Thanh toán và phân chia di sản thừa kế trong pháp luật dân sự Việt Nam - 11

- Điều 667- khoản 2 qui định về Di chúc không có hiệu lực pháp luật toàn bộ hoặc một phần, trong đó không qui định nếu một người lập di chúc đã định đoạt cả phần tài sản chung (của vợ, chồng, hoặc sở hữu chung theo phần) thì có công nhận di chúc này có hiệu lực một phần hay không. Thực tế, đã có Toà án công nhận di chúc đó có hiệu lực một phần, nhưng cũng có Toà án không công nhận tính hợp pháp của di chúc.

Các qui định về nội dung liên quan đến thừa kế còn rất nhiều Điều luật không rõ rằng, lạc hậu. Tuy nhiên, BLDS năm 2005 phần nào đã khắc phục được những thiếu sót trên.

Thứ ba, có thể coi đây là nguyên nhân chủ quan, vì sự hạn chế về mặt nhận thức cũng như trình độ của các Thẩm phán khi giải quyết những vụ án dân sự nói chung và vụ án về thừa kế nói riêng. Có thể kể đến một số sai sót ví dụ như:

- Tại Quyết định số 01/2003/HĐTP-DS ngày 25-02-2003 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao về vụ án tranh chấp di sản thừa kế giữa nguyên đơn là bà Hồng, bà Phô, bà Hào, ông Tuyến, bà Trinh và Bị đơn là ông Chiến, ông Phương đã ra quyết định huỷ bản án sơ thẩm và bản án phúc thẩm giao cho Toà án nhân dân TP Hồ Chí Minh xét xử lại vì lý do Toà án không nắm chắc các qui định của BLDS về " Thừa kế theo pháp luật" do đó không xác định đầy đủ những người thừa kế pháp luật;

- Tại Quyết định số 19/2003/HĐTP- DS ngày 26-06-2003 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao về vụ án tranh chấp di sản thừa kế giữa Nguyên đơn là bà Thu ông Nhựt, bà Sương và Bị đơn là các ông, bà: Mới, Rớt với những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã ra quyết định xét xử phúc thẩm lại vì vi phạm thủ tục tố tụng qui định tại điểm c, khoản 1, Điều 17 Pháp lệch thủ tục giải quyết các vụ án dân sự.

Thứ tư, đây là nguyên nhân gây khó khăn nhất cho công tác xét xử tại Toà án, đó là sự thiếu trung thực của các đương sự. Khi có đơn yêu cầu hay đơn kiện về giải quyết tranh chấp phân chia di sản, Toà án thụ lý và tiến hành

giải quyết theo qui định về tố tụng. Trong quá trình giải quyết, việc yêu cầu các bên đưa ra những chứng cứ để xác minh làm rõ tính chất vụ việc là rất cần thiết và đòi hỏi sự trung thực của các đương sự. Nhưng vì nhiều lý do nhất là liên quan đến lợi ích cá nhân mà rất nhiều vụ án sau nhiều lần xét xử, các bên mới cho biết hoặc để "lộ" ra những chứng cứ quan trọng như xuất trình di chúc, khai thêm tài sản...Chính những nhận thức sai lầm của các đương sự làm ảnh hưởng đến chất lượng giải quyết vụ án.

Tóm lại, còn rất nhiều nguyên nhân làm ảnh hưởng đến công tác xét xử các vụ án tranh chấp về di sản thừa kế. Để khắc phục được những nguyên nhân trên, đòi hỏi rất nhiều sự nỗ lực của toàn ngành tư pháp nói riêng và của toàn xã hội nói chung.

3.3. MỘT SỐ KIẾN NGHỊ NHẰM HOÀN THIỆN CHẾ ĐỊNH THANH TOÁN VÀ PHÂN CHIA DI SẢN THỪA KẾ

3.3.1.Trong trường hợp không có thoả thuận nhưng một trong những người thừa kế đã đứng ra thanh toán vượt mức thì BLDS Việt nam hiện nay có nên qui định họ có thể kiện đòi các thừa kế khác thanh toán phần vượt mức đó hay không?

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 88 trang tài liệu này.

Tại Điều 637–khoản 3: "Trong trường hợp di sản đã được chia mỗi người thừa kế thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại tương ứng nhưng không vượt quá phần tài sản mà mình đã nhận, trừ trường hợp có thoả thuận khác" Pháp luật qui định trong tình huống này khá cụ thể, tuy nhiên, trong thực tế thường không diễn ra đúng như vậy. Không phải lúc nào các thừa kế cũng cùng nhau thoả thuận được và nếu như việc thực hiện thanh toán nghĩa vụ là một nghĩa vụ không thể phân chia được theo phần thì sẽ phải có một người ngoài việc dùng kỷ phần mình được hưởng thanh toán còn phải dùng cả tài sản riêng của mình mới đủ, hoặc vì tình nghĩa anh em mà tự nhận trách nhiệm thanh toán (không có thoả thuận). Trong trường hợp này, nếu họ muốn kiện đòi thanh toán phần chênh lệch thì họ sẽ căn cứ vào điều luật nào để kiện. Theo chúng tôi, nên bổ sung khoản 3 như sau : "...Nếu không có

thoả thuận, người thừa kế đã thực hiện nghĩa vụ vượt quá phần tương ứng, thì có thể yêu cầu những người thừa kế khác thanh toán (hoàn trả) lại phần chênh lệch"

Thanh toán và phân chia di sản thừa kế trong pháp luật dân sự Việt Nam - 11

3.3.2. Trong trường hợp đã thực hiện việc chuyển giao di sản là vật hoặc giá trị cho người được di tặng nhưng sau đó mới phát hiện còn có những khoản nợ di sản chưa được thanh toán, trong khi phần di sản còn lại của những người hưởng di sản không đủ để trả nợ thì có được truy tìm lại di sản đã được di tặng hay không?

Điều 671– khoản 2: " Người được di tặng không phải thực hiện nghĩa vụ tài sản đối với phần được di tặng, trừ trường hợp toàn bộ di sản không đủ để thanh toán nghĩa vụ tài sản của người lập di chúc thì phần di tặng cũng được dùng để thực hiện phần nghĩa vụ còn lại của người này." Như vậy, người được di tặng không có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ như những người thừa kế khác. Tuy nhiên, điều luật này nên qui định rõ hơn liệu họ có phải gánh trách nhiệm đối với nghĩa vụ thanh toán cùng với những người thừa kế khác khi họ đã nhận vật hoặc giá trị được di tặng. Theo chúng tôi, như đã phân tích tại Chương II, di tặng thường là vật hay giá trị nhỏ mang tính tình cảm nên khi đã trao vật rồi mới phát hiện còn những khoản nợ của di sản mà khối di sản còn lại không đủ để thanh toán thì không nên truy tìm lại vật hoặc đòi lại giá trị đã giao nữa.

3.3.3. Trường hợp khối di sản để lại không đủ để thanh toán nghĩa vụ tài sản, thì những chủ nợ được qui định tại Điều 683 BLDS khoản thanh thứ 9, 10 được giải quyết như thế nào?

Điều 683 qui định về thứ tự thanh toán nghĩa vụ tài sản và và các khoản chi phí liên quan đến thừa kế. Theo thứ tự trên có thể hiểu rằng những khoản thanh toán nào được xếp thanh toán trước thì phải được thực hiện hết rồi mới đến khoản thanh toán xếp sau. Tuy nhiên, đối với những chủ nợ được xếp cùng hàng thì thực tế chưa có văn bản pháp lý nào hướng dẫn cách giải quyết trong trường hợp khối di sản không đủ để thanh toán hết nghĩa vụ. Việc áp

dụng hình thức chia nợ theo tỷ lệ là một cách phân xử nhiều rủi ro vì nếu các chủ nợ không đồng ý chia nợ theo tỷ lệ thì giải quyết như thế nào. Trên thực tế, rất ít khi các chủ nợ yêu cầu thanh toán cùng một lúc, vì họ có thể không biết thông tin “con nợ” của mình đã chết hay vì nhiều lý do khác. Trong trường hợp này, chúng tôi kiến nghị nên bổ sung thêm khoản 2 - Điều 683 như sau:

