Chính sách phát triển du lịch ở Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hoá - 2

MỞ ĐẦU

1. Lý do chọn đề tài

Điều kiện chính trị ổn định, ngoại giao mở rộng, sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với phát triển du lịch cùng với thành tựu phát triển du lịch giai đoạn vừa qua tạo đà quan trọng cho du lịch phát triển lên tầm cao mới. Các Nghị quyết của Đảng qua các kỳ Đại hội, các chính sách, pháp luật của Nhà nước đã xác định du lịch là ngành kinh tế dịch vụ quan trọng cần thúc đẩy phát triển thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Để phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Chính phủ cần có hệ thống chính sách phát triển du lịch phù hợp bao gồm chính sách dài hạn và chính sách cấp bách và thể hiện trong chiến lược, quy hoạch, các chương trình, đề án phát triển du lịch. Chính sách phải đảm bảo khuyến khích, huy động tập trung nguồn lực, khai thác tối ưu tiềm năng, thế mạnh của đất nước; bảo tồn và phát huy được những giá trị truyền thống; nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.

Sầm Sơn Thanh Hoá được thiên nhiên ban tặng cho tiềm năng du lịch trên nhiều phương diện, có núi, rừng, sông hồ, mà đặc biệt có một dải bờ biển đẹp bật nhất Việt Nam, nước biển trong xanh, bãi biển bằng phẳng dài hơn 9 km nằm trong quần thể du lịch của tỉnh Thanh Hoá. Sầm Sơn là một điểm du lịch biển quen thuộc có lịch sử khai thác hàng trăm năm nên việc nhà nước ban hành các chính sách phát triển du lịch ở Sầm Sơn là hết sức cần thiết. Xuất phát từ thực tiễn du lịch Sầm Sơn hiện nay, với tiềm năng lợi thế và nguồn tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng; đồng thời, trước yêu cầu phát triển du lịch trong điều kiện nền kinh tế của Sầm Sơn lấy du lịch làm mũi nhọn tạo đà cho các ngành kinh tế khác phát triển. Trong những năm gần đây, Sầm Sơn đã có những đổi mới và chuyển biến tích cực tạo ra điểm nhấn cho một địa danh hấp dẫn đối với du khách. Mặt khác, những thay đổi trong cách


thức tổ chức hoạt động du lịch cũng góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển du lịch Sầm Sơn, cũng như ngành kinh tế du lịch Thanh Hóa phát triển, tạo sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá; đồng thời, tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động, tăng thu ngân sách cho nhà nước và mở rộng hợp tác kinh tế, giao lưu văn hóa, phát triển xã hội giữa Sầm Sơn - Thanh Hóa với các tỉnh trong cả nước. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng và phát triển du lịch Sầm Sơn những năm qua còn chậm, chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh sẵn có. Ô nhiễm về môi trường, các sản phẩm du lịch chưa có nhiều tính sáng tạo, du lịch còn làm ăn manh mún, tạm thời, dịch vụ còn nhiều bất cập. Không những thế, hiện nay sự nổi lên của nhiều địa danh du lịch mới, đặc biệt là du lịch biển ở các địa phương trong cả nước đang đặt Sầm Sơn trước thách thức của sự cạnh tranh gay gắt, đòi hỏi địa danh du lịch này phải nhanh chóng củng cố và làm mới mình để thu hút du khách. Chúng ta cần một nền du lịch bền vững - một nền du lịch tốt cho từng địa phương và bền vững dài lâu mai sau. Muốn vậy phải có hệ thống những chính sách phát triển du lịch hợp lý, phải có sự đổi mới về nhận thức ở từng địa phương. Những chính sách phát triển du lịch ở Sầm Sơn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của thành phố trong thời kỳ hiện nay. Mặt khác, về mặt khoa học việc nghiên cứu, bổ sung khung lý thuyết về chính sách phát triển du lịch cũng là một yêu cầu cấp thiết.

Xuất phát từ những lý do trên, tác giả chọn đề tài: “Chính sách phát triển du lịch ở Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hoá, để triển khai nghiên cứu luận văn thạc sỹ chuyên ngành Chính sách công.

2. Tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài luận văn

Cho đến hiện tại, đã có nhiều công trình nghiên cứu khoa học của một số tác giả có liên quan đến chính sách phát triển du lịch ở những phương diện khác nhau. Có thể chia thành hai nhóm như sau:


Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 109 trang tài liệu này.

Thứ nhất, nhóm công trình nghiên cứu dưới góc độ lý thuyết chính sách công:

- Hồ Văn Thông (chủ biên, 1999), Tìm hiểu về khoa học chính sách công, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. Đây là công trình nghiên cứu tương đối có hệ thống các vấn đề về lý thuyết chính sách công như: khái niệm về chính sách công và khoa học chính sách công, phân tích chính sách công trong thực tế, những khuynh hướng phát triển cơ bản của chính sách công.

Chính sách phát triển du lịch ở Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hoá - 2

- Nguyễn Đăng Thành (chủ nhiệm đề tài, 2004) Chính sách công, Cơ sở lý luận, Viện Chính trị học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Hà Nội. Đề tài đã nghiên cứu một cách có hệ thống những vấn đề lý luận về chính sách công như : lý thuyết chính sách công, công; các công cụ nghiên cứu chính sách công; các cách tiếp cận khi nghiên cứu chính sách công.

- Chu Văn Thành (Chủ biên, 2006), Dịch vụ công và xã hội hóa dịch vụ công, một số vấn đề lý luận và thực tiễn, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. Trong cuốn sách này đã tập hợp các bài viết về dịch vụ công, trong đó có giáo dục tư cách là những dịch vụ công chủ yếu mà Nhà nước có nghĩa vụ cung cấp.

- Nguyễn Hữu Hải (chủ biên,), Chính sách công - những vấn đề cơ bản, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội. Cuốn sách cung cấp những kiến thức lý luận chung nhất về chính sách công như: quá trình phát triển khoa học chính sách; đặc điểm, vai trò và phân loại chính sách công; cấu trúc nội dung và chu trình chính sách công; nguyên tắc, căn cứ, các bước và phương pháp, công cụ hoạch định chính sách công; yêu cầu, các hình thức, phương pháp tổ chức thực thi chính sách công và phân cấp quản lý chính sách công; nguyên tắc, tiêu chí, quy trình, nội dung và phương pháp phân tích chính sách công; nội dung đánh giá chính sách công; tổ chức công tác phân tích, đánh giá chính sách công.


- TS. Lê Như Thanh, Ts. Lê Văn Hoà (đồng chủ biên), sách chuyên khảo “ Hoạch định và thực thi chính sách công”, NXB Chính trị Quốc gia Sự thật 2016. Cuốn sách đã trang bị những kiến thức cơ bản về hoạch định chính sách công và thực thi chính sách công.

Thứ hai, nhóm công trình nghiên cứu về phát triển du lịch và chính sách phát triển du lịch

- Nguyễn Văn Thanh (2013) "Nâng cao hiệu quả quản lý các di tích lịch sử trên địa bàn thành phố Sầm Sơn" Luận văn Thạc sỹ Văn hóa - Trường Đại học Văn hóa Hà Nội. Trên cơ sở đánh giá thực trạng các di tích trên địa bàn thành phố Sầm Sơn, tác giả đề xuất các giải pháp quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động của các di tích trong phục vụ du lịch. Tuy nhiên, Luận văn mới chỉ dừng lại ở việc đề ra các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý các di tích lịch sử từ góc độ của chính quyền địa phương mà chưa nêu lên được giải pháp thu hút sự tham gia của cộng đồng địa phương.

- Lâm Thị Hồng Loan (2012) "Phát triển du lịch theo hướng bền vững ở tỉnh Ninh Bình" Luận văn Thạc sỹ ngành Kinh tế Chính trị. Luận văn này đã hệ thống hoá cơ sở lý luận cơ bản về du lịch và phát triển du lịch bền vững; khảo sát, nghiên cứu các nguồn tài nguyên, nguồn lực và điều kiện phát triển du lịch bền vững. Trên cơ sở đó, luận văn đã làm rõ những lợi thế và khó khăn đối với việc phát triển du lịch tại tỉnh Ninh Bình.

- La Nữ Ánh Vân (2011) "Phát triển du lịch bền vững tỉnh Bình Thuận", Tạp chí Du lịch Bình Thuận. Bài viết đã đề xuất một số giải pháp phát triển du lịch bền vững; tập trung vào việc tăng cường công tác xã hội hoá giáo dục về phát triển du lịch bền vững, khai thác hợp lý tài nguyên du lịch, đa dạng hoá và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, tăng cường công tác quản lý nhà nước về du lịch. Tuy nhiên, bài viết chưa nêu lên được vai trò và sự tham gia của cộng đồng địa phương và du khách trong phát triển du lịch theo hướng bền vững.


Như vậy, đã có một số công trình khoa học nghiên cứu về du lịch tại thành phố Sầm Sơn, tuy nhiên chưa có công trình nào trực tiếp nghiên cứu về chính sách phát triển du lịch Sầm Sơn – Thanh Hóa. Các công trình nêu trên là nguồn tư liệu để học viên tham khảo, kế thừa và phát triển trong quá trình thực hiện đề tài luận văn.

3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu của luận văn

3.1. Mục đích nghiên cứu

Trên cơ sở nghiên cứu cơ sở lý luận về chính sách và thực trạng thực hiện chính sách phát triển du lịch thành phố Sầm Sơn - Thanh Hóa, luận văn đề xuất tăng cường thực hiện và hoàn thiện chính sách phát triển du lịch thành phố Sầm Sơn - Thanh Hóa trong thời gian tới.

3.2. Nhiệm vụ nghiên cứu

Để đạt được mục đích nghiên cứu nêu trên, luận văn tập trung thực hiện những nhiệm vụ nghiên cứu dưới đây:

- Nghiên cứu cơ sở lý luận về phát triển du lịch, chính sách phát triển du lịch và thực hiện chính sách phát triển du lịch.

- Nghiên cứu kinh nghiệm thực hiện chính sách phát triển du lịch ở một số địa phương tại Việt Nam.

- Nghiên cứu thực trạng thực hiện chính sách phát triển du lịch thành phố Sầm Sơn - Thanh Hóa trong giai đoạn 2013 đến 2017.

- Nghiên cứu đề xuất giải pháp tăng cường thực hiện và hoàn thiện chính sách phát triển du lịch thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa.

4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

4.1. Đối tượng nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu của luận văn là hoạt động thực hiện chính sách phát triển du lịch trên địa bàn thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa.


4.2. Phạm vi nghiên cứu

Phạm vi về nội dung: trong chu trình chính sách, luận văn chỉ tập trung nghiên cứu giai đoạn thực hiện chính sách phát triển du lịch.

Phạm vi về không gian: Thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa Phạm vi về thời gian: 2013 – 2017

5. Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu của luận văn

5.1. Phương pháp luận

Trong quá trình thực hiện đề tài luận văn, tác giả sử dụng phương pháp luận duy vật phép biện chứng và duy vật lịch sử của Chủ nghĩa Mác – Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng làm cơ sở phương pháp luận để nghiên cứu nội dung đề tài luận văn. Dựa trên nền tảng lý luận về phát triển du lịch và khoa học chính sách công để xây dựng khung lý thuyết cho đề tài.

5.2. Phương pháp nghiên cứu

Tác giả sử dụng tổng hợp nhiều phương pháp nghiên cứu, trong đó chú trọng các phương pháp dưới đây:

- Phương pháp nghiên cứu tài liệu thứ cấp: Tác giả sử dụng phương này để nghiên cứu các tài liệu sẵn có (sách, báo khoa học, luận văn, luận án, văn bản quản lý của nhà nước, các báo cáo...) liên quan đến phát triển du lịch và chính sách phát triển du lịch, thực trạng thực hiện chính sách phát triển du lịch thành phố Sầm Sơn – Thanh Hóa.

- Phương pháp điều tra thực địa: Tác giả sử dụng phương pháp này để thu thập thông tin sơ cấp bổ sung cho thông tin thứ cấp, đồng thời, để kiểm chứng lại những số liệu, tài liệu có liên quan, từ đó có những đánh giá xác thực hơn và làm cơ sở cho các phương pháp khác. Kết quả điều tra thực địa sử dụng trong luận văn được lấy từ Trung tâm Văn hóa - Du lịch Sầm Sơn.

- Phương pháp so sánh, phân tích, tổng hợp: Tác giả sử dụng phương pháp so sánh để đối chiếu giữa thông tin thực tế và lý thuyết, so sánh số liệu


thống kê phản ánh sự phát triển du lịch Sầm Sơn giữa các năm khác nhau; Sử dụng phương pháp phân tích để xem xét và đánh giá thực trạng phát triển du lịch Sầm Sơn, phân tích các quan điểm khoa học; Sử dụng phương pháp tổng hợp để đưa ra những nhận định và kết luận khoa học.

- Phương pháp bản đồ: Tác giả sử dụng phương pháp này để mô tả những đặc điểm về không gian địa lý, về nguồn tài nguyên, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch; đồng thời để thể hiện nội dung và kết quả nghiên cứu của luận văn.

- Phương pháp toán học và thống kê du lịch: Tác giả sử dụng các phương pháp này để tập hợp, thống kê các di tích lịch sử văn hóa, các danh lam thắng cảnh, tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên nhân văn quan trọng. Đồng thời, thống kê đánh giá lượng khách, doanh thu tỷ trọng và mức độ tăng trưởng du lịch. Tính toán cân đối các số liệu, từ đó xác định thực trạng và hiệu quả phát triển.

6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận văn

6.1. Ý nghĩa lý luận

Luận văn đã hệ thống hóa được cơ sở lý luận về phát triển du lịch, chính sách và thực hiện chính sách phát triển du lịch.

6.2. Ý nghĩa thực tiễn

Luận văn đã đánh giá được thực trạng thực hiện chính sách phát triển du lịch Sầm Sơn – Thanh Hóa. Đồng thời, đề xuất được một số giải pháp tăng cường thực hiện và hoàn thiện chính sách phát triển du lịch Sầm Sơn phù hợp với đặc điểm của địa phương và hướng tới phát huy tiềm năng phát triển du lịch của địa phương trong thời gian tới.

Luận văn là tài liệu tham khảo hữu ích cho các cơ quan hoạch định chính sách phát triển du lịch. Đặc biệt là đối với chính quyền tỉnh Thanh Hóa và thành phố Sầm Sơn trong hoạch định và thực thi chính sách phát triển du lịch Sầm Sơn.


Luận văn cũng là tài liệu tham khảo hữu ích cho việc nghiên cứu, giảng dạy, học tập về chính sách công ở Học viện Hành chính Quốc gia và các cơ sở đào tạo khác.

7. Kết cấu của luận văn

Luận văn gồm Phần mở đầu, Phần nội dung, Phần kết luận, Danh mục tài liệu tham khảo. Phần nội dung được kết cấu thành 3 chương:

Chương 1. Cơ sở lý luận và thực tiễn về thực hiện chính sách phát triển du lịch.

Chương 2. Thực trạng thực hiện chính sách phát triển du lịch thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa.

Chương 3. Mục tiêu và giải pháp tăng cường thực hiện chính sách phát triển du lịch thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa.

Xem tất cả 109 trang.

Ngày đăng: 09/03/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí