Đầu tư phát triển cảng biển Việt Nam - 2


LỜI MỞ ĐẦU


1. Tính cấp thiết của đề tài

Cảng biển là nguồn tài sản lớn của quốc gia có biển như Việt Nam. Một hệ thống cảng biển hiện đại, thông suốt là động lực to lớn thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển, bởi vì cảng biển là đầu mối chuyển tải hàng hoá, là trung tâm dịch vụ hậu cần và là nơi tập trung rất nhiều hoạt động kinh doanh liên quan đến giao thông vận tải, thương mại, đầu tư và du lịch. Muốn cảng biển phát triển không thể không đầu tư. Tuy nhiên lý thuyết đầu tư phát triển cảng biển đến nay còn chưa hoàn thiện. Thực tiễn đầu tư phát triển cảng biển còn bộc lộ nhiều yếu kém như đầu tư vào lĩnh vực cảng biển vẫn chủ yếu trông chờ vào ngân sách nhà nước và nguồn vốn ODA mà chưa xác định rõ nguồn tài chính cho đầu tư. Việc sử dụng vốn đầu tư còn chưa hiệu quả vì nhiều nguyên nhân: quy hoạch còn mang tính chủ quan, thiếu cơ sở kinh tế; đầu tư cảng biển không đồng bộ giữa năng lực cầu bến với luồng vào cảng, giao thông nối cảng; cơ chế quản lý và sử dụng vốn đầu tư còn nhiều bất cập dẫn đến vốn đầu tư do nhà nước bỏ ra không thu hồi được... Thực trạng đầu tư này đã tạo nên một hệ thống cảng biển còn lạc hậu so với đòi hỏi của nền kinh tế, so với các nước có ngành hàng hải phát triển và chưa tương xứng với tiềm năng.

Trong xu hướng toàn cầu hoá nền kinh tế hiện nay, hệ thống cảng biển phải được mở rộng và phát triển mạnh mẽ nhằm đáp ứng nhu cầu tăng nhanh chóng của lượng hàng hoá xuất nhập khẩu thông qua cảng, nhằm hoàn thành sứ mệnh là động lực phát triển các vùng và đô thị ven biển, động lực phát triển các ngành kinh tế quốc dân. Chính vì vậy, việc đưa ra định hướng và các giải pháp cụ thể nhằm tăng cường đầu tư và sử dụng có hiệu quả vốn đầu tư phát triển cảng biển Việt Nam là một yêu cầu cần thiết, với mục tiêu nhanh chóng cần đạt tới là đưa hệ thống cảng biển Việt Nam lớn mạnh, đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của đất nước và ngang tầm với khu vực.

Xuất phát từ yêu cầu đó, tác giả quyết định lựa chọn vấn đề: "Đầu tư phát triển cảng biển Việt Nam giai đoạn 2005 - 2020" làm đề tài luận án tiến sỹ của mình.

2. Tổng quan về tình hình nghiên cứu đề tài

* Các nghiên cứu trong nước

Trong thời gian gần đây, ở Việt Nam đã có một số công trình nghiên cứu về

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 258 trang tài liệu này.


sự phát triển của cảng biển. Trong đó, bao gồm cả công trình do các cơ quan quản lý nhà nước và công trình do cá nhân các nhà khoa học nghiên cứu và công bố. Nhìn chung, các nghiên cứu đều đánh giá hệ thống cảng biển Việt Nam hiện nay vẫn còn lạc hậu, chưa tương xứng với tiềm năng và chưa đáp ứng được yêu cầu của nền kinh tế. Các công trình nghiên cứu tiêu biểu là:

Đầu tư phát triển cảng biển Việt Nam - 2

- Luận án Tiến sỹ của tác giả Nguyễn Thị Ngọc Thanh (Trường Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh) năm 2002 với đề tài "Các giải pháp chiến lược phát triển cảng biển khu vực TP. Hồ Chí Minh đến năm 2010" [88]. Luận án nghiên cứu các cảng biển thuộc khu vực thành phố Hồ Chí Minh từ các năm 1995 - 2000 trên các lĩnh vực hoạt động sản xuất kinh doanh, mô hình tồ chức quản lý, hiện đại hoá cảng... Trên cơ sở đó đề ra các giải pháp chiến lược phát triển cảng biển cho riêng khu vực thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2010.

- Luận án tiến sỹ của tác giả Đặng Công Xưởng (Đại học Hàng hải) năm 2007 với đề tài "Hoàn thiện mô hình quản lý nhà nước về kết cấu hạ tầng cảng biển Việt Nam" [106]. Luận án phân tích, đánh giá hiện trạng và làm rõ những bất cập, tồn tại trong mô hình quản lý kết cấu hạ tầng cảng biển Việt Nam giai đoạn trước năm 2007 và đưa ra các giải pháp hoàn thiện mô hình tổng thể quản lý kết cấu hạ tầng cảng biển Việt Nam. Luận án chỉ đề cập đến vấn đề quản lý nhà nước về KCHT cảng biển, không đề cập đến vấn đề đầu tư.

- Đề tài cấp Bộ "Giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư cảng biển" [98] do Vụ Kết cấu Hạ tầng - Bộ Kế hoạch Đầu tư thực hiện năm 2009. Trong đề tài nghiên cứu vấn đề huy động vốn đầu tư cho phát triển cảng biển, các dự án đầu tư cảng biển triển khai trước năm 2009 và đề xuất một số giải pháp nhằm hoàn thiện quy hoạch hệ thống cảng biển Việt Nam, tăng cường huy động vốn ĐTPT cảng biển và nâng cao năng lực quản lý cảng biển. Tuy nhiên, đề tài phân tích thực trạng ĐTPT cảng biển chưa chi tiết và chưa đề cập đến các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả ĐTPT cảng biển. Các giải pháp đề xuất mới chú trọng nhiều đến giải pháp huy động vốn đầu tư.

- Báo cáo chuyên ngành "Nghiên cứu toàn diện về phát triển bền vững hệ thống giao thông vận tải ở Việt Nam - Báo cáo chuyên ngành số 03 về cảng và vận tải biển" [20] do Bộ Giao thông Vận tải Việt Nam và cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) nghiên cứu tháng 5/2010. Báo cáo này đã đánh giá hiện trạng ngành


hàng hải Việt Nam với cả 2 chuyên ngành cảng và vận tải biển. Trong đó hiện trạng hệ thống cảng biển Việt Nam có được đề cập tới nhưng chưa sâu vì một phần lớn dung lượng của báo cáo là vận tải biển.

- Các quy hoạch: Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 [16] và các quy hoạch chi tiết 6 nhóm cảng biển miền Bắc, Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long [13] [14] [15] [16] [17] [18] do Cục Hàng hải Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải) chủ trì nghiên cứu với sự hợp tác của các công ty tư vấn chuyên ngành cảng biển, các chuyên gia đề xuất phương hướng phát triển cảng biển Việt Nam trong tương lai.

- Các cuốn sách: "Công trình bến cảng" - NXB Xây dựng 1998, "Biển và cảng biển thế giới" - NXB Xây dựng 2002 [37], "Quy hoạch cảng" - NXB Xây dựng 2010 [40] do PGS.TS Phạm Văn Giáp chủ biên đã đề cập nhiều đến vấn đề phát triển cảng nhưng chủ yếu là kỹ thuật xây dựng cảng.

- Cuốn sách: "Đầu tư phát triển" - NXB Chính trị Quốc gia 2011 [100] của PGS.TS. Ngô Doãn Vịnh đã nghiên cứu ĐTPT ở tầm vĩ mô trên cả bình diện lý thuyết và thực tế. Những phân tích, dẫn chứng với số liệu cụ thể đã giải đáp phần nào câu hỏi "làm thế nào để có được nhiều vốn đầu tư và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn huy động được". Tuy nhiên cuốn sách này chỉ nghiên cứu ĐTPT của cả nền kinh tế, không đề cập đến ĐTPT của riêng ngành cảng biển.

Ngoài ra, trên các tạp chí chuyên ngành như Tạp chí Giao thông Vận tải, Tạp chí Hàng hải Việt Nam... có rất nhiều bài viết về cảng biển. Các bài báo của PGS.TSKH Nguyễn Ngọc Huệ nghiên cứu về quản lý nhà nước đối với cảng biển. Các bài viết của PGS.TS. Phạm Văn Giáp nghiên cứu nhiều về kỹ thuật xây dựng cảng. Các bài viết của Kỹ sư Doãn Mạnh Dũng viết về sự cần thiết phát triển Cảng TCQT Vân Phong. Các bài viết của nhiều tác giả khác đề cập đến hoạt động khai thác của các cảng biển Việt Nam.

* Các nghiên cứu ngoài nước:

Trên thế giới, đặc biệt là ở các nước có ngành hàng hải phát triển như Nhật, Úc, Hà Lan... đã có nhiều công trình nghiên cứu về cảng biển. Tuy nhiên các công trình chủ yếu về quản lý và vận hành khai thác cảng, còn các công trình nghiên cứu về ĐTPT cảng biển không nhiều.


- Cuốn sách: "Kinh tế học cảng biển" của các tác giả L.Kuzma - K.Misztal - A.Grzelakowski - A.Surowiec [63] nghiên cứu về vị trí của các cảng biển trong hệ thống vận tải quốc gia, các đặc điểm của sản xuất tại cảng, thị trường phục vụ cảng và các tài sản cố định trong quá trình sản xuất cảng. Nhìn chung cuốn sách cho người đọc hình dung về hoạt động của cảng biển và các tài sản cần thiết cho quá trình vận hành khai thác cảng, tổ chức sản xuất tại cảng mà không nghiên cứu về ĐTPT cảng biển.

- Cuốn sách: "Port Management and Operations" của tác giả Patrick Alderton (1999), NXB LLP Reference London Hongkong. Cuốn sách này nghiên cứu chủ yếu về quản lý và vận hành khai thác cảng mà không đề cập đến ĐTPT cảng biển.

- Bài báo: "Risk Management in Large Physical Infrastructure Investments: The Context of Seaport Infrastructure Development and Investment" (Quản lý rủi ro trong việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng cảng biển: Xét trong bối cảnh đầu tư và phát triển cảng biển) của các tác giả Mun Wai Ho và Kim Hin Ho (trường đại học quốc gia Singapore) [112]. Bài báo này đánh giá giá trị của hoạt động đầu tư cơ sở hạ tầng cảng biển tại cảng Jurong - Singapore, qua đó, các tác giả nhấn mạnh rằng khả năng tồn tại lâu dài của cảng Jurong trong năm 2004 là do chiến lược quản lý rủi ro, cụ thể là triển khai mô phỏng rủi ro cho việc lập kế hoạch kịch bản kết hợp với tối ưu hóa hạn chế.

- Bài báo: "The impact of seaport investments on regional economics and developments" (Ảnh hưởng của đầu tư phát triển cảng biển với sự phát triển và nền kinh tế vùng) của các tác giả Sibel Bayar, Aydin, Alkan- khoa Vận tải biển trường đại học Istanbul- Thổ Nhĩ Kì [114]. Đây là nghiên cứu nhằm đánh giá ảnh hưởng của đầu tư phát triển cảng biển trên cả khía cạnh trực tiếp và gián tiếp đến sự phát triển kinh tế vùng, lấy ví dụ cụ thể với cảng Cadarli của Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên bài viết chỉ tập trung phân tích ảnh hưởng từ những kết quả đạt được của công tác đầu tư cảng biển, không chỉ rõ được lợi thế cạnh tranh, yêu cầu cần thiết trước khi cải tạo của cảng nghiên cứu.

- Bài báo: "A quality management Framework for Seaports in their Supply chains in the 21st Century" (Khung quản lý chất lượng cho chuỗi cung cấp các cảng biển trong trong thế kỷ 21) của các tác giả Hai Tran, Stephen Cahoon, Shu- Ling Chen: Đại học Hàng hải Australia [115]. Để đánh giá chất lượng của chuỗi


cung cấp của các cảng biển, điều cần thiết là đánh giá được chất lượng của việc phát triển và quản lý cảng biển, trong đó đầu tư phát triển cảng biển là nhân tố chủ đạo. Bài báo đề xuất 12 khía cạnh để phát triển hệ thống cung cấp chuỗi của cảng. Tuy nhiên, tất cả đều mang tính dự báo của tác giả, không có phần đánh giá bằng các số liệu thực tế.

- Bài báo: "Factors affecting seaport capacity" (Các nhân tố ảnh hưởng đến năng lực cảng biển) của các tác giả S.Islam và T.L.Olsen – Đại học Auckland, New Zealand [116]. Bài báo đề cập đến các nhân tố ảnh hưởng đến năng lực cảng biển, cụ thể là kho bãi công-te-nơ, số lượng cần cẩu, lao động, luồng vào cảng. Thông qua việc đánh giá tác động của từng nhân tố, các tác giả chỉ ra sự cần thiết phải có sự đầu tư phát triển một cách phù hợp và có kế hoạch của cơ quan quản lý cảng.

Tóm lại, các công trình nghiên cứu cả trong nước và nước ngoài đã nghiên cứu nhiều đến kỹ thuật xây dựng cảng biển, đến hoạt động quản lý và khai thác cảng biển, đánh giá hiện trạng hệ thống cảng biển Việt Nam và quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020. Rất ít công trình đề cập đến hoạt động đầu tư phát triển cảng biển và nếu có thì chưa làm rõ bức tranh ĐTPT cảng biển trên cả nước một cách đầy đủ. Chưa có công trình nào nghiên cứu về các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả ĐTPT cảng biển cả về lý thuyết và thực tế, để từ đó đề xuất các giải pháp cho ĐTPT cảng biển một cách hệ thống. Chính vì thế, tác giả thấy rằng rất cần có một công trình nghiên cứu về đầu tư phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam, đánh giá hiệu quả và đề xuất giải pháp tăng cường đầu tư một cách toàn diện, góp phần phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam ngang tầm với các nước trong khu vực và thế giới.

3. Mục đích nghiên cứu của luận án

Trên cơ sở nghiên cứu, hệ thống hoá lý luận về ĐTPT cảng biển, tiến hành phân tích đánh giá thực trạng ĐTPT cảng biển của Việt Nam trong thời gian qua, từ đó đưa ra một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư phát triển cảng biển Việt Nam trong thời gian tới.

4. Nhiệm vụ nghiên cứu

- Làm rõ lý luận về ĐTPT cảng biển và cách đánh giá hiệu quả ĐTPT cảng biển. Nghiên cứu kinh nghiệm ĐTPT cảng biển của một số nước trên thế giới để rút ra bài học kinh nghiệm cho ĐTPT cảng biển Việt Nam.


- Phân tích, đánh giá thực trạng ĐTPT cảng biển trên các góc độ để có được cái nhìn tổng thể về ĐTPT cảng biển Việt Nam và đánh giá khách quan, toàn diện hiệu quả ĐTPT cảng biển trên cả góc độ nhà nước và doanh nghiệp cảng. Từ đó rút ra những kết quả tích cực cần phát huy và những hạn chế cần khắc phục.

- Đề xuất một số giải pháp nhằm đầu tư đúng hướng và đầu tư có hiệu quả hệ thống cảng biển Việt Nam.

5. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

- Đối tượng nghiên cứu của luận án là các hoạt động đầu tư phát triển cảng biển Việt Nam - nhưng chỉ trong phạm vi các cảng thương mại, luận án không đề cập đến cảng cá, cảng khách...

- Phạm vi nghiên cứu của luận án là nghiên cứu thực trạng hoạt động đầu tư cảng biển giai đoạn vừa qua (2005 - 2011) và nghiên cứu triển vọng đến năm 2020.

6. Phương pháp nghiên cứu

Luận án sử dụng tổng hợp các phương pháp sau:

- Phân tích hệ thống: Tác giả sử dụng phương pháp phân tích hệ thống để nhận biết rõ ĐTPT cảng biển trong mối quan hệ hữu cơ với sự phát triển của nền kinh tế; với sự phát triển của các loại hình giao thông khác (đường sắt, đường bộ, đường thủy, đường hàng không...), sự phát triển của quan hệ ngoại thương giữa Việt Nam với các nước trên thế giới.

- Phương pháp phân tích thống kê: là phương pháp tác giả sử dụng để thu thập số liệu thống kê, xử lý số liệu đầu vào phục vụ cho việc phân tích, đánh giá hiệu quả ĐTPT cảng biển.

- Phương pháp so sánh: Tác giả sử dụng phương pháp này để so sánh hiệu quả ĐTPT cảng biển của 6 nhóm cảng biển trong hệ thống cảng biển Việt Nam, so sánh sự phát triển của cảng biển Việt Nam với các nước khác trên thế giới.

- Phương pháp phân tích các chỉ số: Tác giả sử dụng các chỉ số để đánh giá hiệu quả ĐTPT của ngành cảng biển và của các doanh nghiệp cảng.

- Phương pháp phân tích ma trận SWOT: tác giả sử dụng phương pháp phân tích ma trận SWOT để đánh giá tiềm năng, cơ hội và thách thức trong quá trình đầu tư phát triển cảng biển Việt Nam.

- Phương pháp dự báo: Tác giả sử dụng phương pháp dự báo để từ đó đề xuất các phương án huy đông vốn, phương án sử dụng vốn có hiệu quả và hoàn thiện mô


hình quản lý hoạt động đầu tư tại các cảng biển Việt Nam trong tương lai.

7. Đóng góp của luận án

- Về mặt lý luận: Luận án đã góp phần phát triển cơ sở lý luận về ĐTPT cảng biển, với việc đưa ra định nghĩa về đầu tư phát triển cảng biển, đặc điểm đầu tư phát triển cảng biển, các nhân tố ảnh hưởng đến hoạt động ĐTPT cảng biển, các chỉ tiêu đánh giá hoạt động ĐTPT cảng biển...

- Về mặt thực tiễn:

+ Luận án đã nghiên cứu sự phát triển cảng biển của các nước trên thế giới để rút ra bài học kinh nghiệm cho Việt Nam.

+ Phân tích và đánh giá hiện trạng huy động vốn ĐTPT cảng biển; hiện trạng ĐTPT cảng biển trên nhiều góc độ: địa phương được đầu tư, đối tượng đầu tư, nội dung đầu tư; thực trạng công tác quản lý hoạt động đầu tư cảng biển. Luận án tính toán các chỉ tiêu phản ánh hiệu quả ĐTPT cảng biển thời gian qua. Từ đó khẳng định những mặt đạt được, phát hiện những yếu kém, những bất cập trong công tác huy động vốn, trong công tác triển khai thực hiện đầu tư và quản lý hoạt động đầu tư cảng biển.

+ Luận án đề xuất quan điểm phát triển, các giải pháp góp phần tăng cường đầu tư và sử dụng có hiệu quả vốn ĐTPT cảng biển.

8. Kết cấu của luận án

Ngoài phần mở đầu, kết luận và các phụ lục, luận án chia thành 3 chương: Chương 1: Cơ sở lý luận về ĐTPT cảng biển

Chương 2: Thực trạng ĐTPT cảng biển Việt Nam - giai đoạn 2005 - 2011 Chương 3: Giải pháp tăng cường đầu tư và nâng cao hiệu quả đầu tư phát

triển cảng biển Việt Nam

Dưới đây là toàn bộ nội dung luận án.


CHƯƠNG 1

CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN CẢNG BIỂN


1.1. CẢNG BIỂN VÀ ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN CẢNG BIỂN

1.1.1. Cảng biển

a. Khái niệm cảng biển

Các định nghĩa khác nhau về cảng biển

Theo điều 59 chương V Bộ luật Hàng hải Việt Nam: Cảng biển là khu vực bao gồm vùng đất cảng và vùng nước cảng, được xây dựng kết cấu hạ tầng và lắp đặt trang thiết bị cho tàu biển ra, vào hoạt động để bốc dỡ hàng hoá, đón trả hành khách và thực hiện các dịch vụ khác.

Theo Từ điển Bách khoa 1995: Cảng biển là khu vực đất và nước ở biển có những công trình xây dựng và trang thiết bị phục vụ cho tàu thuyền cập bến, bốc dỡ hàng hoá, khách hàng lên xuống, sửa chữa phương tiện vận tải biển, bảo quản hàng hoá và thực hiện các công việc khác phục vụ quá trình vận tải đường biển. Cảng có cầu cảng, đường vận chuyển có thể là đường sắt, đường bộ, kho hàng, xưởng sửa chữa.

Theo quan điểm hiện đại, cảng biển không phải là điểm cuối hoặc kết thúc của quá trình vận tải mà là điểm luân chuyển hàng hoá và hành khách. Nói cách khác, cảng như một mắt xích trong dây truyền vận tải.

Theo sách "Quy hoạch cảng" [40]: Cảng là một tập hợp các hạng mục công trình và thiết bị để đảm bảo cho tàu neo đậu và xếp dỡ hàng hoá giữa các phương thức vận tải đường thủy và sắt, bộ.


Như vậy có thể kết luận: Cảng biển là khu vực bao gồm vùng đất cảng và vùng nước cảng, nơi xây dựng các công trình như luồng tàu, đê chắn sóng, cầu cảng, kho bãi, nhà xưởng... và lắp đặt thiết bị phục vụ cho tàu biển ra vào hoạt động để bốc dỡ hàng hoá, đón trả hành khách và thực hiện các dịch vụ khác phục vụ quá trình vận tải đường biển.

Xem tất cả 258 trang.

Ngày đăng: 26/09/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí