Đánh giá thực trạng hoạt động và đề xuất giải pháp phát triển du lịch sinh thái gắn với quản lý vườn quốc gia Cát Bà bền vững - 6

4

(Nguồn tài liệu quy hoạch Vườn quốc gia Cát Bà giai đoạn 2006-2010)


Thảm thực vật rừng có diện tích là 15.510 ha, chiếm 52% tổng diện tích tự nhiên, dưới đây là đặc điểm các kiểu thảm thực vật VQG Cát Bà đã được điều tra, đánh giá năm 2005:

(1) Hệ sinh thái rừng nguyên sinh lá rộng thường xanh mưa ẩm nhiệt đới


Kiểu rừng này phân bố thành thảm tương đối lớn và tập trung ở các độ cao dưới 300 m tại khu vực trung tâm VQG. Trong đó, phần lớn diện tích nằm về phía Tây Bắc xã Chân Trâu (chiếm 43,6% tổng diện tích của kiểu rừng này) một phần nằm về phía Nam xã Gia Luận, phía Đông xã Phù long còn lại là nằm ở phía Tây của xã Việt Hải.

Do được phát triển trên khu vực núi đá vôi nên trong kiểu rừng này sự phân bố cây thường không đều, độ tàn che trung bình khoảng 0,7. Thực vật chiếm ưu thế trong kiểu rừng này là các loài cây lá rộng thường xanh thuộc các họ như họ Dẻ (Fagaceae), họ Dâu tằm (Mortaceae), họ Re (Lauraceae), họ Côm (Elaeocarpaceae), họ Ba mảnh vỏ (Euphorbiaceae), họ Trám (Burseraceae), họ Mộc lan (Magnoliaceae), họ Long Não (Lau racea). Rừng chia thành 4 tầng rò rệt.

Ngoài ra, thực vật ngoại tầng cũng rất phong phú với nhiều loài thân thảo, thân bò, leo chằng chịt làm tăng thêm sự rậm rạp của kiểu rừng này.

(2) Hệ sinh thái rừng thứ sinh nghèo lá rộng thường xanh mưa ẩm nhiệt đới trên núi đá vôi Đây là kiểu rừng khá phổ biến và chiếm diện tích lớn nhất so với tất cả các loại

thảm trên quần đảo Cát Bà.

Phân bố thành từng mảng tương đối lớn, rải rác ở các độ cao từ 100 m-300 m, tập trung nhiều ở các xã Trân Châu, Gia Luận, Việt Hải, Xuân Đám, ngoài ra có một số diện tích ở xã Hiền Hào, khu vực giáp ranh với VQG.

Thành phần thực vật tạo rừng không chỉ là các loài thực vật nhiệt đới mà còn thể hiện tính chỉ thị cao cho loại hình rừng này. Đó là: Nghiến (Excentrodendron tonkinense),Trai (Garcinia fagraeoides), Mậy tèo, Teo nông (Streblus spp.), Lát hoa (Chukrasia tabularis), Đinh (Fernandoa spp.), Vàng anh (Saraca dives)....

(3) Hệ sinh thái rừng thường xanh mưa ẩm nhiệt đới phục hồi trên núi đá vôi

Rừng phục hồi ở Cát bà có diện tích là 8,1 ha chiếm diện tích nhỏ trong đất thảm thực vật rừng. Phân bố chủ yếu ở hai xã Trân Châu và Gia Luận và một diện tích không lớn ở các xã, Hiền Hào, Xuân Đám, Việt Hải. Chiều cao cây gỗ trong lâm phần trung bình khoảng 8-15, đường kính 15-20 cm, độ tàn che trung bình 50- 60%.

Đây là kiểu rừng phục hồi sau khai thác trên núi đá vôi, với diện tích nhỏ (phản ánh tình trạng quản lý bảo vệ là khá tốt của VQG và địa phương), với đặc điểm thực vật trên núi đá vôi sinh trưởng và phát triển rất kém cho nên trên những khu vực sườn hay đỉnh núi đá, việc phục hồi rừng diễn ra khó khăn và rất chậm.

(4) Hệ sinh thái rừng thứ sinh tre nứa phục hồi sau nương rẫy

Rừng tre nứa chỉ chiếm một diện tích nhỏ 41,6 ha chiếm 0,02% diện tích đất thảm thực vật rừng. Phân bố chủ yếu dọc các khe suối hoặc trên các sườn núi đá vôi, phân bố nhiều ở xã Việt Hải, xã Xuân đám, xã Hiền Hào, xã Gia Luận.

(5) Hệ sinh thái rừng ngập mặn

Thảm rừng ngập mặn của quần đảo Cát Bà có diện tích 632,5ha chiếm 4,0% đất thảm thực vật rừng, phân bố tập trung chủ yếu ở xã Phù Long. Ngoài ra, còn một số nhỏ diện tích kiểu rừng này phân bố ở các khe, vũng ven biển thuộc xã Gia Luận (55,8 ha).

Các loài cây chủ yếu của thảm rừng ngập mặn vùng này là Sú (Aegyceras ciniculata), Vẹt dù (Bruguiera gymnorrhiza), Đước (Rhizophorra mucronata), Trang (Kandelia candel).

Rừng ngập mặn có tác động hữu ích đến môi trường chung quanh, đây là nơi cung cấp nhiều loại thuỷ sản quan trọng cho con người, bảo vệ đất chống xói lở, tạo điều kiện tốt để bồi lắng phù sa, làm giảm nhẹ thiên tai, bão lụt.

(6) Hệ sinh thái rừng trồng

Rừng trồng đa số được trồng từ ngày còn lâm trường Cát Bà, đa số là Thông, tập trung nhiều ở xã Trân Châu, xã Xuân Đám, xã Hiền Hào và xã Gia Luận, đặc biệt như ở xã Trân Châu, xã Hiền Hào rừng thông được trồng thành những dải kéo dài khắp các sườn núi hướng ra biển, tạo nên một cảnh quan tự nhiên đầy hấp dẫn và thơ mộng, đã góp phần tôn vinh cảnh quan thiên nhiên độc đảo của quần đảo Cát Bà.

Những năm gần đây VQG Cát Bà, phối hợp cùng các địa phương xung quanh VQG, cũng đã trồng nhiều diện tích Keo ở Trung Trang, Đồng Cỏ, Khe Sâu và một số diện tích ở xã Gia Luận, Việt Hải. Ngoài ra, VQG cũng đã trồng thành công một số diện tích Keo hỗn giao cùng các cây bản địa. Nhìn chung việc trồng rừng trên các xã là khá thành công, đã góp phần tăng cao độ che phủ rừng, tạo nên một môi trường xanh sạch, đẹp cho toàn quần đảo.

(7) Hệ sinh thái rừng cây ngập nước thung núi đá vôi


Trong khu Ao ếch, còn có một kiểu quần hợp đặc biệt của loài cây Và nước (Salix tetrasperma) thuộc họ Liễu. Và nước là loài cây thường chỉ phát triển, phân bố ở Tây Nam bộ, trên đất ngập nước, lầy thụt. Điều đáng ngạc nhiên lại xuất hiện ở Cát Bà với quần thể gần như thuần loại, đây là hiện tượng kỳ thú nên rất hấp dẫn khách du lịch và các nhà khoa học. Thảm cây Và nước có mật độ cây lớn, đạt trên 1.000 cây/ha, đường kính trung bình 18 - 20 cm, chiều cao khoảng 12 - 15 m.

Thảm Và nước gần như nguyên sinh, có diện tích khá khiêm tốn, xấp xỉ khoảng 3,6 ha, nhưng lại chứa đựng một nguồn gen loài thực vật độc đáo. Cần tăng cường các biện pháp bảo vệ và phát triển nguồn gen quý giá này để tạo nên khu vực có tính đa dạng sinh học cao nhằm phục vụ tốt cho công tác nghiên cứu khoa học và đặc biệt là nhu cầu du lịch sinh thái ngày càng phát triển của đảo Cát Bà.

(8) Hệ sinh thái thảm cỏ, cây bụi, cây tái sinh trên núi đá vôi.


Đây là kiểu thảm chủ yếu phân bố trên trên các khu vực có núi đá vôi, do vậy khả năng sinh trưởng và phát triển của các loài cây khó khăn và rất chậm chạp. Thực vật bao gồm chủ yếu các loài cây gỗ nhỏ, có khả năng chịu gió mạnh, chịu hạn và chịu nhiệt độ cao như: Ô rô (Streblus iliciflia), Thị đá (diospyros sp), Táu ruối (Vatica odorata), Thôi ba (Alangium chinesis), Nhãn rừng (Euphoria frugifera), Ké (Xerospermum honhianum), Trâm (Syzygium-sp), Mán đỉa (archiodendron clypearia) và còn có nhiều loài cây bụi khác với độ cao trung bình 5-6 m. Tuy độ che phủ không cao (khoảng 30 %) nhưng đây là nơi sinh sống chủ yếu của các loài động vật quý hiếm trong khu vực Cát bà như Voọc đầu trắng, Khỉ vàng, Sơn dương, Trăn đất.

Kiểu thảm này, có thể khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên, kết hợp trồng bổ sung bằng cây bản địa để tạo thành rừng. Ngoài ra, đây còn là vùng có cảnh quan hùng vĩ, đặc biệt là các đảo nhỏ nằm riêng rẽ với nhiều hình dáng độc đáo, nơi thu hút rất nhiều du khách đến tham quan, du lịch.

(9) Hệ sinh thái thảm cỏ, cây bụi, cây tái sinh trên núi đất

Thảm cỏ cây bụi cây tái sinh trên núi đất có diện tích 506,7ha, chiếm 3,0 % tổng diện tích đất thảm thực vật rừng. Thảm cỏ, cây tái sinh trên núi đất có mật độ khá dày, loại đất này có thể khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên để tạo thành rừng.

(10) Hệ sinh thái núi đá trọc

Đất lâm nghiệp ngoài các kiểu thảm thực vật ra, còn có 2.502,0 ha núi đá trọc không cây hoặc còn lại rất ít cây, chiếm 14 % diện tích đất lâm nghiệp. Núi đá trọc phân bố chủ yếu trên các đỉnh, hoặc là các phiến đá lớn xương xẩu, các loài cây thực vật đa số không thể tồn tại lâu dài được, chỉ có một số ít cây bụi, cây cỏ mọc, nhưng rất thưa thớt

Tổng diện tích đất đai các thảm thực vật rừng, núi đá, đất nông nghiệp, đất dân cư, đất chuyên dùng, đất mặt nước và đất chưa sử dụng khác, trên toàn khu vực là: 29.994,9 ha.

3. 2.2. Khu hệ thực vật rừng

*. Thành phần thực vật

Kết quả điều tra hệ thực vật rừng năm 2005 của Trung tâm Tài nguyên &Môi trường LN, kết hợp tham khảo các tài liệu hiện có của Lê Mộng Chân (2003) và và Nguyễn Kim Đào(2003-2004), bước đầu chúng tôi thống kê được ở VQG Cát Bà có 1.561 loài thực vật bậc cao có mạch thuộc 842 chi, 186 họ và 5 ngành thực vật khác nhau (xem phụ lục thực vật). Như vậy, so với danh lục thực vật điều tra trước, thì số loài ghi nhận lần này đã tăng thêm nhiều. Dưới đây là kết quả tập hợp, thống kê thành phần thực vật VQG Cát Bà:

Bảng 3.2: Thành phần thực vật VQG Cát Bà


Ngành thực vật

Số họ

Số chi

Số loài

Thạch tùng (Lycopodiophyta)

2

3

6

Tháp bút (Equisetophyta)

1

1

1

Dương xỉ (Polypodiophyta)

16

32

63

Thông (Pinophyta)

6

13

29

Hạt kín (Angiospermae)

161

793

1.462

- Lớp Ngọc lan (Magnoliopsida)

130

660

1.231

- Lớp Hành (Liliopsida)

31

133

231

Tổng số

186

842

1.561

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 125 trang tài liệu này.

Đánh giá thực trạng hoạt động và đề xuất giải pháp phát triển du lịch sinh thái gắn với quản lý vườn quốc gia Cát Bà bền vững - 6

*. Giá trị khoa học của hệ thực vật

- Loài mới:

Trong số 1.561 loài còn có 1 loài mới ghi nhận cho hệ thực vật Việt Nam và khoa học trong những năm đầu thế kỷ XXI, đó là Tuế hạ long Cycas tropophylla K.D.Hill& Phan Kế Lộc, loài Tuế này được các nhà khoa học thuộc Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật phát hiện. Cho đến nay loài Tuế hạ long mới chỉ được ghi nhận tại vùng đảo Hạ Long và Cát Bà, chúng thường mọc rải rác tại các vách đá dựng đứng.

- Các loài trong sách đỏ Việt Nam và Thế giới:

Trong số các loài thực vật đã thống kê được có đến 60 loài nằm trong Sách đỏ Việt Nam (2002), chiếm 3,65% tổng số loài đã ghi nhận được ở khu hệ thực vật VQG Cát Bà. Đồng thời, theo danh sách cây bị đe doạ trên thế giới (IUCN, 2004. The World List of Threatened Trees), VQG Cát Bà có 29 loài chiếm 1,86%, trong đó có 16 loài vừa có trong sách đỏ của Việt Nam vừa có trong sách đỏ thế giới. Như vậy, tính chung cho cả Việt Nam và Thế Giới, VQG Cát Bà có tới 72 loài bị đe doạ cần được bảo vệ. Trong 72 loài quí hiếm, có 14 loài được VQG Cát Bà di thực từ các VQG khác về trồng ở trong vườn thực vật của VQG, là các loài được bảo vệ ngoại vi.

*. Tài nguyên thực vật

Kết quả thống kê cho thấy trong tổng số 1.561 loài thực vật đã được ghi nhận ở VQG Cát Bà, có tới 1.117 loài cây tài nguyên thuộc 4 nhóm công dụng khác nhau (có loài thuộc nhiều nhóm công dụng):

- Nhóm cây cho gỗ (G):

Có 408 loài, nhưng hầu hết thuộc nhóm gỗ hồng sắc và tạp mộc. Nhóm gỗ thiết mộc và gỗ có giá trị kinh tế cao như: Trai lý (Garcinia fagraeoides), Nghiến (Burretiodendron tonkinense), Đinh (Fernandoa spp.), Lát hoa (Chukrasia tabularis), Sưa (Dalbergia tonkinensis), Giổi (Michelia spp.)... lại không nhiều cả về thành phần loài lẫn số lượng cá thể. Tuy nhiên, với số lượng các cá thể còn lại của các loài này cùng với nhiều loài cây gỗ khác có kích thước rất lớn ở đây có thể trở thành khu rừng giống để cung cấp hạt giống cho phong trào trồng cây bản địa đang lên cao.

- Nhóm cây làm thuốc (T):

Dựa trên các tài liệu đã dẫn, chúng tôi đã thống kê được 661 loài có thể dùng làm thuốc. Những cây thuốc này có thể sử dụng vào các bài thuốc, toa thuốc đông y khác nhau để chữa trị nhiều chứng bệnh thông thường như các bệnh đau xương - khớp, bệnh đường tiêu hoá, đường hô hấp, bệnh gan, thận, cảm sốt và bệnh ngoài da....

- Nhóm cây ăn được (ă):

Có tới 196 loài. Trong đó đáng kể hơn cả là loài Màn màn Cleome viscosa, loài Rau dớn Diplazium esculentum, Sấu (Dracontomelon duperreanum), Sung (Ficus chlorocarpa) gặp khá phổ biến ở trong rừng cùng nhiều loài khác.

- Nhóm cây làm cảnh và cây bóng mát (C):

Bước đầu đã thống kê được 203 loài. Họ có nhiều loài làm cảnh nhất là họ Phong lan (15 loài), tiếp đến là họ Cau dừa (17 loài) và nhiều họ khác có từ 3-10 loài. Đặc biệt, trong họ Lan có một số loài có hoa đẹp như: Lan Vân đà Vanda sp, Lan hoàng thảo Dendrobium sp, Lan quế Aerides odorata. Ngoài ra ở đây còn xuất hiện nhiều cây có hoa đẹp khác như các loài trong họ Bóng nước (Balsaminaceae), họ Thu hải đường (Begoniaceae)....

Ngày nay, khi đời sống xã hội ngày một nâng cao, nhu cầu về cây cảnh để trang trí nội thất và trồng cây cảnh ngày càng cao, không chỉ đòi hỏi việc quản lý tốt nhóm tài nguyên này mà còn phải nhanh chóng phát triển chúng.

3. 2.3. Khu hệ động vật rừng

*. Đặc điểm khu hệ động vật trên cạn

Khu hệ động vật có xương sống trên cạn ở Vườn quốc gia Cát Bà được nhiều nhà khoa học trong cũng như ngoài nước nghiên cứu. Kết quả đã thống kê được 53 loài thú thuộc 18 họ, 8 bộ; 205 loài chim thuộc 46 họ, 16 bộ; 45 loài bò sát thuộc 15 họ, 2 bộ và 21 loài lưỡng cư thuộc 5 họ, 1 bộ (Danh lục xem phụ lục). Với tổng số 279 loài động vật có xương sống ở cạn, trong đó có 22 loài ghi trong sách đỏ Việt Nam và 7 loài ghi trong danh lục đỏ thế giới.

Dưới đây là biểu thống kê thành phần loài, số bộ, họ và các loài qúi hiếm ghi trong sách đỏ của Việt Nam và thế giới (IUCN):

Bảng 3.3: Thành phần loài động vật ghi nhận tại VQG Cát Bà


Lớp

Số bộ

Số họ

Số loài

SĐ/SĐ IUCN

Thú

8

18

53

9/6

Chim

16

46

160

1/0

Bò sát

2

15

45

11/1

Ếch nhái

1

5

21

1/0

Cộng

27

84

279

22/7


Do vị trí địa lí của Vườn Quốc gia, cách ly với đất liền là nguyên nhân cơ bản đã hạn chế sự du nhập của các loài thú, chim, bò sát, ếch nhái. Chính vì vậy, tài nguyên động

vật rừng ở VQG không được giàu về thành phần loài nhưng có ý nghĩa về mặt bảo tồn với những đặc điểm riêng của hệ sinh thái hải đảo, đặc biệt là sự có mặt của loài Voọc đầu trắng - loài đặc hữu của Việt Nam, hiện chúng đang bị đe doạ tuyệt chủng ở cấp rất nghiêm trọng (Critical).

+ Khu hệ thú

Tổng số 53 loài thú đã ghi nhận cho Cát Bà, trong số đó có 9 loài ghi trong Sách đỏ Việt Nam (2000) chiếm 17%, 6 loài ghi trong danh lục đỏ thế giới (2004) chiếm 11,3% và 11 loài nằm trong nghị định 18 chiếm 20,8% tổng số loài, là những loài hiện đang bị đe doạ cần được ưu tiên bảo tồn, trong đó đặc biệt quan trọng là loài Voọc đầu trắng.

Voọc đầu trắng hiện nay chỉ còn lại duy nhất trên đảo Cát Bà - phía Đông Bắc Việt Nam. Trong danh mục sách đỏ IUCN. 2004 xếp loài này ở mức độ cực kì nghiêm trọng (CR) và sách đỏ Việt Nam 2000 xếp loài này vào mức độ nguy cấp (E). Số lượng Voọc đầu trắng: Theo báo cáo gần đây nhất của Dự án Bảo tồn Voọc Cát Bà thuộc Hội Động vật Bảo tồn Loài và Quần thể: ước tính nhiều nhất là 60 cá thể, sống tách biệt nhau ở 6 vùng. Đến nay đã có khoảng trên 20 cá thể được sinh ra từ năm 2000 đến nay và số lượng đang được dần dần ổn định ( Dự án bảo tồn Voọc Cát Bà).

3. 2.4. Động, thực vật biển


Quần đảo Cát Bà được bao bọc xung quanh bởi mặt nước biển với diện tích mặt khoảng 7.167,5ha, chiếm 76% tổng diện tích đất chưa sử dụng của các xã và thị trấn Cát Bà. Biển Cát Bà khá phong phú đa dạng về động thực vật biển như : Các loài cá, động vật đáy, cỏ biển, rong biển và hệ sinh thái các rạn San hô biển và ven biển. Đã từ lâu các rạn San hô trên các thung, vịnh đã được các nhà khoa học tìm hiểu nghiên cứu và các khách du lịch trong, ngoài nước đặc biệt quan tâm. Biển Cát Bà có tiềm năng lớn cho phát triển du lịch, đảm bảo an ninh quốc phòng cho toàn khu vực. Cần có giải pháp quản lý và khai thác tiềm năng biển phục vụ cho phát triển kinh tế và du lịch của địa phương, hạn chế không để biển bị ô nhiễm do chất thải.

Vùng biển Cát Bà còn là nơi tập trung của nhiều loài sinh vật biển. Do nước biển tương đối mặn, đáy biển là cát, pha cát, bùn nhẹ là môi trường thuận lợi cho nhiều loài hải sản sinh trưởng và phát triển.

Theo kết quả điều tra về thuỷ sản và tài liệu tham khảo của Viện Hải Dương Học (nay là Viện Tài nguyên &Môi trường biển) tại Hải Phòng cho biết hiện nay sinh vật biển khu vực đảo Cát Bà đã xác định được:

- Thực vật ngập mặn: 23 loài.

- Rong biển: 75 loài

- Cá biển: 196 loài

- Thực vật phù du: 199 loài

- Động vật phù du: 89 loài

- Động vật đáy: 538 loài

- San hô: 193 loài

Tổng số sinh vật biển Cát Bà có: 1.313 loài, trong đó có 8 loài rong, 8 loài động vật đáy là các loài quí hiếm đã được đưa vào Sách đỏ Việt Nam, Sách đỏ thế giới để bảo vệ. Sinh vật biển Cát Bà còn có nhiều loài có giá trị kinh tế, giá trị xuất khẩu cao như: Trai ngọc, Vẹm xanh, Tu hài, Vích, cá Ngựa gai, Sam đuôi tam giác, Đồi mồi. Hệ sinh thấi San hô có giá trị cao không chỉ về đa dạng sinh học mà còn rất có giá trị về du lịch.

Sinh vật biển đảo Cát Bà phong phú và đa dạng vào bậc nhất của các vùng đảo miền Bắc Việt Nam, đây không chỉ là nơi lưu giữ và phát tán nguồn gen lớn của vịnh Bắc Bộ mà còn có nhiều loài quí hiếm. Cần có giải pháp bảo vệ và phục hồi các giá trị về hải sản của biển, cũng như các giá trị của hệ sinh thái rạn San hô, cỏ biển, rong biển nhằm phục vụ lâu dài cho các lợi ích về kinh tế và du lịch của địa phương.

3.2.5. Tài nguyên cảnh quan

Vườn quốc gia Cát Bà không chỉ hấp dẫn du khách bởi sự phong phú của các hệ sinh thái, đa dạng sinh học với rất nhiều loài động thực vật quý hiếm, mà còn thu hút khách tham quan trong và ngoài nước cả về cảnh sắc thiên nhiên tuyệt diệu mà thiên nhiên đã ban tặng.

Cảnh quan đa dạng gồm nhiều dạng cảnh quan đẹp có khả năng khai thác phát triển du lịch:

*Nhiều bãi biển đẹp

Biển là một trong những tiềm năng du lịch quan trọng nhất của Cát Bà.


- Hệ thống các bãi tắm (Khoảng 20 bãi biển có thể khai thác). Các bãi tắm tuy không lớn song đẹp, nước biển trong xanh, bờ cát trắng mịn đã thu hút nhiều người từ mọi miền đến du lịch, tắm biển vào dịp hè nóng bức.

- Hệ thống các khu vực biển có tiềm năng khai thác các loại hình du lịch thú vị như tổ chức lặn biển, xem san hô và các sinh vật biển qua làn nước trong vắt, chèo kayark, câu cá …

Ngoài ra, biển còn đóng vai trò kết nối Cát Bà với Vịnh Hạ Long tạo ra khả năng kéo dài tour tuyến du lịch, đa dạng hóa sản phẩm.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 15/06/2022