DANH MỤC CÁC BIỂU ĐỒ, SƠ ĐỒ TRONG LUẬN ÁN
Số hiệu Nội dungTrang
Biểu đồ 2.1: Tỷ lệ nợ xấu (% / tổng dư nợ) của hệ thống Ngân hàng Thái Lan
(giai đoạn 2005 - 2011) 59
Biểu đồ 2.2: Lợi nhuận kinh doanh và lợi nhuận ròng của hệ thống Ngân hàng
Thái Lan (giai đoạn 1995 - Q3/2007) 64
Biểu đồ 2.3: Tổng tài sản của các ngân hàng thương mại và Công ty tài chính ở
Thái Lan vào tháng 6/1997 và tháng 12/2006 64
Có thể bạn quan tâm!
- Quản lý nợ xấu tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam - 1
- Các Nghiên Cứu Về Hoạt Động Của Ngân Hàng Nông Nghiệp Và Phát Triển Nông Thôn Việt Nam
- Quản Lý Nợ Xấu Của Ngân Hàng Thương Mại
- Quản lý nợ xấu tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam - 5
Xem toàn bộ 200 trang tài liệu này.
Biểu đồ 3.1: Thị phần tín dụng của các NHTMNN giai đoạn 2010-2014 77
Biểu đồ 3.2: Số lượng chi nhánh, PGD và ATM của các NHTM Việt Nam
năm 2014 82
Biểu đồ 3.3: Tỷ lệ nợ xấu của một số NHTM Việt Nam thời điểm 31/12/2014 84
Biểu đồ 3.4: Tỷ lệ nợ xấu bình quân toàn ngành ngân hàng 2010-2014 85
Biểu đồ 3.5: Tỷ trọng nợ xấu được xử lý bằng từng biện pháp tại NHNo&PTNT
Việt Nam giai đoạn 2010 - 2014 107
Biểu đồ 3.6: Tỷ lệ nợ xấu được xử lý tại NHNo&PTNT Việt Nam giai đoạn
2010 - 2014 .................................................................................................. 108
Sơ đồ 3.1: Mô hình tổng thể tổ chức bộ máy quản lý điều hành của NHNo&PTNT
Việt Nam 72
Sơ đồ 3.2: Khái quát mô hình quản trị rủi ro tín dụng tại NHNo&PTNT
Việt Nam 97
MỞ ĐẦU
1. Sự cần thiết của đề tài nghiên cứu
Hệ thống ngân hàng đóng vai trò huyết mạch của nền kinh tế, luôn giữ một vị trí vô cùng quan trọng. Các ngân hàng thương mại Việt Nam trong những năm qua đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ như: góp phần ổn định và kiềm chế lạm phát, thực thi có hiệu quả chính sách tiền tệ quốc gia, phát huy vai trò kênh dẫn vốn lưu thông trong nền kinh tế thị trường… Tuy nhiên, trong nền kinh tế thị trường, rủi ro kinh doanh là điều khó tránh khỏi, đặc biệt là rủi ro trong hoạt động kinh doanh ngân hàng vì nó có thể gây ra phản ứng dây truyền, lây lan và ngày càng có biểu hiện phức tạp. Sự sụp đổ của ngân hàng ảnh hưởng tiêu cực đến toàn bộ đời sống kinh tế - chính trị - xã hội và có thể lan rộng ra khỏi phạm vi cả một quốc gia thậm chí cả khu vực và trên thế giới. Bên cạnh những rủi ro về lãi suất, hối đoái, đạo đức… rủi ro về nợ xấu là vấn đề nghiêm trọng, cần được xử lý hiệu quả trong điều kiện hiện nay.
Nợ xấu luôn tồn tại trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, là một phần rủi ro phát sinh trong quá trình hoạt động ngân hàng. Tuy nhiên, nợ xấu lớn cũng đồng nghĩa với một lượng vốn tương ứng không được quay vòng, dòng tiền trong nền kinh tế không lưu thông được và hệ thống ngân hàng sẽ gặp khó khăn về thanh khoản. Nợ xấu lớn cũng làm ảnh hưởng đến hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ, lãi suất và quản lý thị trường tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước. Nếu cứ để các tổ chức tín dụng và các doanh nghiệp có nợ xấu tự xử lý thì thời gian kéo dài, số lượng doanh nghiệp không có vốn sản xuất kinh doanh phải dừng hoạt động, thậm chí phá sản sẽ gia tăng. Điều này sẽ đe dọa đến sự phát triển bền vững của hệ thống tài chính quốc gia nói riêng và của nền kinh tế nói chung. Do vậy, ở bất kỳ quốc gia nào cũng vậy, khi nợ xấu đủ lớn đe dọa sự an toàn hệ thống ngân hàng và ổn định kinh tế vĩ mô thì đòi hỏi Chính phủ cũng như các tổ chức tín dụng lập tức phải can thiệp xử lý nợ xấu, kể cả sử dụng nguồn ngân sách hoặc vốn vay từ nội lực hay bên ngoài.
Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam là ngân hàng thương mại hàng đầu, giữ vai trò chủ đạo và chủ lực trong phát triển kinh tế ở Việt Nam, đặc biệt là đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Thời gian qua, hoạt động kinh doanh của NHNo&PTNT Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận thì hoạt động kinh doanh của
NHNo&PTNT Việt Nam cũng còn những hạn chế cần khắc phục, trong đó tỷ lệ nợ xấu ở mức cao, công tác quản lý nợ xấu còn nhiều bất cập như việc nhận diện, phân loại, ngăn ngừa nợ xấu chưa chính xác, kịp thời, xử lý nợ xấu chưa dứt điểm, hiệu quả thấp, thiếu sự phối hợp chặt chẽ trong các khâu quản lý nợ xấu. Đây là vấn đề nan giải, đòi hỏi cần có sự quan tâm của các nhà quản lý, nhà nghiên cứu trong hoạt động quản trị ngân hàng.
Chính vì lý do đó, tác giả đã chọn đề tài: “Quản lý nợ xấu tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam” làm đề tài nghiên cứu luận án tiến sĩ của mình.
2. Mục đích nghiên cứu
- Hệ thống hoá những vấn đề lý luận về nợ xấu và quản lý nợ xấu trong hoạt động kinh doanh của ngân hàng thương mại.
- Tham khảo kinh nghiệm của các nước trong quản lý nợ xấu của các ngân hàng thương mại, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm cho NHNo&PTNT Việt Nam.
- Đánh giá thực trạng công tác quản lý nợ xấu của NHNo&PTNT Việt Nam trong thời gian qua, chỉ ra những kết quả đạt được, những hạn chế và nguyên nhân.
- Đề xuất các giải pháp nhằm tăng cường quản lý nợ xấu của NHNo&PTNT Việt Nam trong thời gian tới.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của đề tài
3.1. Đối tượng nghiên cứu của đề tài là công tác quản lý nợ xấu trong hoạt động tín dụng của ngân hàng thương mại nói chung và NHNo&PTNT Việt Nam nói riêng.
3.2. Phạm vi nghiên cứu của đề tài
- Về nội dung: Công tác quản lý nợ xấu trong hoạt động tín dụng của NHNo&PTNT Việt Nam.
- Về không gian: Luận án tập trung đánh giá thực trạng về quản lý nợ xấu trong hoạt động tín dụng của NHNo&PTNT Việt Nam. Đồng thời, các giải pháp nhằm quản lý nợ xấu được tiếp cận ở góc độ quản lý của NHNo&PTNT Việt Nam.
- Thời gian nghiên cứu: Giai đoạn từ 2010-2014.
4. Phương pháp nghiên cứu
Để giải quyết những nhiệm vụ đặt ra, trong quá trình thực hiện luận án, tác giả đã sử dụng các phương pháp sau:
Phương pháp luận của chủ nghĩa duy vật biện chứng, duy vật lịch sử và phương pháp hệ thống: Việc nghiên cứu công tác quản lý nợ xấu của NHNo&PTNT Việt Nam được thực hiện một cách đồng bộ gắn với hoàn cảnh, điều kiện và các giai đoạn cụ thể. Các nội dung của quản lý nợ xấu đối với NHNo&PTNT Việt Nam được xem xét trong mối liên hệ chặt chẽ với nhau cả về không gian và thời gian.
