Thực trạng và một số giải pháp nhằm ổn định và nâng cao thu nhập cho người dân sau thu hồi đất tại KCN Trung Thành - Phổ Yên – Thái Nguyên - 11


- Đối với các hộ có diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi trên 50% thì chủ yếu tập trung vào giải pháp hỗ trợ việc làm và đào tạo nghề. Sở dĩ, phương pháp này được đặt lên hàng đầu bởi vì đây là nhóm chịu tác động rất lớn của THĐ, họ bị thu hồi gần như toàn bộ diện tích đất canh tác hàng năm, chính vì vậy sau THĐ hầu như các lao động đều rơi vào cảnh thiếu việc làm và việc làm họ kiếm được chỉ là tạm thời không cho thu nhập cao, và thường là bấp bênh. Chính vì vậy, giải pháp đào tạo nghề, hỗ trợ việc làm trở lên rất quan trọng và cấp bách đối các hộ. Cụ thể, giải pháp này thể hiện như sau:

+ Tiến hành đào tạo nghề cho các lao động dưới 35 tuổi, có thể đào tạo ngắn hạn hoặc đào tạo tại chỗ trong một thời gian, đảm bảo nâng cao được trình độ chuyên môn kỹ thuật cho họ để họ có thể tìm kiếm được việc làm ổn định và phù hợp và cho thu nhập ổn định, lâu dài để thay thế việc làm trước kia.

+ Đối với các lao động phổ thông trình độ văn hoá thấp thì phải có kế hoạch đào tạo lại kết hợp với đào tạo mới tuỳ thuộc vào từng đối tượng, song tập trung vào đào tạo những nghề đòi hỏi ít về chuyên môn và đi sâu vào thực hành thực tế để giúp họ nhanh chóng tiếp thu, hơn nữa cần phải có giải pháp thu hút họ tham gia vào các khoá đào tạo nhiều hơn, chỉ có thế thì họ mới có khả năng và cơ hội tìm kiếm việc làm cho thu nhập ổn định, đảm bảo ổn định cuộc sống lâu dài.

+ Đối với các lao động cao niên (từ 35 tuổi trở lên): Đây là lực lượng chiếm tương đối đông trong tổng số lao động, tuy nhiên do tuổi cao nên họ khó có thể tham gia vào các lớp đào tạo, khó thích nghi với những công việc đòi hỏi chuyên môn kỹ thuật cao. Do vậy đối với lực lượng này phải có giải pháp tạo việc làm tại chỗ cho họ thông qua việc thu hút họ tham gia vào các hợp tác xã dịch vụ ven KCN: Như dịch vụ ăn uống, cho thuê nhà trọ, và các dịch vụ khác để phục vụ phát triển KCN. Đồng thời đối với các lao động nữ ở tuổi này trên địa bàn, ngoài thu hút họ vào các hợp tác xã dịch vụ còn phải có giải pháp thu hút họ tham gia học nghề thêu ren, đây là công việc họ có thể làm một cách lâu dài và thường xuyên, tuy nhiên cần phải có giải pháp tìm kiếm đầu ra ổn định cho các sản phẩm này đảm bảo các sản phẩm của họ làm ra có thể tiêu thụ được góp phần tạo thu nhập ổn định lâu dài cho họ.


+ Hỗ trợ học phí cho các lao động thuộc đối tượng bị thu hồi trên 30% diện tích đất nông nghiệp theo nghị định số 64CP của Chính Phủ để thu hút họ tham gia đông đảo vào các khoá đào tạo nghề.

+ Ngoài ra cần có giải pháp hỗ trợ vốn cho các hộ để họ chuyển sang kinh doanh, sản xuất ngành nghề khác thay thế nghề cũ, tạo điều kiện thuận lợi cho họ đăng ký kinh doanh ngành nghề mới.

Giải pháp đối với nhóm hộ 2

Đây là nhóm chịu tác động nhiều nhất của quá trình THĐ, họ không những bị thu hồi đất sản xuất mà họ còn bị thu hồi đất thổ cư, chính vì vậy sau THĐ đời sống của họ bị thay đổi tương đối lớn. Do vậy để khắc phục những khó khăn của họ sau THĐ cần phải phối hợp thực hiện các giải pháp sau:

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 95 trang tài liệu này.

- Hỗ trợ và ổn định cho các hộ ở nơi tái định cư, ưu tiên tạo quỹ đất tái định cư ở những nơi có điều kiện thuận lợi hơn ở nơi cũ, có thể phát triển các ngành nghề kinh doanh phi nông nghiệp.

+ Cần có giải pháp giải quyết việc làm cho các lao động khi họ đến nơi

Thực trạng và một số giải pháp nhằm ổn định và nâng cao thu nhập cho người dân sau thu hồi đất tại KCN Trung Thành - Phổ Yên – Thái Nguyên - 11

định cư mới.

+ Tiến hành giao đất tại những vị trí có thể làm mặt bằng sản xuất kinh doanh dịch vụ phi nông nghiệp (theo thông tư số 69/2006/TT - BTC ngày 2/8/2006).

- Hướng dẫn các hộ sử dụng tiền đền bù sao cho hiệu quả và hợp lý, bởi hầu hết các hộ thuộc nhóm này sau THĐ họ chưa có định hướng dùng tiền bồi thường nhận được đầu tư vào đâu, do vậy đại đa số họ đều gửi ngân hàng cho nên để khắc phục tình trạng này cần phải hướng dẫn họ sử dùng tiền vào đầu tư, phát triển các nghề mới có khả năng tạo việc làm và thu nhập ổn định, lâu dài.

- Đào tạo nghề theo khả năng đồng thời hỗ trợ việc làm cho những lao động sau THĐ thông qua việc thành lập quỹ hộ trợ việc làm cho lao động sau THĐ.

- Hỗ trợ vốn, tạo điều kiện cho họ vay vốn ưu đãi để phát triển các ngành nghề sản xuất kinh doanh mới chủ yếu tập trung vào kinh doanh dịch vụ khi chuyển đến nơi tái định cư nhằm ổn định và nâng cao thu nhập cũng như đời sống lâu dài của các hộ dân.


Phần 5

KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ


5.1. Kết luận

Nước ta đang trong quá trình phát triển và hội nhập nền kinh tế thế giới, việc hình thành và phát triển các KCN, cụm công nghiệp và điểm công nghiệp đang diễn ra mạnh mẽ ở tất cả các tỉnh thành trong cả nước. Đô thị hoá nông thôn là hệ quả tất yếu của tiến trình này. Tuy nhiên, ở các vùng trực tiếp ảnh hưởng của quá trình THĐ thì nảy sinh một loạt các vấn đề liên quan đến lao động, việc làm, và thu nhập của các hộ dân, điều này đã tạo ra những khó khăn thách thức không nhỏ và nó đang trở thành vấn đề nổi cộm hiện nay. Qua nghiên cứu thực trạng và một số giải pháp nhằm ổn định và nâng cao thu nhập cho người dân sau THĐ trên địa bàn KCN Trung Thành, tôi rút ra một số kết luận sau:

- Sau THĐ thì tổng diện tích của các nhóm hộ đều giảm, đặc biệt là đất sản xuất nông nghiệp giảm rất nhanh, đặc biệt là nhóm có diện tích thu hồi trên 50% sau THĐ diện tích đất sản xuất nông nghiệp giảm từ 74,35% xuống còn 47,05% so với tổng diện tích tự nhiên.

- Tình hình tham gia vào các ngành nghề của các hộ cũng có những thay đổi rất lớn, sau THĐ số hộ thuần nông giảm mạnh, trong khi số hộ làm nghề tổng hợp (hộ kiêm) lại tăng lên rò rệt ở các nhóm hộ.

- Về lao động của các nhóm hộ sau THĐ thì đại đa số họ thuộc vào lực lượng lao động chính. Tuy nhiên, chất lượng lao động còn thấp, phần lớn là lao động phổ thông (chiếm khoảng từ 70 - 75%), trong khi lực lượng lao động qua đào tạo lại rất thấp chỉ chiếm khoảng 20- 25%, song số lao động đã qua đào tạo lại chủ yếu dừng lại ở trình độ sơ cấp và trung cấp.

- Tình hình việc làm của các nhóm hộ sau THĐ cũng có nhiều thay đổi đáng kể, mặc dù sau THĐ số lao động làm trong lĩnh vực nông nghiệp có giảm nhiều song so với thực tế thì tỷ lệ lao động nông nghiệp vẫn cao.


Tuy nhiên, số lao động nông nghiệp sau khi bị mất việc làm thì đại đa số là họ chuyển sang làm những công việc khác, làm thuê mang tính tạm thời, không ổn định và cho thu nhập không cao.

- Thu nhập của các hộ sau THĐ đều có xu hướng giảm, đặc biệt là thu nhập từ nông nghiệp. Số hộ có thu nhập tăng sau THĐ chỉ chiếm 30% trong khi số hộ có thu nhập giảm chiếm tới 58,33%.

- Sau THĐ hầu hết tiền đền bù các hộ đều tập trung vào gửi ngân hàng, trong khi số tiền phục vụ vào đầu tư tái sản xuất, và đầu tư cho học tập và học nghề lại rất thấp.

Chính vì thế, để có thể giải quyết được việc làm cho các lao động sau THĐ đồng thời góp phần ổn định và nâng cao thu nhập cho các hộ dân trong thời gian tới, xã Trung Thành phải thực hiện đồng bộ các giải pháp để tạo việc làm và ổn định việc làm một cách hiệu quả như: Nâng cao chất lượng nguồn lao động thông qua đào tạo nghề; hỗ trợ việc làm cho các lao động trong diện THĐ; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, cơ cấu ngành nghề; hỗ trợ vốn; thành lập quỹ hỗ trợ việc làm cho lao động sau THĐ; hỗ trợ ổn định cuộc sống nơi tái định cư cho các hộ; đẩy mạnh việc phát triển các ngành nghề phi nông nghiệp.

5.2. Kiến nghị

Để đạt được mục tiêu ổn định và nâng cao thu nhập cho các hộ dân sau THĐ, đồng thời đảm bảo cho người dân sau THĐ có được cuộc sống tốt hơn hoặc bằng trước khi THĐ trong thời gian tới, tôi có một số kiến nghị sau:

* Đối với cấp trung ương

- Điều chỉnh, bổ sung các chính sách liên quan đến bồi thường và giải quyết các vấn đề sau THĐ.

- Thực hiện đồng bộ các chính sách hỗ trợ vốn, hỗ trợ việc làm và chuyển đổi việc làm một cách hiệu quả.

- Có những chính sách nhằm phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ ven khu vực có đất thu hồi nhằm tạo thêm nhiều việc làm và tăng thu hập cho người dân.


- Đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả các chính sách liên quan đến việc nâng cao chất lượng nguồn lao động như chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, trợ cấp học phí cho những đối tượng bị thu hồi nhiều đất…

- Đưa ra những chính sách nhằm đẩy mạnh việc phát triển các làng nghề truyền thống, và các làng nghề mới, đồng thời khuyến khích người dân sau THĐ phát triển các ngành nghề dịch vụ thông qua việc nhân rộng mô hình “đổi đất lấy dịch vụ” đã được thực hiện khá hiệu quả ở Vĩnh Phúc.

- Đẩy mạnh sự hoạt động có hiệu quả của quỹ quốc gia về hỗ trợ việc làm cho người lao động sau THĐ.

* Đối với các cấp chính quyền địa phương

- Phải thống kê được số lao động hiện tại trên địa bàn và dự đoán một cách tương đối số lao động sẽ bị thiếu việc làm và thất nghiệp sau THĐ từ đó kết hợp với các cơ sở đào tạo nghề và các doanh nghiệp trên địa bàn có kế hoạch đào tạo nghề trước khi THĐ của họ và hỗ trợ họ tìm kiếm việc làm thay thế ngay sau khi THĐ.

- Cùng với cơ quan cấp trên có thẩm quyền thẩm định dự án xem nó mang lại những gì đối với quá trình phát triển KT- XH của địa phương, liệu nó có giải quyết được những lao động dôi dư sau THĐ không, đồng thời phải nắm chắc được quy mô và lĩnh vực, mà các doanh nghiệp dự định xây dựng trên địa bàn, theo dòi xát xao tiến trình thực hiện xây dựng KCN tránh tình trạng của những dự án “treo”.

- Hướng dẫn các hộ sử dụng tiền đền bù sao cho có hiệu quả, thực hiện phương châm “đã có vốn thì phải làm cho vốn lớn hơn, đã mất việc làm phải tạo việc làm khác có giá trị hơn” thông qua hoạt động sản xuất kinh doanh và dịch vụ.

- Có chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ sau THĐ có thể chuyển đổi nghề.


* Đối với các doanh nghiệp

- Phải có kế hoạch cụ thể về việc thu hút lao động địa phương sau khi THĐ của họ, có kế hoạch liên kết đào tạo với các cơ sở đào tạo nhằm đào tạo nghề cho họ trước khi THĐ.

- Cùng với Nhà nước giúp lao động sau THĐ học nghề, chuyển đổi nghề để có thể làm việc trực tiếp cho doanh nghiệp hoặc làm một nghề nào khác.

- Sau khi đã được bàn giao mặt bằng phải tiến hành xây dựng ngay tránh hiện tượng để đất bỏ hoang, dự án “treo”.

- Phải thực hiện cam kết với người dân sau THĐ đó là nhận họ vào làm việc tại doanh nghiệp.

* Đối với người lao động

- Tích cực tham gia vào các lớp đào tạo nghề, nâng cao trình độ chuyên môn, không ngừng học hỏi trau dồi kiến thức nhằm phục vụ cho việc làm mới thay thế nghề cũ sau THĐ, đồng thời phải chủ động tìm kiếm việc làm mới ngay sau khi bị thu hồi đất canh tác không nên ỷ lại hay phụ thuộc vào hỗ trợ.

- Phải sử dụng tiền đền bù một cách hiệu quả thông qua việc đầu tư vào các ngành nghề để tái sản xuất, tránh sử dụng tiền lãng phí không đúng mục đích, không mang lại hiệu quả lâu dài.

- Phải nhận thức được đây là một cuộc “cách mạng” cho chính mình, muốn có việc làm mới, thu nhập cao hơn làm ruộng thì phải thực hiện cuộc “cách mạng” trong tác phong làm việc để có thể thích nghi với môi trường làm việc mới một cách dễ dàng.

- Mạnh dạn vay vốn đầu tư mở rộng sản xuất để có thể tạo việc làm, ổn định và nâng cao thu nhập cho gia đình mình, đảm bảo cuộc sống ổn định về vật chất cũng như tinh thần sau THĐ.


DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO


1. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2007), Kinh tế học vĩ mô, Nxb Giáo dục, Quang Trung, Hà Nội.

2. Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn (2005), kinh tế chính sách nông

nghiệp và phát triển nông thôn, Nxb chính trị quốc gia, Hà Nội.

3. Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn (2008), Thu hồi đất của nông dân - Thực trạng và giải pháp, Hà nội.

4. Đại học kinh tế quốc dân (2002), Giáo trình kinh tế lao động, Nxb Thống kê, Hà Nội.

5. TS. Đinh Văn Ân (2005), Quan niệm và thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội tốc độ nhanh chất lượng cao ở Việt Nam, Nxb Thống kê, Hà nội.

6. Đồng Minh Đoàn (2008), Kinh nghiệm của Trung Quốc về giải quyết việc làm cho người lao động có đất bị thu hồi, Hà nội.

7. Ts. Cao Vĩnh Hải (2008), Ruộng đất cho nông dân - Thực trạng, thách thức và giải pháp trước những tổn thất do con người và thiên nhiên gây ra trên đất nông nghiệp ở nước ta, Hội thảo tam nông ở Huế.

8. GS.PTS. Nguyễn Đình Hương (1999), sản xuất và đời sống của các hộ nông dân không có đất hoặc thiếu đất ở đồng bằng SCL - Thực trạng và giải pháp, Nxb chính trị Quốc gia, Hà nội.

9. Nguyễn Văn Ngọc (2007), Bài giảng kinh tế vĩ mô, Nxb ĐH kinh tế quốc

dân, Hà Nội

10. Bùi Ngọc Thanh (2008), Việc làm cho hộ nông dân thiếu đất sản xuất – vấn đề và giải pháp, Hà Nội

11. Phòng thống kê huyện Phổ Yên (2009), số liệu thống kê, phòng thống kê huyện Phổ Yên.

12. Quốc hội nước CHXHCNVN (2006), Bộ luật lao động và luật sửa đổi bổ

sung một số điều của Bộ luật lao động, Nxb Tư pháp, Hà Nội.

13. Quốc hội nước CHXHCNVN (2003), Bộ luật đất đai, Nxb Tư pháp, Hà Nội.

14. Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội (2006), Giáo trình giao đất và thu hồi đất, Nxb Hà nội, Hoàn Kiếm, Hà Nội.


15. Thủ tướng Chính phủ (2006), Chỉ thị về giải pháp hỗ trợ dạy nghề và việc làm cho lao động vùng chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp, Thủ tướng Chính phủ.

16. Thủ tướng Chính phủ (2007), Quyết định phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020, Thủ tướng Cính phủ.

17. UBND Tỉnh thái Nguyên (2008), Quyết định về việc thu hồi, giao đất cho UBND huyện Phổ Yên để sử dụng vàp mục đích xây dựng KCN Trung Thành huyện Phổ Yên, Phòng nội vụ TP Thái Nguyên.

18. UBND xã Trung Thành (2008), Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội của xã năm 2008 và mục tiêu kế hoạch thực hiện năm 2009, Văn phòng xã Trung Thành.

19. UBND xã Trung Thành (2009), Thống kê tình hình sử dụng đất của xã, Phòng địa chính xã Trung Thành.

20. UBND xã Trung Thành (2009), Số liệu thống kê về lao động việc làm của xã qua các năm 2006-2008, Phòng lao động Thương Binh và Xã hội xã Trung Thành.

21.Website của sở tài nguyên và môi trường tỉnh Vĩnh Phúc (2009): http://www.tnmtVinhphuc.gov.vn/index.php?nre-vp=news&in=viewst&sid=621.

22. Website của tạp chí cộng sản (2008): http://www.tapchicongsan.org.vn/print-priview.asp?object=14350349&news-id=1230873.

23. Website của trung tâm khuyến nông – khuyến ngư Việt Nam (2009): http://www.khuyennongvn.gov.vn/c-hdknkn/b-tthuanluyen/hoi-thao-thu-hoi-dat-cua-nong-dan-thủctangvagiiphap.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 30/05/2022