Quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng trong ngành y tế - 2


Kết quả nghiên cứu của luận văn còn góp phần cung cấp những căn cứ, cơ sở khoa học cho việc hoàn thiện công tác quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng của Bộ Y tế và giúp cho việc tăng cường hiệu quả của thực hiện công tác thi đua, khen thưởng tại các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Y tế.

7. Cơ cấu của Luận văn

Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục tài liệu tham khảo và phần phụ lục, nội dung chính của Luận văn gồm 03 chương:

Chương 1. Những vấn đề lý luận và pháp lý quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng.

Chương 2. Thực trạng quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng trong ngành Y tế.

Chương 3. Quan điểm, giải pháp tăng cường quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng trong ngành Y tế giai đoạn hiện nay.


Chương 1

NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VÀ PHÁP LÝ QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ THI ĐUA, KHEN THƯỞNG‌

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 105 trang tài liệu này.


1.1. Thi đua, khen thưởng và sự cần thiết phải quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng

Quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng trong ngành y tế - 2

1.1.1. Khái niệm, vai trò, tác dụng của thi đua, khen thưởng

1.1.1.1. Khái niệm thi đua và vai trò, tác dụng của thi đua

Nghiên cứu về những vấn đề lý luận, có ý kiến cho rằng thi đua chính là cạnh tranh, có ý kiến lại khẳng định thi đua không hoàn toàn là cạnh tranh. Cạnh tranh bao hàm cả ý nghĩa tích cực và tiêu cực, trong đó thi đua chính là kết quả tích cực phát sinh trong quá trình lao động sản xuất của loài người.

Khi nghiên cứu về thi đua, C.Mác cho rằng mặc dù gây nhiều hậu quả tiêu cực, song cạnh tranh là một động lực phát triển trong chế độ tư bản chủ nghĩa. Bởi “đối với lao động, cạnh tranh có ý nghĩa trọng yếu như phân công vậy... Nó cần thiết cho việc thiết lập sự bình đẳng”. Đồng quan điểm với C.Mác, Ph. Ăng-ghen chỉ rõ gốc rễ của cạnh tranh là chế độ tư hữu, điều đó cũng có nghĩa là trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, hãy còn thành phần kinh tế tư bản chủ nghĩa, thì cạnh tranh vẫn tồn tại cùng với sự xuất hiện thi đua. Cạnh tranh có nhiều tiêu cực, nhưng cũng không thể thủ tiêu cạnh tranh bằng mệnh lệnh. Trong khi cạnh tranh còn tồn tại, cần phải xây dựng chế độ mới với động lực thúc đẩy mới - đó là thi đua.

Trong chế độ xã hội chủ nghĩa, thi đua tất yếu ra đời, dần dần thay thế cạnh tranh. C.Mác đánh giá cao vai trò của sự hiệp tác trong lao động, bởi nó tạo ra sức mạnh tập thể lớn hơn sức mạnh của từng lao động cá nhân cộng lại. Thi đua được nảy nở trong quá trình hợp tác lao động, trong hoạt động chung và có kế hoạch của nền sản xuất hiện đại. Sự tiếp xúc xã hội đã tạo ra thi đua


và làm tăng năng suất lao động của người công nhân. Những quan điểm cơ bản của C.Mác, Ph. Ăng-ghen về cạnh tranh và thi đua đã đặt nền tảng tư tưởng về tổ chức thi đua trong xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và trong chế độ xã hội chủ nghĩa tương lai.

Có thể nói, C.Mác là người đầu tiên nghiên cứu một cách khoa học về bản chất và nội dung của thi đua. Trên cơ sở những quan điểm nền tảng của C.Mác và Ph.Ăng ghen về thi đua, Lê nin đã nghiên cứu và đưa ra những quan điểm, tư tưởng cơ bản về thi đua xã hội chủ nghĩa, đó là phong trào tự nguyện, góp sức giải quyết khó khăn, xây dựng xã hội mới của quần chúng lao động được giải phóng khỏi ách áp bức bóc lột. Lê nin đã chỉ ra rằng thi đua có tính tự phát trong quá trình hiệp tác lao động có “sự tiếp xúc xã hội” của con người sẽ thay đổi về chất trong chế độ xã hội chủ nghĩa. Thi đua và cạnh tranh là động lực phát triển kinh tế, song, thi đua hơn hẳn cạnh tranh ở tính nhân đạo vì sự phát triển toàn diện của xã hội và con người.

Vận dụng sáng tạo những quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lê nin, chủ tịch Hồ Chí Minh đã nâng quan niệm về thi đua lên tầm tư tưởng, đường lối chính trị và phương pháp cách mạng. Người coi tổ chức thi đua yêu nước là cách tốt nhất để khơi dậy lòng yêu nước tiềm tàng trong mỗi người dân Việt Nam, biến nó thành sức mạnh, thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cũng như trong bảo vệ Tổ quốc. Thi đua là cùng nhau đem hết tài năng, sức lực nhằm thúc đẩy lẫn nhau, đạt thành tích tốt nhất trong chiến đấu, sản xuất, công tác, học tập. Công việc hàng ngày chính là nền tảng của thi đua, thi đua cũng là một cách yêu nước thiết thực và tích cực.

Do đó, thi đua chính là một hiện tượng khách quan, là quy luật phát triển tất yếu trong quá trình hợp tác lao động của con người. Và ở đâu có sự hợp tác lao động thì ở đó nảy sinh thi đua.


Dưới chế độ xã hội chủ nghĩa Việt Nam thi đua bao giờ cũng gắn với yêu nước. Bởi thi đua là phong trào của tập thể những người lao động là công nhân, nông dân và trí thức. Họ thi đua lao động sản xuất và tuân theo nguyên tắc là đoàn kết, hợp tác cùng phát triển, phổ biến sáng kiến, kinh nghiệm; Người tiền tiến thân ái giúp đỡ người chậm tiến để đạt tới sự tiến bộ chung. Hoàn toàn không giống với bí mật thương nghiệp trong cạnh tranh. Thi đua xã hội chủ nghĩa chẳng những nhằm mục tiêu kinh tế mà còn nhằm xây dựng con người mới, rèn luyện nhân cách cao đẹp cho người lao động. Thi đua là hoạt động có tổ chức với sự tham gia tự nguyện của cá nhân, tập thể nhằm phấn đấu đạt được thành tích tốt nhất trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Theo chủ tịch Hồ Chí Minh: “Thi đua là một cách rất tốt, rất thiết thực để làm cho mọi người tiến bộ. Thi đua giúp cho đoàn kết chặt chẽ thêm và đoàn kết chặt chẽ để thi đua mãi”.

Trong thời kỳ đổi mới và cơ chế thị trường hiện nay, tại khoản 1 điều 3 Luật Thi đua, khen thưởng 2003 quy định: “Thi đua là hoạt động có tổ chức với sự tham gia tự nguyện của các cá nhân, tập thể nhằm phấn đấu đạt được thành tích tốt nhất trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

1.1.1.2. Khái niệm, vai trò và tác dụng của khen thưởng

Trong lịch sử, khen thưởng đã ra đời và tồn tại khá lâu gắn liền với việc thưởng phạt của nhà nước. Thời phong kiến việc khen thưởng được đề cập rất đa dạng. Có nhiều hình thức khen thưởng được triều đình phong kiến áp dụng như: “Khen thưởng người có công trong chiến trận; Khen thưởng người có công trong việc đi sứ; Khen thưởng người phò tá có công lao tài đức; Khen thưởng người tiến cử, người hiền tài; Khen thưởng người có lời tâu đúng; Khen thưởng người cấp dưới giữ đúng phép công, không vị nể người quyền quý cấp trên; Khen thưởng người có công làm thủy lợi; Khen thưởng người có tài văn chương; Khen thưởng người cao tuổi...” 33, tr.461. Khen thưởng


trong thời kỳ phong kiến được các nhà nước áp dụng ghi nhận công trạng của những cá nhân có đóng góp cho triều đình, cho đất nước. Do đó, việc khen thưởng các công trạng chính là đề cao tinh thần yêu nước sâu sắc của dân tộc ta.

Khen thưởng thời phong kiến còn được coi như thước đo sự phát triển của nhà nước. Theo Nguyễn Trãi: “Một Nhà nước mà thưởng phạt nghiêm minh, kịp thời là nhà nước vững mạnh. Nhà nước nào phạt nhiều hơn thưởng là nhà nước đang suy tàn. Nhà nước nào thưởng nhiều hơn phạt là nhà nước phồn vinh” [33, tr.131].

Đến thời kỳ đất nước giành được độc lập xây dựng chính quyền, ngày 26/1/1946, với tư cách là Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã công bố một Quốc lệnh quy định 10 điểm thưởng và 10 điểm phạt để cho “quân dân biết rõ những tội nên tránh, những việc nên làm”. Điều này chứng tỏ Bác hết sức quan tâm đến khen thưởng và trên hết Bác đã nhận định được tầm quan trọng của khen thưởng trong công cuộc dựng nước và giữ nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh còn ban hành chỉ thị “Có công thì thưởng, có lỗi thì phạt, khen thưởng phải có tác dụng giáo dục, động viên, nêu gương...” [46, tr.381], do đó khen thưởng còn là một chính sách của nhà nước để ghi công, tôn vinh các cá nhân, tập thể có thành tích trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Theo đó, khen là sự nhận xét đánh giá tốt về một con người nào đó; tổ chức nào đó, về cái gì, việc gì đó với ý nghĩa tích cực, hài lòng. Còn thưởng là tặng cho bằng hiện vật hoặc tiền... Khen thưởng là hình thức ghi nhận công lao, thành tích của Nhà nước bằng quyết định của cơ quan có thẩm quyền do luật định. Như vậy, khen thưởng là một vấn đề thuộc phạm trù khoa học xã hội. Khen thưởng và trừng phạt được hình thành phát sinh và tồn tại trong quá trình phát triển của con người là vấn đề thuộc tâm lý xã hội, sinh hoạt tinh


thần của con người, do đó khen thưởng phải thể hiện quan điểm quần chúng, phải có trách nhiệm cao trong quá trình phát hiện xét khen thưởng. Khen thưởng tồn tại cùng với sự tồn tại của Nhà nước. Còn Nhà nước là còn khen thưởng, nó vừa có ý nghĩa động viên về tinh thần và khích lệ bằng vật chất.

Giai đoạn hiện nay, khen thưởng còn nguyên ý nghĩa và giá trị của nó, đó là một trong những công cụ quản lý của nhà nước. Nhà nước muốn thực hiện công tác quản lý trong bất kỳ một lĩnh vực nào không thể thiếu khen thưởng. Khen thưởng chính là hiện thực hóa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước, thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị; là biện pháp cơ bản để đánh giá kết quả công việc, đánh giá thành tích.

Có thể hiểu khen thưởng là quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đánh giá thành tích xuất sắc trong công việc của cá nhân, tổ chức dưới hình thức nhất định (tinh thần, vật chất…) phù hợp các yêu cầu của một bối cảnh, giai đoạn lịch sử cụ thể.

Theo khoản 2 điều 3 Luật Thi đua, khen thưởng năm 2003 quy định: “Khen thưởng là việc nghi nhận, biểu dương, tôn vinh công trạng và khuyến khích bằng lợi ích vật chất đối với cá nhân, tập thể có thành tích trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

1.1.1.3. Mối quan hệ giữa thi đua và khen thưởng

Thi đua và khen thưởng là hai hoạt động có quan hệ khăng khít và tác động qua lại với nhau, có thi đua sẽ có khen thưởng và ngược lại khen thưởng sẽ khuyến khích được phong trào thi đua phát triển. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh thi đua phải gắn với khen thưởng một cách đích đáng; Khen thưởng phải có tác dụng động viên, giáo dục nêu gương; Bác khái quát bản chất của mối quan hệ giữa thi đua và khen thưởng là: “Thi đua là gieo trồng, Khen thưởng là thu hoạch” [37, tr.264]. Theo Bác, thi đua là hành động tự


nguyện, tự giác, là cả quá trình phấn đấu, học tập và lao động, cống hiến công sức của mình cho công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Khen thưởng là lúc chúng ta gặt hái được những thành quả mà cả quá trình nỗ lực phấn đấu mới có được; khen thưởng là chức năng của tổ chức quản lý nhằm ghi nhận, biểu dương, khuyến khích, tôn vinh công lao đối với những tập thể và cá nhân về những thành tích đã đạt được.

Thi đua là cơ sở của việc khen thưởng. Thi đua tốt thì có nhiều thành tích để khen thưởng. Bình bầu thi đua đúng, công khai, chặt chẽ giúp cho việc khen thưởng được chính xác. Bình bầu thi đua rộng, nể nang thì dẫn đến việc khen thưởng tràn lan, khen không đúng sẽ phản tác dụng. Muốn làm tốt công tác khen thưởng thì phải lãnh đạo tốt phong trào thi đua, khen thưởng phải phản ánh đúng phong trào thi đua. Nơi nào có phong trào thi đua mạnh mẽ, đều khắp thì khen thưởng nhiều và khen cao.

Nếu thi đua là cở sở để khen thưởng thì khen thưởng được xem là đòn bẩy để khuyến khích các phong trào thi đua phát triển. Tuy nhiên không nên hiểu rằng thi đua chỉ vì mục đích khen thưởng, nếu thi đua chỉ vì khen thưởng thì mục đích của thi đua sẽ bị hạn chế, mà cần hiểu rằng khen thưởng chỉ là sự khuyến khích, động viên tinh thần đối với những thành tích của cá nhân, tập thể qua quá trình phấn đấu lao động và sáng tạo. Đó là sự công bằng của tổ chức trong việc quản lý con người, đối với những cá nhân có nhiều đóng góp cho xã hội. Trong quan điểm về thi đua, khen thưởng Bác đã chỉ rõ "thi đua và khen thưởng là công tác động viên chính trị, giáo dục tư tưởng, xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa, đều là động lực phát triển xã hội theo hướng tốt đẹp hơn".

Đồng thời, muốn thi đua và khen thưởng trở thành động lực tích cực trong quá trình phát triển thì thi đua phải có sự lãnh đạo đúng. Thi đua mà


không có sự lãnh đạo, tổ chức thì thường nảy sinh chia rẽ, ganh tỵ, ghét bỏ nhau, có thể làm những người tham gia thi đua nản lòng. Tránh hiện tượng các cá nhân, tập thể tham gia thi đua mà chia rẽ, chỉ biết đến lợi ích của cá nhân mình mà không quan tâm đến lợi ích của người khác, lợi ích của tập thể. Tránh tư tưởng anh hùng cá nhân, vì thành tích cá nhân.

Như vậy, thi đua và khen thưởng là hai hoạt động có quan hệ song hành nhưng không độc lập, hoạt động này bổ trợ cho hoạt động kia. Thi đua và khen thưởng có quan hệ chặt chẽ, tác động biện chứng lẫn nhau. Nếu thi đua là nguyên nhân, thì khen thưởng chính là kết quả. Thi đua, khen thưởng được coi là động lực để nâng cao hiệu quả chất lượng trên mọi lĩnh vực chính trị - kinh tế - văn hóa và xã hội. Có thể khẳng định rằng, trong giai đoạn hiện nay, thi đua là một biện pháp hữu hiệu xây dựng con người mới và khen thưởng là biện pháp quản lý Nhà nước, quản lý con người.

1.1.2. Sự cần thiết phải quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng

Trên thực tế thi đua, khen thưởng xuất hiện ở tất cả mọi ngành, mọi lĩnh vực trong xã hội. Do đó, việc quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng là cần thiết. Bởi:

- Thi đua, khen thưởng là một lĩnh vực hoạt động rộng lớn thu hút mọi tầng lớp nhân dân thông qua phong trào thi đua; Thi đua, khen thưởng có thể huy động nhiều tổ chức trong hệ thống chính trị tham gia các phong trào, qua đó phát huy được nội lực của mỗi cá nhân, mỗi tập thể, địa phương trong cả nước tạo nên động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

- Thi đua là hoạt động rộng khắp ở tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hoá, xã hội các ngành, các cấp, rất đa dạng, phong phú, đồng thời mục tiêu, hình thức, biện pháp thi đua thường xuyên cần thay đổi để phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội.

Xem tất cả 105 trang.

Ngày đăng: 02/12/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí