Đặc Điểm Của Doanh Nghiệp Vừa Và Nhỏ Tại Việt Nam

Các nước thuộc Cộng đồng châu Âu có cách định nghĩa về doanh nghiệp vừa và nhỏ của riêng họ. Ví dụ như ở Đức, doanh nghiệp vừa và nhỏ được định nghĩa là những doanh nghiệp có số lao động dưới 500 người, trong khi đó ở Bỉ là dưới 100 người. Tuy nhiên, hiện nay Liên minh châu Âu EU đã bắt đầu có khái niệm về doanh nghiệp vừa và nhỏ chuẩn hóa hơn. Đó là những doanh nghiệp có dưới 50 lao động thì được gọi là doanh nghiệp nhỏ và những doanh nghiệp có dưới 250 lao động thì gọi là doanh nghiệp vừa. Trong khi đó, theo định nghĩa của Mỹ thì những doanh nghiệp có dưới 100 lao động là những doanh nghiệp nhỏ, còn những doanh nghiệp có số lao động dưới 500 được coi là những doanh nghiệp vừa 7. Ở các quốc gia châu Phi, họ cũng có những cách định nghĩa riêng về doanh nghiệp vừa và nhỏ. Chính vì sự khác nhau về định nghĩa doanh nghiệp vừa và nhỏ ở các quốc gia mà cách hiểu cũng khác nhau, khiến cho việc nghiên cứu về doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp rất nhiều khó khăn.

Trong hầu hết các nền kinh tế, doanh nghiệp nhỏ chiếm đại đa số. Ở Liên minh châu Âu, doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm khoảng 99% tổng số doanh nghiệp và có số lao động lên đến 65 triệu người. Trong một số ngành kinh tế, doanh nghiệp vừa và nhỏ giữ vai trò chỉ đạo trong công cuộc cải tạo và là động lực phát triển của nền kinh tế. Trên toàn thế giới, doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm khoảng 99% số doanh nghiệp và từ 40% đến 50% trong tổng thu nhập quốc nội GDP 9.

Trong khi đó, tại New Zealand, doanh nghiệp vừa và nhỏ có một sự đóng góp đáng kể cho nền kinh tế cả về số lượng các doanh nghiệp và tỷ lệ % lực lượng lao động. Tầm quan trọng của doanh nghiệp vừa và nhỏ đối với New Zealand ngày càng gia tăng khi cơ hội toàn cầu hóa và sự phát triển khoa học kỹ thuật ngày càng tăng lên. Theo số liệu thống kê năm 2006, hầu hết các doanh nghiệp ở New Zealand là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm trên 96% tổng số doanh nghiệp trong nền kinh tế,

các doanh nghiệp vừa và nhỏ sử dụng 30% trên tổng số lượng lao động; từ năm 2001 đến năm 2006, các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại New Zealand đã tạo ra 59% việc làm mới và 39% trên tổng giá trị đầu ra của nền kinh tế 8 .

Chỉ với những ví dụ và con số đơn lẻ trên, ta đã phần nào thấy được tầm quan trọng của các doanh nghiệp vừa và nhỏ đối với tất cả các nền kinh tế trên thế giới. Và việc nghiên cứu các doanh nghiệp vừa và nhỏ thực sự là một vấn đề quan trọng cần được nghiên cứu khi một quốc gia muốn phát triển kinh tế và xã hội.

- Khái niệm doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam

Để đưa ra khái niệm về doanh nghiệp vừa và nhỏ, các quốc gia thường căn cứ vào các tiêu chuẩn như số lao động, vốn sản xuất, doanh thu, lợi nhuận, giá trị gia tăng. Ở các quốc gia khác nhau thì tiêu chí để phân biệt các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng khác nhau.

Tại Việt Nam, theo nghị định 90/2001/NĐ-CP ngày 23/11/2001 của chính phủ, doanh nghiệp vừa và nhỏ được hiểu là những cơ sở sản xuất, kinh doanh độc lập, đã đăng ký kinh doanh theo pháp luật hiện hành, có vốn đăng ký không quá 10 tỷ đồng hoặc có số lao động trung bình hàng năm không quá 300 người.

Căn cứ vào tình hình kinh tế - xã hội của từng ngành nghề, lĩnh vực, địa phương hoặc các chương trình khác nhau, trong quá trình thực hiện có thể linh hoạt áp dụng đồng thời cả hai chỉ tiêu vốn và lao động hoặc một trong hai chỉ tiêu nói trên.

Ngân hàng Thế giới World Bank đã đưa ra tiêu chí phân loại doanh nghiệp vừa và nhỏ. Theo tiêu chí này thì doanh nghiệp siêu nhỏ là doanh nghiệp có số lượng lao động dưới 10 người, doanh nghiệp nhỏ có số lượng lao động từ 10 đến dưới 50 người, còn doanh nghiệp vừa có từ 50 đến 300 lao động. Việt Nam vẫn không có một tiêu chí cụ thể nào để phân loại doanh nghiệp vừa và nhỏ nhưng trong một số tài liệu của các cơ quan Nhà nước

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 94 trang tài liệu này.

hoặc một số tạp chí kinh tế vẫn sử dụng cách phân loại của Ngân hàng Thế giới như đã nói trên.

Tuy nhiên, ở Việt Nam, cách hiểu về doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng có những điểm khác so với các nước trên thế giới. Ví dự như ở các nước châu Âu hoặc Mỹ, doanh nghiệp có một vài ngàn công nhân và nhân viên hoặc quy mô vốn vài chục triệu USD cũng được xem là doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong khi có khi doanh nghiệp không có nhiều công nhân do đặc thù ngành vẫn được xem là các doanh nghiệp lớn. Ví dụ như các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nano, công nghệ cao không nhất thiết phải có đông nhân viên và công nhân.

Chính sách đòn bẩy tài chính tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam - thực trạng và giải pháp - 4

1.2. Đặc điểm của doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam

1.2.1. Đặc điểm về cấu trúc doanh nghiệp

Phần lớn doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam là công ty cổ phần hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn với cấu trúc doanh nghiệp khá đơn giản, gọn nhẹ và linh hoạt. Số lượng nhân viên ít khiến cho bộ máy quản lý được tinh giảm rất nhiều, điều đó giúp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam khá năng động và nhạy bén với sự phát triển và biến động của thị trường. Một người quản lý trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam có thể phải đảm nhận nhiều nhiệm vụ khác nhau nên khả năng bao quát và hiểu những vấn đề trong doanh nghiệp khá cao. So với những bộ máy quản lý nhiều tầng, công kềnh của các tập đoàn lớn, việc ra quyết định kinh doanh của các doanh nghiệp vừa và nhỏ không cần phải qua nhiều cấp nên khi gặp một vấn đề gì, doanh nghiệp sẽ nhanh chóng có biện pháp xử lý. Với đặc điểm cấu trúc doanh nghiệp như vậy, có thể nói doanh nghiệp vừa và nhỏ là những doanh nghiệp bám sát thị trường nhất, và có thể điều chỉnh phương hướng kinh doanh với tốc độ nhanh nhất. Tuy nhiên, việc không có sự chuyên môn hóa và phân cấp trong việc quản lý doanh nghiệp cũng dẫn đến nhiều vấn đề

cho doanh nghiệp như quản lý chồng chéo, có thể người ra quyết định lại không phải là người chuyên sâu vào lĩnh vực, vấn đề đó.

1.2.2. Đặc điểm về vốn

Doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam có nguồn vốn rất hạn chế. Theo điều tra thì số lượng doanh nghiệp có số vốn dưới 5 tỷ đồng tại Việt Nam chiếm một tỷ lệ rất cao, chiếm hơn ¾ tổng số doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí tỷ lệ doanh nghiệp có vốn đăng ký dưới 1 tỷ đồng vẫn còn rất cao. Đa số đó là những doanh nghiệp tư nhân, hộ gia đình làm kinh tế. Do vậy, việc mở rộng quy mô đầu tư và đổi mới thiết bị công nghệ chủ yếu được thực hiện bằng một phần nhỏ vốn tự có và phần còn lại là vốn vay mượn từ cách nguồn khác nhau trong xã hội như từ ngân hàng, các tổ chức tín dụng - tài chính và thậm chí là từ vay mượn bạn bè, người thân hoặc các tổ chức phi tín dụng trong xã hội. Theo số liệu thống kê thì việc sử dụng các nguồn vốn tín dụng không chính thức của các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam chiếm một tỷ lệ không nhỏ.

Bên cạnh đó, khi nghiên cứu về doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam, ta thấy các doanh nghiệp này phần lớn hướng vào những lĩnh vực sản xuất phục vụ trực tiếp đời sống người dân, những sản phẩm có sức mua cao, có dung lượng thị trường lớn để dễ dàng huy động được các nguồn lực xã hội và các nguồn vốn còn tiểm ẩn trong dân. Hoặc các doanh nghiệp này hướng vào những lĩnh vực không yêu cầu vốn cố định và lưu động lớn như lĩnh vực dịch vụ để doanh nghiệp không quá phụ thuộc vào các nguồn tài trợ bên ngoài nếu thị trường vốn gặp khó khăn.

Với qui mô vốn nhỏ và chi phí hoạt động không cao, thêm vào đó là những ưu đãi cũng như thuận lợi từ việc quản lý điều hành của Nhà nước nên việc hình thành các doanh nghiệp vừa và nhỏ rất dễ dàng và nhanh chóng.

1.2.3. Đặc điểm về lao động

Theo quy định, doanh nghiệp vừa và nhỏ là những doanh nghiệp có số lao động dưới 300 người. Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay, số doanh nghiệp

có số lao động dưới 50 người chiếm tỷ lệ đa số từ 85-90%, đặc biệt trong đó tỷ lệ doanh nghiệp có số lao động từ 5-9 người chiếm hơn 50% trên tổng số doanh nghiệp. Số doanh nghiệp có số lao động từ 50 đến 300 người chiếm một tỷ lệ không đáng kể 7.

Phần lớn các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam sử dụng nhiều lao động giản đơn, trình độ tay nghề không cao, đa số là sử dụng lao động hộ gia đình, thuê và tuyển dụng tại các tỉnh, địa phương. Theo thống kê thì số lượng lao động phổ thông hoặc lao động chưa qua đào tạo tại các doanh nghiệp này luôn chiếm một tỷ lệ cao.

Đội ngũ quản lý tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ còn yếu kém về trình độ, kỹ năng quản lý, chủ yếu quản lý doanh nghiệp dựa vào kinh nghiệm chứ không phải là dựa vào chuyên môn đã được đào tạo. Số liệu của một cuộc nghiên cứu chỉ ra rằng mặc dù nằm trong cấp quản lý doanh nghiệp nhưng số nhân viên ở trình độ đại học chỉ chiếm một tỷ lệ không đáng kể, còn trình độ trên đại học thì có thể nói là rất hiếm.

Một nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư với hơn 63.000 doanh nghiệp trên cả nước cho thấy 43% chủ doanh nghiệp có trình độ trung cấp trở xuống. Với trình độ này, việc tiếp cận và tìm hiểu các công cụ quản lý đối với chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ rất khó khăn. Có tới 63% doanh nghiệp không tuyển dụng được người tài và 55% trong tổng số doanh nghiệp được hỏi cho biết gặp khó khăn trong việc giữ chân người tài vì đa số người lao động có trình độ cao ở Việt Nam đều có tâm lý muốn làm việc trong những công ty lớn và có thu nhập cao.

Với thực tế như trên, các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn trong việc phát triển thương hiệu và nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường.

1.2.4. Đặc điểm về ngành nghề

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ bao gồm chủ yếu là công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần của khu vực tư nhân tập trung vào một số lĩnh vực như chế biến nông - lâm - thủy - hải sản, gia công may mặc, sản xuất giày dép, linh kiện thiết bị điện tử, làm ủy thác cho các doanh nghiệp lớn hoặc gia công cho các công ty nước ngoài.

Một thực tế nữa là các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam thường hoạt động trong lĩnh vực thương mại - dịch vụ, vì đây là ngành có vòng quay vốn nhanh, lợi nhuận cao, không cần vốn đầu tư lớn vào tài sản cố định, sử dụng ít lao động. Nhìn chung, các doanh nghiệp thương mại - dịch vụ hoạt động hiệu quả hơn các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp.

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ phần lớn tập trung ở các thành phố lớn, các vùng kinh tế trọng điểm vì ở đó có thị trường lớn, sức cầu cao, kết cấu hạ tầng phát triển, điều kiện giao thông vận tải thuận lợi và khả năng tiếp cận với các nguồn vốn cao hơn.

1.2.5. Đặc điểm về máy móc thiết bị, công nghệ khoa học kỹ thuật

Do qui mô vốn nhỏ nên khả năng đầu tư trang bị máy móc thiết bị và các công nghệ hiện đại tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam rất hạn chế. Năng lực ứng dụng công nghệ trong sản xuất, kinh doanh và quản lý của các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng rất yếu kém. Điều này được thể hiện ở mức độ đầu tư vào tài sản cố định của các doanh nghiệp dân doanh chiếm một tỷ lệ thấp so với các thành phần kinh tế khác. Tỷ lệ này có tăng qua các năm, nhưng còn ở mức thấp chỉ khoảng từ 8-21%. Do công nghệ lạc hậu và không được đổi mới, khả năng sản xuất cũng như chất lượng sản phẩm của các doanh nghiệp vừa và nhỏ bị hạn chế rất nhiều. Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới hiệu quả sản xuất, vị thế trên thị trường trong nước và cơ hội thâm nhập vào thị trường thế giới của các doanh nghiệp.

Mặc dù số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ tăng mạnh trong những năm qua, nhưng nhìn chung, các doanh nghiệp vừa và nhỏ chủ yếu vẫn hoạt động trong những ngành thâm dụng lao động, chi phí cao, năng suất và hiệu quả thấp, tỷ suất lợi nhuận bình quân không cao, khả năng tích lũy vốn thấp...

2. Tầm quan trọng của đòn bẩy tài chính đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam

2.1. Bổ sung nguồn vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam

Như đã biết, các doanh nghiệp vừa và nhỏ theo quy định của Việt Nam là những doanh nghiệp có vốn đăng ký dưới 10 tỷ đồng, nhưng tại Việt Nam, số doanh nghiệp có số vốn dưới 5 tỷ đồng chiếm một tỷ lệ khá cao. Trong quá trình hoạt động, các doanh nghiệp này luôn gặp khó khăn về vốn sản xuất kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp phải bỏ qua rất nhiều đơn hàng giá trị vì không đủ vốn để tài trợ cho các hoạt động sản xuất kinh doanh. Đó là một thực tế thường gặp ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam.

Khi sử dụng đòn bẩy tài chính, nghĩa là các doanh nghiệp này đã sử dụng các nguồn vốn đi vay để tài trợ cho các hoạt động sản xuất kinh doanh, hoặc các dự án của mình. Việc này, trước hết sẽ giải quyết được vấn đề thiếu vốn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, thêm vào đó, đòn bẩy tài chính sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp tăng tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu.

2.2. Nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp vừa và nhỏ

Thứ nhất, khi sử dụng đòn bẩy tài chính, nghĩa là doanh nghiệp đã tận dụng được nguồn vốn từ bên ngoài để phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của mình.

Thứ hai, khi sử dụng đòn bẩy tài chính, các doanh nghiệp sẽ phải trả các chi phí tài chính cho các khoản nợ đã huy động đó. Như vậy, khi tính đến phương án tài trợ vốn sản xuất kinh doanh bằng vay nợ, doanh nghiệp sẽ phải

tính toán sao cho lợi nhuận trước thuế phải cao hơn chi phí lãi vay phải trả thì doanh nghiệp mới có thể duy trì được hoạt động sản xuất kinh doanh và có khả năng mang lại thu nhập cao hơn cho chủ sở hữu hoặc các cổ đông. Hơn thế nữa, muốn huy động được các nguồn tài trợ tài chính từ bên ngoài, doanh nghiệp phải có những dự án kinh doanh thật hấp dẫn và tiềm năng. Do đó, việc sử dụng đòn bẩy tài chính sẽ buộc các doanh nghiệp tự nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của mình để thu hút các nhà đầu tư bỏ tiền vào các dự án kinh doanh.

2.3. Nâng cao uy tín của các doanh nghiệp vừa và nhỏ

Đặc điểm của các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam chính là nguồn vốn hoạt động rất thấp, khả năng quản lý của lãnh đạo yếu kém, trình độ người lao động thấp, máy móc thiết bị lạc hậu nên chất lượng sản phẩm dich vụ không cao. Điều đó làm cho uy tín của các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên thị trường không cao, thậm chí các ngân hàng đôi lúc cũng không tin tưởng vào năng lực cũng như uy tín của các doanh nghiệp này. Tuy nhiên, nếu sử dụng đòn bẩy tài chính hiệu quả, doanh nghiệp đã mang lại thu nhập cao hơn cho các chủ sở hữu hoặc các cổ đông thường, do đó sẽ tạo được niềm tin và uy tín với các nhà đầu tư và các tổ chức cho vay.

Bên cạnh đó, nếu sử dụng đòn bẩy tài chính thì doanh nghiệp vừa và nhỏ có cơ hội để thay đổi trang thiết bị, máy móc, công nghệ trong sản xuất kinh doanh; do đó chất lượng sản phẩm, dịch vụ sẽ được tăng lên, người tiêu dùng sẽ tin tưởng vào sản phẩm của doanh nghiệp đó.

Hơn thế nữa, doanh nghiệp muốn vay được vốn từ các ngân hàng thương mại hay các tổ chức tín dụng thì phải minh bạch hóa tình hình tài chính, phải có dự án khả thi, phải đảm bảo các yêu cầu về tài sản nên nó cũng phần nào cho thấy uy tín và vị trí của doanh nghiệp trên thị trường.

Ngày đăng: 30/04/2022