Hoàn thiện pháp luật đảm bảo dân chủ trong cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam hiện nay - 2

thông, năng lượng, dầu khí, công nghiệp quốc phòng, công nghiệp khai khoáng... Hiệu quả hoạt động của DNNN có ý nghĩa quyết định đối với việc ổn định và phát triển kinh tế của đất nước, trực tiếp ảnh hưởng đến hiệu quả khai thác, sử dụng các nguồn lực về tài nguyên và các nguồn lực quan trọng khác của nền kinh tế.

Thứ hai, DNNN đang là một nguồn lực to lớn và quan trọng tạo ra sản phẩm hàng hóa và dịch vụ, đáp ứng các nhu cầu thiết yếu của đời sống xã hội nói chung và nhu cầu của sản xuất kinh doanh trong nước. Trong suốt thập kỷ 90 của thế kỷ XX và những năm đầu thế kỷ XXI, DNNN luôn đóng góp một tỷ trọng lớn vào tổng sản phẩm trong nước (chiếm từ 36% đến 40% GDP), đóng góp trong tổng thu ngân sách tới hơn 50% (2003: 60%) và chiếm đến hơn 50% kim ngạch xuất khẩu [35, tr. 104].

Với tiềm lực vượt trội về cơ sở vật chất và nguồn nhân lực, DNNN đang là lực lượng xung kích đảm đương nhiệm vụ thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, là lực lượng đi đầu trong ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, đổi mới công nghệ, đảm đương các nhiệm vụ nặng nề như xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển các ngành sản xuất đòi hỏi có vốn đầu tư lớn, chu kỳ thu hồi vốn dài... mà với thực lực hiện nay, khu vực kinh tế tư nhân khó có thể đảm đương được.

Thứ ba, DNNN là một trong những công cụ quan trọng để Nhà nước thực hiện điều tiết vĩ mô nền kinh tế, khắc phục những khuyết tật của kinh tế thị trường, đảm bảo phát triển bền vững nền kinh tế theo định hướng XHCN, DNNN còn là công cụ quan trọng để Nhà nước giải quyết các vấn đề xã hội như cung cấp dịch vụ công ích, giải quyết việc làm, hỗ trợ phát triển kinh tế và đời sống của nhân dân các vùng, miền có điều kiện sản xuất và sinh hoạt khó khăn, thu hẹp khoảng cách giữa các vùng miền góp phần xóa đói giảm nghèo. Ngoài ra, trong điều kiện một đất nước phải chịu những hậu quả nặng nề của chiến tranh, nền kinh tế có xuất phát điểm thấp cả về cơ sở vật chất và nguồn nhân lực, phải đương đầu với những thách thức lớn của hội nhập kinh tế quốc tế, DNNN đang đóng vai trò là đối tác chính trong các mối quan hệ liên doanh, liên kết kinh tế quốc tế, gánh vác trách nhiệm nặng nề là góp phần duy trì và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Bên cạnh những thành tựu, những ưu điểm đó, DNNN của chúng ta vẫn còn chứa đựng những tồn tại yếu kém, đó là:

Một là, về quy mô vốn.


Vốn bình quân của một doanh nghiệp chỉ có 45 tỷ đồng, trong đó vốn lưu động chưa đầy 10 tỷ nhưng phần lớn lại tập trung vào các tổng công ty lớn như dầu khí, xi măng, xăng dầu, hàng không, hàng hải, đường sắt, điện lực. Vì vậy còn tới 47% doanh nghiệp nhà nước có vốn dưới 5 tỷ đồng (VNĐ) trên một doanh nghiệp... [41, tr. 820].

Với nguồn lực về vốn như nêu trên, các doanh nghiệp không đủ khả năng để thực hiện đổi mới công nghệ sản xuất - một yếu tố có tính chất quyết định đến vấn đề nâng cao năng suất lao động, đa dạng hóa sản phẩm.

Hai là, về khoa học - công nghệ.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 98 trang tài liệu này.


Hơn 50% số tài sản cố định của các doanh nghiệp nhà nước đã sử dụng trên 20 năm... Nhiều doanh nghiệp nhà nước còn sử dụng công nghệ sản xuất cũ từ những năm 1960 - 1970. Số mua sắm sau năm 1990 chỉ chiếm 10%, chỉ có 3% số dây chuyền sản xuất được hiện đại hóa, còn lại là ở trình độ thủ công và trình độ cơ khí, hiện tại có 38% tải sản cố định chờ thanh lý [35, tr. 107].

Hoàn thiện pháp luật đảm bảo dân chủ trong cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam hiện nay - 2

Theo tiến sĩ Lê Đăng Doanh, chuyên viên cao cấp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, có đến 47% trong tổng số hơn 160.000 doanh nghiệp đang hoạt động ở Việt Nam không quan tâm đến đổi mới công nghệ, không hề có chiến lược dài hạn, không phân tích thị trường, không hề biết đối thủ cạnh tranh (theo Báo Đầu tư, ngày 5, 7/1/2005). Đây là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn tới tình trạng giá thành sản phẩm của DNNN thường cao hơn giá thành sản phẩm của các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác, tỷ suất lợi nhuận trên vốn của DNNN là rất thấp, hạn chế khả năng tích lũy cho việc tái đầu tư.

Ba là, về vấn đề quản trị doanh nghiệp. Theo Giáo sư Nguyễn Văn Thường:

Chúng ta vẫn còn lúng túng trong việc xác định loại hình pháp lý phù hợp để "chứa đựng" doanh nghiệp 100% sở hữu nhà nước bởi quản trị doanh nghiệp 100% vốn nhà nước không được thiết kế trên những nguyên tắc và thông lệ đã được quốc tế thừa nhận. Vừa thiếu giám sát đối với người quản lý, người thực hiện quyền sở hữu và những người có liên quan của họ; vừa gò bó áp đặt không phù hợp đẩy họ vào thế "thủ thân" hơn là phát huy sáng tạo, sáng kiến và dám chấp nhận rủi ro trong kinh doanh [88, tr. 217].

Một điều dễ nhận thấy là chưa có sự tương thích giữa lợi ích cá nhân xuất phát từ vai trò quản lý điều hành doanh nghiệp và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, do đó năng lực quản trị doanh nghiệp không được khuyến khích phát huy và kéo theo một tình trạng phổ biến ở các DNNN, đó là buông lỏng công tác quản lý lao động, sử dụng tuyển chọn lao động xuất phát từ quan hệ tình cảm, nể nang... mà không xuất phát từ yêu cầu của sản xuất, kinh doanh, dẫn đến tính kỷ luật, tính sáng tạo của người lao động trong các DNNN là không cao, không được phát huy.

Ngoài các nguyên nhân nêu trên, trong quản lý nhà nước đối với DNNN chúng ta chưa có được cơ chế giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp thực sự linh hoạt và khoa học. Vẫn còn sự chi phối tác động mang tính mệnh lệnh hành chính đối với hoạt động của doanh nghiệp, vấn đề ưu đãi, bảo hộ, độc quyền trong kinh doanh dành cho các DNNN ở một mức độ nào đó cũng là tác nhân hạn chế năng lực cạnh tranh thực sự của doanh nghiệp.

Để xây dựng đất nước vững mạnh về mọi mặt thì nhiệm vụ phát triển kinh tế phải đặt lên hàng đầu là yếu tố có tính chất quyết định. Để giữ vững định hướng XHCN, việc duy trì phát triển khu vực kinh tế nhà nước trong đó có hệ thống DNNN là yêu cầu có tính khách quan. Với vai trò và thực trạng của DNNN trong những năm qua, việc sắp xếp đổi mới hệ thống DNNN trong đó có giải pháp CPH DNNN là một nhiệm vụ, một đòi hỏi khách quan của công cuộc đổi mới và xây dựng đất nước.

1.1.1.2. Khái niệm cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước

Chúng ta rất dễ nhận thấy khái niệm CPH là một khái niệm phái sinh từ khái niệm cổ phần - một khái niệm hình thành gắn liền với sự ra đời của một loại hình doanh nghiệp, đó là công ty cổ phần.

Công ty cổ phần là loại hình doanh nghiệp có vốn do nhiều chủ sở hữu góp chung. Các chủ sở hữu góp vốn vào công ty cổ phần gọi là cổ đông, vốn của công ty được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần. Phần vốn góp của một cổ phần - tương ứng với một lượng đơn vị tiền tệ nhất định - được gọi là mệnh giá cổ phần. Trong luận án tiến sĩ luật học về đề tài "Quản lý nhà nước bằng pháp luật đối với công ty cổ phần ở Việt Nam", tác giả Nguyễn Thanh Bình đã nêu khái niệm công ty cổ phần như sau:

Công ty cổ phần là loại hình doanh nghiệp thuộc công ty đối vốn. Vốn của công ty cổ phần được chia thành những phần bằng nhau gọi là cổ phần và được thể hiện dưới hình thức cổ phiếu. Việc góp vốn vào công ty được thực hiện bằng cách mua cổ phiếu. Các cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty trong phạm vi giá trị cổ phiếu mà họ sở hữu. Công ty cổ phần có tư cách pháp nhân độc lập, mang tính tổ chức cao, có cấu trúc vốn phức tạp. Công ty cổ phần có quyền phát hành chứng khoán ra công chứng để huy động vốn [5, tr. 13-14].

So sánh với các loại hình doanh nghiệp khác như công ty hợp doanh, công ty trách nhiệm hữu hạn... công ty cổ phần có những ưu điểm có tính vượt trội đó là:

Thứ nhất, công ty cổ phần có khả năng huy động vốn, điều chỉnh cơ cấu vốn - tài chính linh hoạt có được từ quyền phát hành chứng khoán huy động vốn của công ty và quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của các cổ đông. Đây là ưu điểm cho phép công ty cổ phần có thể huy động vốn ở một phạm vi chủ thể đầu tư rộng lớn và đa dạng, có thể huy động vốn từ những nguồn nhỏ lẻ, thậm chí chỉ bằng mệnh giá cổ phần - rất phù hợp và thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động trong các nền kinh tế có nhiều nguồn lực nhỏ lẻ phân tán như ở nước ta. Ưu điểm này cũng cho phép các công ty cổ phần có thể điều chỉnh cơ cấu vốn, cơ cấu sở hữu vốn giữa các cổ đông một cách linh hoạt theo cơ chế thị trường mà không gây ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của công ty.

Thứ hai, công ty cổ phần có nguyên tắc tổ chức và hoạt động nội tại theo cơ chế của "nền dân chủ cổ phần". Quyền biểu quyết, lợi ích vật chất và trách nhiệm của cổ đông được qui định bởi số cổ phần mà cổ đông đó sở hữu theo nguyên tắc mỗi cổ phần cùng loại có quyền biểu quyết, được hưởng lợi tức cũng như chịu trách nhiệm rủi ro như nhau đối với các vấn đề về tổ chức và hoạt động của công ty cổ phần. Việc quyết định các vấn đề quan trọng đối với sự tồn tại, phát triển của công ty, việc thiết lập cơ quan quản lý công ty (Hội đồng quản trị) và cơ quan giám sát của công ty (Ban kiểm soát), đều do Đại hội đồng cổ đông - cơ quan có quyền quyết định cao nhất của công ty - quyết định trên cơ sở quyền tự do ý chí, tự do lựa chọn của các cổ đông thông qua hình thức biểu quyết theo phiếu, tương ứng với số cổ phần mà họ sở hữu.

Trong công ty cổ phần, quyền điều hành công việc kinh doanh của công ty được tập trung cao cho Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, do đó tính độc lập tự chủ trong điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh của họ là rất cao. Hoạt động quản lý điều hành công ty cũng được đặt trong cơ chế giám sát chặt chẽ của các cổ đông xuất phát từ động cơ bảo vệ lợi ích của họ, giám sát của Đại hội đồng cổ đông, của Hội đồng quản trị, của Ban kiểm soát theo qui định của pháp luật và điều lệ của công ty. Yêu cầu về sự công khai, minh bạch về tài chính của công ty cổ phần luôn được các cổ đông đòi hỏi ở mức độ cao, do đó thường được thực hiện tốt. Những ưu điểm nêu trên chính là tiền đề cho việc hình thành một giải pháp cải cách hệ thống DNNN được rất nhiều quốc gia áp dụng đó là CPH DNNN.

Quay trở lại vấn đề DNNN, trong quá trình tồn tại và phát triển, DNNN ở các nước nói chung và ở nước ta đều bộc lộ những nhược điểm cơ bản, đó là hiệu quả kinh doanh thấp, sản phẩm hàng hóa dịch vụ của DNNN thiếu sức cạnh tranh. Trong nhiều trường hợp, DNNN trở thành phương tiện cho các cá nhân thực hiện các hành vi tham nhũng, vi phạm pháp luật.

Nguyên nhân cơ bản dẫn đến những hạn chế yếu kém của DNNN là do cơ chế quản lý nhà nước đối với hệ thống DNNN và cơ chế vận động nội tại của DNNN như đã nêu ở phần trên.

Đứng trước thực trạng hạn chế yếu kém của các DNNN, cải cách, đổi mới hệ thống DNNN là một yêu cầu, một xu thế tất yếu đặt ra đối với mỗi quốc gia. Với những ưu điểm vốn có về khả năng điều chỉnh cơ cấu vốn, cơ cấu sở hữu vốn và cơ chế giám sát của mình, công ty cổ phần là hình thức pháp lý được lựa chọn để chuyển đổi hình thức pháp lý của DNNN nhằm hạn chế những yếu kém trong quản lý, điều hành hoạt động của DNNN và đặc biệt là để khắc phục trạng thái "vô chủ" của DNNN. Quá trình này được thực hiện bằng biện pháp DNNN phát hành cổ phần ra công chúng, bán một tỷ lệ nhất định vốn Nhà nước tại DNNN cho các chủ đầu tư khác, đồng thời DNNN đó được đăng ký thành lập và hoạt động dưới hình thức pháp lý mới đó là công ty cổ phần, toàn bộ quá trình đó được gọi là cổ phần DNNN.

Như vậy, CPH DNNN là giải pháp đổi mới DNNN được thực hiện bằng hình thức DNNN phát hành cổ phần để bán một tỷ lệ vốn nhà nước tại DNNN cho các chủ đầu tư, nhằm chuyển đổi DNNN từ doanh nghiệp một chủ sở hữu (sở hữu nhà nước) thành doanh nghiệp có nhiều chủ sở hữu hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần.

ở nước ta, cải cách DNNN luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm, trở thành một nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết trong giai đoạn hiện nay. Trải qua hơn 15 năm thực hiện, cơ sở pháp lý cho hoạt động CPH luôn được nghiên cứu, điều chỉnh và ngày càng được hoàn thiện. Sau khi Luật DNNN 2003 được ban hành qui định hình thức duy nhất của DNNN là các loại hình công ty bao gồm: Công ty nhà nước; công ty cổ phần; công ty trách nhiệm hữu hạn. Chính phủ đã ban hành Nghị định số 187/2004/NĐ-CP ngày 16/11/2004 về việc chuyển công ty nhà nước thành công ty cổ phần (thay thế Nghị định số 64/2002/NĐ- CP ngày 19/6/2002 về việc chuyển DNNN thành công ty cổ phần), đây là văn bản pháp luật qui định cụ thể trình tự thủ tục về CPH DNNN có hiệu lực pháp lý cao nhất trong hệ thống các văn bản pháp luật về CPH DNNN ở nước ta hiện nay.

Theo qui định tại Điều 1 Nghị định 187/2004/NĐ-CP: CPH DNNN là việc chuyển công ty nhà nước thành công ty cổ phần.

- Đối tượng CPH là các DNNN không thuộc diện Nhà nước cần nắm giữ 100%

vốn.


- Mục tiêu của việc CPH DNNN bao gồm:

+ Chuyển DNNN sang loại hình doanh nghiệp có nhiều chủ sở hữu.


+ Huy động vốn của cá nhân tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội trong và ngoài nước để tăng năng lực tài chính, đổi mới công nghệ, đổi mới phương thức quản lý, nhằm nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

- Nguyên tắc thực hiện CPH.


+ Đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp, nhà đầu tư và người lao động trong doanh nghiệp.

+ Thực hiện công khai, minh bạch theo nguyên tắc thị trường.


- Hình thức CPH DNNN:


+ Giữ nguyên vốn nhà nước tại doanh nghiệp, phát hành cổ phiếu thu hút thêm

vốn.


+ Bán một phần vốn nhà nước hiện có tại doanh nghiệp hoặc kết hợp vừa bán bớt

một phần vốn nhà nước vừa phát hành thêm cổ phiếu để thu hút vốn.


+ Bán toàn bộ vốn nhà nước hiện có tại doanh nghiệp hoặc vừa bán toàn bộ vốn nhà nước hiện có tại doanh nghiệp vừa phát hành thêm cổ phiếu để thu hút vốn.

1.1.1.3. Đặc điểm của cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước


Dưới góc độ kinh tế: CPH DNNN là giải pháp chuyển đổi sở hữu, đa dạng hóa sở hữu đối với tài sản doanh nghiệp mà cụ thể hơn là tạo nên những chủ sở hữu thực sự đối với tài sản đang thuộc sự quản lý của DNNN. Sự thay đổi về cơ cấu sở hữu trong CPH DNNN là tiền đề cho những thay đổi về cơ chế quản lý, giám sát, điều hành doanh nghiệp.

Dưới góc độ pháp lý: CPH DNNN là việc thay đổi hình thức pháp lý của doanh nghiệp từ công ty nhà nước, tổng công ty nhà nước chuyển thành công ty cổ phần, hệ quả tất yếu của sự thay đổi nay là sự thay thế cơ chế quản lý nhà nước đối với DNNN; cơ chế quản lý, điều hành, giám sát, nội tại của doanh nghiệp theo Luật DNNN bằng các cơ chế tương ứng theo qui định của Luật doanh nghiệp đối với công ty cổ phần.

Căn cứ vào tính chất, vai trò, cách thức của các chủ thể tham gia vào quá trình CPH DNNN, CPH DNNN là một hiện tượng kinh tế pháp lý có các đặc điểm chủ yếu như sau:

Thứ nhất, CPH DNNN là hoạt động quản lý nhà nước trong lĩnh vực kinh tế. Nội dung quản lý nhà nước trong CPH bao gồm:

- Việc ban hành các văn bản qui phạm pháp luật qui định cơ chế, chính sách về CPH, trình tự thủ tục, nội dung CPH, tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện CPH DNNN; xây dựng các chương trình kế hoạch CPH DNNN.

- Tổ chức thực hiện các chương trình kế hoạch CPH DNNN, các qui định của pháp luật về CPH đã được ban hành.

- Kiểm tra, giám sát đối với hoạt động chấp hành pháp luật của các chủ thể tham gia quá trình CPH và xử lý các vi phạm pháp luật về CPH DNNN.

Thứ hai, CPH DNNN là hoạt động định đoạt tài sản thuộc sở hữu toàn dân.


Theo qui định tại Điều 17 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 (được sửa đổi, bổ sung theo Nghị quyết số 51/2001/QH10 ngày 25/12/2001) "vốn, tài sản do Nhà nước đầu tư vào các doanh nghiệp là tài sản thuộc sở hữu toàn dân". Chính phủ thực hiện chức năng chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp có vốn nhà nước theo qui định của luật tổ chức Chính phủ. Trong quá trình CPH DNNN, dù thực hiện theo hình thức bán một phần vốn nhà nước hay giữ nguyên vốn nhà nước phát hành cổ phiếu để thu hút vốn đầu tư, DNNN CPH đều phải phát hành cổ phiếu, bán cổ phần cho các chủ sở hữu khác, thông qua các giao dịch này tỷ trọng vốn thuộc sở hữu nhà nước trong tổng số vốn và tài sản hiện có tại DNNN CPH giảm xuống, đồng thời xác lập quyền sở hữu đối với một tỷ lệ nhất định tiền vốn tài sản hiện có tại doanh nghiệp CPH cho người mua cổ phần, tương ứng với số cổ phần đã mua được.

Như vậy trong quá trình CPH DNNN, tài sản thuộc sở hữu toàn dân tồn tại dưới hình thức vốn, tài sản do DNNN quản lý được định đoạt bằng hình thức bán cổ phần do doanh nghiệp phát hành ra công chúng.

Thứ ba, CPH DNNN là hoạt động tham gia đầu tư của các chủ thể có vốn đầu tư.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 26/04/2022