12
1.2.2. Khái niệm bản sắc văn hoá
Trong những năm gần đây, cùng với khái niệm văn hoá, các tác giả còn quan tâm đến một khái niệm gần gũi nữa là bản sắc văn hoá. Bản sắc văn hoá được đề cập đến trong nhiều công trình nghiên cứu khác nhau về văn hoá Việt Nam. Nhưng cho tới nay, khái niệm này hầu như vẫn chưa tìm được sự đồng thuận cao độ. Nhìn chung các tác giả đều cho rằng, bản sắc văn hoá là những nét đặc sắc nhất, độc đáo nhất của nền văn hoá, một số tác giả lại cho rằng bản sắc văn hoá phải là những nét đẹp đẽ nhất, tinh hoa nhất của một nền văn hoá. Xét từ phương diện từ nguyên thì bản có nghĩa là cơ bản, bản chất; sắc là màu sắc, sắc thái. Bản sắc chính là những gì đặc trưng nhất, căn bản nhất của một sự vật, hiện tượng, nó chính là cơ sở để phân biệt sự vật, hiện tượng đó với những sự vật, hiện tuợng khác khác loại và cùng loại. Như vậy, bản sắc văn hoá phải là những nét đặc trưng, độc đáo và cơ bản nhất để nhận diện một nền văn hoá và để phân biệt nền văn hoá này với một nền văn hoá khác.
Theo Từ điển tiếng Việt, thuật ngữ "bản sắc" dùng để chỉ tính chất, màu sắc riêng tạo thành phẩm chất đặc biệt của một sự vật tức là nói tới sắc thái, đặc tính, đặc thù riêng của sự vật đó. Trong thực tế, khi nói "bản sắc" thường là nói tới cái riêng, cái rất riêng của một sự vật để phân biệt nó với các sự vật khác trong thế giới khách quan.
"Bản sắc" là từ một ghép có gốc Hán - Việt nên có một cách tiếp cận khác là phân tích trên ngữ nghĩa của hai từ "bản" và "sắc". Theo đó, "bản" là cái gốc, cái căn bản, cái cốt lõi, cái hạt nhân của một sự vật; "sắc" là sự biểu hiện cái căn bản, cái cốt lõi, cái hạt nhân đó ra ngoài. Cách tiếp cận thứ hai này có tính hợp lý hơn bởi khái niệm "bản sắc" được nhận thức trên cả 2 mặt: mặt bản chất bên trong và mặt biểu hiện bên ngoài và giữa hai mặt đó có mối quan hệ biện chứng với nhau. Trong đó, mặt bên trong phản ánh tính đồng nhất, bản chất của một lớp đối tượng sự vật nhất định và mặt bên ngoài phản ánh những dấu hiệu, những sắc thái riêng của sự vật để làm cơ sở phân biệt sự khác nhau giữa sự vật này với sự vật khác.
13
Thuật ngữ bản sắc thường được sử dụng gắn với văn hóa và dân tộc. Nói đến dân tộc là nói đến văn hoá, bản sắc văn hoá và nói đến văn hoá là nói đến dân tộc, bản sắc dân tộc. Có thể hiểu bản sắc văn hoá là hệ thống các giá trị đặc trưng bản chất của một nền văn hoá được xác lập, tồn tại, phát triển trong lịch sử và được biểu hiện thông qua nhiều sắc thái văn hóa. Trong bản sắc văn hóa, các giá trị đặc trưng bản chất là cái trừu tượng, tiềm ẩn, bền vững; còn các sắc thái biểu hiện của nó có tính tương đối cụ thể, bộc lộ và biến đổi hơn. Tuy nhiên, nếu dừng lại ở đây thì khái niệm bản sắc văn hóa vẫn là một khái niệm vô định, vì nói tới văn hóa là nói tới con người và nói tới những dân tộc cụ thể đã sinh ra, duy trì và phát triển nó. Vì vậy, chỉ khi tiếp cận đến bản sắc văn hóa của dân tộc thì ý nghĩa của nó mới được thể hiện một cách trọn vẹn.
Nếu tiếp cận văn hóa theo nghĩa rộng nhất, bao gồm toàn bộ những giá trị vật chất và giá trị tinh thần do con người sáng tạo ra trong lịch sử thì bản sắc văn hoá dân tộc là hệ thống các giá trị vật chất và tinh thần được dân tộc sáng tạo ra trong lịch sử, là những nét độc đáo rất riêng của dân tộc này so với dân tộc khác. Xét về bản chất, bản sắc văn hóa dân tộc thể hiện tinh thần, linh hồn, cốt cách, bản lĩnh của một dân tộc. Đây được coi là “dấu hiệu khác biệt về chất” giữa dân tộc này với dân tộc khác. Tại Hội nghị liên chính phủ về các chính sách văn hóa họp ở Venise, F.Mayor - nguyên Tổng giám đốc UNESCO đã đưa ra ý kiến về khái niệm văn hóa trên cơ sở nhấn mạnh tính đặc thù của bản sắc văn hoá dân tộc: Văn hoá bao gồm tất cả những gì làm cho dân tộc này khác với dân tộc khác, từ những sản phẩm tinh vi hiện đại nhất cho đến tín ngưỡng, phong tục tập quán, lối sống và lao động. Trong quan hệ quốc tế, bản sắc văn hóa dân tộc được xem như cái “thẻ căn cước”, là cốt cách của mỗi dân tộc thể hiện trên mọi phương diện quan hệ ngoại giao về kinh tế, chính trị, văn hóa và xã hội.
Trong quá trình tồn tại và phát triển, bản sắc văn hoá là yếu tố mang sức mạnh tinh thần dân tộc, giúp dân tộc vượt qua những thử thách của lịch
Có thể bạn quan tâm!
- Đặc điểm tiểu thuyết của Nguyễn Hữu Tiến - 1
- Đặc điểm tiểu thuyết của Nguyễn Hữu Tiến - 2
- Vị Trí Tiểu Thuyết Của Nguyễn Hữu Tiến Trong Văn Xuôi Tỉnh Cao Bằng
- Tiểu Thuyết Của Nguyễn Hữu Tiến Trong Văn Xuôi Tỉnh Cao Bằng
- Cảm Hứng Nghệ Thuật Trong Tiểu Thuyết Của Nguyễn Hữu Tiến
Xem toàn bộ 117 trang tài liệu này.
14
sử, bởi vì bản sắc dân tộc là tổng thể những phẩm chất, tính cách, khuynh hướng cơ bản thuộc sức mạnh tiềm tàng và sức sáng tạo của một dân tộc trong lịch sử tồn tại và phát triển của dân tộc đó, giúp cho dân tộc đó giữ vững được tính duy nhất, tính thống nhất, tính nhất quán so với bản thân mình trong quá trình phát triển. Chính vì vậy, việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc đã và đang được nhiều quốc gia dân tộc coi trọng và có những giải pháp cụ thể trong quá trình phát triển.
1.3. Văn hoá và bản sắc văn hoá của tỉnh Cao Bằng
Cao Bằng, xứ sở của những cọn nước, của các suối nguồn trong vắt và những cô gái áo chàm. Không chỉ nổi tiếng gạo trắng, nước trong, đây còn là một vùng văn hoá đa dạng, phong phú vởi sự tiếp xúc, giao hoà và hội tụ văn hoá của nhiều dân tộc anh em tạo nên một nền văn hóa đa sắc tộc, đa sắc thái. Các dân tộc tiêu biểu ở Cao Bằng bao gồm Tày, Nùng, Dao, Sán Chỉ, Kinh, Mông và dân tộc Hoa. Bên cạnh những nét chung về văn hóa cộng đồng, mỗi dân tộc đều có những di sản văn hóa truyền thống độc đáo của riêng mình làm cho kho báu văn hóa Cao Bằng phong phú, đa dạng, đậm đà bản sắc dân tộc và kết tinh nên những giá trị nhân văn cao đẹp. Người Tày chiếm số lượng khá lớn trong tỉnh Cao Bằng. Nét đặc sắc về văn hoá của người Tày được thể hiện trong những làn điệu Lượn, Hát then, Lượn Slương, Lượn cọi, Lượn ngạn, múa Sluông, múa chầu, cây đàn tín, Phướng lỵ. Dân tộc Nùng, sống đan chen trên các địa dư cùng người Tày. Dân tộc Nùng có nhiều tộc, căn cứ vào ăn mặc và tiếng nói để phân biệt: Nùng Inh, Nùng An, Nùng Lòi, Nùng Giang v.v.. Người Nùng có múa quạt, múa khăn, cây nhị và bộ xóc đồng lục lạc... Dá hai là một dạng tuồng cổ của đồng bào có lịch sử cách hơn 300 năm đang được phục hồi trong giai đoạn hiện nay. Dân tộc Dao ở Cao Bằng lại có bản chất cần cù lao động, sống chủ yếu ở vùng đồi núi thấp, vừa làm nương, vừa làm ruộng, phong tục tập quán còn nặng nề. Đặc trưng tộc Dao ở Cao Bằng là Dao tiền và Dao đỏ. Người Dao có múa Chuông, múa trống. Dân tộc H‟Mong hầu hết sống trên triển núi đá cao, vùng sâu, vùng xa, tập trung đông
15
ở Bảo Lạc, Ba Bể, Thông Nông, Hà Quảng; sống du canh du cư, đốt rẫy làm nương, chủ yếu trồng ngô. Người H‟Mông có múa ô, múa khèn ống trúc bè ngang, khèn lá, khèn môi.
Trong vùng văn hóa Cao Bằng, ta có thể bắt gặp những nét đặc sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số khác nhau, nhưng do có sự đoàn kết trong cuộc sống lao động, chiến đấu để xây dựng và bảo vệ quê hương trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, nên vùng văn hóa Cao Bằng đã được hình thành, đa thanh, đa sắc thái mà vẫn thống nhất. Quá trình cộng cư lâu dài bên nhau của các dân tộc đã dẫn đến sự giao lưu văn hóa, thống nhất trong bản sắc văn hóa miền núi, thể hiện ở các phương diện văn hóa: tính tự trị và tính cố kết cộng đồng ở các làng bản, đời sống tâm linh với tư duy đa thần giáo, văn học dân gian vừa mộc mạc vừa tinh tế gắn bó và phản ánh chân thật đời sống của cư dân vùng cao, tư duy trực cảm cùng cách nói giàu so sánh ví von qua các sự vật hiện tượng chỉ có ở miền núi. Như về văn học dân gian, nổi bật nhất có thể kể đến là huyền thoại khởi nguyên luận của người Tày “Báo Luông, Slao Cải”, cặp vợ chồng to lớn ấy đã sinh ra 100 người con (một nửa trai và một nửa gái). Huyền tích “Báo Luông, Slao Cải” đã cắt nghĩa một cách cụ thể, mạch lạc rõ ràng, lô gic, hệ thống, đầy ấn tượng về sự hình thành con người và nghề nông, sự khởi đầu cuộc sống con người Cao Bằng trên miền non nước, sánh ngang huyền thoại Mường Hươu Sao (Ngu Cơ) - Cá Chép (Long Wang) và huyền thoại Việt Tiên (Âu Cơ) - Rồng (Lạc Long). Truyền thuyết “Cẩu chủa cheng Vùa” (Chín chúa tranh Vua) cũng thật độc đáo, cảm hóa lòng người.Truyền thuyết đề cập đến nhân vật lịch sử là Thục Phán vào khoảng cuối đời Hùng Vương, thế kỷ III trước Công nguyên. Người đã có công hợp nhất nước Nam Cương và Văn Lang thành nước Âu Lạc, đóng đô ở Cổ Loa, Đông Anh (Hà Nội). Truyền thuyết là sở cứ bước đầu chỉ cho chúng ta thấy hiện thực về một vùng đất lịch sử, một con người lịch sử, một kinh đô Nam Bình huy hoàng.
16
Về kho tàng truyện kể, bên cạnh những câu truyện dã sử, dân tộc nào cũng có các thể loại cổ tích, ngụ ngôn..., cùng với các thể loại văn vần phong phú như tục ngữ, đồng dao, câu đố. Mỗi dân tộc đều có tiếng nói riêng của mình, đặc biệt người Tày đã sáng tạo ra chữ Nôm với các tác phẩm văn học thành văn đề cập đến nhiều phương diện tri thức về y tế, địa lý, phong tục tập quán, lịch sử, lịch thời gian; hiện còn lưu giữ 85 văn bản chữ Nôm Tày tại viện Hán Nôm.
Văn học dân gian Cao Bằng giàu âm hưởng dân ca dân tộc nhất. Thông thường chúng ta hay gặp nhất là các thể loại dân ca của người Tày, Nùng, trước hết phải kể đến dân ca nổi tiếng Then Tính với nhiều làn điệu và thể loại đặc trưng với 2 dòng then chính là then miền Đông và then miền Tây. Then miền Đông thường gọi là dàng (nam hát), ngược lại then miền Tây (pựt, then) là nữ hát. Hát Then là loại hình diễn xướng dân gian tổng hợp gồm: ca, nhạc, múa và diễn trò. Đặc điểm nổi bật của hát Then Cao Bằng là tính nhân dân của nó. Then được hát ở nhiều nơi, nhiều lúc, người ta hát trong nghi lễ, trong sinh hoạt, nam cũng như nữ, rất nhiều người biết đàn và hát rất điệu nghệ. Hát Then đã thành một yêu cầu quan trọng đối với đời sống văn hóa tinh thần của dân tộc Tày ở vùng này. Từ sau Cách mạng Tháng Tám (1945) trở về đây, hát Then được biến hóa gọi là Then mới; nhất là từ năm 1960 đến nay, âm nhạc Then biến hóa dần theo phương châm dân tộc, khoa học và đại chúng; do nhu cầu phản ánh cuộc sống mới đã có nội dung mới, âm nhạc mới. Hát Then với nhạc cụ đàn tính biểu hiện hình tượng âm thanh, âm điệu độc đáo của nền dân ca dân tộc Tày được bà con yêu thích vì nó mang yếu tố âm nhạc dân gian, tồn tại mãi với thời gian. Hát Then có nhiều chủ đề nhưng nét độc đáo nhất của lượn Then là những bài hát Then về tình yêu, khi là những khúc hát tỏ tình thiết tha, chân thành, khi lại là những khúc hát thể hiện nỗi buồn xót xa, day dứt trước cảnh chia tay, xa cách đẫm nước mắt. Hai cung bậc tình cảm này là điểm đầu và cũng là điểm kết cho một mối tình không thành duyên. Và đó chính là điểm nổi bật nhất mà tác giả dân gian Tày muốn
17
nhấn mạnh trong các khúc lượn Then về tình yêu đôi lứa. Ví như, các chàng trai Tày luôn tìm cho mình một cái cớ để bày tỏ tình cảm của mình với người yêu qua những khúc lượn Then nhẹ nhàng, trong sáng mà ý nhị:
Gió chẳng ngừng thổi mãi đèo cao/Cá chẳng rời vực nào nước sạch/Bướm chẳng rời hoa nhật bách xuân/Mong đôi ta kết thân gắn bó.
Yêu thương gắn liền với nhung nhớ, hạnh phúc và đau thương. Có lẽ đây đã là quy luật bất thành văn trong tình yêu. Tình yêu không chỉ mang đến cho con người ta vị ngọt nồng cháy mà con đem tới những nỗi buồn vô tận, những ngang trái khổ đau khi chia ly, khi tình yêu tan vỡ. Lượn Then lúc này gần như trở thành mảnh đất tinh thần để con người dốc bầu tâm sự, gửi gắm tâm trạng buồn thương, chua xót trước cảnh biệt ly:
Chia tay anh như bỏ thắt lưng/Nước mắt tràn rơi đều chan chứa
...
Bữa ăn nhìn đôi đũa nhớ mình/Cầm bát tưởng như hình tồn tại.
Yêu càng sâu sắc thì nỗi nhớ càng vời vợi, càng khắc khoải và không sao lấp đầy. Đối với người con gái khi yêu, sự chia ly và xa cách khiến mọi thứ như trở nên vô vị, tẻ nhạt:
Nuốt cơm như là nuốt rác/Canh thì có vị chát như sung/Nhớ trong lòng miệng không thể nói/Ngồi mâm là nhớ tới bạn hiền.
Để rồi, cái nghịch lý xót xa hợp - tan đã vô tình tạo nên sự cách trở cho đôi lứa, khiến nỗi đau thêm chồng chất trong trái tim mong manh của người con gái Tày. Họ như muốn dày vò trách móc, lại vừa muốn níu kéo người thương trong nỗi buồn mênh mang vô vọng:
“Em nhắc anh đôi câu hãy nhớ/Anh trở về vui thú đêm ngày/Xin đừng có quên em vất vả/Không em, anh còn có gia đình/Chỉ có em một mình một bóng/Em mong anh trông ngóng ngày đêm/Ước gì chim cùng xây một tổ/Rời xa nhau thổ lộ nỗi buồn”. [30, tr. 3]. Đó là hát Then của người Tày và dân tộc
18
H‟mông cũng có tiếng hát Gầu plềnh (Tiếng hát tình yêu) mang âm hưởng dân ca dân tộc miền núi độc đáo:
Trước cửa nhà em có cây lanh mọc/Ong có nơi về đậu/Em làm thân con gái bảy năm theo mẹ theo cha/Anh có nơi qua lại
“Em nắm tay anh nắm cho vững/Anh cầm tay em cầm cho chặt/Ta yêu nhau đằm thắm như khóm ngải xanh tươi…”[30, tr. 3].
Về sli, lượn cũng rất đa dạng thể loại, đậm đà bản sắc dân tộc. Đó là chưa kể đến mảng dân ca lễ hội và các lễ nghi khác đều dày thi ca. Mỗi thể loại dân ca còn hàm chứa nhiều làn điệu với số lượng thật đáng nể. Trải qua sự thử thách của thời gian cùng những biến thiên dữ dội của lịch sử, dân ca của mỗi dân tộc vẫn tồn tại như ngọn lửa hồng trong bếp nhà sàn, gửi trao từ thế hệ này qua thế hệ khác để bảo tồn lưu giữ vẻ đẹp tâm hồn, bản sắc riêng của từng dân tộc. Quá trình tích hợp và tiếp biến văn hóa ấy đã và đang diễn ra âm thầm nhưng sâu rộng, tính liên văn hóa tạo nên sự thống nhất trong bản sắc văn hóa vùng nhưng vẫn bảo lưu sự đa dạng văn hóa của các tộc người cộng cư trong vùng văn hóa ấy.
1.4. Văn học địa phương tỉnh Cao Bằng
1.4.1. Diện mạo, đội ngũ, tác giả, tác phẩm
Cao Bằng là mảnh đất biên cương địa đầu tổ quốc, là vùng đất giàu truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng và văn hoá. Trải qua hàng ngàn năm nhân dân các dân tộc Cao Bằng đã kề vai sát cách cùng nhân dân cả nước xây dựng và bảo vệ quê hương đất nước. Khi phong trào cách mạng phát triển mạnh mẽ, văn thơ trở thành phương tiện quan trọng trong công tác tuyên truyền của Đảng. Đặc biệt, khi lãnh tụ Hồ Chí Minh chọn Cao Bằng làm căn cứ địa cách mạng càng lên cao. Văn thơ yêu nước và cách mạng trong giai đoạn này có một vai trò to lớn đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc. Trước năm 1945 có các tác phẩm văn thơ sáng tác ở Cao Bằng tại một số xã thuộc huyện Hà Quảng, Nguyên Bình, Hoà An, thị xã Cao Bằng và thủ đô Hà Nội bằng cả tiếng Hán, tiếng Tày – Nùng, tiếng Mông và tiếng Dao. Ngoài ra
19
còn có một số tác phẩm viết dưới dạng văn xuôi. Văn học thời kỳ này chia làm hai giai đoạn:
Tác phẩm văn học thời kỳ trước năm 1930: Nội dung tác phẩm thời kỳ này là phản ánh hiện thực khách quan diện mạo xã hội, khơi gợi tinh thần yêu nước thương nòi. Văn học thời kỳ này là của các tác giả người địa phương.
Thời kỳ 1930-1945: Văn học thời kỳ này phát triển phong phú về số lượng, nâng cao về chất lượng, nhất là từ sau năm 1941, khi đồng chí Nguyễn Ái Quốc sau hơn 30 năm bôn ba nước ngoài tìm đường cứu nước trở về và sáng lập báo Việt Nam độc lập; chính vì vậy, những sáng tác thơ văn ở Cao Bằng thời kỳ này là dòng thơ văn tiêu biểu nhằm mục đích tuyên truyền vận động mọi đối tượng trong xã hội từ thiếu niên, thanh niên, phụ nữ, những người cao tuổi, binh lính… vùng dậy đấu tranh giành độc lập cho nước nhà. Những tác phẩm văn học này đã nhanh chóng đi vào cuộc sống của nhân dân các dân tộc Cao Bằng bởi tính dung dị dễ hiểu, tính đại chúng thông qua thể hò vè, dân ca và nhiều tác phẩm được sáng tác bằng tiếng dân tộc. Thơ ca đã thấm sâu vào lòng quần chúng, biến thành sức mạnh cùng toàn dân làm nên chiến thắng Cách mạng tháng Tám 1945.
Từ sau khi giải phóng, thống nhất đất nước, đội ngũ tác giả, tác phẩm văn học tỉnh Cao Bằng có sự gia tăng nhanh cả về số lượng và chất lượng. Trên cả bình diện thơ ca, tiểu thuyết, truyện... luôn có sự góp mặt đông đảo của các tác giả mà phần lớn họ là người dân tộc thiểu số nên hình ảnh văn học luôn gắn liền với việc miêu tả thiên nhiên hùng vĩ, phản ánh đời sống, phong tục, tập quán quê nhà. Nhiều nhà văn nổi tiếng và có những đóng góp đáng kể cho sự phát triển của văn xuôi địa phương nói riêng và văn học dân tộc miền núi nói chung như: thế hệ đầu tiên là các nhà văn Vi Hồng, Hoàng Triều Ân; thế hệ thứ hai tiếp nối có những cây bút tiêu biểu như Cao Duy Sơn, Hữu Tiến, Đoàn Lư, Trần Thị Mộng Dần, Nguyễn Văn Bính, Đoàn Ngọc Minh, Mông Văn Bốn, Nông Quốc Lập…