2. Mục đích, nhiệm vụ nghiên cứu
2.1. Mục đích nghiên cứu
Làm rõ GTDSVH và việc phát huy GTDSVH của VMQTG với phát triển du lịch ở Thủ đô Hà Nội hiện nay. Bàn luận về những vấn đề đặt ra để phát huy hơn nữa các giá trị của di sản VMQTG trong bối cảnh phát triển du lịch Hà Nội trước mắt và lâu dài.
2.2. Nhiệm vụ nghiên cứu
Để thực hiện được mục đích nghiên cứu trên, luận án có các nhiệm vụ chính sau đây:
- Tổng quan tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài và cơ sở lý luận của luận án;
- Khái quát về VMQTG và các giá trị di sản văn hóa VMQTG;
- Nhận diện việc khai thác giá trị di sản VMQTG với phát triển du lịch ở Thủ đô Hà Nội hiện nay;
- Những vấn đề đặt ra đối với việc bảo tồn, phát huy giá trị của di sản văn hóa VMQTG với phát triển du lịch ở Thủ đô hiện nay (bất cập và mâu thuẫn) trong điều kiện KTTT và hội nhập quốc tế.
Có thể bạn quan tâm!
- Giá trị di sản văn hóa với phát triển du lịch ở Thủ đô Hà Nội hiện nay Qua nghiên cứu trường hợp Văn Miếu - Quốc Tử Giám - 1
- Những Công Trình Nghiên Cứu Về Giá Trị Di Sản Văn Hóa Với Phát Triển Du Lịch Ở Thủ Đô Hà Nội
- Những Công Trình Nghiên Cứu Về Giá Trị Di Sản Văn Hóa Của Văn Miếu - Quốc Tử Giám Với Phát Triển Du Lịch
- Việc Khai Thác Giá Trị Di Sản Văn Miếu - Quốc Tử Giám Phục Vụ Phát Triển Du Lịch
Xem toàn bộ 225 trang tài liệu này.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
3.1. Đối tượng nghiên cứu
Vai trò của giá trị di sản văn hóa của VMQTG với phát triển du lịch ở Thủ đô Hà Nội hiện nay.
3.2. Phạm vi nghiên cứu
- Về mặt thời gian: Luận án tập trung khảo sát thực trạng việc phát huy giá trị di sản văn hóa VMQTG với phát triển du lịch ở Thủ đô Hà Nội trong giai đoạn từ năm 2012 - 2017.
- Về mặt không gian: Luận án tập trung nghiên cứu tại không gian VMQTG ở Thủ đô Hà Nội. Ngoài ra còn mở rộng không gian trên địa bàn thành phố Hà Nội và cả nước với các hoạt động du lịch gắn điểm đến VMQTG.
- Về mặt nội dung: Luận án tập trung tìm hiểu giá trị di sản văn hóa với phát triển du lịch ở Thủ đô Hà Nội.
4. Cơ sở phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu
4.1. Cơ sở phương pháp luận
Thực hiện đề tài luận án: "Giá trị di sản văn hóa với phát triển du lịch ở Thủ đô Hà Nội hiện nay" (Qua nghiên cứu trường hợp VMQTG), NCS dựa trên cơ sở phương pháp luận của CNDVBC và DVLS của học thuyết mác xít về MQH biện chứng giữa vật chất và tinh thần, giữa kinh tế và văn hóa trong "đời sống hiện thực". Đồng thời NCS còn vận dụng quan điểm của ĐCSVN trong Văn kiện Hội nghị BCHTW lần thứ Năm, khóa VIII, Văn kiện Hội nghị ban chấp hành Trung ương lần thứ Chín khóa XI về vai trò của văn hóa với phát triển KT - XH ở nước ta hiện nay: văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực hay "nguồn lực nội sinh quan trọng nhất" của phát triển đất nước.
4.2. Phương pháp nghiên cứu
Câu hỏi nghiên cứu được đặt ra cho luận án này là: Những giá trị nổi bật của DSVH VMQTG là gì? Việc khai thác và phát huy GTDSVH VMQTG với phát triển du lịch ở VMQTG và Thủ đô Hà Nội như thế nào? Những vấn đề đặt ra từ việc phát huy GTDSVH VMQTG với phát triển du lịch hiện nay?
Nhằm trả lời cho câu hỏi nghiên cứu trên và thực hiện được các nhiệm vụ nghiên cứu như đã nêu ra ở mục 2.2, NCS sử dụng các phương pháp nghiên cứu khoa học sau đây:
- Phương pháp tiếp cận liên ngành trong nghiên cứu văn hóa học: Văn hóa học là một khoa học chuyên ngành không chuyên ngành (non disciplinary discipline) nằm trên giao điểm của các khoa học xã hội và nhân văn. Hơn nữa, đề tài luận án lại nghiên cứu vấn đề nằm trong đường giáp ranh giữa văn hóa, kinh tế và xã hội nên vận dụng phương pháp liên ngành trong văn hóa học là cần thiết. Phương pháp này cho phép luận án sử dụng các khái niệm, phạm
trù, các kết quả của các ngành khoa học khác có liên quan để nghiên cứu về giá trị di sản văn hóa với phát triển du lịch ở Thủ đô Hà Nội hiện nay (Qua nghiên cứu trường hợp VMQTG).
- Phương pháp điền dã: Thông qua việc quan sát và tham dự trực tiếp vào các hoạt động văn hóa của khách du lịch nhằm thu được các thông tin đánh giá về VMQTG, NCS khảo sát tại địa bàn nghiên cứu trong tháng 12/2014 và tháng 12/2015, đi sâu phân tích đánh giá về giá trị di sản văn hóa với phát triển du lịch. NCS tìm hiểu sâu việc phát huy các giá trị di sản văn hóa VMQTG với phát triển du lịch ở Thủ đô Hà Nội hiện nay như thế nào? Cố gắng xâm nhập thực tế để chia sẻ những thuận lợi, những khó khăn khi các chủ thể tổ chức, quản lý tại đây gặp phải trong quá trình phát huy các giá trị di sản văn hóa VMQTG với phát triển du lịch ở Thủ đô Hà Nội hiện nay.
- Phương pháp nghiên cứu tổng hợp các văn bản, tài liệu: 1) Nghiên cứu và đánh giá hệ thống các văn bản pháp quy quốc tế, Việt Nam và địa phương (Thành phố Hà Nội, VMQTG) như các công ước, hiến chương, luật, nghị định, quy định, hướng dẫn,… có liên quan đến vấn đề di sản văn hóa, phát huy giá trị di sản văn hóa, phát triển du lịch bền vững… Phương pháp nghiên cứu này sẽ giúp NCS làm rõ được các yếu tố cơ bản của vấn đề về GTDSVH, phát huy GTDSVH với phát triển du lịch; tính hiệu quả của hệ thống văn bản này trong thực tiễn,… 2) Hệ thống các tài liệu nghiên cứu của Việt Nam và quốc tế nhằm xem xét và đánh giá các lý thuyết, quan điểm nghiên cứu có liên quan đến phạm vi nghiên cứu và đối tượng nghiên cứu của luận án, cụ thể là các vấn đề: giá trị; giá trị di sản; giá trị di sản văn hóa với phát triển du lịch; các yếu tố tác động có liên quan như các bên có liên quan, quan điểm giá trị văn hóa di sản, loại hình văn hóa di sản, loại hình du lịch;…
- Phương pháp Xã hội học: Cho phép nghiên cứu định tính và định lượng về thực trạng nhận thức và triển khai việc phát huy GTDSVH Văn Miếu - Quốc Tử Giám hiện nay. Nghiên cứu sinh thực hiện (08) cuộc phỏng vấn sâu và khảo sát bảng hỏi (số lượng 300 mẫu) được thực hiện trên địa bàn nghiên cứu với đối
tượng phỏng vấn được lựa chọn có chủ đích nhằm cố gắng đảm bảo tính đại diện của đối tượng phỏng vấn trong liên quan tới tính đa dạng của các bên có liên quan và tính đa dạng trong loại hình di sản hiện có ở điểm di sản văn hóa VMQTG, cụ thể bao gồm thành viên ban quản lý di tích; những người làm công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực di sản; những người nghiên cứu về văn hóa; hướng dẫn viên du lịch; học sinh; sinh viên; du khách tham quan; …
Phần phỏng vấn sâu được thực hiện nhằm tìm hiểu các vấn đề: Thông tin cơ bản về di tích, các giá trị di sản, loại hình du lịch…; Xác định các bên có liên quan và đặc điểm mối quan hệ giữa họ; Giá trị của di sản văn hóa VMQTG; Khai thác điểm đến du lịch tại VMQTG; Vai trò của di sản; Các biện pháp tuyên truyền, quảng bá và phát huy di sản…; Các yếu tố tác động đến mối quan hệ này,…
Phần thực hiện các bảng hỏi được thực hiện nhằm tìm hiểu các vấn đề: Thông qua các bảng hỏi với nhiều nhóm khách thể có liên quan đến di tích VMQTG (bao gồm các cá nhân là học sinh, sinh viên, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, cán bộ quản lý văn hóa, các nhà chuyên môn am hiểu vấn đề…) mà đề tài luận án nghiên cứu.
- Phương pháp phân tích và tổng hợp: Phân tích và tổng hợp trên cơ sở các tài liệu đã có và tài liệu điền dã, tài liệu điều tra với số liệu thống kê, luận án phân tích vai trò tác động của giá trị di sản văn hóa VMQTG với phát triển du lịch ở Thủ đô Hà Nội hiện nay. Từ đó nhìn nhận vấn đề nghiên cứu trong một chỉnh thể, rút ra những kết luận, tổng kết, đánh giá vấn đề nghiên cứu.
Dưới cái nhìn biện chứng và từ nhiều chiều cạnh khác nhau mà phương pháp liên/ đa ngành và các phương pháp nghiên cứu khác mang lại, luận án sẽ tìm ra được những điểm mạnh cần phát huy và chỉ ra được những hạn chế, bất cập trong việc phát huy vai trò các GTDS VMQTG với sự phát triển du lịch ở Thủ đô Hà Nội trong giai đoạn hiện nay, từ đó đề xuất các phương hướng, giải pháp phù hợp.
5. Kết quả và đóng góp của luận án
5.1. Về lý luận
- Luận án hệ thống hóa các quan niệm về DSVH, đưa ra quan niệm về GTDSVH, phân tích GTDSVH với phát triển du lịch hiện nay (qua nghiên cứu trường hợp VMQTG). Từ đó nghiên cứu những vấn đề đặt ra với phát triển du lịch ở Thủ đô Hà Nội hiện nay.
- Phân tích làm rõ giá trị DSVH - VMQTG và phương hướng, giải pháp phát huy giá trị DSVH - VMQTG với phát triển du lịch ở Thủ đô Hà Nội.
5.2. Về thực tiễn
- Kết quả nghiên cứu của luận án có thể giúp cho các nhà quản lý văn hóa, quản lý kinh tế địa phương những gợi ý cần thiết khi hoạch định chính sách, đưa ra các chủ trương phát triển du lịch phù hợp, phát huy lợi thế GTDSVH VMQTG với phát triển du lịch. Đồng thời cũng giúp cho du khách ở Thủ đô Hà Nội thấy được GTDSVH có vai trò to lớn như thế nào với phát triển du lịch để tích cực, chủ động tìm ra các giải pháp, cách thức phát huy.
6. Kết cấu của luận án
Ngoài phần mở đầu (6 trang), Kết luận (3 trang), Danh mục tài liệu tham khảo (15 trang), Phụ lục (40 trang), nội dung luận án kết cấu thành 4 chương, 12 tiết, cụ thể là: Chương 1. Tổng quan tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài và cơ sở lý luận (38 trang); Chương 2. Khái quát về Văn Miếu - Quốc Tử Giám và các giá trị của di sản Văn Miếu - Quốc Tử Giám (33 trang); Chương 3. Nhận diện khai thác giá trị của di sản văn hóa Văn Miếu - Quốc Tử Giám với phát triển du lịch Hà Nội hiện nay (47 trang) và Chương 4. Những vấn đề đặt ra từ việc phát huy giá trị di sản văn hóa Văn Miếu - Quốc Tử Giám với phát triển du lịch ở Thủ đô Hà Nội hiện nay (30 trang).
Chương 1
TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI VÀ CƠ SỞ LÝ LUẬN
1.1. TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI
1.1.1. Những công trình nghiên cứu về giá trị di sản văn hóa với phát triển du lịch
Xung quanh chủ đề này có rất nhiều vấn đề đặt ra như: Giá trị di sản văn hóa, vai trò của giá trị di sản văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội nói chung và phát triển du lịch nói riêng. Phương thức phát triển du lịch trên cơ sở các giá trị di sản văn hóa, vai trò của các chủ thể của các di sản văn hóa, chiến lược phát triển du lịch gắn với di sản văn hóa của quốc gia... Đây là những vấn đề rất rộng và phức tạp. Để phục vụ cho việc nghiên cứu đề tài luận án, NCS chỉ khái quát một số công trình liên quan hoặc gần với nội dung đề tài như một sự điểm xuyết.
1.1.1.1. Các công trình của tác giả nước ngoài
Di sản văn hóa như là một nguồn lực của sự phát triển: Trong bài viết "The "Vicious circle" of tourism development in heritage cities" (Vòng luẩn quẩn" của phát triển du lịch tại các thành phố di sản) của tác giả Antonio Paplo Rusco [163] giới thiệu một công cụ phân tích, vòng khép kín phát triển du lịch, quy định cụ thể các mô hình tiến hóa của một quá trình. Bài viết mô tả các động thái không gian dẫn đến khả năng suy giảm của một số di sản văn hóa với du lịch, đưa ra các chính sách thích hợp để ngăn chặn sự suy giảm ấy.
Trường hợp của Venice minh họa vòng tròn khép kín hoạt động trong thực tế và gợi ý mô hình chính sách. Vì vậy, nó là cần thiết để mở rộng phân tích theo hai hướng: nghiên cứu các tính chất lâu dài của một trạng thái cân bằng trong khu vực và các quá trình thay thế chất lượng trong trung tâm thành phố. Phát triển đó đòi hỏi phải xây dựng mô hình chính xác và có thể sử dụng chương trình của vòng tròn khép kín như một khái niệm cơ sở.
Việc đó sẽ đạt được cải thiện đáng kể từ các thông tin thiết lập sẵn nhằm hoạch định chính sách và quy hoạch thành phố của các thành phố có sở hữu nhiều di sản [163, tr.180].
Di sản văn hóa là một trong những tài sản vô giá của mỗi quốc gia, sự đóng góp của di sản với du lịch và xã hội đã được nhiều nhà nghiên cứu đề cập tới. Song, có rất nhiều vấn đề thách thức đặt ra đối với việc phát huy giá trị của di sản. Công trình nghiên cứu: "Cultural Heritage and Tourism in the Developing World: A regional perspective" (Di sản văn hóa và du lịch tại các nước đang phát triển từ góc nhìn khu vực) của hai tác giả Dallen J. Timothy, Gyan P. Nyaupan [165], về những vấn đề thách thức của thực tiễn liên quan đến di sản văn hóa và du lịch toàn cầu, đặc biệt tại các quốc gia kém phát triển; Tầm quan trọng của việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa với phát triển du lịch tại các điểm tham quan di sản; Thách thức mà các nước đang phát triển phải đối mặt trong công tác phát huy di sản và cho rằng các quốc gia đó thiếu một nghiên cứu tổng thể về chủ đề quan trọng này. Tài liệu này còn đưa ra khái niệm, sự tranh luận và mô hình phát triển của lĩnh vực du lịch di sản. Bên cạnh đó, khảo sát các nguồn di sản và các sản phẩm du lịch; bảo vệ di tích di sản, đặc điểm và truyền thống; tính chính trị của di sản; tác động của du lịch di sản. Nghiên cứu các vấn đề du lịch di sản ở các khu vực cụ thể, gồm quần đảo Thái Bình Dương, Nam Á, vùng Caribbean, Trung Quốc và Đông Bắc Á, Đông Nam Á, châu Phi cận Sahara, Trung và Đông Âu, Trung Đông và Bắc Phi, và Mỹ La tinh. Qua đó, khẳng định mỗi khu vực có tính lịch sử độc đáo, văn hóa truyền thống, chính trị - xã hội, giá trị di sản và cách giải quyết những vấn đề này một cách riêng biệt.
Một quan niệm về di sản văn hóa và giá trị của di sản của Gaetano M. Golinelli "Cultural Heritage and Value Creation: Towards New Pathways" (Di sản văn hóa và việc tạo ra giá trị: hướng tới những con đường mới) [166]. Bằng tư duy hệ thống, khám phá những quan điểm mới, trong đó văn hóa và du lịch được tích hợp hài hòa, và di sản văn hóa được hiểu cả hai như là một
phần thiết yếu của bối cảnh XH và KT, là một biểu hiện bản sắc của cộng đồng. Với cách tiếp cận đa ngành, chặt chẽ về phương pháp, với sự đóng góp của UNESCO, cuốn sách có thể coi là một tài liệu tham khảo cho việc sử dụng di sản văn hóa, làm sáng tỏ mối quan hệ phức tạp của văn hóa và du lịch mà từ lâu các học giả cho phép sự phát triển con đường mới tạo giá trị.
Công trình khoa học về: "Managing Quality Cultural Tourism" (Quản lý chất lượng du lịch văn hóa) của Andrew Wheatcroft [161]. Tác giả bàn về phát huy chất lượng du lịch văn hóa tức là một cách nhìn thẩm định bên cạnh tìm hiểu phải làm thế nào để phát huy giá trị du lịch văn hóa nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu của du khách. Để phát huy giá trị di sản quan trọng, cần sử dụng một phương pháp tiếp thị để xác định nhu cầu của các vấn đề liên quan.
Nghiên cứu này đặc biệt hướng tới giúp các chuyên gia của ngành giải trí, du lịch và văn hóa, cung cấp kiến thức về du lịch văn hóa và tập trung vào một số vấn đề quan trọng liên quan đến giá trị di sản - giáo dục, giải trí và bảo tồn, nghiên cứu cách thích nghi đáp ứng nhu cầu của du khách, các diễn giả và địa điểm văn hóa. Nghiên cứu chỉ ra rằng du lịch văn hóa chất lượng là một công cụ không thể thiếu cho tất cả mọi thứ tham gia vào du lịch di sản.
Những vấn đề đặt ra với công trình nghiên cứu về "Quản lý du lịch tại các di sản thế giới" của Arthur Pederson [78] nhằm phát triển du lịch bền vững các di sản văn hóa, đã hướng dẫn phát huy di sản theo các nguyên tắc tạo ra và duy trì việc làm, thu nhập và phát triển của địa phương; bảo đảm tất cả các hoạt động được phép tại khu di sản phù hợp với bối cảnh tự nhiên và lịch sử của khu vực; tạo cơ hội cho công tác nghiên cứu có lợi cho xã hội. Giáo dục du khách và cộng đồng địa phương nhằm nâng cao lòng tôn trọng giá trị của khu di sản và khuyến khích quan tâm đến môi trường văn hóa; tạo dựng hạ tầng cơ sở đảm bảo an toàn cho du khách, bảo vệ môi trường tự nhiên của khu di sản. Tác giả đã nhấn mạnh trong quá trình khai thác các di sản phải quan tâm đến sức chứa, giới hạn lượng người ở khu vực di sản nhằm hạn chế những tác động xấu đến di sản. Đây cũng chính là một yếu tố để đánh giá tính bền vững của du lịch, xác định sức chứa của