tiên ông vẫn ngả nghiêng. Nghiệp báo chăng? Không! Tổ tiên ông đã chẳng từng lập bao chiến công hiển hách, có thể nói chưa từng thấy trong lịch sử, nhà Trần đã từng ba lần đánh tan giặc Nguyên hung bạo (…) Ông lỗi lầm gì đâu? Ông có tạo nghiệp ác đâu? Cả một chuỗi năm tháng dài dặc, cố phấn đấu dể trở thành một ông vua sáng lại hiện ra trước mắt”[8,165]. Nội tâm nhân vật được nhà văn khắc hoạ rõ nét chủ yếu bằng khả năng tự soi sáng bên trong. Khi gần cận kề với cái chết, Nghệ hoàng mới dám đối diện vào sự thật, mới thôi không còn ảo tưởng về sự hưng thịnh của nhà Trần. Và cũng chính lúc này thượng hoàng Nghệ Tôn mới “nhận ra được một điều hệ trọng ghê gớm: chính ông là người đỡ đầu ra cả hai phe phái canh tân và bảo thủ hiện nay trong triều đình. Chính ông là bà đỡ cho cải cách của Quý Ly, đã giúp Quý Ly diệt những đối thủ, ngay cả khi đối thủ ấy là con cháu ông. Lại cũng vẫn chính ông là người muốn kéo dài đến vô hạn cơ nghiệp của nhà Trần, tổ tiên ông mặc dầu ông biết điều đó không thực tế, mặc dầu ông biết các tôn thất, các cựu thần nhà Trần ở mọi nơi hiện nay đang thối ruỗng”[8,168].
Ông vua già Nghệ Tôn đã tự phân thân, tự mổ xẻ, tự đối thoại với chính mình, đặt ra hàng loạt những câu hỏi, rồi lại tự trả lời cho những băn khoăn, hoài nghi, những ưu tư, trăn trở, tìm cách lý giải cho thực trạng của đất nước. Khối tâm sự sâu kín mà bấy lâu nay Nghệ Tôn nén lại trong lòng được mở tung ra trong những lời độc thoại. Trước mắt chúng ta như hiện ra hình ảnh một vị vua đang đau khổ vật vã, đang tự vấn lương tâm đang ở tận cùng của sự bế tắc. Ông muốn về với tổ tiên một cách thanh thản, nhẹ nhàng nhưng ý nghĩ ông chính là người có tội với tổ tiên, với cơ nghiệp nhà Trần đã khiến ông không thể ra đi nhẹ nhàng. Qua độc thoại nội tâm, những nỗi niềm riêng tư trong suy nghĩ, trong sâu thẳm đáy lòng nhân vật đã được bộc lộ một cách chân xác nhất.
Khi diễn tả cả một quá trình dằn vặt trong tâm lý, độc thoại nội tâm của nhân vật thường rất dài. Chẳng hạn độc thoại của ông vua trẻ Thuận Tôn trước
khi “đi vào cõi vĩnh hằng”, loay hoay tìm kiếm câu trả lời cho một băn khoăn, thắc mắc hoặc một sự việc nào đó. “Thế đấy!tất cả đều đến để cầu xin ta chết. Quý Ly mong ta chết đã đành, nhưng cả Khát Chân cũng muốn ta chết. Ai bảo ngươi sinh vào kiếp vua! Ai bảo ngươi là ông vua hiền! Mà hiền thực hay là hèn? Ai bảo ngươi tôn vinh sự mềm yếu, lại coi thường sự cương cường? Hỡi ôi! Kẻ làm quan làm vua có thể chẳng ác nhưng phải làm ác. Cái ác gắn với vua quan. Cái ác là đôi cánh của vua quan. Thiếu cái ác một ngày ngai vàng buồn rầu. Thiếu cái ác vài tuần trăng ngai vàng rung rinh. Thiếu cái ác một năm ngai vàng sụp đổ. (..) Ôi! Cô đơn! Ta sinh ra trong xứ sở cô đơn. (..) Cái hiền hoà của ta là tộ lỗi ư?...”[8,723]. Đằng sau những lời độc thoại là bao nhiêu sự dằn vặt, ưư tư, phiền muộn của nhân vật. Dường như lúc này, Thuận Tôn rơi vào cực điểm của sự đau khổ, cô đơn. Thuận Tôn cắt nghĩa về chính số phận của mình, bỗng ngộ ra số phận mình bi thảm như vậy là vì ông không ác và cũng không thể làm ác. Giờ đây chính những cái ác đầy rẫy xung quanh đang muốn nhấn chìm ông, giết chết ông. Thuận Tôn đã rũ bỏ tất cả việc đời đi tu với mong muốn thoát ra khỏi “cái triều đình rồ dại” toàn những mưu sâu kế hiểm. Nhưng “cái triều đình rồ dại” ấy nào đâu có chịu buông tha cho ông. Trong dòng suy tư, Thuận Tôn đã thốt lên những tiếng lòng ai oán, tự xót xa, thương cảm cho thân phận, cho định mệnh bất hạnh của chính mình.
