Khoảng Trống Nghiên Cứu Của Đề Tài


1% GDP viện trợ sẽ làm giảm 1% nghèo khổ và giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh, đồng thời khuyến khích đầu tư tư nhân vì tạo ra môi trường cơ sở hạ tầng tốt hấp dẫn các nhà đầu tư.

Các công trình đã tập trung nghiên cứu với mục tiêu tăng cường thu hút, quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ODA. Các nghiên cứu trên chủ yếu phân tích, đánh giá các nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng ODA cũng như tác động của nguồn vốn này đối với phát triển KTXH của quốc gia tiếp nhận.

Feeny, S. (2007) khi nghiên cứu về quản trị tài chính nguồn viện trợ nước ngoài tại Melanesia, đã nhấn mạnh đến việc tăng cường hiệu quả sử dụng vốn vay ODA bằng việc ủy thác cho các TCTD cho vay lại các dự án. Cơ chế cho vay lại và trả nợ sẽ đảm bảo được mục đích và hiệu quả sử dụng vốn và khả năng trả nợ nước ngoài, hạn chế được tình trạng thất thoát và lãng phí trong đầu tư dự án ODA [74]. Mohamed Ariff (1998) nghiên cứu về hiệu quả ODA tại Trung Quốc cũng đã đề cập cơ chế cho vay lại. Tác giả cho rằng để tạo ra hiệu quả trong quản lý vốn ODA thì cần sử dụng cơ chế quản lý tài chính tập trung và thực hiện cho vay lại và trả nợ. Các dự án ODA do các thành phần kinh tế, chính quyền địa phương vay lại vốn ODA và tự chịu trách nhiệm trả nợ theo cam kết khoản vay để đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn ODA [88].

Nghiên cứu đã đề cập đến phương thức tài trợ vốn ODA cho dự án, nhấn mạnh đến vai trò kênh tín dụng vốn ODA thông qua ủy thác cho TCTD cho vay lại. Mặc dù không xây dựng tiêu chí đánh giá hiệu quả cho vay lại vốn ODA tại TCTD, nhưng các công trình này đã phân tích làm rõ vai trò, tầm quan trọng của kênh phân phối vốn ODA này để đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn, khả năng tận dụng vốn, tránh thất thoát và hạn chế rủi ro trong đầu tư bằng nguồn vốn ODA.

2.2. Các nghiên cứu trong nước

Nghiên cứu các công trình trong nước có liên quan đến nâng cao hiệu quả cho vay lại vốn ODA, tác giả chia thành bốn nhóm công trình nhằm vận dụng kết quả của các nghiên cứu này, đồng thời tìm ra khoảng trống nghiên cứu của đề tài:

(1) Vai trò vốn ODA; (2) Hiệu quả sử dụng vốn ODA; (3) Hiệu quả cho vay lại vốn ODA tại TCTD và (4) Các nghiên cứu tại VDB.


- Vai trò vốn ODA

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 217 trang tài liệu này.

Nghiên cứu của Vũ Thị Kim Oanh (2002) đã khái quát lịch sử phát triển của vốn ODA, chỉ rõ mục tiêu, vai trò của ODA đối với các nước đang phát triển. Tác giả cho rằng, khái niệm ODA được đưa ra bởi OECD từ năm 1969, với mục tiêu hỗ trợ các nước nhận tài trợ phát triển kinh tế và xã hội. Tác giả cũng đã làm rõ vai trò và tác động của ODA đối với nước nhận tài trợ cũng như nước tài trợ. Qua nghiên cứu thực trạng ODA của Việt Nam giai đoạn 1993 - 2000, tác giả đã chỉ ra những tồn tại từ đó đưa ra giải pháp cho Việt Nam nhằm nâng cao hiệu quả vốn ODA [38]. Vai trò của ODA trong chiến lược phát triển kinh tế ở các nước đang phát triển cũng được thể hiện rõ trong nghiên cứu của Phạm Thị Túy (1999) [56]. Trần Thị Hồng Thủy (2015) đặt vấn đề nghiên cứu ODA trong bối cảnh Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình. Tác giả cho rằng trong điều kiện Việt Nam chuyển từ quan hệ viện trợ sang quan hệ đối tác phát triển, quy mô vốn ODA có xu hướng giảm, bên cạnh đó khoản vay ưu đãi và vay thương mại sẽ tăng lên. Vai trò của ODA phải được gắn liền với từng giai đoạn phát triển KTXH, cần phải tính đến chiến lược phát trển của Việt Nam như tăng cường ngoại giao, mở rộng quan hệ hợp tác kinh tế và đầu tư. Tác giả cũng đã chỉ ra bài học kinh nghiệm quốc tế cho Việt Nam và đề xuất các giải pháp đảm bảo hiệu quả vốn ODA giai đoạn này như xây dựng lộ trình tốt nghiệp ODA, đảm bảo an toàn nợ bền vững, có tư duy mới về quan hệ đối tác và xây dựng cơ chế tăng cường sự tham gia ODA của người dân [52].

Các công trình đã luận giải, làm rõ bản chất của nguồn vốn ODA, tác động của ODA đến cả nước tiếp nhận và quốc gia tài trợ. Nghiên cứu đề cập khá sâu nội hàm ODA trên góc độ của nước tiếp nhận vốn qua đó làm nổi bật mục tiêu, vai trò của ODA đối với phát triển KTXH như hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng dịch vụ công, xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường và tăng trưởng xanh, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật.

Nâng cao hiệu quả cho vay lại vốn ODA tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam - 3

- Hiệu quả sử dụng vốn ODA

Các nghiên cứu nhằm nâng cao hiệu quả thu hút, quản lý và sử dụng vốn ODA cũng được nhiều tác giả thực hiện dưới nhiều giác độ và phạm vi khác nhau.


Trần Kim Chung (2010) đã đưa ra tám nhân tố cần chú ý để thu hút và sử dụng hiệu quả ODA là (1) nâng cao nhận thức và hiểu đúng về bản chất của ODA; (2) Sử dụng ODA có chọn lọc, phù hợp và kết hợp hài hòa với các nguồn đầu tư khác; (3) đẩy mạnh tốc độ giải ngân ODA; (4) tối đa hiệu quả và tốc độ lan tỏa của ODA; (5) mở rộng diện thụ hưởng ODA tới khu vực tư nhân để thực hiện các chương trình và dự án phục vụ các lợi ích cộng đồng; (6) xây dựng kế hoạch hợp lý cho việc phân cấp ODA; (7) tăng cường theo dõi và quản lý ODA; (8) xây dựng kế hoạch giảm dần theo thời gian trả nợ ngắn hạn và gắn với điều kiện chặt chẽ [15]. Nguyễn Ngọc Vũ (2010) cho rằng các yếu tố để nâng cao hiệu quả sử dụng ODA tại Việt Nam là:

(1) phải có quan niệm đúng đắn về vốn ODA; (2) luôn tính tới yếu tố trượt giá của đồng VNĐ để thỏa thuận lãi suất phù hợp; (3) cần khắc phục tính ỷ lại, trông chờ vào nguồn NSNN; (4) Thu hút đầu tư ODA một cách hợp lý, tránh dàn trải nhưng cũng không nên tập trung quá nhiều vào một số địa phương và một số ngành dẫn tới mất cân đối trong quá trình phát triển bền vững quốc gia; (5) cần phối hợp đồng bộ giữa các Bộ, ngành, địa phương và chủ đầu tư để nâng cao tỷ lệ giải ngân, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án [60]. Nghiên cứu của Bùi Đình Viên (2016) đặt vấn đề nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn vốn ưu đãi khi Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình. Tác giả đã đưa ra các tiêu chí đánh giá hiệu quả sử dụng ODA và vốn ưu đãi, các nhân tố ảnh hưởng. Trên cơ sở phân tích thực trạng của Việt Nam giai đoạn 2011 - 2015, tác giả đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thu hút và sử dụng ODA và vốn ưu đãi trong điều kiện Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình thấp [59].

Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ODA cũng được các tác giả nghiên cứu theo từng địa phương, ngành và lĩnh vực đầu tư. Hà Thị Thu (2014) nghiên cứu thu hút và sử dụng vốn ODA vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn Việt Nam tại vùng Duyên hải Miền Trung [50]. Tác giả khẳng định ODA tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp và phát triển nông thôn trong thời kỳ mới. Nguyễn Thị Lan Anh (2015) nghiên cứu hiệu quả sử dụng vốn ODA tại khu vực Tây Bắc, Việt Nam [1]. Tác giả tập trung đánh giá đóng góp của ODA tới tăng


trưởng kinh tế và phúc lợi xã hội, từ đó chỉ rõ các nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng ODA tại khu vực vùng cao - miền núi nói chung, khu vực Tây Bắc nói riêng gồm: năng lực đội ngũ cán bộ tham gia quản lý ODA; sự đồng bộ của cơ chế chính sách; điều kiện tự nhiên, trình độ văn hóa, tập quán canh tác. Nguyễn Việt Cường (2016) nghiên cứu về thu hút vốn ODA nhằm thực hiện mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội ở Việt Nam đến năm 2020 [16]. Tác giả đưa ra các nhóm giải pháp chủ yếu tăng cường thu hút ODA gắn với từng nhân tố cụ thể (1) tăng cường, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà tài trợ và bên tiếp nhận; (2) hoàn thiện thể chế, pháp luật chính sách, chiến lược ODA; (3) tăng cường hiệu quả sử dụng vốn ODA. Nguyễn Đình Nam (2017) trên cơ sở nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng vốn ODA vào phát triển đường sắt đô thị ở Việt Nam, đã đề xuất mô hình xây dựng các nhân tố tác động đến hiệu quả triển khai dự án sử dụng vốn ODA gồm sáu nhân tố là (1) năng lực tài chính, (2) năng lực tổ chức;(3) năng lực điều hành; (4) tầm nhìn của lãnh đạo; (5) khả năng thích nghi và (6) quản lý rủi ro [31].

Một số nghiên cứu tập trung vào hiệu quả quản lý vốn ODA. Tôn Thanh Tâm (2005) đã tập trung phân tích thực trạng chế tài thanh tra, kiểm tra, giám sát tại các chương trình, dự án dựa trên cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước về ODA. Từ đó tác giả đưa ra một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về ODA cho các chương trình dự án [44]. Đây được xem là công trình nghiên cứu khá đầy đủ, toàn diện về hiệu quả quản lý ODA tại Việt Nam. Nghiên cứu của Lê Xuân Bá và cộng sự (2008) cho thấy, thực tế phân cấp quản lý ODA ở Việt Nam hạn chế như năng lực quản lý và chuyên môn yếu kém đã làm cho các dự án ODA ở địa phương kém hiệu quả, việc chuyển giao trách nhiệm trong khi không đủ nguồn lực cần thiết đã làm cho việc phân phối công bằng dịch vụ hoặc cung cấp dịch vụ khó khăn hơn, chưa gắn kết giữa các cấp quản lý đã làm cho sự phối hợp thực hiện chính sách trở nên phức tạp và không đảm bảo tính thông suốt, khung pháp lý chưa đồng bộ, nội dung phân cấp quản lý ODA thể hiện trong rất nhiều văn bản khác nhau, việc hài hòa chính sách, thủ tục và quy trình giữa Việt Nam và nhà tài trợ cũng còn chậm, có sự cách biệt còn lớn [2]. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2012),


cũng đã tập trung nghiên cứu, xây dựng cơ chế quản lý việc giải ngân vốn đối ứng cấp phát từ NSNN cho các dự án ODA nhằm đáp ứng với thực tiễn vốn ODA tại Việt Nam giai đoạn 2012- 2018 [3].

Nghiên cứu đã đi sâu phân tích, luận giải trên các nội dung về thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA nhằm phát triển KTXH của quốc gia cũng như từng địa phương, từng ngành kinh tế, lĩnh vực. Các nghiên cứu chủ yếu đề cập đến hiệu quả sử dụng vốn đối với phát triển KTXH tổng thể của quốc gia, địa phương hoặc lĩnh vực được đầu tư ODA thông qua phân tích tác động của ODA đến tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng GDP bình quân đầu người, đảm bảo an sinh xã hội và giảm đói nghèo. Chưa có nghiên cứu nào đi sâu phân tích hiệu quả KTXH của dự án ODA, qua đó tác động lên phát triển KTXH thông qua các tiêu chí như giá trị gia tăng, thặng dư xã hội, tạo công ăn việc làm và tăng chất lượng cuộc sống của người dân khu vực ảnh hưởng của dự án ODA.

- Cho vay lại vốn ODA tại các TCTD

Lê Xuân Bá và cộng sự (2008) cũng đã đề cập đến cơ chế quản lý tài chính đối với các dự án ODA của Việt Nam, các tác giả cho rằng bên cạnh cơ chế cấp phát từ NSNN, cho vay lại ODA sẽ đảm bảo tính minh bạch của nguồn vốn, tăng trách nhiệm của địa phương vay vốn với cơ chế có hoàn trả, tăng cường hiệu quả của dự án ODA và khả năng thu hồi vốn ODA của nhà nước để trả nợ nước ngoài [2]. Nguyễn Xuân Thảo (2017) chỉ ra thực trạng công tác quản lý và sử dụng ODA của Việt Nam giai đoạn 2010 - 2015, các dự án ODA của địa phương chủ yếu sử dụng vốn cấp phát nên hiệu quả không cao, tỷ lệ thất thoát lớn [48]. Trong bối cảnh Việt Nam là nước có thu nhập trung bình thấp, vốn ODA bị thu hẹp, đòi hỏi cấp thiết về việc nâng cao hiệu quả sử dụng ODA, Chính phủ cần đẩy mạnh cơ chế cho vay lại vốn ODA thay vì cấp phát. Đặng Vũ Hùng (2013) trên cơ sở nghiên cứu đề xuất các giải pháp quản trị rủi ro cho vay lại ODA tại VDB đã đề cập khá sâu đến kênh tín dụng vốn ODA thông qua VDB. Tác giả cho rằng cho vay lại ODA là kênh cung ứng vốn hiệu quả cho các chương trình, dự án ODA, thực hiện cơ chế cho vay lại và thu hồi nợ để tận dụng và sử dụng có hiệu quả vốn vay ODA. Tuy nhiên, trên


giác độ nghiên cứu quản lý rủi ro cho vay lại, tác giả chưa đề cập đến các nguyên tắc quản lý tài chính đối với dự án ODA, hiệu quả cho vay lại ODA, đặc biệt là hiệu quả đối với việc thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế và xã hội của Nhà nước [23]. Lê Ngọc Lâm (2015) khi nghiên cứu vai trò của BIDV trong tài trợ vốn cho các dự án ODA cũng đã nhấn mạnh đến hiệu quả sử dụng ODA thông qua kênh cho vay lại vốn ODA của các NHTM nói chung và BIDV nói riêng. Tác giả cho rằng cung ứng vốn ODA cho các dự án thông qua các TCTD sẽ đảm bảo việc sử dụng vốn đúng mục đích, tăng trách nhiệm của chủ đầu tư, tăng hiệu quả dự án ODA, hạn chế rủi ro cũng như khả năng thu hồi nợ vay để đảm bảo nguồn trả nợ nước ngoài [32].

Các công trình tập trung luận giải hiệu quả kênh cung ứng vốn ODA cho các chương trình, dự án để tăng cường cơ chế cho vay lại trong điều kiện thu hút ODA đang ngày càng thu hẹp. Các nghiên cứu trên chỉ mới đề cập ở mức khái quát phương thức tài trợ vốn ODA cho dự án, thông qua ủy thác cho TCTD thực hiện cho vay lại nhằm đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn, tránh lãng phí, tham nhũng vốn. Chưa có công trình nào nghiên cứu một cách có hệ thống về hiệu quả cho vay lại vốn ODA nhằm đảm bảo hiệu quả cho cả TCTD và phát triển KTXH.

- Các nghiên cứu tại VDB

Các công trình nghiên cứu tại VDB tập trung vào việc nâng cao hiệu quả hoạt động và quản lý rủi ro của cơ quan này. Trần Cảnh Toàn (2013) đã đưa ra những dấu hiệu rủi ro trong giải ngân vốn ODA tại VDB, theo tác giả dấu hiệu tăng trưởng về số dự án và quy mô vốn ODA cho vay lại có tính hai mặt, một mặt thể hiện tính tích cực trong hoạt động của VDB, nhu cầu đầu tư của nền kinh tế nhưng mặt khác đây cũng là dấu hiệu tiềm ẩn rủi ro, có thể dẫn dến tăng nợ quá hạn [54]. Đặng Vũ Hùng (2013) đã phân tích thực trạng rủi ro và quản lý rủi ro trong cho vay lại vốn ODA của VDB giai đoạn 2006-2012, từ đó đề xuất tám nhóm giải pháp nhằm tăng cường năng lực quản lý rủi ro đối với cho vay lại ODA. Tác giả cho rằng, hoạt động cho vay lại chủ yếu theo phương thức VDB không chịu rủi ro tín dụng, VDB chủ yếu thực hiện việc “ghi chi, thu” thông qua tài khoản đặc biệt mà hầu như không phải thẩm định dự án và kiểm soát tình hình sử dụng vốn vay. Vì vậy, nhiều dự án sử dụng vốn ODA cho vay lại vẫn chưa hiệu quả [23]. Nguyễn


Cảnh Hiệp (2013) đã chỉ ra các đặc trưng cơ bản của tín dụng ĐTPT Nhà nước, đưa ra các chỉ tiêu đánh giá RRTD ĐTPT, quy trình quản lý RRTD trong cho vay ĐTPT của VDB. Trên cơ sở đánh giá thực trạng vấn đề nghiên cứu tại VDB từ năm 2006 đến 2012, tác giả đã đề xuất hệ thống giải pháp để QLRR tín dụng ĐTPT của VDB đến năm 2020 [19]. Tuy nhiên, đối tượng nghiên cứu của công trình này là hoạt động cho vay ĐTPT bằng nguồn vốn vay trong nước mà không bao gồm vốn ODA cho vay lại. Trương Thị Hoài Linh (2012) tập trung nghiên cứu nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của VDB, tác giả nghiên cứu thực trạng giai đoạn 2006 - 2010, đánh giá trên hai phương diện là hiệu quả tài chính và hiệu quả xã hội, từ đó đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của VDB [29].

Có khá nhiều công trình nghiên cứu được thực hiện tại VDB trên các nội dung khác nhau như hiệu quả hoạt động, quản lý rủi ro ở các mảng hoạt động như cho vay lại vốn vay nước ngoài, tín dụng ĐTPT nhà nước… Tuy nhiên chưa có nghiên cứu nào đi sâu phân tích, luận giải hiệu quả cho vay lại vốn ODA nhằm đảm bảo mục tiêu hoạt động của VDB và mục tiêu sử dụng vốn ODA của Nhà nước.

2.3. Khoảng trống nghiên cứu của đề tài

Nghiên cứu tổng quan các công trình khoa học trong và ngoài nước giúp tác giả có cách nhìn toàn diện về bản chất, vai trò của nguồn vốn ODA đối với phát triển KTXH của các quốc gia tiếp nhận, hiệu quả sử dụng vốn ODA cũng như tài trợ vốn ODA cho dự án thông qua kênh tín dụng của TCTD.

Nghiên cứu tổng quan các công trình về hiệu quả cho vay lại vốn ODA tại TCTD, tác giả cũng nhận thấy một số vấn đề mà các nghiên cứu trước chưa đề cập đến hoặc có đề cập nhưng còn khái quát. Đây là khoảng trống của đề tài mà tác giả lựa chọn để làm sáng tỏ mục tiêu nghiên cứu của luận án:

Thứ nhất, đến nay chưa có một công trình nào thực sự đi sâu nghiên cứu một cách đầy đủ và có hệ thống, hiệu quả kênh cung ứng vốn ODA cho các dự án thông qua các TCTD với cơ chế cho vay lại và trả nợ nhằm đảm bảo khả năng tận dụng và sử dụng hiệu quả vốn ODA trong bối cảnh thu hút vốn ODA đang có xu hướng giảm. Nếu có cũng chỉ dừng lại ở mức độ khái quát. Cần phải có những nghiên cứu làm rõ bản chất cho vay lại vốn ODA tại TCTD, đặc trưng của từng hình thức cho


vay lại vốn ODA. Nghiên cứu nhằm hoàn thiện công cụ và quy trình cho vay lại vốn ODA từ khâu thẩm định duyệt vay đến thực hiện cho vay, thu hồi và xử lý nợ cũng như QLRR cho vay lại vốn ODA tại các TCTD.

Thứ hai, chưa có công trình nào thực sự nghiên cứu hiệu quả cho vay lại ODA tại các TCTD trên cả hai giác độ là mục tiêu sử dụng vốn ODA cho vay lại đối với phát triển KTXH và mục tiêu cho vay lại vốn ODA đối với TCTD. Chưa có một nghiên cứu nào hệ thống hóa một cách toàn diện hệ thống tiêu chí đánh giá hiệu quả cho vay lại vốn ODA tại TCTD. Cần nghiên cứu xây dựng hệ thống tiêu chí đánh giá hiệu quả cho vay lại vốn ODA đối với TCTD, đánh giá toàn diện dựa trên tăng trưởng số lượng, chất lượng khoản vay cũng như kết quả tài chính của hoạt động cho vay lại vốn ODA. Dưới giác độ hiệu quả KTXH, cần tập trung đánh giá hiệu quả của dự án sử dụng vốn ODA thông qua các tiêu chí về giá trị gia tăng, thặng dư xã hội, tạo việc làm và thu nhập của người lao động, an sinh xã hội và chất lượng cuộc sống của người dân, qua đó tác động đến phát triển KTXH của ngành, địa phương và quốc gia.

Thứ ba, về mặt thực tiễn, chưa có công trình nghiên cứu nào đánh giá, phân tích hiệu quả cho vay lại vốn ODA tại các TCTD Việt Nam, cũng như tại VBD. Hiện nay, VDB đang trong quá trình tái cơ cấu toàn diện về mô hình hoạt động, cơ chế chính sách và xử lý nợ xấu. VDB là cơ quan cho vay lại vốn ODA có quy mô lớn nhất hiện nay. Cho vay lại vốn ODA là hoạt động quan trọng của VDB, chiếm khoảng 48% tổng tài sản nghiệp vụ của ngân hàng này. Cần phải nghiên cứu toàn diện cơ sở lý luận về hiệu quả cho vay lại vốn ODA tại các TCTD và nghiên cứu cụ thể tại VDB để không chỉ giúp ngân hàng thực hiện được mục tiêu của mình, mà còn là cơ sở để đảm bảo mục tiêu phát triển KTXH của quốc gia. Do vậy, chúng tôi cho rằng nghiên cứu về hiệu quả cho vay lại vốn ODA tại VDB là một hướng nghiên cứu mới và không trùng lặp với các đề tài nghiên cứu trước đây.

3. Mục tiêu nghiên cứu của Luận án

Mục tiêu tổng quát: Đề xuất hệ thống giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả cho vay lại vốn ODA tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam.

Xem tất cả 217 trang.

Ngày đăng: 27/11/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí