Đông - Bạch Mã), còn trên đồng bằng duyên hải độ ẩm tương đối trung bình năm của không khí chỉ đạt xấp xỉ 83 - 84%
Ngoài ra, ở Thừa Thiên - Huế có nhiều loại hiện tượng thời tiết đặc biệt như bão, áp thấp nhiệt đới, gió mùa hè Tây Nam khô nóng,.. gây ảnh hưởng lớn cho hoạt động kinh tế và đời sống.
2.1.2.3. Thủy văn
Thừa Thiên - Huế hội đủ các yếu tố thuỷ văn như hệ thống sông ngòi (sông Hương, sông Ô Lâu, sông Nông, sông Truồi...); hệ thống trằm bàu, hồ; hệ thống đầm phá (phá Tam Giang, đầm Cầu Hai...); hệ thống nước ngầm có công năng chữa bệnh (nước nóng Thanh Tân, Mỹ An). Chế độ thuỷ văn đa dạng, vì vậy, là điều kiện thuận lợi để TTH có thể phát triển nhiều loại hình du lịch như sinh thái, chữa bệnh, nghỉ dưỡng,... và kết hợp với các loại hình du lịch gắn với TNDLNV để phát triển đa dạng hóa sản phẩm.
2.1.2.4. Sinh vật
Hệ sinh thái của Thừa Thiên - Huế rất đa dạng phản ánh sự giao thoa nhiều luồng sinh vật thuộc khu hệ phương Bắc và khu hệ phương Nam Việt Nam. Bên cạnh đó, với chiều dài bờ biển trên 120km, Thừa Thiên - Huế có nguồn hải sản phong phú đảm bảo cung cấp đặc sản cho du khách và tạo điều kiện tổ chức các loại hình du lịch như câu cá, tôm, mực, lặn biển,… Sự đa dạng của hệ sinh thái Thừa Thiên - Huế tạo điều kiện thuận lợi để phát triển các loại hình du lịch gắn liền với môi trường thiên nhiên như du lịch sinh thái, du lịch giáo dục môi trường…
2.1.3. Điều kiện kinh tế - xã hội
2.1.3.1. Quy mô, cơ cấu và tốc độ tăng trưởng GDP
Trong những năm qua nền kinh tế của tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có những bước tiến nhanh, đóng góp lớn và quan trọng vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) của vùng kinh tế trọng điểm Miền Trung và cả nước.
Trong giai đoạn 2000 - 2013, tốc độ tăng trưởng GDP đạt mức cao, trung bình hơn 10%/năm, quy mô GDP tăng khoảng 3,2 lần. Giai đoạn 2000 - 2005, quy mô GDP tăng 1,6 lần (theo giá so sánh 1994) với tốc độ tăng trung bình 10%/năm. Tương tự cho giai đoạn 2005 - 2010, quy mô GDP tăng 1,8 lần và tốc độ tăng trung bình 12%/năm; giai đoạn 2010 - 2013 là 1,3 lần và 9,4% và tính cho cả giai đoạn 2005 - 2013 là 2,3 lần và 11%/năm (theo giá so sánh năm 2010).
Bảng 2.1. GDP, cơ cấu GDP phân theo ngành và tốc độ tăng trưởng GDP giai đoạn 2000 - 2013
Đơn vị tính | 2000 | 2005 | 2010 | 2013 | |
GDP, giá thực tế | Tỷ đồng | 3460,8 | 6642,8 | 19157,7 | 34937,7 |
Cơ cấu GDP | % | 100 | 100 | 100 | 100 |
Nông, lâm, thủy sản | % | 24,1 | 23,2 | 15,0 | 11,3 |
Công nghiệp, xây dựng | % | 30,9 | 28,7 | 33,7 | 32,8 |
Dịch vụ | % | 45,0 | 48,1 | 51,3 | 55,9 |
GDP, giá so sánh (2010) | Tỷ đồng | 2199,5* | 10884,2 | 19157,7 | 25081,9 |
Tốc độ tăng trung bình | % | 6,4 | 10 | 12 | 9,4 |
GDP/người | Triệu đồng, giá thực tế | 3,3 | 6,2 | 17,6 | 31,0 |
Có thể bạn quan tâm!
- Phân Cấp Chỉ Tiêu Đánh Giá Mức Độ Hấp Dẫn Của Điểm Tndlnv
- Trọng Số, Độ Lệch Chuẩn Và Độ Biến Thiên Các Tiêu Chí
- Một Số Vấn Đề Đặt Ra Trong Đánh Giá Tài Nguyên Du Lịch Nhân Văn
- Số Lượng Di Tích Kiến Trúc Nghệ Thuật Đã Được Xếp Hạng Phân Theo Đvhc
- Các Làng Nghề Trên Địa Bàn Tỉnh Phân Theo Nhóm Ngành Nghề Sản Xuất
- Kết Quả Đánh Giá Khả Năng Khai Thác Tndlnv Tỉnh Tth (Có Trọng Số)
Xem toàn bộ 232 trang tài liệu này.
(*): Giá so sánh (1994) - GDP 2005 (giá so sánh 1994): 3474 tỷ đồng Nguồn: [26]
Đồng thời với quá trình tăng trưởng, nền kinh tế TTH giai đoạn 2000 - 2013 có sự chuyển dịch quan trọng theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa và đô thị hóa.
Khu vực I (nông, lâm, thủy sản) vẫn còn giữ vai trò quan trọng đối với nền kinh tế và người dân. Giai đoạn 2000 – 2013, quy mô GDP khu vực I tăng khá nhanh nhưng chỉ bằng 2/3 tốc độ tăng của khu vực II và III. Vì vậy, tỷ trọng của khu vực I trong cơ cấu kinh tế TTH giảm 12,8% (từ 24,1% năm 2000 giảm còn 11,3% năm 2013).
Khu vực II (công nghiệp, xây dựng) giữ vị trí khiêm tốn trong nền kinh tế, tập trung vào những hoạt động khai thác tài nguyên (như vật liệu xây dựng) và thâm dụng lao động (như dệt may) và các nghề thủ công truyền thống. Giai đoạn 2000 - 2013, khu vực II tăng trưởng chậm, tỷ trọng của khu vực II trong cơ cấu kinh tế có xu hướng tăng nhẹ, từ 30,9% năm 2000 lên 32,8% năm 2013.
Nền kinh tế TTH mang tính dịch vụ rõ nét. Các hoạt động kinh tế thuộc khu vực III (dịch vụ) luôn chiếm vị trí quan trọng hàng đầu. Trong giai đoạn 2000 - 2013, quy mô GDP khu vực III tăng nhanh nhất, nâng tỷ trọng khu vực III trong nền kinh tế TTH từ 45% năm 2000 lên 55,9% năm 2013.
Nhờ sự tăng trưởng của nền kinh tế, GDP bình quân đầu người tăng nhanh qua các năm, từ 3,3 triệu/người năm 2000 lên 31,0 triệu/người năm 2013. Thu nhập của người dân tăng hơn 9 lần với tốc độ tăng trung bình trong giai đoạn 2000 - 2013 là 19%/năm. Đời sống nhân dân được cải thiện, nhu cầu nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng cao, dẫn đến nhu cầu du lịch tăng nhanh, thúc đẩy du lịch của tỉnh phát triển.
Như vậy, quá trình tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở TTH đã đạt được nhiều thành tựu trong giai đoạn 2000 - 2013, góp phần quan trọng thúc đẩy ngành du lịch ngày càng phát triển, hoạt động khai thác TNDLNV cũng vì vậy ngày càng được tập trung đầu tư. Tuy nhiên, quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa vẫn còn chậm, chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh.
2.1.2.2. Cơ sở hạ tầng
- Mạng lưới và phương tiện giao thông ở TTH không ngừng được hoàn thiện. Hệ thống giao thông được phát triển với các dự án quốc gia như hầm đèo Hải Vân, đường Hồ Chí Minh, sân bay quốc tế Phú Bài, cảng nước sâu Chân Mây,… các dự án quan trọng của tỉnh như tuyến vành đai Thành phố Huế, các tuyến giao thông nội thị, nhựa hoá đường tỉnh lộ, bê tông hoá đường giao thông nông thôn,… Đến nay toàn tỉnh đã nhựa hóa được 80% đường tỉnh, bê tông hóa 70% đường giao thông nông thôn (đường huyện, đường xã), 100% xã có đường ô tô đến trung tâm [26]. Việc đầu tư phát triển hệ thống giao thông đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển du khách, kết nối tuyến du lịch và thu hút đầu tư phát triển du lịch.
- Thông tin liên lạc: Mạng lưới viễn thông đã được hoàn toàn số hoá, mạng truyền dẫn từ Huế đi các huyện đã được quang hoá 100%; có kèm viba số hỗ trợ, 100 xã có điện thoại và được kết nối Internet. Điều này tạo điều kiện truyền nhận thông tin một cách nhanh chóng, tiện lợi, đáp ứng nhu cầu tra cứu thông tin du lịch và giao lưu trong nước và quốc tế.
- Hệ thống phân phối điện, nước: Với việc đầu tư mới các đường dây tải điện, các trạm biến áp, đầu tư xây dựng nhà máy thủy điện Bình Điền, Hương Điền, A Lưới,… năng lực cấp điện được nâng cao. 100% số xã có điện lưới quốc gia với 95% số hộ sử dụng điện, các khu điểm du lịch trên địa bàn tỉnh đã được cấp điện bước đầu đảm bảo nhu cầu phục vụ khách du lịch và phát triển kinh tế xã hội. Hệ thống cấp nước được đầu tư nâng cấp, mở rộng, chất lượng nước được nâng cao, cơ bản đảm bảo phục vụ sản xuất, sinh hoạt và hoạt động du lịch.
- Các CSHT khác như vệ sinh môi trường, y tế giáo dục, đào tạo, khoa học công nghệ… trong thời gian qua đã được quan tâm đầu tư góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân và tạo ra những điều kiện thuận lợi cho du lịch phát triển.
2.1.3.3. Dân cư và nguồn lao động
Con người Thừa Thiên - Huế cần mẫn, mến khách, ham học hỏi. Nguồn lao động dồi dào và khá trẻ, có khả năng tiếp cận với công nghệ mới. Tính đến năm 2013, dân số của tỉnh là 1.127.905 người (với 557.026 nam, 570.879 nữ), mật độ dân số trung bình 222 người/km2. Tổng lao động từ 15 tuổi trở lên hoạt động trong các ngành kinh tế là 607.023 người, trong đó lao động nữ 296.158 người. Nguồn lao động dồi dào tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch. Tuy nhiên, cần nâng cao đội ngũ lao động lành nghề, có trình độ chuyên môn kỹ thuật để đáp ứng nhu cầu
ngày càng cao của thị trường, đặc biệt với yêu cầu cao của ngành du lịch.
TTH có 6 dân tộc chính, ngoài dân tộc Kinh, dân tộc Cơ Tu và Tà Ôi chiếm tỷ trọng lớn, sau đó đến Pa Hy, Pa Cô và Vân Kiều. Trong các dân tộc thiểu số ở TTH thì dân tộc Cơ Tu, Tà Ôi được xem là người bản địa sinh sống ở phía Tây của tỉnh, chủ yếu ở hai huyện Nam Đông và A Lưới. Các dân tộc này với phong tục, lối sống, sinh hoạt văn hoá truyền thống như trang phục, âm nhạc, ẩm thực,… đặc thù, độc đáo tạo nên nét hấp dẫn có thể khai thác phục vụ mục đích du lịch.
2.1.3.4. Mạng lưới đô thị
Hệ thống đô thị của Thừa Thiên Huế gồm thành phố Huế (đô thị loại I trực thuộc tỉnh), 2 thị xã Hương Thủy, Hương Trà và 8 thị trấn được phân bố khá hợp lý và có bước phát triển nhanh. Hầu hết các đô thị đều được phân bố theo các trục Quốc lộ, trong đó 6/10 đô thị phân bố dọc quốc lộ 1A. Đây là điều kiện rất thuận lợi cho việc kết nối giao thông giữa các đô thị, dễ dàng tiếp cận đến các điểm tài nguyên phân bố khắp địa bàn của tỉnh và liên kết thành tuyến du lịch.
Trong các đô thị, với việc nâng cấp và hoàn thiện các công trình kết cấu hạ tầng, chỉnh trang phố xá, hình thành các khu trung tâm trao đổi giao lưu hàng hoá, phát triển các loại hình dịch vụ kỹ thuật, tài chính, ngân hàng, thông tin liên lạc, các dịch vụ khách sạn, nhà hàng không chỉ đáp ứng tốt nhu cầu của dân cư nội vùng, mà còn phục vụ cho nhu cầu tham quan, ăn uống, lưu trú và mua sắm của khách du lịch. Hệ thống đô thị đã có vai trò quan trọng thúc đẩy ngành du lịch của tỉnh phát triển.
2.1.3.5. Chính sách, thể chế và vốn đầu tư
Chính sách và thể chế phù hợp, thông thoáng tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy hoạt động du lịch phát triển. Trong những năm qua, nhiều chính sách về thuế, vốn, đất đai,… nhằm kêu gọi đầu tư; các văn bản pháp quy; các thủ tục hành chính ngày
càng được kiện toàn, tạo điều kiện cho hoạt động đầu tư và kinh doanh ở TTH. Chính sách đổi mới, mở cửa và hội nhập đã tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế đối ngoại trong đó có du lịch của tỉnh TTH phát triển. Nhiều dự án đầu tư ở khu vực Cảnh Dương - Bạch Mã - Lăng Cô, mở rộng và nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật ở TP Huế, hình thành các điểm, khu du lịch trọng điểm của huyện A Lưới, Phú Lộc,.. được thực hiện, góp phần hoàn thành các quy hoạch tổng thể phát triển du lịch của các địa phương trong tỉnh.
Tuy nhiên, cải cách thủ tục hành chính chưa đồng bộ, việc huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển các ngành kinh tế còn khó khăn, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư chưa cao. Trong lĩnh vực du lịch, thiếu cơ chế chính sách ưu tiên đầu tư phù hợp, tình hình triển khai các dự án đầu tư còn chậm do phân cấp đầu tư phát triển du lịch giữa các ngành còn chồng chéo, nguồn vốn hạn hẹp,...
2.1.3.6. Lịch sử phát triển và khai thác lãnh thổ.
Thừa Thiên - Huế ngày nay là một phần lãnh thổ của Vương quốc Chămpa trong khoảng thời gian từ thế kỷ thứ II đến đầu thế kỷ XIV. Trong quá trình tồn tại, vương quốc Chămpa đã tạo ra nhiều thành tựu trên nhiều góc độ, sản sinh ra một di sản văn hóa đồ sộ và tinh tế. Ngày nay, những di vật, di chỉ ghi dấu ấn của nền văn hóa Chămpa như các đền tháp, thành lũy, các tác phẩm điêu khắc,… vẫn còn lưu giữ trên đất Huế.
Từ thế kỷ XIV, lịch sử Thừa Thiên - Huế gắn liền với sự mở mang bờ cõi đất nước về phía Nam, sau khi có hôn lễ giữa vua Chế Mân và công chúa Huyền Trân năm 1306 và sự trấn thủ của chúa Nguyễn Hoàng đối với vùng đất này năm 1558. Trong gần 400 năm sau đó (1558-1945), Huế từng là thủ phủ của các chúa Nguyễn ở xứ Đàng Trong, là kinh đô của triều đại Tây Sơn (1788-1801) và là kinh đô của nước Việt Nam gần 1,5 thế kỷ dưới triều đại phong kiến nhà Nguyễn (1802-1945).
Qua hàng thế kỷ, lịch sử đã để lại cho Thừa Thiên - Huế nhiều giá trị văn hóa cả về vật chất và tinh thần đặc sắc, biểu trưng cho trí tuệ và tâm hồn của dân tộc, có ý nghĩa quan trọng đối với hoạt động du lịch. Huế được công nhận là Di sản Văn hóa thế giới với cụm di tích kinh thành và Nhã nhạc cung đình. Tuy nhiên, ngoài giá trị nổi bật của hai di sản trên, cùng với các DTLSVH khác, tài nguyên du lịch nhân văn của TTH có sức thu hút vượt xa hơn thế. Đó là những giá trị văn hóa tồn
tại ngay trong đời sống của người dân địa phương như lễ hội, làng nghề truyền thống, văn hóa biểu hiện sinh động trong phong cách, lối sống, ẩm thực, âm nhạc,... Từ lâu, Huế không chỉ là một địa danh mà còn là một tính ngữ bao hàm những giá trị khác biệt, riêng có và đặc sắc trong văn hóa Việt, tạo thành điểm thu hút, hấp dẫn du khách tham quan và trải nghiệm.
2.2. Tài nguyên du lịch nhân văn ở tỉnh Thừa Thiên - Huế
Với những giá trị văn hóa, lịch sử để lại, TTH là một trong số ít địa phương có nguồn TNDLNV rất phong phú và đa dạng. Mật độ trung bình điểm TNDLNV toàn tỉnh là 6 tài nguyên/100km2 và có sự phân hóa rất rõ nét giữa TP Huế và các địa bàn còn lại. Xét về số lượng điểm TNDLNV thì TP Huế không quá vượt trội nhưng do diện tích nhỏ hơn nhiều các thị xã và huyện còn lại nên mật độ điểm tài nguyên ở Huế rất dày, với 134 điểm tài nguyên/100km2, trong khi hai huyện có mật độ tài nguyên rất thưa là A Lưới với 2 điểm tài nguyên/100km2 và Nam Đông với 1 điểm tài nguyên/100km2. Hai huyện có mật độ tài nguyên khá dày, chênh lệch rõ so với các địa bàn còn lại là Quảng Điền (18 điểm tài nguyên/100km2) và Phú Vang (14 điểm tài nguyên/100km2) (phụ lục 3b và hình 2.2).
Với sự tập trung mật độ tài nguyên dày đặc ở TP Huế, cùng với tài nguyên của hai thị xã tiếp giáp, là lợi thế rất lớn cho TP Huế phát triển thành một đô thị du lịch quốc gia. Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra yêu cầu khai thác tài nguyên hợp lý, tránh tình trạng khai thác quá mức tài nguyên ở TP Huế, gây lãng phí tài nguyên ở các địa bàn còn lại, nhằm đảm bảo yêu cầu cho sự phát triển lâu dài ngành du lịch của tỉnh. Tài nguyên du lịch nhân văn tỉnh TTH bao gồm các loại sau:
2.2.1. Các di tích lịch sử - văn hóa
Hệ thống di tích lịch sử - văn hóa TTH là những giá trị văn hóa đặc sắc, nổi bật, với Quần thể di tích Cố đô Huế được công nhận là DSVH thế giới, tạo sức hấp dẫn cao, có giá trị lớn cho hoạt động du lịch. Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) TTH, tính đến năm 2013 tỉnh có 140 DTLSVH được xếp hạng các cấp, gồm cấp thế giới, cấp QG đặc biệt, cấp QG và cấp tỉnh. Sự phân bố các DTLSVH rất không đều. Theo công thức tính khoảng cách trung bình giữa các di tích (phụ lục 3a), trên phạm vi toàn tỉnh, khoảng cách này là 6,0 km, trong khi ở TP Huế chỉ 1,2 km, nhưng Nam Đông là 18 km và A Lưới là 11,1 km; các địa bàn còn lại dao động từ 3,9 km (Phú Vang) đến 8,5 km (Phú Lộc) (phụ lục 3b). Như
vậy, mức độ tập trung các di tích ở TP Huế rất dày, chênh lệch lớn với các huyện, thị khác trong tỉnh; nhất là với A Lưới và Nam Đông.
Các di tích lịch sử - văn hóa TTH rất phong phú và đa dạng, bao gồm: di tích khảo cổ, di tích kiến trúc nghệ thuật, di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh.
2.2.1.1. Di tích khảo cổ
Qua những biến động thăng trầm trong lịch sử, nhiều di tích khảo cổ có giá trị khoa học thuộc nền văn hóa Chămpa và Quần thể di tích Cố đô Huế vẫn còn tồn tại ở TTH dưới nhiều hình thức và nhiều nơi khác nhau.
Ngoài những công trình kiến trúc, những lăng tẩm đang hiện hữu, Cố đô Huế còn có những di tích nằm dưới những lớp đất. Trong những năm qua, quá trình khai quật khảo cổ tại một số di tích tiêu biểu thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế đã cung cấp những chứng cứ khoa học cho phép tìm hiểu về lịch sử, văn hóa và đời sống thường nhật của các triều vua Nguyễn. Trong số các di tích khảo cổ thuộc di tích Cố đô Huế phải kể đến Đàn Xã Tắc, một trong 3 Đàn Xã Tắc nổi tiếng của Việt Nam, được công nhận là di tích cấp QG đặc biệt năm 2009. [19]
Hiện tại ở TTH còn có khá nhiều dấu tích và di vật Chămpa. Con số di tích khảo cổ Bảo tàng Lịch sử và Cách mạng TTH kiểm kê phổ thông để đề nghị bảo vệ là 44 di tích, khá đa dạng về loại hình như: nền móng của các công trình kiến trúc (tháp, đền, thành...) bia đá và trụ đá có chữ, những tác phẩm điêu khắc bằng đá (tượng, phù điêu, trang trí cột kiến trúc, đài thờ, linga, yoni)... [8]
2.2.1.2. Di tích lịch sử
Thừa Thiên - Huế là vùng đất có bề dày lịch sử, văn hóa lâu đời và truyền thống yêu nước đấu tranh cách mạng vẻ vang. Nhiều sự kiện, địa danh, con người với những chiến thắng vĩ đại và hào hùng trong lịch sử dân tộc đã diễn ra nơi đây.
Hiện nay, trên địa bàn TTH còn lưu giữ nhiều DTLS cách mạng, đặc biệt quý hiếm là nhóm di tích tưởng niệm gắn liền với thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh và những nhà cách mạng kiệt xuất như Tôn Thất Thuyết, Phan Bội Châu,... Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, những địa danh: Dương Hòa, Hòa Mỹ, Hói Mít, Thanh Hương,... đã ghi dấu những chiến công oanh liệt; nhiều di tích như nhà ở, đình, đền,... đã trở thành các trụ sở liên lạc, hội họp. Những địa danh nổi tiếng trong thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ biểu thị ý chí quật
cường của người dân xứ Huế và tội ác của đế quốc như Khe Tre, A Sầu, A Lưới (đường mòn Hồ Chí Minh), khu Chín Hầm,...
Theo thống kê, ở TTH tính đến năm 2013 có 89 di tích lịch sử được xếp hạng, trong đó có 42 di tích xếp hạng cấp quốc gia và 47 di tích xếp hạng cấp tỉnh.
STT | Đơn vị hành chính | Số DTLS đã được xếp hạng | Diện tích (km2) | Khoảng cách trung bình(*) (km) | ||
Cấp QG | Cấp tỉnh | Tổng | ||||
1 | Thành phố Huế | 14 | 14 | 28 | 71,7 | 1,6 |
2 | TX. Hương Thủy | 3 | 4 | 7 | 456,0 | 8,1 |
3 | TX. Hương Trà | 2 | 2 | 4 | 518,5 | 11,4 |
4 | H. Phong Điền | 5 | 7 | 12 | 950,8 | 8,9 |
5 | H. Quảng Điền | 2 | 5 | 7 | 163,0 | 4,8 |
6 | H. Phú Vang | 4 | 7 | 11 | 279,9 | 5,0 |
7 | H. Phú Lộc | 4 | 4 | 8 | 720,9 | 9,5 |
8 | H. Nam Đông | 0 | 2 | 2 | 647,8 | 18,0 |
9 | H. A Lưới | 8 | 2 | 10 | 1224,6 | 11,1 |
Tổng | 42 | 47 | 89 | 5033,2 | 7,5 |
Bảng 2.2. Số lượng di tích lịch sử đã được xếp hạng phân theo đơn vị hành chính
(*): Phụ lục 3a - Tính cho tổng DTLS Nguồn: xử lý từ [64]
Bảng 2.2 cho thấy sự phân bố các DTLS rất không đều theo không gian. TP Huế có mật độ DT rất dày, khoảng cách trung bình giữa các DT là 1,6 km. Ngược lại, huyện Nam Đông có mật độ rất thưa, khoảng cách giữa các DT rất lớn (18 km). TX Hương Trà và A lưới có mật độ DT thưa với khoảng cách trung bình là 11,1 km và 11,4 km dù A Lưới có số lượng DT nhiều nhưng do diện tích lớn nên khoảng cách giữa các DT lớn. TX Hương Thủy, huyện Phong Điền và Phú Lộc có mật độ trung bình, khoảng cách giữa các DT là 8,9 km và 9,5 km. Huyện Phú Vang có nhiều DT, diện tích lãnh thổ không lớn, trong khi huyện Quảng Điền có ít DTLS nhưng diện tích lãnh thổ nhỏ nên đều có mật độ DT dày, khoảng cách trung bình giữa các DT lần lượt là 4,8 km và 5 km.
Như vậy, với số lượng lớn các DTLS được xếp hạng, đáng chú ý là các DT xếp hạng cấp quốc gia, cộng với mật độ tập trung cao ở TP Huế là điều kiện thuận lợi cho việc khai thác phục vụ du lịch.
Ngoài ra, TTH còn là một trong 11 tỉnh, thành trong cả nước có đường Hồ Chí Minh - Di tích cấp QG đặc biệt (2013) [24] ngang qua ở địa phận huyện A Lưới. Đây là lợi thế của A Lưới nói riêng và tỉnh TTH nói chung để khai thác DTLS theo tuyến đường này.