sự phì nhiêu, màu mỡ cho các đồng bằng. Sông nước đã để lại đấu ấn rất quan trọng cho tinh thần văn hóa khu vực này. Chính nó đã tạo nên nét độc đáo của nền văn hóa nông nghiệp lúa nước.
Với nền văn minh lúa nước, văn hóa Việt Nam được hình thành trên nền của văn hóa Đông Nam Á, trong sự giao lưu mật thiết với văn hóa khu vực, đặc biệt là văn hóa Trung Hoa. Trong đời sống tâm linh, không chỉ có Phật giáo mà Nho giáo, Đạo giáo ảnh hưởng rất lớn đến đời sống văn hóa của người Việt. Từ thời cận đại đến nay, văn hóa của người Việt lại có thêm ảnh hưởng của Kitô giáo.
Trong suốt quá trình phát triển của lịch sử, sự hội nhập của các nền văn hóa trong khu vực, đã ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực của văn hóa Việt Nam. Đặc biệt, sự xuất hiện của các tôn giáo đã để lại dấu ấn sâu đậm về vũ trụ quan và nhân sinh quan ở người Việt. Có thể thấy, các tư tưởng nhận thức về vũ trụ quan, nhân sinh quan được thể hiện rất rõ ở triết lý âm dương.
Đứng từ triết lý âm dương, ta không chỉ thấy rõ quy luật của loại hình văn hóa nông nghiệp mà còn thấy được sự hình thành tính cách của người Việt. Với triết lý sống bình quân, người nông dân Việt Nam không muốn làm mất lòng ai. Trong lối sống, trong cách cư xử, họ cố gắng tạo nên sự hài hòa với môi trường, thiên nhiên xung quanh. Trong mọi hoàn cảnh, người Việt có khả năng thích ứng cao, dù khó đến đâu cũng không chịu nản.
Cuộc sống nông nghiệp phụ thuộc vào thiên nhiên khiến cho cư dân ở đây có tính cộng đồng cao. Những người có cùng quan hệ huyết thống gắn bó mật thiết với nhau tạo thành gia đình, dòng họ và cùng với nó là cộng đồng làng xã. Sức mạnh gia tộc được thể hiện ở tinh thần đùm bọc, thương yêu lẫn nhau cả về mặt vật chất và tinh thần. Cộng đồng làng xã Việt Nam được hình thành để đáp ứng nhu cầu của nghề trồng lúa nước. Do tính thời vụ của công việc, nên người Việt cần liên kết chặt chẽ với nhau để đối phó với môi trường xã hội và trợ giúp lẫn nhau khi cần thiết. Họ sống không thể thiếu bà con làng xóm, anh em họ hàng.
Tính cộng đồng đã tạo nên những tập thể làng khép kín mang tính tự trị. Các làng tồn tại khá biệt lập với nhau, ít liên hệ bên ngoài, làng nào biết làng ấy. Do đó, mỗi làng xã, dòng họ đều có những quy ước chặt chẽ về cách ứng xử riêng biệt. Sự khép kín này đã làm cho ngôn ngữ phát triển tự phát theo cách riêng trong một cộng đồng nhỏ hẹp, dẫn đến sự khác biệt trong ngôn ngữ địa phương.
Do tính cộng đồng nên người Việt Nam luôn sẵn sàng đoàn kết tương trợ giúp đỡ lẫn nhau tạo nên nếp sống dân chủ, bình đẳng. Chính vì vậy, yếu tố cá nhân luôn hòa tan trong mối quan hệ tập thể. Điều này thể hiện khá rõ trong cách xưng hô, cách giải quyết xung đột.
Đến thời Nguyễn, việc khai phá đồng bằng Nam Bộ đã đem lại khuôn mặt mới cho làng xã Việt Nam. Khí hậu Nam Bộ ổn định, thiên nhiên ưu đãi, hầu
239
Có thể bạn quan tâm!
- Đặc Trưng Cơ Bản Trong Văn Hóa Giao Tiếp Của Người Nhật Bản
- Đặc Trưng Cơ Bản Trong Văn Hóa Giao Tiếp Của Người Nga
- Đặc Trưng Cơ Bản Trong Văn Hóa Giao Tiếp Của Người Đức
Xem toàn bộ 146 trang tài liệu này.
như ít gặp thiên tai bất thường. Do là vùng đất mới khai phá nên thành phần dân cư ở đây thường hay biến động, không bị gắn chặt với quê hương như làng Bắc Bộ. Nông thôn Nam Bộ cũng tổ chức thành làng, nhưng không khép kín và không có những thiết chế quá chặt chẽ như làng Bắc Bộ. Chính vì vậy, người dân Nam Bộ có tính cách phóng khoáng, ít bảo thủ và dễ tiếp nhận những ảnh hưởng từ bên ngoài. Bên cạnh những nét riêng đó, người Nam Bộ vẫn có được các tính cách chung của người Việt, đó là tính trọng cộng đồng, tính cần cù và chăm chỉ.
Văn hóa nông nghiệp không chỉ chi phối đến tổ chức xã hội mà còn liên quan đến tín ngưỡng của cư dân Việt. Để duy trì và phát triển sự sống, người dân nhìn thấy ở thực tiễn một sức mạnh siêu nhiên và sùng bái nó như thần thánh. Từ đó ra đời tín ngưỡng phồn thực, cầu mong sự sinh sôi nảy nở của tự nhiên và con người. Bên cạnh đó, người dân còn có tín ngưỡng sùng bái tự nhiên và sùng bái con người. Các tín ngưỡng này được khắc họa trong hội họa, kiến trúc, hoa văn trang trí,... và cả các phong tục tập quán của người Việt.
6.4.2. Đặc trưng văn hóa trong giao tiếp
Xuất phát từ nền văn hóa nông nghiệp, nên người Việt Nam sống phụ thuộc lẫn nhau và rất coi trọng việc giữ gìn các mối quan hệ tốt với mọi thành viên trong cộng đồng. Đây chính là nguyên nhân khiến người Việt Nam đặc biệt coi trọng việc giao tiếp. Thông qua giao tiếp, con người tạo dựng các mối quan hệ, củng cố tình thân.
Để thắt chặt các mối quan hệ, người Việt Nam thích thăm viếng nhau cho dù ngày nào cũng gặp nhau. Sự thăm viếng không còn là nhu cầu công việc mà là biểu hiện của tình cảm, tình nghĩa. Khách đến chơi, dù quen hay lạ, thân hay sơ luôn được chủ nhà tiếp đón chu đáo và tiếp đãi một cách thịnh tình. Hiếu khách còn là một đặc tính cơ bản của người Việt Nam. Khách đến nhà chơi sẽ được chủ nhà tiếp đón thịnh tình, chu đáo cho dù gia cảnh chủ nhà có nghèo khó. Điều này càng được thấy rõ khi đến với các vùng nông thôn hẻo lánh, vùng dân tộc ít người.
Người Việt Nam vốn lấy tình làm trọng, lấy tình cảm làm nguyên tắc ứng xử trong giao tiếp, nên trong cuộc sống luôn cư xử hài hòa giữa tình và lý. Tuy nhiên vẫn thiên về tình nhiều hơn. Vì vậy, khi cần cân nhắc giữa tình với lý thì tình được đặt cao hơn lý. Việc coi trọng tình cảm được thể hiện ở mọi nơi: trong gia đình (tình cảm vợ chồng), ngoài xã hội (tình cảm thầy - trò, tình đồng môn, đồng nghiệp).
Do lối tư duy tổng hợp, nên người Việt Nam có thói quen ưa tìm hiểu, quan sát, đánh giá đối tượng khi giao tiếp. Những vấn đề họ quan tâm thường là tuổi tác, quê quán, trình độ học vấn, địa vị xã hội, tình trạng gia đình, điều này hoàn toàn trái ngược lại với người phương Tây. Việc hỏi về đời tư của người giao tiếp khiến cho người nước ngoài cho rằng người Việt Nam tò mò. Tuy nhiên, đây chính là sản phẩm của tính cộng đồng làng xã. Người Việt tự thấy phải có trách nhiệm quan tâm đến người khác và để thể hiện sự quan tâm cần
240
biết rõ hoàn cảnh của nhau. Không những thế, khi có đầy đủ thông tin của người đối thoại, sẽ giúp cho người Việt Nam dễ dàng lựa chọn cách xưng hô thích hợp, bởi lối xưng hô của người Việt Nam vô cùng phong phú, thể hiện nhiều vai khác nhau trong giao tiếp. Cách xưng hô đó không chỉ thể hiện đúng quan hệ tuổi tác, thứ bậc trong họ hàng, ngoài xã hội mà còn thể hiện được sự gần gũi, thân mật. Có thể thấy, việc giao tiếp không chỉ đơn thuần là trao đổi thông tin mà còn thể hiện danh dự của người Việt thông qua năng lực giao tiếp.
Trong cách thức giao tiếp, người Việt Nam không bao giờ mở đầu trực tiếp, nói thẳng vào vấn đề mà thường vòng vo một cách tế nhị, ý tứ và kín đáo. Việc chào hỏi xã giao trở thành lễ nghi trong giao tiếp của cộng đồng người Việt, nó giúp cho bầu không khí trở nên thân mật và giúp đưa đẩy câu chuyện. Điều này khác hẳn với cách thức giao tiếp của người phương Tây.
Cũng chính lối giao tiếp tế nhị, kín đáo đã tạo cho người Việt Nam thói quen đắn đo, cân nhắc kỹ trước khi nói năng, nó dẫn đến nhược điểm là tính thiếu quyết đoán. Để tránh phải quyết đoán, để không làm mất lòng ai, để giữ được hòa thuận cần thiết, người Việt Nam rất hay cười. Nụ cười là bộ phận quan trọng trong thói quen giao tiếp của người Việt, nó có thể xuất hiện vào cả những lúc ít chờ đợi nhất.
Do nặng về tình cảm nên người Việt Nam ít dùng những từ "cảm ơn", "xin lỗi" như người phương Tây. Đối với mỗi người, ở mỗi trường hợp nhất định việc cảm ơn, xin lỗi cũng có cách nói khác nhau. Chẳng hạn: Cháu xin bác! (cảm ơn khi nhận quà), Anh tốt quá! (cảm ơn khi được quan tâm), Anh quá khen! (cảm ơn khi được khen), Nói khí không phải, Nói vô phép (xin lỗi khi nói điều gì sơ suất), Mong bác bỏ quá đi cho, Tôi sơ ý quá, Tôi lỡ tay (xin lỗi khi làm hỏng),v.v... Cũng giống như việc "cảm ơn" hay "xin lỗi", nghi thức chào hỏi của người Việt được phân theo quan hệ xã hội, theo không gian để thể hiện vị trí xã hội và sắc thái tình cảm.
6.4.3. Đặc trưng giao tiếp trong kinh doanh
a. Bắt tay
Tục lệ xã giao bắt tay được sử dụng cả trước buổi gặp mặt lẫn khi kết thúc. Bắt tay thường sử dụng khi cả hai phía cùng giới tính. Một vài người Việt Nam dùng 2 tay để bắt tay, với tay bên trái để phía trên cùng. Khi đối tác là phụ nữ, hãy chờ họ đưa tay ra trước, nếu cô ấy không làm vậy, hãy cúi nhẹ đầu chào.
b. Sử dụng danh thiếp
Người Việt Nam sử dụng danh thiếp khi tham dự các buổi họp và hội nghị kinh doanh. Khi gặp một ai đó lần đầu tiên, sẽ là lịch sự khi đưa danh thiếp bằng hai tay.
Khi nhận danh thiếp không bỏ ngay vào túi, dành một vài phút để xem qua thông tin trên danh thiếp của người đưa, nhớ phát âm chuẩn tên của họ và thể hiện việc bạn đánh giá cao cơ hội được gặp gỡ với họ. Sau khi kết thúc quá trình này, hãy đặt danh thiếp vào trong ví của bạn để tỏ rõ sự tôn trọng.
Ngoài ra, nếu được, bạn nên có một chiếc danh thiếp song ngữ bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt để trao lại cho đối tác.
c. Cách thức giao tiếp
Người Việt Nam rất lịch sự trong giao tiếp, thường cười và đồng ý với đối tác ngay cả khi họ chưa hiểu hoàn toàn những gì đối phương nói. Cười và gật đầu ở đây là biểu lộ họ đang theo dõi đối phương nói chứ không phải để chỉ sự xác nhận đồng ý với ý kiến.
Ăn và uống là nét văn hóa không kém phần quan trọng trong kinh doanh của người Việt Nam. Nâng cốc chúc mừng trong các buổi tiệc hoặc đi hát karaoke là những hoạt động chính diễn ra sau bữa tối.
Khi rượu được mang ra trong bữa ăn, các cá nhân chỉ nên uống sau khi thủ tục nâng cốc chúc mừng được diễn ra. Cốc hoặc chén sẽ được nâng bằng tay phải và đỡ bằng tay trái. Hoạt động nâng cốc có thể được diễn ra nhiều lần trong suốt buổi tiệc. Những câu nâng cốc thường được sử dụng là “Chúc sức khỏe”.
d. Phong cách ăn mặc
Khí hậu ở Việt Nam khá nóng, đặc biệt là ở vùng phía Nam vì vậy hãy cân nhắc thật kỹ và tìm bộ trang phục phù hợp khi cần phải tham gia hội nghị, hay các hoạt động khác liên quan đến kinh doanh. Tốt nhất cả nam và nữ đều nên mặc những bộ vest trang trọng. Nam giới phải thắt cravat áo sơ mi, còn phụ nữ có thể mặc những chiếc áo cánh kín đáo.
e. Buổi họp
Sự phân cấp thứ bậc là biểu hiện mặt rất quan trọng trong các buổi họp kinh doanh tại Việt Nam. Ví dụ, người quan trọng nhất luôn luôn được ngồi tại vị trí đầu tiên. Sự im lặng cũng nên được chú ý trong buổi họp. Đặc biệt, ngay cả khi ai đó không đồng ý với một người khác họ vẫn giữ im lặng.
Trong giao tiếp, người Việt Nam coi trọng mối quan hệ. Vì vậy, đây sẽ là yếu tố quan trọng xác định sự thành công trong hợp tác kinh doanh. Để giao tiếp trong hoạt động kinh doanh có hiệu quả, cần đầu tư thời gian trong việc xây dựng một mối quan hệ tốt đẹp trên cả yếu tố cá nhân và công việc.
f. Quà tặng
Quà tặng không phổ biến trao đổi trong lần đầu tiên gặp mặt. Tuy nhiên, một món quà nhỏ sau bữa tiệc tối hoặc một thời khắc thích hợp nào khác luôn luôn được đánh giá cao.
Người Việt Nam quan niệm, món quà không quan trọng bằng tấm lòng của người tặng. Một hộp sôcôla, một chai rượu cô - nhắc hoặc một vật lưu niệm nhỏ từ đất nước của bạn sẽ cho thấy bạn là một người hết sức chu đáo.
Câu hỏi ôn tập và thảo luận
1. Anh (chị) hãy phân tích các yếu tố dẫn đến sự khác biệt về văn hóa giữa phương Đông và phương Tây.
2. Anh (chị) hãy so sánh sự khác nhau trong văn hóa giao tiếp của người châu Á và châu Âu.
3. Anh (chị) cần chú ý điểm gì khi giao tiếp với người Anh, Pháp, Đức?
4. Anh (chị) cần chú ý điểm gì khi giao tiếp với người Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản?
5. Anh (chị) hãy phân tích những đặc điểm trong văn hóa giao tiếp của người Việt Nam.
I. Tiếng Việt
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Hoàng Anh (chủ biên), (2009), Hoạt động giao tiếp và nhân cách, NXB. Đại học Sư phạm.
2. Việt Anh, (2000), Nghi lễ giao tiếp xưa và nay, NXB. Văn hóa - Thông tin, Hà Nội.
3. Dương Thanh Bình, (2000), Nghệ thuật tặng quà tặng hoa và những lời chúc tốt đẹp nhất, NXB. Trẻ.
4. Lê Thị Bừng, (2001), Tâm lý học ứng xử, NXB. Giáo dục.
5. Mai Chánh Cường, (2009), Kỹ năng thuyết trình và đàm phán trong kinh doanh, NXB Khoa học và Kỹ thuật.
6. Vũ Dũng, (2000), Tâm lý học xã hội, NXB. Khoa học - Xã hội.
7. Kim Đan, (2002), Nghệ thuật tặng quà, NXB. Văn hóa - Thông tin, Hà
Nội.
8. Đinh Văn Đáng, (2013), Giao tiếp trong kinh doanh, NXB. Lao động.
9. Nguyễn Văn Đồng, (2009), Tâm lý học giao tiếp, NXB Chính trị -
Hành chính.
10. Trần Thu Hà, (2008), Giáo trình Giao tiếp trong kinh doanh du lịch, NXB. Hà Nội.
11. Minh Hảo (dịch), (2000), Nghệ thuật nói trước công chúng, NXB. Văn hóa - Thông tin.
12. Nguyễn Hùng Hậu, (2010), Triết học phần 1: Lịch sử triết học, NXB. Chính trị - Hành chính.
13. Ngô Công Hoàn, (1997), Tâm lý xã hội học trong quản lý, NXB. Đại học Quốc gia.
14. Lê Ngọc Hùng, (2011), Lịch sử và lý thuyết xã hội học, NXB. Đại học quốc gia Hà Nội.
15. Phạm Mai Hương, (2005), Nghệ thuật kinh doanh và ứng xử văn hóa một số nước trên thế giới, NXB. Văn hóa - Thông tin.
16. Đoàn Hương Lan (2010), Giáo trình Nghiệp vụ Hướng dẫn du lịch, NXB. Lao động.
17. Nguyễn Văn Lê, (1998), Nhập môn khoa học giao tiếp, NXB. Giáo
dục.
18. Nguyễn Văn Lê, (1998), Sự giao tiếp trong kinh doanh và quản trị,
NXB. Trẻ.
19. Trần Thanh Liêm (cùng nhóm biên soạn), (2003), Phong tục tập quán các nước trên thế giới, NXB Văn hóa dân tộc.
20. Hồ Lý Long, (2006), Giáo trình Tâm lí khách du lịch, NXB. Lao động
- Xã hội.
21. Nguyễn Bá Minh, (2013), Giáo trình Nhập môn khoa học giao tiếp, NXB. Đại học Sư phạm.
22. Đỗ Văn Phức, (2003), Tâm lý và quản lý kinh doanh, NXB. Văn hóa - Thông tin.
23. Bùi Tiến Quý (chủ biên), (2001), Giao tiếp ứng xử của người Việt, NXB. Văn hóa - Thông tin.
24. Trần Ngọc Thêm, (2004), Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, NXB. Tổng hợp, Tp. Hồ Chí Minh.
25. Nguyễn Hữu Thụ, (2013), Tâm lý học quản trị kinh doanh, NXB. Đại học Quốc gia Hà Nội.
26. Nguyên Tố (dịch) Elina Jankowic, Sandra Bernstein , (1996), Cung cách ứng xử (Cẩm nang giao tế trong kinh doanh), NXB. Thống kê.
27. Hoàng Văn Tuấn, (2001), Các quy tắc hay trong giao tiếp, NXB. Thanh niên.
28. Nguyễn Văn Đính, Nguyễn Văn Mạnh, (1996) Tâm lý và nghệ thuật giao tiếp ứng xử trong kinh doanh du lịch, NXB. Thống kê.
29. Vũ lê Giao, Nguyễn Văn Hoài, Lê Nhận Thức, (1997), Nghiệp vụ lễ tân trong giao tiếp đối ngoại, NXB. Thống kê.
30. Nguyễn Văn Lũy, Lê Quang Sơn, (2014), Giáo trình Giao tiếp sư phạm, NXB. Đại học Sư phạm.
31. Vũ Thị Phượng, Dương Quang Huy, (1997) (biên soạn theo Business communications của William C. Himstress, Wayne Murlin Baty), Giao tiếp trong kinh doanh, NXB. Thống kê.
32. Nguyễn Văn Tuấn, Phạm Phương Trung, (2005), Tâm lý và nghệ thuật giao tiếp trong thương mại, NXB. Thống kê.
33. Nguyễn Quang Uẩn, Trần Hữu Luyến, Trần Quốc Thành, (2000), Tâm lý học đại cương, NXB. Đại học Quốc gia.
34. Dự án Phát triển nguồn Nhân lực Du lịch Việt Nam, Tiêu chuẩn kỹ năng nghề Du lịch Việt Nam - VTOS.
35. Tổng cục Du lịch Việt Nam, (2000), Kỹ năng giao tiếp trong khách sạn, Hà Nội.
II. Tài liệu internet
1. Bài giảng Nghiệp vụ hướng dẫn du lịch, http://www.ebook.edu.vn.
2. http:/www.diendandulich.vn
3. http:// www.Toutpratique.com
4. http:// www.commentfaiton.com
5. http:// www.VietTrade.gov.vn
6. http:// www.VCIC.org.vn
7. http:// www.vietnamnet.com
8. http://www.thongtinnhatban.net
9. http://www.nguoilanhdao.com