Đánh giá tài nguyên du lịch nhân văn ở tỉnh Thừa Thiên - Huế - 3


Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) đã xây dựng những chỉ tiêu cho sự phát triển bền vững, làm cơ sở cho việc nghiên cứu, sử dụng tài nguyên du lịch cho các nước trên thế giới [116]. Từ năm 1972, Hội đồng Di sản thế giới (WHC) của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp quốc (UNESCO) đã được thành lập và tiến hành xây dựng các tiêu chuẩn, điều kiện công nhận các di sản thế giới, đồng thời nghiên cứu, giúp đỡ các quốc gia trong việc nghiên cứu, bảo vệ, tôn tạo các di sản thế giới [117], [118]. Bên cạnh đó, việc ứng dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS) trong quản lý tài nguyên được nhiều nhà nghiên cứu áp dụng, chẳng hạn như nghiên cứu The use of GIS for the protection of World Heritage: A case Study in Chiquitos Region, Bolivia [141] hay các nghiên cứu ở Croatia, Canada [142], [143].

2.2. Ở Việt Nam

Từ những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ XX cho đến nay, cùng với sự khởi sắc của hoạt động du lịch, nghiên cứu tài nguyên phục vụ du lịch được nhiều nhà khoa học ở các lĩnh vực khác như du lịch, địa lý, kinh tế, văn hóa... quan tâm thực hiện. Các tác giả nghiên cứu nhiều về du lịch nói chung, trong đó có TNDLNV như Nguyễn Minh Tuệ, Lê Thông, Vũ Tuấn Cảnh, Phạm Trung Lương, Đặng Duy Lợi, Trần Đức Thanh,... Các công trình nghiên cứu của các tác giả đã giải quyết được rất nhiều vấn đề từ lý luận đến thực tiễn về tài nguyên du lịch (TNDL), từ quy mô quốc gia đến quy mô địa phương (vùng, tỉnh, thậm chí huyện, điểm du lịch); từ nghiên cứu riêng biệt cho đến nghiên cứu tổng hợp các loại tài nguyên [13], [47], [69], [90].

Các vấn đề lý luận liên quan đến TNDLNV gồm khái niệm, đặc điểm, phân loại và tiêu chí đánh giá một số loại hình tài nguyên cụ thể như di tích lịch sử - văn hóa, lễ hội được tác giả Nguyễn Minh Tuệ, Phạm Trung Lương trình bày chi tiết trong Địa lý du lịch Việt Nam” Tài nguyên và môi trường du lịch Việt Nam” [90], [47]. Bên cạnh đó, tác giả Nguyễn Minh Tuệ còn đề cập nhiều đến các nội dung về thực trạng phát triển du lịch Việt Nam, lý luận về tổ chức lãnh thổ du lịch, phân vùng du lịch Việt Nam cũng như đặc điểm tài nguyên du lịch và hiện trạng phát triển du lịch các vùng [90]. Trong Tài nguyên và môi trường du lịch Việt Nam” [47] tác giả Phạm Trung Lương còn trình bày chi tiết các kiểu đánh giá, phương pháp đánh giá tổng hợp các dạng tài nguyên và các bước tiến hành đánh


giá. Tác giả Trần Đức Thanh trong nghiên cứu Đánh giá tài nguyên du lịch Thanh Hóa” đã hệ thống hóa các vấn đề lý luận về tài nguyên du lịch và đánh giá tài nguyên du lịch, gồm cả tài nguyên du lịch tự nhiên và tài nguyên du lịch nhân văn như khái niệm, phân loại, nội dung và các kiểu đánh giá tài nguyên... [69].

Nhìn chung, các tác giả đều nhìn nhận TNDLNV là nhóm tài nguyên có nguồn gốc nhân tạo và căn cứ vào nội dung để phân TNDLNV thành 5 dạng chính [47], [90]. Một số tác giả khác lại phân TNDLNV theo đặc tính vật chất có thể nhìn hoặc sờ thấy được, có hình thể hoặc không có hình thể hay sự tồn tại hình thể không liên tục để phân tài nguyên thành hai loại vật thể và phi vật thể [69], [100]; có tác giả dựa vào diễn biến thời gian để phân chia tài nguyên thành những điểm thu hút của quá khứ và những điểm thu hút ở hiện tại [57]. Việc đánh giá TNDLNV thường bắt đầu bằng việc xác định mục tiêu đánh giá, nội dung đánh giá, xây dựng chỉ tiêu và tiến hành đánh giá.

Những nghiên cứu tài nguyên du lịch nói chung, TNDLNV nói riêng ở quy mô cấp vùng, tỉnh, thành phố được nhiều tác giả quan tâm. Dưới góc độ địa lý ứng dụng, các tác giả đã tiến hành nhiều đề tài liên quan đến đánh giá tài nguyên, gồm cả tự nhiên lẫn nhân văn nhằm phục vụ cho việc khai thác, phát triển du lịch như: “Đánh giá, khai thác các điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên huyện Ba Vì - Hà Tây phục vụ mục đích du lịch” của Đặng Duy Lợi [44], “Cơ sở khoa học của việc xác định các điểm, tuyến du lịch Nghệ An” của Nguyễn Thế Chinh [15], “Cơ sở khoa học cho việc xây dựng các tuyến, điểm du lịch vùng Bắc Trung Bộ” của Hồ Công Dũng [30], “Nghiên cứu đặc điểm tài nguyên du lịch thủ đô Hà Nội phục vụ cho việc khai thác có hiệu quả hoạt động kinh doanh du lịch” của Phạm Văn Du [28], “Cơ sở khoa học cho việc xây dựng các tuyến, điểm du lịch” của Phạm Trung Lương [46], “Đánh giá tài nguyên du lịch Thanh Hóa” của Trần Đức Thanh [69], ”Tổ chức lãnh thổ du lịch Quảng Nam - Đà Nẵng” của Trương Phước Minh [50],... Các công trình nghiên cứu đã đưa ra các chỉ tiêu, phương pháp đánh giá tài nguyên phục vụ mục đích tổ chức lãnh thổ du lịch.

Nhiều tác giả đã sử dụng 7 tiêu chí để đánh giá tài nguyên: Độ hấp dẫn, thời gian hoạt động du lịch, sức chứa khách du lịch, độ bền vững của môi trường, vị trí của địa điểm du lịch, cơ sở hạ tầng vật chất kỹ thuật du lịch và hiệu quả kinh tế

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 232 trang tài liệu này.


[15], [30], [46]. Trong khi đó để đánh giá tài nguyên cho phát triển du lịch sinh thái ở một số trọng điểm của vùng Bắc Trung Bộ [75], Nguyễn Quyết Thắng đã phân các tiêu chí theo hai khía cạnh đó là khả năng thu hút khách với 4 tiêu chí: tính hấp dẫn, tính an toàn, tính liên kết và cơ sở hạ tầng (CSHT) và cơ sở vật chất kỹ thuật (CSVCKT) du lịch và khả năng khai thác với 3 tiêu chí: tính thời vụ, tính bền vững và sức chứa của từng điểm tài nguyên.

Đánh giá tài nguyên du lịch nhân văn ở tỉnh Thừa Thiên - Huế - 3

Nguyễn Thị Hải [35] khi nghiên cứu tài nguyên du lịch tự nhiên phục vụ du lịch cuối tuần ở Hà Nội đã dựa trên mối quan hệ giữa điểm cung cấp khách và điểm đến tham quan để xây dựng các tiêu chí đánh giá gồm: Độ hấp dẫn của tài nguyên (M1) (gồm các tiêu chí: Sự phù hợp; tính đa dạng, tương phản, độc đáo và khả năng mở rộng hoạt động tham quan; thời gian hoạt động du lịch; sức chứa du lịch; CSHT và CSVCKT du lịch; khả năng phát triển của điểm du lịch; đồng thời xác định trọng số cho các tiêu chí phụ này), sở thích của du khách (M2) và khoảng cách giữa điểm tài nguyên với điểm cấp khách (R) (khoảng cách vật lý, khoảng cách thời gian và khoảng cách chi phí). Việc đánh giá tổng hợp các điểm tài nguyên nhằm xác định khả năng khai thác cho phát triển du lịch được tính theo trung bình nhân của 3 tiêu chí thành phần M1, M2 và R.

Nhiều nghiên cứu cũng đã vận dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS) vào việc tổ chức lãnh thổ du lịch như “Tổ chức lãnh thổ các điểm du lịch tỉnh Kiên Giang theo cách tiếp cận hệ thống thông tin địa lý” của Đào Ngọc Cảnh [12] hay để quản lý tài nguyên như “Xây dựng cơ sở khoa học phục vụ cho việc xác định các tuyến du lịch ở tỉnh Quảng Trị” của Bùi Thị Thu [80],...

Một số tác giả tiến hành đánh giá từng loại TNDLNV cụ thể như Nguyễn Minh Tuệ, để xác định mức độ tập trung di tích lịch sử - văn hóa theo lãnh thổ căn cứ vào các chỉ tiêu thể hiện mặt số lượng và chất lượng gồm số lượng di tích, mật độ di tích, số di tích được xếp hạng, số di tích đặc biệt quan trọng [91, tr.48-54].

Dưới góc độ kinh tế hay văn hóa, TNDLNV cũng được nghiên cứu để phục vụ cho sự phát triển của ngành du lịch hay liên quan đến vấn đề bảo tồn. Tác giả Nguyễn Thị Thống Nhất [51] nghiên cứu vấn đề khai thác các di sản văn hóa thế giới ở miền Trung để phục vụ phát triển du lịch đã đề xuất 7 tiêu chí với 14 chỉ tiêu để khai thác hợp lý các DSVH thế giới, trên cơ sở đó tác giả đã đề xuất mô hình khai


thác hợp lý DSVH thế giới. Hai công trình nghiên cứu “Văn hóa phi vật thể ở Hội An” của Bùi Quang Thắng [73] và “Văn hóa phi vật thể ở Hà Nội” của Phạm Hồng Giang chủ biên [34] đã đưa ra cách đánh giá và xếp loại các loại hình văn hóa phi vật thể, đánh giá thực trạng và đưa ra các giải pháp khắc phục nhằm phát huy giá trị các tài nguyên, bảo tồn và phát triển chúng trong hoạt động du lịch ở Hội An, Hà Nội.

2.3. Ở Thừa Thiên - Huế

Tài nguyên du lịch nhân văn ở Thừa Thiên - Huế (TTH) có sức thu hút rất lớn đối với các nhà nghiên cứu, nhà khoa học trong và ngoài tỉnh. Với nhiều mục đích và hướng nghiên cứu khác nhau, các tài nguyên du lịch nhân văn ở TTH được xem xét dưới nhiều góc độ riêng lẻ như lịch sử, văn hóa, kiến trúc, mỹ thuật, tôn giáo,… đã tạo nên một khối lượng lớn các tài liệu, đặc biệt là các tài liệu liên quan đến Quần thể di tích Cố đô Huế như “Kiến trúc cố đô Huế” [1]; “Huế xưa và nay Di tích - Danh thắng” [2], “Âm nhạc cung đình triều Nguyễn” [77], “Nghiên cứu triều Nguyễn và Huế xưa, tập I” [99], “Huế - di tích lịch sử - văn hóa - danh thắng” [53]… Bên cạnh đó, nhiều tài liệu về di tích lịch sử - văn hóa ở TTH được biên soạn của các cơ quan như “Di tích lịch sử văn hóa Thừa Thiên - Huế” [9]; “Di tích lịch sử cách mạng Thừa Thiên - Huế” [7], “30 năm bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa Huế (1982-2012)” [88]…

Riêng trong lĩnh vực du lịch, do nhu cầu ngày càng phát triển, những công trình về đánh giá tổng hợp tài nguyên, tổ chức lãnh thổ cho mục đích du lịch ngày càng nhiều. Từ đầu những năm 1990 đến nay, khi du lịch Thừa Thiên - Huế bắt đầu có bước phát triển khởi sắc, đã có nhiều đề tài khoa học, đề án đã đề cập đến vấn đề này như: “Cơ sở khoa học của việc tổ chức không gian du lịch dải ven biển Thừa Thiên - Huế - Đà Nẵng – Quảng Nam” [92], “Nghiên cứu quy hoạch các tuyến điểm du lịch nông thôn Thừa Thiên - Huế” [41], “Điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Thừa Thiên - Huế đến năm 2010, định hướng đến năm 2020” [61] … Để quy hoạch, tổ chức lãnh thổ các đề tài này đều có tiến hành đánh giá tổng hợp tài nguyên du lịch, tuy nhiên chỉ dừng lại ở mức khái quát, định tính và cũng chưa tiến hành xây dựng hệ thống chỉ tiêu, tiêu chí cho điểm tài nguyên cụ thể.

Những công trình nghiên cứu địa lý ứng dụng có tiến hành đánh giá tài nguyên phục vụ du lịch như: “Đánh giá tài nguyên thiên nhiên tỉnh Thừa Thiên - Huế phục


vụ du lịch” [82]. Trong công trình này, tác giả đã sử dụng 5 tiêu chí để đánh giá các điểm tài nguyên thiên nhiên gồm: Độ hấp dẫn, thời gian hoạt động du lịch, sức chứa khách du lịch, vị trí của điểm du lịch và độ bền vững. Căn cứ vào số điểm đánh giá tổng hợp của các chỉ tiêu để kết luận khả năng khai thác của điểm tài nguyên cho việc phát triển du lịch. Kết quả này được sử dụng làm cơ sở cho việc định hướng khai thác hiệu quả theo lãnh thổ tài nguyên thiên nhiên tỉnh TTH phục vụ du lịch với 3 cụm và 12 tuyến du lịch, ngoài ra tác giả còn định hướng khai thác tài nguyên theo định hướng tổ chức không gian kinh tế - xã hội vùng.

Cũng là công trình nghiên cứu theo hướng đánh giá khả năng khai thác của các tổng thể tự nhiên cho mục đích du lịch, tác giả Nguyễn Đức Vũ (chủ trì), trong đề tài cấp nhà nước “Đánh giá tổng hợp điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên và kinh tế - xã hội phục vụ cho việc tổ chức lãnh thổ du lịch trục sông Hương theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa” [98] đã tiến hành xây dựng các chỉ tiêu và cho điểm để đánh giá khả năng khai thác của điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên, kinh tế - xã hội theo lãnh thổ. Đề tài chia ra các khu vực thuộc lưu vực sông Hương và toàn bộ lưu vực sông Hương để đánh giá khả năng khai thác của điều kiện tự nhiên và tài nguyên với 8 yếu tố: Độ hấp dẫn, thời gian hoạt động du lịch, sức chứa khách du lịch, độ bền vững của môi trường tự nhiên, cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch, giá trị của các di tích lịch sử - văn hóa, môi trường. Dựa vào kết quả đánh giá, đề tài đề xuất khai thác hợp lý và có hiệu quả tài nguyên sông Hương phục vụ tổ chức lãnh thổ du lịch.

Công trình nghiên cứu đi sâu vào việc nghiên cứu tài nguyên du lịch nhân văn phục vụ du lịch là “Đánh giá khả năng khai thác các di tích lịch sử - văn hóa tỉnh Thừa Thiên - Huế phục vụ mục đích du lịch” của tác giả Trần Văn Thắng [70]. Công trình đã sử dụng phương pháp thang điểm tổng hợp để đánh giá các di tích lịch sử - văn hóa về mặt số lượng, chất lượng theo lãnh thổ (theo đơn vị hành chính). Với việc tiến hành xác định các yếu tố chính làm căn cứ để đánh giá, các bậc, chỉ tiêu của từng bậc cùng điểm đánh giá mỗi bậc và số điểm đánh giá tổng hợp của từng khu vực, đề tài đã xác định khả năng khai thác của các huyện, thành phố ở Thừa Thiên - Huế phục vụ cho mục đích du lịch. Dựa vào kết quả đánh giá, tác giả đã định hướng tổ chức theo điểm, cụm, tuyến du lịch trên cơ sở khai thác các di tích lịch sử - văn hóa của tỉnh.


Nguyễn Lê Thu Hiền [38] với nghiên cứu “Làng nghề truyền thống phục vụ du lịch ở tỉnh Thừa Thiên Huếđã sử dụng hệ thống các tiêu chí đánh giá làng nghề gồm: Sản phẩm du lịch của làng nghề truyền thống (LNTT) phục vụ du lịch, lực lượng lao động của LNTT phục vụ du lịch, nguồn vốn và năng lực tài chính của chủ thể sản xuất kinh doanh của LNTT phục vụ du lịch, mức độ ứng dụng khoa học công nghệ vào quá trình sản xuất LNTT phục vụ du lịch và lượt khách du lịch đến LNTT phục vụ du lịch. Trên cơ sở đánh giá, tác giả rút ra những thành tựu, hạn chế và nguyên nhân của những hạn chế trong quá trình phát triển LNTT phục vụ du lịch ở TTH và đề xuất phương hướng và giải pháp nhằm phát triển các làng nghề.

Ngoài ra, nhiều hội thảo khoa học được UBND thành phố, Sở văn hóa thể thao và du lịch Thừa Thiên - Huế cùng một số ban ngành liên quan tổ chức như: “Tiềm năng và hướng phát triển du lịch Bắc Trung Bộ” [86]; “Phát triển sản phẩm du lịch các tỉnh Duyên hải miền Trung” [5]; “Nghề và làng nghề truyền thống Huế với phát triển du lịch” [95]…

Gần đây nhất, “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Thừa Thiên – Huế giai đoạn 2013-2020, định hướng đến năm 2030” [62] do Akitek Tenggara tư vấn đã nghiên cứu một cách công phu, đầy đủ và chi tiết về tình hình du lịch trên thế giới và ở Việt Nam, phân tích những yếu tố mang lại thành công cho du lịch TTH, đồng thời xây dựng các định hướng và mô hình phát triển cũng như quy hoạch hướng không gian phát triển mới và chiến lược triển khai quy hoạch.

Tóm lại, đánh giá tài nguyên du lịch nhân văn và các vấn đề liên quan đến phát triển du lịch được nhiều nhà khoa học quan tâm nghiên cứu cả về lý luận và thực tiễn trên nhiều khía cạnh khác nhau. Dưới góc độ địa lý, tính không gian lãnh thổ luôn được chú trọng. Nhiều công trình nghiên cứu địa lý ứng dụng ở phạm vi quốc gia, vùng hay địa phương dù mục đích chính là đánh giá tài nguyên hay khai thác tiềm năng lãnh thổ hay tổ chức lãnh thổ du lịch thì việc đánh giá tài nguyên đều là một bước quan trọng trong đề tài nhằm tạo cơ sở khoa học cho việc định hướng khai thác hợp lý theo lãnh thổ.

Đối với Thừa Thiên - Huế, vấn đề đánh giá tổng hợp tài nguyên du lịch nhân văn của tỉnh theo các điểm tài nguyên phục vụ phát triển du lịch chưa có công trình nào nghiên cứu một cách có hệ thống.


3. MỤC TIÊU VÀ NHIỆM VỤ NGHIÊN CỨU

3.1. Mục tiêu

Đánh giá tài nguyên du lịch nhân văn tỉnh Thừa Thiên - Huế làm cơ sở cho việc đề xuất những định hướng và giải pháp nhằm khai thác hiệu quả tài nguyên du lịch nhân văn, đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững ngành du lịch Thừa Thiên - Huế trong tương lai.

3.2. Nhiệm vụ

- Tổng quan có chọn lọc những vấn đề lý luận và thực tiễn liên quan đến TNDLNV, đánh giá TNDLNV và vận dụng vào địa bàn nghiên cứu;

- Xác định những tiêu chí và chỉ tiêu phù hợp để đánh giá tài nguyên du lịch nhân văn tỉnh Thừa Thiên - Huế;

- Phân tích đặc điểm tài nguyên du lịch nhân văn tỉnh Thừa Thiên - Huế;

- Đánh giá các điểm tài nguyên du lịch nhân văn tỉnh Thừa Thiên - Huế phục vụ phát triển du lịch;

- Phân tích thực trạng khai thác TNDLNV tỉnh Thừa Thiên - Huế;

- Đề xuất định hướng phát triển không gian theo điểm, tuyến du lịch và những giải pháp nhằm khai thác có hiệu quả tài nguyên du lịch nhân văn tỉnh TTH trong tương lai.

4. GIỚI HẠN VÀ PHẠM VI NGHIÊN CỨU

4.1. Về nội dung

- Đề tài kiểm kê, phân tích khái quát tài nguyên du lịch nhân văn tỉnh Thừa Thiên - Huế với tất cả các loại tài nguyên, gồm các di tích lịch sử - văn hóa; các lễ hội; các đối tượng gắn với dân tộc học; các làng nghề truyền thống; các đối tượng văn hóa, thể thao và hoạt động nhận thức khác.

- Đối tượng đánh giá bằng phương pháp thang điểm tổng hợp của đề tài là các điểm tài nguyên có vị trí cố định trong không gian. Trên cơ sở kết quả kiểm kê tài nguyên, nhằm làm nổi bật các giá trị văn hóa truyền thống đặc trưng gắn liền với vùng đất Thừa Thiên - Huế, đề tài lựa chọn các điểm tài nguyên đưa vào đánh giá theo thang điểm tổng hợp, bao gồm:


+ Các di tích lịch sử - văn hóa: Đề tài đánh giá tất cả di tích được xếp hạng các cấp.

+ Các làng nghề truyền thống: Đề tài đánh giá những làng nghề truyền thống có định hướng phát triển phục vụ du lịch, nằm trong Đề án “Quy hoạch phát triển nghề và làng nghề trên địa bàn tỉnh TTH đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025” và một số làng nghề truyền thống hiện đang thu hút du khách.

+ Các lễ hội, đối tượng du lịch gắn với dân tộc học, các đối tượng văn hóa, thể thao và hoạt động nhận thức khác: đề tài đưa vào đánh giá những tài nguyên có sức thu hút với khách du lịch.

- Các điểm tài nguyên du lịch nhân văn có kết quả đánh giá tổng hợp khả năng khai thác từ mức trung bình trở lên mới đưa vào xây dựng định hướng khai thác theo điểm, tuyến du lịch.

4.2. Về không gian

Đề tài phân tích khái quát tài nguyên du lịch nhân văn và đánh giá các điểm tài nguyên du lịch nhân văn phân bố trong phạm vi ranh giới tỉnh Thừa Thiên - Huế, đồng thời xây dựng định hướng khai thác TNDLNV không chỉ trong phạm vi không gian của tỉnh mà còn gắn với tài nguyên các tỉnh lân cận.

4.3. Về thời gian

Đề tài đánh giá TNDLNV tỉnh Thừa Thiên – Huế trong thời điểm hiện tại, nghiên cứu hiện trạng phát triển du lịch và khai thác TNDLNV tỉnh TTH trong giai đoạn 2000 - 2013 và đề xuất định hướng, giải pháp nhằm khai thác hiệu quả tài nguyên đến năm 2030.

5. QUAN ĐIỂM VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

5.1. Quan điểm nghiên cứu

5.1.1. Quan điểm tổng hợp

Quan điểm tổng hợp thể hiện qua sự nhìn nhận đối tượng nghiên cứu một cách đồng bộ, toàn diện, xem chúng là sự kết hợp, phối hợp có quy luật của nhiều yếu tố cấu thành. Tài nguyên du lịch nhân văn bao gồm nhiều nội dung có quan hệ mật thiết với nhau như kiến trúc, lịch sử, văn hóa, mỹ thuật,... Việc nghiên cứu TNDLNV phải được xem xét tổng hợp trên cơ sở phân tích đồng bộ và toàn diện

Xem tất cả 232 trang.

Ngày đăng: 23/04/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí