Năng lực hội nhập kinh tế quốc tế của các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam - Thực trạng và giải pháp phát triển - 11


3.2.1.5. Xây dựng và thực thi chính sách thị trường, khuyến khích xuất khẩu

- Thành lập các quỹ hỗ trợ tín dụng xuất khẩu: Đối tượng được xem xét hỗ trợ là những doanh nghiệp vừa và nhỏ trực tiếp tham gia vào các hợp đồng xuất khẩu, không phân biệt mặt hàng xuất khẩu. Lãi suất ưu đãi có thể được áp dụng đối với một số ngành được xác định theo quyết định của Chính phủ. Tuy nhiên, trong thời gian trước mắt để hạn chế việc tăng thêm đầu mối và để các ngân hàng thương mại kinh doanh bình thường thì việc hỗ trợ chênh lệch lãi suất vẫn nên để các quỹ (quỹ hỗ trợ xuất khẩu hoặc Quỹ hỗ trợ phát triển) thực hiện.

- Mở rộng các nghiệp vụ bảo hiểm xuất khẩu ví dụ như bảo hiểm xuất khẩu toàn diện mà trong đó bên xuất khẩu được bảo hiểm từ khi ký hợp đồng xuất khẩu đến khi thanh toán xong; Bảo hiểm hoá đơn xuất khẩu, các tổ chức bảo hiểm sẽ bảo vệ quyền lợi bên xuất khẩu khi bên nhập khẩu không chịu thanh toán.

3.2.1.6. Tăng cường các kênh thông tin

Nhà nước cần có các hành động cụ thể nhằm cải thiện tình hình hạn chế về tiếp cận thông tin ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ như:

- Giảm đáng kể chi phí viễn thông nói chung và chi phí tiếp cận Internet nói riêng;

- Thu thập, xử lý và truyền bá rộng rãi các kênh thông tin kinh tế có chất lượng cao, kịp thời về kinh tế và các xu hướng kinh doanh;

- Tạo điều kiện cho việc tiếp cận và xuất bản các thông tin thương mại chất lượng cao thông qua tất cả các kênh thông tin đại chúng bao gồm báo


Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 105 trang tài liệu này.

chí, truyền hình và nhà xuất bản, trong đó có việc xuất bản và công bố những số liệu kinh tế do các cơ quan của Chính phủ thu thập được;

- Tạo điều kiện cho các tất cả các tổ chức giáo dục chủ chốt cung cấp các khoá đào tạo rộng rãi về sử dụng Internet;

Năng lực hội nhập kinh tế quốc tế của các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam - Thực trạng và giải pháp phát triển - 11

- Cho phép và khuyến khích các cơ chế khác nhau qua đó để giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể chia sẻ thông tin và học hỏi lẫn nhau.


3.2.2. Giải pháp về phía doanh nghiệp

3.2.2.1. Định vị một cách chính xác vị thế của doanh nghiệp trên thị trường

Việc tự kiểm tra và đánh giá có tầm quan trọng đặc biệt, nó cho doanh nghiệp biết là đang đứng ở đâu, trên cơ sở đó doanh nghiệp có thể đề ra đối sách thích hợp để phát triển. Đây là việc mỗi doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam cần phải làm ngay, coi như bước đầu tiên trong quá trình chuẩn bị hội nhập.

Một phương pháp thường được sử dụng để tự đánh giá là phân tích SWOT, tức là tìm ra được những Điểm mạnh (Strengths), Điểm yếu (Weaknesses), Cơ hội (Opportunities) và Thách thức (Threats).

Điểm mạnh và điểm yếu là những vấn đề nội tại của doanh nghiệp. Hãy xem xét các bộ phận khác nhau như tài chính, kế toán, thiết bị số lượng và chất lượng hàng tồn kho, tay nghề và khả năng của nhân viên; xác định xem những yếu tố nào giúp ích cho công việc kinh doanh (Điểm mạnh) và những yếu tố nào cản trở (Điểm yếu).


