Biểu đồ 2.1: Cơ cấu lao động theo ngành kinh tế tỉnh Bình Dương giai đoạn 2000 – 2011 35
Biểu đồ 2.2: GDP/người tỉnh Bình Dương giai đoạn 1997- 2011 39
Biểu đồ 2.3: Số khách du lịch tham quan Chùa Bà giai đoạn 2002 - 2011 60
Biểu đồ 2.4: Số khách và doanh thu của khu du lịch Lạc Cảnh Đại Nam Văn Hiến giai đoạn 2009 – 2011 65
Biểu đồ 2.5: Tổng doanh thu và doanh thu từ khai thác tài nguyên du lịch nhân văn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2000 - 2011 70
Bản đồ hành chính tỉnh Bình Dương 27
MỞ ĐẦU
Có thể bạn quan tâm!
- Định hướng bảo tồn tài nguyên du lịch nhân văn ở tỉnh Bình Dương phục vụ du lịch - 1
- Cơ Sở Lý Luận Và Thực Tiễn Về Du Lịch Và Tài Nguyên Du Lịch
- Các Vấn Đề Về Du Lịch Bền Vững
- Hiện Trạng Khai Thác Tài Nguyên Du Lịch Nhân Văn Ở Bình Dương
Xem toàn bộ 158 trang tài liệu này.
1. Tính cấp thiết, ý nghĩa lý luận và thực tiễn của đề tài
Ngày nay, hoạt động du lịch ngày càng phát triển, đã và đang đem lại một nguồn lợi không nhỏ, được coi là ngành “công nghiệp không khói”, và trở thành đòn bẩy thúc đẩy sự phát triển nền kinh tế, văn hóa. Để du lịch nói chung và du lịch nhân văn nói riêng phát triển lâu bền, một trong những điều cần nhất là phải giữ gìn, bảo quản bằng được các giá trị văn hóa đặc thù của từng dân tộc, mỗi vùng, miền; đó mới là căn nguyên thu hút du khách đến thăm ngày một đông hơn.
Từ cuối những năm 80 của thế kỉ XX, ngành du lịch ở Việt Nam đã được chú ý đầu tư phát triển, góp phần quan trọng trong sự tăng trưởng kinh tế đất nước. Tuy nhiên, trên thực tế, phải nói rằng trong những năm gần đây, du lịch nhân văn của Việt Nam đang phát triển một cách ồ ạt, đôi khi mang tính tự phát, thiếu một kế hoạch mang tính chiến lược cơ bản và dài hơi. Bên cạnh đó là tình trạng cơ sở hạ tầng yếu kém, thiếu đồng bộ trong một hệ thống liên hoàn, công tác tuyên truyền, quảng bá hình ảnh du lịch còn mang tính thời vụ, thiếu chuyên nghiệp, đội ngũ hướng dẫn viên còn thiếu và yếu,... tất cả những nguyên nhân này đã đưa tới tình trạng nhiều giá trị văn hóa quý báu của dân tộc bị hiểu sai lạc, thậm chí làm cho méo mó, mai một dẫn đến tình trạng tài nguyên du lịch nhân văn bị khai thác không theo quy hoạch, phát triển ồ ạt nhưng không đồng bộ và đơn điệu, việc bảo tồn và phát huy giá trị chưa được quan tâm đúng mức và thiếu tính bền vững.
Nhìn rộng ra các địa phương khác trên cả nước, tuy mức độ có thể khác nhau nhưng đều gần giống nhau trong việc tổ chức, quản lý, khai thác du lịch, đó là chủ yếu chạy theo lợi nhuận trước mắt. Cùng với đó là những tác hại không nhỏ cả về môi sinh, môi trường, việc đầu tư khai thác du lịch của chúng ta đang bị lây nhiễm “căn bệnh hình thức” khiến cho một số địa phương sau khi tổ chức “tuần văn hóa du lịch” rầm rộ và tốn kém tiền của, thì lượng du khách lại ngày một ít đi.
Trước thực trạng trên, vấn đề khai thác, phát huy và bảo tồn tài nguyên du lịch nhân văn phục vụ du lịch nhân văn đã và đang được nhiều chuyên gia, người làm quản lý du lịch và các nhà nghiên cứu quan tâm.
Bình Dương là một tỉnh tái lập từ năm 1997, từ đó đến nay các ngành kinh tế của tỉnh không ngừng phát triển, trong đó ngành du lịch có nhiều bước tiến đáng kể. Bình Dương là một tỉnh thuộc bán bình nguyên Đông Nam Bộ, có địa hình khá đơn điệu nên tài nguyên du lịch tự nhiên không đáng kể, ngược lại, tài nguyên du lịch nhân văn của vùng lại rất phong phú. Toàn tỉnh có 38 di tích và danh thắng đã được xếp hạng, trong đó có 11 di tích cấp quốc gia và 27 di tích cấp tỉnh. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có gần 500 di tích phổ thông chưa được xếp hạng, 32 làng nghề với 9 nghề truyền thống, tiêu biểu như làng sơn mài Tương Bình Hiệp, làng gốm Tân Phước Khánh, làng gốm Lái Thiêu… Đây chính là cơ hội thuận lợi để Bình Dương khai thác và phát triển du lịch nhân văn.
Tuy nhiên, trong số các tài nguyên kể trên, không phải tài nguyên nào cũng được khai thác tương xứng với tiềm năng vốn có của nó. Nhiều tài nguyên có tiềm năng phát triển nhưng do nhiều hạn chế về cơ sở hạ tầng, chiến lược quảng bá, vốn đầu tư… nên còn mãi ở dạng “tài nguyên”. Song song đó, một số tài nguyên trong quá trình khai thác do không tuân thủ các nguyên tắc phát triển bền vững nên ít nhiều làm tổn hại đến các giá trị vật chất và tinh thần ẩn chứa trong đó. Do vậy, để khai thác hết tiềm năng của nguồn tài nguyên du lịch nhân văn nêu trên, thì việc tìm hiểu hiện trạng khai thác, bảo tồn qua đó đưa ra định hướng, giải pháp phát triển bền vững là điều không thể thiếu trong chiến lược phát triển du lịch của tỉnh.
Xuất phát từ cơ sở lý luận và thực tiễn về phát triển du lịch nhân văn của Việt Nam nói chung và Bình Dương nói riêng, việc nghiên cứu đề tài “ĐỊNH HƯỚNG BẢO TỒN TÀI NGUYÊN DU LỊCH NHÂN VĂN Ở TỈNH BÌNH DƯƠNG
PHỤC VỤ DU LỊCH” là rất cần thiết.
2. Mục tiêu của đề tài
Mục tiêu đề tài là xây dựng định hướng bảo tồn tài nguyên du lịch nhân văn phục vụ du lịch của tỉnh Bình Dương trên cơ sở phân tích, đánh giá các tài nguyên du lịch nhân văn, hiện trạng phát triển của các tài nguyên này tại các điểm du lịch.
3. Nhiệm vụ của đề tài
Đề tài tập trung thực hiện các nhiệm vụ sau:
- Tổng quan một số vấn đề lý luận và thực tiễn về du lịch và tài nguyên du lịch nhân văn.
- Thống kê, phân loại, phân tích các giá trị của tài nguyên du lịch nhân văn có ở tỉnh Bình Dương.
- Vận dụng những vấn đề lý luận và thực tiễn để đánh giá hiện trạng khai thác tài nguyên du lịch nhân văn ở tỉnh Bình Dương.
- Trên cơ sở lý luận về phát triển du lịch nhân văn, hiện trạng khai thác tài nguyên du lịch nhân văn ở tỉnh Bình Dương, xây dựng những định hướng và giải pháp nhằm bảo tồn chúng phục vụ cho mục đích du lịch.
4. Nội dung và phạm vi nghiên cứu nghiên cứu
4.1. Nội dung
Đề tài tập trung nghiên cứu hiện trạng khai thác tài nguyên du lịch nhân văn ở tỉnh Bình Dương làm cơ sở cho việc xây dựng định hướng và đề xuất giải pháp nhằm bảo tồn chúng phục vụ cho du lịch.
4.2. Phạm vi
- Theo không gian: tỉnh Bình Dương.
- Theo thời gian: từ năm 2000 - 2011
5. Lịch sử nghiên cứu
5.1. Trên thế giới
Ngay từ những năm 1980, khi các vấn đề phát triển bền vững bắt đầu được đề cập. Ngày nay, khi bàn đến các vấn đề về du lịch thì phát triển bền vững luôn đi kèm hay nói cách khác, phát triển du lịch phải là phát triển bền vững. Trong xu hướng phát triển du lịch nhân văn nói riêng, tính bền vững của du lịch được thể hiện
ở chỗ bảo tồn và phát triển các tài nguyên du lịch nhân văn để phát triển du lịch đạt hiệu quả cao nhất. Từ cuối thế kỉ XX đến nay, đã có nhiều nghiên cứu khoa học bàn đến vấn đề phát triển du lịch nhân văn và việc bảo tồn phát triển tài nguyên du lịch nhân văn:
- Trong Hội nghị thế giới về Du lịch bền vững tổ chức tại Lanzarote (Canary Islands), Tây Ban Nha năm 1995, Hiến chương Du lịch bền vững đã được đưa ra, trong đó đề cập rõ nét đến việc bảo tồn và phát huy các tài nguyên du lịch nhân văn “…Du lịch phải quan tâm đến các ảnh hưởng của nó đối với các di sản văn hóa và các yếu tố truyền thống, các hoạt động và động lực của từng cộng đồng địa phương…Các khu vực dễ bị tổn thương về môi trường và văn hóa, cả trong hiện tại và tương lai, nên được ưu tiên đặc biệt về hợp tác kĩ thuật và viện trợ tài chính để đạt được sự phát triển bền vững”.
- Năm 1998, tổ chức bảo tồn thiên nhiên thế giới (IUCN) đưa ra 10 nguyên tắc về phát triển du lịch bền vững, hầu hết các nguyên tắc đó đều ít nhiều bàn đến sự bền vững của xã hội, văn hóa hay nói hẹp hơn là tài nguyên du lịch nhân văn.
5.2. Ở Việt Nam
Trong những năm gần đây, nhiều hội thảo khoa học được tổ chức bàn luận rất nhiều vấn đề về bảo tồn các tài nguyên du lịch, trong đó ít nhiều đề cập đến tài nguyên du lịch nhân văn.
Công trình nghiên cứu cấp nhà nước “Cơ sở khoa học cho phát triển du lịch bền vững ở Việt Nam” (2000-2002), do Viện nghiên cứu phát triển Du lịch, thuộc Tổng Cục Du lịch chủ trì mang tính hệ thống và có giá trị cao nhất cho đến nay.
Nghiên cứu cụ thể hơn về du lịch nhân văn, Nhà nghiên cứu văn hóa - Giáo sư Hữu Ngọc (Bài báo “Du lịch văn hóa: Chú trọng tính chân thực của bản sắc” đang tải trên Báo điện tử Đại biểu nhân dân năm 2007 ) nhấn mạnh “sản phẩm du lịch văn hóa mà chúng ta định đem "chào" khách du lịch bốn phương, không phải và không nên là những "phục chế" giả cái hoang dã đã mất theo quy luật tất yếu hay đóng kịch, diễn để lừa khách. Điều quan trọng là chúng ta đưa du khách cùng thâm nhập, giúp họ thấy và hiểu được con người, văn hóa ở vùng đất đó”.
Về phía nhà nước, Nghị quyết 4 của BCH Trung ương Đảng khoá VIII khẳng định “bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống” là định hướng quan trọng trong việc khôi phục lại nguồn vốn quý của dân tộc.
Bên cạnh đó, các công trình nghiên cứu nổi bật như: Tổ chức lãnh thổ du lịch (Lê Thông, Nguyễn Minh Tuệ, 1998), Du lịch bền vững (Nguyễn Đình Hòe, Vũ Văn Hiếu, 2001), Một số vấn đề du lịch Việt Nam (Đinh Trung Kiên, 2006), Quy hoạch du lịch (2006) và Tài nguyên du lịch (2007) (Bùi Thị Hải Yến), …cùng nhiều công trình khác đã tập trung nghiên cứu cả lý luận khác nhau về sự bền vững trong phát triển du lịch nói chung và du lịch nhân văn nói riêng.
Trên địa bàn tỉnh Bình Dương, vấn đề phát triển du lịch nhân văn đã và đang được quan tâm đáng kể. Trong Nghị quyết Đại hội Tỉnh Đảng bộ lần thứ IX vấn đề phát triển bền vững du lịch trong đó có du lịch nhân văn được đề cập rõ nét. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có công trình nào nghiên cứu chi tiết về hiện trạng khai thác cũng như định hướng nhằm bảo tồn và phát triển tài nguyên du lịch nhân văn phục vụ phát triển du lịch của tỉnh.
Vì lẽ đó, trên cơ sở tiếp thu lý luận và thực tiễn của các công trình nghiên cứu đi trước, tác giả đã mạnh dạn chọn đề tài “ĐỊNH HƯỚNG BẢO TỒN TÀI NGUYÊN DU LỊCH NHÂN VĂN Ở TỈNH BÌNH DƯƠNG PHỤC VỤ DU
LỊCH”. Tuy hướng nghiên cứu này còn khá mới mẻ nhưng tác giả rất mong qua tìm tòi, nghiên cứu thì đề tài sẽ đóng góp được một phần nhỏ vào công tác bảo tồn tài nguyên du lịch nhân văn ở tỉnh Bình Dương phục vụ cho phát triển du lịch của tỉnh.
6. Quan điểm và phương pháp nghiên cứu
6.1. Quan điểm
6.1.1. Quan điểm hệ thống
Hệ thống lãnh thổ du lịch được cấu thành bởi nhiều phân hệ khác nhau về bản chất, nhưng có mối quan hệ mật thiết với nhau. Quan điểm hệ thống giúp chúng ta nắm bắt và điều khiển được hoạt động của mỗi phân hệ nói riêng và toàn bộ hệ thống du lịch nói chung. Hệ thống lãnh thổ du lịch là một hệ thống phức tạp gồm nhiều thành phần có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Đây là một dạng đặc biệt của
địa hệ mang tính chất hỗn hợp, có đầy đủ các thành phần: tự nhiên, kinh tế, xã hội và chịu sự chi phối của nhiều quy luật cơ bản. Vì vậy, quan điểm hệ thống luôn được quán triệt trong nghiên cứu luận văn.
6.1.2. Quan điểm tổng hợp lãnh thổ
Các đối tượng nghiên cứu của địa lý không thể tách rời một lãnh thổ cụ thể với những đặc trưng riêng. Lãnh thổ du lịch được tổ chức như một hệ thống liên kết không gian của các đối tượng du lịch và trên cơ sở các nguồn tài nguyên, các dịch vụ du lịch. Quan điểm này được vận dụng vào luận văn thông qua việc phân tích các tiềm năng và các tác động nhiều mặt đối với tài nguyên du lịch nhân văn trên lãnh thổ du lịch Bình Dương.
6.1.3. Quan điểm lịch sử - viễn cảnh
Mọi sự vật hiện tượng đều có sự vận động, biến đổi và phát triển, nghiên cứu quá khứ để có cơ sở cho việc đánh giá đúng hiện tại, phân tích nguồn gốc phát sinh, phát triển tạo tiền đề cho việc dự báo tương lai, dự báo các xu hướng phát triển. Quan điểm này được vận dụng trong quá trình phân tích các giai đoạn chủ yếu của quá trình hình thành, phát triển của tài nguyên du lịch nhân văn cũng như xu hướng phát triển của chúng trong tương lai.
6.1.4. Quan điểm phát triển bền vững
Phát triển du lịch đi đôi với bảo tồn, phát huy các giá trị nhân văn là một bộ phận không thể thiếu của chính sách phát triển du lịch bền vững. Mục tiêu của sự bền vững đối với du lịch nhân văn là bảo vệ tài nguyên du lịch nhân văn, nét văn hóa đặc trưng, tăng cường phát huy, bảo tồn và đóng góp lợi ích cho cộng đồng.
Với quan điểm này, tính truyền thống, đậm bản sắc của phát triển du lịch nhân văn phải được coi trọng, trong đó các tác động của du lịch đối với những biến đổi văn hóa cần được tính đến, đảm bảo cho sự phát triển du lịch trên cơ sở phát huy, bảo tồn các giá trị nhân văn một cách có hiệu quả và bền vững.
6.2. Các phương pháp nghiên cứu
6.2.1. Phương pháp thu thập tài liệu, phân tích thống kê
Phương pháp này được sử dụng rất phổ biến trong các công trình nghiên cứu. Đây là phương pháp sử dụng để tiến hành xử lý các tài liệu trong phòng dựa trên cơ sở các số liệu, tài liệu, tư liệu đã thu thập được từ thực tế, qua sách báo, các đề tài và các công trình nghiên cứu khoa học công bố ở trong nước cũng như ở nước ngoài. Tài liệu sẽ được lựa chọn, phân tích, thống kê theo mục đích để phục vụ các mục tiêu nghiên cứu.
6.2.2. Phương pháp sơ đồ, biểu đồ, bản đồ
Đây là phương pháp đặc thù của khoa học địa lý. Phương pháp này được sử dụng từ khâu đầu tiên đến khâu cuối cùng của quá trình tìm hiểu, khảo sát, nghiên cứu. Các mối liên hệ về thời gian, không gian, số lượng, chất lượng của đối tượng địa lý du lịch được thể hiện trong luận văn một cách rõ nét hơn thông qua ngôn ngữ thứ hai của hệ thống các bản đồ, biểu đồ.
6.2.3. Phương pháp điều tra thực địa
Phương pháp này được xem là đặc biệt quan trọng trong nghiên cứu khoa học nhằm tích lũy tư liệu thực tế về đặc điểm hình thành, phát triển của lãnh thổ du lịch. Trong quá trình nghiên cứu, phương pháp này luôn được chú trọng để đạt được tính thực tiễn về đặc trưng của lãnh thổ. Trong nghiên cứu du lịch, các thông tin thu thập được qua điều tra thực tế giúp các nhà nghiên cứu tổng hợp được nhiều ý kiến và quan điểm của các du khách, các nhà quản lý du lịch một cách khách quan.
6.2.4. Phương pháp điều tra xã hội học
Đề tài sẽ thực hiện điều tra bằng các phương pháp xã hội học (phỏng vấn, điều tra qua phiếu câu hỏi, làm các phép thử nhanh…) đồng thời cũng tham khảo ý kiến của các chuyên gia, các nhà điều hành, quản lý du lịch ở Bình Dương để có sự nhìn nhận sát sao và trung thực đối với vấn đề nghiên cứu, tránh sự chủ quan.