Phương pháp thống kê: Tác giả sử dụng số liệu thống kê thích hợp để phục vụ cho việc phân tích thực trạng công tác quản lý nợ xấu của NHNo&PTNT Việt Nam Phương pháp phân tích tổng hợp: Trên cơ sở phân tích từng nội dung cụ thể,
tác giả đưa ra những đánh giá chung về thực trạng quản lý nợ xấu của NHNo&PTNT Việt Nam.
Phương pháp so sánh, đối chiếu: Quản lý nợ xấu của NHNo&PTNT Việt Nam được xem xét trên cơ sở có sự so sánh đối chiếu giữa các giai đoạn, cũng như so sánh với thực trạng quản lý nợ xấu của các ngân hàng thương mại trong nước và trên thế giới.
5. Các nguồn số liệu
- Các nguồn tài liệu thứ cấp bao gồm: Các số liệu thống kê, các văn bản do các cơ quan Chính phủ, NHNN, NHNo&PTNT Việt Nam hoặc các tổ chức khác công bố . Các công trình nghiên cứu, luận án, các ấn phẩm xuất bản, các bài báo có liên quan đến đề tài. Thu thập và hệ thống các tài liệu của các tác giả ngoài nước.
- Các số liệu và tư liệu sơ cấp: Các số liệu thu thập trên các nguồn có tính chính xác, có sự đối chiếu, có tính đầy đủ, kịp thời hoàn toàn phù hợp với đề tài nghiên cứu.
6. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn của luận án
Ý nghĩa khoa học: Trên cơ sở sưu tầm, tổng hợp, luận án đã hệ thống hoá và làm rõ hơn một số vấn đề lý luận và thực tiễn về nợ xấu và quản lý nợ xấu của ngân hàng thương mại. Bên cạnh đó, luận án cũng đã sưu tầm kinh nghiệm về quản lý nợ xấu của một số NHTM ở một số quốc gia trên thế giới, từ đó rút ra những kinh nghiệm có thể tham khảo, vận dụng cho công tác quản lý nợ xấu của NHTM nói chung và NHNo&PTNT Việt Nam nói riêng.
Ý nghĩa thực tiễn: Luận án đã tổng hợp và phân tích một cách hệ thống về thực trạng quản lý nợ xấu của NHNo&PTNT Việt Nam trong giai đoạn 2010- 2014. Trên cơ sở phân tích những kết quả đạt được, những hạn chế, luận án cũng đã chỉ ra nguyên nhân dẫn đến những hạn chế trong quản lý nợ xấu của NHNo&PTNT Việt Nam. Kết
hợp với kinh nghiệm quản lý nợ xấu của các NHTM ở một số quốc gia trên thế giới, luận án đã đề xuất các giải pháp thiết thực nhằm góp phần tăng cường quản lý nợ xấu tại NHNo&PTNT Việt Nam trong thời gian tới.
7. Kết cấu của luận án
Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục công trình công bố của tác giả, danh mục tài liệu tham khảo và phụ lục, kết cấu của luận án gồm 4 chương
Chương 1: Tổng quan tình hình nghiên cứu
Chương 2: Cơ sở lý luận và thực tiễn về nợ xấu và quản lý nợ xấu của Ngân hàng Thương mại
Chương 3: Thực trạng nợ xấu và quản lý nợ xấu của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam
Chương 4: Giải pháp quản lý nợ xấu của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam trong thời gian tới
Chương 1
TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU
1.1. CÁC CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU TRƯỚC ĐÂY
1.1.1. Các nghiên cứu về rủi ro tín dụng và rủi ro ngân hàng thương mại
- Luận án tiến sỹ với đề tài: “Một số vấn đề rủi ro ngân hàng trong điều kiện nền kinh tế thị trường” [29] của Nguyễn Thị Phương Lan, trường Đại học Kinh tế Quốc dân, năm 1995.
Luận án sử dụng phương pháp nghiên cứu định lượng, sử dụng các mô hình toán để lượng hóa rủi ro tín dụng ngân hàng khi nền kinh tế mới chuyển sang kinh tế thị trường, môi trường pháp lý, môi trường tín dụng còn nhiều rủi ro, quản trị rủi ro tín dụng của các ngân hàng thương mại còn nhiều hạn chế. Tuy nhiên, phạm vi nghiên cứu của đề tài là rủi ro ngân hàng. Mặt khác thời kỳ nghiên cứu từ năm trước đó nên các giải pháp đến thời điểm này không còn phù hợp.
- Luận án tiến sỹ với đề tài: “Những giải pháp chủ yếu hạn chế rủi ro tín dụng ngân hàng thương mại giai đoạn hiện nay” [60] của Nguyễn Hữu Thủy, trường Đại học Kinh tế Quốc dân, năm 1996.
Công trình nghiên cứu nói trên tập trung vào phân tích, đánh giá thực trạng hạn chế rủi ro tín dụng ngân hàng thương mại giai đoạn đầu thực hiện công cuộc đổi mới hoạt động ngân hàng, thực hiện hai Pháp lệnh ngân hàng, mở rộng cho vay kinh tế ngoài quốc doanh. Thời điểm này các ngân hàng thương mại quốc doanh đang chiếm 70% thị phần hoạt động tín dụng toàn ngành ngân hàng, nên thực trạng và giải pháp được luận án đề cập chủ yếu đối với ngân hàng thương mại quốc doanh. Các giải pháp mà luận án đề cập không còn phù hợp với thực tế trong giai đoạn hiện nay.
- Luận văn thạc sỹ với đề tài: “Quản trị rủi ro tín dụng tại Ngân hàng thương mại cổ phần Tiên Phong” [12] Trần Việt Hà tại Học viện Tài chính, năm 2011.
Công trình nghiên cứu nói trên tập trung vào phân tích, đánh giá thực trạng quản trị rủi ro tín dụng tại Ngân hàng Tiên Phong giai đoạn 2008 - 2010 và đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao quản trị rủi ro tín dụng tại Ngân hàng Tiên Phong. Tuy nhiên, trong phạm vi một đề tài luận văn thạc sỹ nên các giải pháp đề xuất còn ở mức hạn chế nhất định, chưa luận giải rõ các luận cứ khoa học của các giải pháp. Hơn nữa,
với thời kỳ nghiên cứu, phạm vi nghiên cứu hoàn toàn độc lập nên vấn đề nợ xấu chỉ là một nội dung rất nhỏ được đề cập trong bản luận văn.
- Luận văn thạc sỹ kinh tế với đề tài: “Giải pháp hạn chế và xử lý nợ xấu tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai" [17] của Nguyễn Thị Thu Hiền tại Đại học Đà Nẵng, năm 2012.
Công trình nghiên cứu nói trên tập trung vào phân tích, đánh giá thực trạng hạn chế và xử lý nợ xấu tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai. Tuy nhiên, do phạm vi nghiên cứu của đề tài hẹp, chỉ trong phạm vi một tỉnh nên các giải pháp xử lý phần nhiều còn mang tính xử lý tình huống, hơn nữa các khoản nợ xấu không có ảnh hưởng nhiều đến các loại hình doanh nghiệp, cá nhân và không phức tạp như vấn đề xử lý nợ xấu của ngân hàng thương mại trên phạm vi cả nước.
- Luận văn thạc sỹ với đề tài: “Tăng cường quản lý rủi ro tín dụng tại Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam - chi nhánh Đông Đô” [67] của Tống Xuân Trường tại Học viện Tài chính, năm 2013.
Công trình nghiên cứu nói trên tập trung vào phân tích, đánh giá thực trạng quản lý rủi ro tín dụng tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển - chi nhánh Đông Đô trong giai đoạn 2010 - 2012 và đề xuất các giải pháp nhằm tăng cường quản lý rủi ro tín dụng tại chi nhánh này. Tuy nhiên, trong phạm vi một đề tài luận văn thạc sỹ nên các giải pháp đề xuất còn ở mức hạn chế nhất định, chưa luận giải rõ các luận cứ khoa học của các giải pháp. Hơn nữa, với thời kỳ nghiên cứu, phạm vi nghiên cứu nhỏ (chỉ phù hợp với một chi nhánh) nên vấn đề nợ xấu chỉ là một nội dung rất nhỏ được đề cập trong luận văn.
- Luận án tiến sỹ với đề tài “Quản trị rủi ro tín dụng của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam” [3] của Nguyễn Tuấn Anh tại trường Đại học Kinh tế Quốc dân, năm 2012.
Luận án đã hệ thống hóa các vấn đề lý luận về quản trị rủi ro tín dụng của ngân hàng thương mại. Đánh giá thực trạng quản trị rủi ro tín dụng của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam và đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản trị rủi ro tín dụng của NHNo&PTNT Việt Nam. Tuy nhiên, phạm vi nghiên cứu của luận án là toàn bộ hoạt động quản trị rủi ro tín dụng trong đó quản lý nợ xấu là một khía cạnh rất nhỏ được đề cập trong nội dung luận án. Hơn nữa
thời kỳ nghiên cứu của luận án trong giai đoạn 2006 - 2012 nên có những giải pháp không hoàn toàn phù hợp tại thời điểm hiện nay.
- Luận án tiến sỹ với đề tài “Quản lý nợ xấu tại Ngân hàng Thương mại Việt Nam”
[43] của Nguyễn Thị Hoài Phương tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, năm 2012.
Công trình nghiên cứu đã đề cập đến quản lý nợ xấu tại ngân hàng thương mại Việt Nam trong những năm gần đây. Tuy nhiên, phạm vi đề tài nghiên cứu khá rộng, liên quan đến tất cả các ngân hàng thương mại. Vì vậy, số liệu và cách đánh giá mang tính tổng quát chung đối với hệ thống ngân hàng thương mại, không đi sâu phân tích quản lý nợ xấu của NHNo&PTNT Việt Nam.
- Luận án tiến sỹ với đề tài “Quản lý rủi ro tín dụng tại Ngân hàng Thương mại cổ phần công thương Việt Nam” [70] của Nguyễn Đức Tú tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, năm 2012.
Công trình nghiên cứu đề cập đến quản lý rủi ro tín dụng tại NHTM Cổ phần Công thương Việt Nam và đề xuất các giải pháp nhằm tăng cường quản lý rủi ro tín dụng trong thời gian tới. Tuy nhiên, luận án không đề cập sâu vào vấn đề quản lý nợ xấu và các số liệu, phân tích phù hợp với NHTM Cổ phần Công thương Việt Nam nên không hoàn toàn phù hợp với NHNo&PTNT Việt Nam.
- Các kỷ yếu hội thảo khoa học:
+ Kỷ yếu Hội thảo khoa học: “Quản lý nợ xấu tại Việt Nam, kinh nghiệm quốc tế và các chiến lược tối đa hoá lợi nhuận cho ngân hàng” do Hiệp hội ngân hàng Việt Nam tổ chức, năm 2011.
+ Kỷ yếu hội thảo khoa học: “Quản lý nợ xấu trong tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước” do Bộ Tài chính phối hợp với cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản tổ chức, năm 2012.
+ Kỷ yếu hội thảo khoa học: “Cơ chế xử lý nợ: Xu hướng thế giới và thực tiễn Việt Nam” do Viện Chiến lược và chính sách tài chính phối hợp với Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng (DATC) - thuộc Bộ Tài chính tổ chức, năm 2012..
+ Kỷ yếu hội thảo khoa học: “Quản trị rủi ro 2014” do Trung tâm thông tin tín dụng Quốc gia (CICB) và Tập đoàn dữ liệu quốc tế Việt Nam (IDG) đồng tổ chức, năm 2014.
+ Kỷ yếu hội thảo khoa học: “Nợ xấu, tình trạng và triển vọng pháp lý” do Hội luật gia ngành thương mại quốc tế (AJAI) tổ chức, năm 2015.