Cơ hội và Thách thức là những yếu tố bên ngoài ảnh hưởng đến doanh nghiệp. Hãy xem xét môi trường rộng hơn xung quanh, đặc biệt là những thay đổi đang diễn ra, và xác định xem chúng có giúp ích cho phát triển doanh nghiệp hay là cản trở nó.

Phân tích Điểm mạnh, Điểm yếu, Cơ hội và Thách thức sẽ giúp doanh nghiệp tìm ra những Điểm mạnh và Cơ hội giúp doanh nghiệp phát triển một cách hiệu quả nhất, cũng như những Điểm yếu và Nguy cơ cần khắc phục ngay để ngăn ngừa không cho chúng làm hại đến sự phát triển của doanh nghiệp.

3.2.2.2. Tăng cường năng lực thu nhận thông tin kinh tế quốc tế và luật thương mại quốc tế

Tăng khả năng tiếp cận thông tin kinh tế quốc tế như các thông tin về sự biến động của thị trường, các xu hướng kinh doanh mới trên thế giới, về các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế,...

Nâng cao trình độ hiểu biết về luật lệ thương mại quốc tế. Cơ sở vận hành của nền kinh tế quốc tế là luật mà các văn bản pháp lý của WTO đóng vai trò rất quan trọng. Các văn bản pháp lý này hiện đã gồm hơn 50.000 trang. Do đó, nếu không hiểu luật của WTO thì sẽ không tham gia cuộc chơi được. Một mặt, thông qua các Bộ, ngành liên quan các doanh nghiệp có thể phần nào hiểu biết được về WTO.

3.2.2.3. Xây dựng chiến lược phát triển thị trường

Các doanh nghiệp phải có chiến lược phát triển thị trường, kể cả thị trường trong nước và ngoài nước. Tham gia hội nhập nền kinh tế Việt Nam vào thị trường thế giới là gia nhập nền kinh tế thị trường biến động với cung


cầu luôn thay đổi, cần phải có chiến lược thích ứng nhanh. Do ta là người đi sau, cần phải tận dụng cơ hội về khoảng trống thị trường do xu thế toàn cầu hoá tạo ra để nhanh chóng chiếm lĩnh những thị trường đó. Chính vì vậy, trong thời gian trước mắt, nỗ lực sản xuất những mặt hàng ta có lợi thế so sánh quốc tế hướng về xuất khẩu sẽ là bước đi đúng đắn cho các nhà sản xuất của Việt Nam, trong đó có cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Doanh nghiệp vừa và nhỏ khó có thể xâm nhập thị trường quốc tế bằng con đường rộng, dàn trải mà chỉ có thể tìm kiếm và tập trung nguồn lực vào các “tiểu thị trường”, hay còn gọi là chiến lược tập trung vào thị trường ngách. Thị trường ngách được hiểu là một bộ phận nhỏ tập trung vào nhóm khách hàng nào đó, một khu vực thị trường hẹp nào đó trên thương trường quốc tế. Ví dụ các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu gia vị của Thái Lan đã rất thành công khi họ đã chọn nhóm khách hàng là người Châu Á sống ở các quốc gia Âu - Mỹ. Bởi thế, ngoài hương vị, nguyên liệu chế biến thì hình thức bao gói, kích cỡ, kênh bán hàng cũng như hệ thống phân phối đều nhằm tới nhóm khách hàng mục tiêu này.


Các doanh nghiệp cần phải xây dựng được một hệ thống kênh phân phối rộng rãi không chỉ trong nước mà còn ở thị trường nước ngoài. Các doanh nghiệp phải coi nhà phân phối là đối tác khách hàng của doanh nghiệp khi vươn tới thị trường mục tiêu, và cư xử với họ như một khách hàng. Về bản chất, doanh nghiệp cần một giải pháp win - win (hai bên cùng thắng) giữa doanh nghiệp và nhà phân phối. Để hướng tới mối quan hệ đối tác, doanh nghiệp và nhà phân phối cần có chung một mục tiêu lâu dài, sự chia sẻ quyền lợi và trách nhiệm. Trên cơ sở cân nhắc các hoạt động kênh dựa trên quan


điểm của khách hàng, doanh nghiệp cần chuyển các bên tham gia hệ thống kênh thành các đối tác có cùng một mục tiêu chung và hiểu biết lẫn nhau. Từ đó, các đối tác tham gia kênh sẽ hiểu rõ các yêu cầu phải đáp ứng và lợi ích thu được, cũng như việc thu hút khách hàng và các đối tác khác tham gia trong kênh. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần thường xuyên hướng dẫn và định hướng thiết kế kênh phân phối, thực hiện quản lý kênh nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng và tạo ra lợi nhuận cho các đối tác. Để biến nhà phân phối thành đối tác, doanh nghiệp nên bắt đầu từ cấu trúc kênh phân phối, và một chính sách làm việc với nhà phân phối phù hợp. Điều này không nhất thiết phải sử dụng nhiều chi phí, nó chỉ cần sự sáng tạo và tính chuyên nghiệp của đội ngũ phát triển thị trường.


Hơn nữa, các doanh nghiệp vừa và nhỏ phải chủ động tiến hành các biện pháp xúc tiến thương mại, tăng cường quảng bá sản phẩm, hình ảnh, thương hiệu của doanh nghiệp mình ra thế giới như: cử đoàn đi khảo sát thị trường nước ngoài, tham gia triển lãm, hội chợ quốc tế, thành lập văn phòng đại diện tại nước ngoài…


3.2.2.4. Phát triển nguồn nhân lực

Trước hết, các giám đốc của các doanh nghiệp vừa và nhỏ phải chịu trách nhiệm tìm kiếm và học hỏi cái họ cần để thành công khi chính phủ xây dựng được một khuôn khổ phù hợp. Những người quản lý doanh nghiệp vừa và nhỏ cần phải hiểu sâu hơn về vai trò của họ trong việc xây dựng doanh nghiệp của mình và sẵn sàng đảm nhận vai trò này. Cần phải tăng cường năng lực quản trị kinh doanh của các giám đốc và cán bộ quản lý trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tăng khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp trong đó


có doanh nghiệp vừa và nhỏ bằng cách nâng cao năng lực lảnh đạo của các chủ doanh nghiệp là yếu tố thiết yếu. Hai yếu tố thiết yếu hình thành năng lực tổng hợp của một doanh nhân đó là tố chất nghiệp chủ và năng lực quản lý.


Đối với giám đốc và nhà quản lý doanh nghiệp, để nâng cao khả năng làm việc và giao dịch quốc tế, tiếp cận các tiêu chuẩn, các thông lệ của thế giới thì cần chú trọng phát triển những kiến thức, kỹ năng chủ yếu như:


- Năng lực về ngoại ngữ (mặc dù có thể sử dụng người phiên dịch nhưng cần có ngoại ngữ tối thiểu và nên hạn chế sự phụ thuộc hoàn toàn vào phiên dịch). Đây có lẽ là một trong những điểm đáng chú ý nhất đối với các doanh nghiệp ở nước ta, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.


- Kiến thức cơ bản về văn hoá, xã hội, lịch sử trong kinh doanh quốc tế.


- Giao tiếp quốc tế và quan hệ công chúng


- Hiểu biết thấu đáo về các thông lệ quốc tế trong lĩnh vực, ngành kinh doanh cũng như nhu cầu của khách hàng trong phân đoạn thị trường mục tiêu của công ty.


- Kỹ năng quản lý thời gian, quản lý chi phí

- Phân tích về đối thủ cạnh tranh một cách kỹ lưỡng, dự đoán và đưa ra các định hướng chiến lược.


Thứ hai, đội ngũ nhân viên của doanh nghiệp phải liên tục được đào tạo cả về kỹ năng làm việc cũng như trau dồi ngoại ngữ để có thể đảm nhận được công việc trong môi trường cạnh tranh quốc tế. Vấn đề này không chỉ bản


thân nhân viên doanh nghiệp tự nhận thức mà doanh nghiệp cũng phải đứng ra chịu trách nhiệm gửi nhân viên đi đào tạo và các chi phí liên quan.


