Tác Động Của Đặc Điểm Ban Kiểm Soát Tới Chất Lượng Thông Tin Kế Toán


4.4.3. Tác động của đặc điểm Ban kiểm soát tới chất lượng thông tin kế toán


Kết quả hồi quy cho thấy biến thâm niên BKS có ý nghĩa thống kê ở cả hai mô hình đo lường CLTT kế toán bằng quản trị lợi nhuận và sai sót trên BCTC. Kết quả nghiên cứu cung cấp bằng chứng về việc BKS có thâm niên công tác sẽ gắn bó và nắm được các vấn đề của đơn vị, do đó tăng cường hiệu quả giám sát. Ngoài chức năng giám sát tình hình hoạt động của công ty, BKS còn có trách nhiệm thay mặt cổ đông giám sát hoạt động của các thành viên HĐQT, đồng thời phối hợp với hoạt động của HĐQT, BGĐ và cổ đông. Do đó, tương tự HĐQT, các thành viên BKS cần có sự hiểu biết cũng như kinh nghiệm, qua đó phát huy được hiệu quả giám sát, nâng cao CLTT kế toán.

Các biến còn lại về đặc điểm BKS bao gồm quy mô, giới tính và chuyên môn kế toán tài chính không có ý nghĩa thống kê, phần nào thể hiện vai trò hạn chế của BKS hiện nay tại các công ty niêm yết. Kỳ vọng ban đầu của nghiên cứu là BKS có quy mô lớn, có sự tham gia của nữ giới và thành viên có chuyên môn tài chính kế toán sẽ giúp nâng cao CLTT kế toán. Tuy nhiên, số lượng kiểm soát viên của các công ty niêm yết hiện nay khá ít do quy định của Nghị định số 71/2017/NĐ-CP khống chế số lượng thành viên BKS tối thiểu 3 và tối đa 5, trong khi đó trưởng BKS phải là kế toán viên hoặc kiểm toán viên chuyên nghiệp, dẫn đến chênh lệch về quy mô, giới tính cũng như chuyên môn thành viên BKS không đáng kể. Vì vậy, tác động của các biến này lên CLTT kế toán trở nên không rõ ràng. Kết quả này tương đồng với nghiên cứu của Ran và cộng sự (2014), Xia và Zhao (2009).

4.4.4. Tác động của các biến kiểm soát tới chất lượng thông tin kế toán


Các biến kiểm soát được đưa vào mô hình đều có ý nghĩa thống kê, bao gồm biến về chất lượng kiểm toán (BIG4), biến kiểm toán nội bộ (KTNB), biến thể hiện thua lỗ trong hoạt động kinh doanh (THUA_LO), quy mô doanh nghiệp (QUYMO_DN), dòng tiền hoạt động (CFOA) và đòn bẩy tài chính (DON_BAY).

Kết quả nghiên cứu cho thấy biến chất lượng kiểm toán có tác động tích cực tới CLTT kế toán. Kết quả này phù hợp với nghiên cứu của Becker (1998) ở thị trường Mỹ, Kitiwong (2014) ở khu vực các quốc gia Đông Nam Á hay Nguyễn Thu Hằng và cộng sự (2018) tại Việt Nam. Các công ty kiểm toán có chất lượng tốt như Big4


Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 206 trang tài liệu này.

với nguồn lực và chuyên môn sẵn có được coi là luôn thận trọng trong việc đánh giá sự trung thực và hợp lý của thông tin kế toán, do vậy sẽ hạn chế được những hành vi điều chỉnh số liệu của nhà điều hành. Ngoài ra, việc các công ty có kiểm toán nội bộ sẽ giúp tăng cường chất lượng kiểm soát nội bộ, qua đó tăng cường quản trị công ty và hạn chế các hành vi quản trị lợi nhuận. Kết quả này đồng thuận với nghiên cứu của García và cộng sự (2012). Các dấu hiệu về tài chính cũng cho thấy các doanh nghiệp có quy mô tài sản lớn, không thua lỗ, ít vay nợ và có dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh lớn sẽ có CLTT kế toán tốt. phù hợp với các nghiên cứu trước đó của các nghiên cứu của Beneish (1997), Peikun và Jing (2010), Anwar và Buvanendra (2019). Các doanh nghiệp có quy mô lớn thường xem trọng việc xây dựng cơ chế giám sát của nhà quản trị, do vậy hạn chế được các hành vi điều chỉnh thông tin kế toán. Mặt khác, BGĐ các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh lãi, hạn chế vay nợ và có dòng tiền hoạt động kinh doanh lớn sẽ không gặp áp lực phải làm đẹp BCTC để làm hài lòng cổ đông, do vậy các doanh nghiệp này sẽ có CLTT kế toán tốt.

Như vậy, bên cạnh việc phân tích thực trạng chất lượng thông tin kế toán của các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong giai đoạn 2010- 2020, Luận án đã cung cấp bằng chứng thực nghiệm về tác động của QTCT tới CLTT kế toán của các công ty niêm yết trên TTCK Việt Nam. Kết quả nghiên cứu cho thấy tác động tích cực của QTCT tới CLTT kế toán. Cụ thể, trên góc độ cấu trúc sở hữu, các công ty được sở hữu bởi các cổ đông Nhà nước, cổ đông tổ chức và có tỷ lệ sở hữu của BGĐ càng cao thì CLTT kế toán sẽ tốt. Trên góc độ đặc điểm của HĐQT và BKS, HĐQT quy mô lớn, độc lập, thành viên HĐQT có thâm niên và chuyên môn kế toán tài chính, có tỷ lệ thành viên nữ cao, thành viên BKS có thâm niên sẽ có hiệu quả giám sát tốt, qua đó hạn chế các hành vi điều chỉnh lợi nhuận và các sai sót trên BCTC. Kết quả nghiên cứu là cơ sở cho việc đề xuất các giải pháp nhằm hoàn thiện QTCT tại các công ty niêm yết, qua đó nâng cao CLTT kế toán.

Nghiên cứu tác động của quản trị công ty tới chất lượng thông tin kế toán của các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam - 19


CHƯƠNG 5

HOÀN THIỆN QUẢN TRỊ CÔNG TY NHẰM NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG THÔNG TIN KẾ TOÁN CỦA CÁC CÔNG TY NIÊM YẾT TRÊN

THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM


5.1. Định hướng nâng cao chất lượng thông tin kế toán trong quá trình phát triển và hội nhập

Nâng cao chất lượng TTKT là mục tiêu gắn liền với việc phát triển kinh tế quốc gia. TTKT không chỉ là thông tin mang tính nội bộ doanh nghiệp mà còn là cơ sở của việc ra quyết định của các đối tượng bên ngoài đơn vị có liên quan như chủ nợ, nhà đầu tư, Nhà nước... Nhìn rộng hơn, chất lượng TTKT được đảm bảo giúp gia tăng uy tín của đơn vị, tạo cơ hội cho các công ty tiếp cận các nguồn lực tài chính bên ngoài, từ đó giảm chi phí sử dụng vốn và tăng giá trị doanh nghiệp. Nhà đầu tư hay chủ nợ sẽ sẵn sàng đầu tư hoặc cho vay khi rủi ro về tính bất cân xứng thông tin bị hạn chế, quyền lợi về tiếp cận và sử dụng thông tin của thành phần nội bộ và thành phần bên ngoài là như nhau. Đối với cơ quan Nhà nước, việc các công ty cung cấp TTKT chất lượng là cơ sở để Nhà nước thực hiện chức năng quản lý, giám sát hoạt động của doanh nghiệp nói riêng và thị trường vốn nói chung. Với thông tin chất lượng, TTCK sẽ phát huy tốt vai trò là kênh dẫn vốn, thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh và uy tín ở mức độ quốc gia, mặt khác, giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực của khủng hoảng kinh tế thế giới đối với nền kinh tế quốc gia.

Nhận thức được tầm quan trọng của TTKT, trong bối cảnh nhằm bắt kịp với yêu cầu đổi mới theo hướng xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa và xây dựng Nhà nước pháp quyền, Nhà nước đã ban hành hệ thống các văn bản về hệ thống kế toán và kiểm toán Việt Nam. Cho đến này, chúng ta đã có Luật kế toán Việt Nam (2015), hệ thống Chuẩn mực kế toán Việt Nam (2002), hệ thống Nghị định hướng dẫn Luật Kế toán, hệ thống Thông tư. Trong đó, các quy định hiện hành đã và đang từng bước hội nhập với hệ thống Chuẩn mực kế toán quốc tế. Trong bối cảnh nước ta đã và đang tham gia vào các tổ chức kinh tế, chính trị khu vực và trên thế giới, việc dùng chung một ngôn ngữ TTKT và đảm bảo chất lượng TTKT cung cấp có ý nghĩa vô cùng cấp thiết, không chỉ với doanh nghiệp mà còn với nền kinh tế.


Chiến lược kế toán kiểm toán tầm nhìn tới năm 2030 được Thủ tướng chính phủ đã phê duyệt theo Quyết định số 480/QĐ-TTg (2013) với các nhiệm vụ cụ thể:

Một là, nâng cao chất lượng hệ thống thông tin kinh tế, tài chính, ngân hàng thông qua việc hoàn thiện và nghiêm túc thực thi các văn bản Luật kế toán, Luật kiểm toán độc lập; cập nhật, hoàn thiện các hệ thống Chuẩn mực kế toán, kiểm toán phù hợp với sự đổi mới của Chuẩn mực kế toán quốc tế và đáp ứng yêu cầu quản lý nền kinh tế thị trường của Việt Nam; hoàn thiện và tạo lập đầy đủ khuôn khổ pháp lý về kiểm tra thực thi pháp luật kế toán, kiểm toán; về quản lý, giám sát hoạt động cũng như thị trường kế toán, kiểm toán.

Hai là, tăng cường quản lý Nhà nước về kế toán, kiểm toán trên cơ sở đổi mới cơ chế hoạt động, tăng cường lực lượng cho cơ quan quản lý Nhà nước về kế toán kiểm toán của Bộ Tài chính, đồng thời nâng cao chất lượng quản lý nghề nghiệp, phù hợp với thông lệ quốc tế, có sự kết hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý Nhà nước và các tổ chức nghề nghiệp; đồng thời thiết lập cơ chế và hệ thống kiểm tra, giám sát của Nhà nước đối với chất lượng công tác kế toán, kiểm toán thông tin trên báo cáo tài chính của các đơn vị, qua đó nhằm tăng cường giám sát chất lượng báo cáo tài chính, đảm bảo tính trung thực, hợp lý, minh bạch, xử lý nghiêm các sai phạm về lập và trình bày báo cáo tài chính.

Ba là, phát triển mạnh thị trường dịch vụ kế toán, kiểm toán, tăng nhanh số lượng dịch vụ kế toán, kiểm toán và số lượng kế toán viên, kiểm toán viên hành nghề; mở rộng thị trường dịch vụ kế toán, kiểm toán trong và ngoài nước; nâng cao chất lượng dịch vụ kế toán, kiểm toán; đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ kế toán, kiểm toán, đáp ứng yêu cầu quản lý của nền kinh tế quốc dân.

Bốn là, phát triển nguồn nhân lực về kế toán, kiểm toán đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng trên cơ sở triển khai hiệu quả các nội dung; đổi mới, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nhằm tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng các chương trình và bộ tài liệu chuẩn, phù hợp với thông lệ quốc tế về đào tạo, bồi dưỡng, thi các chứng chỉ nghề nghiệp kế toán, kiểm toán.

Năm là, tăng cường hội nhập quốc tế, tạo dựng mối liên hệ chặt chẽ, thừa nhận lẫn nhau giữa Việt Nam và các quốc gia trong khu vực, trên thế giới và các tổ chức


quốc tế; tham gia với tư cách là thành viên chính thức của các tổ chức nghề nghiệp quốc tế; tham gia chủ động vào quá trình xây dựng các chuẩn mực báo cáo quốc tế thông qua các diễn đàn trong khu vực và thế giới.

Sáu là, tăng cường tổ chức hệ thống thông tin thông qua việc thiết lập hệ thống kết nối thông tin giữa giữa các cấp, đơn vị, các công ty cung cấp dịch vụ kế toán, kiểm toán; tổ chức và phát triển trang điện tử của cơ quan quản lý, giám sát của tổ chức nghề nghiệp, tiến đến tổ chức thực hiện quản lý nghề trực tuyến.

5.2. Các giải pháp hoàn thiện quản trị công ty nhằm nâng cao chất lượng TTKT

từ phía doanh nghiệp


Với mục tiêu nâng cao chất lượng TTKT, hoàn thiện hệ thống quản trị công ty được coi là giải pháp hiệu quả từ phía doanh nghiệp. Dựa trên mẫu dữ liệu từ các doanh nghiệp niêm yết trên hai Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, Luận án tìm hiểu tác động của các nhân tố thuộc quản trị công ty đến CLTT kế toán của các công ty niêm yết trên TTCK Việt Nam. Kết quả nghiên cứu cung cấp bằng chứng thực nghiệm về tác động của cấu trúc sở hữu, đặc điểm HĐQT và đặc điểm BKS lên CLTT kế toán. Cụ thể, các công ty có sở hữu Nhà nước, sở hữu cổ đông tổ chức, sở hữu BGĐ lớn có xu hướng cung cấp TTKT chất lượng. Trên góc độ đặc điểm HĐQT, các đơn vị có quy mô HĐQT lớn, độc lập, thành viên HĐQT có thâm niên và chuyên môn trong lĩnh vực kế toán tài chính và tỷ lệ thành viên nữ cao sẽ tăng cường chức năng giám sát, hạn chế các hành vi điều chỉnh TTKT từ các thành phần nội bộ. Ngoài ra, đối với đặc điểm của BKS, kết quả nghiên cứu cung cấp bằng chứng cho thấy tác động tích cực của các thành viên BKS có thâm niên với CLTT kế toán của các công ty niêm yết. Từ các kết quả nghiên cứu nói trên, Luận án đề xuất một số giải pháp hoàn thiện QTCT từ góc độ công ty niêm yết nhằm nâng cao CLTT kế toán.

5.2.1. Các giải pháp liên quan đến cấu trúc sở hữu


Giải pháp liên quan tới sở hữu cổ đông tổ chức


Kết quả nghiên cứu cho thấy tương quan tích cực giữa sở hữu của cổ đông tổ chức tới chất lượng TTKT. Khác với các nhà đầu tư nhỏ lẻ, nhà đầu tổ chức thường có chiến lược đầu tư dài hạn, nguồn vốn lớn, cho phép các nhà đầu tư này có thể cử


đại diện tham gia vào hệ thống quản trị công ty trong vai trò giám sát như trở thành thành viên HĐQT hay thành viên BKS. Bản thân các tổ chức khi xem xét danh mục đầu tư đã đặt niềm tin vào cổ phiếu của các công ty niêm yết minh bạch thông tin và có kết quả kinh doanh khả quan. Trong quá trình tham gia vào hệ thống giám sát, các cá nhân đại diện sở hữu của tổ chức được kỳ vọng là các chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế tài chính, do vậy sẽ tăng hiệu quả giám sát, hạn chế các hành vi điều chỉnh TTKT. Do đó, một trong những giải pháp được đề xuất là thu hút sự tham gia của các nhà đầu tư tổ chức.

Đối với các công ty niêm yết, nhằm thu hút sự tham gia của các nhà đầu tư tổ chức, khi tăng vốn, ngoài việc phát hành cho cổ đông hiện hữu, công ty có thể thực hiện phát hành riêng lẻ với đối tượng là cổ đông chiến lược hay các nhà đầu tư tổ chức. Theo Luật Doanh nghiệp 2020 số 59/2020/QH14, chào bán cổ phần riêng lẻ là việc công ty tăng thêm số lượng cổ phần, loại cổ phần được quyền chào bán để tăng vốn điều lệ và đáp ứng hai điều kiện: một là, không chào bán thông qua phương tiện thông tin đại chúng; hai là, chào bán cho dưới 100 nhà đầu tư, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp hoặc chỉ chào bán cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Trên thực tế, khi công ty mục tiêu cần huy động vốn riêng lẻ từ các nhà đầu tư tổ chức, thì vị thế đàm phán của nhà đầu tư tổ chức cũng khác so với vị thế của cổ đông hiện hữu. Thông thường, nhà đầu tư tổ chức sẽ giải ngân vốn đầu tư khi công ty đảm bảo các điều kiện nhất định về cả khía cạnh pháp lý cũng như tài chính, thương mại. Do đó, việc đề xuất một phương án sử dụng vốn hiệu quả, đàm phán và đặt ra điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư tổ chức khi phát hành riêng lẻ, kể cả thuận lợi hơn so với cổ đông hiện hữu, là việc rất cần thiết, nâng cao sự chủ động cho công ty và nhà đầu tư tổ chức. Để nâng cao hiệu quả phát hành riêng lẻ, các công ty niêm yết có thể sử dụng dịch vụ tư vấn phát hành từ các tổ chức tài chính như ngân hàng, các công ty chứng khoán. Với lợi thế về kinh nghiệm, chuyên môn và mối quan hệ với các trung gian tài chính, các nhà đầu tư tổ chức khác, các tổ chức này có khả năng hỗ trợ các công ty niêm yết trong việc tìm kiếm nhà đầu tư cũng như tư vấn, đàm phán và thực hiện các thủ tục pháp lý để chào bán riêng lẻ cổ phiếu.

Đối với nhà đầu tư tổ chức nước ngoài, theo Nghị định số 155/2020/NĐ-CP tỷ lệ sở hữu của các nhà đầu tư này đang không bị hạn chế ở mức tối đa, ngoại trừ một


số trường hợp đặc biệt tuân thủ điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, các công ty hoạt động trong ngành, nghề đầu tư kinh doanh mà pháp luật liên quan có quy định về sở hữu nước ngoài, hoặc hoạt động trong ngành, nghề đầu tư kinh doanh thuộc danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài. Trong trường hợp ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện tại danh mục không quy định cụ thể về tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài trong tổ chức kinh tế thì tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa tại công ty là 50% vốn điều lệ. Trong trường hợp này các công ty niêm yết do bị khống chế tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài nên sẽ gặp khó khăn trong việc thu hút vốn đầu tư từ các nhà đầu tư nước ngoài nói chung và nhà đầu tư tổ chức nói riêng. Do vậy, các công ty này cần có sự lựa chọn các nhà đầu tư nước ngoài có năng lực về vốn, phù hợp định hướng chiến lược của công ty, thay vì mở tối đa tỷ lệ sở hữu cho tất cả nhà đầu tư nhỏ lẻ hay nhà đầu tư tổ chức.

Cuối cùng, nhằm thu hút vốn đầu tư từ các nhà đầu tư tổ chức, các công ty niêm yết cần nâng cao chất lượng của chính bản thân đơn vị trên TTCK. Nhà đầu tư tổ chức hay cá nhân sẽ có xu hướng lựa chọn các công ty có tình hình kinh doanh tốt, đồng thời minh bạch trong công bố thông tin. Minh bạch thông tin trên thị trường được hiểu là việc các chủ thể kinh tế (người dân, doanh nghiệp hoặc Chính phủ) có thể cập nhật các thông tin liên quan đến thị trường một cách đầy đủ, tin cậy, kịp thời và có thể tiếp cận một cách dễ dàng (Vishwanath và Kaufmann, 1999). Các công ty cần công khai các thông tin đơn vị bao gồm cả thông tin tài chính và phi tài chính. Nghị định số 71/2017/NĐ-CP quy định Công ty đại chúng, bao gồm các công ty niêm yết, có nghĩa vụ công bố đầy đủ, chính xác và kịp thời thông tin định kỳ và bất thường về tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, tài chính và tình hình quản trị công ty cho cổ đông và công chúng, và công bố thông tin khác nếu các thông tin đó có khả năng ảnh hưởng đến giá chứng khoán và ảnh hưởng đến quyết định của cổ đông và nhà đầu tư. Việc công bố thông tin tài chính phải được các công ty niêm yết công bố định kỳ hàng quý, 6 tháng soát xét và hằng năm có kiểm toán. Tuy nhiên, trên thực tế các công ty niêm yết thường xuyên vi phạm quy định về công bố thông tin. Theo thống kê của Ủy ban Chứng khoán (2018), trong năm 2018, có 397 trường hợp (129 tổ chức và 268 cá nhân) vi phạm liên quan đến hành vi thao túng, tạo cung cầu giả trên TTCK; buộc cải chính thông tin đối với 3 trường hợp báo cáo không chính xác,


công bố thông tin sai lệch. Điều này làm hạn chế uy tín của công ty cũng như làm mất niềm tin của nhà đầu tư, từ đó khó dành được sự quan tâm của các nhà đầu tư tổ chức có chuyên môn. Do vậy, bản thân công ty cần nâng cao ý thức trong việc thực hiện công khai, minh bạch và kịp thời thông tin.

Giải pháp liên quan tới sở hữu của Ban giám đốc


Kết quả nghiên cứu đã cung cấp bằng chứng thực nghiệm cho thấy các công ty có tỷ lệ sở hữu BGĐ càng cao, CLTT kế toán toán càng tốt. Khi nhà điều hành trở thành chủ sở hữu, vấn đề đại diện được giải quyết, do vậy BGĐ sẽ không chỉ nỗ lực trong việc điều hành công ty vì vấn đề lương thưởng theo hợp đồng lao động mà còn bởi thu nhập tới từ cổ phần sở hữu khi công ty có kết quả kinh doanh tốt. Ngoài ra, BGĐ khi trở thành chủ sở hữu sẽ giảm bớt áp lực bị sa thải do đó, hạn chế động cơ điều chỉnh thông tin nhằm che giấu của đơn vị liên quan tới hoạt động kinh doanh.

Nhằm gia tăng sở hữu của BGĐ, giải pháp được đề xuất là khuyến khích các đơn vị có chính sách động viên cho cán bộ nhân viên, đặc biệt là BGĐ bằng cổ phiếu. Theo Gillan (2006), cơ chế khuyến khích là một phần quan trọng của quản trị công ty, bao gồm lương cơ bản, các khoản phúc lợi, phụ cấp, tiền thưởng và cổ phiếu. Việc chia thưởng cho cán bộ công nhân viên nói chung và BGĐ nói riêng có thể được thực hiện thông qua hình thức phát hành cổ phiếu cho cán bộ công nhân viên (ESOP). ESOP là kế hoạch phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động trong công ty. Cổ phiếu ESOP thường được phát hành với giá ưu đãi, thấp hơn giá thị trường kèm một số điều kiện như hạn chế chuyển nhượng trong một khoảng thời gian nhất định. ESOP một mặt bảo đảm phúc lợi cho nhân viên mà công ty cũng không phải tốn nhiều chi phí, thậm chí còn tăng vốn chủ sở hữu để phục vụ sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra, so với thưởng bằng tiền mặt, thì thưởng bằng cổ phiếu có tác dụng giúp nhân viên gắn bó với công ty hơn và cố gắng đóng góp vào hoạt động kinh doanh của công ty. Tuy nhiên việc phát hành ESOP sẽ ảnh hưởng tới quyền lợi của các cổ đông hiện hữu khác do giá cổ phiếu bị pha loãng, vì vậy cần phải được các cổ đông biểu quyết thông qua và khống chế bởi một tỷ lệ nhất định. Theo thông tư 162/2015/TT-BTC của Bộ Tài Chính, việc phát hành cổ phiếu ESOP phải đảm bảo các điều kiện: một là, có chương trình lựa chọn và kế hoạch phát hành cổ phiếu được

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 11/01/2024