Một Số Khái Niệm Liên Quan Đến Đề Tài Di Tích

Chương 1

CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN CỦA VIỆC SỬ DỤNG DI TÍCH LỊCH SỬ - VĂN HÓA ĐỊA PHƯƠNG TRONG DẠY HỌC LỊCH SỬ VIỆT NAM Ở TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG TỈNH THÁI NGUYÊN

1.1. Cơ sở lý luận

1.1.1. Một số khái niệm liên quan đến đề tài Di tích

Di tích là những dấu vết vật chất của quá khứ còn tồn tại đến ngày nay. Theo từ Hán Việt, “di” có nghĩa là còn sót lại; “tích” có nghĩa là dấu vết. Trong tiếng Anh, di tích được gọi là vestiges - những “dấu vết”, “mảnh vụn” của quá khứ. Theo điều 29 Luật Di sản văn hóa của Việt Nam được thông qua ngày 29/6/2001, căn cứ vào giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học, di tích được chia thành: Di tích cấp tỉnh là di tích có giá trị tiêu biểu của địa phương, di tích quốc gia là di tích có giá trị tiêu biểu của quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt là di tích có giá trị đặc biệt tiêu biểu của quốc gia.

Di tích lịch sử - văn hóa

Theo điều 4 Luật di sản văn hóa của Việt Nam, Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, kì họp thứ IX, Quốc hội khóa X thông qua ngày 29/06/2001 quy định: “Di tích lịch sử - văn hóa là công trình xây dựng, địa điểm và các di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc công trình, địa điểm có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học” [50]. Di tích LS-VH là tài sản vô giá trong kho tàng di sản văn hoá lâu đời của dân tộc, là những chứng tích vật chất phản ánh sâu sắc nhất về đặc trưng văn hoá, về cội nguồn và truyền thống đấu tranh dựng nước, giữ nước hào hùng, vĩ đại của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, đồng thời là một bộ phận cấu thành kho tàng di sản văn hoá nhân loại. Di tích được coi như những trang sử sống mang dấu ấn về sự biến động, thăng trầm của nhiều thời kỳ lịch sử quốc gia, dân tộc…

Có nhiều cách phân loại di tích LS-VH:

Trước hết, phân loại dựa vào nội dung phản ánh của di tích: Trong cuốn “Bảo tàng lịch sử, cách mạng trong dạy học lịch sử ở trường phổ thông trung học” (Nguyễn Thị Côi - chủ biên), NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 1998) có các loại di tích lịch sử sau: di tích khảo cổ; di tích LS-VH; di tích lịch sử - cách mạng. Trong tài liệu “Về vấn đề lưu niệm danh nhân cách mạng”, Bộ Văn hóa thông tin, Cục Bảo tồn bảo tàng và Bảo tàng Hồ Chí Minh, 1997, các tác giả chia di tích lịch sử ở nước ta thành hai loại: di tích gắn với một sự kiện lịch sử tiêu biểu và di tích lưu niệm danh nhân [13, tr. 15]. Một số ý kiến đưa ra cách phân loại di tích LS-VH thành 04 loại, gồm: di tích gắn với những sự kiện của lịch sử dân tộc, di tích gắn với thân thế sự nghiệp của các anh hùng dân tộc, di tích gắn với các danh nhân văn hóa tiêu biểu, di tích gắn với thân thế và sự nghiệp của các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng và nhà nước.

Căn cứ vào Luật Di sản được thông qua 2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật di sản (2009), dựa vào phạm vi không gian tồn tại, ảnh hưởng của di tích, người ta xếp chúng thành 03 hạng: di tích cấp tỉnh; di tích cấp quốc gia và di tích cấp quốc gia đặc biệt.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 139 trang tài liệu này.

Phân loại dựa vào giai đoạn xảy ra sự kiện lịch sử: Sự kiện lịch sử diễn ra vào các giai đoạn khác nhau, mỗi giai đoạn lịch sử có đặc trưng riêng, ví dụ các di tích lịch sử giai đoạn nguyên thủy, cổ đại, cận đại, hiện đại. Trong mỗi giai đoạn, có các thời kì khác nhau, ví dụ trong lịch sử Việt Nam hiện đại có các di tích thời kháng chiến chống Pháp, các di tích thời kì kháng chiến chống Mĩ...

Phân loại căn cứ vào dạng tồn tại: Có di tích hiện thực và di tích kỹ thuật số (di tích tương tác 3D).

Sử dụng di tích lịch sử - văn hóa địa phương trong dạy học lịch sử Việt Nam ở trường trung học phổ thông tỉnh Thái Nguyên - 4

Như vậy, di tích LS-VH do con người hoạt động sáng tạo lịch sử, sáng tạo văn hóa mà hình thành, ghi dấu nhiều nội dung lịch sử khác nhau, có thể được phân chia thành: Loại hình văn hóa khảo cổ; Loại hình di tích lịch sử; Loại hình di tích văn hóa nghệ thuật; Các loại danh lam thắng cảnh.

Sử dụng di tích lịch sử - văn hóa trong dạy học lịch sử

Sử dụng di tích LS-VH có nghĩa là dùng di tích hoặc tài liệu về di tích LS- VH trong dạy học nhằm đạt mục tiêu môn Lịch sử, góp phần thực hiện mục tiêu giáo dục phổ thông. Với thuộc tính trực quan, hấp dẫn và tính thuyết phục, sử dụng di tích LS-VH có ý nghĩa quan trọng trong việc hình thành kiến thức lịch sử, giáo dục tư tưởng, tình cảm đúng đắn cho HS. Sử dụng di tích chịu sự tác động, chi phối từ các thành tố của quá trình DHLS. Phương diện sử dụng di tích trong DHLS được cụ thể hóa ở các nội dung sau: Thông tin tài liệu; phương tiện trực quan; không gian, môi trường học tập; hướng dẫn viên. Phương diện sử dụng thể hiện tính bao quát, toàn diện của các bộ phận cấu thành di tích.

Sử dụng di tích lịch sử - văn hóa địa phương trong dạy học lịch sử Việt Nam ở trường trung học phổ thông tỉnh Thái Nguyên

Sử dụng di tích LS-VH trong DHLS Việt Nam ở trường THPT tỉnh Thái Nguyên là việc GV khai thác tư liệu và tổ chức cho HS sử dụng di tích ngay tại địa phương Thái Nguyên để học tập nội dung lịch sử Việt Nam. Hoạt động trên vừa phát huy di sản của địa phương, đồng thời gắn kết nội dung kiến thức của di tích với lịch sử dân tộc. Các di tích tại địa phương gần gũi với GV, HS cho nên sẽ thuận lợi trong việc tiếp cận, khai thác sử dụng trong giờ học lịch sử. Hơn nữa, sử dụng di tích tại địa phương cũng chính là phương thức có nhiều ưu thế để phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa của quê hương, từ đó giáo dục sâu sắc tình yêu quê hương cho HS.

Trên cơ sở tìm hiểu về các di tích LS-VH, GV có thể lựa chọn, khai thác, sử dụng trong DHLS Việt Nam ở các trường THPT tỉnh Thái Nguyên phù hợp với từng bài, từng đơn vị kiến thức. Sử dụng các di tích LS-VH địa phương trong DHLS Việt Nam ở các trường THPT tỉnh Thái Nguyên có tác dụng quan trọng trong việc hình thành kiến thức, phát triển kĩ năng (quan sát, phân tích, đánh giá…), tạo xúc cảm lịch sử, giáo dục đạo đức, nhân cách cho HS, từ đó giúp các em hình thành các năng lực như tự học, giải quyết vấn đề, sáng tạo…

1.1.2. Cơ sở xuất phát của việc sử dụng di tích lịch sử - văn hóa địa phương trong dạy học lịch sử Việt Nam ở trường trung học phổ thông tỉnh Thái Nguyên

Một là: Mục tiêu, nhiệm vụ giáo dục của bộ môn Lịch sử ở trường phổ thông

Môn Lịch sử ở trường THPT là môn học quan trọng trong việc hình thành nhân cách, phẩm chất, phát triển năng lực HS. Cùng với các môn học khác, môn Lịch sử góp phần thực hiện mục tiêu chung của giáo dục phổ thông ở nước ta. Điều này đã được đề cập trong Luật Giáo dục (2009) với mục tiêu đào tạo con người Việt Nam phát triển toàn diện, có đạo đức, tri thức, sức khỏe, thẩm mỹ và nghề nghiệp, trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Để góp phần thực hiện mục tiêu chung của hệ thống giáo dục phổ thông, bộ môn Lịch sử cần thực hiện các mục tiêu sau: Bồi dưỡng nhận thức, phát triển kĩ năng, định hướng thái độ, qua đó góp phần phát triển năng lực nói chung, năng lực bộ môn nói riêng và hình thành phẩm chất đạo đức cho HS.

Về kiến thức: DHLS ở trường THPT phải cung cấp cho HS những kiến thức cơ bản của khoa học lịch sử trên cơ sở củng cố, phát triển nội dung kiến thức đã học ở trung học cơ sở bao gồm: Sự kiện lịch sử cơ bản, nhân vật tiêu biểu, thời gian, không gian, các khái niệm, thuật ngữ, những hiểu biết về quan điểm lí luận sơ giản, những vấn đề nghiên cứu và học tập phù hợp với trình độ của HS.

Về kỹ năng: Môn Lịch sử có thể phát triển trí thông minh của HS, rèn khả năng tư duy biện chứng trong học tập như kĩ năng học tập độc lập và thực hành bộ môn. Ngoài ra, môn học cũng giúp HS có kĩ năng làm việc với sách giáo khoa, các tài liệu tham khảo, sử dụng lược đồ, ứng dụng công nghệ thông tin vào học tập…

Về tư tưởng, tình cảm: Thông qua kiến thức lịch sử của từng giai đoạn góp phần giáo dục đạo đức, tư tưởng, ý thức dân tộc, tinh thần yêu nước và hoàn thiện nhân cách cho HS.

Về định hướng phát triển năng lực: Môn Lịch sử góp phần phát triển các năng lực chung, năng lực chuyên môn, tinh thần cộng đồng và những phẩm chất

tiêu biểu của công dân toàn cầu trong xu thế phát triển, đổi mới, sáng tạo của thời đại.

Hai là: Yêu cầu của đổi mới giáo dục hiện nay

Cuộc cách mạng 4.0 cùng với xu hướng toàn cầu hóa đặt ra cho giáo dục Việt Nam yêu cầu phải đổi mới căn bản và toàn diện về nội dung, hình thức và phương pháp dạy học.

Yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học hiện nay là chuyển từ tiếp cận nội dung sang tiếp cận năng lực người học, nghĩa là từ chỗ quan tâm đến HS học được cái gì đến chỗ quan tâm HS vận dụng được cái gì qua việc học. Vì thế, việc sử dụng di tích LS-VH vào DHLS như một nguồn sử liệu quan trọng có ý nghĩa to lớn giúp HS khám phá, vận dụng kiến thức vào các tình huống học tập và thực tiễn cuộc sống.

Ba là: Đặc điểm của kiến thức lịch sử ở trường phổ thông

Kiến thức lịch sử ở trường phổ thông mang các đặc điểm là tính quá khứ, tính cụ thể không lặp lại, tính hệ thống và toàn diện, đảm bảo sự thống nhất giữa “sử” và “luận”.

Lịch sử ngày càng lùi xa, thời gian trở thành một tác nhân cản trở quá trình nhận thức đối với HS. Đây là điều trái ngược với qui luật nhận thức từ gần đến xa, dễ đến khó, do đó cần có tư duy sáng tạo, cần khơi gợi sự đam mê, hứng thú cho HS, hình thành cho các em phương pháp tư duy đúng đắn, để nhận thức đúng, khách quan về lịch sử. Vì vậy, môn Lịch sử ở trường phổ thông cũng như lịch sử nói chung có tính quá khứ.

Mỗi một sự kiện, hiện tượng lịch sử chỉ diễn ra một lần, có bối cảnh, diễn biến, kết thúc cụ thể. HS phải biết cách khôi phục sự kiện một cách đầy đủ, với các yếu tố cấu thành như: Tên gọi, địa điểm, thời gian - giai đoạn, kết quả, ai tham gia, tại sao sự kiện diễn ra như vậy? Từ đó mà tri thức lịch sử mang tính cụ thể, không lặp lại. Xuất phát từ đặc điểm này, HS cần tái hiện sự kiện lịch sử với tính cụ thể của chúng. Lịch sử là hiện thân của cuộc sống nên nó cũng phong phú

và đa dạng như chính cuộc sống của con người. Kiến thức lịch sử mang tính hệ thống và toàn diện, vì thế HS cần nghiên cứu lịch sử trên cơ sở đảm bảo tính toàn diện của chúng, được thể hiện trên nhiều phương diện: Chính trị, kinh tế, ngoại giao, văn hóa, khoa học, nghệ thuật.

Kiến thức lịch sử phải đảm bảo sự thống nhất giữa “sử” và “luận”. Từ việc khôi phục bức tranh của quá khứ với hình hài, dáng vẻ riêng của nó, HS cần hình thành các biểu tượng lịch sử đúng đắn. Trên cơ sở đó, các em phải nắm được bản chất, quy luật, để lí giải chính xác sự vận động của lịch sử. Như vậy, từ việc phục dựng sự kiện lịch sử với tính cụ thể của nó, HS cần hình thành các khái niệm lịch sử, giúp các em đánh giá lịch sử một cách khách quan, khoa học.

Ví dụ: Khi nghiên cứu về các di tích LS-VH địa phương ở Thái Nguyên như: Di tích Đền Đuổm, di tích núi Văn, núi Võ, di tích nhà tù Chợ Chu, di tích đồi Pụ Đồn, di tích ATK Định Hóa… HS phải tái hiện sự kiện (sự kiện diễn ra trong hoàn cảnh nào, nguyên nhân, diễn biến, kết quả, ý nghĩa), nhân vật liên quan (những nét chính trong thân thế, sự nghiệp của nhân vật), HS phải quan sát trực tiếp hoặc gián tiếp để có biểu tượng cụ thể về di tích LS-VH như: Địa điểm của di tích, quá trình hình thành, tu bổ, tôn tạo của di tích, cấu tạo của di tích LS- VH. Từ đó, HS chỉ ra được mối liên hệ giữa sự kiện lịch sử với di tích LS-VH ở địa phương cũng như đưa ra các bình luận, đánh giá đúng đắn, chỉ ra giá trị của các di tích LS-VH.

Bốn là: Đặc điểm tâm lí học sinh trung học phổ thông và đặc điểm của nhận thức lịch sử

Hiện thực lịch sử chỉ xảy ra một lần duy nhất, không lặp lại, nhưng nhận thức lịch sử lại là một quá trình, chịu tác động bởi các yếu tố chủ quan và khách quan. Hiện nay, chúng ta đang cố gắng để tiếp cận lịch sử một cách khách quan, trung thực, gần sự thật nhất. Điều này cho thấy việc sử dụng di tích LS-VH trong DHLS ở trường phổ thông như là một nguồn sử liệu mang tính khách quan có ý nghĩa to lớn trong việc làm quá khứ sống lại trong hiện tại và tăng thêm sức mạnh

cho hiện tại.

Lứa tuổi HS THPT là giai đoạn quan trọng trong việc phát triển trí tuệ bởi vì các hứng thú và khuynh hướng học tập của các em đã được xác định và thể hiện khá rõ. HS THPT thường bắt đầu có hứng thú ổn định đặc trưng với một khoa học, một lĩnh vực tri thức tương ứng tạo nên những khả năng thuận lợi cho sự phát triển năng lực. Hoạt động tư duy của HS THPT cũng phát triển rất mạnh, các em đã có khả năng tư duy lý luận, tư duy trừu tượng một cách độc lập và sáng tạo.

Quá trình nhận thức lịch sử của HS ở trường phổ thông cũng mang những đặc điểm của quá trình nhận thức chung của con người. Trong quá trình DHLS, do đặc trưng môn học mà GV cần tăng cường các hoạt động phát huy tri giác HS như: Sử dụng tư liệu lịch sử, văn học liên quan; sử dụng đồ dùng trực quan, trong đó có các hiện vật tồn tại ngay trong các di tích lịch sử ở địa phương. Thông qua đó, HS phát triển khả năng quan sát để nắm bắt các nội dung lịch sử, đây chính là tiền đề để các em phát huy trí tưởng tượng của mình về lịch sử. Như vậy, giai đoạn nhận thức cảm tính trong dạy học bộ môn được bắt đầu với khả năng tri giác, chứ không phải cảm giác. Từ đó, HS mới phát triển một giai đoạn cao hơn là nhận thức lý tính: Biết phân tích hiện tượng lịch sử, biết rút ra bài học, vận dụng vào thực tiễn.

Mặc dù nhận thức lịch sử của HS ở trường phổ thông có những nét riêng biệt nói trên nhưng quá trình đó cũng như quá trình học tập chung còn có một số đặc điểm: Đó là tính gián tiếp, tính được hướng dẫn, tính giáo dục. Việc học tập của HS được thực hiện dễ dàng hơn dựa trên kết quả của các nhà nghiên cứu, thông qua sách giáo khoa và các loại tài liệu lịch sử, trong đó có tài liệu hiện vật, tài liệu di tích LS-VH. GV phải làm sao cho việc học tập của các em phải là hành trình tự khám phá, tìm tòi kiến thức mới cho bản thân mình dưới sự hướng dẫn, tổ chức của GV để hình thành các năng lực chung, năng lực chuyên biệt cũng như các phẩm chất cần thiết.

Năm là: Mối quan hệ giữa di tích lịch sử ở địa phương với lịch sử dân tộc

Lịch sử dân tộc và lịch sử địa phương có mối liên hệ khăng khít với nhau. Lịch sử dân tộc là bức tranh chung của các địa phương, thể hiện cái chung, còn lịch sử địa phương nói chung, di tích LS-VH ở địa phương nói riêng đóng góp cụ thể, làm phong phú lịch sử chung của dân tộc. HS học lịch sử dân tộc để hiểu sâu sắc về lịch sử địa phương và ngược lại khi nắm rõ các vấn đề lịch sử địa phương giúp các em củng cố kiến thức lịch sử dân tộc. Nội dung lịch sử địa phương hết sức đa dạng, đó là các sự kiện, nhân vật lịch sử với nhiều nội dung trên các lĩnh vực khác nhau. Chúng góp phần cụ thể hóa và làm phong phú kiến thức lịch sử dân tộc. Như vậy, di tích LS-VH ở địa phương chính là biểu hiện của tính cụ thể, sinh động, đa dạng của lịch sử dân tộc, đóng góp sử liệu để xây dựng và cụ thể hóa lịch sử dân tộc qua các thời kỳ.

Di tích lịch sử là nơi xảy ra sự kiện lịch sử, nơi gắn bó với nhân vật lịch sử và cũng chứa đựng nhiều hiện vật quý giá của lịch sử. Đó là minh chứng rõ ràng, đầy sức thuyết phục về sự tồn tại của quá trình lịch sử. Các kiến thức lịch sử trong chương trình, sách giáo khoa và tự tìm tòi của HS sẽ giúp các em hiểu sâu sắc giá trị lịch sử, văn hóa của các di tích đó. Việc nghiên cứu sự tồn tại của di tích LS-VH, những vấn đề lịch sử gắn liền với nó giúp HS hiểu sâu, nhớ lâu kiến thức bộ môn, đây cũng là một con đường giúp các em vận dụng kiến thức của mình.

Xuất phát từ mối quan hệ giữa di tích lịch sử địa phương và lịch sử dân tộc, việc tổ chức dạy học bộ môn với các di tích LS-VH ở địa phương có tác dụng lớn trong việc giáo dục HS. Đây là vấn đề quan trọng, thiết thực góp phần thực hiện phương châm học tập lịch sử gắn với cuộc sống. Sử dụng di tích LS- VH ở địa phương làm cho bài học cụ thể, sinh động hơn, tạo hứng thú cho HS trong học tập bộ môn.

1.1.3. Một số yêu cầu khi lựa chọn và sử dụng di tích lịch sử - văn hóa địa phương trong dạy học lịch sử Việt Nam ở trường trung học phổ thông tỉnh Thái Nguyên‌

Đảm bảo mục tiêu môn học

Mỗi bài học lịch sử đều có những mục tiêu nhất định mà trong quá trình học tập HS cần đạt được. Mục tiêu của bài học chính là kết quả mà chủ thể hình dung ra trước rồi sử dụng các biện pháp, cách thức, tác động vào đối tượng, làm

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 20/04/2023