3.2.2. Cơ chế quản lý nhân lực khoa học công nghệ
Trong giai đoạn kinh tế thị trường hiện nay, mặc dù các Nghị quyết của Đảng, các văn bản pháp luật luôn quan tâm và đề cao vai trò của nhân tài khoa học, nhưng trên thực tế chúng ta hầu như chưa có chính sách cụ thể nào để thực sự trọng dụng, sử dụng và tôn vinh cán bộ khoa học. Đã đến lúc phải thay đổi tư duy về chính sách đãi ngộ và trọng dụng cán bộ khoa học công nghệ, đây là một vấn đề cấp bách cần được giải quyết kịp thời.
3.2.2.1. Xây dựng quy hoạch phát triển nguồn nhân lực khoa học công nghệ
Quy hoạch phát triển nhân lực khoa học công nghệ phải gắn kết chặt chẽ với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội; đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước trong hiện tại và cả tương lai.
Cần xây dựng quy hoạch đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học trình độ cao thuộc các lĩnh vực khoa học và công nghệ ưu tiên, lĩnh vực then chốt, mũi nhọn. Bên cạnh đó, cần hình thành một mạng lưới tổ chức khoa học công nghệ trong các ngành. Xây dựng Quy hoạch phát triển nhân lực khoa học công nghệ trong từng mốc thời gian cụ thể để có kế hoạch triển khai đào tạo. Thiết lập mối quan hệ ổn định giữa doanh nghiệp - nhà khoa học, bao gồm mạng lưới chuyên gia, để tìm đầu ra cho các sản phẩm khoa học công nghệ. Huy động các nguồn lực khoa học công nghệ thực hiện các sản phẩm quốc gia.
Cần thiết phải có các giải pháp tăng cường chính sách xã hội hóa hoạt động nghiên cứu và phát triển để tăng tỷ lệ nhân lực nghiên cứu ở khu vực ngoài nhà nước.
3.2.2.2. Tiếp tục đẩy mạnh và hoàn thiện các chính sách đãi ngộ, trọng dụng cán bộ khoa học công nghệ
Nhận thức rõ tầm quan trọng của khoa học công nghệ và xuất phát từ tình hình thực tế, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 20 ngày 1/11/2012 về phát triển khoa học công nghệ phục vụ sự nghiệp
Có thể bạn quan tâm!
- Cải cách thể chế khoa học kỹ thuật của Trung Quốc và gợi mở cho Việt Nam - 8
- Thực Trạng Cơ Chế Chính Sách Quản Lý, Phát Triển Khoa Học Công Nghệ Của Việt Nam Trong Những Năm Gần Đây
- Nhân Lực Nc&pt Theo Thành Phần Kinh Tế Và Chức Năng
- Cải cách thể chế khoa học kỹ thuật của Trung Quốc và gợi mở cho Việt Nam - 12
- Cải cách thể chế khoa học kỹ thuật của Trung Quốc và gợi mở cho Việt Nam - 13
Xem toàn bộ 112 trang tài liệu này.
công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Nghị quyết có những nội dung quan trọng liên quan đến phát triển đội ngũ trí thức:
Thứ nhất, cần “xây dựng và thực hiện chính sách đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng, đãi ngộ, tôn vinh đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ; tạo môi trường thuận lợi, điều kiện vật chất để đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ phát triển bằng tài năng và hưởng lợi ích xứng đáng với giá trị lao động sáng tạo của mình”.
Thứ hai, “có chính sách trọng dụng đặc biệt đối với cán bộ khoa học công nghệ đầu ngành, cán bộ khoa học công nghệ được giao nhiệm vụ chủ trì các nhiệm vụ quan trọng của quốc gia, cán bộ khoa học công nghệ trẻ tài năng” (mức lương, nhà ở, bổ nhiệm, giao quyền hạn, chế độ tự chủ tài chính…).
Thứ ba, phải “đổi mới công tác tuyển dụng, bố trí, đánh giá và bổ nhiệm cán bộ khoa học công nghệ. Có chính sách tiếp tục sử dụng cán bộ khoa học công nghệ trình độ cao đã hết tuổi lao động”. “Cải tiến hệ thống giải thưởng khoa học công nghệ quốc gia, danh hiệu vinh dự nhà nước cho cán bộ khoa học công nghệ”.
Tuy nhiên, việc xây dựng và triển khai các chính sách cụ thể về đãi ngộ, trọng dụng nhân lực khoa học công nghệ theo các nội dung mà Nghị quyết đã nêu ở trên còn rất chậm. Trong đó, chính sách tiền lương của giới viên chức khoa học đang chịu thiệt thòi là đối tượng làm công ăn lương duy nhất không được hưởng các chế độ phụ cấp đặc thù (phụ cấp nghề, phụ cấp thâm niên…) giống như viên chức của ngành giáo dục, y tế hay các lĩnh vực khác. Nhưng tiền lương chỉ là một trong những vấn đề, điều mà các nhà khoa học quan tâm nhiều hơn là điều kiện, môi trường làm việc. Cụ thể là các nhà khoa học cần được tin tưởng trọng dụng và có môi trường học thuật tự do,
độc lập, chuyên nghiệp, các ý kiến của họ cần được các nhà quản lý tôn trọng lắng nghe, kể cả những ý kiến trái ngược. Đặc biệt, nhà nước cần tôn vinh những người có đóng góp lớn cho khoa học và xã hội vì điều đó với họ nhiều khi còn quan trọng hơn cả tiền bạc. Các nhà khoa học hàng đầu phải được giao nguồn kinh phí đầy đủ cần thiết để họ có thể tập hợp quanh mình một đội ngũ nghiên cứu mạnh, đồng thời đào tạo và gây dựng phát triển đội ngũ kế cận là thế hệ các nhà nghiên cứu trẻ, do đa số các nhà nghiên cứu trẻ hiện nay còn thiếu kinh nghiệm, chưa thể tự mình đăng ký tài trợ cho các đề tài khoa học.
Hiện nay, do chúng ta còn thiếu một cơ chế hỗ trợ các cán bộ trẻ, tạo điều kiện để họ chín muồi trước khi trở thành nhà khoa học, những người sau khi có bằng tiến sĩ vẫn cần thêm khoảng 6 năm để tự hoàn thiện – nên nhiều người giỏi không muốn hoặc không thể tiếp tục theo đuổi nghiên cứu khoa học, hậu quả là năng lực, trình độ của thế hệ trẻ ngày nay đang thua kém các thế hệ cũ. Để thay đổi thực trạng này, nhà nước cần có chính sách hỗ trợ cho những người trẻ tuổi trên diện rộng, không chỉ giới hạn ở những người xuất sắc. Trước hết phải có các quỹ học bổng cho người làm nghiên cứu sinh và sau tiến sĩ (giới hạn thời gian 3 năm đối với sau tiến sĩ). Tiêu chí về trọng dụng nhà khoa học trẻ tuổi không thể quá khắt khe, ví dụ với các tiêu chí mà Bộ Khoa học và Công nghệ đang xây dựng (như có công trình công bố quốc tế xuất sắc khi dưới 35 tuổi) thì ngành toán hầu như không có người đáp ứng.
Cần có chính sách thu hút chuyên gia giỏi là người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tới Việt Nam tham gia công tác đào tạo cán bộ nghiên cứu, giảng dạy, tư vấn, giữ các chức vụ quản lý nghiên cứu khoa học và công nghệ
3.2.2.3 Phát huy năng lực của cán bộ nghiên cứu trong các trường đại học
Do các trường đại học không có biên chế nghiên cứu chuyên nghiệp và không có nguồn kinh phí thường xuyên để chăm lo cho đội ngũ nghiên cứu này nên hoạt động của cán bộ khoa học công nghệ trong khu vực này chưa đạt hiệu quả cao. Một trong những biện pháp để khắc phục tình trạng này, các trường đại học cần có một đội ngũ nghiên cứu chuyên nghiệp và cần dành một phần kinh phí sự nghiệp khoa học để hỗ trợ chi thường xuyên và giao đề tài nghiên cứu cho số cán bộ này. Bên cạnh đó đội ngũ nghiên cứu này vẫn có quyền tham gia vào công tác đào tạo của các trường đại học, nhưng chỉ hạn chế trong việc giảng dạy các chuyên đề cho sinh viên năm cuối hoặc chuyên đề cho học viên cao học hay nghiên cứu sinh.
3.2.3. Cơ chế quản lý và hoạt động của các tổ chức khoa học công nghệ
Để cơ chế quản lý và hoạt động của tổ chức khoa học công nghệ được thực hiện khoa học, hiệu quả, năng lực của đội ngũ lãnh đạo các tổ chức khoa học công nghệ cần phải nâng cao. Chúng ta cần có các buổi hướng dẫn, tập huấn để các cán bộ nhận thức đầy đủ và đúng đắn các văn bản pháp luật, nghị định về khoa học công nghệ để có thể triển khai thực hiện theo đúng quy định. Đặc biệt là các cán bộ ở khu vực miền núi, địa phương.
Đổi mới cơ bản việc xây dựng và quản lý các nhiệm vụ khoa học công nghệ theo chuẩn mực và thông lệ quốc tế, đặc biệt đối với các nhiệm vụ chiến lược, trọng tâm, mũi nhọn mang tính đột phá, nhảy vọt. Việc đề xuất nhiệm vụ khoa học công nghệ nên được tiến hành thường xuyên không theo mùa kế hoạch hoặc mùa vụ hành chính.
Thực hiện tốt thống kê khoa học công nghệ. Đánh giá hoạt động khoa học công nghệ cần có phản biện độc lập về kết quả kèm theo nội dung chính được đăng tải trên tạp chí chuyên ngành, các công nghệ thông tin thuộc khoa học công nghệ để dần hình thành nên hệ thống cơ sở dữ liệu về khoa học công nghệ.
Thực hiện triệt để cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức khoa học và công nghệ công lập về nhân lực, kinh phí hoạt động dựa trên kết quả và hiệu quả hoạt động theo Nghị định 115/2005/NĐ-CP. Tăng cường liên kết giữa tổ chức khoa học và công nghệ với doanh nghiệp trong việc thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu ứng dụng, đổi mới công nghệ, đào tạo nhân lực. Thí điểm thực hiện cơ chế hợp tác công - tư, đồng tài trợ thực hiện nhiệm vụ.
TIỂU KẾT CHƯƠNG 3
Cũng như Trung Quốc và nhiều quốc gia khác, Việt Nam cũng nhận thức rõ hơn vai trò của khoa học công nghệ với sự phát triển của đất nước trong thời đại ngày nay. Đề án “Đổi mới cơ chế quản lý khoa học công nghệ cùng với Luật khoa học công nghệ đổi mới năm 2013” sau hơn 10 năm triển khai thực hiện đã có nhiều đóng góp lớn đối với sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa nói chung và sự phát triển khoa học công nghệ nói riêng. Mặc dù, chúng ta đang có những bước đổi mới đáng kể trong cơ chế, chính sách quản lý khoa học công nghệ nhưng vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế bất cập cần được giải quyết, khắc phục. Từ thực trạng cơ chế, chính sách quản lý khoa học công nghệ của Việt Nam và những phân tích, đánh giá về một số hạn chế còn tồn tại của quá trình cải cách thể chế khoa học kỹ thuật Trung Quốc tại Chương 2, luận văn đưa ra một số ý kiến gợi mở nhằm góp phần đổi mới cơ chế, chính sách quản lý khoa học công nghệ nhà nước.
