Kế toán thu, chi và kết quả các hoạt động tại Học viện Y - Dược học cổ truyền Việt Nam - 2

MỞ ĐẦU

1. Tính cấp thiết của đề tài

Học viện là cơ sở giáo dục được cải tiến từ đại học, ra đời sau này. So với đại học, học viện đào tạo mang tính chất hàn lâm hơn, thiên hướng nghiên cứu. Tự chủ trường đại học là điều kiện cần thiết để thực hiện các phương thức quản trị tiên tiến nhằm cải tiến và nâng cao chất lượng đào tạo. Ở Việt Nam, cơ chế tự chủ đại học đã được thừa nhận tại các văn bản pháp luật của Nhà nước như: Điều 10 Điều lệ trường đại học, ban hành kèm theo Quyết định số 153/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Điều 14 của Luật Giáo dục đại học ban hành năm 2005 và tại Khoản 1 Điều 32 của Luật Giáo dục đại học năm 2012 có nêu “Cơ sở giáo dục đại học tự chủ trong các hoạt động chủ yếu thuộc các lĩnh vực tổ chức và nhân sự, tài chính và tài sản, đào tạo, khoa học và công nghệ, hợp tác quốc tế, bảo đảm chất lượng giáo dục đại học. Cơ sở giáo dục đại học thực hiện quyền tự chủ ở mức độ cao hơn phù hợp với năng lực, kết quả xếp hạng và kết quả kiểm định chất lượng giáo dục”.

Nhằm khuyến khích các đơn vị tự chủ thấp phấn đấu tăng nguồn thu để được mức tự chủ cao hơn, Nhà nước đã ban hành Nghị định 16/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 có hiệu lực thi hành từ ngày 06/4/2015 thay thế Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 quy định về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập (SNCL). Mục tiêu của Nghị định này là nhằm đổi mới toàn diện các đơn vị SNCL trong đó có các trường Đại học công lập (ĐHCL); đẩy mạnh việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị đồng bộ cả về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, nhân sự tài chính. Việc đổi mới cơ chế tự chủ của đơn vị SNCL nhằm thúc đẩy các đơn vị sự nghiệp vươn lên, tăng cường khả năng tự chủ ở mức cao hơn. Kết quả đổi mới cơ chế hoạt động của đơn vị SNCL phải hướng tới việc cung cấp dịch vụ sự nghiệp công tốt hơn cho các tầng lớp nhân dân và đảm bảo cho các đối tượng chính sách và người nghèo được tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ công cơ bản, thiết yếu với chất lượng cao hơn, công bằng hơn. Nghị định cũng nêu rõ quy định tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp theo các mức độ khác nhau trên nguyên tắc đơn vị


tự chủ cao về nguồn tài chính thì được tự chủ cao về quản lý, sử dụng các kết quả tài chính và ngược lại.

Do vậy, công tác kế toán - với tư cách là công cụ quản lý của các trường ĐHCL trong cơ chế tự chủ được coi là chìa khóa của sự thành công, bên cạnh những hoạt động quảng bá, nâng cao chất lượng đào tạo thu hút thêm người học đáp ứng nhu cầu của xã hội, các trường ĐHCL cần phải nắm bắt thông tin, số liệu cần thiết và chính xác từ bộ phận kế toán giúp cho Ban giám hiệu có cái nhìn chính xác về tình hình hoạt động thu chi tài chính của đơn vị. Từ đó, đưa ra các quyết định quản lý phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả đào tạo của Nhà trường, có thể công khai tài chính thu hút thêm các nguồn vốn hợp pháp từ bên ngoài.

Kế toán thu, chi và kết quả các hoạt động là một nội dung vô cùng quan trọng trong công tác kế toán của mỗi đơn vị SNCL nói chung và của các trường ĐHCL nói riêng. Nghiên cứu nhằm đưa ra các giải pháp hoàn thiện kế toán thu, chi và kết quả các hoạt động có ý nghĩa thực tiễn đối với công tác kế toán nói riêng và đối với việc tổ chức, điều hành và quản lý các trường ĐHCL trong điều kiện tự chủ nói chung. Trong những năm gần đây, Học viện Y - Dược học cổ truyền Việt Nam cũng theo xu thế chung là tiến tới tự chủ từng phần và tự chủ toàn phần. Muốn tự chủ thành công thì Học viện cần có thông tin, một trong những kênh cung cấp thông tin quan trọng đó là kế toán. Vì vậy, công tác kế toán rất được quan tâm nhằm cung cấp thông tin hữu ích trong việc ra quyết định quản lý của Học viện. Tuy nhiên, do chế độ, chính sách kế toán, tài chính thường xuyên thay đổi nên công tác kế toán cũng cần phải thay đổi, hoàn thiện để thích ứng. Xuất phát từ những lí do nêu trên, sau quá trình học tập và nghiên cứu thực tiễn tại đơn vị em lựa chọn đề tài “Kế toán thu, chi và kết quả các hoạt động tại Học viện Y - Dược học cổ truyền Việt Nam” làm đề tài Luận văn thạc sĩ kế toán của mình với mong muốn đưa ra một số các giải pháp hoàn thiện kế toán thu, chi và kết quả các hoạt động tại Học viện Y - Dược học cổ truyền Việt Nam. Chuẩn bị vững chắc về công tác tài chính cho Học viện trong lộ trình tiến tới tự chủ hoàn toàn.


2. Tổng quan về tình hình nghiên cứu

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 147 trang tài liệu này.

Ở Việt Nam, các nghiên cứu về kế toán thu, chi và kết quả các hoạt động trong các đơn vị SNCL được quan tâm và đề cập nhiều trong các nghiên cứu trong nhiều đề tài khoa học, luận văn thạc sĩ, cụ thể:

- Luận văn thạc sĩ kinh tế của Nguyễn Thị Khánh (2017) “Kế toán hoạt động thu, chi tại các đơn vị sự nghiệp thể thao trên địa bàn thành phố Hải Dương”. Luận văn khái quát nội dung kế toán hoạt động thu chi tại các đơn vị sự nghiệp thể thao trên địa bàn TP. Hải Dương theo 3 loại hoạt động thu chi ngân sách nhà nước (NSNN) cấp, thu chi sự nghiệp và thu chi sản xuất kinh doanh (SXKD). Qua đó, luận văn đã đề xuất được 2 nhóm giải pháp hoàn thiện kế toán hoạt động thu, chi đó là: hoàn thiện nội dung hoạt động thu, chi và hoàn thiện kế toán hoạt động thu, chi tại các đơn vị sự nghiệp thể thao trên địa bàn TP. Hải Dương.

Kế toán thu, chi và kết quả các hoạt động tại Học viện Y - Dược học cổ truyền Việt Nam - 2

- Luận văn thạc sĩ kinh tế của Trần Thị Lan (2018) “Kế toán hoạt động thu, chi tại các Viện nghiên cứu trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường”. Luận văn đã trình bày được những lý luận chung và thực trạng kế toán hoạt động thu, chi từ nguồn kinh phí NSNN; sự nghiệp; kế toán thu, chi hoạt động SXKD và hoạt động khác tại các Viện nghiên cứu trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường trong điều kiện thực hiện tự chủ tài chính. Luận văn đã chỉ ra được một số kết quả đạt được và những vấn đề còn tồn tại trong kế toán hoạt động thu, chi tại các Viện nghiên cứu trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường và đề xuất được các giải pháp hoàn thiện kế toán hoạt động thu, chi tại các đơn vị khảo sát đó là: hoàn thiện xác định giao dịch thu, chi; hoàn thiện công tác kế toán. Tuy nhiên do nguồn số liệu minh chứng tác giả mới chỉ khảo sát tại các đơn vị hiện đang áp dụng theo QĐ19/2006/QĐ-BTC mà chưa chuyển sang thực hiện theo TT107/2017/TT-BTC.

- Luận văn thạc sĩ kế toán của Nguyễn Thị Minh Trang (2019) “Kế toán hoạt động thu, chi tại trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội”. Luận văn đã trình bày những lý luận chung về kế toán hoạt động thu, chi tại các đơn vị SNCL, từ đó phân tích, đánh giá thực trạng công tác kế toán


hoạt động thu, chi tại Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội và đề xuất các giải pháp hoàn thiện kế toán hoạt động thu, chi mang tính khả thi trên cả khía cạnh kế toán tài chính (KTTC) và kế toán quản trị.

Nhìn chung, các đề tài đều đã đề cập đến vấn đề kế toán hoạt động thu, chi tại các đơn vị SNCL, đã phân tích và làm rõ được những lý luận chung về kế toán hoạt động thu, chi chỉ ra được những ưu điểm, tồn tại, nguyên nhân và giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả của kế toán hoạt động thu, chi đối với các đơn vị lựa chọn nghiên cứu. Tuy nhiên, chưa có công trình nào nghiên cứu, phân tích một cách cụ thể, toàn diện về công tác kế toán thu, chi và kết quả các hoạt động tại Học viện Y - Dược học cổ truyền Việt Nam trong điều kiện hướng tới tự chủ tài chính. Vì vậy, trong nghiên cứu này tác giả sẽ tiếp tục kế thừa các công trình của các tác giả đã nghiên cứu trước đây về cơ sở lý luận kế toán hoạt động thu chi trong các đơn vị sự nghiệp công lập và trên cơ sở khảo sát nguồn dữ liệu thứ cấp về kế toán thu, chi và kết quả các hoạt động tại Học viện Y - Dược học cổ truyền Việt Nam trong điều kiện hướng tới thực hiện tự chủ tài chính. Qua đó, tác giả mong muốn đề xuất các giải pháp hoàn thiện kế toán thu chi và kết quả các hoạt động mang tính khả thi.

3. Mục tiêu và nhiệm vụ nghiên cứu

3.1. Mục tiêu nghiên cứu

- Hoàn thiện kế toán thu, chi và kết quả các hoạt động tại Học viện Y - Dược học cổ truyền Việt Nam.

3.2. Nhiệm vụ nghiên cứu

- Hệ thống hóa và làm rõ những lý luận chung về kế toán thu, chi và kết quả các hoạt động tại các đơn vị SNCL.

- Tìm hiểu đặc điểm cơ cấu tổ chức, đặc điểm chung công tác kế toán. Khảo sát và đánh giá thực trạng kế toán thu, chi và kết quả các hoạt động tại Học viện Y - Dược học cổ truyền Việt Nam. Qua đó rút ra những ưu, nhược điểm trong công tác kế toán thu, chi và kết quả các hoạt động của đơn vị.

- Từ việc phân tích, đánh giá thực trạng kế toán thu, chi và kết quả các hoạt động tại Học viện Y - Dược học cổ truyền Việt Nam đưa ra các giải pháp nhằm hoàn thiện kế toán thu, chi và kết quả các hoạt động trong quá trình


thực hiện tự chủ tài chính.

4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

4.1. Đối tượng nghiên cứu

Đề tài nghiên cứu về kế toán thu, chi và kết quả các hoạt động của các

đơn vị SNCL.

4.2. Phạm vi nghiên cứu

- Không gian nghiên cứu: Học viện Y - Dược học cổ truyền Việt Nam.

- Thời gian nghiên cứu: Luận văn tiến hành khảo sát và thu thập số liệu minh chứng về kế toán thu, chi và kết quả các hoạt động tại đơn vị khảo sát trong năm 2019.

- Nội dung: Nghiên cứu về kế toán thu, chi và kết quả các hoạt động tại Học viện Y - Dược học cổ truyền Việt Nam.

5. Phương pháp nghiên cứu

Xuất phát từ đối tượng, phạm vi và mục tiêu nghiên cứu phương pháp nghiên cứu được sử dụng như sau:

5.1. Phương pháp thu thập thông tin

Nghiên cứu sử dụng hai nguồn dữ liệu trong quá trình nghiên cứu đó là thông tin thứ cấp và thông tin sơ cấp. Phương pháp thu thập thông tin đối với hai nguồn dữ liệu này như sau:

5.1.1. Thu thập nguồn dữ liệu thứ cấp

Nguồn dữ liệu thứ cấp là dữ liệu có sẵn do các nghiên cứu, khảo sát hay cơ quan thống kê thực hiện thu thập.

Trong quá trình nghiên cứu đề tài nguồn dữ liệu thứ cấp phục vụ chủ yếu cho việc nghiên cứu cơ sở lý luận về kế toán thu, chi và kết quả các hoạt động trong các đơn vị SNCL nói chung và Học viện Y - Dược học cổ truyền Việt Nam nói riêng. Cụ thể:

- Tổng hợp văn bản pháp lý về kế toán HCSN, quản lý tài chính trong các đơn vị SNCL nói chung và Học viện Y - Dược học cổ truyền Việt Nam nói riêng: Các văn bản pháp lý về kế toán; các văn bản pháp lý về quản lý tài chính; các văn bản pháp lý về quản lý giáo dục đối với các trường ĐHCL; các giáo trình chuyên ngành của các trường Đại học Kinh tế quốc dân, Học viện Tài chính, Học viện Ngân hàng, Đại học Thương mại....


- Các công trình luận văn, bài báo về kế toán thu, chi và kết quả các hoạt động tại các đơn vị sự nghiệp công lập.

5.1.2. Thu thập nguồn dữ liệu sơ cấp

Dữ liệu sơ cấp: Thu thập dữ liệu sơ cấp thông qua phỏng vấn trực tiếp các cán bộ kế toán, cán bộ quản lý tại Học viện Y - Dược học cổ truyền Việt Nam.

5.2. Phương pháp tổng hợp, phân tích, xử lý số liệu

Số liệu thu được từ thu thập, quan sát, phỏng vấn được tác giả sử dụng các phương pháp như phương pháp quy nạp, diễn giải, so sánh, phương pháp thống kê, để phân tích các vấn đề lý luận và thực tiễn. Trên cơ sở đó đánh giá và ra kết luận, từ đó đưa ra các giải pháp hoàn thiện phù hợp và khả thi.

6. Những đóng góp của đề tài nghiên cứu

Về lý luận: Luận văn đã trình bày một cách toàn diện và có hệ thống về kế toán thu, chi và kết quả các hoạt động ở các đơn vị sự nghiệp công lập.

Về thực tiễn: Luận văn đã mô tả khái quát đặc thù hoạt động ảnh hưởng đến kế toán thu, chi và kết quả các hoạt động tại Học viện Y - Dược học cổ truyền Việt Nam. Phản ánh thực trạng kế toán thu, chi và kết quả các hoạt động trên góc độ KTTC, chỉ ra những ưu điểm và những mặt còn hạn chế trong kế toán thu, chi và kết quả tại Học viện Y - Dược học cổ truyền Việt Nam trong quá trình thực hiện tự chủ tài chính. Qua đó, đề xuất các giải pháp cụ thể hoàn thiện kế toán thu, chi và kết quả các hoạt động, đảm bảo sự phù hợp với đặc thù hoạt động, cơ chế quản lý tài chính và kế toán của Học viện Y - Dược học cổ truyền Việt Nam, đồng thời đón trước những thay đổi trong tương lai gần khi chuyển sang mô hình tự chủ tài chính hoàn toàn.

7. Kết cấu luận văn

Nội dung luận văn được kết cấu gồm 3 chương:

Chương 1: Cơ sở lý luận về kế toán thu, chi và kết quả các hoạt động trong đơn vị sự nghiệp công lập

Chương 2: Thực trạng kế toán thu, chi và kết quả các hoạt động tại Học viện Y - Dược học cổ truyền Việt Nam

Chương 3: Hoàn thiện kế toán thu, chi và kết quả các hoạt động tại Học viện Y - Dược học cổ truyền Việt Nam


Chương 1

CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ KẾ TOÁN THU, CHI VÀ KẾT QUẢ CÁC HOẠT ĐỘNG TRONG ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP

1.1. Tổng quan về đơn vị sự nghiệp công lập

1.1.1. Khái niệm về đơn vị sự nghiệp công lập

Theo Luật viên chức số 58/2010/QH12 do Quốc hội ban hành ngày 15/11/2010 và chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2012, tại Điều 9 của luật có quy định: “Đơn vị sự nghiệp công lập là tổ chức do cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội thành lập theo quy định của pháp luật, có tư cách pháp nhân, cung cấp dịch vụ công, phục vụ quản lý nhà nước”[14, tr.3].

Theo Nghị định số 16/2015/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 14/02/2015, tại Điều 2 của Nghị định có quy định: “Đơn vị sự nghiệp công lập là những đơn vị do các cơ quan có thẩm quyển của nhà nước thành lập theo quy định của pháp luật, có tư cách pháp nhân, hoạt động thực hiện cung cấp các dịch vụ xã hội công cộng và các dịch vụ nhằm duy trì sự hoạt động bình thường của ngành kinh tế quốc dân” [4, tr.1].

Theo Nghị định số 85/2012/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 15/10/2012, tại Điều 2 của Nghị định có quy định: “Đơn vị sự nghiệp Y tế công lập là tổ chức do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thành lập và quản lý theo quy định của pháp luật, có tư cách pháp nhân, con dấu, tài khoản và tổ chức bộ máy kế toán theo quy định của pháp luật về kế toán để thực hiện nhiệm vụ cung cấp dịch vụ công hoặc phục vụ quản lý nhà nước trong các lĩnh vực chuyên môn y tế như: Y tế dự phòng; khám bệnh, chữa bệnh; điều dưỡng và phục hồi chức năng; giám định y khoa, pháp y, pháp y tâm thần; y dược cổ truyền; kiểm nghiệm dược, mỹ phẩm, trang thiết bị y tế; an toàn vệ sinh thực phẩm; dân số - kế hoạch hóa gia đình; sức khỏe sinh sản; truyền thông giáo dục sức khỏe” [5, tr.1].

Đơn vị sự nghiệp công lập là đơn vị do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thành lập, có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng, phục vụ


chức năng quản lý nhà nước hoặc cung cấp dịch vụ công trong các ngành lĩnh vực theo quy định của pháp luật như y tế, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ…Các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động theo nguyên tắc phục vụ xã hội, không vì mục đích lợi nhuận, phục vụ cho các nhu cầu, lợi ích chung thiết yếu, cung cấp những sản phẩm mang lại lợi ích chung, lâu dài và bền vững cho xã hội.

1.1.2. Đặc điểm hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập

Đặc điểm đơn vị sự nghiệp công lập

Thực hiện nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao

Tự lập dự toán thu chi, chi tiêu phải theo đúng quy định của Nhà nước

Các khoản chi được trang trải một phần hoặc hoàn toàn bằng KP Nhà nước cấp

Mục đích hoạt động không vì lợi nhuận, chủ yếu phục vụ lợi ích cộng đồng

Sản phẩm mang lại lợi ích chung có tính bền vững, lâu dài cho xã hội

Hoạt động gắn liền và bị chi phối bởi chương trình phát triển KT - XH của Nhà nước

Đơn vị SNCL là một bộ phận trong hệ thống các đơn vị của bộ máy quản lý Nhà nước nên luôn chịu sự chi phối của Nhà nước thông qua các công cụ quản lý, đặc biệt là quản lý tài chính. Do chi phí bằng nguồn kinh phí do NSNN cấp nên đơn vị SNCL phải tự lập dự toán thu chi, việc chi phải theo đúng định mức tiêu chuẩn của Nhà nước, theo luật quy định.


Sơ đồ 1.1. Đặc điểm đơn vị sự nghiệp công lập

Nguồn: Tổng hợp của tác giả

1.1.3. Phân loại đơn vị sự nghiệp công lập

Tùy thuộc quan điểm, cách tiếp cận hoặc do các yêu cầu của quản lý nhà nước và các tiêu chí khác nhau mà có thể phân loại các đơn vị SNCL theo các cách khác nhau.

(*) Theo lĩnh vực hoạt động thì đơn vị SNCL được chia thành:

Xem tất cả 147 trang.

Ngày đăng: 13/06/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí