năm 2014 quy định về nghĩa vụ cấp dưỡng giữa vợ và chồng khi ly hôn như sau: “Khi ly hôn nếu bên khó khăn, túng thiếu có yêu cầu cấp dưỡng mà có lý do chính đáng thì bên kia có nghĩa vụ cấp dưỡng theo khả năng của mình” [24, Điều 115]. Như vậy, có thể hiểu một trong những điều kiện để phát sinh nghĩa vụ cấp dưỡng giữa vợ và chồng khi ly hôn là một bên có khó khăn, túng thiếu có yêu cầu cấp dưỡng mà có lý do chính đáng. Theo đó, người có yêu cầu cấp dưỡng phải là người có khó khăn, túng thiếu và có lý do chính đáng. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành chưa quy định cụ thể vấn đề này, không quy định thế nào là khó khăn, túng thiếu có lý do chính đáng. Do vậy, khi giải quyết các tình huống trong thực tế người áp dụng pháp luật sẽ gặp khó khăn do thiếu căn cứ pháp lý nên trong nhiều trường hợp người có yêu cầu cấp dưỡng tự do yêu cầu việc cấp dưỡng và việc xét xử nhiều trường hợp khác nhau nhưng tương tự nhau lại không được giải quyết một cách nhất quán.. Sự túng thiếu, khó khăn được đề cập ở đây phải là sự túng thiếu , khó khăn thất sự và có lý do chính đáng như ốm đau, bệnh tật, tai nạn…Nếu có khó khăn, túng thiếu thật sự nhưng vì những lý do không chính đáng như nghiện hút, cờ bạc… thì cũng không được cấp dưỡng.
- Người cấp dưỡng phải có khả năng cấp dưỡng.
Về nguyên tắc, giữa cha mẹ và con phải có nghĩa vụ cấp dưỡng cho nhau khi một bên gặp khó khăn, túng thiếu hoặc là con chưa thành niên, con đã thành niên nhưng không có khả năng lao động. Song nghĩa vụ cấp dưỡng chỉ có thể thực hiện được khi người có nghĩa vụ có khả năng kinh tế. Điều 16
- Nghị định số 70/2001/NĐ - CP ngày 03/10/2001 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 (sau đây gọi là Nghị định số 70/2001/NĐ - CP) (hiện nay, chưa có Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014) quy định: “Người có khả năng thực tế để thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng là người có thu nhập thường xuyên hoặc tuy không có thu nhập thường xuyên nhưng còn tài sản sau khi đã trừ đi chi phí
thông thường cần thiết cho cuộc sống của người đó” [3, Điều 16]. Như vậy, đánh giá khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng có thể dựa vào hai yếu tố: Thu nhập thường xuyên và tài sản hiện có hoặc một người tuy không có thu nhập thường xuyên nhưng lại còn tài sản sau khi đã trừ đi chi phi cần thiết cho bản thân thì cũng được coi là có khả năng để thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng. Theo Điều 56 và Điều 92 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 thì khi ly hôn cha mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con và theo Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao số 02/2000/NQ - HĐTP ngày 23/12/2000 hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 (Sau đây gọi là Nghị quyết số 02/2000/NQ – HĐTP) quy định:
Đây là nghĩa vụ của cha mẹ do đó không phân biệt người trực tiếp nuôi con có khả năng kinh tế hay không, người không trực tiếp nuôi con vẫn phải có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con. Trong trường hợp người trực tiếp nuôi con không yêu cầu người không trực tiếp nuôi con cấp dưỡng vì lý do nào đó thì Tòa án cần giải thích cho họ hiểu rằng việc yêu cầu cấp dưỡng nuôi con là quyền lợi của con, nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con. Nếu xét thấy việc họ không yêu cầu cấp dưỡng là tự nguyện, họ có đầy đủ khả năng, điều kiện nuôi con thì Toà án không buộc bên kia phải cấp dưỡng nuôi con [9, mục 11].
Theo những quy định trên thì người không trực tiếp nuôi con phải có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con. Đây là nghĩa vụ của bậc làm cha mẹ, dù họ không thể tiếp tục cuộc sống vợ chồng nhưng không phải vì thế mà mối quan hệ giữa họ với con cái bị cắt đứt. Họ vẫn phải thực hiện trách nhiệm “nuôi dưỡng” dưới dạng “cấp dưỡng” nhằm đảm bảo cho con cái họ được bù đắp sự hụt hẫng về mặt tinh thần và đảm bảo cuộc sống tối thiểu của con họ. Tuy
nhiên, trong trường hợp con có quyền được cha mẹ cấp dưỡng nhưng cha mẹ lại không có khả năng thực hiện nghĩa vụ đó thì cha, mẹ cũng không phải thực hiện nghĩa vụ (chẳng hạn như trường hợp cha, mẹ bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, mất khả năng lao động và không có tài sản). Trong trường hợp này cha, mẹ, người không trực tiếp nuôi con có thể xin tạm hoãn nghĩa vụ cấp dưỡng cho đến khi họ có khả năng cấp dưỡng. Nhưng Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 cũng như các văn bản hướng dẫn không nói cụ thể thời gian tạm hoãn đến khi nào kết thúc như vậy thì quyền lợi của con cái trong trường hợp này cũng sẽ không được bảo đảm. Hơn nữa pháp luật còn quy định phải căn cứ vào khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng. Tuy nhiên, việc xác định khả năng cấp dưỡng của người có nghĩa vụ cấp dưỡng là một vấn đề nan giải, khó xác định được nhất là đối với những người làm nghề tự do, buôn bán nhỏ… những người có thu nhập bấp bênh, không ổn định.
2.2. Mức cấp dưỡng
Khi đặt ra nghĩa vụ cấp dưỡng, việc đầu tiên là phải xem xét các điều kiện để phát sinh nghĩa vụ này, nếu có đầy đủ các điều kiện thì phải xét đến mức cấp dưỡng. Có thể hiểu mức cấp dưỡng là tiền hoặc một khoản tài sản có giá trị quy đổi được thành tiền mà người có nghĩa vụ cấp dưỡng phải trả cho người được cấp dưỡng để đáp ứng các nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng.
Có thể bạn quan tâm!
- Khái Niệm, Đặc Điểm Và Ý Nghĩa Của Cấp Dưỡng Sau Ly Hôn
- Nội Dung Điều Chỉnh Pháp Luật Về Cấp Dưỡng Sau Ly Hôn
- Điều Kiện Phát Sinh Nghĩa Vụ Cấp Dưỡng
- Vấn Đề Bảo Đảm Thực Hiện Nghĩa Vụ Cấp Dưỡng
- Người Có Quyền Yêu Cầu Thực Hiện Nghĩa Vụ Cấp Dưỡng
- Về Thời Điểm Thực Hiện Nghĩa Vụ Cấp Dưỡng
Xem toàn bộ 100 trang tài liệu này.
Khoản 1 - Điều 53 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 và khoản 1
- Điều 116 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về mức cấp dưỡng như sau:
Mức cấp dưỡng do người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó thỏa thuận căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng; nếu hai bên không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết [24, Điều 116].
Như vậy, mức cấp dưỡng sẽ do người được cấp dưỡng và người cấp dưỡng thỏa thuận, chỉ khi họ không thỏa thuận được thì Tòa án sẽ giải quyết. Việc quyết định mức cấp dưỡng phải căn cứ vào hai điều kiện:
- Thứ nhất, phải căn cứ vào thu nhập thực tế, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng. Thu nhập của người có nghĩa vụ cấp dưỡng bao gồm toàn bộ thu nhập của người đó, gồm có thu nhập theo lương và các khoản thu nhập khác ngoài lương – tức là thu nhập thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng. Trong các trường hợp thu nhập thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng không ổn định thì mức thu nhập của họ được xác định là mức thu nhập bình quân hàng tháng của người đó. Trên cơ sở thu thập, kết hợp với các điều kiện cụ thể khác có thể đánh giá khả năng thực tế của người phải cấp dưỡng. Khả năng thực tế của người phải cấp dưỡng cơ bản phụ thuộc vào thu nhập thực tế của họ (thu nhập do lao động mà có). Bên cạnh đó, họ còn có những thu nhập khác không do lao động mà có như thu nhập do được thừa kế, do trúng xổ số, do được lợi tự nhiên về tài sản.
Theo quy định tại khoản 1 – Điều 16 Nghị định số 70/2001/NĐ-CP thì: “Người có khả năng thực tế thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng quy định tại điều 51, 52 và 53 của Luật Hôn nhân và gia đình là người có thu nhập thường xuyên hoặc tuy không có thu nhập thường xuyên nhưng còn tài sản khi trừ đi chi phí thông thường cần thiết cho cuộc sống của người đó” [3, Điều 16].
Khoản 3 Điều 16 của Nghị định số 70/2001/NĐ-CP quy định:
Trong trường hợp nhiều người cùng cấp dưỡng cho một người mà trong số đó có người có khả năng thực tế và người không có khả năng thực tế để thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định tại Khoản 1 Điều này thì người có khả năng thực tế phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho người được cấp dưỡng theo quy định tại Điều 52 của Luật Hôn nhân và gia đình [3, Điều 16].
Pháp luật quy định mức cấp dưỡng căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người cấp dưỡng để đảm bảo tính khả thi của nghĩa vụ cấp dưỡng, quyền lợi của người được cấp dưỡng.
- Thứ hai, căn cứ vào nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng. Khoản 2 Điều 16 Nghị định số 70/2001/NĐ-CP quy đinh:
Nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng theo quy định tại các điều 51, 52 và 53 của Luật này được xác định căn cứ vào các mức sinh hoạt trung bình tại địa phương nơi người được cấp dưỡng cư trú, bao gồm các chi phí thông thường cần thiết về ăn, ở, mặc, học, khám, chữa bệnh và các chi phí thong thường cần thiết khác để đảm bảo cuộc sống của người được cấp dưỡng [3, Điều 16].
Điều 53 -Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 còn quy định về việc thay đổi mức cấp dưỡng khi có lý do chính đáng và theo thỏa thuận của các bên. Nếu các bên không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết. Việc thay đổi mức cấp dưỡng có thể theo hướng tăng hoặc giảm tùy theo hoàn cảnh cụ thể của người cấp dưỡng. Việc thay đổi mức cấp dưỡng trên cơ sở có lý do chính đáng, lý do đó có thể là người cấp dưỡng hoặc người được cấp dưỡng lâm vào tình trạng khó khăn hơn do bị bệnh tật, tai nạn, không còn việc làm nên không có lương hoặc có thu nhập hợp pháp khác…
2.3. Thời hạn và phương thức thực hiện cấp dưỡng
Thời hạn cấp dưỡng được hiểu là khoảng thời gian thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng giữa vợ chồng, giữa cha mẹ với con khi ly hôn theo thỏa thuận hoặc theo quyết định của Tòa án.
Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 không quy định về thời gian cấp dưỡng khi ly hôn mà tùy theo từng trường hợp, các bên có thể thỏa thuận hoặc Tòa án quyết định thời hạn cấp dưỡng tại Điều 61 – Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 và Điều 118 - Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 về chấm dứt nghĩa vụ cấp dưỡng.
Phương thức thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng được hiểu là hình thức, cách thức nhằm chuyển giao một số tiền hoặc một số hiện vật có số lượng đã được xác định theo thỏa thuận hoặc theo bản án, quyết định của Tòa án từ người cấp dưỡng sang người được cấp dưỡng có thể trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua cơ quan thi hành án.
Điều 50 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định:
Việc cấp dưỡng có thể thực hiện định kì hàng tháng, hàng quý, hàng năm hoặc một lần. Các bên có thể thỏa thuận thay đổi phương thức cấp dưỡng, tạm ngừng cấp dưỡng trong trường hợp người có nghĩa vụ lâm vào tình trạng khó khăn về kinh tế mà không có khả năng thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết [24, Điều 117].
Phương thức thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng được quy định rất linh hoạt, mềm dẻo. Điều đó tạo điều kiện cho các bên dễ dàng thoả thuận lựa chọn cách thức thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng sao cho phù hợp với hoàn cảnh của mình.
Thông thường nghĩa vụ cấp dưỡng được thực hiện theo định kì, nghĩa là nghĩa vụ được thực hiện theo kì hạn đã được định trước một các đều đặn. Nghị định số 70/2001/NĐ - CP quy định:
Người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó thoả thuận về phương thức thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng bằng tiền hoặc tài sản. Nghĩa vụ cấp dưỡng được ưu tiên thực hiện theo phương thức định kì hàng tháng, hàng quý, nửa năm hoặc hàng năm [3, Điều 18, Khoản 1].
Trong trường hợp đặc biệt, nếu người cấp dưỡng có khả năng thực tế và người được cấp dưỡng đồng ý, thì nghĩa vụ cấp dưỡng được thực hiện một
lần. Khoản 2 Điều 18 Nghị định số 70/2001/NĐ - CP, quy định: Việc cấp dưỡng được thực hiện một lần trong các trường hợp sau:
- Do người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của họ thoả thuận với người có nghĩa vụ cấp dưỡng;
- Theo yêu cầu của người có nghĩa vụ và được Toà án chấp nhận;
- Theo yêu cầu của người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó và được Toà án chấp nhận trong trường hợp người có nghĩa vụ cấp dưỡng thường xuyên có hành vi phá tán tài sản hoặc trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng mà hiện có tài sản để thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng;
- Theo yêu cầu của người trực tiếp nuôi con khi vợ chồng ly hôn mà có thể trích từ phần tài sản của bên có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.
Quy định này phù hợp với điều kiện kinh tế hiện nay, góp phần bảo vệ thiết thực quyền lợi của người được cấp dưỡng, ngăn chặn hành vi phá tán tài sản, trốn tránh, trì hoãn… thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng của người có nghĩa vụ, đồng thời bảo đảm việc thi hành nghĩa vụ cấp dưỡng nhanh, gọn, hiệu quả.
Như vậy, những quy định này nhằm đảm bảo cho người được cấp dưỡng có thể có được cuộc sống vật chất ổn định trong những điều kiện tối thiểu trong suốt thời kỳ được cấp dưỡng mà không phải lo lắng về việc người có nghĩa vụ cấp dưỡng tìm cách trốn tránh, trì hoãn thực hiện nghĩa vụ đồng thời bảo đảm việc thi hành nghĩa vụ cấp dưỡng nhanh gọn, có hiệu quả. Số tiền cấp dưỡng một lần, trong chừng mực nào đó, mang ý nghĩa của việc trợ cấp trọn gói. Chuyển giao số tiền trợ cấp trọn gói, người có nghĩa vụ trên nguyên tắc coi như đã hoàn thành nghĩa vụ cấp dưỡng của mình. Tuy nhiên, bên cạnh đó, nó cũng có những mặt hạn chế mà phần nhiều do người cấp dưỡng phải chịu. Giả sử, sau khi cha mẹ ly hôn, người được cấp dưỡng là con
chưa thành niên nhưng đủ 16 tuổi và dưới 18 tuổi, theo Khoản 2 – Điều 20 – Bộ luật Dân sự năm 2005 thì số tiền cấp dưỡng là tài sản riêng của người con, do đó người con có quyền quản lý. Khi cha mẹ ly hôn, con cái rất dễ rơi vào tâm trạng cô đơn, đau khổ nên việc sử dụng số tiền cấp dưỡng vào những mục đích không tốt hoặc tiêu xài phung phí là điều rất dễ xảy ra. Sau khi hết tiền cấp dưỡng, đứa trẻ lâm vào tình trạng khó khăn, túng thiếu. Thì khi đó, có được xem là lý do chính đáng để cấp dưỡng bổ sung hay không? Điều 19 - Nghị định số 70/2001/NĐ - CP thì:
Trong trường hợp người được cấp dưỡng một lần lâm vào tình trạng khó khăn trầm trọng do bị tai nạn hoặc mắc bệnh hiểm nghèo mà người đã thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng có khả năng thực tế để cấp dưỡng ở mức cao hơn, thì phải cấp dưỡng bổ sung theo yêu cầu của người được cấp dưỡng [3, Điều 19].
Theo điều luật này thì không thể viện dẫn đã sử dụng hết số tiền cấp dưỡng để yêu cầu cấp dưỡng bổ sung. Chính vì vậy, nhằm bảo vệ quyền lợi của người được cấp dưỡng có được cuộc sống vật chất ổn định trong những điều kiện tối thiểu trong suốt thời kỳ được cấp dưỡng mà Nghị định 70/2001/NĐ-CP đã hướng dẫn chi tiết về quản lý số tiền cấp dưỡng một lần:
3. Theo yêu cầu của người có nghĩa vụ cấp dưỡng, khoản cấp dưỡng một lần có thể được gửi tại ngân hàng hoặc được giao cho người được cấp dưỡng, người giám hộ của người được cấp dưỡng quản lý, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
4. Người được giao quản lý khoản cấp dưỡng một lần có trách nhiệm bảo quản tài sản đó như đối với tài sản của chính mình và chỉ được trích để bảo đảm các nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng [3, Điều 18, Khoản 3,4].