Công chứng các văn bản liên quan đến tài sản của vợ chồng - 9

05/1999/NĐ-CP ngày 3/2/1999 và Nghị định số 170/2007/NĐ-CP ngày 19/11/2007 vẫn có giá trị sử dụng song song với chứng minh nhân nhân dân được cấp theo mẫu mới theo quy định tại Thông tư số 27/2012/TT-BCA ngày 16/5/2012 nếu vẫn trong thời hạn sử dụng.

Theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 1 Nghị định số 124/2008/NĐ-CP ngày 19/12/2008 của Chính phủ về Giấy chứng minh sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam thì Giấy chứng minh sĩ quan quân đội nhân dân là giấy tờ mà sĩ quan quân đội nhân dân được sử dụng khi thực hiện giao dịch dân sự.

Như vậy, theo quy định của pháp luật, giấy tờ tùy thân thường được sử dụng là chứng minh nhân dân, giấy chứng minh sĩ quan quân đội nhân dân. Ngoài ra, hộ chiếu cấp theo Nghị định số 136/2007/NĐ-CP ngày 17/8/2007 của Chính phủ về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam cũng được coi là một loại giấy tờ tùy thân được sử dụng khi thực hiện việc công chứng hợp đồng, giao dịch nói chung và công chứng các văn bản liên quan đến tài sản của vợ chồng nói riêng. Do vậy, để tránh rủi ro, các công chứng viên phải tự cập nhật các văn bản pháp luật quy định về giấy tờ tùy thân để xác định cho phù hợp khi tác nghiệp.

Theo "Báo cáo kết quả thanh tra chuyên ngành về lĩnh vực công chứng tại thành phố Hà Nội" ngày 29/6/2010 của Thanh tra Bộ Tư pháp khi thanh tra 19 tổ chức hành nghề công chứng thì:

"Một số hồ sơ công chứng của Phòng Công chứng số 4, số 7, số 8, số 9; Văn phòng công chứng Đống Đa, Hoàng Cầu, Thái Hà thiếu chứng minh thư nhân dân của các bên tham gia giao dịch... Tình trạng công chứng viên cho phép các bên tham gia giao dịch sử dụng chứng minh thư nhân dân quá hạn diễn ra ở hầu hết các Phòng công chứng và Văn phòng công chứng [47, tr. 7].

Kết quả thanh tra chuyên ngành về lĩnh vực công chứng tại tỉnh Đồng Nai cũng cho thấy "có một số trường vẫn chấp nhận Giấy chứng minh nhân

dân quá hạn như hồ sơ 406 năm 2010 của Phòng công chứng số 2" [49, tr. 7]. Tại thành phố Cần Thơ, kết quả thanh tra chuyên ngành về lĩnh vực công chứng đối với 07 tổ chức hành nghề công chứng trên địa bản cũng kết luận: "Nhiều hồ sơ của các tổ chức hành nghề công chứng có chứng minh thư nhân dân của các bên tham gia giao dịch quá hạn. Thậm chí, một số hồ sơ còn thiếu chứng minh thư nhân dân" [48, tr. 7].

Nếu công chứng viên của các Tổ chức hành nghề công chứng không am hiểu và thực hiện đúng các quy định của pháp luật, dễ dãi trong việc tiếp nhận hồ sơ công chứng đối với các giấy tờ tùy thân người yêu cầu công chứng xuất trình không phù hợp quy định của pháp luật sẽ rất dễ gây nên tranh chấp, khiếu kiện, tố cáo, thậm chí công chứng viên còn phải chịu trách nhiệm hình sự. Thực tế vụ việc xảy ra tại Phòng công chứng số 5 thành phố Hà Nội là một ví dụ. Công chứng viên đã cho phép các bên tham gia giao dịch sử dụng chính minh thư nhân dân photo có xác nhận của chính quyền địa phương đã dẫn đến việc một bên tham gia giao dịch giả mạo giấy tờ và kết quả là công chứng viên đó phải chịu trách nhiệm hình sự. Theo "Báo cáo kết quả thanh tra chuyên ngành về lĩnh vực công chứng tại thành phố Hà Nội" ngày 29/6/2010 của Thanh tra Bộ Tư pháp thì liên quan đến việc sử dụng giấy tờ tùy thân không đúng quy định đã dẫn đến một số vụ việc bị khiếu nại, tố cáo. Đoàn Thanh tra Bộ Tư pháp đã làm việc với công chứng viên Hoàng Văn Sự - công chứng viên Phòng Công chứng số 5 thành phố Hà Nội và Điều tra viên của cơ qua cảnh sát điều tra tại 60 Trần Phú, Hà Nội, kết quả như sau:

Vụ việc thứ nhất: Đối với Hợp đồng ủy quyền ngày 21/5/2008, số công chứng 440/HĐUQ/2008, quyển số 01TP/C SCC/HĐGD giữa bên ủy quyền ông Trần Văn Mạnh bà Nguyễn Thị Nương và bên được ủy quyền Nguyễn Thu Hợp: Khi tiếp nhận hồ sơ, ông Hoàng Văn Sự là công chứng viên đồng ý cho sử dụng chứng minh nhân dân của ông Mạnh là bản photocoppy, nhưng không có bản chính để đối chiếu và cho các bên tham gia ký hợp đồng ủy quyền ký tên, điểm chỉ vào bản hợp đồng. Theo tài liệu điều

tra các đối tượng đã photocopy mặt trước chứng minh nhân dân của ông Mạnh (có dán ảnh của Nguyễn Toàn người đóng giả ông Mạnh), photocopy mặt sau chứng minh nhân dân của anh Toàn ghép thành chứng minh nhân dân của ông Mạnh để đưa vào hồ sơ công chứng (mặt sau chứng minh nhân dân có dấu vân tay của anh Toàn). Ông Hoàng Văn Sự khai đã đồng ý cho ông Mạnh sử dụng chứng minh nhân dân phôtôcoppy, nhưng yêu cầu phải có Giấy khai sinh của con ông Mạnh và bà Nương để đưa vào hồ sơ. Ông Sự đã không lường trước được Hạnh, Hợp, Nương đã thuê người đóng giả ông Mạnh để ký hợp đồng.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 129 trang tài liệu này.

Như vậy, khi tiến hành công chứng Hợp đồng ủy quyền này, công chứng viên đã bỏ qua nguyên tắc xác định nhân thân của người yêu cầu công chứng, không yêu cầu người yêu cầu công chứng xuất trình chứng minh nhân dân nên đã công chứng không đúng với quy định của pháp luật. Hợp đồng ủy quyền là trái pháp luật phải được hủy bỏ.

Vụ việc thứ hai: Đối với Hợp đồng ủy quyền, số công chứng: 782/HĐUQ/2007, quyển số: 01 TP/C SCC/HĐGD ngày 07/8/2007, giữa bên ủy quyền ông Lê Mạnh Tuấn, bà Phương Thị Thuyên và bên được ủy quyền Vũ Thị Minh Hòa. Tài sản ủy quyền: thửa đất tại Tổ 4 cụm 1, phường Xuân La, quận Tây Hồ, Hà Nội, theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AB 399092 hồ sơ gốc số 619/2005/QĐ-UB/62/2005 do Ủy ban nhân dân quận

Công chứng các văn bản liên quan đến tài sản của vợ chồng - 9

Tây Hồ cấp ngày 28/6/2005. Tài sản gắn liền với đất là nhà xây 1 tầng, diện tích 28m2, diện tích sử dụng 24m2. Nội dung ủy quyền: bên được ủy quyền có quyền đem thế chấp hoặc thế chấp cho bên thứ 3 theo qui định của pháp luật, để làm thủ tục vay vốn Ngân hàng và các cơ quan tổ chức tín dụng.

Khi tiếp nhận hồ sơ công chứng, không có chứng minh nhân dân của ông Tuấn mà chỉ có đơn đề nghị cấp lại chứng minh nhân dân mang tên Lê Mạnh Tuấn có xác nhận của Công an phường Xuân La. Khi tiến hành công chứng Hợp đồng ủy quyền này, công chứng viên cũng đã bỏ qua nguyên tắc xác định nhân thân, không có chứng minh nhân dân nên đã công chứng

không đúng với người ủy quyền. Hợp đồng ủy quyền là trái pháp luật phải được hủy bỏ.

Vụ việc thứ 3: Đối với Hợp đồng ủy quyền, số công chứng: 703/HĐUQ/2007 Quyển số: 01 TP/C SCC/HĐGD ngày 9/8/2007, giữa bên ủy quyền ông Lê Mạnh Tuấn, bà Phương Thị Thuyên và bên được ủy quyền Vũ Thị Minh Hòa. Tài sản ủy quyền: thửa đất tại Tổ 4 cụm 1, phường Xuân La, quận Tây Hồ, Hà Nội, theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AB 399092 hồ sơ gốc số 619/2005/QĐ-UB/62/2005 do Ủy ban nhân dân quận Tây Hồ cấp ngày 28/6/2005. Tài sản gắn liền với đất là nhà xây 1 tầng, diện tích 28m2. Nội dung ủy quyền: bên được ủy quyền có quyền đem chuyển nhượng, thế chấp hoặc thế chấp cho bên thứ 3 theo qui định của pháp luật, để

làm thủ tục vay vốn Ngân hàng và các cơ quan tổ chức tín dụng.

Trên hợp đồng ghi rõ bên ủy quyền là ông Lê Mạnh Tuấn mất chứng minh nhân dân có xác nhận của Công an phường Xuân La, công chứng viên xác định nhân thân không đúng pháp luật, hợp đồng giao kết không đúng người yêu cầu công chứng nên phải được hủy bỏ.

Do vậy, kiểm tra giấy tờ tùy thân phù hợp với quy định của pháp luật là việc làm hết sức quan trọng mà công chứng viên không thể bỏ qua trong quá trình thực hiện hoạt động công chứng, có thế mới hạn chế được những rủi ro cho bản thân công chứng viên và người tham gia giao dịch.

Bản sao giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng hoặc bản sao giấy tờ thay thế được pháp luật quy định đối với tài sản mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng, trong trường hợp các văn bản liên quan đến tài sản của vợ chồng liên quan đến tài sản đó.

Trong giao dịch dân sự nói chung và trong các thỏa thuận giữa vợ, chồng về tài sản nói riêng, việc xác định chủ sở hữu tài sản là điểm mấu chốt, quan trọng nhất. Chính vì vậy, để thực hiện yêu cầu công chứng, người yêu cầu công chứng cần phải xuất trình những giấy tờ chứng minh tài sản giao

dịch thuộc quyền sở hữu của mình. Tuy nhiên hiện nay, việc làm giả các giấy tờ chứng minh quyền sở hữu, sử dụng, đặc biệt là các tài sản có giá trị lớn như nhà, đất. Ví dụ, Văn phòng công chứng Việt Tín có trụ sở tại Hà Nội, bằng hành vi làm giả các văn bản hợp đồng công chứng ủy quyền của một văn phòng công chứng khác, các đối tượng được ủy quyền được bán, sang nhượng các tài sản nhà, đất ở của người khác rồi mang hợp đồng ủy quyền này đến Văn phòng công chứng Việt Tín để công chứng hợp đồng mua bán tài sản cho người mua. Theo thống kê ban đầu, số giấy tờ mua bán bất động sản giả mạo được văn phòng này công chứng lên đến con số 200 hồ sơ, hợp đồng. Theo thông tin được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng thì cái chết của Trưởng Văn phòng công chứng Việt Tín có liên quan đến những sai phạm trên. Do vậy công chứng viên cần có những kỹ năng nhất định khi kiểm tra các loại giấy tờ này nhằm hạn chế rủi ro cho mình.

Giấy chứng nhận kết hôn. Đây là một giấy tờ bắt buộc trong hồ sơ yêu cầu công chứng các văn bản liên quan đến tài sản của vợ chồng. Căn cứ vào Giấy chứng nhận kết hôn, công chứng viên mới có thể xác định được thời điểm bắt đầu của hôn nhân, tình trạng hôn nhận hiện tại và qua đó xác định được các vấn đề về tài sản chung, riêng có liên quan đến văn bản công chứng.

Bản sao giấy tờ khác có liên quan đến hợp đồng, giao dịch mà pháp luật quy định phải có.

Cũng theo quy định tại khoản 1 Điều 35 Luật Công chứng thì "Khi nộp bản sao thì người yêu cầu công chứng phải xuất trình bản chính để đối chiếu". Thực tế có rất nhiều trường hợp, đặc biệt là đối với việc chuyển nhượng tài sản có giấy tờ chứng minh quyền sở hữu, sử dụng (ví dụ như nhà, đất, ô tô...), người mua thường là người làm các thủ tục liên quan đến việc nhận chuyển nhượng tài sản, trong đó có việc yêu cầu công chứng hợp đồng. Và thông thường, người bán sẽ giao các giấy tờ chứng minh quyền sở hữu, sử dụng cho người mua sau khi hợp đồng chuyển nhượng được công chứng và

người mua đã thanh toán đủ tiền. Do vậy, người mua sẽ không xuất trình được bản chính để đối chiếu khi nộp hồ sơ yêu cầu công chứng.

Trong trường hợp công chứng các văn bản liên quan đến tài sản của vợ chồng, nếu tài sản là đối tượng của văn bản công chứng đó đang thế chấp tại ngân hàng (ngân hàng đã có văn bản đồng ý cho vợ, chồng thực hiện quyền của chủ sở hữu, sử dụng với những điều kiện nhất định, ví dụ như nếu vợ chồng thỏa thuận chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân thì sẽ gắn liền với nghĩa vụ thanh toán), trong trường hợp này, người yêu cầu công chứng cũng không thể xuất trình được bản chính để công chứng viên đối chiếu.

Cho đến nay, phần lớn các tổ chức hành nghề công chứng thực hiện việc kiểm tra, đối chiếu hồ sơ yêu cầu công chứng với bản chính ngay khi người yêu cầu công chứng ký tên vào hợp đồng, giao dịch. Việc làm này "làm giảm sự phiền hà cho người dân, hạn chế việc thất lạc, mất mát các giấy tờ trong quá trình đi lại" [29, tr. 174].

Đối với việc công chứng văn bản khôi phục chế độ tài sản chung của vợ chồng, ngoài các giấy tờ như đã nêu trên, người yêu cầu công chứng còn phải xuất trình văn bản thỏa thuận chia tài sản chung của vợ chồng. Theo quy định tại khoản 2, 3 Điều 10 Nghị định số 70/2001/NĐ-CP ngày 03/10/2001 thì:

2. Trường hợp văn bản thỏa thuận chia tài sản chung của vợ chồng được công chứng hoặc chứng thực theo yêu cầu của vợ chồng, thì văn bản thỏa thuận khôi phục chế độ tài sản chung của vợ chồng cũng phải được công chứng hoặc chứng thực...

3. Trong trường hợp văn bản thỏa thuận chia tài sản chung của vợ chồng phải công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật, thì văn bản thỏa thuận khôi phục chế độ tài sản chung của vợ chồng cũng phải được công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật... [14].

Như vậy, nếu văn bản thỏa thuận chia tài sản chung của vợ chồng được công chứng thì văn bản thỏa thuận khôi phục chế độ tài sản chung của vợ chồng cũng bắt buộc phải được công chứng. Ngược lại, nếu như văn bản thỏa thuận chia tài sản chung của vợ chồng không có công chứng thì văn bản thỏa thuận khôi phục chế độ tài sản chung của vợ chồng cũng không nhất thiết phải có sự chứng nhận của công chứng viên. Tuy nhiên, trong trường hợp văn bản thỏa thuận chia tài sản chung của vợ chồng không được công chứng nhưng nếu vợ chồng tự nguyện yêu cầu thì công chứng viên vẫn có thể chứng nhận văn bản thỏa thuận khôi phục chế độ tài sản chung của vợ chồng.

Đối với văn bản nhập tài sản riêng của vợ hoặc chồng vào khối tài sản chung, người vợ hoặc người chồng có tài sản riêng còn phải cung cấp giấy tờ chứng minh tài sản thuộc quyền sở hữu, sử dụng của riêng mình.

Đối với văn bản chia tài sản chung của vợ chồng sau khi Tòa án nhân dân cấp có thẩm quyền ban hành bản án hoặc quyết định công nhận thuận tình ly hôn đã có hiệu lực pháp luật, ngoài các giấy tờ như đã nêu trên, người yêu cầu công chứng còn phải xuất trình bản án hoặc quyết định công nhận thuận tình ly hôn đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án có thẩm quyền.

* Kiểm tra đối tượng của các văn bản liên quan đến tài sản của vợ, chồng

Việc thỏa thuận chia tài sản chung của vợ, chồng trong thời kỳ hôn nhân hay khôi phục chế độ tài sản chung của vợ chồng, nhập tài sản riêng của một bên vợ hoặc chồng vào tài sản chung về bản chất là một căn cứ pháp lý nhằm chuyển quyền sở hữu tài sản. Theo Giáo trình kỹ năng công chứng của Học viện Tư pháp do Nhà xuất bản tư pháp xuất bản năm 2010 thì đứng trên một góc độ nào đó, việc phân chia tài sản chung của vợ, chồng trong thời kỳ hôn nhân hay khôi phục chế độ tài sản chung của vợ chồng "cũng không có điều gì khác biệt so với các loại hợp đồng mua bán tài sản hay tặng cho tài sản... ngoại trừ chủ thể tham gia vào hình thức văn bản này chỉ có thể là vợ và chồng" [29, tr. 437]. Do vậy, có thể xác định đối tượng của các văn bản liên quan đến tài sản của vợ, chồng là tài sản.

Theo Từ điển Luật học do Nhà xuất bản Từ điển Bách khoa - Nhà xuất bản Tư pháp ấn hành năm 2006 thì tài sản là:

Các vật có giá trị bằng tiền và là đối tượng của quyền tài sản và các lợi ích vật chất khác. Tài sản bao gồm vật có thực, vật đang tồn tại và sẽ có như hoa lợi, lợi tức, vật sẽ được chế tạo theo mẫu đã được thỏa thuận giữa các bên, tiền và các giấy tờ trị giá được bằng tiền và quyền tài sản [56, tr. 685].

Điều 163 của Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định "Tài sản bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản" [41].

Trong hoạt động công chứng nói chung và việc chứng nhận các văn bản liên quan đến tài sản của vợ, chồng nói riêng, việc xác định chủ sở hữu tài sản là một vấn đề trọng yếu. Tài sản là đối tượng của các văn bản liên quan đến tài sản của vợ, chồng phải thuộc quyền sở hữu, sử dụng hợp pháp của vợ, chồng và phải được tự do giao dịch. Đối với tài sản mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu thì vợ, chồng phải xuất trình giấy tờ chứng minh quyền sở hữu, sử dụng. Đối với loại tài sản này việc kiểm tra, xác minh ai là chủ sở hữu là tương đối đơn giản thông qua việc kiểm tra những giấy tờ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp chứng minh quyền sở hữu đối với tài sản do người yêu cầu công chứng cung cấp. Ví dụ: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận đăng ký mô tô, xe máy, ôtô... Khi kiểm tra các giấy tờ này, công chứng viên cần xem xét kỹ xem các giấy tờ đó có bị tẩy xóa, có dấu hiệu giả mạo không ? kiểm tra về thẩm quyền cấp các loại giấy tờ đó có phù hợp với quy định của pháp luật ?

Điều 167 Bộ luật Dân sự năm 2005 đã quy định về việc đăng ký quyền sở hữu tài sản, theo đó "quyền sở hữu đối với bất động sản được đăng ký theo quy định của Bộ luật này và pháp luật về đăng ký bất động sản. Quyền sở hữu đối với động sản không phải đăng ký, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác" [41].

Xem tất cả 129 trang.

Ngày đăng: 25/12/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí