Truyền thông quảng bá du lịch địa phương trên báo điện tử khu vực đồng bằng sông Cửu Long - 9


Ông Trương Văn Chuyển - Tổng biên tập Báo Cần Thơ nhận định: “Trong phát triển ngành du lịch nói chung, kinh tế du lịch nói riêng, báo chí truyền thông có vai trò rất quan trọng, nhằm đưa hình ảnh đất nước, con người, nét đẹp văn hóa, truyền thống… của đất nước, từng địa phương đến với đông đảo bạn đọc trong và ngoài nước. Trong đó báo đảng địa phương có ưu thế mà ít có cơ quan báo chí nào có được, đó là nắm rõ chủ trương của địa phương, những lợi thế, ưu điểm của địa phương trong phát triển các ngành, lĩnh vực, trong đó có du lịch. Để tuyên truyền góp phần phát triển du lịch địa phương, báo đảng địa phương phải chủ động xây dựng kế hoạch, chuyên trang chuyên đề, xây dựng lực lượng biên tập, phóng viên chuyên trách và đội ngũ cộng tác viên rộng khắp”.

Với lợi thế của mình, các báo đảng ở khu vực ĐBSCL cần phát huy vai trò chủ đạo trong truyền thông quảng bá du lịch địa phương, là kênh thông tin chính thống về các vấn đề của tỉnh. Bên cạnh đó, như đã phân tích, các bài viết phản ánh quá trình xây dựng và phát triển, tuyên truyền chủ trương chính sách của tỉnh là thế mạnh của các báo đảng địa phương. Trong truyền thông quảng bá du lịch, không chỉ giới thiệu điểm đến, tuyến bài phân tích, phản ánh những hạn chế trong quá trình phát triển cũng là những nội dung cần thiết, để công chúng có góc nhìn toàn diện hơn đối với sự phát triển du lịch của một địa phương. Trong số công chúng tìm đọc các bài viết về du lịch địa phương, không chỉ có một mục đích là tìm thông tin du lịch mà còn có các doanh nghiệp đang tìm kiếm cơ hội đầu tư, hợp tác, các nhà nghiên cứu phát triển xã hội, hoặc các đối tượng cần tham khảo thông tin, phục vụ cho việc học, nghiên cứu.

- Bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn cho phóng viên:

Các báo đảng địa phương ở ĐBSCL hiện nay hầu hết đều hoạt động song song hai loại hình báo chí là báo in và báo điện tử. Việc phát triển sang


báo điện tử cũng mới thời gian ngắn, lực lượng làm báo chưa có nhiều kinh nghiệm. Trước yêu cầu của nhiệm vụ, đội ngũ phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên của các đơn vị cần được tạo điều kiện học tập, bồi dưỡng để tiếp cận những kỹ thuật mới để tác nghiệp chuyên nghiệp hơn, tạo ra những sản phẩm chất lượng. Việc đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cho đội ngũ người làm báo cần được thường xuyên thực hiện theo hình thức các lớp tập huấn ngắn hạn và tổ chức tại địa phương hoặc các cụm địa phương lân cận nhau để phù hợp với đặc thù công việc. Nội dung tập huấn cần đi sâu vào hướng dẫn các cách làm mới, kỹ thuật mới, chú trọng thực hành, ứng dụng hơn là lý thuyết. Chú trọng cập nhật xu thế phát triển của báo chí hiện đại để tổ chức bồi dưỡng kỹ năng thích ứng cho phóng viên như: kỹ năng biên tập từ báo in sang báo điện tử và báo hình, kỹ năng truyền thông qua mạng xã hội, thực hiện phóng sự phát thanh hiện đại, kỹ năng chụp ảnh báo chí... Mục đích chính là để đội ngũ làm báo địa phương được giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, học tập những cách làm mới, hay, xu thế phát triển của báo chí hiện đại để có cách làm mới, phù hợp với đơn vị, nâng chất lượng các sản phẩm báo chí địa phương.

Đối với việc vận hành hài hòa giữa hai loại hình báo in và báo điện tử tại các cơ quan báo chí cũng cần có chiến lược, định hướng rõ ràng. Trong đó, báo điện tử cần được cập nhật thường xuyên trong ngày, kịp thời chuyển tải tin tức thời sự đến bạn đọc. Trong khi đó, báo in đổi mới hình thức trình bày, nâng cao chất lượng theo hướng chuyên sâu, phản ánh đa chiều. Báo in cùng với báo điện tử có sự phối hợp ăn ý khi tận dụng từ thế mạnh của mình: báo điện tử đưa tin nóng trước, báo in phân tích, làm rõ, đeo bám vấn đề sâu sắc hơn.


- Đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật:

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 116 trang tài liệu này.

Các cơ quan báo chí tỉnh thành ĐBSCL cần tiếp tục đầu tư về cơ sở hạ tầng kỹ thuật để vận hành tốt báo điện tử. Các báo cần đầu tư trang thiết bị tác nghiệp để phục vụ cho việc vận hành báo điện tử. Do tính đa phương tiện trên báo điện tử nên trang bị thêm thiết bị như máy quay phim, máy tính cấu hình cao để dựng hình, phòng thu âm, phát thanh. Một số cơ quan báo chí đầu tư phòng thu, dựng hình chuyên nghiệp để đảm bảo chất lượng cho sản phẩm báo chí. Đơn cử như tại Báo Đồng Tháp đang thực hiện hợp đồng với bưu điện để áp dụng phát thanh điện tử trên báo điện tử. Hiện có 4 máy quay trang bị cho phóng viên để thực hiện các clip.

Nắm bắt thói quen cập nhật thông tin của công chúng hiện nay, các cơ quan báo chí đầu tư mạnh hơn cho việc cập nhật tin, bài trên các kênh mạng xã hội như youtube, facebook… Mạng xã hội cũng được xem là kênh tuyên truyền hiệu quả, tiếp thu được ý kiến, tương tác của bạn đọc, tuy nhiên các cơ quan báo chí có sự kiểm soát bình luận trên tin bài điện tử. Một số cơ quan báo chí đẩy mạnh phát triển ứng dụng đọc báo, phát triển sản phẩm báo chí trên thiết bị di động để tiếp cận công chúng. Cụ thể như Báo Đồng Khởi, Báo Cần Thơ, Báo Đồng Tháp đều có ứng dụng đọc báo trên App Store, CH Play, với giao diện đặc thù phục vụ công chúng đọc báo trên thiết bị di động. Ông Đinh Hữu Dũng – nguyên Tổng biên tập báo Đồng Tháp cho biết: “Đơn vị định hướng phát triển các chương trình thu phát trực tiếp sự kiện. Việc này cần hạ tầng dữ liệu mạnh để quay trực triếp từ điện thoại và phát trực tiếp bằng điện thoại di động của phóng viên tại hiện trường”.

Truyền thông quảng bá du lịch địa phương trên báo điện tử khu vực đồng bằng sông Cửu Long - 9

Tại Bến Tre, với định hướng phát triển cơ quan báo chí theo Kế hoạch số 2447/KH-UBND ngày 23-5-2019 của UBND tỉnh Bến Tre về quy hoạch phát triển và quản lý báo chí trên địa bàn tỉnh Bến Tre đến năm 2025, phát triển báo chí theo hướng đầu tư, phát huy hiệu quả của báo mạng điện tử, xây


dựng trang tiếng nước ngoài, để tăng cường thông tin đối ngoại, quảng bá hình ảnh quê hương, đất nước đến với cộng đồng quốc tế. Ông Lê Ngọc Hân - Tổng biên tập Báo Đồng Khởi cho biết: “Đối với truyền thông quảng bá du lịch địa phương, vẫn tiếp tục là mảng đề tài quan trọng theo hướng ngày càng mở rộng và chuyên sâu hơn, nhất là đối với loại hình báo điện tử đang phát triển mạnh mẽ như hiện nay. Các sản phẩm báo chí về du lịch không chỉ là “đặc quyền” của phóng viên, cộng tác viên, các chuyên gia, các nhà quản lý, mà còn có sự tham gia, tương tác của du khách. Chính họ là người trực tiếp trải nghiệm nhiều địa điểm, vùng miền nên những chia sẻ về cảm xúc thú vị, so sánh về sự độc đáo, các đánh giá phong phú trên hành trình tham quan, chắc chắn sẽ đem đến đến sự sinh động và sức thuyết phục cho mỗi tin tức bài viết, hình ảnh.

Báo điện tử là kênh phát triển có nhiều hứa hẹn, tăng cường hơn các tin bài đúng chất báo điện tử. Đổi mới dựa trên giá trị cốt lõi là báo đảng, Báo Đồng Khởi vừa đổi mới hình thức, vừa tiếp tục nâng cao chất lượng tin bài, thể hiện mạnh mẽ tính tự phê bình và phê bình, tính phản biện, thực tiễn và thời sự, đảm bảo các nguyên tắc hoạt động cũng như các giá trị của báo chí cách mạng Việt Nam, trong đó có tính đảng, tính chân thật, khách quan. Đồng thời thực hiện tốt chức năng giáo dục tư tưởng, quản lý, giám sát xã hội. Quan tâm hơn về đổi mới giao diện trên báo điện tử, làm nổi bật banner du lịch bằng cách thiết kế sao cho bắt mắt bạn đọc.

Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Lê Mạnh Hùng tại cuộc họp khảo sát việc mua và đọc báo, tạp chí của Đảng tại Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương vào tháng 5/2019 đã một lần nữa khẳng định rằng, “trong bối cảnh bùng nổ thông tin hiện nay, báo đảng vẫn giữ vai trò và tầm quan trọng riêng trong việc cung cấp thông tin chính thống, góp phần nâng cao nhận thức, giá trị thẩm mỹ, vốn văn hóa, vốn hiểu biết cho công chúng” [24].


3.3.2. Công tác phối hợp


Trong thời đại công nghệ thông tin như hiện nay, những thông tin quan trọng về du lịch đăng tải trên các phương tiện truyền thông được xem như một kênh chính thức để người dân, du khách tham khảo, có thêm lựa chọn để trải nghiệm. Các doanh nghiệp du lịch cũng dựa vào kênh thông tin báo chí để quảng bá, khai thác nguồn khách. Trong quá trình phản ánh, báo chí đã phát hiện những vấn đề tồn tại, hạn chế của ngành. Thông qua đó, các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch kịp thời chấn chỉnh. Mặt khác, báo chí cũng đi sâu phân tích, phát hiện những nhân tố mới giúp ngành du lịch định hình dòng sản phẩm chất lượng phong phú. Đồng thời giúp các cấp lãnh đạo thấy rõ thực trạng phát triển du lịch tại địa phương để có những chỉ đạo, điều chỉnh, bổ sung kịp thời. Tuy nhiên, để làm tốt vai trò đồng hành cùng ngành du lịch, báo chí phải có những bước chuyển hiệu quả hơn trong việc quảng bá.

Sự phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước về du lịch với doanh nghiệp và cơ quan báo chí nếu thực hiện chặt chẽ thì sẽ góp phần hiệu quả trong truyền thông quảng bá du lịch địa phương. Mối quan hệ phối hợp giữa 3 bên này không phải chỉ gói gọn trong phạm vi của một tỉnh, thành mà còn có thể mở rộng, giữa địa phương này với địa phương khác. Thông tin truyền thông quảng bá du lịch trên báo điện tử không nhất thiết chỉ nói riêng về du lịch địa phương mà có thể đăng tải giới thiệu du lịch của các địa phương khác. Việc giới thiệu của địa phương khác cũng là một trong những cách để thu hút công chúng đến với địa phương mình. Nếu du khách tìm thấy thông tin du lịch của địa phương A trên báo của tỉnh B, thì khả năng họ tìm đọc những thông tin du lịch của tỉnh B cũng nhiều hơn. Nắm bắt tâm lý này, giữa một số tỉnh thành trong khu vực có thể liên kết với nhau về vấn đề thông tin, để hợp tác cùng quảng bá thông tin du lịch tỉnh nhà.


Theo ông Mai Ngọc Thuyết – Phó giám đốc Trung tâm phát triển du lịch TP.Cần Thơ nhận định: “Cơ quan quản lý nhà nước về du lịch cần có sự thống nhất trong truyền thông với cơ quan báo chí, liên kết, phối hợp chặt chẽ với cơ quan báo chí trong việc tuyên truyền, quảng bá du lịch. Trước hết cần phải chủ động trong việc đưa ra chiến lược truyền thông dài hạn, phát triển tất cả các kênh, các loại hình truyền thông, biết tận dụng lợi thế của công nghệ số hiện đại. Và trên hết, cần phải đổi mới phương thức, nội dung tuyên truyền, nâng cao tính chuyên nghiệp; tích cực quảng bá hình ảnh đất nước, các sản phẩm du lịch và quan tâm truyền thông về văn hóa ứng xử, vấn đề cảnh quan môi trường, an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường để phát triển du lịch theo hướng bền vững và hiện đại”.

Cơ quan báo chí và cơ quan quản lý nhà nước về du lịch là hai cơ quan có chức năng khác nhau, tuy nhiên có cùng một nhiệm vụ đó là góp phần phát triển du lịch địa phương. Với tinh thần đó, giữa cơ quan báo chí và cơ quan quản lý nhà nước về du lịch cần có sự liên kết chặt chẽ, nhịp nhàng trong phối hợp. Về phía cơ quan quản lý nhà nước về du lịch phải chủ động cung cấp đầy đủ những thông tin chính thống về các chủ trương, chỉ đạo, các hoạt động trong lĩnh vực du lịch đến cơ quan báo chí khi có đặt hàng từ phía cơ quan báo chí. Riêng về phía cơ quan báo chí phải đăng tải những hình ảnh, tin, bài một cách nhanh chóng, chính xác, trích xuất nguồn gốc thông tin chính thống để kịp thời truyền thông, quảng bá du lịch một cách nhanh nhất trong thời buổi công nghệ số. Tiếp tục phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị sự nghiệp chuyên ngành về du lịch để truyền thông chính xác, hiệu quả những thay đổi kịp thời về chế độ chính sách, cũng như các sản phẩm mới của ngành du lịch.

Bên cạnh đó, khi cơ quan báo chí địa phương trở thành thành viên của ban chỉ đạo phát triển du lịch của địa phương sẽ trở thành động lực chính để


đẩy mạnh hoạt động truyền thông. Bản thân cơ quan báo chí cũng sẽ chủ động thực hiện các giải pháp để tăng cường hiệu quả của truyền thông quảng bá du lịch, chứ không phải chỉ là ở vai trò thực hiện nhiệm vụ thường xuyên trong khi phải cân đối số lượng tin bài, thậm chí ưu tiên cho nhiều chủ đề, chủ điểm khác trong tháng, tin bài theo dòng chủ lưu thời sự.

Ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước về du lịch có thể thúc đẩy công tác phối hợp với báo chí thông qua các hoạt động như: phối hợp tổ chức tham gia các hoạt động tại các lễ hội, sự kiện, hội chợ triển lãm chuyên ngành, liên hoan du lịch trong và ngoài tỉnh; tổ chức tiếp đón các đoàn famtrip, báo, đài đến khảo sát, trải nghiệm sản phẩm du lịch mới và viết bài đưa tin quảng bá du lịch, xây dựng sản phẩm liên kết phát triển du lịch. Đẩy mạnh thực hiện các chuyên trang giới thiệu hình ảnh, sản phẩm, tài nguyên du lịch trên báo chí.

3.3.3. Đối với phóng viên

Để thực hiện tốt công tác truyền thông quảng bá du lịch, giải pháp đưa ra là cần có lực lượng phóng viên có thế mạnh khi viết về lĩnh vực du lịch. Do trước nay, đội ngũ phóng viên các báo ở khu vực ĐBSCL không đông, một người thường phụ trách nhiều mảng nội dung chứ không chỉ riêng du lịch, do đó không có nhiều thời gian đầu tư các bài chuyên sâu viết về du lịch. Bản thân phóng viên phụ trách mảng du lịch cần thường xuyên nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, cập nhật thường xuyên kiến thức về du lịch, tăng cường trải nghiệm du lịch, đổi mới cách viết để phù hợp với phong cách viết du lịch. Tiếp cận xu hướng mới trong truyền thông quảng bá về du lịch, xu hướng tiếp cận thông tin của công chúng, tự đổi mới cách làm báo của mình về kỹ thuật, cách thể hiện nội dung, thực hiện các sản phẩm báo chí đa phương tiện để phát huy thế mạnh của báo điện tử.


Phóng viên Trần Thạch Thảo – Báo Đồng Khởi cho biết: “Trong truyền thông quảng bá du lịch địa phương, điều quan trọng cần lưu ý là phải viết đúng sự thật, không tô vẽ theo doanh nghiệp, viết một cách khách quan. Tờ báo địa phương là tờ báo chính thống trên địa bàn nên độ tin tưởng của độc giả rất cao, vì vậy khi viết thì phải viết sự thật, nghe nhiều, đa chiều. Tin làm sao vừa nói được chủ trương vừa quảng bá, có thể khi viết thì nói rõ cụ thể tên địa điểm để góp phần thông tin giới thiệu cho điểm đến”.

Theo phóng viên Bùi Hữu Nghĩa – Báo Nhân Dân thường trú tại Đồng Tháp: “Nhà báo khi viết về du lịch là không được tô hồng. Vì nếu viết không đúng sự thật thì khách du lịch đến địa phương, điểm tham quan một lần sẽ biết ngay. Từ đó ảnh hưởng đến uy tín nhà báo, uy tín tòa soạn, uy tín của ngành du lịch tỉnh và lãnh đạo địa phương. Do đó, bài viết về du lịch phải vừa có mặt tích cực, nhưng cũng nêu lên những mặt hạn chế của ngành du lịch tỉnh. Qua đó, giúp các cấp lãnh đạo thấy rõ thực trạng phát triển du lịch tại địa phương để có những chỉ đạo, điều chỉnh, bổ sung kịp thời. Người làm báo phải đi sâu phân tích, phát hiện những nhân tố mới giúp ngành du lịch định hình dòng sản phẩm chất lượng”.

Và phóng viên của báo địa phương thì ngoài việc phục vụ nhu cầu bạn đọc thì phải chú trọng phản ánh việc thực hiện chủ trương, chính sách về du lịch. Đây vẫn là nhiệm vụ chính của phóng viên và cơ quan báo chí địa phương. Để hạn chế đi sự khô khan trong các bài viết thiên về chính luận, tuyên truyền chủ trương, chính sách thì cần đổi mới cách viết, khai thác thế mạnh của báo mạng với các tính năng hiện đại để tăng hiệu quả tuyên truyền. Bên cạnh đó là liên kết với nhau tạo sự lan tỏa thông tin về những sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương, tuyên truyền có trọng tâm, trọng điểm.

Xem tất cả 116 trang.

Ngày đăng: 05/10/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí