Địa lí. Quan điểm lãnh thổ cho rằng các đối tượng địa lí phân bố trong một lãnh thổ nhất định sẽ có những đặc điểm riêng. Chính sự phân hóa lãnh thổ đó đã hình thành nên những điều kiện kinh tế - xã hội, những nguồn lực về tự nhiên và nhân văn mang nét đặc thù riêng cho từng vùng lãnh thổ. Như vậy để mang lại hiệu quả cao trong phát triển du lịch cần tìm ra sự khác biệt trong từng đơn vị lãnh thổ, từ đó đưa ra các hướng phát triển du lịch phù hợp, tạo ra được các sản phẩm du lịch đặc trưng cho lãnh thổ nhằm khai thác những thế mạnh và khắc phục những hạn chế.
Quán triệt quan điểm “Lãnh thổ” khi nghiên cứu đề tài “Tài nguyên du lịch nhân văn của người Khmer ở tỉnh Sóc Trăng – Hiện trạng và giải pháp” cần tìm ra nét khác biệt lãnh thổ của các sự vật hiện tượng, để tìm ra nét độc đáo của lãnh thổ nghiên cứu.
Quan điểm tổng hợp
Quan điểm tổng hợp thực chất là việc vận dụng quan điểm biện chứng trong Địa lí. Du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp, liên quan đến nhiều ngành và nhiều lĩnh vực khác nhau. Hiệu quả phát triển du lịch liên quan đến hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường và sự phát triển bền vững của các hệ sinh thái. Quan điểm tổng hợp cho phép nghiên cứu vấn đề trên cơ sở nhận thức đầy đủ các mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau trong quá trình phát triển của các đối tượng trên cùng một lãnh thổ. Như vậy khi nghiên cứu đề tài về tài nguyên du lịch nhân văn của người Khmer ở tỉnh Sóc Trăng phải xem xét các sự vật, hiện tượng trong mối quan hệ tác động giữa chúng, tránh tách rời hoặc xem xét chúng một cách riêng lẻ.
Quan điểm lịch sử - viễn cảnh
Các sự vật hiện tượng mà Địa lí nghiên cứu là những hiện tượng có tính lịch sử, nghĩa là chúng có sự vận động và phát triển theo thời gian. Như vậy quán triệt quan điểm lịch sử, khi nghiên cứu đề tài này, cần tìm hiểu nguồn gốc lịch sử của người Khmer vùng Tây Nam Bộ nói chung và ở Sóc Trăng nói riêng, cũng như vấn đề phát triển tài nguyên nhân văn của người Khmer trong du lịch.
Song song với quan điểm lịch sử là quan điểm viễn cảnh, hiểu một cách đơn giản đó chính là sự dự báo hay dự kiến xu hướng vận động của sự vật hiện tượng, dựa trên những cơ sở khoa học. Vì thế, cần quán triệt quan điểm lịch sử - viễn cảnh
để phân tích và lí giải thấu đáo bản chất của sự phát triển du lịch địa phương trong mỗi giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội.
Có thể bạn quan tâm!
- Tiềm năng du lịch nhân văn của người Khmer tại Sóc Trăng – Hiện trạng và giải pháp - 1
- Tiềm năng du lịch nhân văn của người Khmer tại Sóc Trăng – Hiện trạng và giải pháp - 2
- Tiềm năng du lịch nhân văn của người Khmer tại Sóc Trăng – Hiện trạng và giải pháp - 4
- Vai Trò Của Tài Nguyên Du Lịch Nhân Văn Với Phát Triển Du Lịch
- Đánh Giá Tài Nguyên Du Lịch Nhân Văn Của Người Khmer Ở Sóc Trăng
Xem toàn bộ 142 trang tài liệu này.
Quan điểm phát triển bền vững
Đây là quan điểm bao trùm và có tính định hướng trong nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội nói chung và du lịch nói riêng. Quan điểm phát triển bền vững đòi hỏi khi phân tích, đánh giá và đề xuất phát triển du lịch phải chú ý đảm bảo hài hòa đồng thời cả 3 mặt: Kinh tế, xã hội và môi trường. Trong đề tài này, phát triển bền vững vừa được coi là quan điểm nghiên cứu vừa được coi là mục tiêu nghiên cứu. Với đề tài này, bên cạnh việc đánh giá về thực trạng của tài nguyên nhân văn của người Khmer tại tỉnh Sóc Trăng, đưa ra định hướng, giải pháp cho sự phát triển phải dựa trên quan điểm phát triển bền vững.
5.2. Phương pháp nghiên cứu
Phương pháp thu thập và xử lý số liệu, tài liệu
Trong nghiên cứu khoa học việc thu thập và xử lý tài liệu là việc làm không thể thiếu, về cơ bản khoa học phát triển dựa trên sự kế thừa, tích lũy những thành tựu của quá khứ. Sau khi thu thập tài liệu, tác giả xử lý và phân tích tài liệu theo nội dung cơ bản của đề tài. Nguồn tài liệu được sử dụng trong đề tài rất phong phú bao gồm các tài liệu chuyên khảo, các văn bản liên quan về du lịch, các số liệu thống kê của các cơ quan ban ngành, một số luận văn, khóa luận, đề tài nghiên cứu của các tác giả đi trước, một số tạp chí, trang báo điện tử, một số văn bản pháp luật, văn bản báo cáo,…Cũng bởi nguồn tài liệu rất đa dạng, nên trong quá trình thu thập, tác giả phải biết chọn lọc và dựa trên những nguồn đáng tin cậy, từ đó để phân tích, đánh giá, tổng hợp, so sánh các sự vật hiện tượng một cách logic và có hệ thống, tránh có cái nhìn sai lệch.
Phương pháp phân tích tổng hợp - hệ thống
Trong quá trình thực hiện đề tài, việc vận dụng nhuần nhuyễn phương pháp phân tích tổng hợp - hệ thống đem lại những hiệu quả nhất định. Khi thu thập và xử lý số liệu, việc lọc thông tin chính xác là rất quan trọng, có sự kết nối một cách có hệ thống, biết xâu chuỗi các vấn đề từ đó sẽ có cái nhìn tổng quát toàn diện về vấn đề mà tác giả nghiên cứu.
Phương pháp thực địa
Đây là một phương pháp truyền thống của Địa lí học, được sử dụng rộng rãi trong Địa lí Du lịch nhằm mục đích tích lũy tài liệu thực tế, kiểm định tính chính xác của thực tế so với sách vở, có câu “Trăm nghe không bằng mắt thấy” để đánh giá vai trò quan trọng của phương pháp này. Có thể nói đây là phương pháp duy nhất để thu được lượng thông tin đáng tin cậy. Thực hiện phương pháp thực địa, tác giả có cơ sở thực tế để so sánh và kiểm chứng tính xác thực của vấn đề nghiên cứu.
Trong quá trình thực hiện đề tài, tác giả sẽ đi khảo sát ở tỉnh Sóc Trăng để tìm hiểu một cách chân thực nhất về những tài nguyên du lịch nhân văn của người Khmer, những giá trị văn hóa, những nét đặc trưng. Từ đó, giúp cho đề tài thêm phong phú về tư liệu, có cái nhìn sắc nét hơn về đồng bào Khmer ở những góc độ khác nhau.
Phương pháp bản đồ
Đây là một phương pháp đặc trưng của Địa lí học, bản đồ được coi là “Ngôn ngữ” của Địa lí học. Phương pháp này có từ khi Địa lí Du lịch ra đời với tư cách là một khoa học. Thông qua bản đồ, ta có thể biết được vị trí các nguồn tài nguyên, các cơ sở vật chất phục vụ du lịch như hệ thống đường giao thông, cơ sở lưu trú…Bên cạnh đó bản đồ còn là phương tiện để thể hiện một cách trực quan, khái quát một số đối tượng nghiên cứu. Trong quá trình nghiên cứu và thực hiện đề tài, tác giả sử dụng bản đồ hành chính, bản đồ tài nguyên du lịch nhân văn và bản đồ thực trạng phát triển du lịch của người Khmer ở tỉnh Sóc Trăng để đề tài được trực quan sinh động thể hiện sinh động hơn.
Phương pháp chuyên gia
Phương pháp chuyên gia là phương pháp điều tra qua đánh giá của các chuyên gia về vấn đề, hoặc một sự kiện khoa học nào đó. Thực chất đây là phương pháp sử dụng trí tuệ, khai thác ý kiến đánh giá của các chuyên gia có trình độ cao để xem xét, nhận định từ đó để tìm ra giải pháp tối ưu cho vấn đề đó.
Phương pháp này rất cần thiết cho tác giả, bởi trong quá trình nghiên cứu tác giả gặp những khó khăn trong cả nghiệm thu, đánh giá kết quả, thậm chí cả quá trình đề xuất giả thuyết nghiên cứu, củng cố các luận cứ…
Để sử dụng có hiệu quả phương pháp này, tác giả đã lựa chọn đúng các chuyên gia có năng lực, kinh nghiệm về lĩnh vực nghiên cứu, đã nhờ sự hỗ trợ từ các ban ngành thuộc Ủy ban nhân dân, Sở văn hóa thể thao và du lịch tỉnh Sóc Trăng, để đề tài của tác giả có cái nhìn khách quan và sâu sắc hơn.
6. Cấu trúc của luận văn
Ngoài phần mở đầu, phần kết luận, danh mục tài liệu tham khảo và phụ lục, nội dung chính của luận văn gồm 3 chương:
Chương 1: Cơ sở lí luận và thực tiễn về du lịch và tài nguyên du lịch nhân văn. Chương 2: Đánh giá tài nguyên du lịch nhân văn của người Khmer ở
Sóc Trăng.
Chương 3: Định hướng và giải pháp nhằm khai thác có hiệu quả tài nguyên du lịch nhân văn của người Khmer tại Sóc Trăng.
Chương 1. CƠ SỞ LÍ LUẬN VÀ THỰC TIỄN VỀ DU LỊCH VÀ TÀI NGUYÊN DU LỊCH NHÂN VĂN
1.1. Cơ sở lí luận chung
1.1.1. Một số khái niệm chung
Khái niệm du lịch
Những dấu ấn đầu tiên về việc đi du lịch của con người xuất hiện từ thời Hy Lạp và La Mã cổ đại (khoảng từ thế kỷ 8 – 7 trước công nguyên đến thế kỷ 5 sau công nguyên). Khi đó, tuy khái niệm “Du lịch” chưa ra đời nhưng các chuyến đi với mục đích du lịch đã xuất hiện. Du lịch lúc này đa phần thuộc về tầng lớp giàu có, để tham quan các công trình kiến trúc, sáng tạo nghệ thuật, trải nghiệm văn hóa và ẩm thực mới lạ…
Ngày nay du lịch đã trở thành một hình thức sinh hoạt phổ biến của con người, đem lại hiệu quả kinh tế cao và giữ vị trí quan trọng trong nền kinh tế quốc dân.
Vậy thuật ngữ du lịch có nguồn gốc từ đâu? Thế nào là du lịch? Đã có nhiều cách hiểu dưới những góc độ khác nhau, dưới đây là một số cách tiếp cận cơ bản về khái niệm du lịch.
Theo một số học giả, du lịch bắt nguồn từ tiếng Hi Lạp “Tonos” nghĩa là đi một vòng. Thuật ngữ này được Latinh hóa thành “Turnur”, sau đó là “Tour” (tiếng Pháp) với nghĩa đi vòng quanh, cuộc dạo chơi. Còn “Touriste” là người đi dạo chơi. Theo Robert Langquar (năm 1980), từ “Tourism” lần đầu tiên xuất hiện trong tiếng Anh năm 1800 và được quốc tế hóa nên nhiều nước đã sử dụng mà không dịch nghĩa. Tuy nhiên một số học giả khác lại cho rằng thuật ngữ du lịch xuất phát từ tiếng Pháp “Le tour”, có nghĩa là một cuộc hành trình đến nơi nào đó và quay trở lại, sau đó từ gốc này ảnh hưởng ra phạm vi toàn thế giới…Chúng ta nhận thấy nguồn gốc của thuật ngữ du lịch chưa có sự thống nhất, hiểu một cách cơ bản nhất, du lịch có nghĩa là cuộc hành trình đi một vòng, từ nơi này đến một nơi khác và có quay trở lại.
Thuật ngữ “Du lịch” xuất hiện lần đầu tiên tại nước Anh vào năm 1811. Được định nghĩa như sau: “Du lịch là sự phối hợp nhịp nhàng giữa lý thuyết và thực hành
của các cuộc hành trình với mục đích giải trí”, định nghĩa trên đề cao tính giải trí là yếu tố ảnh hưởng mạnh đến hoạt động du lịch.
Theo Hiệp hội quốc tế các tổ chức lữ hành IUOTO (International of Union Official Travel Oragnization) được thành lập ở Hà Lan năm 1925, thuật ngữ “Du lịch” được hiểu là hành động du hành đến một nơi khác với địa điểm cư trú thường xuyên của mình nhằm mục đích không phải để làm ăn, tức không phải để làm một nghề hay một việc kiếm tiền sinh sống…
Hai học giả Hunziker và Krapf, được xem như là những người đặt nền móng cho lý thuyết về cung – cầu du lịch, đưa ra định nghĩa: “Du lịch là tập hợp các mối quan hệ và các hiện tượng phát sinh trong các cuộc hành trình và lưu trú của những người ngoài địa phương, nếu việc lưu trú đó không cư thành cư trú thường xuyên và không liên quan đến hoạt động kiếm lời”, khái niệm trên đã thể hiện tương đối đầy đủ và bao quát các hiện tượng du lịch. Tuy nhiên chưa làm rõ được đặc trưng của các hiện tượng và các mối quan hệ du lịch (kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa…).
Tại hội nghị LHQ về du lịch họp tại Roma – Italia (21/8- 5/9/1963), các chuyên gia đã đưa ra các định nghĩa về du lịch: Du lịch là tổng hợp các mối quan hệ, hiện tượng và các hoạt động kinh tế bắt nguồn từ các cuộc hành trình và lưu trú của cá nhân hay tập thể ở bên ngoài nơi ở thường xuyên của họ hay ngoài nước họ với mục đích hòa bình. Nơi họ đến lưu trú không phải là nơi làm việc của họ.
Năm 1985, I.I Pirojnik cho rằng “Du lịch là một dạng hoạt động của dân cư trong thời gian rỗi liên quan với sự di chuyển và lưu trú tạm thời bên ngoài nơi cư trú thường xuyên nhằm nghỉ ngơi, chữa bệnh, phát triển thể chất và tinh thần, nâng cao trình độ nhận thức – văn hóa hoặc thể thao kèm theo những việc tiêu thụ những giá trị tự nhiên, kinh tế và văn hóa”.
Đến tháng 6/1991, tại Otawa (Canada), Hội nghị quốc tế về thống kê du lịch đã đưa ra định nghĩa: “Du lịch là hoạt động của con người đi tới một nơi ngoài môi trường thường xuyên (nơi ở thường xuyên của mình), trong một khoảng thời gian ít hơn khoảng thời gian đã được các tổ chức du lịch quy định trước, mục đích của chuyến đi không phải là để tiến hành các hoạt động kiếm tiền trong phạm vi vùng đến thăm”.
Tổ chức du lịch Thế giới (UNWTO) đưa ra khái niệm du lịch tại hội nghị lần thứ 27 (năm 1993) như sau: “Du lịch là hoạt động về chuyến đi đến một nơi khác với môi trường sống thường xuyên của con người và ở lại đó để tham quan, nghỉ ngơi, vui chơi giải trí hay nhằm mục đích khác ngoài các hoạt động để có thù lao ở nơi đến với thời gian liên tục ít hơn 1 năm”.
Theo điều 4, chương I, Luật du lịch Việt Nam năm 2005 ban hành ngày 14/6/ 2005 định nghĩa “Du lịch là hoạt động về chuyến đi của con người ngoài nơi cư trú thường xuyên của mình nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, tìm hiểu, giải trí, nghỉ dưỡng trong một khoảng thời gian nhất định”.
Thông qua việc tìm hiểu các quan niệm về du lịch, thấy được có sự khác nhau nhưng đã dần hoàn thiện theo thời gian. Nhìn từ góc độ thay đổi về không gian của du khách: Du lịch là một trong những hình thức di chuyển tạm thời từ một vùng này sang vùng khác, từ một nước này sang một nước khác mà không thay đổi nơi cư trú hay nơi làm việc. Nhìn từ góc độ kinh tế: Du lịch là một ngành kinh tế, dịch vụ có nhiệm vụ phục vụ cho nhu cầu tham quan giải trí nghỉ ngơi, có hoặc không kết hợp với các hoạt động chữa bệnh, thể thao, nghiên cứu khoa học và các nhu cầu khác.
Như vậy, chúng ta thấy được du lịch là một hoạt động có nhiều đặc thù, bao gồm nhiều thành phần tham gia, tạo thành một tổng thể hết sức phức tạp. Nó vừa mang đặc điểm của ngành kinh tế vừa có đặc điểm của ngành văn hóa - xã hội. Trong bối cảnh nước ta hiện nay, thì định nghĩa được trình bày trong Luật du lịch Việt Nam được sử dụng phổ biến hơn cả.
Khái niệm tài nguyên du lịch
Tài nguyên hiểu theo nghĩa rộng bao gồm tất cả các nguồn nguyên liệu, năng lượng và thông tin có trên Trái đất và trong không gian vũ trụ mà con người có thể sử dụng phục vụ cho cuộc sống và sự phát triển của mình.
Có thể nói tài nguyên du lịch là một dạng đặc biệt của tài nguyên nói chung, tài nguyên du lịch đối với mỗi loại hình có đặc trưng riêng, không phải tất cả mọi thứ trong tổng thể tự nhiên hay văn hóa xã hội đều có thể là tài nguyên du lịch. Chính vì vậy, cũng giống như khái niệm về du lịch, cho đến nay vẫn chưa có sự
thống nhất về thuật ngữ “Tài nguyên du lịch”, đã có những cách tiếp cận khác nhau của các nhà nghiên cứu về thuật ngữ này.
Theo I.I Pirojnik (năm 1985), “Tài nguyên du lịch là những tổng thể tự nhiên, văn hóa - lịch sử và những thành phần của chúng giúp cho việc phục hồi, phát triển thể lực, tinh lực, khả năng lao động và sức khỏe của con người mà chúng được sử dụng trực tiếp hoặc gián tiếp để tạo ra dịch vụ du lịch gắn liền với nhu cầu ở thời điểm hiện tại hay tương lai và trong điều kiện kinh tế - kĩ thuật cho phép”.
Ngô Tất Hổ (năm 2000) cho rằng “Tất cả giới tự nhiên và xã hội loài người có sức hấp dẫn khách du lịch, có thể sử dụng cho ngành du lịch, có thể sản sinh ra hiệu quả kinh tế - xã hội và môi trường đều có thể gọi là tài nguyên du lịch”.
Luật du lịch Việt Nam (năm 2005) qui định tại điều 4, chương I: “Tài nguyên du lịch là cảnh quan thiên nhiên, yếu tố tự nhiên, di tích lịch sử - văn hóa, công trình lao động sáng tạo của con người và các giá trị nhân văn khác có thể được sử dụng nhằm đáp ứng nhu cầu du lịch, là yếu tố cơ bản để hình thành các khu du lịch, điểm du lịch, tuyến du lịch, đô thị du lịch”.
Theo Trần Đức Thanh và cộng sự (năm 2014) Tài nguyên du lịch là những thành tạo tự nhiên, những tính chất của thiên nhiên, các công trình sản phẩm do bàn tay trí tuệ của con người làm nên, cùng các giá trị thẩm mĩ, lịch sử, văn hóa, tâm linh, giải trí, kinh tế…của chúng, có sức hấp dẫn với khách du lịch và được khai thác đáp ứng nhu cầu du lịch.
Ta thấy có điểm đồng nhất cơ bản giữa những quan niệm trên, đó là đều nói tới các yếu tố tự nhiên, xã hội, văn hóa do con người và cả giới tự nhiên tạo ra có thể được sử dụng, để tạo sức hút mạnh với khách du lịch.
Có một cách tiếp cận về thuật ngữ “Tài nguyên du lịch” mà theo tác giả thấy mang tính chất tổng hợp các quan niệm trên nhưng vẫn có nét đặc trưng riêng rất phù hợp với bối cảnh ở Việt Nam hiện nay, đó là định nghĩa của Nguyễn Minh Tuệ (chủ biên) cùng nhóm tác giả cho rằng: “Tài nguyên du lịch là tổng thể tự nhiên, văn hóa - lịch sử cùng các thành phần của chúng có sức hấp dẫn đối với du khách; đã, đang và sẽ được khai thác, cũng như bảo vệ nhằm đáp ứng nhu cầu của du lịch một cách hiệu quả và bền vững”.