viện lớn và nổi tiếng, các trung tâm thường xuyên diễn ra liên hoan âm nhạc, sân khấu, điện ảnh, thể thao…
Đối tượng văn hoá - thể thao thu hút không chỉ khách tham quan nghiên cứu mà còn lôi cuốn nhiều khách du lịch với mục đích khác. Khách du lịch có trình độ văn hóa trung bình trở lên đều có thể thưởng thức các giá trị văn hoá của đất nước mà họ đến tham quan. Do vậy, tất cả các thành phố có các đối tượng văn hoá, hoặc tổ chức các hoạt động văn hoá - thể thao đều trở thành những trung tâm du lịch văn hoá.
1.3. Các vấn đề về du lịch bền vững
1.3.1. Khái niệm chung
Hiện nay, du lịch bền vững là một xu thế của thời đại, là mục tiêu đặt ra cho phát triển và có ý nghĩa quan trọng không chỉ về mặt kinh tế mà còn có ý nghĩa đặc biệt đối với sự phát triển bền vững của xã hội, của cộng đồng dưới quan điểm khai thác tài nguyên và môi trường (bao gồm cả tự nhiên và nhân văn) trên phạm vi toàn cầu.
Khái niệm về du lịch bền vững mới xuất hiện trên cơ sở cải tiến và nâng cấp khái niệm về “du lịch mềm” của những năm 90 và thực sự gây được chú ý rộng rãi trong những năm gần đây.
Theo Hội đồng Du lịch và Lữ hành quốc tế (WTTC), 1996 thì: “Du lịch bền vững là việc đáp ứng các nhu cầu hiện tại của du khách và vùng du lịch mà vẫn đảm bảo những khả năng đáp ứng nhu cầu cho các thế hệ du lịch tương lai”.
Du lịch bền vững đòi hỏi phải quản lý tất cả các dạng tài nguyên theo cách nào đó để chúng ta có thể đáp ứng các nhu cầu kinh tế, xã hội và thẩm mỹ trong khi vẫn duy trì được bản sắc văn hóa, các quá trình sinh thái cơ bản, đa dạng sinh học và các hệ đảm bảo sự sống.
Theo định nghĩa của Tổ chức Du lịch Thế giới - WTO đưa ra tại Hội nghị về Môi trường và Phát triển của Liên hợp quốc tại Rio de Janeiro năm 1992 “Du lịch bền vững là việc phát triển các hoạt động du lịch nhằm đáp ứng các nhu cầu hiện tại của khách du lịch và người dân bản địa trong khi vẫn quan tâm đến việc bảo tồn
Có thể bạn quan tâm!
- Định hướng bảo tồn tài nguyên du lịch nhân văn ở tỉnh Bình Dương phục vụ du lịch - 1
- Định hướng bảo tồn tài nguyên du lịch nhân văn ở tỉnh Bình Dương phục vụ du lịch - 2
- Cơ Sở Lý Luận Và Thực Tiễn Về Du Lịch Và Tài Nguyên Du Lịch
- Hiện Trạng Khai Thác Tài Nguyên Du Lịch Nhân Văn Ở Bình Dương
- Các Nhân Tố Ảnh Hưởng Đến Sự Phát Triển Du Lịch Tỉnh Bình Dương
- Tình Hình Phát Triển Cơ Sở Kinh Doanh Dịch Vụ Lưu Trú Bình Dương Giai Đoạn 2007 – 2011
Xem toàn bộ 158 trang tài liệu này.
và tôn tạo các nguồn tài nguyên cho việc phát triển hoạt động du lịch trong tương lai. Du lịch bền vững sẽ có kế hoạch quản lý các nguồn tài nguyên nhằm thoả mãn các nhu cầu về kinh tế, xã hội, thẩm mỹ của con người trong khi đó vẫn duy trì được sự toàn vẹn về văn hoá, đa dạng sinh học, sự phát triển của các hệ sinh thái và các hệ thống hỗ trợ cho cuộc sống của con người”.
Nhận thức được tầm quan trọng của du lịch đối với nền kinh tế quốc dân, nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII đã xác định "... Phát triển du lịch tương xứng với tiềm năng du lịch to lớn của đất nước theo hướng du lịch văn hoá, sinh thái, môi trường. Xây dựng các chương trình và các điểm du lịch hấp dẫn về văn hoá, di tích lịch sử và khu danh lam thắng cảnh", đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành du lịch.
Ngày nay, nói đến phát triển du lịch là nói đến sự phát triển bền vững. Sự phát triển sẽ không có ý nghĩa nếu những thành tựu đạt được của hiện tại ảnh hưởng sâu sắc đến lợi ích của tương lai. Trong phát triển du lịch nhân văn, sự bền vững chính là sự trường tồn và thăng hoa của các giá trị văn hóa, sự phát triển kinh tế xã hội vững chắc của cộng đồng địa phương. Sự bền vững phải được xem là tiêu chí phát triển ngay từ đầu và là kim chỉ nam cho định hướng khai thác.
1.3.2. Những nguyên tắc của du lịch bền vững
Theo Tổ chức bảo tồn thiên nhiên thế giới IUCN, 1998, đã đưa ra 10 nguyên tắc của du lịch bền vững, đó là:
Sử dụng nguồn tài nguyên một cách bền vững: bao gồm cả tài nguyên thiên nhiên, xã hội và văn hóa. Việc sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên là nền tảng cơ bản nhất của việc phát triển du lịch lâu dài.
Giảm tiêu thụ quá mức và xả thải nhằm giảm chi phí khôi phục các suy thoái môi trường, đồng thời cũng góp phần nâng cao chất lượng du lịch.
Phát triển phải gắn liền với bảo tồn tính đa dạng: duy trì và phát triển tính đa dạng của tự nhiên, văn hóa, xã hội là rất quan trọng đối với du lịch bền vững, tạo ra sức bật cho ngành du lịch.
Phát triển du lịch phải lồng ghép với quy hoạch phát triển của địa phương, quốc gia.
Hỗ trợ nền kinh tế địa phương. Du lịch phải hỗ trợ các hoạt động kinh tế địa phương, phải tính toán chi phí môi trường vừa để bảo vệ nền kinh tế bản địa cũng như tránh gây cho hại môi trường.
Thu hút sự tham gia của cộng đồng địa phương. Điều này không chỉ đem lại lợi ích cho cộng đồng, cho môi trường mà còn tăng cường đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của du khách.
Sự tư vấn của các nhóm quyền lợi và công chúng. Tư vấn giữa công nghiệp du lịch và cộng đồng địa phương, các tổ chức và cơ quan là đảm bảo cho sự hợp tác lâu dài cũng như giải quyết các xung đột có thể nảy sinh.
Đào tạo đội ngũ nguồn nhân lực nhằm thực thi các sáng kiến và giải pháp du lịch bền vững, từ đó nâng cao chất lượng phục vụ trong hoạt động du lịch và cải thiện các sản phẩm du lịch.
Marketing du lịch một cách có trách nhiệm. Phải cung cấp thông tin cho du khách một cách đầy đủ và có trách nhiệm nhằm nâng cao sự tôn trọng của du khách đến môi trường tự nhiên, xã hội và văn hóa khu du lịch, qua đó góp phần thỏa mãn nhu cầu của khách.
Triển khai các hoạt động nghiên cứu nhằm hỗ trợ giải quyết các vấn đề, mang lại lợi ích cho khu du lịch, cho nhà kinh doanh du lịch và du khách.
1.4. Các vấn đề về bảo tồn trong du lịch
1.4.1. Ở Việt Nam
Ở một góc độ nào đó, vấn đề bảo tồn trong du lịch cũng nằm trong xu thế phát triển du lịch bền vững. Song vấn đề bảo tồn trong du lịch xoáy sâu vào sự cần thiết và các biện pháp để bảo tồn tài nguyên cho phát triển du lịch. Cụ thể hơn, thuật ngữ “bảo tồn” hướng đến tài nguyên du lịch nhân văn thay vì thuật ngữ “bảo vệ” hướng đến tài nguyên du lịch tự nhiên.
Theo điều 5 trong Luật Du lịch Việt nam (44/2005/QH 11 ngày 14/6/2005) thì một trong những nguyên tắc phát triển du lịch là bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị của tài nguyên du lịch. Còn theo điều 6, bảo vệ, tôn tạo tài nguyên du lịch và môi trường du lịch là một trong những chính sách được Nhà nước khuyến khích, ưu đãi về đất đai, tài chính, tín dụng đối với tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư.
Theo Thạc sĩ Đào Duy Tuấn, Viện nghiên cứu và phát triển du lịch thì: Hoạt động bảo tồn di tích, di sản văn hóa có ý nghĩa rất lớn đối với phát triển du lịch. Ngày nay, các nhà khoa học đã đưa ra khái niệm mới về bảo tồn di sản - gọi là “bảo tồn tích cực”, nghĩa là đưa di sản vào phục vụ cuộc sống. Các di sản văn hoá phải được bảo vệ, tôn tạo và tổ chức giới thiệu rộng rãi cho công chúng biết, chiêm ngưỡng, nghiên cứu. Du lịch là một phương thức để đưa di sản đến với công chúng. Thông qua hoạt động du lịch mà những di sản văn hoá vốn đang “khô cứng” hoặc đang bị “bảo tàng hóa” trở thành những di sản sống, được phục vụ, được cống hiến với sứ mạng nhân văn cao cả.
1.4.2. Trên thế giới
Để kêu gọi các nước trên thế giới cùng tham gia bảo tồn di sản văn hóa và thiên nhiên, Ðại hội đồng UNESCO đã họp tại Paris ngày 17-10 đến 21-11-1972 (kỳ họp thứ 17) nhằm thảo luận Công ước Bảo vệ Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới. Ngày 16-11-1972, Công ước này đã được thông qua.
Công ước Bảo vệ Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới là một thỏa ước quốc tế trong đó các quốc gia cùng bảo vệ các di sản trường tồn của thế giới. Mỗi quốc gia, hoặc “Quốc gia thành viên” tham gia Công ước công nhận trách nhiệm chính của mình nhằm đảm bảo việc xác định, bảo vệ, bảo tồn và chuyển giao các di sản văn hóa và thiên nhiên của đất nước cho các thế hệ tương lai. Cho đến nay, đã có trên 170 quốc gia ký kết Công ước, vì vậy Công ước này trở thành một trong những công cụ bảo vệ có uy lực nhất trên thế giới. Đây là văn bản pháp lý quốc tế duy nhất để bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên trong đó khuyến khích sự hợp tác giữa các quốc gia nhằm bảo vệ di sản của họ.
Theo điều 5 của công ước này thì: Mỗi quốc gia thành viên phải bảo vệ, bảo toàn và giới thiệu di sản văn hóa và thiên nhiên có trên lãnh thổ của mình bằng những hành động pháp lý thích đáng. Công ước khuyến nghị các chính phủ “có chính sách chung nhằm tạo cho di sản văn hóa và thiên nhiên có chức năng trong đời sống của cộng đồng, và đưa việc bảo vệ di sản đó vào các chương trình hoạch định tổng thể”. Các khuyến nghị này bao gồm việc xem xét các kế hoạch cấp địa phương và quốc gia, dự báo tăng trưởng hay suy giảm dân số, các yếu tố kinh tế và hướng phát triển giao thông, cũng như có các biện pháp phòng ngừa thảm họa.
Để thực hiện Công ước và quyết định di sản nào sẽ được đưa vào Danh sách Di sản Thế giới, Đại hội đồng các quốc gia thành viên Công ước đã bầu chọn 21 quốc gia thành viên vào Ủy ban Di sản Thế giới Liên Chính phủ với nhiệm kỳ sáu năm. Ủy ban đưa ra các quyết định dựa trên các khuyến nghị của ba cơ quan tư vấn là Hội đồng Quốc tế về Di tích và Di chỉ (ICOMOS) - chịu trách nhiệm về di tích văn hóa, Liên đoàn Bảo toàn Thiên nhiên Thế giới (IUCN) - chịu trách nhiệm về di tích thiên nhiên, Trung tâm Quốc tế Nghiên cứu Bảo tồn và Trùng tu Di sản Văn hóa (ICCROM) - chịu trách nhiệm tư vấn về chuyên môn trong lĩnh vực trùng tu di tích và quản lý di sản văn hóa, cũng như việc tổ chức đào tạo chuyên gia.
Trong các cơ quan trên, ICOMOS là hội đồng có nhiều nghiên cứu nhất về di sản văn hoá cũng như việc bảo tồn và phát triển du lịch dựa trên tài nguyên du lịch nhân văn. Năm 1993, ICOMOS tổ chức Hội nghị khoa học chuyên đề quốc tế về Du lịch văn hóa tại Sri Lanka với nhiều bài tham luận của các nhà nghiên cứu du lịch và văn hóa nổi tiếng trên thế giới. Trong số đó, bài tham luận Bảo tồn và du lịch (Conservation and Tourism) của Bernard M. Reilden, Chủ tịch ICOMOS Vương Quốc Anh, bàn luận khá chi tiết về vấn đề bảo tồn trong phát triển du lịch.
Theo ông, du lịch là động lực, nhưng nếu nó phát triển quá nhanh có thể phá hủy toàn thể cộng đồng. Nếu phát triển quá mức nó sẽ tiêu diệt tài nguyên và các giá trị từ sự tác động trước tiên của khách du lịch. Để định hướng cho sự phát triển hài hòa của du lịch và bảo tồn di sản văn hóa, cần phải tuân theo một nguyên tắc cơ bản với các quan điểm sau:
Các dự án phát triển khách du lịch toàn diện là điều kiện tiền đề cho sự phát triển của bất kì loại khách du lịch tiềm năng nào. Quan điểm này bao gồm cả việc bảo tồn bởi lợi ích du lịch đến từ đây. Đây phải là một phần của mục tiêu hiến pháp của tất cả các cơ quan có trách nhiệm và của nhà cầm quyền du lịch địa phương và các ngành giải trí.
Dự án phát triển khách du lịch chú trọng vào việc đáp ứng các nhu cầu của du khách, song song đó để đáp ứng mục tiêu bảo tồn cần quan tâm đến việc quản lý du khách.
Việc xếp hàng dài vào cổng làm giảm sự hài lòng của du khách, làm tắc nghẽn điểm du lịch và các bãi giữ xe. Mỗi điểm du lịch di sản có một sức chứa cực đại vào một thời điểm nhất định và không nên quá tải. Khi mức độ thỏa mãn bị hạn chế, sự hứng thú của du khách sẽ suy giảm một cách đáng kể. Do vậy, phải tính toán số lượng người hợp lí nhất ở điểm du lịch vào bất cứ thời điểm nào để đảm bảo thỏa mãn nhu cầu của du khách. Cũng từ đây xuất hiện mâu thuẫn giữa các nhà quản lý các điểm du lịch – những người muốn hạn chế số lượng khách tham quan để không làm hại đến di sản và những đơn vị tổ chức du lịch - những người muốn thu hút khách du lịch.
Về việc đáp ứng nhu cầu của du khách: hầu hết các du khách tham quan các địa điểm di sản văn hóa đều đi và về trong ngày, để thay đổi không khí, hay để kể lại cho người than và bạn bè... Một số người đến tham quan vì hứng thú với những di sản văn hóa, khảo cổ học hay kiến trúc. Một phần công việc của các nhà quản lý là làm cho du khách thích tham gia và hứng thú để ủng hộ ngày càng nhiều vào công tác bảo tồn của chính quyền địa phương, tăng ngoại tệ, tạo ra nhiều việc làm, và tăng doanh thu du lịch.
Tất cả du khách sẽ cần những điều sau đây:
- Sự chào đón thân thiện và giúp đỡ với bất kì vấn đề và sự cố nào.
- Điểm du lịch được bảo vệ tốt và sạch, ít rác thải.
- Sự giới thiệu về công trình/địa điểm và những nét đặc trưng của chúng là cách để du khách mở rộng hiểu biết.
- Sự hướng dẫn về các vấn đề cấm kị, tôn giáo của địa phương hay đặc trưng văn hóa.
- Sự an ninh và việc bảo vệ tính mạng và tài sản.
Với những du khách quốc tế, việc cung cấp các dịch vụ như khách sạn, nhà trọ, những địa điểm cắm trại, nhà hàng, một vài loại phương tiện đi lại thông thường, các cửa hàng mua sắm... ở các khu di sản rất quan trọng để thỏa mãn các nhu cầu riêng của họ. Đây không phải là nhiệm vụ của riêng các nhà quản lý điểm du lịch mà yêu cầu cả sự hợp tác giữa chính quyền địa phương và cá nhân.
Tuy nhiên, những nhu cầu của khách nội địa phải được đưa lên hàng đầu vì điểm du lịch là tài sản của họ và họ thường chiếm số đông hơn khách quốc tế.
Về việc quản lý du khách để thực hiện mục tiêu bảo tồn di sản: nếu số lượng du khách quá lớn sẽ tác động xấu đến sự thỏa mãn, ngăn cản sự thưởng thức trọn vẹn ở điểm du lịch di sản hoặc là nguyên nhân lý học gây tác hại cho các di tích lịch sử và các vật thể. Lúc này, việc sử dụng các phương pháp quản lý du khách là rất cần thiết. Áp lực quá mức về lượng du khách sẽ được giảm thiểu nếu có thu phí.
Hầu hết các khu di sản có thể bị tổn hại là do chúng quá nổi tiếng, được quảng bá rộng rãi và không bán vé vào cổng. Các tổ chức du lịch nên ngăn cản việc làm tổn hại các điểm du lịch di sản hoặc hướng sự chú ý đến những điểm du lịch di sản ít nổi tiếng hơn với sức chứa cao hơn. Bên cạnh đó, tình trạng cao điểm có thể được hạn chế bằng các biện pháp sau:
- Áp dụng một hệ thống đăng kí các hoạt động tham quan và giới hạn sức chứa tại bất kì thời điểm nào.
- Giảm chi phí tham quan trong một vài thời điểm để cân đối lượng khách tham quan, từ đó có thể làm giảm áp lực cho những lúc cao điểm một cách dễ dàng.
- Luân phiên các tuyến tham quan để tách những nhóm tham quan tại một thời hoặc rải mỏng khách tham quan cùng một nhóm.
Trong quá trình tham quan, du khách có thể làm tổn hại đến các di sản và các vật thể. Việc chạm hay hơi thở của hàng nghìn người cũng gây ra sự tổn hại rất khó
khắc phục. Do vậy, trong một vài trường hợp cần thiết, cần kiểm soát để giữ khách tham quan tránh xa các hiện vật. Kế hoạch quản lý du khách cần được xem xét và chuẩn bị kĩ càng, việc quản lý cũng nên dựa trên lời khuyên của chuyên gia.
Để bảo vệ di sản, một biện pháp quản lý du khách quan trọng nữa là hạn chế thời gian tham quan. Ở Pari, các tổ chức du lịch cho du khách 18 phút để tham quan Nhà thờ Đức Bà và không dừng xe để tránh làm ô nhiễm không khí. Trường hợp đặc biệt này được tạo ra bởi sự cạnh tranh gay gắt giữa các tổ chức du lịch, nhưng những sức ép phải được nhìn nhận để bảo vệ cả du lịch, các di sản và cả văn hóa địa phương.
Biểu hiện về sự cân đối của lợi ích từ du lịch là lợi ích này phải phục vụ cho lợi ích của việc bảo tồn, cả quốc gia và vùng.
Thực tế, du lịch trên thế giới chỉ tạo ra sự cân đối không đáng kể đối với cộng đồng địa phương và ngay cả việc chi cho công tác bảo tồn các công trình, không gian chung và địa điểm du lịch cũng rất ít. Lợi nhuận trích từ việc kinh doanh của các tổ chức du lịch quốc tế, các chuỗi khách sạn lớn, bao gồm các khoản thuế, cho công tác bảo tồn hoàn toàn không đáng kể so với lợi ích họ có được nhờ các thủ thuật kế toán khéo léo. Vì vậy, chính phủ rất khó khăn trong việc giải quyết vấn đề khó xử này – đó là có thể ban hành quy định về tài chính vốn có khả năng bị trốn thuế hay kết hợp đánh thuế du lịch với chi phí hộ chiếu.
Một biện pháp được đặt ra là thu tiền vào cổng để có thể cải tiến các dịch vụ phục vụ du khách mà không làm giảm quỹ dành cho công tác bảo tồn. Tiền vé cổng có thể khác nhau theo thời gian để thúc đẩy lợi nhuận của những lúc cao điểm. Đây cũng là phương pháp tốt nhất cho việc củng cố sức hấp dẫn và thú vị của điểm du lịch. Việc nâng nguồn quỹ nhờ phục vụ hay bán tài liệu, hình ảnh, bức vẽ, sách hướng dẫn, quà lưu niệm… có thể sử dụng để phát triển điểm du lịch và lợi ích của du khách. Nếu cần thiết có thể miễn phí cho người dân địa phương, hay cho phép vào cổng tự do vào một ngày trong tuần sau các giờ cao điểm.