Có thể thấy rằng, độc thoại nội tâm trong tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh thiên về độc tâm “hướng nội”. Với biện pháp nghệ thuật này, nhà văn đã rất thành công trong việc khắc hoạ nhân vật với tất cả mọi chiều “chìm, nổi, nông, sâu” trong tâm lý nhân vật. Nếu ngôn ngữ đối thoại cho chúng ta biết về phần “nổi” của nhân vật thì ngôn ngữ độc thoại cho chúng ta biết về phần “chìm” của nhân vật. Có khi ngôn ngữ độc thoại và đối thoại đan xen nhau trong cùng một nhân vật, nhờ vậy nhân vật được rọi chiếu nhiều mặt hơn, cách nhìn nhận và đánh giá đa chiều, phức tạp hơn.
3.4. Xây dựng nhân vật qua giọng điệu
Giọng điệu trần thuật là một đặc trưng không thể thiếu trong tiểu thuyết. “Giọng điệu là thái độ, tình cảm, lập trường, đạo đức của nhà văn với hiện tượng được miêu tả thể hiện trong lời văn quy định cách xưng hô, gọi tên, dùng từ, sắc điệu tình cảm, cách cảm thụ xa gần, thành kính hay suồng sã, ngợi ca hay châm biếm….”[42,112]. Giọng điệu là một yếu tố đặc trưng của hình tượng tác giả trong tác phẩm. Nếu như trong đời sống, ta thường chỉ nghe giọng nói nhận ra con người thì trong văn học, giọng điệu giúp chúng ta nhận ra tác giả. Người đọc có thể nhận thấy tất cả các chiều sâu tư tưởng, thái độ, vị thế, phong cách, tài năng cũng như sở trường ngôn ngữ, cảm hứng sáng tạo của người nghệ sĩ thông qua giọng điệu. Giọng điệu của nhân vật vì thế có khi chính là giọng điệu của nhà văn.
Có thể bạn quan tâm!
- Nghệ Thuật Miêu Tả Chân Dung Nhân Vật
- Nghệ Thuật Xây Dựng Nhân Vật Qua Xung Đột
- Nghệ Thuật Xây Dựng Nhân Vật Qua Ngôn Ngữ
- Nhân vật trong tiểu thuyết lịch sử Nguyễn Xuân Khánh - 14
Xem toàn bộ 119 trang tài liệu này.
Trong tiểu thuyết Hồ Quý Ly và Mẫu thượng ngàn có sự xuất hiện đan xen của nhiều giọng điệu. Ở đây, chúng tôi chỉ tập trung vào những sắc thái giọng điệu mà theo chúng tôi đó là những giọng điệu mới mẻ, nổi bật nhất trong tiểu thuyết lịch sử của Nguyễn Xuân Khánh và trong tiểu thuyết lịch sử thời kì đổi mới.
