Quản lý lễ hội truyền thống gắn với phát triển sản phẩm du lịch qua khảo sát lễ hội kiếp bạc Hải Dương và lễ hội tịch điền Hà Nam - 12


như một lễ quan trọng của quốc gia, nghi lễ này chính thức được tái hiện tại Đọi Sơn thuộc tỉnh Hà Nam vào mùng 5 - 7 tháng giêng và từ năm 2010, có sự tham gia của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, tiếp sau đó là Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, các nguyên thủ quốc gia hoặc quan chức cấp cao.

Tuy nhiên, sau gần một trăm năm không được tổ chức, việc phục dựng lại nội dung và diễn trình hội đúng với “nguyên bản” gặp nhiều khó khăn. Để có được kịch bản tổng thể của lễ hội Tịch điền Đọi Sơn năm 2009 và hiện thực hóa được nó, Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam phối hợp với Sở VHTTDL tỉnh Hà Nam gấp rút xây dựng nội dung Dự án “Phục dựng lễ hội Tịch điền Đọi Sơn năm 2009”. Sau khi Dự án được xây dựng và phê duyệt, các công việc được tiến hành để có tư liệu xây dựng kịch bản là: Tiến hành điền dã tại khu vực xã Đọi Sơn, khu di tích chùa Long Đọi Sơn, làng trống Đọi Tam và các làng, các di tích trong vùng; Nghiên cứu các tư liệu viết về nguồn gốc, cách thức tổ chức lễ cày tịch điền qua các triều đại phong kiến Việt Nam, qua các cuốn sách viết về nghi lễ cày Tịch điền thời Vua Lê Đại Hành.

Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn được phục dựng dựa trên một số sự kiện lịch sử được sử cũ ghi lại và tư liệu văn hóa dân gian, nhằm tái hiện lại lễ cày Tịch điền của Vua Lê Đại Hành, tham khảo lễ Tịch điền thời Nguyễn (thông qua quyển sách Đại Nam hội điển sử lệ); kết hợp với một số hội truyền thống của xã Đọi Sơn như lễ hội chùa Đọi được tổ chức từ ngày 19 đến 21 tháng Ba, lễ hội làng trống Đọi Tam ngày mồng 7 tháng Giêng. Việc tổ chức hội cũng dựa trên Quy chế tổ chức lễ hội do Bộ trưởng Bộ VHTTDL ban hành theo Quyết định số 39/2001/QĐ - BVHTT ngày 28/8/2001. Dựa vào phương pháp điều tra hồi cố đối với các bậc cao niên là chính, sau 5 tháng nghiên cứu và tiến hành phục dựng (từ tháng 2 đến tháng 7 năm 2008), dự án đã hoàn thành và đạt được các phần việc sau: Khôi phục nghi lễ rước chân nhang Vua Lê Đại Hành từ đền Lăng, xã Liêm Cần, huyện Thanh Liêm về chùa Long Đọi Sơn; Khôi phục lễ cáo yết thành hoàng xin mở cửa đình và lễ hát cửa đình tại đình làng Đọi Tam; Khôi phục lễ rước kiệu của làng Đọi Tam đi đón vua; Khôi phục lễ rước kiệu vua từ trên chùa xuống núi Đọi; Đặc biệt phục dựng thành công nghi lễ cày Tịch điền nghi lễ quan trọng trong suốt quá trình diễn ra lễ hội.


a.2. Lễ hội truyền thống chưa nổi tiếng vượt cấp vùng du lịch, đang phát triển hài hòa, có xu hướng bền vững.

Lễ hội Tịch Điền được phục dựng từ năm 2009 có thể coi là một lễ hội văn hóa tâm linh, hàm chứa sức sống, sự giàu có của văn hóa Việt Nam hướng đến đặc trưng dân tộc (nông nghiệp lúa nước). Với ý nghĩa nhắc nhớ, bảo tồn di sản truyền thống và nét đẹp văn hóa hướng về cội nguồn, lễ hội Tịch Điền đã được phục dựng thành công, phù hợp với nhu cầu của thời đại. Lễ hội Tịch Điền được phục dựng không chỉ có ý nghĩa sâu sắc đối với nền nông nghiệp nước ta, coi trọng tư tưởng trọng nông, khuyến nông, nhắc nhở thế hệ trẻ lòng biết ơn tiền nhân mà còn đáp ứng nhu cầu tâm linh, vui chơi giải trí của người dân xã Đọi Sơn và du khách xa gần.

a.3. Lễ hội truyền thống có khả năng và nhu cầu phát triển hay thay đổi quy mô tổ chức, quy mô người tham dự, quy mô không gian và thời gian nhưng không ảnh hưởng đến phần lõi “nguyên gốc” (authenticity).

Với mục tiêu, mong muốn lễ hội Tịch Điền sau gần 100 năm thất truyền được tổ chức thành công và nhiều người biết đến, mọi thành viên trong ban tổ chức đều làm việc hết sức hăng say, nhiệt tình, cố gắng nỗ lực hết mình và có sự phối kết hợp chặt chẽ, đoàn kết giữa các thành viên. Chính vì lẽ đó, năm 2009, lễ hội Tịch Điền được phục dựng đã tạo tiếng vang lớn, một dấu ấn riêng của vùng đất Đọi Sơn nói riêng và tỉnh Hà Nam nói chung.

Công tác chuẩn bị về mọi mặt (lực lượng tham gia, trang phục đạo cụ, công tác tuyên truyền quảng bá, an ninh trật tự…) được thực hiện đúng kế hoạch đề ra, tất cả mọi công việc được chuẩn bị sẵn sàng để đón chờ ngày chính thức diễn ra lễ hội. Kinh phí tổ chức lễ hội được trích từ nguồn ngân sách của Nhà nước, của Tỉnh, người dân không phải đóng góp hay mất bất cứ một chi phí nào cho việc tổ chức lễ hội. Vệ sinh an toàn thực phẩm được đảm bảo, tuyên truyền rộng rãi và được người dân thực hiện tốt. An ninh trật tự trong lễ hội đảm bảo từ đầu đến cuối lễ hội, khiến du khách đến lễ hội cảm thấy rất yên tâm và không có các tệ nạn cờ bạc cướp giật xảy ra. Điều này diễn ra tương đối tốt trong suốt 9 lần tổ chức từ 2009 đến 2017.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 228 trang tài liệu này.


Trong lễ hội, công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm được thực hiện tương đối tốt. Đối với các lễ vật được cung tiến trong dịp lễ hội, Ban tổ chức tổ chức giám sát chặt chẽ. Có một điểm đặc biệt so với nhiều lễ hội khác mà lễ hội Tịch Điền đã làm được và đang cố gắng duy trì: không có sự xuất hiện của các hoạt động trá hình dưới hình thức các trò chơi như: cờ bạc, mê tín dị đoan… An ninh trật tự được đảm bảo từ đầu đến cuối lễ hội. Đến với lễ hội du khách đều cảm thấy an tâm để bước vào lễ hội.

Quản lý lễ hội truyền thống gắn với phát triển sản phẩm du lịch qua khảo sát lễ hội kiếp bạc Hải Dương và lễ hội tịch điền Hà Nam - 12

a.4. Lễ hội truyền thống có nhu cầu, khả năng và/hoặc đã xuất hiện thu nhập xã hội từ du lịch.

Lễ hội chưa coi trọng dịch vụ văn hóa, dịch vụ du lịch, chưa nhìn thấy và chưa làm gì đáng kể để “thu” thay vì “chi” từ nguồn của nhà nước. Dịch vụ văn hóa thiếu vắng, các sản phẩm văn hóa như băng đĩa, các mặt hàng lưu niệm để giới thiệu, quảng bá về vùng đất Đọi Sơn giàu tiềm năng du lịch và lễ hội Tịch Điền với du khách còn nghèo nàn. Không có những chương trình, hoạt động giới thiệu, trình diễn văn hóa phi vật thể của địa phương như kỹ thuật làm trống, biểu diễn trống, kỹ thuật, phong tục làm bánh dày và văn hóa ẩm thực bánh dày chè kho…

Do đó, lợi ích kinh tế mang lại từ lễ hội không nhiều. Du khách đến với lễ hội trong thời gian ngắn (dưới 1 ngày), chưa phát sinh các nhu cầu tiêu dùng do cung luôn nhỏ hơn cầu, hàng hóa phục vụ cho nhu cầu mua sắm của khách du lịch còn ít, đặc biệt là các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, đặc sản của vùng và các mặt hàng lưu niệm.

Việc tổ chức lễ hội Tịch Điền diễn ra trong một khoảng thời gian ngắn (03 ngày), lễ hội Tịch Điền lại không gắn với di tích (tổ chức ở cánh đồng mượn ruộng của nhân dân, tổ chức xong trả lại ruộng để nhân dân cày cấy). Do đó việc sản xuất các đồ lưu niệm phục vụ khách tham quan chưa được chú ý. Trong các ngày hội ở đây có các gian trưng bày giới thiệu sản phẩm nông sản, tiểu thủ công nghiệp của các huyện, thành phố trong tỉnh, gian trưng bày giới thiệu sản phẩm địa phương (trống Đọi Tam, Mây giang Ngọc Động, Lụa Nha Xá)… Trong lễ hội Tịch điền 2016, 2017 Hội LHPN huyện phối hợp với Hội LHPN xã Đọi Sơn tổ chức gian


trưng bày và giới thiệu sản phẩm bánh Giày truyền thống làng Đọi Tam (được tổ chức thi giữa các dòng họ trong làng ở lễ hội Tịch điền). Những hoạt động trưng bày và bán sản phẩm này được tổ chức thực hiện còn hình thức.

Hoạt động du lịch trong lễ hội chưa được chú trọng khai thác, phát triển. Ở điểm này, thấy một mâu thuẫn khi địa phương luôn muốn mở rộng quy mô, gia tăng lượng khách và muốn có thêm nguồn thu nhập xã hội từ du lịch, nhưng lại gần như không đầu tư, quan tâm đến dịch vụ cho khách du lịch.

b.5. Lễ hội truyền thống đã, đang và sẽ có sự tham gia quản lý (vai trò khác nhau) tối thiểu của hai bên: chính quyền địa phương (hệ thống chính trị địa phương thuộc cộng đồng có di sản), dân cư địa phương và mở rộng thêm các bên: nhà tài trợ, doanh nghiệp du lịch, sự kiện và các lĩnh vực khác.

Lễ hội Tịch Điền được tổ chức hàng năm là dịp để người dân trong xã biểu dương lực lượng gắn kết cộng đồng, giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống cha ông, tinh hoa văn hóa dân tộc, góp phần hun đúc lòng tự hào, tình yêu quê hương đất nước. Do đó mỗi người dân đều cố gắng hoàn thiện thật tốt công việc mà làng, xã giao cho và thấy đó là vinh dự tự hào. Thông qua lễ hội Tịch Điền, người dân của các thôn trong xã có điều kiện để gần gũi nhau hơn, cùng nhau giữ gìn nét văn hóa truyền thống cha ông để lại và phát huy nó trong tương lai. Trong những ngày chuẩn bị, người dân Đọi Sơn đều nô nức đón chờ ngày lễ hội diễn ra. Họ tham gia thực hiện các nghi lễ chính, tự ý thức được vai trò, trách nhiệm của mình trong lễ hội, nhiệt tình, cố gắng tập luyện theo đúng kịch bản đã xây dựng. Trong những ngày diễn ra lễ hội, ý thức đó càng thể hiện rõ nét, không có bất cứ sự cố đáng tiếc nào xảy ra, làm mất đi hình ảnh của vùng đất giàu truyền thống này.

Vì là một lễ hội được Nhà nước khởi xướng và quảng bá rộng rãi từ những năm đầu, nên lễ hội thu hút được khách thập phương cũng như dân chúng tại địa phương – những lực lượng chủ chốt của lễ hội, tham gia. Nhưng do không có thay đổi nhiều về mặt nội dung nên nhân dân tại xã đã rút dần với Lễ hội Tịch Điền, cùng thời điểm bà con còn lo cho hội làng (Đọi Tam), mặc dù phòng văn hóa xã đã tuyên truyền vận động người dân tham gia và biết đến lịch trình lễ hội.


Nhân dân của xã không tăng thêm thu nhập dù là người tại địa phương tổ chức lễ hội, nguyên nhân do đa phần nhân dân xã là nông dân, không có điều kiện buôn bán dịch vụ, hoạt động du lịch trong lễ hội chưa được chú trọng phát triển, chưa có chính sách xây dựng cơ sở vật chất phục vụ cho du lịch. Người dân từ lâu đều quen việc tham gia các lễ hội lớn sẽ được hỗ trợ kinh phí tập luyện, nhưng chi phí lại ít ỏi so với công sức bỏ ra, dẫn đến tâm lý chán nản, không muốn tham gia các lần sau, khiến lực lượng hỗ trợ cho ban tổ chức bị rút bớt, thiếu người đáng kể.

Vấn đề thu chi vẫn chưa được minh bạch, gây thắc mắc cho người dân. Kỳ thực mức “đầu tư” từ ngân sách cho lễ hội luôn xoay quanh con số 1 tỷ VND, đây gần như là thông tin công khai và chỉ có sự “phàn nàn” từ những người trực tiếp tổ chức ở cấp huyện là cần phải gia tăng thêm kinh phí mới thỏa mãn tình hình hiện tại vật giá leo thang. Người dân cũng có “kêu ca” mức thù lao thấp cho việc tham gia diễn tập và phục vụ lễ hội ở các vị trí khác nhau, kể cả các chủ trâu. Tuy nhiên, có thể đánh giá là những ý kiến này không phản ánh bản chất, so với mức sống tại địa phương, đến nay đó vẫn là mức đầu tư và mức chi trả phù hợp. Một đièu rõ ràng là không có “cơ chế” nào yêu cầu địa phương (và cư dân địa phương) có nguồn kinh phí đối ứng để ngày càng phát triển lễ hội. Thậm chí lối suy nghĩ “nhà nước thuê làm” cũng đang hình thành trong một bộ phận cư dân sở tại.

Công tác xã hội hóa lễ hội chưa có hiệu quả. Từ lâu, người dân đã quen với việc tham gia những lễ hội lớn gắn liền với kinh phí hỗ trợ tập luyện của Nhà nước, thậm chí còn không ít người quan niệm rằng, đây là lễ hội cho Nhà nước, không phải là lễ hội của họ. Người dân hiện nay đã thường xuyên phải đối mặt với kinh tế thị trường: Nhu cầu kinh tế thường trực hơn và thiết yếu hơn nhu cầu văn hóa. Vì vậy, dù không đòi hỏi cao những khoản tiền tối thiểu để bù vào những ngày họ không thể tham gia kiếm sống khi họ đi tập luyện cũng là yêu cầu chính đáng. Cộng đồng làng trong thời hiện đại đã không còn được gắn kết chặt chẽ bởi những mối liên hệ đạo đức, tâm linh và phong tục như xưa. Vì thế, thể chế xã hội để hướng dẫn hành vi các cá nhân trong làng chủ yếu được hiện tồn ở trình độ nên theo chứ không phải là ở trình độ buộc phải theo. Điều này là một lo ngại của lễ hội trong tương lai khi sự kết nối với cư dân địa phương ngày càng lỏng lẻo.


b.6. Lễ hội truyền thống thu hút sự quan tâm của giới truyền thông, có hiệu ứng công chúng.

Có thể nói, việc phục dựng lễ hội Tịch Điền là một sự kiện văn hóa và đồng thời cũng là một hiện tượng truyền thông nổi trội. Năm 2009, trên 100 lượt các trang web đồng loạt đưa tin, bài viết về sự kiện này. Từ khi xây dựng nội dung kịch bản tới công tác chuẩn bị cho đến khi tổ chức lễ hội đều rất thu hút sự chú ý của giới truyền thông. Các cơ quan tổ chức phối hợp với các cơ quan tuyên truyền như Báo Hà Nam, Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông đã lên kế hoạch tuyên truyền, quảng bá về lễ hội, xây dựng trang tin, chuyên đề viết về lễ hội. Thành công của lễ hội có vai trò to lớn của công tác tuyên truyền, quảng bá.

c.7. Lễ hội truyền thống có/bao gồm tài nguyên du lịch văn hóa tạo nên tính hấp dẫn đặc biệt thu hút khách du lịch (yếu tố USP - điểm hấp dẫn đặc biệt), hấp dẫn công chúng đa thành phần, ngoài cộng đồng có di sản.

Lễ hội liên hoàn các nghi lễ và diễn xướng, kết hợp với văn hóa, nghệ thuật, thể thao, diễn ra trong không gian rộng từ mồng 5-7 tết âm lịch với nhiều hoạt động như: rước chân nhang vua Lê Đại Hành từ đền Lăng, xã Liêm Cần, Thanh Liêm về xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, lễ rước nước, lễ sái tịnh… Nghi lễ chính trong toàn bộ lễ hội là lễ tịch điền Đọi Sơn, tái hiện huyền tích từ thời Thập đạo tướng quân Lê Hoàn khi ông nhận thấy núi Đọi có vị trí chiến lược quan trọng đối với kinh đô Hoa Lư đến khi lên ngôi vua, Lê Đại Hành về chân núi Đọi cày ruộng để khuyến khích mở mang nông trang.

Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, lễ hội Tịch Điền đã trở thành một nét sinh hoạt văn hoá tâm linh quan trọng, là di sản văn hoá dân tộc. Hàng năm vào đầu xuân, nhà vua ra đồng cày ruộng, làm Lễ tịch điền (đích thân xuống cày ruộng), cầu được mùa và các triều đại sau đó đều duy trì nghi lễ cày tịch điền với các hình thức khác nhau.

Nhiều hoạt động từ phần lễ đến phần hội được tổ chức đầy đặn theo lịch trình, có vẻ phong phú, có những điểm nhấn tạo nên nét đặc sắc của lễ hội: nghi thức tế Thần Nông, diễn cảnh đức vua đi cày, màn trống hội Đọi Tam, đám rước, hội thi vẽ


trang trí trâu. Tuy nhiên, nhiều ý kiến được phỏng vấn cho rằng những hoạt động này không được đầu tư về tài chính và cách làm đã tạo ra sự nhàm chán, thiếu sự mới mẻ, đặc sắc qua các năm. Tiêu biểu là hội thi vẽ trang trí trâu thiếu sáng tạo trong cách thức tổ chức và thiếu sự tham gia rộng rãi của giới họa sỹ nên chất lượng thấp, trong khi nó phải được ưu tiên và có nhiều điều kiện phát triển do có tính đương đại, “được phép” sáng tạo. Người dân địa phương vẫn “bình chọn” bắn pháo hoa là hấp dẫn nhất, rồi đến việc “xem mặt” chủ tịch nước (những năm có nguyên thủ quốc gia về dự hội là thực hiện nghi thức “đi cày”), sau cùng là xem diễn chèo đêm trước lễ chính và tham gia đám rước. Đối với du khách ngoài địa phương, sự hấp dẫn của Hội vẽ trang trí trâu, Hội vật hay cac trò chơi dân gian, Hội giã bánh dày lại có sự hấp dẫn đáng kể, những tiếc là không được đầu tư. Địa phương rõ ràng vẫn lúng túng, phân vân trong “chiến lược” phục vụ khách hay chủ nhà!

c.8. Lễ hội truyền thống đã, đang và sẽ quan tâm đến việc tiêu thụ các trải nghiệm văn hóa (thông qua sản phẩm và dịch vụ văn hóa) của người tham dự và khách du lịch.

Lễ hội được tạo nên bởi hai yếu tố “kinh điển” là phần lễ và phần hội. Lễ mang tính chất thiêng liêng, còn hội là những hoạt động vui chơi giải trí, là yếu tố bổ sung, hỗ trợ cho lễ và ngược lại. Tính truyền thống được đảm bảo khi “màu” truyền thống phủ khắp không gian lễ hội (đàn cúng, không gian đồng ruộng, trò chơi dân gian, sắc màu trang trí cờ, trang phục, phụ kiện, phướn đều là những hình ảnh có nội dung truyền thống, gợi nhắc quá khứ). Tuy nhiên, trong lễ hội Tịch Điền, phần hội đan xen với phần lễ, giúp con người thỏa mãn về tâm linh và vui chơi giải trí trong những ngày diễn ra lễ hội. Thông qua lễ hội, người dân cùng du khách được tham gia vào các nghi lễ để cầu cho “nhân khang, vật thịnh”, mùa màng bội thu, cây cối tươi tốt. Bên cạnh các nghi lễ, người dân còn được tham gia vào các trò chơi dân gian, hoạt động văn hóa thể thao, giúp cho họ có điều kiện giao lưu, hiểu biết lẫn nhau và tăng cường tinh thần đoàn kết.

Hiện nay, lễ hội thu hút đông đảo người dân khắp nơi đến tham gia bởi đây là dịp để mọi người nhớ lại hình ảnh một vị vua - người đứng đầu đất nước đích


thân xuống ruộng đi cày cùng dân. Lễ hội kéo dài từ mùng 5 đến mùng 7 Tết âm lịch với hai phần chính: lễ và hội. Phần lễ gồm: lễ cáo yết xin Thành Hoàng cho mở lễ hội tại đình Đọi Tam; lễ rước nước lên chùa Đọi; lễ sái tịnh tại chùa Đọi; hội thi vẽ và trang trí trâu; lễ cầu an trên chùa Đọi; biểu diễn nghệ thuật và đốt cây bông, pháo thăng thiên; lễ rước kiệu của làng Đọi Tam đi đón vua; lễ rước kiệu vua từ trên chùa xuống núi Đọi; lễ tịch điền. Phần hội tổ chức các gian hàng trưng bày sản phẩm, bán hàng lưu niệm; tổ chức giải vật Tịch điền Đọi Sơn và một số trò chơi dân gian, vui chơi giải trí. Lễ hội liên hoàn các nghi lễ và diễn xướng, kết hợp với văn hóa, nghệ thuật, thể thao, diễn ra trong không gian rộng từ mồng 5 - 7 tết âm lịch với nhiều hoạt động như: rước chân nhang vua Lê Đại Hành từ đền Lăng, xã Liêm Cần, Thanh Liêm về xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, lễ rước nước, lễ sái tịnh… Hội thi trang trí trâu cũng là một hoạt động khá sôi nổi trong lễ hội này. Thay vì trang trí bằng vải đỏ thời xưa, nay những chú trâu tham gia lễ tịch điền được trang trí bằng những nét vẽ tứ linh, tứ quý và nhiều phong cách đương đại khác. Năm 2009 cũng là năm đầu tiên mà tỉnh Hà Nam tổ chức giải đấu vật tại Đọi Sơn.

Nhìn ở góc độ du khách, có quá ít lựa chọn để tiêu thời gian và tiền tại lễ hội. Quảng bá lễ hội sau năm đầu tiên phục dựng (2009) khá rầm rộ đã bị “thiếu quan tâm” dẫn đến chưa hiệu quả, tất yếu khó thu hút du khách thập phương.

Khách đến lễ hội ngoài việc loanh quanh ngắm nhìn, chụp ảnh, tham dự một vài giờ tại khu vực chính lễ (bãi Tịch Điền), nếu không tự vãng cảnh, chiêm bái chùa Đọi thì không biết làm gì nữa.

c.9. Lễ hội truyền thống đã, đang và sẽ có sự hiện diện của các dịch vụ du lịch trọn gói hay từng phần liên quan đến tài nguyên văn hóa lễ hội truyền thống.

Không có tour, tuyến nào được tổ chức (kể cả miễn phí và thu phí), không có sản phẩm gì đáng kẻ để khách có thể mua làm quà hay lưu niệm, chỉ có một số gợi ý, chỉ dẫn chung chung trong những tập gấp giới thiêu du lịch Hà Nam được phát hạn chế trong quầy/ gian hàng của Sở VHTTDL tại lễ hội.

Cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động du lịch (khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng, quán ăn, vận chuyển) còn kém, chưa đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 14/03/2023