Thực hiện chính sách mềm dẻo với các dân tộc thiểu số miền núi, nhà Lý giao cho Dương Tự Minh cai quản phủ Phú Lương và làm quan dưới hai đời vua Lý (Thần Tông, Anh Tông). Năm 1142, ông được vua cử cầm quân đi đánh bè đảng nhà Tống cướp phá châu Quảng Nguyên và hoàn thành xuất sắc. Do công lao to lớn, hai lần ông được vua Lý gả công chúa: Diên Bình (1127) và Thiều Dung (1144), được nhà Lý phong là “Phò mã đô úy”, phong sắc “Uy viễn đôn tĩnh Cao Sơn quảng độ chi thần”. Di tích Đền Đuổm có thể khai thác sử dụng trong DHLS Việt Nam lớp 10, Bài 19: “Các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm thế kỉ X - XV”.
Di tích núi Văn, núi Võ
Di tích núi Văn, núi Võ thuộc hai xã Ký Phú và Văn Yên, huyện Đại Từ. Từ phía đông nhìn lại, núi trông giống chiếc mũ cánh chuồn của quan văn nên gọi là núi Văn. Hang núi Văn là nơi Lưu Nhân Chú cùng các tướng của mình bàn kế hoạch đánh quân Minh sau khi từ Lam Sơn trở về. Cách núi Văn khoảng 1 km về phía đông, nằm trên đất xã Văn Yên là núi Võ, dưới chân núi có đền thờ Lưu Nhân Chú. Di tích núi Văn, núi Võ có thể khai thác sử dụng trong DHLS Việt Nam lớp 10, Bài 19: “Các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm thế kỉ X - XV” giúp HS có thêm những hiểu biết cơ bản về cuộc khởi nghĩa Lam Sơn.
Một số địa điểm của cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên năm 1917: Trại lính Khố Xanh, nhà lao Thái Nguyên, phòng tuyến Gia Sàng, đền thờ Đội Cấn.
Trại lính khố xanh là nơi Đội Cấn và một số đội viên có lòng yêu nước tập hợp đội ngũ, bàn bạc kế hoạch khởi nghĩa. Đêm 30 rạng sáng ngày 31, Đội Cấn hạ lệnh giương cao cờ “Ngũ tinh” nền vàng có năm ngôi sao và dòng chữ “Nam binh phục quốc” phát lệnh khởi nghĩa, thành lập Bộ Chỉ huy khởi nghĩa. Trại lính khố xanh hiện nay thuộc khuôn viên Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam phường Trưng Vương, thành phố Thái Nguyên.
Nhà lao Thái Nguyên do Pháp xây dựng năm 1903 - 1904, kiên cố không kém nhà tù Côn Đảo, dùng để giam cầm tù chính trị, có lúc lên tới 200 người.
Nhà lao hiện nay thuộc địa điểm giữa đường Quyết Tiến và đường Nha Trang.
Phòng tuyến Gia Sàng là hệ thống công sự chiến đấu do nghĩa quân xây dựng trên 5 quả đồi: Đồi Bầu, đồi Gò Trại, đồi Bà Cụ, đồi Tăng Xê, đồi Cụ Lân từ Gia Sàng đến thị xã Thái Nguyên, hiện nay thuộc phường Phan Đình Phùng, thành phố Thái Nguyên. Tại phòng tuyến này, từ 2/9 đến 4/9/1917 nghĩa sĩ Thái Nguyên đã chiến đấu ngoan cường đánh lui nhiều đợt tấn công của địch. Toàn bộ đơn vị quyết tử chốt chặn phòng tuyến Gia Sàng đã hy sinh đến người cuối cùng trên trận địa.
Đền thờ Đội Cấn do nhân dân Thái Nguyên xây dựng trước cách mạng tháng Tám. Sau một thời gian bị san phẳng, năm 2002 tỉnh Thái Nguyên đã xây dựng đền thờ Đội Cấn cột lim, ngói mũi hài, có dáng dấp kiến trúc thời Nguyễn, tương xứng với tên tuổi, công lao của Đội Cấn và các nghĩa sĩ tham gia khởi nghĩa Thái Nguyên.
Cụm di tích về một số địa điểm của cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên năm 1917 có thể khai thác trong DHLS Việt Nam lớp 11, Bài 24: “Việt Nam trong những năm chiến tranh thế giới thứ nhất (1914-1918)” hoặc khai thác, sử dụng trong các tiết học về lịch sử địa phương Thái Nguyên.
Có thể bạn quan tâm!
- Cơ Sở Lý Luận Và Thực Tiễn Của Việc Sử Dụng Di Tích Lịch Sử - Văn Hóa Địa Phương Trong Dạy Học Lịch Sử Việt Nam Ở Trường Trung Học Phổ
- Một Số Khái Niệm Liên Quan Đến Đề Tài Di Tích
- Vai Trò, Ý Nghĩa Của Việc Sử Dụng Di Tích Lịch Sử - Văn Hóa Địa Phương Trong Dạy Học Lịch Sử Việt Nam Ở Trường Trung Học Phổ Thông Tỉnh Thái
- Mức Độ Cần Thiết Của Việc Sử Dụng Di Tích Ls-Vh Trong Dhls
- Vị Trí, Mục Tiêu, Nội Dung Cơ Bản Của Lịch Sử Việt Nam Ở Trường Trung Học Phổ Thông
- Di Tích Ls-Vh Có Thể Sử Dụng Trong Dhls Việt Nam Ở Lớp 12
Xem toàn bộ 139 trang tài liệu này.
Địa điểm thành lập đội Cứu quốc quân II ngày 15/9/1941
Di tích lịch sử địa điểm thành lập đội Cứu quốc quân II tại rừng Khuôn Mánh thuộc xóm Đồng Ruộng, xã Tràng Xá, huyện Võ Nhai. Để xây dựng lực lượng chuẩn bị khởi nghĩa theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương năm 1941, tại rừng Khuôn Mánh, Trung đội Cứu quốc quân II được thành lập gồm 47 cán bộ, chiến sĩ do đồng chí Chu Văn Tấn làm chỉ huy trưởng. Chỉ một ngày sau khi thành lập, ngày 16/9/1941, Cứu quốc quân II đã đánh thắng trận phục kích ở đèo Bắp và bảo vệ đồng chí Hoàng Quốc Việt vượt vòng vây địch an toàn. Di tích rừng Khuôn Mánh có thể khai thác sử dụng trong DHLS Việt Nam lớp 12, Bài 16: “Phong trào giải phóng dân tộc và tổng khởi nghĩa tháng Tám (1939 - 1945). Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời”.
Di tích nơi thành lập Việt Nam giải phóng quân
Di tích lịch sử nơi thành lập Việt Nam giải phóng quân thuộc làng Quặng, xã Định Biên, huyện Định Hóa. Tại di tích này, ngày 15/5/1945, thực hiện Nghị quyết của Hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kỳ, đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân và đội Cứu quốc quân - hai lực lượng quân sự chủ chốt của cách mạng Việt Nam, đại diện cho lực lượng vũ trang của Đảng trong cả nước hợp nhất thành Việt Nam giải phóng quân. Di tích này có thể khai thác trong DHLS Việt Nam, Bài 16: “Phong trào giải phóng dân tộc và tổng khởi nghĩa tháng Tám (1939 - 1945). Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời”.
Các điểm di tích liên quan đến hoạt động của Việt Nam giải phóng quân ngày 19 và 20/8/1945 (chùa Đán, đình Hàng Phố và Khu chủ sự Nhà đèn cũ)
Ngày 16/8/1945, trước đình Tân Trào (Tuyên Quang), Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc tuyên thệ quyết tâm hoàn thành sứ mệnh cao cả, cứu nước, cứu dân, làm chỗ dựa cho nhân dân đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền. Sau lễ tuyên thệ, ba mũi Quân giải phóng tiến về ba hướng tây, nam, bắc... Đến 13 giờ ngày 19-8-1945, cả ba mũi quân đã hội đủ tại ngôi Chùa Đán tiến đến giải phóng thị xã Thái Nguyên, ngày 20/8/1945, Ủy ban cách mạng lâm thời đã được thành lập.
Điểm di tích tiếp theo là đình Hàng Phố. Ngày 19/8/1945, Bộ Chỉ huy Việt Nam Giải phóng quân do đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy đã đặt chỉ huy Sở tại đình Hàng Phố, có sự tham gia của quân đồng minh, đã bao vây, tấn công quân Nhật, giải phóng thị xã Thái Nguyên, tạo uy thế cho cao trào Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám. Mặt sau tấm bia khắc: “Lúc này, thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải cương quyết giành cho được độc lập”.
Địa điểm còn lại trong cụm là khu chủ sự Nhà Đèn, nơi đồng chí Võ Nguyên Giáp nói chuyện với 600 lính bảo an và là kho của đồng chí Trần Đăng Ninh dùng cung cấp lương thực thực phẩm cho Việt Nam giải phóng quân. Do quá trình biến đổi lịch sử, đến nay, địa điểm chỉ còn là di tích nằm trong khu vực đối diện cơ quan Báo Thái Nguyên.
Về giá trị lịch sử khoa học và văn hóa, Chùa Đán, địa điểm đình Hàng Phố và khu chủ sự Nhà Đèn là cụm di tích trong hệ thống các di tích lịch sử của thành phố Thái Nguyên. Cụm di tích này có thể khai thác trong DHLS Việt Nam lớp 12, Bài 16: “Phong trào giải phóng dân tộc và tổng khởi nghĩa tháng Tám (1939
- 1945). Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời” nhằm giáo dục truyền thống yêu nước cho HS, khơi dậy niềm tự hào của các thế hệ đã cống hiến, đấu tranh giành độc lập và bảo vệ quê hương.
Một số địa điểm của Khu di tích ATK Định Hóa
Khu di tích ATK Định Hóa với hàng trăm điểm di tích (trong tổng thể di tích lịch sử cách mạng Chiến khu Việt Bắc) được Chính phủ Việt Nam xác định là “một quần thể di tích quan trọng vào bậc nhất của dân tộc Việt Nam trong thế kỉ XX”.
Lán Bác Hồ ở Tỉn Keo, dưới chân đèo De, núi Hồng thuộc xóm Nà Lọm (nay là xóm Tỉn Keo), xã Phú Đình, huyện Định Hóa. Tỉn Keo là nơi diễn ra nhiều cuộc họp quan trọng của Thường vụ Trung ương Đảng. Đặc biệt tại đây, 6/12/1953, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp dưới sự chủ trì của chủ tịch Hồ Chí Minh, đã thông qua phương án tác chiến mùa xuân năm 1954 của Tổng Quân ủy và quyết định mở chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ.
Lán Bác Hồ ở Khuôn Tát trên đồi Nà Đình, xóm Khuôn Tát, xã Phú Đình, huyện Định Hóa. Đây là nơi diễn ra một số cuộc họp quan trọng giữa Bác với các đồng chí lãnh đạo Đảng, quân đội; Nơi Bác đã viết nhiều tài liệu quan trọng về củng cố chính quyền, củng cố hậu phương, đẩy mạnh xây dựng lực lượng vũ trang.
Đồi Nà Mòn thuộc xóm Đồng Hoàng, xã Phú Đình, huyện Định Hóa, trong những năm 1948, 1949, 1950 và 1953 là nơi Tổng Bí thư Trường Chinh và văn phòng Trung ương Đảng ở và làm việc. Nà Mòn là nơi tổ chức nhiều cuộc họp của Thường vụ Trung ương Đảng, nơi ra đời nhiều chủ trương, đường lối, văn kiện, quyết định quan trọng của Đảng để lãnh đạo kháng chiến, nơi xuất bản,
phát hành các văn kiện, tài liệu, báo Sự thật của Đảng.
ATK Định Hóa còn có một loạt các di tích quan trọng khác: Đồi Khau Tý, xóm Phụng Hiển (xã Điềm Mặc); Đồi Thẩm Khen (xã Phú Đình); Đình làng Quặng (xã Định Biên)… Đây là khu di tích đặc biệt quan trọng có thể khai thác sử dụng trong DHLS Việt Nam lớp 12 trong giai đoạn lịch sử Việt Nam từ năm 1946 đến năm 1954.
Đồi Pụ Đồn
Đây là nơi ghi dấu sự kiện lịch sử quan trọng đánh dấu sự tiến lên chính quy, hiện đại của quân đội và sự quan tâm đào tạo, rèn luyện, cất nhắc các tướng lĩnh Quân đội nhân dân Việt Nam trở thành đội ngũ cán bộ lãnh đạo quân đội đánh thắng kẻ thù xâm lược bảo vệ độc lập, tự do của Tổ quốc.
Vào 13 giờ chiều 28-5-1948 tại Nà Lọm, xã Phú Đình, An toàn khu (ATK) ở Định Hóa, Thái Nguyên, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì lễ thụ phong chức Đại tướng đầu tiên của quân đội cho đồng chí Võ Nguyên Giáp, Tổng chỉ huy quân đội quốc gia và dân quân tự vệ Việt Nam. Di tích này có thể khai thác trong DHLS Việt Nam giai đoạn 1945 - 1954, đặc biệt trong các hoạt động ngoại khóa có liên quan đến chủ đề Bác Hồ và đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Địa điểm Đại hội chiến sỹ thi đua toàn quốc lần thứ nhất (1952)
Di tích này ở xóm Khuôn Lân, xã Hợp Thành, huyện Phú Lương. Từ ngày 30/4 đến ngày 6/5/1952 tại hội trường tám mái ở chân núi Chúa thuộc xóm Khuôn Lân đã diễn ra Đại hội Chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc lần thứ nhất do chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì. Có 154 đại biểu công nhân, nông dân, trí thức và lực lượng vũ trang nhân dân tiêu biểu, đại diện cho phong trào Thi đua ái quốc cả nước về dự. Đại hội đã lựa chọn bảy chiến sĩ thi đua ưu tú nhất để nhận danh hiệu Anh hùng do Chính phủ tuyên dương, gồm các Anh hùng lực lượng vũ tranh nhân dân: Cù Chính Lan (truy tặng), La Văn Cầu, Nguyễn Quốc Trị, Nguyễn Văn Song, Nguyễn Thị Chiên và hai Anh hùng lao động: Trần Đại Nghĩa, Ngô Gia Khảm. Tại Đại hội, chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định
“Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua” và “Những người thi đua là những người yêu nước nhất”. Di tích Đại hội Chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ nhất có thể được khai thác sử dụng trong DHLS Việt Nam lớp 12, Bài 19: “Bước phát triển mới của cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp (1951- 1953)”.
Địa điểm lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm khu công nghiệp gang thép Thái Nguyên
Địa điểm này nằm trong khuôn viên Công ty Gang thép Thái Nguyên, thuộc phường Cam Giá, thành phố Thái Nguyên, gồm các địa điểm di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm ngày 29/11/1963 là: Lò cao số 1; Nhà hóa nghiệm trung tâm và xưởng cơ khí. Ngoài ra còn có địa điểm Bác Hồ về thăm ngày 8/6/1959, khi công trường đang san lấp mặt bằng và lần Bác về thăm ngày 13/3/1960. Di tích này có thể được khai thác sử dụng trong DHLS Việt Nam lớp 12, Bài 21: “Xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh chống đế quốc Mĩ và chính quyền Sài Gòn ở miền Nam (1954 - 1965)”.
Địa điểm các TNXP đại đội 915 hy sinh tại Lưu Xá (tháng 12/1972)
Khu di tích lịch sử lưu niệm các liệt sĩ thanh niên đại đội 915 thuộc Đội thanh niên xung phong Bắc Thái nằm tại ga Lưu Xá, phường Gia Sàng, thành phố Thái Nguyên. Tại đây vào đêm Noel năm 1972, bom đạn của đế quốc Mĩ đã cướp đi sinh mạng của nhiều người dân, trong đó có 60 thanh niên xung phong Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái đang làm nhiệm vụ giải tỏa hàng hóa chi viện cho chiến trường miền Nam.
Di tích này có thể khai thác sử dụng trong DHLS Việt Nam lớp 12, Bài 22: “Nhân dân hai miền trực tiếp chiến đấu chống đế quốc Mĩ xâm lược. Nhân dân miền Bắc vừa chiến đấu vừa sản xuất (1965-1973)”.
Các di tích LS - VH tiêu biểu trên phản ánh nhiều sự kiện liên quan mật thiết đến lịch sử dân tộc. Do đó, đây chính là nguồn tư liệu lịch sử quý giá để khai thác, sử dụng trong DHLS Việt Nam ở các trường THPT tỉnh Thái Nguyên.
1.2. Cơ sở thực tiễn
1.2.1. Vài nét về thực trạng các di tích lịch sử - văn hóa tại Thái Nguyên
Thái Nguyên từ xưa đến nay vẫn được coi là gạch nối của vùng rừng núi Việt Bắc và vùng đồng bằng Bắc Bộ. Trong quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc có rất nhiều sự kiện lịch sử đã ghi dấu ấn trên mảnh đất này. Những yếu tố về tự nhiên, lịch sử, xã hội của Thái Nguyên đã góp phần tạo nên một hệ thống di tích LS-VH với những nét văn hóa rất đặc trưng và tiêu biểu.
Thái Nguyên là một trong những tỉnh có số lượng di tích LS-VH tương đối lớn, phong phú đa dạng, gắn liền với nhiều thời kì khác nhau của lịch sử địa phương và lịch sử dân tộc. Theo số liệu thống kê của báo Thái Nguyên điện tử ngày 20/11/2019 trên địa bàn tỉnh có 778 di tích LS-VH. Theo phân cấp quản lý khai thác, phát huy giá trị di tích: Khu di tích Quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa gồm 16 di tích, do Ban Quản lý di tích lịch sử, sinh thái ATK Định Hoá quản lý; Cấp huyện, thành phố và thị xã quản lý 249 di tích đã được xếp hạng Quốc gia và cấp tỉnh; UBND xã, phường, thị trấn quản lý 513 di tích đã được kiểm kê, phúc tra [15].
Hệ thống di tích LS - VH ở Thái Nguyên rất đa dạng, nhiều loại hình, thuộc nhiều giai đoạn lịch sử, nhiều hạng: Cấp tỉnh, cấp quốc gia, cấp quốc gia đặc biệt. Di tích LS-VH cấp quốc gia ở Thái Nguyên có thể kể đến một số di tích tiêu biểu như: Khu di tích khảo cổ học thời đại đá cũ Thần Sa; Di tích lịch sử và thắng cảnh Đền Đuổm; Di tích lịch sử một số địa điểm của cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên năm 1917; Di tích lịch sử nơi thành lập đội Cứu quốc quân II; Di tích lịch sử nhà tù Chợ Chu; Di tích lịch sử địa điểm Đại hội chiến sỹ thi đua toàn quốc lần thứ nhất; Di tích lịch sử địa điểm các thanh niên xung phong đại đội 915 hy sinh tại ga Lưu Xá… Di tích LS-VH cấp tỉnh tiêu biểu như: Địa điểm chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Trường Thiếu nhi rẻo cao Khu tự trị Việt Bắc; Địa điểm nơi đặt Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp; Di tích lịch sử cơ quan Nông vận và Hội nông dân cứu quốc Việt Nam…
Các di tích LS-VH này có vị trí, ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với việc phát triển văn hóa, giáo dục cho địa phương.
Các di tích LS-VH ở Thái Nguyên đã được nhiều cơ quan của Trung ương và địa phương, nhiều nhà khoa học quan tâm, nghiên cứu có nhiều giá trị như lịch sử, văn hóa, khoa học, du lịch... Đối với HS, di tích đặc biệt có giá trị giáo dục nhân cách, phẩm chất cho các em như tình yêu quê hương, đất nước, tự hào về con người, mảnh đất nơi mình sinh ra, có trách nhiệm đối với đất nước, quê hương...
Tuy nhiên, hiện nay công tác bảo vệ và xếp hạng di tích ở Thái Nguyên đang tồn tại nhiều vấn đề cần giải quyết như vấn đề xuống cấp, hư hại của di tích; Nhiều di tích bị xâm hại, lấn chiếm sử dụng sai mục đích; Việc tu bổ chưa được thường xuyên, đầy đủ. Điều đó dẫn đến thực trạng một số di tích gặp khó khăn trong việc tiếp nhận du khách đến tham quan, học tập. Một số di tích LS- VH chưa phát huy hết giá trị, ý nghĩa của nó, sau khi xây dựng hoặc tu bổ, trùng tu chưa được khai thác hiệu quả, thậm chí rơi vào tình trạng “đắp chiếu”. Thực tế đó đòi hỏi các cấp quản lí cần đẩy mạnh việc khai thác di tích LS-VH ở địa phương và cần có các giải pháp cụ thể như: Tuyên truyền rộng rãi đến người dân, nhất là khối cư dân gần nhất, tạo hiểu biết về di tích và ý thức giữ gìn, quảng bá di tích.
Công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích LS - VH cần được phối hợp với các nhà trường trên địa bàn tỉnh, chú ý đi vào chiều sâu, không chỉ dừng lại các phong trào, hình thức. Mặt khác, các di tích LS - VH thường xuyên được cơ quan chức năng của địa phương xây dựng, kết nối các tuyến du lịch về nguồn ở khu vực, để du khách các nơi biết và tìm đến các “địa chỉ đỏ” tiêu biểu ở Thái Nguyên.
1.2.2. Thực trạng việc sử dụng di tích lịch sử - văn hóa địa phương trong dạy học lịch sử Việt Nam ở các trường trung học phổ thông tỉnh Thái Nguyên
Để xác lập cơ sở thực tiễn cho đề tài nghiên cứu, chúng tôi tiến hành khảo