Một ví dụ khác là các cách hiểu về sử dụng hợp lý. Sử dụng hợp lý là biện hộ trước lời buộc tội vi phạm bản quyền. Đối với bản quyền, tòa án Hoa Kỳ xem xét bốn yếu tố trong việc xác định xem biện hộ về sử dụng hợp lý có tồn tại hay không: mục đích và tính chất của việc sử dụng đang gây tranh cãi; nội dung của tác phẩm có bản quyền; tầm quan trọng của phần được sử dụng với toàn bộ tác phẩm; tác động của việc sử dụng đối với giá trị của tác phẩm có bản quyền trên thị trường. Tuy vậy, trong những trường hợp nào thì sử dụng hợp lý được coi là có cơ sở thì tùy từng vụ việc khác nhau tòa án Hoa Kỳ cũng như các thẩm phán, luật sư tranh tụng lại có cách giải thích, tranh luận khác nhau.
Về cơ chế áp dụng pháp luật: Hệ thống pháp luật về bản quyền tác giả của Hoa Kỳ là đầy đủ và đồng bộ, từ hệ thống pháp luật liên bang đến hệ thống pháp luật riêng của mỗi bang. Tuy nhiên, cơ chế áp dụng pháp luật của Hoa Kỳ dựa trên cơ sở case by case và án lệ. Với mỗi vụ việc cụ thể, thẩm phán sẽ tiến hành phán quyết trên cơ sở sự tranh luận của luật sư, chứng cứ của các bên trong quá trình xét xử, hệ thống pháp luật thành văn chỉ mang tính chất tham khảo.
Đối với Việt Nam, việc giải quyết vụ việc nhất thiết phải căn cứ vào các qui định của pháp luật, các điều luật cụ thể, do vậy trong nhiều trường hợp trên thực tiễn thiếu các qui định để điều chỉnh. Đây cũng là một trong những nguyên nhân giải thích việc luôn luôn sửa đổi và ban hành các qui phạm pháp luật mới để điều chỉnh các quan hệ xã hội mới phát sinh cho phù hợp với thực tiễn khách quan.
Như vậy, khác biệt về tư duy pháp lý và cơ chế áp dụng pháp luật sẽ làm phát sinh nhiều vấn đề trong việc tìm kiếm một hệ thống các cơ chế nhằm thực thi pháp luật của Hoa Kỳ và của Việt Nam.
Ba là, Hoa Kỳ là nhà nước Liên bang, nên một điểm khác biệt nữa trong việc bảo hộ và thực thi pháp luật về bảo hộ quyền tác giả là làm rõ mối quan hệ giữa pháp luật Liên bang và của từng bang.
Hệ thống pháp luật Hoa Kỳ có nhiều cấp, có thể là nhiều hơn hầu hết các nước khác. Nguyên nhân một phần là do có sự phân chia giữa luật liên bang và bang. Để hiểu được điều đó, cần nhắc lại rằng lịch sử Hoa Kỳ không phải hình thành từ một quốc gia, mà là một liên minh 13 khu vực thuộc địa, mỗi khu vực đều độc lập tách khỏi Anh quốc.
Hiến pháp đã xác định nhiều ranh giới giữa luật liên bang và bang. Nó cũng phân chia quyền lực liên bang thành các ngành lập pháp, hành pháp và tư pháp (tạo ra cái gọi là "tam quyền phân lập" và gìn giữ một cách thiêng liêng hệ thống "kiềm chế và đối trọng", nhằm ngăn chặn không cho một ngành nào đó có thể lạm dụng quyền lực của các ngành khác); và mỗi ngành có đóng góp riêng biệt vào hệ thống pháp lý. Trong hệ thống đó, Hiến pháp quy định những loại luật mà Quốc hội có thể thông qua.
Nhưng ngoài ra còn nhiều vấn đề phức tạp khác: luật Mỹ không chỉ là các đạo luật do Quốc hội thông qua. Trong một số lĩnh vực, Quốc hội có thể cho phép các cơ quan hành pháp được ban hành các quy tắc chi tiết hóa luật định. Và toàn bộ hệ thống được dựa trên các quy tắc pháp lý truyền thống của Thông luật Anh. Mặc dù Hiến pháp và các đạo luật đều có giá trị cao hơn thông luật, tòa án vẫn tiếp tục áp dụng các nguyên tắc thông luật bất thành văn để lấp các chỗ trống chưa được Hiến pháp đề cập, cũng như không được Quốc hội luật hóa.
Hiến pháp có quy định cụ thể về việc cấm các bang thông qua một số loại luật nhất định (tham gia ký hiệp ước với nước ngoài, phát hành tiền). Điều VI (Điều khoản tối cao) cũng không cho phép luật của bang trái với Hiến pháp và luật liên bang. Tuy vậy, một phần lớn hệ thống pháp luật vẫn thuộc quyền kiểm soát của bang. Hiến pháp đã cẩn thận quy định những lĩnh vực Quốc hội được quyền làm luật. Tu chính án Hiến pháp thứ mười (năm 1791) quy định rõ ràng luật của bang cần kiểm soát những lĩnh vực khác: "Những quyền lực không được Hiến pháp ủy quyền cho Hợp chủng quốc, đồng thời
các bang cũng không bị Hiến pháp cấm nắm giữ quyền lực đó, thì thuộc về các bang, hoặc thuộc về nhân dân, theo thứ tự lần lượt".
Có thể bạn quan tâm!
- Cục Bản Quyền Tác Giả Và Ban Trọng Tài Nhuận Bút Quyền Tác Giả
- Vấn đề bảo hộ quyền tác giả theo pháp luật Hoa Kỳ - 9
- So Sánh Pháp Luật Bảo Hộ Quyền Tác Giả Của Hoa Kỳ Và Việt Nam
- Giải Quyết Những Thách Thức Về Vấn Đề Bản Quyền Trong Thời Đại Kỹ Thuật Số - Nội Dung Trọng Tâm Của Việc Bảo Hộ Quyền Tác Giả Trong Giai
- Một Số Giải Pháp Và Kiến Nghị Góp Phần Nâng Cao Hiệu Quả Thực Thi Pháp Luật Về Bảo Hộ Quyền Tác Giả Ở Việt Nam
- Một Số Giải Pháp Kiến Nghị Góp Phần Nâng Cao Hiệu Quả Thực Thi Pháp Luật Bảo Hộ Quyền Tác Giả Của Việt Nam Trong Điều Kiện Hiện Nay
Xem toàn bộ 132 trang tài liệu này.
Bắt đầu từ thế kỷ XX, đã xuất hiện một số xu hướng định hình vấn đề nêu trên - đó là sự xuất hiện vấn đề bang hành chính, một cách lý giải tư pháp mở rộng hơn và mạnh mẽ hơn đối với khái niệm "trình tự pháp lý" và "bảo vệ công bằng", cũng như sự mở rộng quyền lực của Quốc hội trong việc điều chỉnh thương mại. Hai xu hướng này kết hợp với nhau, đã làm tăng vai trò của liên bang trong hệ thống pháp lý. Nhưng dù sao còn nhiều lĩnh vực trong hệ thống pháp luật vẫn thuộc thẩm quyền của bang. Mặc dù không bang nào được quyền từ chối trao cho công dân các quyền được Hiến pháp bảo vệ, nhiều bang vẫn giải thích Hiến pháp riêng của mình theo hướng trao nhiều quyền và đặc quyền rộng rãi hơn. Đây là những lưu ý khi đăng ký và bảo hộ quyền tác giả tại Hoa Kỳ cũng như giải quyết các tranh chấp liên quan đền quyền tác giả tại quốc gia này.
3.2. MỘT SỐ BÀI HỌC KINH NGHIỆM ĐỐI VỚI CÔNG TÁC LẬP PHÁP VÀ THỰC THI PHÁP LUẬT QUYỀN TÁC GIẢ TẠI VIỆT NAM
3.2.1. Quản lý nhà nước về quyền tác giả
Cục Bản quyền tác giả Hoa Kỳ trực thuộc Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ, đây là một điểm đặc thù của hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về quyền tác giả của Hoa Kỳ. Thư viện quốc hội Hoa Kỳ là thể chế liên bang lâu đời nhất tại Hoa Kỳ và là cơ quan nghiên cứu của Quốc hội Hoa Kỳ. Đây được coi là Thư viện lớn nhất thế giới với hàng tỷ đầu sách, bản ghi âm, ảnh, bản đồ cũng như các tác phẩm khác. Do vậy, có thể thấy rằng Cục Bản quyền tác giả trực thuộc thư viện quốc hội Hoa Kỳ (là một bộ phận trực thuộc cơ quan Lập pháp của Hoa Kỳ) không chịu bất cứ một sự ràng buộc nào về mặt quản lý nhà nước của các cơ quan hành pháp. Đây cũng là một sự lý giải cho việc hoạt động rất hiệu quả của Cục Bản quyền tác giả Hoa Kỳ trong việc nghiên cứu,
đề xuất các dự luật quyền tác giả lên Quốc hội cũng như việc thực thi các thủ tục hành chính đăng ký, bảo hộ quyền tác giả tại Hoa Kỳ.
Tại Việt Nam, theo Quyết định số 41/2008/QĐ-BVHTTDL ngày 15/5/2008 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thì Cục Bản quyền là Cơ quan của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có chức năng tham mưu giúp Bộ trưởng thực hiện quản lý nhà nước về bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan trong cả nước theo đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Cơ cấu tổ chức của Cục Bản quyền tác giả bao gồm: Cục trưởng và các phó Phó Cục trưởng; Các phòng chuyên môn, nghiệp vụ như: a) Văn phòng;
b) Phòng Quyền tác giả; c) Phòng Quyền liên quan; d) Phòng Thông tin quyền tác giả. Ngoài ra còn có tổ chức sự nghiệp trực thuộc là Tạp chí Bản quyền và Thị trường.
Như vậy, có thể thấy Cục Bản quyền tác giả tại Việt Nam là một đơn vị hành chính thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, là thành phấn trong cơ cấu tổ chức của Chính phủ, trực thuộc cơ quan hành pháp.
Theo quan điểm của tác giả, với sự phát triển như vũ bão của bản quyền trong thời đại công nghệ thông tin hiện đại như ngày nay, nên chăng chúng ta học tập kinh nghiệm của Hoa Kỳ nâng tầm Cục Bản quyền tác giả thành cơ quan trực hệ thống cơ quan lập pháp, giúp việc cho Quốc hội trong việc nghiên cứu, đề xuất các chính sách pháp luật, dự thảo luật liên quan đến vấn đề bản quyền tại Việt Nam, đồng thời thực hiện các nhiệm vụ hợp tác quốc tế về bản quyền tác giả và các quyền liên quan, bên cạnh chức năng chính là thực hiện việc quản lý nhà nước về bảo hộ quyền tác giả.
3.2.2. Trình tự, thủ tục đăng ký bản quyền tác giả
Hệ thống đăng ký bảo hộ bản quyền tác giả Hoa Kỳ cho phép tác giả, chủ sở hữu tác phẩm (người nộp đơn) được lựa chọn một trong ba hình thức đăng ký quyền tác giả:
- Đăng ký qua mạng (Online registration)
- Đăng ký với mẫu điền sẵn (Registration with Fill-In Form)
- Đăng ký với mẫu đơn giấy (Registration with paper forms)
Với cơ sở vật chất đầy đủ trên nền của hệ thống công nghệ thông tin phát triển, áp dụng các thành quả của khoa học công nghệ, Cục Bản quyền tác giả Hoa Kỳ khuyến khích và tạo mọi điều kiện cho việc đăng ký bảo hộ quyền tác giả.
Theo số liệu thống kê, năm 2007, Cục Bản quyền tác giả Hoa Kỳ nhận
541.212 đơn yêu cầu đăng ký bản quyền tác giả, trong đó có 526.378 đơn yêu cầu được chấp nhận đăng ký bảo hộ quyền tác giả [36]. Trong khi đó tại Việt Nam, số đơn được cấp đăng ký năm 2007 là 3.231 tác phẩm, năm 2008 là 4.922 tác phẩm [5].
Với qui trình đăng ký, trình tự thủ tục đơn giản, thuận lợi, đặc biệt là hình thức đăng ký qua mạng, Cục Bản quyền tác giả Hoa Kỳ đã đáp ứng đầy đủ nhu cầu đăng ký bản quyền tại Hoa Kỳ. Hơn nữa, với ưu điểm của việc đăng ký trước, đã cho phép người nộp đơn có thể chống lại các vi phạm quyền tác giả đối với tác phẩm của mình. Trong năm 2007, Cục Bản quyền đã nhận 496 đơn yêu cầu đăng ký trước quyền tác giả [36].
Việc tra cứu các tác phẩm đã đăng ký quyền tác giả tại Cục Bản quyền tác giả Hoa Kỳ được thực hiện toàn bộ qua mạng. Bất kỳ người nào cũng có thể tra cứu quyền tác giả thông qua trang web của Cục Bản quyền tác giả. Các thông tin luôn được cập nhất đầy đủ và chính xác trên dữ liệu trực tuyến của Cục Bản quyền.
Tại Việt Nam, đến thời điểm hiện tại mới có hình thức đăng ký duy nhất là đăng ký với mẫu đơn giấy kèm theo tác phẩm yêu cầu bảo hộ và các tài liệu có liên quan khác theo qui định. Người nộp đơn có thể trực tiếp nộp đơn yêu cầu đăng ký hoặc thông qua các tổ chức đại diện sở hữu trí tuệ. Việc tra cứu đã bước đầu được cập nhật trên trang web của Cục tại địa chỉ www.cov.gov.vn
Với sự phát triển hiện tại của công nghệ thông tin tại Việt Nam, chúng ta hoàn toàn có thể đa dạng hóa các hình thức nộp đơn đăng ký quyền tác giả, cũng như việc cung cấp thông tin về bản quyền tác giả tại Việt Nam. Do vậy, cần thiết phải xây dựng một khung pháp lý để hoàn thiện hệ thống tra cứu, đăng ký và lưu trữ quyền tác giả. Việc học tập kinh nghiệm của Hoa Kỳ trong việc đăng ký bảo hộ quyền tác giả là cần thiết và rất có ích cho Việt Nam.
3.2.3. Hệ thống chế tài trong việc thực thi bảo hộ quyền tác giả
Hệ thống chế tài trong việc thực thi bảo hộ quyền tác giả của Hoa Kỳ được coi là hoàn thiện và đầy đủ, bao gồm các biện pháp như: Các lệnh của Tòa án; tịch thu và xử lý đồ vật vi phạm; bồi thường thiệt hại và lợi nhuận; chi phí tố tụng và lệ phí luật sư; cấm nhập khẩu và phân phối; các hình phạt hình sự. Hệ thống các cơ quan Tòa án được coi là trung tâm trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến thực thi bảo hộ quyền tác giả tại Hoa Kỳ với trình tự, thủ tục, thời gian giải quyết nhanh gọn và thuận lợi.
Tại Việt Nam, hiện tại có rất nhiều văn bản quy định thẩm quyền cũng như các chế tài thực thi bảo hộ quyền tác giả. Các chế tài chủ yếu của Việt Nam bao gồm: Biện pháp hành chính, dân sự, hình sự có liên quan đến việc thực thi quyền tác giả.
Hệ thống các cơ quan thực thi của Việt Nam có liên quan đến việc bảo hộ quyền tác giả bao gồm:
- Tòa án
- Thanh tra chuyên ngành văn hóa thông tin
- Ủy ban nhân dân
- Cơ quan Hải quan
- Cơ quan quản lý thị trường
- Cảnh sát kinh tế
- An ninh văn hóa
- Bộ đội biên phòng
Như vậy, có thể thấy rằng, hệ thống các chế tài cùng với hệ thống các cơ quan có thẩm quyền xử lý và thực thi bảo hộ quyền tác giả tại Việt Nam không tập trung và rất tản mạn. Mỗi loại chế tài cũng như cơ quan nhà nước có thẩm quyền tương ứng được qui định trong các văn bản pháp luật khác nhau và nằm ở các văn bản pháp luật chuyên ngành trong mỗi lĩnh vực cụ thể như: Lĩnh vực hải quan, xuất nhập khẩu, xử phạt vi phạm hành chính, dân sự, hình sự...
Việc tham khảo hệ thống chế tài các biện pháp thực thi cũng như cách thức tổ chức hệ thống cơ quan thực thi bảo hộ quyền tác giả của Hoa Kỳ có ý nghĩa rất lớn trong việc hoàn thiện hệ thống các chế tài cũng như các cơ quan thực thi của Việt Nam trong lĩnh vực bảo hộ quyền tác giả. Chúng ta nên minh bạch hóa hệ thống các chế tài, cơ chế áp dụng, thời gian, trình tự thủ tục cũng như tập trung và nâng cao vai trò, thẩm quyền của hệ thống Tòa án các cấp trong việc thực thi bảo hộ quyền tác giả tại Việt Nam.
3.2.4. Vai trò của các Hiệp hội liên quan đến quyền tác giả
Tại Hoa Kỳ, phải thừa nhận rằng các Hiệp hội liên quan đến quyền tác giả có vai trò rất lớn trong việc vận đồng hành lang đối với các cơ quan nhà nước để ban hành các đạo luật, văn bản pháp luật khác có liên quan đến việc bảo hộ quyền tác giả cũng như việc thực thi chống lại các hành vi xâm phạm quyền tác giả có liên quan đến quyền lợi của các hội viên cũng như các hiệp hội. Hơn nữa, Hiệp hội là nơi tập trung của các tác giả, chủ sở hữu tác phẩm có quyền lợi ích liên quan mật thiết với nhau, các hội viên có thể hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau, trao đổi kinh nghiệm trong việc sáng tác. Hiệp hội cũng là cơ quan đại diện hội viên để đàm phán về phí sử dụng các tác phẩm, chống lại việc sao chép bất hợp pháp các tác phẩm của các hội viên, chống lại các hành vi xâm phạm bản quyền, thực hiện việc khởi kiện chống lại các vi phạm quyền tác giả. Hoặc
thực hiện các biện pháp phản kháng tự vệ như đình công, biểu tình chống lại các hành vi xâm phạm quyền lợi của hiệp hội cũng như các hội viên.
Các hiệp hội có liên quan đến quyền tác giả tại Hoa Kỳ được thành lập từ rất sớm, có thể kể ra đây như: Hiệp hội các nhà sản xuất âm nhạc thành lập từ năm 1895, Hiệp hội điện ảnh Mỹ thành lập năm 1922, Hiệp hội máy tính thành lập năm 1947, Hiệp hội thư viện Mỹ thành lập năm 1876, Hiệp hội các nhà nhiếp ảnh chuyên nghiệp Mỹ thành lập năm 1880, Hiệp hội các nhà báo thành lập năm 1909...
Một ví dụ điển hình về vai trò của Hiệp hội trong việc bảo vệ quyền tác giả tại Mỹ: Ngày 12/04/2009, Hiệp hội công nghiệp băng đĩa Mỹ (RIAA) thông báo nộp đơn kiện 405 sinh viên về việc lợi dụng một hệ thống của đối tác liên kết giữa các trường đại học để tiến hành tải lậu các ca khúc có bản quyền phát trên mạng. Đơn kiện tập thể các bị đơn là sinh viên của 20 trường đại học tại Mỹ. Trong đó có sinh viên các trường danh tiếng như Columbia (New York), Harvard (Boston) và Berkeley (San Francisco). Theo thông báo của RIAA, những sinh viên này đã chuyển tải và phân phối bất hợp pháp hơn 1,5 triệu thư mục, trong đó hơn 930.000 ca khúc. RIAA cho biết từ hệ thống đường truyền cao Internet2 liên kết 200 trường đại học Mỹ - phục vụ cho việc chia sẻ các công trình nghiên cứu - các sinh viên đã sử dụng một ứng dụng gọi là "i2hub" để trao đổi những ca khúc có bản quyền được tải trên mạng. Việc chuyển tải từ i2hub qua đường truyền Internet2 là cực nhanh, đa số trường hợp tải chưa đầy năm phút đối với một bộ phim hay dưới 20 giây đối với một ca khúc. Nguyên đơn còn gửi thông báo đến các nhà cung cấp mạng Internet2 và những người đứng đầu các trường đại học có liên quan. RIAA là Hiệp hội bảo vệ cho quyền lợi của các công ty băng đĩa lớn như Universal Music, Sony/BMG, Warner, EMI [15].
Tại Việt Nam, liên quan đến lĩnh vực bản quyền tác giả, vai trò của các Hiệp hội rất mờ nhạt, chủ yếu mới là nơi thu hút, tập trung của các hội