hộ chỉ với một điều kiện duy nhất: nó phải là sản phẩm sáng tạo tinh thần mang dấu ấn cá nhân. Thời gian, chi phí tài chính, công sức, nội dung đạo đức, v.v... không được phép là điều kiện công nhận quyền tác giả. Ngoài ra, các điều 37, 38 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành cũng vi phạm nguyên tắc không được hạ thấp mức độ bảo hộ quyền tác giả thấp hơn tiêu chuẩn bảo hộ tối thiểu của TRIPS [23].

Ngoài những điểm bất cập trên, có thể kể đến những bất cập khác như về thời hạn bảo hộ quyền tác giả, công bố tác phẩm, các biện pháp chế tài thực thi quyền tác giả cũng còn có những điểm khác biệt nhất định [26]. Những điểm khác biệt này đã làm ảnh hưởng không nhỏ tới việc thực thi các cam kết quốc tế về quyền tác giả của Việt Nam

Ba là, chưa có quy định về những tội phạm mới xâm phạm quyền tác giả.

Trong thời đại phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin hiện nay, rất nhiều loại hành vi vi phạm quyền tác giả mới xuất hiện như: Đưa tác phẩm vào môi trường kỹ thuật số không được sự cho phép của tác giả (ví dụ tải tác phẩm âm nhạc vào điện thoại, tải tác phẩm nhiếp ảnh vào điện thoại, máy tính…); phá hoại thông tin trên mạng, ăn cắp thông tin trên mạng bằng cách mã hóa, phá khóa hoặc sử dụng bất hợp pháp các thiết bị nhận tín hiệu, đầu đọc tín hiệu. Tuy nhiên, những loại tội phạm mới này cũng chưa được quy định trong pháp luật hình sự Việt Nam.

3.3.2.2. Một số giải pháp kiến nghị góp phần nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật bảo hộ quyền tác giả của Việt Nam trong điều kiện hiện nay

Thứ nhất, đẩy mạnh công tác phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật quyền tác giả, đây là giải pháp cần được tiến hành ngay.

Về khung pháp lý, có thể nói Việt Nam đã có một hệ thống các quy định pháp luật tạo nên một hành lang pháp lý vững chắc cho việc bảo hộ quyền tác giả. Tuy nhiên, hiệu quả thực thi của các quy định này trên thực tế hiện vẫn còn nhiều vấn đề cần phải bàn, đặc biệt là trong môi trường kỹ thuật số như hiện nay - khi mà vấn đề "văn hóa bản quyền" đang được đề cập ngày càng nhiều.

Phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật quyền tác giả của Việt Nam tuy đã được tiến hành thường xuyên, nhưng hầu như chưa phát huy tác dụng trên thực tế. Để bảo đảm tính hiệu quả của công tác phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật quyền tác giả cần nhận thức sâu sắc vai trò, tầm quan trọng

của quyền tác giả, phải coi quyền tác giả là một công cụ đắc lực để phát triển kinh tế xã hội, cải thiện môi trường văn hóa nhất là trong điều kiện Việt Nam phải thực hiện trong tiến trình hội nhập quốc tế. Trong điều kiện hội nhập quốc tế, cơ hội thưởng thức các tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học của người dân ngày càng dễ dàng hơn, song việc sử dụng các tác phẩm đó phải tính toán đến quyền lợi của những người sáng tạo ra chúng. Bởi lẽ, khía cạnh thương mại của quyền tác giả vô cùng quan trọng, ý nghĩa của quyền tác giả bị giảm sút rất nhiều nếu chúng ta đặt quyền tác giả ngoài quan hệ thương mại. "Việc bảo hộ sở hữu trí tuệ không thỏa đáng bị coi là thực tiễn thương mại thiếu lành mạnh và là rào cản đối với thị trường tự do và mở cửa". Nội dung của Hiệp định chung về thuế quan và thương mại (GATT) và sự ra đời của Hiệp định về các khía cạnh thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (TRIPs) đã chứng tỏ điều này.

Để thực hiện thành công việc phổ biến, tuyên truyền pháp luật quyền tác giả trong đời sống dân cư, chúng tôi cho rằng cần tập trung vào những giải pháp cơ bản sau:

- Cần phải đầu tư vật chất thích đáng cho các cá nhân, tổ chức tham gia vào việc quản lý quyền tác giả. Khi pháp luật tồn tại, giá trị thực tế của chúng phụ thuộc vào mức độ chúng được thực thi một cách hiệu quả. Điều này chỉ có thể đạt được qua việc nâng cao ý thức tôn trong bản quyền tác giả trong quá trình khai thác tác phẩm của tác giả. Bởi lẽ, ngày nay, người sử dụng tác phẩm rất lớn, trong khi đó bản thân tác giả không thể kiểm soát được việc khai thác, sử dụng tác phẩm của mình trên thực tế.

- Như đã phân tích ở trên, nhận thức cộng đồng về vai trò của quyền tác giả và pháp luật quyền tác giả là nhân tố bảo đảm cho các quyền của tác giả được tôn trọng và bảo vệ. Chỉ khi chúng ta có nhận thức đúng đắn về vai trò quyền tác giả chúng ta mới có được pháp luật quyền tác giả tốt tốt. Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới cũng khẳng định vấn đề nâng cao nhận thức của cộng đồng là mấu chốt để nâng cao chất lượng của pháp luật sở hữu trí tuệ và

hiệu quả thực thi trong chiến lược hành động của mình. Đồng thời, cần nâng cao trình độ pháp luật, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng của các cán bộ xây dựng pháp luật nói chung và pháp luật sở hữu trí tuệ nói riêng. Đã đến lúc cần thay đổi thói quen sử dụng, khai thác các tác phẩm, thành quả sáng tạo của người khác mà không cần xin phép, không cần trả thù lao. Từ phía các cơ quan chức năng, cần có những chính sách, cơ chế phù hợp, chặt chẽ nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người sáng tạo, có như vậy mới có thể khuyến khích được hoạt động sáng tạo. Từ phía công chúng nói chung, cần có ý thức tôn trọng thành quả sáng tạo của người khác. Cần hình thành tâm lý tôn trọng bản quyền khi sử dụng, khai thác tác phẩm của người khác, coi việc trả tiền bản quyền là một nghĩa vụ đương nhiên phải thực hiện. Đây không phải là vấn đề có thể giải quyết "ngày một ngày hai", tuy nhiên đã đến lúc phải đưa ra những quyết sách mạnh mẽ và xây dựng lộ trình giải quyết. Có như vậy, chúng ta mới có thể nghĩ đến một thị trường bản quyền lành mạnh, tạo nền tảng cho việc hội nhập ngày một sâu rộng với thế giới và tránh những thiệt thòi không đáng có. Trên thực tế, chỉ một chiếc máy tính nối internet, chúng ta có thể khai thác, sử dụng hàng loạt sản phẩm trí tuệ - các tác phẩm nhiếp ảnh, âm nhạc, văn học, nghệ thuật, khoa học một cách dễ dàng thông qua các trang web mà không cần biết đến tác giả của chúng, đó là nguy cơ trực tiếp xâm phạm bản quyền tác giả từ phía người sử dụng.

- Tăng cường hợp tác quốc tế về sở hữu trí tuệ. Sở hữu trí tuệ nói chung, quyền tác giả nói riêng là lĩnh vực mới mẻ ở nước ta, trong khi đã từ lâu được quan tâm và đầu tư thích đáng ở hầu hết các nước khác trên thế giới. Cho nên, thông qua quan hệ hợp tác quốc tế, chúng ta tham khảo pháp luật cũng như kinh nghiệm trong lĩnh vực này của các nước phát triển (như Châu Âu, Mỹ, Nhật) và của các nước có bối cảnh kinh tế - xã hội "gần" với chúng ta chúng ta sẽ rút ra được những bài học quý báu cho công tác phổ biến, tuyên truyền pháp luật quyền tác giả. Tuy nhiên, chúng ta không nên dập khuôn một cách máy móc mà cần xem xét kỹ lưỡng hoàn cảnh, điều kiện cụ thể của Việt Nam.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 10/11/2023