3.2.2.5. Tham gia thương mại điện tử

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ nên chủ động tham gia vào Thương mại điện tử, một công cụ kinh doanh hữu hiệu trong nền kinh tế mạng cũng như trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Lập kế hoạch đào tạo đội ngũ nhân viên có trình độ, chuẩn bị các bước cần thiết để khi chính phủ hoàn thiện môi trường pháp lý là có thể sẵn sàng tham gia mà không bị bỡ ngỡ và lỡ mất thời cơ. Chủ động tham gia các hội thảo về Thương mại điện tử do chính phủ hoặc các tổ chức nước ngoài tổ chức đồng thời tham khảo và học hỏi kinh nghiện nước ngoài về cách thức kinh doanh trên Internet.

Khi tham gia thương mại điện tử các doanh nghiệp nên lưu tâm đến việc xây dựng Website riêng hoặc đăng quảng cáo tại một Website nhiều người biết tới để cung cấp thông tin về doanh nghiệp cũng như quảng bá sản phẩm. Website của doanh nghiệp phải chắc chắn tạo được lòng tin đối với những khách hàng tiềm năng. Do vậy, đặc biệt cần chú trọng quan tâm đến việc bảo mật cho khách hàng trước hết là đảm bảo hệ thống máy chủ an toàn. Có thể tạo một đường dẫn tới trang giới thiệu về khả năng bảo mật cao của hệ thống thanh toán của doanh nghiệp. Hơn nữa, thông tin đưa ra phải đầy đủ, chính xác: Trình bày một cách rõ ràng các thông tin chi tiết liên quan đến doanh nghiệp như: số điện thoại, fax, địa chỉ trụ sở làm việc, e-mail, thông tin giới thiệu một số nhân vật chủ chốt trong doanh nghiệp,... đó là những thông tin tối thiểu mà đối tác làm ăn muốn biết. Thêm nữa, doanh nghiệp cũng đừng quên trình bày với khách hàng một cách thẳng thắn về chất lượng sản phẩm,


phương thức vận chuyển hàng, vấn đề hoàn trả và bảo mật hàng hoá. Doanh nghiệp phải thiết kế site sao cho luôn cập nhập để phản ánh vào việc bán hàng, chiết khấu hay cung cấp thông tin về sản phẩm sẵn có. Đó là cách tốt nhất để thu hút chỉ dẫn sản phẩm một cách trực tiếp từ cơ sở dữ liệu cho việc cập nhập liên tục. Hình ảnh cũng như các file dữ liệu phải thật sự gây ấn tượng cho mọi đối tượng truy nhập, luôn luôn có những sáng kiến đổi mới để tạo được trang Web với những hình ảnh sống động, âm thanh vui tươi mang bản sắc riêng và nét đặc trưng riêng của doanh nghiệp. Tốc độ truy cập vào trang web cũng phải nhanh để khách hàng có thể lựa chọn sản phẩm dễ dàng hơn và nhanh hơn.


3.2.2.6. Áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc

tế

Trong giai đoạn hiện nay, việc áp dụng ISO 9000 tại các doanh nghiệp

vừa và nhỏ ở Việt Nam đang ngày càng trở nên bức thiết. Đứng ngoài quá trình này, sẽ dẫn đến hệ quả tất yếu là: thị trường bị thu hẹp, thu nhập giảm sút, không có kinh phí đầu tư cho nâng cấp hệ thống để được chứng nhận, thị trường lại càng bị thu hẹp,... Thực tế của tiến trình áp dụng ISO 9000 đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam hiện nay đang vừa là cơ hội vừa là thách thức: Là cơ hội vì chúng ta có người đi trước để học hỏi, nhưng cũng là thách thức vì phải vượt qua rất nhiều khó khăn chúng ta mới có thể lấp đầy khoảng cách với các quốc gia đã phát triển. Vì vậy, các doanh nghiệp vừa và nhỏ trước hết cần phải ý thức về việc áp dụng hệ thống chất lượng quốc tế và có những biện pháp để khắc phục khó khăn như:

Xem tất cả 105 trang.

Ngày đăng: 09/05/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí