đề xuất ra được các nhóm giải pháp liên quan đến việc hoàn thiện chính sách về BHXHTN, mở rộng đối tượng tham gia BHXHTN, nâng cao nhận thức cho NLĐ về BHXHTN.
Bài báo “Phân tích thực trạng tham gia BHXHTN của NLĐ tự do” của tác giả Nguyễn Thị Thúy (2017) [43]. Nội dung của bài viết đã phân tích thực trạng tham gia BHXHTN của những NLĐ tự do thông qua việc làm nổi bật được các minh chứng, số liệu thu thập được từ những năm đầu thực hiện chính sách cho tới nay. Đồng thời tiến hành so sánh giữa nhóm đối tượng tham gia BHXHTN với nhóm đối tượng tham gia BHXHBB và số chưa tham gia BHXH. Tác giả cũng đã phân tích được những nguyên nhân căn bản, cốt lõi làm cho NLĐ tự do chưa hứng thú với BHXHTN. Có những phát hiện mới mẻ liên quan các nguyên nhân về yếu tố thời gian tiếp cận pháp luật và tâm lý của NLĐ tự do mà những nghiên cứu trước ít đề cập tới. Bên canh đó, tác giả cũng đã có những khuyến nghị về cơ chế chính sách để BHXHTN đi vào cuộc sống. Song, các dữ liệu để phân tích thực trạng và nguyên nhân mới chỉ dừng lại ở việc phân tích các tài liệu, nghiên cứu có sẵn.
Đề tài khoa học “Cơ sở lý luận và thực tiễn xây dựng chính sách khuyến khích tham gia BHXHTN đối với lao động nghèo, lao động là người dân tộc thiểu số, nông dân có mức thu nhập thấp từ trung bình trở xuống” của tác giả Lưu Quang Tuấn (2013) [41]. Nội dung của đề tài đã làm rõ được nội hàm của một chính sách BHXH khuyến khích người dân tự nguyện tham gia, đề tài cũng đã chỉ rõ được kinh nghiệm của Trung Quốc về BHXHTN từ đó chỉ ra bài học cho việc thực hiện chính sách BHXHTN ở Việt Nam. Quan trọng nhất, đề tài đã làm rõ được thực trạng tham gia BHXHTN của NLĐ có mức thu nhập từ trung bình trở xuống, thực trạng lao động tham gia BHXHTN, thực trạng tham gia BHXHTN; đánh giá những ưu điểm và hạn chế của đối tượng đang tham gia BHXHTN. Đồng thời đề tài cũng làm rõ thực trạng NLĐ chưa tham gia BHXHTN, nhu cầu và khả năng tham gia BHXHTN của NLĐ, lượng hóa một số yếu tố ảnh hưởng đến nhu cầu tham
gia BHXHTN của NLĐ, nguyên nhân, hạn chế khả năng tham gia BHXHTN từ đó đưa ra được các khuyến nghị một số chính sách khuyến khích NLĐ có mức thu nhập từ trung bình trở xuống tham gia BHXHTN. Đề tài đã chỉ ra được một bức tranh tổng thể về thực trạng NLĐ đang tham gia BHXHTN và thực trạng NLĐ chưa tham gia BHXHTN đối với NLĐ nghèo, lao động là người dân tộc thiểu số, nông dân có mức thu nhập từ trung bình trở xuống là rất cần thiết để các cấp, các ngành có những giải pháp phát triển BHXHTN phù hợp, đồng bộ với chiến lược phát triển kinh tế xã hội.
Đề tài khoa học “Nghiên cứu giải pháp mở rộng diện bao phủ BHXH đối với lao động khu vực PCT tại Việt Nam” của tác giả Bùi Sỹ Lợi (2019) [17]. Nội dung của đề tài đã làm rõ một số kết quả đạt được cũng như chỉ ra một số tồn tại, hạn chế và nguyên nhân trong phát triển BHXHTN đối với lao động trong khu vực PCT ở Việt Nam trong thời gian vừa qua. Từ đó tác giả đã có một số giải pháp, khuyến nghị nhằm phát triển BHXHTN đối với lao động trong khu vực PCT trong thời gian tới ở Việt Nam. Dưới góc độ là một nhà quản lý, nhà khoa học tác giả đã có những đóng góp hết sức tích cực góp phần giúp Đảng, Nhà nước có những điều chỉnh phù hợp để phát triển mở rộng diện bao phủ BHXHTN đối với lao động khu vực PCT ở Việt Nam trong thời gian tới.
Đề tài khoa học “Phát triển đối tượng tham gia BHXHTN trên địa bàn tỉnh Bình Định - Thực trạng và giải pháp” của tác giả Võ Năm (2017) [21]. Nội dung của đề tài đã cho thấy thực trạng số lượng NLĐ tham gia BHXHTN tại tỉnh Bình Định tăng từng năm. Tuy nhiên, đối tượng NLĐ chưa tham gia vẫn còn quá lớn. Tác giả cũng chỉ ra được thực trạng về công tác tuyên truyền chính sách BHXHTN, cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện chính sách BHXHTN. Chỉ ra thực trạng công tác phối hợp với các cơ quan chuyên môn, ban ngành có liên quan trong thực hiện nhiệm vụ. Đồng thời đánh giá được nhận thức và nhu cầu tham gia BHXHTN của NLĐ.
Chỉ ra được yếu tố ảnh hưởng và các giải pháp để phát triển BHXHTN trên địa bàn tỉnh Bình Định.
Có thể bạn quan tâm!
- Tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện hiện nay của người lao động ở huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ - 1
- Tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện hiện nay của người lao động ở huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ - 2
- Tham Gia Bảo Hiểm Xã Hội Tự Nguyện
- Quy Định Cơ Bản Về Chính Sách Bảo Hiểm Xã Hội Tự Nguyện
- Nguyên Tắc Của Bảo Hiểm Xã Hội, Bảo Hiểm Xã Hội Tự Nguyện
Xem toàn bộ 123 trang tài liệu này.
Đề tài khoa học “Giải pháp phát triển đối tượng tham gia BHXHTN khu vực PCT trên địa bàn tỉnh Phú Yên” của tác giả Hồ Phương (2019) [27]. Nội dung của đề tài đã làm rõ thực trạng công tác phát triển đối tượng tham gia BHXHTN khu vực PCT tại Phú Yên, khảo cứu ý định tham gia BHXHTN, đo lường được các nhân tố ảnh hưởng đến ý định tham gia BHXHTN khu vực PCT từ đó đề xuất ra giải pháp phát triển đối tượng tham gia BHXHTN khu vực PCT tại tỉnh Phú Yên.
Như vậy, vấn đề nghiên cứu BHXHTN ở Việt Nam đã thu hút được khá đông giới nghiên cứu quan tâm, đã có những nghiên cứu khá đồ sộ, công phu, có tính khoa học và giá trị thực tiễn cao. Nhiều nghiên cứu đã được định hình và áp dụng trong thực tiễn. Hiện nay, việc nghiên cứu chính sách BHXHTN ở Việt Nam có giá trị và ý nghĩa vô cùng to lớn góp phần làm cơ sở, căn cứ giúp Đảng và Nhà nước có những điều chỉnh, sửa đổi về chính sách BHXHTN cho phù hợp với tình hình thực tế của đất nước. Đặc biệt, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa phát triển nhanh chóng chưa từng có như hiện nay ở Việt Nam, từ đó đòi hỏi vấn đề đặt ra là ASXH cho NLĐ (nông dân, lao động khu vực PCT) để họ có cơ hội, điều kiện tiếp cận với chính sách BHXHTN được thuận tiện hơn. Tuy nhiên, các nghiên cứu nêu trên vẫn còn có những khoảng trống nhất định về lý thuyết và thực tiễn, có công trình chỉ mô tả lại dựa trên kết quả số liệu thứ cấp có sẵn chứ chưa có những điều tra, khảo sát đánh giá bài bản và công phu, có công trình lại vi phạm nguyên tắc khuyết danh trong nghiên cứu… Đặc biệt dưới góc độ tiếp cận của ngành khoa học xã hội học vào nghiên cứu, giải thích về chính sách BHXHTN vẫn còn quá mờ nhạt. Chính vì vậy, tác giả lựa chọn đề tài này nhằm bổ sung những khoảng trống nhất định mà các nghiên cứu trước đã gặp phải, đồng thời bằng lý luận và thực tiễn của khoa học chuyên ngành xã hội học sẽ góp phần làm sáng tỏ hơn thực trạng, nguyên nhân và đề xuất một số
khuyến nghị nhằm phát triển BHXHTN ở huyện Đoan Hùng trong thời gian tới.
3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu
3.1. Mục đích nghiên cứu
Luận văn hướng tới tìm hiểu thực trạng tham gia BHXHTN của NLĐ ở huyện Đoan Hùng; phân tích những nhân tố ảnh hưởng đến việc tham gia BHXHTN của NLĐ. Từ đó, tác giả sẽ có những khuyến nghị phù hợp để thúc đẩy, phát triển số lượng NLĐ tham gia BHXHTN nhiều hơn trong thời gian tới ở huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ.
3.2. Nhiệm vụ nghiên cứu
Để đạt được mục đích nghiên cứu nêu trên, luận văn tập trung tìm hiểu 4 nhiệm vụ cụ thể như sau:
Một là: Hình thành cơ sở lý luận cho nghiên cứu việc tham gia BHXHTN hiện nay của NLĐ.
Hai là: Mô tả làm rõ thực trạng tham gia BHXHTN hiện nay của NLĐ ở huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ.
Ba là: Phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến việc tham gia BHXHTN hiện nay của NLĐ ở huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ.
Bốn là: Đề xuất một số khuyến nghị nhằm nâng cao nhận thức của NLĐ với BHXHTN, từ đó mở rộng loại hình BHXH này cho NLĐ ở huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ.
4. Đối tượng, khách thể và phạm vi nghiên cứu
4.1. Đối tượng nghiên cứu
Nghiên cứu việc tham gia BHXHTN hiện nay của NLĐ ở huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ.
4.2. Khách thể nghiên cứu
Khách thể nghiên cứu trong đề tài là: NLĐ đang tham gia BHXHTN; NLĐ chưa tham gia BHXHTN; lãnh đạo, chuyên viên BHXH huyện; các đại
lý thu BHXHTN trên địa bàn huyện; lãnh đạo ủy ban nhân dân (UBND) các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Đoan Hùng.
4.3. Phạm vi nghiên cứu
4.3.1. Phạm vi thời gian
Đề tài tiến hành điều tra xã hội học bằng bảng hỏi, phỏng vấn sâu (PVS) về tham gia BHXHTN của NLĐ trong tháng 5 năm 2020. Thu thập số liệu từ cơ quan BHXH huyện về mức độ tham gia BHXHTN trên địa bàn huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ từ năm 2016 đến hết năm 2019 để so sánh số lượng, tỷ trọng tham gia, tốc độ tăng trưởng BHXHTN qua giai đoạn 2016 – 2019. Thu thập số liệu về giới tính và tuổi của người tham gia BHXHTN và BHXHBB năm 2019 để tiến hành phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến việc tham gia BHXHTN của NLĐ ở huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ.
Thu thập số liệu từ phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) huyện Đoan Hùng về số lượng NLĐ trong độ tuổi lao động của huyện từ năm 2016 – 2019 nhằm mục đích tính toán tỷ trọng NLĐ đã tham gia BHXHTN, BHXHBB và tính toán số NLĐ trong độ tuổi nhưng chưa tham gia BHXH.
4.3.2. Phạm vi không gian
Đề tài được thực hiện tại huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ.
5. Phương pháp nghiên cứu
Đề tài vận dụng linh hoạt, có hiệu quả các phương pháp nghiên cứu, điều tra, khảo sát của ngành khoa học xã hội học để làm rõ được việc tham gia BHXHTN hiện nay của NLĐ ở huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ. Trong các nghiên cứu, các cuộc điều tra, khảo sát, đánh giá hiện nay trên thế giới và ở Việt Nam, phương pháp điều tra của ngành khoa học xã hội học được đánh giá là rất tin cậy và được sử dụng phổ biến trong các cuộc điều tra, khảo sát với số mẫu lớn và cho độ tin cậy cao. Trong nghiên cứu này, phương pháp điều tra xã hội học được thể hiện ở những phương pháp cơ bản như sau:
5.1. Phương pháp phân tích tài liệu
Tác giả tiến hành thu thập thông tin tài liệu có liên quan tới đề tài nghiên cứu từ nhiều các nguồn tài liệu chính thống khác nhau như: Các giáo trình, sách, các công trình nghiên cứu khoa học, các luận án tiến sĩ, luận văn thạc sĩ, báo, tạp chí; báo cáo của UBND huyện Đoan Hùng, BHXH huyện Đoan Hùng, Phòng LĐTB&XH huyện Đoan Hùng. Từ việc thu thập tài liệu, tác giả sẽ tiến hành phân tích nội dung các tài liệu có sẵn để đưa ra các nhận định, bằng chứng liên quan tới chủ đề nghiên cứu. Các tài liệu khi được phân tích nội dung sẽ được dùng để viết tính cấp thiết của đề tài, viết tổng quan tài liệu nghiên cứu, viết cơ sở lý luận và thực tiễn của đề tài nghiên cứu. Các tài liệu là báo cáo thống kê của ngành BHXH huyện tác giả sẽ tiến hành phân tích định lượng, tổng hợp để viết thực trạng và các nhân tố ảnh hưởng đến tham gia BHXHTN hiện nay của NLĐ ở huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ dựa trên báo cáo của BHXH huyện Đoan Hùng qua các năm từ (2016-2019).
Đây là phương pháp được sử dụng rất phổ biến trong nghiên cứu khoa học. Bởi vì, phương pháp này giúp tác giả thu thập thông tin được đa dạng, nhiều chiều…
5.2. Phương pháp điều tra bằng bảng hỏi
Đề tài sử dụng 200 mẫu điều tra bằng bảng hỏi đối với NLĐ đang tham gia BHXHTN trên địa bàn huyện Đoan Hùng. Danh sách những NLĐ đang tham gia BHXHTN trên địa bàn huyện sẽ do cơ quan BHXH huyện Đoan Hùng cung cấp, từ đó tác giả sẽ chọn lấy ngẫu nhiên đơn giản 200 người để tiến hành phát phiếu điều tra. Nội dung điều tra bằng bảng hỏi sẽ tập trung chủ yếu tìm hiểu thực trạng tham gia BHXHTN của NLĐ gồm (thời gian tham gia, phương thức tham gia, mức đóng BHXHTN, đối tượng tham gia, mục đích, lợi ích tham gia BHXHTN, đánh giá của NLĐ về sự cần thiết của BHXHTN mang lại đối với NLĐ) và những nhân tố ảnh hưởng đến việc tham
gia BHXHTN gồm các yếu tố về (học vấn, thu nhập, nhận thức, hiểu biết, chế độ hưởng, mức hưởng, thời gian đóng, hỗ trợ đóng BHXHTN… của NLĐ).
Ứng dụng phương pháp điều tra bằng bảng hỏi nhằm giúp cho đề tài có được những thông tin định lượng, những con số cụ thể với độ tin cậy cao. Bởi vì, đây là một phương pháp khoa học đảm bảo cung cấp thông tin phản ánh đầy đủ, khách quan, chính xác, trung thực các ý kiến, ý chí, nguyện vọng của đối tượng được điều tra và có hiệu quả khoa học cao. Phương pháp này được sử dụng rất rộng rãi trong các nghiên cứu của xã hội học.
5.3. Phương pháp phỏng vấn sâu
Tác giả tiến hành PVS với 08 đối tượng: Trong đó (01 lãnh đạo phụ trách BHXH huyện; 01 chuyên viên phụ trách thu BHXHTN huyện; 01 đại lý thu BHXHTN; 01 lãnh đạo UBND xã; 02 NLĐ đang tham gia BHXHTN và 02 NLĐ chưa tham gia BHXHTN). Nội dung của các cuộc PVS tập trung chủ yếu vào việc tìm hiểu thực trạng và các nhân tố ảnh hưởng đến việc tham gia BHXHTN hiện nay của NLĐ. Mục đích tác giả lựa chọn áp dụng phương pháp PVS trong đề tài này là nhằm tìm hiểu sâu sắc, chi tiết hơn từng vấn đề, quan điểm của người cung cấp thông tin về những nội dung mà đề tài quan tâm. Đặc biệt, phương pháp này có ưu điểm rất lớn đó là thông tin thu thập được đảm bảo chính xác nhất. Đây là phương pháp được sử dụng rộng rãi trong nghiên cứu xã hội học.
Từ nội dung của các cuộc PVS tác giả tiến hành ghi chép thành các biên bản PVS, sau đó xử lý để đưa ra các bằng chứng cụ thể và có tính thuyết phục cao. Qua sử dụng PVS ngoài thu thập những thông tin định tính, những dữ liệu định tính còn thu thập được những dữ liệu định lượng qua những ý kiến trả lời của đối tượng được phỏng vấn.
5.4. Phương pháp phân tích và xử lý thông tin
Các thông tin định tính thu thập được từ những cuộc PVS sẽ được ghi chép thành các biên bản PVS và được dẫn chứng chi tiết nhằm giải thích cặn kẽ cho đề tài.
Những thông tin định lượng thu thập được từ bảng hỏi được nhập liệu xử lý trên phần mềm SPSS.
6. Những đóng góp của đề tài nghiên cứu
6.1. Ý nghĩa khoa học
Ngày nay, khi kinh tế - xã hội phát triển thì nhu cầu tham gia BHXHTN của những NLĐ là (nông dân, lao động khu vực PCT) đã trở nên cần thiết hơn bao giờ hết. Việc thực hiện chính sách BHXHTN có ý nghĩa lớn trong việc đảm bảo sự công bằng và bình đẳng giữa những NLĐ, đảm bảo quyền con người mà cả thế giới luôn hướng tới trong một xã hội văn minh và phát triển. Chính vì vậy, đề tài “Tham gia BHXHTN hiện nay của NLĐ ở huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ” có ý nghĩa hết sức quan trọng và rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Từ việc nghiên cứu, đề tài sẽ hệ thống hóa và bổ sung những vấn đề lý luận và thực tiễn về tham gia BHXHTN cho NLĐ. Đồng thời đề tài sẽ chỉ ra thực trạng; phân tích những nhân tố ảnh hưởng đến việc tham gia BHXHTN của NLĐ trong thời gian vừa qua để từ đó tác giả sẽ đưa ra những khuyến nghị phù hợp để phát triển BHXHTN cho NLĐ trong thời gian tới.
6.2. Ý nghĩa thực tiễn
Từ kết quả nghiên cứu, đề tài sẽ góp phần nhằm nâng cao nhận thức của NLĐ về sự cần thiết tham gia BHXHTN, từ đó thu hút NLĐ tham gia nhiều hơn đối với loại hình BHXH này.
Đề tài sẽ góp phần giúp chính quyền địa phương, cơ quan BHXH huyện Đoan Hùng có phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện các nhiệm vụ phát triển BHXHTN cho NLĐ ở huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ được phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
Kết quả nghiên cứu của đề tài có thể góp phần giúp Chính phủ, các cơ quan quản lý nhà nước có những điều chỉnh phù hợp hơn về mặt thể chế chính sách của BHXHTN để thu hút NLĐ tham gia BHXHTN nhiều hơn, an tâm hơn.