sông Hồng (1945 -1955)” ( Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001) của Hội đồng chỉ đạo biên soạn công trình lịch sử kháng chiến chống Pháp khu Tả Ngạn sông Hồng; “Đảng lãnh đạo xây dựng căn cứ du kích ở đồng bằng Bắc Bộ (1946-1954)” (Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001) của Vũ Quang Hiển; v.v
2.2 Nhóm công trình do địa phương biên soạn :
Công trình Sơ thảo “Tổng kết lịch sử du kích chiến tranh Thái Bình” (Tỉnh đội Thái Bình xuất bản, 1961). Cuốn sách không chỉ đưa ra những điểm tương đồng và khác biệt về chiến tranh du kích của tỉnh Thái Bình với tỉnh khác mà còn đưa ra những nhận định đánh giá về những ưu điểm và hạn chế và rút ra những bài học kinh nghiệm quý báu để quân và dân Thái Bình tiếp tục góp sức mình vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc.
Công trình “ Những sự kiện lịch sử Đảng tỉnh Thái Bình 1945-1954” do Ban tuyên giáo tỉnh ủy Thái Bình xuất bản năm 1989. Cuốn sách đã trình bày khá đầy đủ những sự kiện lịch sử quan trọng của tỉnh trong thời kỳ này. Đặc biệt là những sự kiện về chiến tranh du kích, các đại hội Đảng bộ tỉnh, giúp cho người đọc dễ dàng nắm được các mốc thời gian diễn ra các sự kiện của Đảng bộ trong giai đoạn 1930 – 1945.
Cuốn sách “Nhân dân Tán Thuật đánh giặc giữ làng” của Kịch Lịch (Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1963) đã phần nào dựng lại quá khứ hào hùng của quân và dân Tán Thuật. Với lối đánh du kích sáng tạo, linh hoạt, quân và dân Tán Thuật đã lập lên nhiều chiến công góp phần vào thắng lợi chung của chiến tranh du kích ở Thái Bình.
Công trình “Thái Bình đánh giặc” (Ban nghiên cứu Lịch sử Đảng Thái Bình, 1975). Từ nguồn tư liệu của các nhân chứng lịch sử, tác phẩm đã giúp cho người đọc phần nào có thể hình dung về một thời chiến đấu đầy khó khăn, gian khổ, hy sinh nhưng cũng rất anh dũng của quân và dân Thái Bình.
Sau khi đất nước thống nhất, chủ đề chiến tranh du kích ở tỉnh Thái Bình (1950 - 1954) vẫn được nhiều cá nhân và tập thể tiếp tục đề cập
Năm 1999, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Thái Bình biên soạn và xuất bản công trình “Thái Bình kháng chiến chống Pháp xâm lược 1945 -1954”, cuốn sách đã tái hiện lại bức tranh toàn cảnh tỉnh Thái Bình từ sau Cách mạng tháng Tám cho đến ngày Thái Bình được giải phóng, trong đó giành khá nhiều trang viết về cuộc chiến tranh du kích của quân và dân Thái Bình.
Cũng trong năm 1999, Tỉnh ủy Thái Bình biên soạn, xuất bản cuốn “Lịch sử Đảng bộ tỉnh Thái Bình (1927 – 1954)”. Tác phẩm đã làm nổi bật vai trò lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Thái Bình từ khi ra đời cho đến 1954. Với đường lối chỉ đạo đúng đắn, sáng tạo, linh hoạt, Đảng bộ đã lãnh đạo quân và dân trong tỉnh giành được nhiều thắng lợi to lớn trên mọi lĩnh vực, trong cuộc chiến chống thực dân Pháp.
Gần đây nhất là công trình “ Lịch sử quân sự tỉnh Thái Bình 1947- 2007” do Đảng bộ quân sự tỉnh Thái Bình tổ chức biên soạn và xuất bản năm 2010. Cuốn sách phản ánh quá trình hình thành và phát triển của Đảng bộ quân sự và lực lượng vũ trang tỉnh, từ khi thành lập Tỉnh đội ( 1947) đến 2007.
Có thể bạn quan tâm!
- Đảng bộ tỉnh Thái Bình lãnh đạo chiến tranh du kích trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp 1946 - 1954 - 1
- Truyền Thống Yêu Nước Cách Mạng Của Nhân Dân Thái Bình
- Đảng Bộ Thái Bình Lãnh Đạo Tổ Chức Xây Dựng Phong Trào Chiến Tranh Du Kích, Góp Phần Cùng Quân Dân Liên Khu Ngăn Chặn Âm Mưu Mở Rộng Phạm Vi Chiếm
- Đảng Bộ Lãnh Đạo Quân Dân Địa Phương Xây Dựng, Bảo Vệ Vùng Tự Do, Cùng Quân Dân Liên Khu Chiến Đấu Ngăn Chặn Âm Mưu Mở Rộng Phạm Vi Chiếm Đóng
Xem toàn bộ 129 trang tài liệu này.
Các công trình nghiên cứu trên đã khai thác được nguồn tư liệu rất phong phú và sinh động. Nhưng các công trình do trung ương biên soạn chủ yếu nghiên cứu về cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trên địa bàn Liên khu 3 mà không thể nghiên cứu sâu về chiến tranh du kích ở Liên khu 3 nói chung, tỉnh Thái Bình nói riêng.
Các công trình do địa phương biên soạn chủ yếu trình bày các hoạt động tác chiến, việc đề cập đến vai trò lãnh đạo, chỉ đạo chiến tranh du kích của Đảng bộ còn chưa đầy đủ.
Tuy nhiên, tất cả các công trình kể trên đều rất bổ ích, không chỉ cung cấp tư liệu mà còn giúp định hướng, gợi mở cho học viên nhiều vấn đề trong quá trình thực hiện luận văn.
3. Mục đích, nhiệm vụ nghiên cứu
3.1. Mục đích
- Làm sáng tỏ sự lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo của Đảng bộ Thái Bình trong việc phát động, tổ chức lãnh đạo phong trào chiến tranh du kích ở địa phương và những đóng góp xứng đáng của Đảng bộ, quân dân Thái Bình trong kháng chiến chống thực dân Pháp.
- Góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ; rút ra một số bài học kinh nghiệm cần vận dụng trong quá trình xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân, quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, xây dựng Thái Bình thành khu vực phòng thủ vững chắc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước hiện nay.
3.2. Nhiệm vụ
- Tập hợp, hệ thống những nghị quyết, chỉ thị, văn kiện phản ánh các chủ trương của Trung ương Đảng, Liên khu ủy III và đảng bộ tỉnh Thái Bình trong trong quá trình lãnh đạo phong trào chiến tranh du kích thời kỳ 1945-1954.
- Góp phần khẳng định vị trí chiến lược quan trọng của tỉnh Thái Bình và những đóng góp to lớn, xứng đáng của chiến tranh du kích tỉnh Thái Bình trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.
- Cố gắng phản ánh những sáng tạo của Đảng bộ Thái Bình trong quá trình tổ chức, chỉ đạo,lãnh đạo phong trào chiến tranh du kích, từ đó rút ra một số kinh nghiệm lãnh đạo, chỉ đạo chiến tranh du kích trên địa bàn.
4. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu
4.1. Đối tượng nghiên cứu
- Quá trình lãnh đạo chỉ đạo của Đảng bộ trong tổ chức lãnh đạo các hoạt động chiến tranh du kích tại địa phương trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1946-1954).
- Những thành tích tiêu biểu của phong trào chiến tranh du kích tỉnh Thái Bình trong kháng chiến chống thực dân Pháp.
4.2. Phạm vi nghiên cứu
- Về nội dung: trình bày phong trào chiến tranh du kích tỉnh Thái Bình dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ trong kháng chiến chống thực dân Pháp.
- Về thời gian: từ sau cách mạng tháng Tám, chủ yếu từ tháng 12/1946 đến tháng 7/1954.
5. Cơ sở lý luận, phương pháp nghiên cứu và nguồn tư liệu.
5.1 Cơ sở lý luận
Luận văn được thực hiện trên cơ sở lý luận của chủ nghĩa Mác-Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối quân sự của Đảng và những chủ trương lãnh đạo, chỉ đạo phong trào chiến tranh du kích của Đảng bộ tỉnh Thái Bình trong kháng chiến chống Pháp.
5.2. Phương pháp nghiên cứu
Trên cơ sở phương pháp luận chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng về chiến tranh, luận văn chủ yếu sử dụng phương pháp lịch sử kết hợp với phương pháp logic, ngoài ra còn sử dụng các phương pháp phân tích, tổng hợp, so sánh...
5.3. Nguồn tư liệu
Các văn kiện của Trung ương Đảng, Liên khu ủy III, các chỉ thị, nghị quyết, báo cáo của Tỉnh ủy và của các huyện ủy thuộc tỉnh ủy Thái Bình trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp; Các công trình lịch sử, tổng kết của trung ương và địa phương đã xuất bản. Các báo cáo của các cơ quan quân sự tỉnh Thái Bình thời kỳ kháng chiến chống Pháp; Hồi ký của các lão thành cách mạng…
6. Đóng góp của Luận văn
- Thông qua việc trình bày các chủ trương, giải pháp của Đảng bộ tỉnh Thái Bình, luận văn làm rõ vai trò lãnh đạo của Đảng bộ trong tổ chức, chỉ đạo phong trào chiến tranh du kích trên địa bàn từ 1946 đến 1954.
- Góp phần phản ánh rõ hơn, toàn diện hơn cuộc kháng chiến của Đảng bộ quân dân Thái Bình, làm nổi bật vị trí đặc biệt quan trọng của phong trào chiến tranh du kích trên địa bàn.
- Góp thêm nguồn sử liệu phục vụ công tác nghiên cứu về lịch sử cuộc kháng chiến chống Pháp tỉnh Thái Bình.
7. Bố cục của luận văn
Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục tài liệu tham khảo và phụ lục, luận văn gồm 3 chương
Chương 1: Đảng bộ tỉnh Thái Bình lãnh đạo xây dựng phong trào chiến tranh du kích thời kỳ đầu kháng chiến chống thực dân Pháp (1946-1950).
Chương 2: Đảng bộ lãnh đạo đẩy mạnh chiến tranh du kích từng bước đánh bại mọi âm mưu thủ đoạn càn quét, khủng bố, bình định của địch, giải phóng quê hương (2/1950 –7/1954)
Chương 3. Một số nhận xét và bài học kinh nghiệm.
CHƯƠNG 1
ĐẢNG BỘ TỈNH THÁI BÌNH LÃNH ĐẠO XÂY DỰNG PHONG TRÀO CHIẾN TRANH DU KÍCH THỜI KỲ ĐẤU KHÁNG CHIẾN CHỐNG THỰC DÂN PHÁP (1946-1950)
1.1. Đôi nét về địa lý tự nhiên, kinh tế, văn hóa xã hội và truyền thống yêu nước cách mạng của nhân dân Thái Bình
1.1.1 Đôi nét về địa lý tự nhiên, kinh tế, văn hóa xã hội
Tỉnh Thái Bình nằm ở phía đông nam đồng bằng châu thổ sông Hồng, có diện tích tự nhiên 1546 km2 (số liệu 2003) được bao bọc bởi 3 dòng sông lớn. Phía Tây và Tây Nam là sông Hồng, giáp hai tỉnh Hà Nam và Nam Định. Phía Bắc là sông Luộc giáp hai tỉnh Hưng Yên và Hải Dương. Phía Đông Bắc là sông Hóa giáp với thành phố Hải Phòng. Phía Đông là biển cả mênh mông với trên 54km bờ biển trong Vịnh Bắc Bộ. Cùng với 3 dòng sông lớn bao quanh, trên địa bàn còn có 70 dòng sông lớn nhỏ.
Thời nước Văn Lang của các vua Hùng, tỉnh Thái Bình ngày nay thuộc bộ Lục Hải. Thời Bắc thuộc thuộc huyện Chu Diên, quận Giao Chỉ. Sau khi Ngô Quyền đánh bại quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng ( năm 938) chấm dứt hơn 1000 năm Bắc thuộc, vùng đất Thái Bình hiện nay thuộc Châu Đông. Năm 1005, thời Tiền Lê, Châu Đông được đổi thành phủ Thái Bình. Tên Thái Bình có từ đây. Đến thời Lý, Trần vùng đất Thái Bình hiện nay thuộc các lộ Kiến Xương, Long Hưng, Tiên Hưng. Phủ Long Hưng có các huyện Ngự Thiên, Duyên Hà, Cổ Lan, Thần Khê. Phủ Kiến Xương có các huyện Bí, Bồng Điền, Kiến Xương, Chân Lợi. Phủ Tiên Hưng có các huyện Thái Bình, A Côi, Đa Dực, Tây Quan. Thời Hậu Lê, theo Dư địa chí của Nguyễn Trãi, Thái Bình có 3 phủ, 11 huyện, 525 châu, xã, thôn, trang… Thời Nguyễn vùng đất Thái Bình hiện nay thuộc trấn Sơn Nam Hạ chia làm 3 phủ gồm 11 huyện, 82 tổng, 602 xã, thôn, trang, phường. Ngày 21.3.1890, toàn quyền Đông Dương ra nghị định thành lập tỉnh Thái Bình. Tính đến ngày 1.1.1893
tỉnh Thái Bình có 2 phủ gồm 10 huyện, 79 tổng, 548 xã. Đến năm 1926 Thái bình có 12 phủ huyện gồm 95 tổng, 814 xã và 1 thị xã. Từ sau cách mạng tháng Tám năm 1945, chính quyền cách mạng tổ chức lại cấp xã. Xã mới thường gồm một số xã cũ (hoặc một số làng) hoặc là một tổng cũ. Trong kháng chiến chống Pháp, Thái Bình có 1 thị xã và 12 huyện ( Vũ Tiên, Thư Trì, Kiến Xương, Tiền Hải, Thái Ninh, Thụy Anh, Đông Quan, Quỳnh Côi, Phụ Dực, Duyên Hà, Hưng Nhân, Tiên Hưng) và 162 xã. [77. Tr.145-156].
Hiện nay, Thái Bình có 1 thành phố và 7 huyện ( Vũ Thư, Kiến Xương, Tiền Hải, Đông Hưng, Quỳnh Phụ, Hưng Hà, Thái Thụy) với 7 thị trấn và 286 xã, phường. So với các tỉnh đồng bằng Tả Ngạn sông Hồng, Thái Bình có diện tích tự nhiên tương đối rộng. Sông Hồng đoạn chảy qua Thái Bình dài 80km qua các huyện Hưng Nhân, Thư Trì , Vũ Tiên, Kiến Xương, Tiền Hải rồi đổ ra biển theo cửa Ba Lạt chỗ rộng nhất lên tới 1000m, có nhiều đoạn quanh co gấp khúc bên lở bên bồi, sâu từ 15 đến 30m.. Trong kháng chiến, sông Hồng là tuyến giao thông đường thủy chiến lược đối với việc vận chuyển lương thực, quân số, vũ khí của địch từ ngoài biển vào Nam Định, Hà Nội và các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ. Phía Tây Bắc là sông Luộc (phân lưu của sông Hồng) bắt nguồn từ Hà Xá (Hưng Nhân) chảy qua huyện Hưng Nhân, Quỳnh Côi, Phụ Dực, Vĩnh Bảo (Hải Phòng) dài 40km, chỗ rộng nhất 150m, hẹp nhất 70m. Sông Luộc cũng là con đường thủy vô cùng quan trọng. Phía Đông Bắc là sông Hóa dài 60km, bắt nguồn từ Lộng Khê ( Phụ Dực) chạy theo ven huyện Thụy Anh, Phụ Dực ra biển, quãng rộng nhất là 150m, hẹp nhất 70m. Cả ba con sông này địch đều thiết lập một hệ thống đồn bốt để bảo vệ, gây cho ta nhiều trong bảo quản giao thông liên lạc và tác chiến. Bờ biển Thái Bình dài 54km, có các cửa sông lớn như: cửa Ba Lạt, cửa sông Trà Lý, cửa sông Thái Bình và cửa Lân.[76,tr.8]
Ngoài ba con sông lớn bao quanh, nội đia Thái Bình còn có 4 con sông tương đối lớn khác là: Trà Lý, Diêm Hộ, Kiến Giang, Sa Lung. Thái Bình là
tỉnh duy nhất của miền Bắc không có núi rừng, đất đai màu mỡ, phì nhiêu, nông nghiệp và ngư nghiệp khá phát triển, là 1 trong những vựa lúa lớn của đồng bằng sông Hồng. Do điều kiện tự nhiên là vùng đất được phù sa bồi đắp, bằng phẳng, các cánh đồng phần lớn có nước quanh năm. Đặc điểm địa hình kể trên khiến cho việc bảo đảm hậu cần, cơ động lực lượng tác chiến của quân dân ta rất khó giữ bí mật,việc phát triển, cất giấu thóc lúa, của cải và đào hầm hào cũng rất khó khăn…Địa hình bằng phẳng còn có lợi thế cho địch đóng cứ điểm, xây lô cốt cao, có thể kiểm soát cả một vùng.
Thái Bình còn có hệ thống giao thông đường bộ thuận tiện. Từ Thái Bình theo đường quốc lộ số 10 có thể đi Hải Phòng, Quảng Ninh, cũng theo đường 10 có thể đến Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa vào Khu 4. Đường 39 nối Thái Bình với Hưng Yên, theo đường này có thể xuống Hải Dương, lên Hà Nội và các tỉnh Đông Bắc, Tây Bắc. Cùng với 2 con đường quan trọng này, Thái Bình còn có một hệ thống đường giao thông liên huyện là đường 216, 217,218,219,220… dài tổng cộng 500km. Hệ thống đường giao thông ngang dọc chia cắt địa bàn Thái Bình thành từng khu vực nhỏ từ 3-7km, tuy thuận tiện cho việc giao thông, có lợi phần nào cho cách đánh du kích, nhưng cũng gây trở ngại cho ta khi địch chiếm đóng chốt giữ những đoạn yết hầu với những phương tiện hiện đại của chúng.[76, tr.7]
Nhìn chung, địa hình, đất đai, khí hậu… của Thái Bình đối với hoạt động của con người chứa đựng sẵn hai mặt: thuận lợi, ưu đãi và khó khăn, thách thức. Những thuận lợi tạo ra khả năng cho Thái Bình xây dựng một nền kinh tế nông nghiệp tự cấp, tự túc, đảm bảo yêu cầu thiết yếu cho cuộc sống và chiến đấu. Song những khó khăn lại đòi hỏi cư dân ở đây phải cố kết chặt chẽ, phải biết lợi dụng quy luật tự nhiên, và chiến đấu chống lại sự tàn phá của thiên nhiên, tạo điều kiện cho ý thức cộng đồng sớm hình thành và phát triển.