3.4.1. Giọng điệu tra vấn
Xuất phát từ tinh thần dân chủ trong việc nhận thức lại lịch sử và hướng đến xác lập những giá trị mới theo quan điểm cá nhân, giọng điệu tra vấn xuất hiện phổ biến trong tiểu thuyết thời kì đổi mới. Với giọng điệu tra vấn, nhiều vấn đề của lịch sử được nhìn nhận, đánh giá lại. Kiểu giọng điệu tra vấn phù hợp với tinh thần “luôn luôn có sự nhận thức lại, đánh giá lại mọi thứ” (M.Bakhtin). Giọng điệu tra vấn này lật lại, nhận thức lại những vấn đề tưởng chừng như đã “ổn định”, “khép kín” của lịch sử. Kiểu giọng điệu này là kiểu giọng điệu nổi bật nhất trong tiểu thuyết Hồ Quý Ly.
Qua giọng điệu tra vấn, Nguyễn Xuân Khánh đã khắc họa nhân vật trong chiều sâu của lịch sử, đã để các nhân vật tự ý thức về cuộc đời riêng, trách nhiệm trước lịch sử với tư cách là người trong cuộc. Từ điểm nhìn hiện tại, Nguyễn Xuân Khánh nhìn nhận và đánh giá lại nhiều vấn đề lịch sử, trong đó đáng chú ý là vấn đề cách tân và bảo thủ, công - tội, sự thành - bại, được - mất trong cuộc đời nhân vật lịch sử Hồ Quý Ly. Những vấn đề về sự kiện lịch sử, nhân vật lịch sử trong Hồ Quý Ly không phải đã khép kín, đã hoàn kết mà nó vẫn đang mở ra trường đối thoại với người đọc.
Với sự kiện lật đổ nhà Trần của Hồ Quý Ly, giọng điệu tra vấn đã gieo vào lòng độc giả những câu hỏi, những vấn đề đối thoại trong tác phẩm, để cùng nghiền ngẫm, cùng suy nghĩ: “ Thế nếu để nguyên trạng như hiện nay, đại Việt ta có suy yếu không? Nếu nhà Trần thối ruỗng như hiện nay, mà nhà Trần tồn tại, so với một triều đại mới được dựng lên, được quét sạch lũ tham quan ô lại, được tổ chức cứng rắn, được hết lời bàn ra, tán vào, thì thử hỏi hai triều đại ấy, bên nào tốt hơn, mạnh hơn”[105]. Sử Văn Hoa là người chứng kiến lịch sử, tồn tại cùng lịch sử, Sử Văn Hoa rất khách quan khi nhận thấy “lúc này còn quá sớm để khen chê ông ta. Chỉ biết rằng đất nước mình đang cần lột xác Quý Ly là một người đầy táo bạo. Một kẻ cướp phải có gan: trên đầu nào biết có ai. Ông ta là một con người dám “trên đầu chẳng có ai”.
Phạm Sinh lại băn khoăn, giãi bày với sư Vô Trụ rằng: “Vâng, ông quan thái sư đó, là người đại chí. Đúng vừa có chí lớn lại vừa đại trí, cũng là con người lạnh lùng như băng. Con căm ghét ông ta đến cùng cực. Nhưng gặp mặt ông ta, con lại bị hấp dẫn vô cùng. Cứ tưởng đó là loài yêu quái ngậm máu phun người chẳng tanh, nhưng không phải. Ông ta thông minh, có thể nói sâu sắc đến tinh tế, nhưng đầy tham vọng. Nói thế nào cho đúng đây... phải, tham vọng đến độ ngạo mạn. Vì thế cho nên, đầy rẫy những kẻ thù. Và kẻ thù của ông cuồng vọng cũng không phải nhỏ, ý chí cũng không phải vừa. Hai ý chí cuồng nộ gặp
nhau... ắt là có máu. Họ chẳng từ một thủ đoạn nào... Nói thế nào nhỉ? Vừa tàn bạo đến cùng cực... nhưng lại vĩ đại vô cùng. Vừa đáng căm giận, lại vừa đáng thương đáng kính... Và bao trùm lên tất cả là một nỗi cô đơn đến kinh hoàng” [8,756 – 757].
Lâu nay, nhân vật lịch sử Hồ Quý Ly vẫn được nhìn trong thiên kiến định sẵn với những phần “tối”, với nhân cách “phản diện”. Nhưng trong tiểu thuyết của Nguyễn Xuân Khánh qua sự tra vấn của chính những nhân vật trong tác phẩm, người đọc có dịp đánh giá lại một cách khách quan, công bằng hơn về con người Hồ Quý Ly với cả hai phần “sáng - tối”.
Như vậy trong tiểu thuyết Hồ Quý Ly, giọng điệu tra vấn khiến cho sự kiện lịch sử và nhân vật lịch sử được rọi chiếu nhiều mặt hơn, cách đánh giá đa chiều, phức tạp hơn, từ đó mở ra những hướng tiếp cận lịch sử mới.
3.4.2. Giọng điệu suồng sã
Do chịu sự quy định của cảm hứng sử thi, lãng mạn, giọng điệu suồng sã hầu như không xuất hiện trong tiểu thuyết giai đoạn 1945 - 1975. Nhưng khi tiểu thuyết nghiêng về đời tư - thế sự, giọng điệu suồng sã trở nên phổ biến. Trong tiểu thuyết Mẫu thượng ngàn, đây là giọng điệu nổi bật nhất so với những giọng điệu khác. Ngôn ngữ của các nhân vật Mẫu thượng ngàn không có cái cầu kỳ, gọt đẽo. Nó là ngôn ngữ của bình dân nên giọng điệu của các nhân vật thể hiện đậm nét sắc thái suồng sã, “phi sử thi”.
Trong đêm tân hôn, khi “mân mê đôi ngọc nhũ” của vợ, Điều thắc mắc: “ - Sao nó chóng lớn thế nhỉ?... Sao nó chóng to thế nhỉ?
- Chỉ điêu thôi!
- Thật đấy! Đằng ấy sờ vào của mình mà xem. Ba tháng trước, đằng ấy đã về được ba tháng hay bốn tháng rồi nhỉ, nó chỉ to bằng cái núm cau. Hôm
nay nó đã bằng quả táo rồi” [9,447]. Giọng điệu suồng sã được tạo nên nhờ vào những từ ngữ dân dã, mang tính chất sinh hoạt của cuộc sống thường ngày.
Bản thân nhà văn Nguyễn Xuân Khánh cho rằng so với Hồ Quý Ly, Mẫu thượng ngàn gần gũi với đời sống hơn, vừa cổ điển vừa hiện đại, có tính chất nghịch dị nhưng cũng suồng sã, tình dục”[61]. Chính sắc thái giọng điệu này khiến cho nhân vật hiện lên không khô khan, mà chân thực, sinh động tự nhiên như cuộc sống ngoài đời:
“ - Mình nghe trong người ra sao?
- Mệt lắm. Nhưng tôi chỉ trách tôi bạc phận, chẳng được ở với mình suốt
đời.
- Đừng nói gở. Em sợ lắm.
Mùi đặt tay lên miệng hắn. Hắn giữ bàn tay ấm áp ấy ở trên ngực mình.
- Giá mà…
- Giá mà …sao? Mình muốn điều gì? (…)
- Tôi chỉ xin mình một điều… Hãy cho tôi lần cuối…”[9,252].
Lý Tẻo đã cận kề với cái chết nhưng anh ta vẫn tha thiết cầu khẩn được ân
ái với vợ một lần cuối cùng. Nhân vật không hề gợi lên ở bạn đọc sử “phản cảm” qua sắc thái giọng điệu suồng sã mà gợi lên sự thông cảm, bởi giọng điệu ấy thể hiện cảm xúc đời thường, chân thật của nhân vật.
Tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh mang nhiều sắc thái giọng điệu. Và đây là một biện pháp nghệ thuật quan trọng trong việc khắc hoạ nhân vật của nhà văn. Giọng điệu tra vấn và giọng điệu suồng sã được nhà văn đan xen với nhiều giọng điệu khác như giọng điệu triết lý suy ngẫm, giọng điệu phân tích lý giải, giọng điệu ngưỡng mộ ngợi ca, giọng điệu cảm thông thấu hiểu… đã tạo nên màu sắc đa thanh cho tiểu thuyết lịch sử Nguyễn Xuân Khánh.
KẾT LUẬN
1. Tiểu thuyết lịch sử Nguyễn Xuân Khánh là một hiện tượng độc đáo của văn học Việt Nam thời kì đổi mới. Với hai cuốn tiểu thuyết lịch sử Hồ Quý Ly và Mẫu thượng ngàn, Nguyễn Xuân Khánh đã để lại dấu ấn quan trọng trong tiểu thuyết lịch sử Việt Nam đương đại. Hai cuốn tiểu thuyết đã thể hiện sự vận động, phát triển và những cách tân của thể loại tiểu thuyết lịch sử. Một trong những thành công của Nguyễn Xuân Khánh trong Hồ Quý Ly và Mẫu thượng ngàn là nhà văn đưa vào tác phẩm một thế giới nhân vật đông đảo, đủ mọi thành phần, mọi tính cách, qua đó thể hiện quan niệm nghệ thuật mới mẻ của nhà văn về con người. Từ những nhân vật có thật trong lịch sử cho đến những nhân vật hoàn toàn hư cấu, tất cả đều là con người của đời thực được xây dựng bằng tình yêu thương và sự trân trọng con người của nhà văn.
2. Nguyễn Xuân Khánh đã thành công xuất sắc trong nghệ thuật xây dựng nhân vật. Nguyễn Xuân Khánh chú ý đến việc miêu tả nhân vật qua chân dung ngoại hình, để từ chân dung ngoại hình đó, người đọc có thể nhìn thấy cả chân dung tâm hồn của nhân vật. Ngoài ra để người đọc có thể thấy được rõ nét tính cách của nhân vật thì Nguyễn Xuân Khánh thường đặt nhân vật trong sự đối mặt với những xung đột, mâu thuẫn. Để nhân vật hiện lên một cách đầy đủ, trọn vẹn và có chiều sâu, nhà văn đặc biệt quan tâm đến ngôn ngữ nhân vật. Qua ngôn ngữ đối thoại, ngôn ngữ độc thoại, Nguyễn Xuân Khánh để cho nhân vật tự bộc lộ tính cách, tự nói lên những suy nghĩ, tư tưởng, diễn biến tâm lý bên trong. Trong khi xây dựng nhân vật, ngòi bút Nguyễn Xuân Khánh tỏ ra sắc sảo khi kế thừa những mặt mạnh của biện pháp nghệ thuật truyền thống, đồng thời có những cách tân, thể nghiệm theo hướng hiện đại nhằm đa dạng hoá nghệ thuật biểu hiện.
3. Mặt mạnh và cũng là đặc sắc trong nghệ thuật xây dựng nhân vật trong tiểu thuyết Hồ Quý Ly và Mẫu thượng ngàn là ở chỗ nhà văn đã tạo ra cả một thế giới nhân vật đông đảo, độc đáo của riêng mình mà không nhân vật nào lẫn với nhân vật nào, mỗi nhân vật là một sự cá tính hoá, một biểu tượng nghệ thuật đa nghĩa nhằm khám phá đời sống phong phú và phức tạp của con người. Làm chủ hàng trăm nhân vật, miêu tả, cá tính hóa chừng ấy nhân vật một cách sắc nét là một sáng tạo phi thường của Nguyễn Xuân Khánh. Bên cạnh những mặt mạnh, những thành công mà tiểu thuyết lịch sử Nguyễn Xuân Khánh đã đạt được, đây đó vẫn còn những khiếm khuyết, hạn chế nhất định. Ngôn ngữ nhân vật đôi chỗ đi trước thời đại lịch sử, không khí lịch sử mà nhân vật đang sống… Tuy có những vết xước nhỏ nhưng không vì thế mà làm ảnh hưởng đến sự hấp dẫn cũng như đến giá trị của tiểu thuyết lịch sử Nguyễn Xuân Khánh.
4. Trong khuôn khổ luận văn này, chúng tôi chỉ có điều kiện đi vào tìm hiểu thế giới nhân vật và nghệ thuật xây dựng nhân vật trong tiểu thuyết lịch sử Nguyễn Xuân Khánh. Qua tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy, Nguyễn Xuân Khánh đã có những đổi mới, những cách tân để tự làm mới ngòi bút của mình, đồng thời khẳng định được vị trí cũng như những đóng góp quan trọng của ông đối với sự vận động, phát triển của tiểu thuyết lịch sử trong nền văn học dân tộc.