KẾT LUẬN
Trong bối cảnh toàn cầu hóa kinh tế phát triển và đi sâu như hiện nay, khoa học kỹ thuật ngày càng đóng vai trò to lớn đối với phát triển kinh tế xã hội, là thước đo đánh giá vị thế của một đất nước trên trường quốc tế. Khoa học và công nghệ chính là động lực và nền tảng đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Thực tiễn đã chứng minh, nơi nào đầu tư và khai thác đúng mức việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ phục vụ sản xuất và đời sống thì nơi đó nền kinh tế phát triển nhanh, đời sống người dân được cải thiện. Chính vì vậy, muốn đất nước phát triển thì việc đẩy mạnh sự phát triển của khoa học kỹ thuật là đòi hỏi tất yếu của mỗi quốc gia. Trong đó, để có thể phát triển khoa học kỹ thuật, điều quan trọng nhất là phải xây dựng một thể chế khoa học kỹ thuật tương thích với sự vận động và phát triển của đất nước cũng như xu thế phát triển toàn cầu.
Trong quá trình hoàn thiện đề tài “Cải cách thể chế khoa học kỹ thuật ở Trung Quốc và gợi mở cho Việt Nam”, luận văn đã đưa ra cái nhìn khái quát về bối cảnh ra đời, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến cải cách thể chế khoa học kỹ thuật ở Trung Quốc. Cải cách thể chế khoa học kỹ thuật của Trung Quốc là kết quả tất yếu của sự phát triển và sửa đổi mạnh mẽ về kinh tế - xã hội nói riêng và tình hình thế giới nói chung, đặc biệt là lĩnh vực khoa học kỹ thuật. Trên cơ sở xác định được yêu cầu tất yếu đó, Trung Quốc đã định hướng và hoạch định rõ những nhiệm vụ cần phải thực hiện trong công cuộc cải cách thể chế khoa học kỹ thuật. Những nhiệm vụ đó được cụ thể hóa thông qua những chiến lược, chính sách tương đối hiệu quả. Nó thể hiện sự nhạy bén và tầm nhìn chiến lược của Đảng và Nhà nước Trung Quốc trước nhiều thách thức hội nhập quốc tế. Cải cách thể chế khoa học kỹ thuật là con đường giúp
Trung Quốc khắc phục nhanh chóng chuyển đổi phương thức phát triển và hội nhập quốc tế, từ đó góp phần rút ngắn khoảng cách khoa học kỹ thuật trong nước với trình độ tiên tiến trên thế giới, đặc biệt là các nước phương Tây. Từ đó đưa khoa học kỹ thuật trở thành động lực quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Con đường này hoàn toàn phù hợp với tình hình cụ thể ở Trung Quốc lúc bấy giờ.
Luận văn tập trung trình bày những thành tựu mà cải cách thể chế khoa học kỹ thuật đã đạt được. Sau hơn 30 năm cải cách, thể chế khoa học kỹ thuật của Trung Quốc đã có những thay đổi theo hướng dần hoàn thiện, khắc phục những hạn chế của thể chế khoa học kỹ thuật được xây dựng theo mô hình kinh tế tập trung quan liêu, bao cấp trước đó. Bên cạnh đó, luận văn cũng nêu lên và phân tích những mặt hạn chế, tồn tại cần phải khắc phục. Những thành tựu và thách thức này là kết quả mà việc cải cách đạt được, nhưng nó cũng đòi hỏi Chính phủ Trung Quốc phải nỗ lực nhiều hơn nữa trong việc tự điều chỉnh, định ra các chính sách phù hợp giảm bớt những hạn chế trong thể chế khoa học kỹ thuật.
Bên cạnh đó, luận văn cũng so sánh liên hệ với thực trạng đổi mới cơ chế, chính sách quản lý khoa học công nghệ ở Việt Nam. Từ những thành tựu thách thức của Trung Quốc và thực tế cơ chế chính sách quản lý khoa học công nghệ của nước ta, tác giả luận văn mạnh dạn đề xuất một số ý kiến có tính gợi mở với hy vọng công cuộc đổi mới cơ chế chính sách quản lý khoa học công nghệ mà chúng ta đang tiến hành sẽ gặt hái nhiều thành công, đóng góp quan trọng cho sự nghiệp đổi mới, trước mắt là tái cấu trúc nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng ở Việt Nam hiện nay.