- Phương án 1 : “ 2- Trong trường hợp di sản không đủ để thanh toán nghĩa vụ tài sản qui định tại mục 9, 10 của điều này, thì những khoản nợ được thông báo trước sẽ được ưu tiên thanh toán trước”

- Phương án 2: “ 2- Trong trường hợp di sản không đủ để thanh toán nghĩa vụ tài sản qui định tại mục 9, 10 của điều này, thì những khoản nợ nào được thông báo trước và gần đến ngày hết hạn nợ thì được ưu tiên thanh toán trước”

3.3.4. Định giá di sản

Phân chia di sản được thực hiện theo di chúc hay theo pháp luật, nếu không chia được bằng hiện vật thì những người thừa kế có thể yêu cầu chia bằng giá trị của khối di sản đang còn vào thời điểm phân chia. Vấn đề đặt ra là việc định giá khối di sản vào thời điểm nào?. Điều 684-khoản 3 qui định: “Trong trường hợp di chúc chỉ xác định phân chia di sản theo tỷ lệ đối với tổng giá trị khối di sản thì tỷ lệ này được tính trên giá trị khối di sản đang còn vào thời điểm phân chia di sản”, Điều 685 - khoản 2 qui định: “Những người thừa kế có quyền yêu phân chia di sản bằng hiện vật; nếu không thể chia đều bằng hiện vật thì những người thừa kế có thể thoả thuận về việc định giá hiện vật và thoả thuận về người nhận hiện vật; nếu không thoả thuận được thì hiện vật được bán để chia” Như vậy, trong trường hợp phân chia theo pháp luật, pháp luật qui định cụ thể hơn so với chia theo di chúc nhưng di chúc xác định theo tỷ lệ. Cái khó ở đây là xác định giá trị khối di sản vào thời điểm phân chia như thế nào? Rất nhiều trường hợp, việc phân chia kéo dài qua nhiều tháng, năm. Giá trị di sản qua tháng, năm đó cũng khác rất nhiều, nên nếu qui

định “thời điểm phân chia” thì chưa cụ thể. Chúng tôi có ý kiến là nên giải thích “thời điểm” là “ngày phân chia, hoặc ngày ra quyết định, bản án có hiệu lực của pháp luật”.

Trên đây là một số kiến nghị nhằm hoàn thiện hơn về các qui định của BLDS năm 2005 về thanh toán và phân chia di sản. So với BLDS năm 1995, BLDS năm 2005 đã có nhiều sửa đổi, bổ sung. Tuy nhiên, BLDS năm 2005 mới đi vào đời sống đời sống dân sự được gần một năm, do vậy, nhưng vướng mắc trong quá trình giải quyết các vụ án tranh chấp thừa kế chưa phát sinh những vấn đề bức xúc mới. Chính vì thế, những kiến nghị trên đây của chúng tôi chỉ dừng lại một số vấn đề mà trong BLDS năm 2005 chưa đề cập tới.




KẾT LUẬN

Chế đinh thừa kế là một trong những chế định được những nhà nghiên cứu luật học quan tâm và đặt nhiều tâm huyết. Do vậy, khi chọn đề tài: “Thanh toán và phân chia di sản trong pháp luật dân sự Việt Nam” chúng tôi mong muốn đưa ra những nét khái quát chung nhất về lý luận cũng như thực tiễn áp dụng các qui định của pháp luật về vấn đề này vì trong thời gian qua, những vụ án tranh chấp di sản liên quan đến thanh toán nghĩa vụ tài sản do người chết để lại và phân chia di sản cho từng người thừa kế càng ngày càng trở nên phức tạp. Hơn nữa, đây là một trong những qui định về thừa kế còn bỏ ngỏ, có ít công trình nghiên cứu về chế định này nên chúng tôi cũng mạnh dạn nghiên cứu và hy vọng sẽ góp một phần công sức vào thực tiễn áp dụng pháp luật.

Nội dung nghiên cứu đề tài đã tập trung làm rõ về mặt lý luận hai khái niệm Thanh toán di sản và Phân chia di sản để từ đó rút ra được những yếu tố liên quan đến việc thực hiện thanh toán và phân chia di sản. Từ đó, chúng tôi đã tập chung nghiên cứu những điểm phù hợp và chưa phù hợp của các qui định về chế định này trong pháp luật dân sự Việt Nam và những ý kiến đề xuất nhằm hoàn thiện hơn các qui định về thanh toán và phân chia di sản.

Tuy nhiên, trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi thấy đây là một trong những đề tài không dễ vì tính chiều sâu của phạm vi nghiên cứu. Khi phân tích, chúng tôi không chỉ tập trung vào việc nghiên cứu thanh toán nghĩa vụ di sản hay phân chia di sản đơn thuần mà phải nghiên cứu nó liên quan đến hầu

hết các qui định về Thừa kế. Chính vì thế, việc hoàn thiện đề tài sẽ không thể không có những thiếu sót, chúng tôi hy vọng sẽ nhận được những đóng góp quí báu trong quá trình bảo vệ đề tài và mong rằng sẽ nghiên cứu đề tài ở cấp độ chuyên sâu hơn.

Chúng tôi xin trân thành cảm ơn Hội đồng !


TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Các văn bản pháp luật về dân sự, tố tụng, Hà Nội

2. Bộ tư pháp (2006), “ Nội dung và những điểm mới cơ bản của Bộ luật dân sự năm 2005” , NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

3. Đào Xuân Tiến (2001), “Giải quyết tranh chấp về thừa kế: thực trạng và giải pháp”, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật số 3/2001;

4. Đinh Trung Tụng (2005),"Bình luận những nội dung mới của Bộ luật dân sự năm 2005", NXB Tư pháp, Hà Nội .

5. Lê Kim Quế (1996), “100 câu hỏi về thừa kế theo Bộ luật dân sự”, NXB Chính trị Quốc gia.

6. NXB Chính trị Quốc gia, Bộ Luật Dân sự năm 2005

7. Nguyễn Ngọc Điện (2001), “ Bình luận khoa học về thừa kế trong luật dân sự Việt nam”, Nhà xuất bản trẻ, Tp Hồ Chí Minh.

8. NXB Bộ tư pháp, “ Bộ luật dân sự Pháp”.

9. NXB Chính trị Quốc gia(1995), “Bộ luật dân sự và thương mại Thái Lan”.

10. NXB Chính trị Quốc gia (2001), “Bình luận khoa học Bộ luật dân sự Việt Nam”

11. Nguyễn Mạnh Bách (1996), “ Tìm hiểu luật dân sự Việt Nam, chế độ hôn sản và thừa kế”, NXB Đồng Nai.

12. NXB Chính trị Quốc gia (1998), “Một số vấn đề về pháp luật dân sự Việt Nam từ thế kỷ XV đến thời Pháp thuộc”.

13. Phùng Trung Tập (2002), “Thừa kế theo pháp luật của công dân Việt Nam từ năm 1945 đến nay”, Luận án Tiến sĩ luật học.

14. Phạm Văn Tuyết (2003), “ Thừa kế theo di chúc theo qui định của Bộ luật dân sự Việt Nam” , Luận án Tiến sĩ luật học.

15. Phạm Văn Tuyết (2002), “ Bàn về khái niệm thừa kế”, Tạp chí Luật học số 6/2002.

16. Trường ĐH Luật Hà Nội (1998), “Giáo trình luật dân sự Việt Nam -Tập 2”, NXB Công an nhân dân, Hà Nội .

17. Tủ sách luật (1973), “ Bộ dân luật”, Nhà sách khai trí, Sài gòn

18. Tưởng Duy Lượng (2002), “Một số vấn đề trong thực tiễn xét xử các tranh chấp về thừa kế”, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội

19. Trần Thị Huệ (2005), “Những nguyên tắc căn bản về thanh toán di sản trong bộ luật dân sự” , Tạp chí Luật học số 2/2005

20. Vũ Thị Phụng (1993), “Giáo trình Lịch sử Nhà nước và pháp luật Việt Nam”, NXB CAND, Hà Nội .

21.Viện sử học Việt Nam (1991),”Bộ Quốc Triều Hình luật”, NXB Pháp lý, Hà Nội.

22. Vũ Văn Mẫu (1971), “ Chế độ hôn sản lược khảo” , Sài Gòn.


Xem tất cả 88 trang.

Ngày đăng: 09/11/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí