thuế thấy được tiền thuế của họ nộp vào sẽ được nhà nước hỗ trợ ngược lại một phần khi họ mất khả năng lao động, gặp rủi ra, hết tuổi lao động...
Hiện nay cơ chế thanh toán chủ yếu ở nước ta là bằng tiền mặt. Vì vậy, việc kiểm soát thu nhập dân cư là rất khó khăn, việc thu thuế của nhà nước vì thế cũng chưa thực sự hiệu quả. Để hạn chế điều này phương pháp hữu hiệu nhất là phải có cơ chế tăng tỷ lệ thanh toán qua ngân hàng, từng bước có chính sách hạn chế giao dịch bằng tiền mặt, tập trung thanh toán qua ngân hàng, tiến tới bắt buộc mỗi cá nhân đều phải mở tài khoản tại ngân hàng và thực hiện việc thanh toán thông qua hệ thống ngân hàng. Đây là tiền đề quan trọng để nhà nước kiểm soát thu nhập dân cư, tạo điệu kiện thuận lợi cho việc thực hiện Luật thuế thu nhập cá nhân ở nước ta có hiệu quả.
Trước mắt, khi chưa thực hiện được khâu thanh toán phải thông qua hệ thống ngân hàng, cơ quan có thẩm quyền có thể tích cực nắm bắt thu nhập phát sinh tại nguồn và xây dựng cơ chế chính sách khấu trừ tại nguồn một cách hợp lý. Nhà nước cần có cơ chế bắt buộc đối với các tổ chức và cá nhân chi trả thu nhập thực hiện nghĩa vụ khấu trừ thuế đối với thu nhập của người nộp thuế khi phát sinh thu nhập. Đồng thời cơ quan thuế phải xây dựng chương trình công tác có sự liên kết chặt chẽ với các tổ chức thực hiện nhiệm vụ thanh toán với người có thu nhập để thực hiện nhiệm vụ khấu trừ thuế.
Cần triển khai đăng ký mã số thuế cho tất cả đối tượng lao động và người phụ thuộc.Việc đăng ký mã số thuế trên địa bàn tỉnh tuy đạt được kết quả nhất định, song số lượng đối tượng nộp thuế được cấp mã số thuế còn quá ít, việc kê khai người phụ thuộc nhiều trường hợp còn trùng lặp, thậm chí có người kê khai đến hàng chục người phụ thuộc, điều này gây khó khăn trong việc quản lý thu nhập cá nhân và thất thoát nguồn ngân sách nhà nước. Vì vậy biện pháp hữu hiệu là Cục thuế Quảng Ngãi nói riêng và Tổng cục Thuế nói chung cần phải thực hiện chính sách cấp mã số thuế cho mọi người lao động và người phụ thuộc trong hệ thống mã số thuế toàn quốc được kê
khai trên phần mềm ứng dụng chung. Có như vậy việc kê khai người phụ thuộc mới không bị trùng lặp, đồng thời nhà nước có thể kiểm soát một phần thu nhập cá nhân và việc thanh tra, kiểm tra việc thu nộp thuế dễ dàng và thuận tiện hơn.
3.3.2.2. Tăng cường năng lực cho các cơ quan thuế, nâng cao trình độ chuyên môn, phẩm chất cho cán bộ phụ trách thuế thu nhập cá nhân trên địa bàn tỉnh
Cơ quan thuế ở Quảng Ngãi bao gồm 15 chi cục và Cục thuế, nhưng số lượng cán bộ phụ trách về lĩnh vực thuế thu nhập của tất cả các đơn vị là 20 người, trong đó cục thuế có 5 cán bộ còn mỗi chi cục thuế chỉ có một cán bộ phụ trách lĩnh vực thuế thu nhập cá nhân cá nhân, số lượng cán bộ chuyên trách như vậy là quá ít so với số lượng công việc mà họ phải đảm nhận trong quá trình triển khai Luật thuế, trong khi chỉ có khoảng 50% cán bộ chuyên trách có trình độ đại học số còn lại chỉ có trình độ trung cấp và cao đẳng. Số lượng cán bộ phụ trách ít nên việc bố trí sắp xếp để cán bộ tham gia các lớp đào tạo, nâng cao trình độ lại càng khó hơn. Sau hơn 3 năm thực hiện Luật thuế thu nhập cá nhân chưa có trường hợp cán bộ phụ trách thuế thu nhập cá nhân nào được cơ quan thuế trực tiếp cử đi học nâng cao trình độ. Để thực hiện tốt các chính sách thuế thu nhập cá nhân trên địa bàn, tỉnh Quảng Ngãi cần [1, tr. 2].
- Tạo ra đội ngũ cán bộ phụ trách thuế thu nhập cá nhân đủ về số lượng, có năng lực nghiên cứu hoạch định chính sách, thực hành quản lý thuế giỏi theo hướng chuyên môn hóa sâu, đáp ứng nhu cầu quản lý thuế và hướng dẫn việc kê khai, nộp thuế. Đội ngũ cán bộ thuế phải trung thực, nhiệt huyết, tận tâm với công việc, với nghề, tận tình giải đáp và hướng dẫn đối tượng nộp thuế thực hiện quyền và nghĩa vụ trong quá trình thực hiện Luật thuế thu nhập cá nhân. Tạo được niềm tin cho người nộp thuế để họ tự giác thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình.
- Để thực hiện được mục tiêu trên, Cục thuế và cơ quan chức năng cần phải thực hiện các công việc sau:
+ Báo cáo và phân tích tình hình cụ thể về số lượng cán bộ phụ trách cho Tổng cục Thuế, trên cơ sở đó Tổng cục Thuế phân bổ chỉ tiêu cán bộ ngành thuế hoặc chuyển giao cán bộ phụ trách những lĩnh vực khác sang đảm nhận chuyên trách lĩnh vực thuế thu nhập cá nhân.
Có thể bạn quan tâm!
- Đồ Thị Tổng Thuế Thu Nhập Cá Nhân Của Tỉnh Quảng Ngãi So Với Tổng Thuế Thu Nhập Cá Nhân Cả Nước Trong 3 Năm
- Một Số Quy Định Về Phạm Vi, Đối Tượng Chịu Thuế Trong Luật Thuế Thu Nhập Cá Nhân Chưa Bao Quát Được Các Khoản Thu Nhập Chịu Thuế Thu Nhập Cá
- Định Hướng Nâng Cao Hiệu Quả Thực Hiện Pháp Luật Về Thuế Thu Nhập Cá Nhân
- Thực tiễn thực hiện pháp luật về thuế thu nhập cá nhân trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi - 11
Xem toàn bộ 95 trang tài liệu này.
+ Đào tạo cán bộ theo hướng chuyên môn hóa từng chức năng công việc và lĩnh vực phụ trách. Đảm bảo trang bị đầy đủ kiến thức chủ yếu như các chính sách kinh tế, tài chính và Luật pháp liên quan đến thuế thu nhập cá nhân, phân tích dự báo thuế, kiến thức quản lý thuế bằng máy tính, phương pháp thanh tra, kiểm tra...Cử cán bộ công chức chuyên trách về thuế thu nhập cá nhân nói riêng và các cán bộ trong Cục thuế nói riêng đi đào tạo, đặc biệt là nhóm cán bộ có trình độ trung cấp cao đẳng, đồng thời nâng tỷ lệ tuyển dụng các ngạch công chức có trình độ đào tạo đại học để nâng cao trình độ cán bộ công chức nói chung theo yêu cầu xu hướng hội nhập. Tuy nhiên, hiện tại số lượng cán bộ phụ trách lĩnh vực thuế thu nhập cá nhân của ngành thuế trên địa bàn tỉnh còn hạn chế, việc cử cán bộ đi đào tạo tại các cơ sở tập trung còn khó; trước mắt Cục thuế Quảng Ngãi cần đẩy mạnh công tác đào tạo, nâng cao trình độ "tại nguồn" đó là tăng cường đội ngũ giáo viên kiêm chức tại Cục thuế, đủ trình độ, kinh nghiệm và năng lực để đảm đương công tác giảng dạy cho cán bộ ở địa phương. Phối hợp với các Trường Đại học trên địa bàn tỉnh bổ sung nghiệp vụ cho cán bộ ngành thuế.
+ Xây dựng quy chế kiểm tra, đánh giá chất lượng hoạt động của các cán bộ phụ trách nghiệp vụ tại cục thuế và các chi cục thuế, trên cơ sở đó có biện pháp khắc phục nhược điểm, tồn tại.
So với các lĩnh vực khác, quyền lợi của cán bộ phụ trách Luật thuế thu nhập cá nhân hạn chế hơn, việc thực hiện Luật thuế chủ yếu xuất phát từ tự
khai, tự nộp của đối tượng nộp thuế, hiện tại nhà nước nói chung và tỉnh Quảng Ngãi nói riêng chưa có cơ chế kiểm soát thu nhập của cá nhân hiệu quả, so với các nguồn thu khác từ thuế trên địa bàn tỉnh thì thuế thu nhập cá nhân chỉ chiếm một con số rất nhỏ nên sự đầu từ, quan tâm đối với loại thuế này còn hạn chế (năm 2012 riêng nhà máy lọc dầu Dung Quất đã nộp ngân sách 14.000 tỷ, song thuế thu nhập cá nhân toàn tỉnh chỉ đạt khoảng 123 tỷ) [47]. Vì vậy, để pháp luật thuế thu nhập cá nhân thực hiện có hiệu quả, ngoài việc nâng cao trình độ chuyên môn cán bộ phụ trách, Cục thuế cần có biện pháp khuyến khích, quản lý nhằm nâng cao phẩm chất, tinh thần trách nhiệm của cán bộ phụ trách trong lĩnh vực này.
3.3.2.3. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến nâng cao ý thức pháp luật cho đối tượng nộp thuế
Sau hơn 3 năm thực hiện, Luật thuế thu nhập cá nhân đã dần đi vào cuộc sống của người dân, song số lượng đối tượng nộp thuế biết những quy định của pháp luật về vấn đề này còn hạn chế. Rất nhiều trường hợp đối tượng nộp thuế không tiến hành đăng ký mã số thuế cá nhân và kê khai thu nhập, hoặc có đăng ký mã số thuế nhưng cố ý khai không đúng thu nhập thực tế nhằm trốn tránh nghĩa vụ nộp thuế, gây thất thoát ngân sách nhà nước và chưa đảm bảo tính công bằng giữa các đối tượng nộp thuế trong việc thực hiện Luật thuế nhất là các đối tượng làm công ăn lương và cá nhân kinh doanh độc lập có đầy đủ hoá đơn chứng từ. Nguyên nhân của hiện tượng này xuất phát từ ý thức và sự hiểu biết pháp luật về thuế của người dân nói chung và thuế thu nhập cá nhân nói chung. Vì vậy, để khuyến khích người dân tự nguyện, trung thực trong việc kê khai nộp thuế, cơ quan chức năng cần có biện pháp tuyên truyền, phổ biến để người dân hiểu được ý nghĩa và mục tiêu ban hành Luật thuế thu nhập cá nhân mà Đảng và Nhà nước đặt ra. Cụ thể:
Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa phòng tuyên truyền phổ biến pháp luật thuộc Sở Tư pháp và cơ quan thuế trên địa bàn tỉnh với các tổ chức đoàn
thể, coi việc phổ biến, tuyên truyền Luật thuế thu nhập cá nhân là chủ đề quan trọng trong các buổi sinh hoạt. Tổ chức các buổi tọa đàm, lắng nghe ý kiến và trả lời câu hỏi của nhân dân về thuế thu nhập cá nhân và tiến hành khảo sát ý kiến cũng như thông tin pháp luật về thuế của đối tượng nộp thuế trên cơ sở đó có biện pháp phổ biến phù hợp.
Cục thuế cần kết hợp với các đơn vị chi trả thu nhập phổ biến pháp luật thuế thu nhập cá nhân cho trực tiếp đối tượng nộp thuế tại chính đơn vị chi trả thu nhập đó, đưa những quy định của Luật thuế nào nội dung bản tin sinh hoạt của đơn vị. Cục thuế và chi cục thuế cần thiết lập "đường dây nóng" bố trí cán bộ thường trực có đủ trình độ, kịp thời tư vấn, giới thiệu, giải đáp thắc mắc về thuế phát sinh và những thay đổi trong quá trình thực hiện pháp luật về thuế thu nhập cá nhân.
Cục thuế và các chi cục thuế trên địa bàn tỉnh thường xuyên phối hợp với các cơ quan truyền thông, báo chí và tổ chức đoàn thể các cấp trên địa bàn tỉnh khai thác thế mạnh của các phương tiện này để truyền bá kịp thời, sâu rộng những thông tin về chính sách, chế độ thuế đều khắp từ thành thị đến nông thôn để mọi tầng lớp dân cư có điều kiện tiếp cận, hiểu biết rõ hơn vai trò, vị trí của thuế thu nhập cá nhân đối với nhà nước và công dân, về quyền lợi và nghĩa vụ của công dân trong việc kê khai thu nhập và nộp thuế, từng bước biến công tác phổ biến pháp luật nói chung và pháp luật về thuế thu nhập cá nhân nói riêng thành công tác quần chúng cụ thể của Đảng, toàn dân.
Các chủ trương chính sách thuế thu nhập cá nhân phải đến được với dân để không ngừng nâng cao tinh thần giác ngộ "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra", thực hiện đứng đắn đường lối chủ trương xây dựng "nhà nước của dân, do dân, vì dân" mà Đảng và Nhà nước đã đặt ra.
3.3.2.4. Các điều kiện hỗ trợ khác
Một là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chấp hành pháp luật thuế thu nhập cá nhân tại tổ chức chi trả thu nhập và cá nhân hoạt động độc
lập. Thực hiện xử lý các vi phạm về thuế thu nhập cá nhân nghiêm khắc và triệt để.
Thời gian qua công tác thanh kiểm tra thuế thu nhập cá nhân trên địa bàn tỉnh ít được quan tâm, theo số liệu thống kê của Cục thuế Quảng Ngãi việc kiểm tra thuế thu nhập cá nhân chủ yếu tiến hành tại tổ chức chi trả thu nhập và kết hợp kiểm tra việc tuân thủ nộp thuế nói chung của tổ chức chi trả thu nhập đó.
Riêng đối với cá nhân hoạt động độc lập như bác sĩ mở phòng khám tư, ca sĩ ở phòng trà, quán ba, cá nhân kinh doanh độc lập do chưa có cơ chế quản lý thu nhập hữu hiệu nên việc đánh thuế thu nhập cá nhân trong các trường hợp này chủ yếu thông qua hình thức thuế khoán trên cơ sở ước lượng của cơ quan thuế. Để kiểm soát chính xác thu nhập của các đối tượng này Cục thuế cần phải kết hợp với các cơ sở khác như sở Văn hóa Thể thao và du lịch, sở Thông tin và Truyền thông, sở y tế, sở Kế hoach Đầu tư và phòng đăng ký kinh doanh trực thuộc Ủy ban nhân dân các huyện để kiểm soát giấy phép hoạt động cá nhân, thu nhập bình quân cá nhân, nếu cá nhân hoạt động không có giấy phép thì tiến hành thu hồi, tổ chức chi trả thu nhập không có chứng từ xác định chi trả thu nhập buộc ngưng hoạt động. Trong trường hợp không xác định được chính xác thu nhập thì xác định thu nhập bình quân cũng góp phần áp dụng chính sách thuế khoán phù hợp đối với đối tượng nộp thuế.
Hai là, tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi để mọi tổ chức, cá nhân thực hiện nghĩa vụ thuế theo đúng quy định của pháp luật; đảm bảo công bằng, bình đẳng, thu đủ, thu đúng và thu kịp thời vào ngân sách nhà nước.
Ba là, tiếp tục triển khai các đề án ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý thuế thu nhập cá nhân.
Bốn là, thường xuyên phối hợp với các cơ quan liên quan như: công an, Sở Ngoại vụ, quản lý lao động, Bảo hiểm xã hội để nắm bắt kịp thời
những thông tin về đối tượng nộp thuế, nguồn phát sinh thu nhập, có biện pháp phân loại đối tượng, nguồn thu nhập để quản lý thuế thu nhập cá nhân một cách có hiệu quả
Năm là, tổ chức khen thưởng với những đơn vị và cán bộ thuế tích cực phê bình đơn vị cá nhân không thực hiện tốt nhiệm vụ trong công tác quản lý thuế thu nhập cá nhân.
Để khuyến khích các đơn vị thực hiện có hiệu quả Luật thuế thu nhập cá nhân thì Cục thuế Quảng Ngãi cần chú trọng đến công thác khen thưởng các đơn vị có thành tích cao trong công tác và cả những cán bộ chuyên trách trong từng lĩnh vực hoàn thành tốt nhiệm vụ. Có chế độ khen thưởng phù hợp sẽ tạo động lực tốt cho đơn vị quản lý thuế và cá nhân phụ trách. Đồng thời Cục thuế cũng phải tiến hành có biện pháp cứng rắn nhằm phê bình, kỷ luật đơn vị, cá nhân phụ trách vi phạm trong quá trình thực hiện công tác được giao.
TIỂU KẾT CHƯƠNG 3
Trên cơ sở thực trạng và nguyên nhân ảnh hưởng đến kết quả thực hiện pháp luật về thuế thu nhập cá nhân trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi để xây dựng các giải pháp nhằm khắc phục tình trạng thực tế. Việc thực thi Luật thuế thu nhập cá nhân chưa thực sự hiệu quả bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau nên chúng ta cần phải áp dụng đồng bộ các giải pháp này. Các giải pháp vừa mang tính vi mô, vừa mang tính vĩ mô nhưng vẫn hướng đến mục đích góp phần nâng cao hiệu quả thực hiện pháp luật thuế thu nhập cá nhân trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi nói riêng và ở Việt Nam nói chung trong thời gian đến.
KẾT LUẬN
Trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế. Thuế nói chung và thuế thu nhập cá nhân nói riêng giữ vị trí đặc biệt quan trọng. Nguồn thu từ thuế là nguồn thu chủ yếu cho ngân sách của mỗi quốc gia. Thuế thu nhập cá nhân đã có lịch sử hàng trăm năm và hiện nay đã trở thành loại thuế phổ biến trên thế giới. Có thể nói đối với hầu hết các quốc gia thuế thu nhập cá nhân được xem như là "vua" của các loại thuế. Không chỉ bởi nguồn thu khổng lồ của nó trong tổng ngân sách để phục vụ cho việc vận hành bộ máy hành chính nhà nước, đảm bảo an ninh quốc gia, chính sách xã mà sự ra đời của sắc thuế thu nhập cá nhân còn góp phần quan trọng trong việc điều tiết phân phối lại thu nhập trong xã hội trên cơ sở xem xét đến hoàn cảnh cụ thể của người nộp thuế. Ở Việt Nam thuế thu nhập cá nhân ra đời muộn và nguồn thu từ thuế thu nhập cá nhân chiếm khoảng 3-7% tổng thu ngân sách. Việc thực hiện Luật thuế thu nhập cá nhân trong thời gian qua chưa thực sự hiệu quả, cũng như chưa phát huy được vai trò to lớn của thuế thu nhập cá nhân tại Việt Nam. Đề tài "Thực hiện pháp luật về thuế thu nhập cá nhân trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi" đã phân tích những quy định của pháp luật Việt Nam về thuế thu nhập cá nhân và kết quả thực hiện những quy định này trên thực tế tại tỉnh Quảng Ngãi, chỉ ra một số bất cập và nêu ra kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật về thuế thu nhập cá nhân, nhằm mục đích nâng cao hiệu quả thực hiện các chính sách pháp luật về thuế thu nhập cá nhân nói riêng và pháp luật về thuế nói chung. Đề tài tập trung nghiên cứu một số vấn đề cơ bản sau đây:
1- Những quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân, đặc trưng, vai trò của thuế thu nhập cá nhân đối với nhà nước và người nộp thuế.
2- Những kết quả đạt được, những hạn chế, bất cập trong quá trình thực hiện pháp luật về thuế thu nhập cá nhân trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi