Những khúc hát lễ hội Nàng Hai của người Tày ở Thạch An – Cao Bằng - 2


Dù chưa bàn nhiều về các trò diễn dân gian, đặc biệt là hát Lượn nói chung và Lượn cầu mùa nói riêng mà nhưng Trần Hoàng với Ngày xuân đi hội Lồng Tồng [16], năm 1995 và Nguyễn Hải Hà với Trẩy hội Lồng Tồng [13], năm 1996, đều cùng đề cao vai trò của hát Lượn: Không gian, thời gian mùa xuân được làm sống dậy, tươi trẻ và ấm áp hơn bằng câu hát Lượn của người chơi hội.

Triều Ân cũng là một trong nhiều nhà nghiên cứu quan tâm đến lễ hội cầu mùa của người Tày mà cụ thể là người Tày ở Cao Bằng. Trong cuốn Lễ hội Hằng Nga in năm 1997, đóng góp rất lớn của ông là đã giới thiệu, sưu tầm và biên dịch những khúc Lượn Hai của người Tày Cao Bằng. Trong phần đầu cuốn sách, ông đã viết: “những khúc hát trong lễ hội và hát hội đã gieo vào tâm hồn người đi dự hội một tình cảm trong sáng, lành mạnh, một niềm lạc quan tin tưởng để sau đó bắt tay vào vụ sản xuất”[1, Tr. 14].

Ngay trong năm tiếp theo, trên Tạp chí Văn hoá dân gian cũng giới thiệu Hội Lồng Tồng ở xã Yên Khánh Hạ, Lào Cai [29, Tr. 27 - 33], của Lê Hồng Lý. Đến năm 2001 và năm 2002 bạn đọc lại tiếp tục được đón nhận bài viết Lễ hội Lồng Tồng của người Tày [55, Tr. 14 - 16], do Lê Trung Vũ viết cùng với đề tài nghiên cứu mang tên Lễ hội truyền thống của các dân tộc Việt Nam khu vực phía Bắc [28], do Hoàng Lương viết. Các tác giả tập trung bàn tới yếu tố tâm linh, tín ngưỡng của hội xuân cầu mùa. Bên cạnh đó hát Lượn không quên được nhắc đến như một nét đẹp rất riêng trong ngày hội: “Người ta hát Lượn để cầu mùa, cầu an, cầu phúc. Lượn còn để giúp cho người ta thấy yêu đời và yêu người hơn”[55, Tr. 14 - 16].

Tác giả Nguyễn Thị Yên trong năm 2003 công bố công trình: Lễ hội Nàng Hai của người Tày Cao Bằng. Có thể coi đây là công trình nghiên cứu lớn đầu tiên về lễ hội này ở Cao Bằng. Cùng với việc sưu tầm, biên dịch những bài Lượn Hai, công trình này đã đề cập đến nhiều vấn đề như nguồn gốc, đặc


điểm, bản chất và ý nghĩa tín ngưỡng, cũng như giá trị xã hội và văn hóa, văn học của lễ hội trên. Khi bàn tới ngôn ngữ thơ Lượn Hai, nhà nghiên cứu đã khẳng định: ngôn ngữ thơ Lượn Hai trở thành “một kho từ vựng tiếng nói dân tộc Tày từ cổ đến kim, từ nguyên thuỷ đến có sáng tạo...” [60, Tr. 130].

Tạp chí Dân tộc học số 4 năm 2005 cũng có in bài viết Đặc trưng lễ hội truyền thống của các dân tộc Tày, Nùng ở Việt Bắc [46, Tr. 3 - 8.], của Nguyễn Ngọc Thanh. Bài viết chỉ ra đặc trưng trong lễ hội của nhân dân Tày, Nùng đó là hội xuân và các trò diễn gắn với việc sản xuất nông nghiệp.

Gần đây nhất, nhà nghiên cứu Hoàng Văn Páo từ góc độ nghiên cứu văn hoá - lịch sử đã giới thiệu công trình Lễ hội Lồng Tồng của dân tộc Tày ở Lạng Sơn, (2009). Khi tìm hiểu về hát Lượn gắn với các nghi thức cầu mùa, tác giả đã nhận xét: “đó là hình thức sinh hoạt tín ngưỡng mang đậm dấu ấn của cư dân nông nghiệp, thể hiện qua tín ngưỡng cầu thực, tín ngưỡng cầu mưa... qua đó giá trị con người được nâng lên cao hơn, tính thân thiện, nhân văn, nhân bản trong cộng đồng được phát huy mạnh mẽ...” [38, Tr. 161].

Qua việc tìm hiểu một số tài liệu trên, chúng ta có thể khẳng định có rất nhiều công trình nghiên cứu với qui mô lớn, nhỏ, ở nhiều góc độ khác nhau về hội cầu mùa của người Tày nói chung và hát Lượn trong lễ hội đó nói riêng. Mỗi bài viết là một sự đóng góp quí giá trong việc khẳng định, đề cao các giá trị (văn hoá, lịch sử, nghệ thuật, văn học...) của hình thức dân gian đặc sắc này. Qua đó, chúng tôi cũng nhận thấy việc tìm hiểu về giá trị văn học dân gian từ những bài hát Lượn cầu mùa trong ngày hội xuân của người Tày nói chung và của người Tày ở huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng nói riêng vẫn còn là một đề tài mở hấp dẫn. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy những công trình nghiên cứu của các nhà khoa học đi trước thực sự chứa đựng nhiều tiền đề, bài học quí báu cho người đi sau triển khai, thực hiện đề tài này.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 164 trang tài liệu này.


3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu

Những khúc hát lễ hội Nàng Hai của người Tày ở Thạch An – Cao Bằng - 2

3.1. Mục đích nghiên cứu

- Tìm hiểu những giá trị nội dung và thi pháp của khúc hát lễ hội Nàng Hai của người Tày ở Thạch An - Cao Bằng. Qua việc tìm hiểu đó, chúng ta thấy được tài năng nghệ thuật của các nghệ nhân dân gian, từ đó biết trân trọng, gìn giữ và phát huy những khúc hát lễ hội nói riêng và dân ca Tày nói chung. Cũng từ đó chúng ta hiểu thêm được đời sống vật chất và tâm tư tình cảm của nhân dân Tày ở Thạch An - Cao Bằng.

- Thông qua đề tài nghiên cứu này, chúng tôi muốn đóng góp một phần nhỏ của mình vào việc gìn giữ và phát huy bản sắc dân tộc của người Tày nói chung và của nhân dân Tày ở Thạch An - Cao Bằng nói riêng.

3.2. Nhiệm vụ nghiên cứu

- Tìm hiểu những vấn đề lý luận và thực tế liên quan đến đề tài.

- Khảo sát, thống kê, phân loại, phân tích, lý giải những vấn đề liên quan đến khúc hát Lượn Hai chủ yếu từ góc độ văn học dân gian

- Trong điều kiện có thể, chúng tôi đi điền dã và sưu tầm thêm được một số khúc hát Lượn Hai ở Cao Bằng chưa được xuất bản, công bố...

4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

4.1. Phạm vi nghiên cứu

- Phạm vi vấn đề nghiên cứu: đề tài chú trọng vào phần lời khúc hát Lượn Hai, tuy nhiên có chú ý đặt yếu tố ngôn từ trong đặc trưng nguyên hợp của văn học dân gian, nghĩa là yếu tố ngôn từ được đặt trong môi trường và nghệ thuật diễn xướng.

- Phạm vi tư liệu nghiên cứu:

+ Triều Ân (1997), Khúc hát Hằng Nga, Nhà xuất bản Văn hoá Dân tộc, H.

+ Nguyễn Thị Yên (2003), Lễ hội Nàng Hai của người Tày Cao Bằng, Nhà xuất bản Văn hoá thông tin, H.


+ Văn bản tiếng Tày sưu tầm từ thầy Pửt Nông Văn Lẩy ở bản Chu Lăng, xã Kim Đồng, huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng.

+ Những bài Lượn Hai sưu tầm thêm được trong quá trình đi điền dã của tác giả luận văn.

4.2. Đối tượng nghiên cứu chính là lời hát của những khúc hát trong lễ hội Nàng Hai của người Tày ở Thạch An - Cao Bằng.

5. Phương pháp nghiên cứu

- Phương pháp điều tra, điền dã

- Phương pháp khảo sát, thống kê

- Phương pháp phân tích, tổng hợp

- Phương pháp nghiên cứu liên ngành

6. Đóng góp của luận văn

- Góp phần tìm hiểu cụ thể và sâu sắc hơn giá trị nội dung tư tưởng và nghệ thuật của khúc hát lễ hội Nàng Hai ở Thạch An - Cao Bằng. Từ đó làm rõ hơn giá trị văn hóa tốt đẹp của người Tày ở Cao Bằng

- Bồi dưỡng thêm sự hiểu biết, tình yêu dân ca Tày nói chung và khúc hát lễ hội Nàng Hai nói riêng trong mỗi con người Việt Nam.

7. Bố cục luận văn

Ngoài phần mở đầu, kết luận, tư liệu tham khảo, nội dung chính của luận văn được thể hiện trong ba chương:

Chương I: Những khúc hát lễ hội Nàng Hai trong đời sống văn hoá của người Tày ở Thạch An - Cao Bằng

Chương II: Giá trị nội dung những khúc hát lễ hội Nàng Hai của người Tày ở Thạch An - Cao Bằng

Chương III: Một số đặc điểm thi pháp của những khúc hát lễ hội Nàng Hai của người Tày ở Thạch An - Cao Bằng



Chương 1:

NỘI DUNG

NHỮNG KHÚC HÁT LỄ HỘI NÀNG HAI TRONG ĐỜI SỐNG VĂN HÓA CỦA NGƯỜI TÀY Ở THẠCH AN - CAO BẰNG


1.1. Vài nét về cộng đồng người Tày ở Cao Bằng

1.1.1. Cộng đồng người Tày Cao Bằng

Cao Bằng là một tỉnh nằm ở biên giới phía Bắc của Tổ quốc. Nơi đây là địa bàn cư trú của nhiều dân tộc: Tày, Nùng, Dao, Mông. Lô Lô… nhưng số lượng lớn nhất là người Tày, chiếm khoảng 43% dân số toàn tỉnh. Theo các nhà nghiên cứu, người Tày ở Cao Bằng được hình thành từ ba nhánh:

Nhánh người Tày gốc còn gọi là thổ, có nghĩa là thổ dân, là chủ nhân của địa phương từ lâu đời. Nhánh này là con cháu lâu đời của người Tày cổ. Họ là những con người đã sáng tạo ra khúc hát trong lễ lội Nàng Hai độc đáo và hấp dẫn.

Nhánh người Ngạn có nguồn gốc từ Quý Châu, Trung Quốc. Theo tài liệu cũ còn ghi chép: trong các cuộc giao tranh giữa các tộc người, người Ngạn đã dạt sang Cao Bằng sinh sống, sát nhập vào cư dân địa phương và trở thành người Tày.

Nhánh người Kinh hóa Tày: là con cháu các viên quan và binh lính người Kinh ở dưới xuôi lên cai quản bảo vệ biên giới, họ lấy vợ là người Tày, sinh cơ lập nghiệp tại đây, lâu dần chuyển thành người Tày. Sách cũ còn ghi chép lại, vào thế kỉ 16, 17, triều đình lưu vong họ Mạc bị quân Lê Trịnh đánh đuổi, chạy lên trấn giữ vùng Cao Bằng trong non một thế kỷ. Sau khi họ Mạc diệt vong, con cháu và quan quân dư đảng thay tên đổi họ, sống hòa vào nhân dân địa phương, đồng hóa với người Tày.


1.1.2. Cộng đồng người Tày ở Thạch An - Cao Bằng

1.1.2.1. Điều kiện tự nhiên, nơi cư trú của người Tày ở Thạch An - Cao Bằng

Theo Địa chí Cao Bằng [41]: huyện Thạch An nằm ở phía Đông Nam tỉnh Cao Bằng. Phía Nam giáp huyện Tràng Định tỉnh Lạng Sơn. Phía Bắc giáp huyện Hòa An, phía Tây giáp huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Cạn. Phía Đông giáp huyện Long Châu, tỉnh Quảng Tây - Trung Quốc. Huyện Thạch An hiện nay được chia thành 16 đơn vị hành chính cấp xã: Kim Đồng, Thái Cường, Vân Trình, Lê Lai, Thị Ngân, Thụy Hùng, Đức Long, Danh Sỹ, Thượng Pha, Đức Xuân, Lê Lợi, Trọng Con, Đức Thông, Canh Tân, Minh Khai, Quang Trọng và Thị trấn Đông Khê.

Với tổng diện tích tự nhiên hơn 68 ha, Thạch An là địa bàn cư trú của nhiều dân tộc cùng sinh sống: Tày, Nùng, Mông, Dao, Kinh, Hoa và một số dân tộc ít người như Ngài, Chăm, Sán Chỉ, Ê Đê. Trong số những dân tộc này người Tày chiếm đa số. Với sự qui tụ của nhiều dân tộc trên một địa bàn cư trú đã tạo nên một bức tranh đa sắc màu về đời sống văn hóa tinh thần của những con người ở mảnh đất phía Đông Nam tỉnh Cao Bằng..

Đặc điểm địa hình là đồi thoải hay lượn với những thung lũng nhỏ bên cạnh dòng sông, dòng suối là điều kiện thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, đặc biệt là trồng lúa nước. Khí hậu ở đây chia làm bốn mùa rõ rệt nên cư dân canh tác và trồng trọt theo mùa. Giới động thực vật khá phong phú và đa dạng. Cư dân Tày sống chủ yếu vào trồng trọt và cày cấy mùa màng và chăn nuôi gia súc. Ngay từ xa xưa, họ đã biết tận dụng những ưu thế mà thiên nhiên ban tặng để lao động phục vụ cuộc sống.

Mùa xuân thường không dài nhưng tiết trời ấm áp, tươi sáng, núi non ngập tràn trong sắc hương xuân. Đặc biệt đến tháng 3 âm lịch, rừng núi Thạch An xanh mướt một màu, cỏ hoa đang thì kết trái. Khung cảnh thật thi vị biết mấy. Thiên nhiên Thạch An hùng vĩ, thơ mộng, hiền hòa là vậy nhưng có lúc


cũng thật dữ dội. Về mùa mưa, mưa nhiều đã gây nên tình trạng rửa trôi, xói mòn và lũ lụt, gây mất mùa. Cùng với việc chịu ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc trong mùa đông, các hiện tượng thời tiết như băng giá, sương muối gây ảnh hưởng xấu đến sản xuất và đời sống con người.

Địa hình huyện Thạch An như một cánh cung đang căng lên. Những đám ruộng bậc thang uốn mình quanh sườn đồi. Những dòng suối, dòng sông như dải lụa bạc dài vô tận ẩn rồi lại hiện dưới thung lũng như lúc làm duyên, lúc giận hờn với đồi núi trập trùng. Khung cảnh sơn thủy hữu tình này dường như đã khơi nguồn cảm hứng thơ ca cho con người nơi đây. Để khiến ai đã từng đứng trên mảnh đất này trong lòng không thể không cất lên tiếng hát. Những câu Lượn ấy cất cao, thấm đẫm hơi thở của ruộng, của nương, của núi của rừng... Thạch An.

Phải chăng, lễ hội Nàng Hai với những khúc hát ra đời trong lễ hội đó nhằm đáp ứng những nhu cầu thưởng thức văn nghệ và gửi gắm những khát vọng tinh thần của nhân dân miền núi nơi đây.

Tự nhiên không chỉ là môi trường sống của con người mà còn là đối tượng để qua đó con người tác động, sản xuất ra của cải vật chất, phát triển xã hội và hình thành nên đời sống văn hoá của mình. Như vậy, điều kiện tự nhiên có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển và tồn tại của văn hóa, văn học nghệ thuật dân tộc Tày ở Thạch An - Cao Bằng.

1.1.2.2. Đặc điểm xã hội - văn hóa của người Tày ở Thạch An - Cao Bằng

Với địa hình miền núi với nhiều ưu ái nhưng cũng không ít bất thuận, thiên nhiên tươi đẹp hùng vĩ mà cũng dữ dằn… những điều đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến điều kiện sống, sinh hoạt, văn hóa, tính cách của người Tày Thạch An. Tuy vậy, trong quá trình phát triển của lịch sử, người Tày nơi đây cũng đã lao động cần cù và đấu tranh không ngừng để sáng tạo cho riêng mình một nền văn hoá giàu sức sống và đậm sắc thái bản địa.


Xã hội người Tày ở Cao Bằng trước Cách mạng tháng Tám đã chuyển sang chế độ phong kiến địa chủ nhưng phân hóa giai cấp chưa sâu sắc như ở miền xuôi nên quan hệ giữa các tầng lớp xã hội trong làng bản nói chung vẫn là quan hệ đoàn kết, tương thân tương trợ giữa những người trong họ hàng, làng xóm.

Người Tày ở Thạch An sống qui tụ và đoàn kết với nhau thành từng làng, bản với khoảng 40 đến 60 gia đình trở lên. Trong quan hệ gia đình, người Tày vốn có lòng kính già yêu trẻ. Trong quan hệ với các dân tộc anh em, đồng bào có tập quán kết nghĩa anh em gọi là “lạo tồng”, thương yêu giúp đỡ nhau như người ruột thịt. Họ sống gắn bó mật thiết với nhau, cùng chung sức sáng tạo nên một nền văn hóa với những giá trị vật chất và tinh thần phong phú, bền vững.

Nhà ở của người Tày ở Thạch An thường là nhà sàn cao ráo, thoáng mát. Trong những nếp nhà sàn đơn sơ đó có 3 - 4 thế hệ cùng chung sống đầm ấm và chan hòa. Hầu hết các gia đình người Tày được xây dựng theo thể chế và chế độ hôn nhân một vợ một chồng, mang tính phụ hệ. Trước Cách mạng tháng Tám, người phụ nữ Tày không được đối xử bình đẳng với nam giới, không được hưởng gia tài, không được đi học. Tuy nhiên, họ vẫn được chồng con tôn trọng vì họ không chỉ có vai trò “giữ lửa” trong gia đình mà họ còn chính là người gìn giữ, nuôi dưỡng và làm giàu có thêm những điệu hát dân ca. Bà truyền dạy cho mẹ, mẹ truyền dạy cho con… Cứ như thế, ngọn lửa văn hóa cứ hồng mãi trong mỗi nếp nhà sàn và rồi thấm đượm, tỏa rạng trong tâm hồn của mỗi con người nơi đây. Không chỉ có vậy, phụ nữ Tày còn rất khéo tay. Họ không chỉ biết trồng bông, dệt vải, tự may quần áo, chăm màn... mà còn giỏi trong việc chế biến nhiều thứ bánh trái ngon phục vụ trong ngày thường và các dịp lễ tết.

Cũng giống như người Tày ở nhiều địa phương khác, trang phục của người Tày Thạch An được làm từ vải bông dệt, nhuộm chàm nhưng cắt may

Xem tất cả 164 trang.

Ngày đăng: 18/09/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí