Chế định người bào chữa trong Luật tố tụng hình sự Việt Nam - Lý luận và thực tiễn áp dụng trên địa bàn tỉnh Hải Dương - 3

các tiêu chuẩn, điều kiện do pháp luật qui định, được CQTHTT cấp giấy chứng nhận, tham gia tố tụng theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức để chứng minh sự vô tội hoặc làm giảm nhẹ TNHS của người bị bắt, NBTG, bị can, bị cáo, người bị kết án và giúp đỡ các chủ thể đó về mặt pháp lý trong các vụ án hình sự nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ”.

Từ hai khái niệm chế định pháp luật và khái niệm NBC, có thể đưa ra khái niệm khoa học về chế định NBC như sau: “Chế định NBC trong luật TTHS Việt Nam là tập hợp các quy phạm pháp luật điều chỉnh nhóm các quan hệ xã hội liên quan tới NBC, trong đó có chủ thể bào chữa, đối tượng bào chữa, quyền và nghĩa vụ của NBC”.

1.1.2. Chủ thể bào chữa

Một là, Luật sư

Luật sư là người có đủ điều kiện hành nghề theo qui định của pháp luật, tham gia tố tụng theo yêu cầu của cá nhân, tổ chức [45, Điều 2] nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức đó theo qui định của pháp luật. Hoạt động bào chữa của LS có tính chất chuyên nghiệp [58, tr. 137]. Tiêu chuẩn để trở thành LS phải: là công dân Việt Nam trung thành với Tổ quốc, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt, có bằng Cử nhân Luật, đã được đào tạo nghề LS, đã qua thời gian tập sự hành nghề LS, có sức khỏe bảo đảm hành nghề LS [45, Điều 10]. Người có đủ tiêu chuẩn nói trên muốn được hành nghề LS phải có Chứng chỉ hành nghề LS và gia nhập một Đoàn LS [45, Điều 11]. LS có thể tham gia TTHS với tư cách NBC theo hợp đồng dịch vụ pháp lý hoặc theo yêu cầu của CQTHTT.

- Với tư cách là NBC theo hợp đồng dịch vụ pháp lý: Tại Điều 26 Luật LS năm 2006 qui định: LS thực hiện dịch vụ pháp lý theo hợp đồng dịch vụ pháp lý, trừ trường hợp LS tham gia tố tụng theo yêu cầu của CQTHTT và LS hành nghề với tư cách cá nhân làm việc theo hợp đồng lao động cho cơ quan,

tổ chức. NBTG, bị can, bị cáo có thể làm giấy trực tiếp yêu cầu và ký hợp đồng với LS mà mình chọn. Đối với NBTG, bị can, bị cáo không thể gặp trực tiếp LS, thì người thân thích của họ có thể làm giấy yêu cầu LS và ký hợp đồng dịch vụ pháp lý với LS. Trong những trường hợp này nhất thiết phải có sự đồng ý của NBTG, bị can, bị cáo. Nếu NBTG, bị can, bị cáo đồng ý lựa chọn NBC, CQTHTT xem xét, cấp Giấy chứng nhận NBC cho LS để thực hiện việc bào chữa [45, Điều 27];

- Với tư cách là NBC theo yêu cầu của CQTHTT: Tại khoản 2 Điều 57 BLTTHS năm 2003 qui định: trong một số trường hợp bắt buộc nếu bị can, bị cáo hoặc người đại diện hợp pháp của họ không mời NBC thì CQĐT, VKS hoặc TA phải yêu cầu Đoàn LS phân công Văn phòng LS cử NBC cho họ. Đó là những trường hợp: Bị can, bị cáo về tội theo khung hình phạt có mức cao nhất là tử hình được qui định tại Bộ luật Hình sự; Bị can, bị cáo là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất.

Hai là, người đại diện hợp pháp của NBTG, bị can, bị cáo

Người đại diện hợp pháp của NBTG, bị can, bị cáo theo qui định của BLTTHS năm 2003 cũng là một chủ thể bào chữa nhưng kể từ khi ban hành BLTTHS năm 1988 đến nay chưa có một văn bản quy phạm pháp luật nào khái niệm về dạng chủ thể bào chữa này. Năm 1988 có một văn bản pháp luật gián tiếp qui định người đại diện hợp pháp của bị cáo đó là Thông tư liên ngành số 01/TTLN ngày 18/12/1988 của TA nhân dân tối cao - VKS nhân dân tối cao qui định: Đại diện hợp pháp của bị cáo chưa thành niên là bố mẹ hoặc người đỡ đầu của họ [54, tr.137]. Tuy nhiên, mới chỉ qui định người đại diện hợp pháp của bị cáo mà không bao gồm người đại diện của NBTG, bị can và chỉ qui định người đại diện đối với bị cáo chưa thành niên mà không phải là bị can, bị cáo thuộc những trường hợp khác như: người có nhược điểm

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 125 trang tài liệu này.

về thể chất hoặc tâm thần. Tại Hội nghị tổng kết ngành TA năm 1991, Chánh án TA nhân dân tối cao khẳng định:

Người thân thích của bị cáo không phải là NBC, nhưng thực tiễn cho thấy có những vấn đề, những tình tiết thuộc về vụ án, thuộc về nhân thân của bị cáo thì chỉ có người thân thích mới thấu hiểu và nắm bắt được một cách tường tận và do đó họ có thể giúp cho HĐXX cân nhắc việc xử lý được chính xác hơn, bảo đảm việc xét xử của TA được đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Do đó, người thân thích của bị cáo có quyền làm NBC cho bị cáo [55, tr.138].

Chế định người bào chữa trong Luật tố tụng hình sự Việt Nam - Lý luận và thực tiễn áp dụng trên địa bàn tỉnh Hải Dương - 3

Nội dung hướng dẫn trên chứa đựng sự mâu thuẫn khi khẳng định người thân thích của bị cáo không phải là NBC nhưng sau đó lại cho phép người thân thích của bị cáo có quyền tham gia TTHS để bào chữa cho bị cáo. Hơn nữa, hướng dẫn này không làm rõ người thân thích của bị cáo là ai [2]. Một số qui định khác trong BLTTHS hiện hành và Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán TA nhân dân tối cao có nhắc tới người đại diện hợp pháp của NBTG, bị can, bị cáo [43, Điều 231]; [33, điểm 1 Mục I] nhưng vẫn không qui định cụ thể hoặc khái niệm người đại diện hợp pháp cho NBTG, bị can, bị cáo.

Hiện nay, trong khoa học pháp lý và thực tiễn TTHS vẫn tồn tại các quan điểm khác nhau về người đại diện hợp pháp của NBTG, bị can, bị cáo dẫn đến cách áp dụng khác nhau trên thực tế. Có quan điểm cho rằng người đại diện hợp pháp của NBTG, bị can, bị cáo là người đại diện theo pháp luật. Nhưng cũng có quan điểm cho rằng người đại diện hợp pháp của NBTG, bị can, bị cáo có thể là người đại diện theo pháp luật hoặc đại diện theo ủy quyền.

Đối với người đại diện hợp pháp của NBTG, bị can, bị cáo, BLTTHS năm 2003 không quy định cụ thể là những người nào nhưng theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 chỉ có người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự mới có người đại diện hợp pháp đương nhiên (nếu không,

phải có ủy quyền hợp pháp). Tuy nhiên, rất hiếm hoặc có thể nói chưa có trường hợp nào cha, mẹ hay người giám hộ của người chưa thành niên, người có nhược điểm về thể chất hoặc tâm thần được tham gia bào chữa, đặc biệt từ giai đoạn điều tra bởi lẽ họ sẽ vừa mang tư cách của người đại diện, người giám hộ, vừa mang tư cách của NBC. Trường hợp nếu người đại diện hợp pháp của NBTG, bị can, bị cáo là người đại diện theo pháp luật và đại diện trong trường hợp NBTG, bị can, bị cáo là người người chưa thành niên, người có nhược điểm về thể chất hoặc tâm thần nếu họ không tham gia tố tụng với tư cách NBC thì họ cũng có những quyền như NBTG, bị can, bị cáo, khi đó họ tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện hợp pháp, nếu tham gia tố tụng với tư cách là NBC thì họ có quyền và nghĩa vụ như đối với NBC. Và liệu họ có thể được đọc hồ sơ vụ án, gặp người đang bị tạm giữ, tạm giam... như một LS bào chữa hay không? Quy định người đại diện hợp pháp tham gia bào chữa chỉ mang tính hình thức và không khả thi.

Ba là, Bào chữa viên nhân dân

Chế định BCVND ở Việt Nam ra đời trên cơ sở Sắc lệnh số 69/SL ngày 18/6/1949, Nghị định số 01/NĐ-VY ngày 12/01/1950 của Bộ Tư pháp quy định rõ tiêu chuẩn đối với BCVND phải: Có quốc tịch Việt Nam, không phân biệt đàn ông hay đàn bà; Từ 21 tuổi trở lên; có hạnh kiểm tốt, chưa can án. Theo đó, cũng qui định những trường hợp không được cử làm BCVND để tránh tình trạng xét xử không vô tư, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của bị can, bị cáo: Các nhân viên Ủy ban kháng chiến khu hay tỉnh, Thẩm phán xử án hay buộc tội, các Lục sự và Thư ký thuộc quản hạt TA đang xét xử, các Trưởng ty, Phó Trưởng ty Công an thuộc tỉnh mà việc của đương sự đang mang ra xét xử. Trong suốt thời gian dài (từ năm 1949 đến năm 1987) BCVND đã giữ một vai trò quan trọng trong TTHS. Tuy nhiên, từ năm 1989 đến nay, khi các Đoàn LS được khôi phục ở các địa phương thì các Đoàn bào

chữa đã giải thể và chấm dứt hoạt động, do đó chức danh BCVND chỉ tồn tại trên “phương diện pháp lý”. Hiện nay, BLTTHS hiện hành chưa quy định khái niệm, điều kiện, tiêu chuẩn, thẩm quyền, trình độ cũng như chức năng của BCVND và trong thực tế hoạt động, BCVND không được tổ chức thành một hệ thống, trong khi xã hội có nhiều người có kiến thức pháp lý và kinh nghiệm bào chữa nhưng chưa được kết nạp vào Đoàn LS và họ được NBTG, bị can, bị cáo nhờ bào chữa. Trường hợp như vậy có được gọi là BCVND không? Pháp luật TTHS chưa qui định đối với trường hợp này. Do đó, mỗi nơi thực hiện khác nhau. Hiện nay, chưa quy định cụ thể điều kiện để BCVND được cấp Giấy chứng nhận NBC, thực tế có không ít BCVND không am hiểu pháp luật, họ bào chữa cho thành viên của tổ chức mình nhưng bản thân cũng không hiểu việc bào chữa đó có đúng pháp luật không. Còn người được bào chữa cũng không biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình có được đảm bảo không nếu BCVND đứng ra bào chữa cho mình? Họ khó từ chối vì họ là thành viên của tổ chức đó.

Căn cứ vào hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán TA nhân dân tối cao tại Nghị quyết số 03/2004/NQ-HĐTP ngày 02/10/2004 về quy định tại khoản 2 Điều 57 BLTTHS năm 2003 thì một người được coi là BCVND khi người đó được Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức thành viên của Mặt trận cử NBC cho thành viên của tổ chức mình.

Theo qui định tại Khoản 1 Điều 6 Thông tư 70/2011/TT-BCA ngày 10/10/2011 của Bộ Công an thì thủ tục cấp Giấy chứng nhận NBC đối với BCVND là phải có giấy tờ chứng minh là thành viên của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức thành viên của Mặt trận cử đến; Giấy Giới thiệu của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức thành viên của Mặt trận nơi NBTG, bị can là thành viên. Như vậy, nếu hiểu theo qui định của BLTTHS năm 2003 và Thông tư 70 thì chúng ta có thể hiểu BCVND cũng chính là

thành viên của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, hoặc tổ chức thành viên của Mặt trận, phạm vi tham gia bào chữa hẹp hơn so với NBC là LS (họ chỉ tham gia bào chữa cho NBTG, bị can, bị cáo là thành viên của tổ chức mình). BCVND tham gia TTHS trong trường hợp theo yêu cầu của CQTHTT hoặc do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức thành viên của Mặt trận cử để bào chữa cho NBTG, bị can, bị cáo là thành viên của tổ chức mình.

Bốn là, Trợ giúp viên pháp lý

Trợ giúp viên pháp lý là viên chức nhà nước, làm việc tại Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước, được Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh cấp thẻ Trợ giúp viên pháp lý theo đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp [46, Điều 22]. Trợ giúp viên pháp lý là người được Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước cử và CQTHTT chấp nhận thì được tham gia TTHS với tư cách là NBC.

Chế định Trợ giúp viên pháp lý là một chế định hoàn toàn mới, lần đầu tiên xuất hiện trong Luật Trợ giúp pháp lý năm 2006, chưa được qui định trong BLTTHS năm 2003. Chế định Trợ giúp viên pháp lý ra đời thể hiện tính ưu việt, nhân văn của chế độ ta nhằm giúp cho người nghèo, đối tượng chính sách, những người yếu thế trong xã hội được quyền bình đẳng trong việc tiếp cận, sử dụng pháp luật, được mời NBC miễn phí nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Theo Luật Trợ giúp pháp lý năm 2006, Trợ giúp viên pháp lý tham gia tố tụng với tư cách người đại diện hợp pháp của NBTG, bị can, bị cáo để thực hiện việc bào chữa.

Năm là, NBTG, bị can, bị cáo

Bên cạnh bốn chủ thể bào chữa trên, theo qui định của BLTTHS năm 2003, chủ thể bào chữa còn bao gồm: NBTG, bị can, bị cáo vì tại Điều 11, điểm d Khoản 2 Điều 48, điểm e khoản 2 Điều 49, điểm e khoản 2 Điều 50 BLTTHS năm 2003 thì NBTG, bị can, bị cáo có quyền tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa. So với BLTTHS năm 1988, BLTTHS năm 2003 mở

rộng hơn quyền bào chữa của bị cáo đặc biệt là quyền “trình bày ý kiến tranh luận tại phiên tòa” được nhấn mạnh tại điểm g khoản 2 Điều 50.

Về chủ thể bào chữa là NBTG, bị can, bị cáo có ý kiến cho rằng các chủ thể thực hiện chức năng bào chữa bao gồm: NBTG, bị can, bị cáo; NBC, bị đơn dân sự; người đại diện hợp pháp và người bảo vệ quyền lợi của họ [3]. NBTG, bị can, bị cáo là chủ thể của một bên tranh tụng, họ là người bị buộc tội trực tiếp, họ có quyền nhưng không buộc phải chứng minh mình vô tội [43, Điều 10]. Khi tham gia tố tụng để bào chữa cho sự vô tội hoặc làm giảm nhẹ TNHS cho bản thân, đồng thời những lý lẽ họ đưa ra cũng là chứng cứ quan trọng cho việc xác định sự thật khách quan của vụ án. Chỉ có họ là người đã thực hiện hoặc không thực hiện hành vi phạm tội nên mới hiểu chính xác, đầy đủ những tình tiết có hoặc không liên quan đến vụ án. Do đó, sự tham gia tố tụng với tư cách là một chủ thể bào chữa (tự bào chữa) thì họ mới thực hiện quyền bào chữa một cách khách quan, toàn diện và chính xác nhất. Mặc dù vậy, nhưng đa số các chủ thể này là những người có nhận thức pháp luật hạn chế nên việc tự bào chữa gặp nhiều khó khăn, không ít trường hợp làm tăng nặng hành vi do mình thực hiện. Do đó, cần thiết phải có người trợ giúp về mặt pháp lý để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho họ đó là NBC.

1.1.3. Đối tượng bào chữa

Theo qui định của BLTTHS hiện hành thì đối tượng bào chữa bao gồm: NBTG, bị can, bị cáo. Những đối tượng này vừa là chủ thể bào chữa vừa là đối tượng bào chữa. Là chủ thể bào chữa khi họ tự bào chữa trước các CQTHTT, là đối tượng bào chữa khi họ nhờ người khác bào chữa.

* Người bị tạm giữ:

NBTG là một trong những đối tượng bào chữa mà chủ thể bào chữa hướng tới. NBTG là người bị bắt trong trường hợp khẩn cấp, phạm tội quả tang, người bị bắt theo quyết định truy nã hoặc người phạm tội tự thú, đầu thú. NBTG có quyền tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa [43, Điều 48].

NBTG là người đã có quyết định tạm giữ. NBTG có thể là người chưa bị khởi tố về hình sự, đó là những người bị bắt trong trường hợp khẩn cấp hoặc phạm tội quả tang, trường hợp người phạm tội tự thú trước khi hành vi phạm tội bị phát hiện và khởi tố, đã có quyết định tạm giữ. Mặc dù chưa bị khởi tố về hình sự nhưng trên thực tế, NBTG vẫn phải chịu sự cưỡng chế của cơ quan tạm giữ. Họ bị hạn chế quyền tự do, bị buộc phải khai báo hoặc trả lời các câu hỏi của cán bộ điều tra. Vì vậy, pháp luật TTHS coi NBTG là người tham gia tố tụng, có các quyền và nghĩa vụ tố tụng nhất định. NBTG cũng có thể là người đã bị khởi tố về hình sự. Bị can, bị cáo, người bị kết án, người đang chấp hành án, nếu bị bắt theo quyết định truy nã hoặc ra đầu thú và đã có quyết định tạm giữ đối với họ thì cũng là NBTG. Trong thời hạn tạm giữ thì họ cũng có quyền và nghĩa vụ của NBTG [58, tr.118-119].

Đối với NBTG, chúng ta chưa thể xác định chắc chắn rằng họ là người có tội bởi họ chỉ là người bị nghi thực hiện tội phạm. Do đó, việc bắt giữ những người bị nghi thực hiện tội phạm dễ dẫn tới tình trạng oan, sai, bắt giữ người không đúng tội, không đúng pháp luật. Nhiều trường hợp CQTHTT chưa tìm ra chứng cứ để chứng minh cho hành vi phạm tội của người bị nghi thực hiện tội phạm nhưng vẫn bắt giữ và hợp thức hóa hồ sơ bằng cách xác định người đó là người phạm tội tự thú hoặc đầu thú. Kể cả trong trường hợp họ ra tự thú hoặc đầu thú cũng chưa chắc đã phải là người thực hiện hành vi phạm tội, bởi thực tế có rất nhiều trường hợp họ nhận tội thay người khác. Vì vậy, sự tham gia của NBC là hết sức cần thiết nhằm giúp NBTG xác định được những chứng cứ chứng minh họ không thực hiện tội phạm, không liên quan đến sự việc là lý do bắt giữ họ hoặc làm giảm TNHS đối với họ. Khi đó NBTG trở thành đối tượng bào chữa. Đây là qui định mới của BLTTHS năm 2003 so với BLTTHS năm 1988 nhằm đảm bảo quyền của NBTG trong TTHS.

Xem toàn bộ nội dung bài viết ᛨ

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 24/12/2022