Tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy trong luật hình sự Việt Nam - 2

Tiến sĩ luật học, Học viện Cảnh sát nhân dân; 3. Trần Văn Luyện (1999), Phát hiện và điều tra các tội phạm tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy của lực lượng Cảnh sát nhân dân, Luận án Tiến sĩ luật học, Học viện Cảnh sát nhân dân; 4. Nguyễn Lương Hòa (2004), Đấu tranh phòng chống các tội phạm về ma túy trên địa bàn tỉnh Nghệ An, Luận văn Thạc sĩ luật học, Trường Đại học Luật Hà Nội;

5. Phạm Tiến Quang (2006), Đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, Luận văn Thạc sĩ luật học, Trường Đại học Luật Hà Nội, 6. Đặng Thị Thảo Lan (2005), Đấu tranh phòng chống tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt các chất ma túy ở các tỉnh Tây Bắc Việt Nam, Luận văn Thạc sĩ luật học, Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội; 7. Trần Quốc Trọng (2012), Tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy trong Luật hình sự Việt Nam và thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử ở tỉnh Hà Nam giai đoạn 2005-2010, Luận văn Thạc sĩ luật học, Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội… Những tài liệu khoa học trên đây đều có phạm vi nghiên cứu rộng hoặc nghiên

cứu chuyên sâu theo một vài góc độ, phương diện nhất định. Trong đó, “Tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy trong Luật hình sự Việt Nam” chỉ là một phần nhỏ trong nội dung nghiên cứu của các tác giả. Về mặt lý luận và thực tiễn, các tác giả vẫn chưa đi sâu vào phân tích các dấu hiệu pháp lý đặc trưng của “Tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy trong Luật hình sự Việt Nam” và chưa làm rõ sự khác biệt cơ bản cũng như mức độ nguy hiểm của từng hành vi phạm tội cụ thể trong số các hành vi “tàng trữ”, hành vi “vận chuyển” và hành vi “mua bán” trái phép chất ma túy. Hơn nữa, thực tiễn xét xử đối với các tội phạm tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy trên địa bàn thành phố Đà Nẵng trong giai đoạn từ năm 2011 đến năm 2015 cũng đã cho thấy: Những hành vi phạm tội này của các đối tượng phạm tội thường có sự đan xen với nhau nên rất khó phân biệt một cách rạch ròi từng hành vi cụ thể của từng đối tượng phạm tội cụ thể trong quá trình truy cứu trách nhiệm hình sự và xử lý theo luật định. Trong nhiều vụ án hình sự về ma túy, tội phạm về ma túy không thực hiện các hành vi “tàng trữ”, hành vi “vận chuyển”, hành vi “mua bán” trái phép chất ma túy một

cách độc lập, riêng lẻ, mà thường thực hiện các hành vi này trong một chuỗi các hành vi kế tiếp nhau. Sau khi thực hiện hành vi mua bán trái phép chất ma túy, tội phạm ma túy thường thực hiện hành vi vận chuyển ma túy về nơi tàng trữ, cất giấu. Từ hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy, tội phạm ma túy thường thực hiện hành vi vận chuyển trái phép chất ma túy và (hoặc) thực hiện hành vi mua bán trái phép chất ma túy. Vì vậy, các tác giả trên đây vẫn chưa chỉ ra được những tồn tại, bất cập về mặt lý luận và những khó khăn, hạn chế trong thực tiễn áp dụng pháp luật để xử lý tội phạm về ma túy nói chung, tội phạm tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy nói riêng. Cũng chính vì những lý do này, các tác giả nêu trên đều đã chưa tìm ra được nguyên nhân của những tồn tại, bất cập và những hạn chế trong thực tiễn hoạt động xét xử đối với tội phạm về ma túy, đặc biệt là trong thực tiễn hoạt động xét xử tại địa bàn thành phố Đà Nẵng – Một thành phố trẻ, năng động, hiền hòa với rất nhiều tiêu chí phấn đấu để thực sự trở thành một thành phố đáng sống, trong đó có tiêu chí “không có người nghiện ma túy trong cộng đồng”.

Từ trước đến nay, tại địa bàn thành phố Đà Nẵng chưa có công trình nào nghiên cứu về tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy trên cơ sở gắn liền với các đặc điểm về địa lý, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương. Vì vậy, việc nghiên cứu sâu hơn những quy định về “Tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy trong Luật hình sự Việt Nam”, đồng thời phân tích đánh giá thực trạng giải quyết các vụ án về ma túy nói chung, các vụ án về tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy nói riêng thông qua số liệu thực tiễn xét xử tại địa bàn thành phố Đà Nẵng từ năm 2011 đến năm 2015 là cần thiết và có ý nghĩa đối với công tác đấu tranh ngăn chặn, phòng chống tệ nạn ma túy và tội phạm về ma túy, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và bảo vệ cuộc sống bình yên cho thành phố biển xinh đẹp này.

3. Mục đích và đối tượng nghiên cứu

3.1. Mục đích, nhiệm vụ nghiên cứu

Trong phạm vi của Luận văn tốt nghiệp này, tác giả mong muốn đưa ra sự nhìn nhận, đánh giá một cách tổng quát về các quy định hiện hành về “Tội tàng trữ,

vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy trong Luật hình sự Việt Nam” cũng như việc áp dụng các quy định này trong thực tiễn xét xử của Tòa án các cấp tại thành phố Đà Nẵng giai đoạn từ năm 2011 đến năm 2015. Từ đó, tác giả làm sáng tỏ những ưu điểm, những tồn tại và nêu lên một số quan điểm, định hướng hoàn thiện các quy định về “Tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy trong Luật hình sự Việt Nam”, đồng thời đưa ra một số kiến nghị, giải pháp nhằm nâng cao chất lượng xét xử đối với tội phạm này trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Để đạt được những mục đích đó, tác giả cần phải hoàn thành một số nhiệm vụ cụ thể sau đây trong quá trình nghiên cứu và thực hiện đề tài:

Thứ nhất, tác giả phải nghiên cứu làm rõ khái niệm, đặc điểm và các dấu hiệu pháp lý đặc trưng của “Tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy trong Luật hình sự Việt Nam” cũng như những cơ sở pháp lý đảm bảo cho việc xét xử tội phạm này được thực hiện một cách khoa học, khách quan, công bằng và đúng pháp luật.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 118 trang tài liệu này.

Thứ hai, tác giả phân tích thực tiễn xét xử đối với “Tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy” trên cơ sở số liệu thực tiễn xét xử tại địa bàn thành phố Đà Nẵng từ năm 2011 đến năm 2015, đồng thời phân tích những tồn tại, hạn chế và bất cập trong hoạt động xét xử để tìm ra nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế và bất cập này.

Thứ ba, tác giả đưa ra một số kiến nghị và đề xuất một số giải pháp nhằm góp phần hoàn thiện các quy định về “Tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy trong Luật hình sự Việt Nam” cũng như nâng cao chất lượng xét xử đối với tội phạm này của Tòa án nhân dân các cấp tại thành phố Đà Nẵng trong thời gian tới.

Tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy trong luật hình sự Việt Nam - 2

3.2. Đối tượng nghiên cứu và phạm vi nghiên cứu

Như đúng tên gọi của đề tài nghiên cứu, luận văn tập trung nghiên cứu các căn cứ, dấu hiệu pháp lý về “Tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy trong Luật hình sự Việt Nam (trên cơ sở số liệu thực tiễn xét xử tại địa bàn thành phố Đà Nẵng)” cũng như kinh nghiệm của một số nước trên thế giới trong việc đưa ra các quy định của pháp luật hình sự và trong việc xử lý loại tội phạm này. Đồng

thời, thông qua số liệu và thực tiễn xét xử của Tòa án nhân dân các cấp tại địa bàn thành phố Đà Nẵng trong giai đoạn từ năm 2011 đến năm 2015, tác giả đề tài phân tích, tìm ra nguyên nhân của những tồn tại, bất cập và hạn chế trong hoạt động xét xử đối với tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy tại địa bàn thành phố Đà Nẵng và đưa ra một số kiến nghị, giải pháp khắc phục.

4. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu

Luận văn được thực hiện trên cơ sở lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và những chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước ta về đấu tranh, phòng chống tội phạm nói chung, đấu tranh phòng chống tội phạm về ma túy nói riêng.

Trong quá trình nghiên cứu và hoàn thiện luận văn, tác giả còn sử dụng một số phương pháp nghiên cứu khác như: Phương pháp lịch sử, phương pháp so sánh, phương pháp phân tích, đánh giá, tổng hợp và phương pháp thống kê tình hình thực tiễn xét xử đối với tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy tại địa bàn thành phố Đà Nẵng trong giai đoạn từ năm 2011 đến năm 2015.

5. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của đề tài

Kết quả nghiên cứu của luận văn tốt nghiệp góp phần hoàn thiện lý luận về các quy định của pháp luật hình sự hiện hành đối với tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy. Luận văn tập trung nghiên cứu sâu vào những vấn đề chung về tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy, đồng thời phân tích các dấu hiệu pháp lý đặc trưng của “Tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy trong Luật hình sự Việt Nam” và làm rõ sự khác biệt cơ bản cũng như mức độ nguy hiểm của từng hành vi phạm tội cụ thể trong số các hành vi “tàng trữ”, hành vi “vận chuyển” và hành vi “mua bán” trái phép chất ma túy. Trên cơ sở về mặt lý luận đó và dựa vào thực tiễn xét xử các vụ án hình sự về ma túy tại địa bàn thành phố Đà Nẵng trong giai đoạn từ năm 2011 đến năm 2015, tác giả đánh giá khái quát những tồn tại, hạn chế của hoạt động xét xử đối với tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy. Từ đó, tác giả tìm ra nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế đó để đưa ra một số kiến nghị, giải pháp cụ thể nhằm nâng cao chất lượng xét xử đối với tội phạm này trong thực tiễn.

Ngoài ra, luận văn còn có ý nghĩa như là một tài liệu tham khảo về mặt lý luận và có thể được sử dụng làm tài liệu nghiên cứu, học tập hoặc sử dụng trong thực tiễn hoạt động đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy.

6. Kết cấu của luận văn

Ngoài phần mở đầu và kết luận, danh mục tài liệu tham khảo, luận văn có cấu trúc gồm ba chương:

Chương 1. Một số vấn đề chung về “Tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy trong luật hình sự Việt Nam”.

Chương 2. Tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy trong Bộ luật hình sự hiện hành và thực tiễn xét xử các tội phạm này tại địa bàn thành phố Đà Nẵng từ năm 2010 đến năm 2015.

Chương 3. Một số kiến nghị và giải pháp hoàn thiện các quy định của Bộ luật hình sự về tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép các chất ma túy và nâng cao chất lượng xét xử đối với các tội phạm này.

Chương 1

MỘT SỐ VẤN ĐỀ CHUNG VỀ TỘI TÀNG TRỮ, VẬN CHUYỂN, MUA BÁN TRÁI PHÉP CHẤT MA TÚY


1.1. Khái niệm về tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy và hình phạt trong pháp luật hình sự Việt Nam

1.1.1. Khái niệm về ma tuý

Theo Từ điển từ Hán Việt, “ma” có nghĩa là tê liệt hoặc là “làm mê mẩn” hoặc làm cho tê liệt, “túy” có nghĩa là say hoặc là làm cho say sưa [34, tr. 14]. “Ma túy” là một danh từ dùng để chỉ chất thuốc có khả năng gây ra hiện tượng thần kinh tê liệt, dùng nhiều sẽ bị nghiện.

Có ý kiến cho rằng: “Các chất ma túy là các chất độc có tính chất gây nghiện, có khả năng bị lạm dụng, sự nghiện ngập chính là biểu hiện của trạng thái bị ngộ độc mãn tính do các chất ma túy gây nên cho người sử dụng chúng” [71, tr. 408].

Ý kiến khác thì đưa ra khái niệm: “Ma túy là những chất mà dùng nó một thời gian sẽ gây trạng thái nghiện hay nói cách khác là trạng thái phụ thuộc vào thuốc” [70, tr. 493].

Tác hại nghiêm trọng nhất của ma túy là tạo ra sự lệ thuộc cả về tâm lý và thể chất đối với người sử dụng. Như vậy, theo nghĩa chung nhất và thông thường nhất, ma túy được hiểu là một số chất tự nhiên hoặc chất tổng hợp (hóa học) khi đưa vào cơ thể người dưới bất kỳ hình thức nào sẽ gây ức chế hoặc kích thích mạnh hệ thần kinh, làm giảm đau hoặc có thể gây ảo giác, nếu sử dụng nhiều lần sẽ dẫn đến tình trạng nghiện đối với người sử dụng.

Theo qui định của Bộ luật hình sự hiện hành về chất ma túy thì: Ma túy bao gồm nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa, cao côca; lá, hoa, quả cây cần sa, lá cây côca; quả thuốc phiện tươi; quả thuốc phiện khô; hêrôin; côcain; các chất ma túy khác ở thể lỏng và các chất ma túy khác ở thể rắn.

Cụ thể hơn, chất ma túy được Luật Phòng chống ma túy do Quốc hội ban hành năm 2000 và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng chống ma túy do Quốc hội ban hành năm 2008 quy định như sau:

1. Chất ma túy là các chất gây nghiện, chất hướng thần được quy định trong các danh mục do Chính phủ ban hành.

2. Chất gây nghiện là chất kích thích hoặc ức chế thần kinh, dễ gây tình trạng nghiện đối với người sử dụng.

3. Chất hướng thần là chất kích thích, ức chế thần kinh hoặc gây ảo giác, nếu sử dụng nhiều lần có thể dẫn tới tình trạng nghiện đối với người sử dụng [17, tr. 29], [40], [41].

Đồng thời, Luật Phòng chống ma túy cũng quy định về các loại cây có chứa chất ma túy và đưa ra khái niệm về người nghiện ma túy như sau:

Cây có chứa chất ma túy bao gồm cây thuốc phiện (cây anh túc), cây cô ca, cây cần sa hoặc cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định và Người nghiện ma túy là người sử dụng chất ma túy, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần và bị lệ thuộc vào các chất này [17, tr. 30], [40], [41].

Đến thời điểm hiện nay, danh mục các chất ma túy do Chính phủ ban hành được quy định cụ thể trong các Nghị định gồm: Nghị định số: 67/2001/NĐ-CP ngày 01/10/2001 quy định Danh mục các chất ma túy và tiền chất; Nghị định số: 133/2003/NĐ-CP ngày 06/11/2003 bổ sung một số chất vào Danh mục các chất ma túy và tiền chất theo Nghị định số: 67/2001/NĐ-CP ngày 01/10/2001 và Nghị định số: 163/2007/NĐ-CP ngày 12/11/2007 quy định sửa tên, bổ sung, chuyển, loại bỏ một số chất thuộc Danh mục các chất ma túy và tiền chất ban hành kèm theo Nghị định số: 67/2001/NĐ-CP ngày 01/10/2001 của Chính phủ; Nghị định số: 17/2011/NĐ-CP ngày 22/02/2011 quy định về bổ sung, sửa tên chất, tên khoa học đối với một số chất thuộc Danh mục các chất ma tuý và tiền chất ma tuý ban hành kèm theo Nghị định số: 67/2001/NĐ-CP ngày 01/10/2001 và Nghị định số: 163/2007/NĐ-CP ngày 12/11/2007 của Chính phủ và gần đây nhất là Nghị định số: 82/2013/NĐ-CP ngày 19/07/2013 của Chính phủ ban hành các Danh mục chất ma túy và tiền chất. Theo đó, các chất ma túy được chia thành ba danh mục gồm:

Danh mục I: Các chất ma túy rất độc, tuyệt đối cấm sử dụng trong lĩnh vực y tế, việc sử dụng các chất này trong phân tích, kiểm nghiệm,

nghiên cứu khoa học và điều tra tội phạm theo quy định đặc biệt của cơ quan có thẩm quyền (có trong Bảng IV Công ước của Liên hợp quốc năm 1961 và Bảng I Công ước của Liên hợp quốc năm 1971) gồm 45 chất.

Danh mục II: Các chất ma túy độc hại, được dùng hạn chế trong phân tích, kiểm nghiệm, nghiên cứu khoa học, điều tra tội phạm hoặc trong lĩnh vực y tế theo yêu cầu điều trị (có trong Bảng I, Bảng II Công ước của Liên hợp quốc năm 1961 và Bảng II Công ước của Liên hợp quốc năm 1971) gồm 121 chất.

Danh mục III: Các chất ma túy độc dược, được dùng trong phân tích, kiểm nghiệm, nghiên cứu khoa học, điều tra tội phạm hoặc trong lĩnh vực y tế theo yêu cầu điều trị (có trong Bảng III và Bảng IV Công ước của Liên hợp quốc năm 1971) gồm 69 chất [13].

Ngoài ra, các Nghị định trên đây còn quy định về các tiền chất ma túy, các loại cây có chứa chất ma túy và các nguyên liệu thực vật có chứa chất ma túy cụ thể như:

Tiền chất (gồm 41 tiền chất được quy định tại Danh mục IV) dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy được xác định là các hóa chất không thể thiếu trong quá trình điều chế, sản xuất chất ma túy được quy định trong các danh mục tiền chất do Chính phủ ban hành [13].

Cây có chứa chất ma túy bao gồm tất cả các loại cây có chứa chất ma túy mà phổ biến nhất trong số đó là các loại cây thuốc phiện (cây anh túc), cây cần sa và cây côca; các nguyên liệu thực vật có chứa chất ma túy như quả thuốc phiện, quả cần sa, hoa cần sa, lá cần sa và lá côca ở dạng tươi hoặc dạng khô…

Như vậy, khái niệm về ma túy có thể được hiểu cụ thể như sau:

Ma túy là các chất có nguồn gốc tự nhiên hoặc tổng hợp, khi được đưa vào cơ thể con người dưới bất kỳ hình thức nào sẽ gây kích thích mạnh hoặc ức chế thần kinh và làm thay đổi trạng thái ý thức cũng như sinh lý của người sử dụng. Nếu lạm dụng, con người sẽ bị lệ thuộc vào ma túy và dẫn đến tình trạng nghiện đối với người sử dụng ma túy.

Tóm lại, việc khái niệm cũng như định nghĩa về ma túy hay chất ma túy có ý

Xem tất cả 118 trang.

Ngày đăng: 20/05/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí