Nhóm Các Công Trình Nghiên Cứu Về Hợp Tác Tiểu Vùng Mekong Mở Rộng

Campuchia trong giai đoạn hiện nay, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội; Nguyễn Thị Thúy Hồng (2008), Kinh tế các nước ASEAN, NXB Giáo dục, Hà Nội...

Trong các công trình nghiên cứu này, tiến trình hợp tác kinh tế giữa các nước thuộc Hành lang kinh tế Đông Tây (1998 - 2010) được đề cập đến không nhiều, chủ yếu là những nghiên cứu về hợp tác kinh tế giữa từng nước trong hành lang với nhau. Tuy nhiên, khi tìm hiểu nhóm công trình này có thể giúp cho các nhà nghiên cứu những tư liệu có ích về quá trình hình thành và phát triển của Hành lang kinh tế Đông Tây và các nhân tố tác động tới quan hệ hợp tác kinh tế giữa các nước thuộc Hành lang kinh tế Đông Tây (1998 - 2010).

2.2.2. Nhóm các công trình nghiên cứu về hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng

Nhóm các công trình nghiên cứu về hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng có thể kể đến một loạt công trình nghiên cứu như: Các công trình nghiên cứu của Nguyễn Trần Quế: “Sông và tiểu vùng Mê Kông tiềm năng và hợp tác phát triển quốc tế”, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội, 2001; “Hợp tác tiểu vùng Mekong mở rộng trong điều kiện mới”, Đề tài nghiên cứu cấp Bộ (2007), Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới; “Hợp tác phát triển tiểu vùng Mê Kông mở rộng hiện tại và tương lai”, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội, 2007. Những nghiên cứu này đề cập tới cơ chế, mục tiêu, phương thức hoạt động, những kết quả chủ yếu, những vấn đề tồn tại và khó khăn của hợp tác GMS từ khi hình thành đến năm 2006. Phân tích những điều kiện mới của hợp tác GMS. Đồng thời khái quát quá trình tham gia hợp tác, quan điểm và những định hướng để nâng cao hiệu quả hợp tác của Việt Nam trong GMS; công trình nghiên cứu của Nguyễn Hồng Nhung, “Vai trò của chính quyền địa phương trong hợp tác Tiểu vùng sông Mê Công mở rộng”, Sách chuyên khảo, Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới, 2011, đã phân tích vai trò và hoạt động của chính quyền địa phương, từ đó đánh giá và đề ra các giải pháp phát huy vai trò của chính quyền địa phương trong việc thực hiện các cam kết quốc gia trong khung khổ hợp tác Tiểu vùng sông Mekong mở rộng trong tương lai...

Trong nhóm này phải kể đến một số lượng không nhỏ các bài nghiên cứu được công bố trên các tạp chí chuyên ngành như: tạp chí Lịch sử Đảng, tạp chí nghiên cứu Đông Nam Á, tạp chí nghiên cứu Đông Bắc Á, tạp chí Những vấn đề Kinh tế và chính trị thế giới, tạp chí Sự kiện và nhân chứng, tạp chí nghiên cứu lịch

sử, tạp chí nghiên cứu quốc tế…. Có thể kể đến một loạt các công trình của các tác giả như: Nguyễn Xuân Thắng, “Hợp tác Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng: Các sáng kiến, sự tiến triển và những lựa chọn ưu tiên”, Tạp chí Những vấn đề Kinh tế và chính trị thế giới, số 12, 2005, trên cơ sở phân tích các sáng kiến, sự tiến triển, thành tựu chủ yếu và các vấn đề đặt ra trong hợp tác GMS, tác giả đánh giá triển vọng và những lựa chọn ưu tiên trên con đường tiến tới sự phát triển bền vững của GMS; Trần Cao Thành, “Tiểu vùng Mê Công: Một số nét khái quát và đặc điểm”, tạp chí nghiên cứu Đông Nam Á, số 6, 2006, đề cập khái quát các vấn đề: vị trí địa lý, nguồn nhân lực, sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội và môi trường tự nhiên của các nước thuộc tiểu vùng sông Mekong mở rộng; Phạm Thái Quốc, “Hợp tác GMS và tác động của nó đến phát triển kinh tế miền Trung Việt Nam”, Tạp chí Những vấn đề Kinh tế và chính trị thế giới, số 10, 2006, đề cập khái quát về hợp tác GMS, trên cơ sở các điều kiện, lợi thế, một số dự án, chương trình trong GMS giai đoạn 1990 - 2008, tác giả đánh giá những tác động của hợp tác GMS đến sự phát triển kinh tế của miền Trung Việt Nam; Nguyễn Hồng Nhung, “Việt Nam trong hợp tác Tiểu vùng Mê Kông mở rộng”, Tạp chí Những vấn đề Kinh tế và chính trị thế giới, số 5, 2007, đề cập đến tầm quan trọng của hợp tác GMS đối với Việt Nam, quan điểm, hoạt động, kết quả hợp tác và những vấn đề đặt ra trong quá trình hợp tác của Việt Nam trong GMS...

Nhìn chung các công trình nghiên cứu thuộc nhóm này đã phản ánh được sự cần thiết, nhu cầu, các chủ trương, chính sách và quá trình hợp tác của các nước và các địa phương trong Tiểu vùng Mekong mở rộng.

Tuy nhiên, trong các công trình này vấn đề tiến trình hợp tác kinh tế giữa các nước thuộc Hành lang kinh tế Đông Tây được đề cập đến không nhiều và không được hệ thống trong cả một giai đoạn (1998 - 2010).

2.2.3. Nhóm các công trình nghiên cứu về Hành lang kinh tế Đông Tây

Đã có nhiều công trình có tính chất chuyên khảo của các tác giả đề cập tới quan hệ kinh tế giữa các nước trong Hành lang kinh tế Đông Tây như: Nguyễn Xuân Thắng, “Hành lang kinh tế và Hành lang kinh tế Đông - Tây: Một số đề xuất về giải pháp phát triển”, Tạp chí Những vấn đề Kinh tế và chính trị thế giới, số 5, 2006, đề cập đến những vấn đề lý luận về hành lang kinh tế, đặc điểm, chiều hướng phát triển

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 206 trang tài liệu này.

và đề xuất những giải pháp phát triển Hành lang kinh tế Đông - Tây; Lê Hữu Phúc, “Vai trò của tỉnh Quảng Trị đối với việc xây dựng và phát triển hành lang kinh tế Đông - Tây”, Tạp chí Đông Nam Á, số 11, 2008, đề cập đến vị trí, vai trò, sự hưởng ứng, một số đề xuất, kiến nghị của tỉnh Quảng Trị đối với việc xây dựng và phát triển Hành lang kinh tế Đông Tây; Trần Văn Minh, “Vai trò của thành phố Đà Nẵng với việc xây dựng và phát triển tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây”, Tạp chí Đông Nam Á, số 11, 2008, đề cập tới lợi ích của EWEC, vị trí, vai trò, kết qủa hợp tác, các giải pháp để tăng cường hiệu quả hợp tác của thành phố Đà Nẵng trên Hành lang kinh tế Đông Tây; Nguyễn Hoàng Giáp, Mai Hoàng Anh, “Quan điểm và đối sách của Việt Nam về hành lang kinh tế Đông -Tây”, Tạp chí Đông Nam Á, số 11, 2008, đề cập khái quát về EWEC, các quan điểm, chính sách của Việt Nam về phát triển Hành lang kinh tế Đông Tây, những trở ngại và khuyến nghị để phát huy hơn nữa vai trò và vị thế của Việt Nam trên Hành lang kinh tế Đông Tây; Trương Duy Hoà, “Hành lang kinh tế Đông - Tây và tác động của nó đến Lào và quan hệ Việt - Lào”, Tạp chí Đông Nam Á, số 11, 2008, đề cập khái quát về Hành lang kinh tế Đông Tây và tác động của nó đến Lào và quan hệ Việt Nam - Lào trong bối cảnh liên kết khu vực và quốc tế hiện nay...

Đặc biệt các bài nghiên cứu trong các Kỷ yếu Hội thảo khoa học phản ánh một cách rõ nét các vấn đề lên quan đến quan hệ kinh tế giữa các nước trong Hành lang kinh tế Đông Tây (1998 - 2010) như: Kỷ yếu Hội thảo quốc tế “Du lịch Quảng Trị - hội nhập và phát triển” do Tổng cục du lịch Việt Nam và UBND tỉnh Quảng Trị đồng tổ chức năm 2007, đề cập đến tiềm năng du lịch của các quốc gia và các địa phương nằm dọc EWEC, cơ hội và thách thức cho ngành du lịch Quảng Trị trước ngưỡng cửa hội nhập quốc tế cũng như cơ hội hợp tác về du lịch, thương mại của các quốc gia tiểu vùng sông Mekong và các quốc gia nằm trên trục đường xuyên Á; Kỷ yếu Hội thảo "Nhu cầu khách du lịch trên tuyến hành lang Đông Tây - Cơ hội cho các địa phương" do Khoa Du lịch - Đại học Huế và tổ chức phát triển Hà Lan Bắc miền Trung (SNV) về nghiên cứu nhu cầu khách du lịch tại các tỉnh dọc tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây đồng tổ chức năm 2008, đề cập đến nhu cầu khách du lịch, các cơ hội thị trường và gợi mở cho việc hoạch định chính sách kinh doanh và phát triển du lịch của các địa phương cho các địa phương dọc tuyến Hành lang kinh

Tiến trình hợp tác kinh tế giữa các nước thuộc hành lang Đông Tây 1998 - 2010 - 3

tế Đông Tây; Kỷ yếu Hội thảo quốc tế “Hợp tác phát triển du lịch giữa các tỉnh Bắc miền Trung Việt Nam với Lào và Thái Lan” do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thừa Thiên Huế phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình tổ chức (2010). Nội dung của Hội thảo đề cập đến thực trạng hợp tác, sự cấn thiết phải có sự hợp tác của lãnh đạo các địa phương, các ngành nhất là ngành du lịch của ba nước Việt Nam, Lào, Thái Lan về chính sách, giải pháp nhằm đầu tư xây dựng các sản phẩm, các loại hình dịch vụ, các phương tiện, vật chất, kỹ thuật, cách thức hỗ trợ các doanh nghiệp để mở văn phòng, liên doanh khai thác khách du lịch, đề ra các kế hoạch liên kết chặt chẽ để phát triển nhanh, mạnh và bền vững. Đồng thời các bài nghiên cứu cũng khẳng định vị thế du lịch trong cơ cấu ngành kinh tế quan trọng của các địa phương trong mạng lưới du lịch trên EWEC....

Trong các bài viết của các nhà lãnh đạo các nước Việt Nam, Lào, Thái Lan, Myanmar cũng đề cập tới quan hệ hợp tác kinh tế giữa các nước thuộc Hành lang kinh tế Đông Tây. Đây là những cơ sở để nghiên cứu, đánh giá sự hưởng ứng và tham gia hợp tác của các nước và các địa phương nằm dọc EWEC.

Nhìn chung, ưu điểm nổi bật của các công trình này là trình bày tập trung mối quan hệ hợp tác kinh tế giữa các nước thuộc Hành lang kinh tế Đông Tây (1998 - 2010). Tuy vậy, hạn chế của các bài nghiên cứu là thiếu tính toàn diện, khái quát và theo tiến trình từ năm 1998 đến năm 2010.

Có thể nói, cho đến năm 2010 chưa có một công trình khoa học nào nghiên cứu về tiến trình hợp tác kinh tế giữa các nước thuộc Hành lang kinh tế Đông Tây dưới góc độ Sử học một cách tổng thể, toàn diện, có luận cứ khoa học sâu sắc.

Trên cơ sở kế thừa có chọn lọc kết quả nghiên cứu của các tác giả đi trước, luận án nghiên cứu về tiến trình hợp tác kinh tế giữa các nước thuộc Hành lang kinh tế Đông Tây trong giai đoạn 1998 - 2010 một cách tổng thể, toàn diện, có luận cứ khoa học sâu sắc để đưa ra các gợi ý chính sách cho các nước thuộc EWEC nói riêng, GMS nói chung và nhất là gợi mở chính sách cho chính phủ Việt Nam nhằm thúc đẩy và tăng cường hiệu quả hợp tác trên Hành lang kinh tế Đông Tây.

3. Đối tượng và nhiệm vụ nghiên cứu

3.1. Đối tượng nghiên cứu

Bằng phương pháp chuyên ngành kết hợp với các phương pháp liên ngành, đề tài sẽ phản ánh tiến trình hợp tác kinh tế giữa các nước thuộc Hành lang kinh tế Đông Tây từ năm 1998 đến năm 2010 đi từ cơ sở hình thành, thực trạng hợp tác đến tác động của tiến trình này đối với các chủ thể, các cơ chế hợp tác khác và bước đầu dự báo triển vọng của hợp tác kinh tế giữa các nước thuộc Hành lang kinh tế Đông Tây trong thời gian tới.

3.2. Nhiệm vụ nghiên cứu

Để thực hiện mục tiêu của đề tài, tác giả luận án sẽ thực hiện các nhiệm vụ cơ bản sau đây:

- Trình bày khái quát về những cơ sở của hợp tác kinh tế giữa các nước thuộc Hành lang kinh tế Đông Tây.

- Phân tích khái niệm Hành lang kinh tế Đông Tây, sự tham gia của các nước thuộc hành lang và sự tiến triển hợp tác kinh tế giữa bốn nước Myanmar, Thái Lan, Lào và Việt Nam trong EWEC.

- Trình bày có hệ thống tiến trình hợp tác kinh tế giữa các nước thuộc Hành lang kinh tế Đông Tây từ năm 1998 đến năm 2010.

- Phân tích, đánh giá tiến trình hợp tác kinh tế và tác động của nó tới các nước thành viên EWEC cũng như các cơ chế hợp tác khu vực và toàn cầu. Từ đó đề xuất những giải pháp thúc đẩy quá trình hợp tác kinh tế giữa các nước thuộc Hành lang kinh tế Đông Tây.

- Dự báo triển vọng của quan hệ hợp tác kinh tế giữa các nước thuộc Hành lang kinh tế Đông Tây.

4. Phạm vi nghiên cứu và nguồn tư liệu

4.1. Phạm vi nghiên cứu

Về thời gian: Từ năm 1998 đến 2010. Năm 1998 là mốc thời gian từ khi Hành lang kinh tế Đông Tây được chính thức thông qua tại Hội nghị lần thứ 8 các Bộ trưởng GMS và năm 2010 là năm kết thúc thập kỷ đầu tiên của thế kỷ XXI với nhiều sự kiện kinh tế, chính trị có tác động mạnh mẽ tới quan hệ quốc tế nói chung và hợp tác EWEC nói riêng. Để đảm bảo tính logic của đề tài, các giai đoạn hợp tác kinh tế giữa các nước thuộc Hành lang kinh tế Đông Tây trước năm 1998 và từ sau năm 2010 cũng được đề cập ở mức độ nhất định.

Về không gian: Luận án chỉ tập trung nghiên cứu tiến trình hợp tác kinh tế giữa 13 tỉnh (Mawlamyine, Kayin, Tak, Sukhothai, Kalasin, Phitsanulok, Khon Kaen, Yasothon, Mukdahan, Savannakhet, Quảng Trị, Huế và Đà Nẵng) của 4 nước (Myanmar, Thái Lan, Lào và Việt Nam) thuộc Hành lang kinh tế Đông Tây.

4.2. Nguồn tư liệu

Trong quá trình thực hiện đề tài chúng tôi sử dụng chủ yếu các nguồn tư liệu sau:

- Các văn kiện gốc như: Các văn kiện của Đảng cộng sản Việt Nam, Nhà nước và Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; các văn kiện chính thức của chính phủ các nước ASEAN về chính sách đối ngoại; Các văn bản chính thức về các Hiệp định, những qui định và nguyên tắc tổ chức, hoạt động, thể chế của tổ chức ASEAN; Các văn bản chính thức về quan hệ song phương giữa Việt Nam với các nước thuộc Hành lang kinh tế Đông Tây; các số liệu thống kê từ các nguồn của chính phủ và các địa phương các nước thuộc Hành lang kinh tế Đông Tây; các số liệu của các nước có quan hệ kinh tế với các nước và các địa phương thuộc Hành lang kinh tế Đông Tây.

- Các bài phát biểu, các tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo các nước nói về tiến trình hợp tác kinh tế giữa các nước thuộc Hành lang kinh tế Đông Tây (1998 - 2010).

- Các công trình nghiên cứu của các nhà nghiên cứu, các nhà bình luận, phân tích trong và ngoài nước bằng tiếng Việt, tiếng Anh.

- Các sách về lịch sử thế giới cận hiện đại, lịch sử quan hệ ngoại giao, lịch sử quan hệ quốc tế, lịch sử các nước Đông Nam Á, quan hệ kinh tế quốc tế làm cơ sở kiến thức để đi sâu vào đề tài.

- Các bài viết trên các tạp chí chuyên ngành như: Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á, Tạp chí Những vấn đề Kinh tế và chính trị thế giới...; các bài nghiên cứu trong các Hội thảo quốc tế và trong nước về tiến trình hợp tác kinh tế giữa các nước thuộc Hành lang kinh tế Đông Tây (1998 - 2010).

5. Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu

5.1. Phương pháp luận

Phương pháp luận: Quán triệt phương pháp luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam trong nghiên cứu lịch sử quan hệ quốc tế và chính sách đối ngoại.

5.2.2. Phương pháp nghiên cứu

Phương pháp nghiên cứu: Trên cơ sở quan điểm lịch sử cụ thể, luận án chú trọng phương pháp lịch sử và phương pháp logic trong nghiên cứu tiến trình hợp tác kinh tế giữa các nước thuộc Hành lang kinh tế Đông Tây (1998 - 2010). Cùng với hệ thống sử liệu được chọn lọc, phân tích, luận án sử dụng các phương pháp: thống kê, phân tích, tổng hợp, đối chiếu so sánh, dự báo khoa học… để làm nổi bật tiến trình hợp tác kinh tế giữa các nước thuộc Hành lang kinh tế Đông Tây (1998 - 2010). Trên cơ sở đó giải quyết những vấn đề được đặt ra trong luận án.

6. Đóng góp của luận án

6.1. Về phương diện khoa học

- Đây là công trình nghiên cứu đầu tiên ở Việt Nam nghiên cứu về tiến trình hợp tác kinh tế giữa các nước thuộc Hành lang kinh tế Đông Tây (1998 - 2010). Trên cơ sở khái quát hợp tác kinh tế giữa bốn nước Myanmar, Thái Lan, Lào và Việt Nam trước năm 1998, luận án tái hiện lại một cách có hệ thống tiến trình hợp tác kinh tế giữa các nước thuộc Hành lang kinh tế Đông Tây từ năm 1998 đến năm 2010.

- Phân tích, luận giải những vấn đề liên quan trong từng lĩnh vực của tiến trình hợp tác tác kinh tế giữa các nước thuộc Hành lang kinh tế Đông Tây (1998 - 2010), từ đó đưa ra những nhận xét, đánh giá và kết luận mang tính độc lập.

- Cung cấp nguồn tư liệu tương đối hoàn chỉnh về Hành lang kinh tế Đông Tây từ khi hình thành cho tới năm 2010.

- Kết quả nghiên cứu của đề tài có thể xây dựng thành chuyên đề giảng dạy cho sinh viên chuyên ngành lịch sử, đồng thời là một tài liệu tham khảo thiết thực cho những ai quan tâm tới vấn đề này.

6.2. Về phương diện thực tiễn

- Nghiên cứu đề tài giúp hiểu sâu sắc và có hệ thống hơn về tiến trình hợp tác kinh tế giữa các nước thuộc Hành lang kinh tế Đông Tây cùng những tác động của nó tới các nước thành viên và các cơ chế hợp tác tiểu vùng, khu vực và thế giới.

- Kết quả nghiên cứu của đề tài góp phần quan trọng vào việc nâng cao ý thức hợp tác cùng phát triển của nhân dân ở bốn nước thuộc EWEC nói riêng và khu vực ASEAN nói chung trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Đặc biệt là trong xu thế toàn cầu hoá, khu vực hoá nền kinh tế thế giới đang phát triển mạnh mẽ như hiện nay, việc nhận thức đúng đắn và đầy đủ về các liên kết khu vực, liên kết Tiểu vùng là rất quan trọng.

- Hơn thế, đề tài còn có thể giúp ích cho các nhà quản lý ở các nước và các địa phương thuộc Hành lang kinh tế Đông Tây trong việc hoạch định các chủ trương, biện pháp để nâng cao hiệu quả hợp tác, đẩy mạnh sự phát triển của nước mình, địa phương mình.

7. Bố cục của luận án

Ngoài phần mở đầu, kết luận, tài liệu tham khảo, nội dung của luận án được cấu tạo trong 3 chương:

Chương 1: Cơ sở của hợp tác kinh tế giữa các nước thuộc Hành lang kinh tế Đông Tây

Chương 2: Sự tiến triển của các lĩnh vực hợp tác kinh tế giữa các nước thuộc Hành lang kinh tế Đông Tây (1998 - 2010)

Chương 3: Một số nhận xét về tiến trình hợp tác kinh tế giữa các nước thuộc Hành lang kinh tế Đông Tây (1998 - 2010).

Xem tất cả 206 trang.

Ngày đăng: 14/11/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí