Hoàn thiện pháp luật về thừa kế ở Việt Nam hiện nay - 1


LUẬN VĂN:


Hoàn thiện pháp luật về thừa kế ở Việt Nam hiện nay

mở đầu


1. Tính cấp thiết của đề tài

Trong bất kỳ chế độ xã hội có giai cấp nào, vấn đề thừa kế cũng có vị trí quan trọng trong các chế định pháp luật, là hình thức pháp lý chủ yếu để bảo vệ các quyền của công dân. Chính vì vậy, thừa kế đã trở thành một nhu cầu không thể thiếu được đối với đời sống của mỗi cá nhân, gia đình, cộng đồng xã hội. Mỗi nhà nước dù có các xu thế chính trị khác nhau, nhưng đều coi thừa kế là một quyền cơ bản của công dân và được ghi nhận trong Hiến pháp.

ở Việt Nam, sớm nhận thức được vai trò đặc biệt quan trọng của thừa kế, nên ngay những ngày đầu mới dựng nước, các triều đại Lý, Trần, Lê cũng đã quan tâm đến ban hành pháp luật về thừa kế. Pháp luật thành văn về thừa kế ở nước ta, lần đầu tiên được quy định trong chương "Điền sản" của Bộ luật Hồng Đức dưới triều vua Lê Thái Tổ. Trải qua quá trình đấu tranh cách mạng, xây dựng CNXH ở nước ta, các quy định này đã được ghi nhận, mở rộng, phát triển và được thực hiện trên thực tế tại các Điều 19 Hiến pháp 1959 "Nhà nước chiếu theo pháp luật bảo vệ quyền thừa kế tài sản tư hữu của công dân". Điều 27 Hiến pháp 1980 "Nhà nước bảo hộ quyền thừa kế tài sản của công dân", Điều 58 Hiến pháp 1992 "Nhà nước bảo hộ quyền sở hữu hợp pháp và quyền thừa kế công dân"... và đặc biệt là sự ra đời của Bộ luật Dân sự 1995, sau đó Bộ luật Dân sự năm 2005 đã đánh dấu một bước phát triển của pháp luật Việt Nam nói chung và pháp luật về thừa kế nói riêng. Bộ luật Dân sự 2005 được xem là kết quả cao của quá trình pháp điển hoá những quy định của pháp luật về thừa kế. Nó kế thừa và phát triển những quy định phù hợp với thực tiễn, không ngừng hoàn thiện để bảo vệ quyền lợi của người thừa kế một cách có hiệu quả nhất.

Tuy nhiên về thực tiễn, do sự phát triển mạnh mẽ từng ngày, từng giờ của đời sống kinh tế - xã hội của đất nước, nên pháp luật về thừa kế hiện hành vẫn chưa thể trù liệu hết những trường hợp, tình huống xảy ra trên thực tế. Còn một số quy định pháp luật về thừa kế chung chung, mang tính chất khung, chưa chi tiết, chưa rõ ràng, lại chưa có văn bản hướng dẫn thi hành cho từng vấn đề cụ thể. Vì vậy, còn nhiều quan điểm trái ngược nhau, nên khi áp dụng vào thực tế sẽ xảy ra tình trạng không nhất quán trong cách hiểu cũng như cách giải quyết. Điều đó đã xâm phạm quyền thừa kế của công dân, đôi khi còn gây bất ổn trong đời sống sinh hoạt của mỗi gia đình, cộng đồng và xã hội.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 115 trang tài liệu này.

Trong bối cảnh hội nhập, với thực trạng nền kinh tế thị trường và xây dựng nhà nước pháp quyền thì vấn đề tài sản thuộc sở hữu cá nhân ngày càng phong phú, thừa kế di sản cũng nảy sinh nhiều dạng tranh chấp phức tạp. Hàng năm Toà án nhân dân các cấp đã thụ lý và giải quyết hàng ngàn vụ án thừa kế. Nhiều vụ tranh chấp thừa kế phải xét xử nhiều lần mà tính thuyết phục không cao. Có những bản án quyết định của toà án vẫn bị coi là chưa "thấu tình đạt lý"... Sở dĩ còn tồn tại những bất cập đó là do nhiều nguyên nhân trong đó phải kể đến là do các quy định của PLVTK chưa đồng bộ, cụ thể... Chính vì điều đó, nên trong thời gian gần đây nhiều văn kiện của Đảng như Nghị quyết 48 về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đến năm 2010, Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm của công tác tư pháp trong thời gian tới... đã xác định rõ nhiệm vụ, mục tiêu, sự cần thiết phải hoàn thiện hệ thống pháp luật trong thời kỳ đổi mới, trong đó có pháp luật về thừa kế.

Xuất phát từ những lý do trên, tác giả đã chọn vấn đề: "Hoàn thiện pháp luật về thừa kế ở Việt Nam hiện nay" để làm đề tài luận văn thạc sĩ Luật học. Đây là một đề tài có ý nghĩa quan trọng cấp bách cả về phương diện lý luận cũng như thực tiễn.

Hoàn thiện pháp luật về thừa kế ở Việt Nam hiện nay - 1

2. Tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài

Thừa kế di sản là vấn đề rộng và phức tạp, vừa có lịch sử hình thành và phát triển khá phong phú. Do vậy, thừa kế đã được nhiều nhà khoa học pháp lý quan tâm nghiên cứu.

Trước khi BLDS được ban hành, đã có một số sách nghiên cứu về thừa kế dưới góc độ sách pháp luật thường thức như: "Câu hỏi và giải đáp PLTK" năm 1994 của Luật sư Lê Kim Quế; "Hỏi đáp về PLTK" năm 1995 của Trần Hữu Bền và TS. Đinh Văn Thành.

Các công trình kể trên được thực hiện khi nhà nước ta chưa ban hành BLDS nên tất cả đều dựa chủ yếu vào pháp lệnh thừa kế. Các công trình này chưa giải quyết được bản chất pháp lý về thừa kế, các loại thừa kế, hậu quả pháp lý của nó. Về cơ bản chỉ dừng lại ở mức độ tìm hiểu pháp luật.

Sau khi Nhà nước ta ban hành BLDS 1995, thì việc nghiên cứu đề tài về thừa kế vẫn tiếp tục được mở rộng. Ngay các luận văn thạc sĩ, tiến sĩ cũng đã có một số tác giả nghiên cứu về thừa kế. Tiểu biểu là: TS. Phạm ánh Tuyết với đề tài "Thừa kế theo di chúc theo quy định BLDS Việt Nam" năm 2003; TS. Phùng Trung Tập với đề tài "Thừa kế theo pháp luật của công dân Việt Nam" năm 2001; Ths. Nguyễn Hải An

nghiên cứu đề tài "Một số vấn đề về thời hiệu khởi kiện về thừa kế trong pháp luật dân sự Việt Nam" năm 2004. Ths. Nguyễn Hồng Nam nghiên cứu đề tài "Các điều kiện có hiệu lực di chúc" năm 2005... Tuy nhiên, những công trình nghiên cứu của các tác giả nói trên mới dừng lại phân tích các quy định của PLVTK theo di chúc hoặc thừa kế theo pháp luật của luật thực định và chỉ ra định hướng chủ yếu cho hoàn thiện BLDS 1995 .

Ngoài ra, một số công trình nghiên cứu khoa học khác cũng có nghiên cứu về thừa kế như: cuốn "Một số suy nghĩ về thừa kế trong Luật dân sự Việt Nam" xuất bản năm 1999 và cuốn "Bình luận khoa học về thừa kế trong BLDS" xuất bản năm 2001 của TS. Nguyễn Ngọc Điện; cuốn "Chế độ hôn sản và thừa kế trong Luật dân sự Việt Nam" xuất bản năm 1993 của tác giả Nguyễn Mạnh Bách; cuốn "Tìm hiểu pháp luật về Luật thừa kế" xuất bản năm 2003 của Mai Văn Duẩn... Đề tài nghiên cứu cấp bộ "Những vấn đề lý luận cơ bản về BLDS Việt Nam" năm 1997 của Viện Nghiên cứu nhà nước và pháp luật thuộc Trung tâm khoa học xã hội nhân văn... Th.S Trần Thị Huệ; "Di sản thừa kế trong pháp luật dân sự của một số nước trên thế giới", Tạp chí Nhà nước và pháp luật, số 10 năm 2006; Thái Công Khanh "Những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện điều 679 BLDS về quan hệ thừa kế giữa con riêng và bố dượng, mẹ kế", Tạp chí Toà án nhân dân, số 16 năm 2006; Thái Công Khanh "Phương pháp giải quyết xung đột pháp luật về thừa kế", Tạp chí Toà án nhân dân, số 20 năm 2006... Trong các công trình khoa học này, các tác giả đã phân tích những vấn đề lý luận cơ bản về thừa kế: như quy định chung về thừa kế, thừa kế theo di chúc, thừa kế theo pháp luật, phân chia di sản thừa kế. Tuy vậy, các tác giả không khái quát được lịch sử hình thành và phát triển các quy định này qua các thời kỳ. Hơn nữa, đa số các đầu sách này viết trước năm 2003, nên có rất nhiều điểm thay đổi cả về mặt pháp luật thực định và thực tiễn cuộc sống.

Tóm lại, các công trình nghiên cứu nói trên, đã nêu ra nhiều vấn đề cơ bản cả về lý luận và thực tiễn áp dụng PLVTK trên nhiều góc độ. Tuy nhiên, các công trình này được thực hiện khi Nhà nước ta chưa ban hành BLDS 2005 và nghiên cứu chủ yếu dưới góc độ luật thực định. Các công trình nghiên cứu dưới góc độ lý luận hoàn thiện PLVTK còn ít, chưa có tính chất hệ thống, khái quát. Vì vậy, có thể khẳng định rằng, luận văn này là một công trình khoa học đầu tiên, nghiên cứu chuyên sâu hoàn thiện PLVTK là một đề tài hoàn toàn độc lập, không có sự trùng lắp với bất kỳ một công trình nào của người khác.

3. Mục đích, nhiệm vụ và phạm vi nghiên cứu của luận văn

* Mục đích: Phân tích cơ sở lý luận của việc hoàn thiện pháp luật về thừa kế và đánh giá thực trạng PLVTK ở Việt Nam hiện nay. Trên cơ sở đó, nêu lên những quan điểm, giải pháp nhằm hoàn thiện PLVTK ở nước ta hiện nay.

* Nhiệm vụ: Để thực hiện mục tiêu nêu trên, luận văn có những nhiệm vụ sau:

- Tìm hiểu những vấn đề lý luận về hoàn thiện PLTK ở Việt Nam như: khái niệm, đặc điểm, nguyên tắc và vai trò của PLVTK cũng như tiêu chí hoàn thiện PLVTK. Đồng thời có tìm hiểu PLVTK của một số nước trên thế giới.

- Phân tích quá trình phát triển và thực trạng PLVTK ở Việt Nam. Qua đó, nhận xét, đánh giá những ưu điểm, nhược điểm của PLVTK hiện hành, rút ra các nguyên nhân của hạn chế.

- Nêu sự cần thiết khách quan, quan điểm, tiêu chí cũng như giải pháp cụ thể có tính khả thi nhằm hoàn thiện PLVTK.

* Phạm vi nghiên cứu:

Việc nghiên cứu đề tài này được xác định trong phạm vi các quy phạm PLVTK ở Việt Nam qua các giai đoạn lịch sử. Nhưng đặc biệt tập trung nghiên cứu các quy phạm PLVTK từ năm 1996 đến nay. Tuy nhiên, để luận văn có độ sâu, rộng cần thiết, trong một chừng mực nhất định, tác giả cũng đề cập đến một số quy định tương ứng trong pháp luật một số nước để so sánh và đưa ra những kết luận, kiến nghị có tính tham khảo nhất định.

4. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu của luận văn

Việc nghiên cứu luận văn dựa trên cơ sở lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng và Nhà nước về pháp luật. Đặc biệt là các quan điểm của Đảng và Nhà nước về sở hữu tư nhân, về thừa kế trong thời kỳ đổi mới, mở cửa và hội nhập.

Đề tài được hoàn thành dựa trên cơ sở phương pháp luận duy vật biện chứng và duy vật lịch sử của chủ nghĩa Mác-Lênin. Ngoài ra, tác giả còn sử dụng một số phương pháp khoa học chuyên ngành khác như: phương pháp lịch sử, phương pháp logíc, phương pháp phân tích, phương pháp so sánh, phương pháp tổng hợp...

5. Những đóng góp về khoa học của luận văn

- Trên cơ sở phân tích tổng hợp các quan điểm, tác giả đưa ra quan điểm của cá nhân về khái niệm PLVTK, cũng như nguyên tắc, vai trò PLVTK... nhằm minh chứng tính đặc thù PLVTK ở Việt Nam, từ đó góp phần hoàn thiện hơn khoa học trong lĩnh vực thừa kế.

- Nghiên cứu một số quy định của PLVTK qua các giai đoạn lịch sử, để phân tích đưa ra những nhận định, đánh giá nhằm làm sáng tỏ quá trình phát triển và thực trạng của PLVTK ở Việt Nam.

- Từ nhận xét, đánh giá sự phát triển và thực trạng PLVTK ở Việt Nam, tham khảo kinh nghiệm một số nước trên thế giới, luận văn đã đưa ra các quan điểm, giải pháp cụ thể nhằm hoàn thiện PLVTK ở nước ta hiện nay.

6. ý nghĩa lý luận và thực tiễn luận văn

- Về lý luận: Kết quả nghiên cứu của luận văn góp phần làm cơ sở lý luận cho việc sửa đổi, bổ sung BLDS 2005. Đồng thời luận văn còn là tài liệu tham khảo phục vụ công việc nghiên cứu giảng dạy và học tập của cán bộ, giáo viên và sinh viên chuyên Luật và không chuyên Luật cũng như việc giảng dạy học tập môn Nhà nước pháp luật trong hệ thống các trường chính trị.

- Về thực tiễn: Luận văn đề ra các giải pháp cụ thể hoàn thiện PLVTK sẽ có ý nghĩa thiết thực góp phần giúp cho những người có thẩm quyền áp dụng luật để giải quyết tranh chấp thừa kế. Ngoài ra luận văn còn là tài liệu tham khảo phục vụ cho việc để lại di sản thừa kế, lập di chúc cũng như trong quá trình thực hiện quyền và nghĩa vụ dân sự của mình về lĩnh vực thừa kế.

7. Kết cấu của luận văn

Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục tài liệu tham khảo và phần phụ lục, luận văn được bố cục 3 chương, 7 tiết.

Chương 1

Cơ sở lý luận của hoàn thiện pháp luật về thừa kế ở Việt Nam


1.1. Khái niệm đặc điểm và nguyên tắc pháp luật Về thừa kế ở Việt Nam

1.1.1. Khái niệm và đặc điểm của pháp luật về thừa kế

* Khái niệm:

Thừa kế theo nghĩa chung nhất, là việc chuyển dịch tài sản của người chết cho người còn sống. Thừa kế với ý nghĩa là một phạm trù kinh tế có mầm móng và xuất hiện ngay trong thời kỳ sơ khai của xã hội loài người. ở thời kỳ này việc thừa kế nhằm di chuyển tài sản của người chết cho những người còn sống được tiến hành dựa trên quan hệ huyết thống và do những phong tục, tập quán riêng của từng bộ lạc, thị tộc quyết định. Ph.Ăngghen viết:

Theo chế độ mẫu quyền nghĩa là chừng nào mà huyết tộc chỉ kể về bên mẹ theo tập tục thừa kế nguyên thuỷ trong thị tộc mới được thừa kế những người trong thị tộc chết. Tài sản phải để lại trong thị tộc, vì tài sản để lại không có giá trị lớn, nên lâu nay trong thực tiễn có lẽ người ta vẫn trao tài sản đó cho những bà con thân thích nhất, nghĩa là trao cho những người cùng huyết tộc với người mẹ [2, tr.79].

Như vậy, ngay dưới chế độ mẫu quyền trong thời kỳ nguyên thuỷ của xã hội loài người, khi mà xã hội chưa có sự phân chia giai cấp, chế độ sở hữu còn dưới dạng cộng đồng nguyên thuỷ, chỉ là những công cụ lao động thô sơ và những vật phẩm tự nhiên thì vấn đề thừa kế đã được đặt ra. Lúc đó thừa kế được phát sinh dựa trên quan hệ huyết thống theo dòng máu của người mẹ. Bởi vì xã hội này con người sống quần hôn cho nên không thể xác định được cha của đứa trẻ là ai và con sinh ra hoàn toàn phụ thuộc vào người mẹ.

Theo tiến trình phát triển của xã hội cùng với sự phát triển của lực lượng sản xuất, năng suất lao động ngày càng được nâng cao, từ đó xuất hiện sự dư thừa sản phẩm. Những người có quyền hành trong thị tộc, bộ lạc tìm mọi thủ đoạn để chiếm hữu số của cải dư thừa đó làm của riêng. Chế độ tư hữu xuất hiện, chế độ thị tộc, chế độ cộng sản nguyên thuỷ dần dần bị phá vỡ và nhường chổ cho một chế độ xã hội mà trong đó đã có sự phân hoá giai cấp.

Khi giai cấp đã xuất hiện các giai cấp có quyền lợi đối lập nhau (giai cấp thống trị và giai cấp bị trị), luôn luôn mâu thuẫn và đấu tranh gay gắt để bảo vệ lợi ích của giai cấp mình. Trước bối cảnh đó, dĩ nhiên tổ chức thị tộc trở thành bất lực trước xã hội, không thể phù hợp nữa. Lúc này "xã hội đó đòi hỏi phải có một tổ chức mới đủ sức để dập tắt cuộc xung đột công khai giữa các giai cấp ấy hoặc cùng lắm là để cho cuộc đấu tranh giai cấp diễn ra trong lĩnh vực kinh tế, dưới một hình thức gọi là hợp pháp. Tổ chức đó là nhà nước và nhà nước đã xuất hiện" [50, tr.38].

Nếu trước đây, thừa kế trong xã hội thị tộc được dịch chuyển theo phong tục tập quán thì khi nhà nước xuất hiện, quá trình dịch chuyển di sản từ một người đã chết cho một người còn sống đã có sự tác động bằng ý chí của nhà nước, phù hợp với lợi ích của giai cấp thống trị. Giai cấp thống trị thông qua bộ máy nhà nước, ban hành các quy định để điều chỉnh các quan hệ trong việc xác định phạm vi chủ thể, nội dung, hình thức, điều kiện chuyển dịch tài sản và những vấn đề khác có liên quan đến việc thừa kế tài sản.

Như vậy, thừa kế được hình thành từ khi xã hội chưa phân chia giai cấp, nhưng khái niệm PLVTK thì chỉ ra đời và tồn tại trong những xã hội đã phân chia giai cấp và có nhà nước. Tuy nhiên, mỗi một xã hội khác nhau sẽ có sự khác nhau trong quy định về thừa kế. Thậm chí, trong cùng một chế độ xã hội của một nhà nước, ở mỗi giai đoạn lịch sử khác nhau, thì PLVTK cũng được quy định khác nhau cho phù hợp với sự phát triển.

ở Việt Nam, trong các triều đại phong kiến trước đây, PLVTK đã được hình thành và dựa trên cơ sở lễ giáo phong kiến. Các quy định về thừa kế trong Bộ luật Hồng Đức của thời Lê và Bộ luật HVLL của thời Nguyễn đều nhằm mục đích duy trì, bảo vệ những truyền thống chế độ gia đình phụ quyền và hiếu nghĩa của con cháu trong dòng tộc. Những quan niệm về gia đình lễ giáo, tín ngưỡng và chuẩn mực đạo đức thờ cúng tổ tiên thời phong kiến đều có sự tác động mạnh lên quan hệ thừa kế. Vì vậy, thừa kế ở thời kỳ này thể hiện rõ nét sự bất bình đẳng giữa vợ và chồng, giữa nam và nữ. Đối với tài sản của cha mẹ, con trai con gái đều có quyền được chia, nhưng đất hương hoả thì nhất quyết phải dành cho con trưởng nam và cháu đích tôn.

Cha mẹ với tư cách là người chủ sở hữu cũng không có quyền làm khác, không thể để cho một người con gái hưởng hoa lợi, hương hoả dù người con gái ấy sống độc thân đến khi chết... Đối với tài sản vợ chồng, nếu vợ chết trước, chồng tiếp tục làm chủ tài sản ấy với tư cách là chủ sở hữu. Nhưng trong trường hợp chồng chết trước người vợ không được quyền thừa kế, chỉ tiếp tục hưởng hoa lợi trên tài sản của chồng. Nếu người vợ tái giá thì người goá phụ mất hết quyền hưởng hoa lợi, bị bên chồng trưng bằng cớ để lấy lại ruộng đất [73, tr.24].

Khi nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ra đời, chế độ phong kiến ở Việt Nam hoàn toàn sụp đổ, cùng với chế độ thực dân Pháp, những quan niệm lạc hậu về chế độ hôn nhân gia đình "Tứ đức tam tòng" "Quyền huynh thế phụ" "nữ sinh ngoại tộc", "chồng chúa vợ tôi"... cũng dần dần bị xóa bỏ. Quyền bình đẳng về thừa kế và sở hữu dưới chế độ mới đã được pháp luật bảo vệ theo nguyên tắc "Đàn bà ngang quyền với đàn ông" và đã được cụ thể hoá bằng quy định của pháp luật. "trong lúc sinh thời người chồng goá hay người vợ goá, các con đã thành niên có quyền xin chia tài sản quyền sở hữu người chết sau khi đã thanh toán tài sản chung [74, Đ11] con trai, con gái đều có quyền thừa kế di sản của cha mẹ [74, Đ15]. Kể từ đó đến nay PLVTK ở nước ta ngày càng được mở rộng, phát triển và được thực hiện, trên

Xem toàn bộ nội dung bài viết ᛨ

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 29/11/2023