Biện pháp quản lý phát triển đội ngũ giảng viên trường Cao đẳng Y tế Quảng Ninh giai đoạn 2010-2015 - 2


Chương 1

CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ CƠ SỞ PHÁP LÝ CỦA VIỆC QUẢN LÝ PHÁT TRIỂN ĐỘI NGŨ GIẢNG VIÊN TRONG NHÀ TRƯỜNG


1.1. Tổng quan vấn đề nghiên cứu ở Việt Nam

Giáo dục (bao gồm cả các hoạt động đào tạo nghề nghiệp) là một hoạt động cơ bản của xã hội. Trình độ dân trí được các nước coi như vốn căn bản để phát triển đất nước. Do đó, bất cứ quốc gia, dân tộc nào trên thế giới muốn phát triển, cũng quan tâm trước hết đến phát triển giáo dục như là một “quốc sách” về phát triển nguồn nhân lực nói riêng, về phát triển con người và kinh tế - xã hội nói chung.

Ở Việt Nam, ngay từ những năm 70- 80 của thế kỉ XX, nhận thức được vai trò giáo dục là “quốc sách hàng đầu” đối với sự phát triển của đất nước, Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam các kỳ VIII, IX, X trong giai đoạn đổi mới đều nhấn mạnh đến việc nâng cao chất lượng giáo dục, đặc biệt là nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên các bậc học, trong đó có đội ngũ giảng viên các trường ĐH,CĐ nói riêng.

Là một lực lượng tiên tiến trong đội ngũ trí thức nước nhà, giảng viên các trường đại học, cao đẳng hiện đã và đang đóng vai trò rất quan trọng trong công cuộc đổi mới đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Với chức năng đào tạo và bồi dưỡng trí tuệ cho người học, xây dựng cơ sở lý luận và giải pháp công nghệ cho công tác lãnh đạo và quản lý đất nước, họ là lực lượng quyết định đối với việc thực hiện mục tiêu của giáo dục đại học: Đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao, nguồn năng lực trí tuệ, sáng tạo, có năng lực thích ứng cao, có khả năng tìm việc làm và tạo việc làm, đáp ứng mọi yêu cầu của xã hội cả về nhân cách và tài năng.


Để có được ĐNGV mạnh, đủ tiêu chuẩn thì công tác quản lý phát triển ĐNGV phải là trọng tâm hàng đầu của các nhà quản lý GDĐH.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 128 trang tài liệu này.

Quản lý phát triển ĐNGV ở Việt Nam đang là một vấn đề được các nhà khoa học đặc biệt quan tâm. Đã có nhiều công trình tiêu biểu của các nhà nghiên cứu Đặng Quốc Bảo, Vũ Ngọc Hải, Bùi Minh Hiền, Trần Kiểm, Nguyễn Văn Hộ, Nguyễn Thị Mỹ Lộc...

Ngoài ra, một số luận văn thạc sĩ chuyên ngành quản lý giáo dục cũng đề cập đến vấn đề này:

Biện pháp quản lý phát triển đội ngũ giảng viên trường Cao đẳng Y tế Quảng Ninh giai đoạn 2010-2015 - 2

Các biện pháp phát triển đội ngũ giáo viên dạy nghề ở trường KTCN Thanh Hoá giai đoạn 2005- 2010, của Nguyễn Cao Thắng;

Biện pháp phát triển đội ngũ giáo viên THCS huyện Thuận Thành- Bắc Ninh giai đoạn 2005- 2010, của Lê Đình Thanh;

Một số biện pháp xây đựng đội ngũ giáo viên trường Cao đẳng Thống Kê, của Nguyễn Đình Dũng;

...

Tuy nhiên, cho đến thời điểm này còn chưa có công trình nào nghiên cứu về phát triển đội ngũ giảng viên trong loại hình trường cao đẳng y tế địa phương hiện nay. Đặc biệt, chưa có luận văn thạc sỹ quản lý giáo dục nghiên cứu về quản lý phát triển đội ngũ giảng viên ở trường Cao đẳng Y tế Quảng Ninh.

1.2. Các khái niệm cơ bản

1.2.1. Quản lý giáo dục

Quản lý giáo dục (QLGD) được hiểu là hoạt động quản lý trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, trong đó bao gồm quản lý quá trình dạy và học diễn ra ở các cơ sở giáo dục khác nhau.

Theo Trần Kiểm [19, tr.10], QLGD có thể được hiểu ở các cấp độ khác nhau, tuỳ theo việc xác định đối tượng quản lý.


- Đối với cấp vĩ mô:

+ QLGD được hiểu là những tác động tự giác (có ý thức, có mục đích, có kế hoạch, có hệ thống, hợp quy luật) đến tất cả các mắt xích của hệ thống giáo dục (từ cấp cao nhất là hệ thống GD quốc dân, tới các cơ sở giáo dục là nhà trường) nhằm thực hiện có chất lượng và hiệu quả mục tiêu phát triển giáo dục - đào tạo thế hệ trẻ mà xã hội đã đặt ra cho ngành giáo dục.

+ Cũng có thể định nghĩa Quản lý giáo dục là hoạt động tự giác của chủ thể quản lý nhằm huy động, tổ chức, điều phối, điều chỉnh, giám sát … một cách có hiệu quả các nguồn lực giáo dục (nhân lực, vật lực,tài lực) phục vụ cho mục tiêu phát triển giáo dục và yêu cầu phát triển KT-XH. Chủ thể quản lý của cấp độ vĩ mô là cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục.

- Đối với cấp vi mô:

+ QLGD ở cấp vi mô (cấp cơ sở) được hiểu là hệ thống những tác động tự giác (có ý thức, có mục đích, có kế hoạch, có hệ thống, hợp quy luật) của chủ thể quản lý một cơ sở giáo dục đến tập thể giáo viên, công nhân viên, tập thể học sinh, cha mẹ học sinh và các nguồn lực xã hội trong và ngoài nhà trường nhằm thực hiện có chất lượng và hiệu quả mục tiêu giáo dục của nhà trường (của cơ sở), nhằm thực hiện các mục tiêu, kế hoạch, chương trình GD-ĐT đã các cấp trên đề ra. QLGD chính là thực hiện các chức năng quản lý trong công tác giáo dục.

Chức năng quản lý là dạng hoạt động cơ bản mà thông qua đó chủ thể quản lý tác động lên khách thể nhằm đạt những mục tiêu xác định. Quản lý có 4 chức năng cơ bản, đó là chức năng hoạch định (lập kế hoạch), chức năng tổ chức, chức năng chỉ đạo (điều hành) và chức năng kiểm tra.


- Chức năng lập kế hoạch:

Là vạch ra mục tiêu, các bước đi và phải tìm kiếm các biện pháp, cách thức phù hợp để thực hiện các bước đi.

+ Bước chuẩn bị: Thu thập số liệu, dự báo tình hình phát triển kinh tế- xã hội có liên quan. Rà soát lại các thông tin môi trường, phác thảo mục tiêu, tính toán sơ bộ các nguồn lực, vật lực; Dự thảo kế hoạch, lấy ý kiến đóng góp nội bộ và tranh thủ ý kiến cấp trên, các chuyên gia …

+ Bước xây dựng kế hoạch chính thức:

Vạch ra chương trình hành động cụ thể của tổ chức theo thời gian cụ thể với mục đích, nội dung rõ ràng, phương pháp và phương tiện, hình thức hoạt động cụ thể và bộ phận thực hiện, kinh phí;

- Chức năng tổ chức:

Tập trung và tiếp nhận các nguồn lực; Thiết lập cấu trúc của bộ máy; Xác lập cơ chế phối hợp, giám sát. Sắp đặt một cách khoa học và hợp lý các yếu tố, công việc, các bộ phận, ra quy định cho các thành viên trong một tổ chức nhằm thực hiện tốt các kế hoạch và đạt mục tiêu tổng thể của tổ chức.

- Chức năng chỉ đạo:

Là tác động chuyển hoá, biến tất cả những gì hoạch định, sắp xếp trở thành hiện thực. Có phương thức động viên, khuyến khích con người dưới quyền làm việc có hiệu quả để đạt mục tiêu đã đề ra đồng thời phải có những biện pháp để ngăn chặn những hành vi xấu.

Điều chỉnh, sửa đổi, thêm bớt … những tác nhân cần thiết, đảm bảo cho hệ vận hành đúng hướng, duy trì và giữ vững mục tiêu của hệ thống.

- Chức năng kiểm tra, đánh giá:

Thu thập thông tin ngược từ phía bộ máy để đạt hai mục đích: Nắm được trạng thái hoạt động, đánh giá thực trạng của bộ máy và nắm được mức độ khả thi, hiệu quả của các Quyết định quản lý để điều chỉnh cách quản lý,


tạo đà cho các chu kỳ hoạt động sau. Nếu quản lý mà không kiểm tra thì coi như là không quản lý.

Các chức năng quản lý nói trên thường diễn ra có tính chu kỳ trong một khoảng thời gian và không gian xác định, đưa hệ vận hành đến mục tiêu đã định trước gọi là chu trình quản lý. Ví dụ, trong nhà trường thì thường là một năm học, hoặc một khoá học.

1.2.2. Quản lý nhà trường

Nhà trường (cơ sở giáo dục- đào tạo) là một cơ cấu tổ chức, cũng là một bộ phận cấu thành của một hệ thống giáo dục. Các trường ĐH, CĐ thuộc loại hình cơ sở đào tạo chuyên nghiệp ở bậc ĐH (giáo dục đại học).

Quản lý nhà trường chính là hoạt động QLGD cấp cơ sở (của một cơ cấu / tổ chức giáo dục). Đó là tác động quản lý trực tiếp đến các hoạt động GD - học tập phạm vi nhà trường. Hoạt động của nhà trường rất đa dạng, phức tạp nên việc quản lý nhà trường cũng là hoạt động phức tạp.

Quản lý nhà trường chính là sự tác động quản lý có chủ đích của các chủ thể (mà tập trung ở người Hiệu trưởng) tới tất cả các yếu tố, các mối quan hệ chức năng... nhằm huy động tối đa các nguồn lực (nhân lực, tài lực, vật lực...) đảm bảo mọi hoạt động của nhà trường đúng đường lối, chiến lược GD của nhà nước và đạt được các mục tiêu giáo dục đã đặt ra, đồng thời đưa nhà trường phát triển đến mức cao hơn.

Quản lý trường học được phân cấp theo loại hình đào tạo và theo nguyên tắc kết hợp quản lý theo ngành và theo địa phương. Các trường ĐH,CĐ thuộc quyền quản lý Bộ GD&ĐT, hoặc của Sở GD&ĐT. Ngoài ra, còn thuộc quyền của Bộ chủ quản. Cấp quản lý trực tiếp chính là sự tác động của Hiệu trưởng thực hiện quản lý các hoạt động giáo dục, huy động tối đa các nguồn lực giáo dục để nâng cao chất lượng giáo dục.


Với loại hình như trường CĐ Y tế Quảng Ninh, thì Bộ Giáo dục và Đào tạo là nơi quản lý theo ngành, nơi quản lý nhà trường bằng các biện pháp quản lý hành chính nhà nước vĩ mô. UBND tỉnh (trực tiếp là Sở giáo dục và đào tạo) là cơ quan địa phương quản lý trường học. Ngoài ra, trường CĐ Y tế Quảng Ninh còn thuộc quyền quản lý của Bộ chủ quản là Bộ Y tế.

Mục đích của quản lý nhà trường là đưa nhà trường từ trạng thái hiện có tiến lên một trạng thái phát triển mới bằng các biện pháp quản lý và đạt được các mục tiêu giáo dục và chất lượng giáo dục của nhà trường.

Nội dung cơ bản của quản lý nhà trường ĐH,CĐ đã được xác định trong Luật giáo dục (và cụ thể hoá trong Điều lệ trường Đại học), trong đó Quản lý phát triển đội ngũ giảng viên là một nội dung quan trọng của quản lý một trường ĐH, CĐ nói chung, của người Hiệu trưởng nói riêng ...

1.2.3. Giảng viên đại học, cao đẳng

Khái niệm “Giảng viên” là chỉ một bộ phận nhà giáo. “Giảng viên làm nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục trong trường đại học và sau đại học”. Đây là những người “công chức, viên chức chuyên môn đảm nhiệm việc giảng dạy, đào tạo ở bậc đại học, cao đẳng thuộc chuyên ngành đào tạo của trường đại học hoặc cao đẳng” (Luật Giáo dục, Điều 61).

Sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và nhiệm vụ đào tạo của giáo dục đại học hiện nay đang đặt ra những yêu cầu cao về năng lực, phẩm chất đạo đức đối với giảng viên. Do vậy, GV cần phải phấn đấu thường xuyên cập nhật tri thức mới nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp để có thể theo kịp xu thế phát triển của giáo dục thế giới.

Trong thời đại của nền kinh tế tri thức của xã hội thông tin ngày nay, yêu cầu đối với giảng viên đại học phải vừa là nhà giáo dục, nhà khoa học, nhà cung ứng dịch vụ và thực sự tâm huyết với nghề.

Giảng viên với vai trò Nhà giáo


Đây là vai trò truyền thống, nhưng là vai trò tiên quyết đối với một giảng viên. Một giảng viên giỏi trước hết phải là một người Thầy giỏi, có kiến thức chuyên ngành uyên bác. Song, đó mới chỉ là điều kiện cần.

Một giảng viên toàn diện phải là người được trang bị những kiến thức/ kỹ năng sau:

- Kiến thức chuyên ngành: kiến thức chuyên sâu về chuyên ngành và chuyên môn mà mình giảng dạy.

- Kiến thức về chương trình đào tạo: mỗi giảng viên đều đi chuyên về một chuyên ngành, nhưng để đảm bảo tính liên thông, gắn kết giữa các môn học thì giảng viên phải được trang bị các kiến thức về cả chương trình giảng dạy.

- Kiến thức và kỹ năng về dạy và học: bao gồm khối kiến thức về phương pháp luận, kỹ thuật dạy và học nói chung và dạy/ học trong từng chuyên ngành cụ thể.

- Kiến thức về mục tiêu giáo dục, giá trị giáo dục, về môi trường giáo dục, hệ thống giáo dục… có thể coi là khối kiến thức cơ bản nhất làm nền tảng cho các hoạt động dạy và học. Chỉ khi mỗi GV hiểu rõ được các sứ mệnh, giá trị cốt lõi, và các mục tiêu chính của hệ thống GD và môi trường GD thì việc giảng dạy mới đi đúng định hướng và có ý nghĩa xã hội.

Giảng viên với vai trò Nhà khoa học

Giảng viên là nhà giáo tham gia giảng dạy và nghiên cứu khoa học ở các trường ĐH,CĐ. Các chức năng này luôn song hành, thống nhất trong nhiệm vụ công tác và trong nhân cách người GV.

Ở vai trò này, GV thực hiện vai trò nhà khoa học với chức năng giải thích và dự báo các vấn đề của các công việc nghiên cứu khoa học, tìm cách ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học vào giảng dạy, vào thực tiễn đời


sống và công bố các kết quả nghiên cứu cho cộng đồng là ba chức năng chính của một nhà khoa học.

Giảng viên với vai trò Nhà cung ứng dịch vụ cho xã hội

Khác với giáo dục phổ thông, các trường ĐH, CĐ không chỉ làm chức năng đào tạo nhân lực mà còn là một cơ sở NCKH và dịch vụ xã hội. Do đó, GV tham gia vào các hoạt động cung ứng các dịch vụ xã hội. Trong chức năng này, GV đóng vai trò là cầu nối giữa khoa học và xã hội, để đưa nhanh các kiến thức khoa học vào đời sống cộng đồng.

Đó cũng là một vai trò mà xã hội đánh giá cao và kỳ vọng ở các GV. Ở vai trò này, GV cung ứng các dịch vụ của mình cho nhà trường, cho sinh viên, cho các tổ chức xã hội - đoàn thể, cho cộng đồng và cho xã hội nói chung. Cụ thể đối với nhà trường và sinh viên, một GV cần thực hiện các dịch vụ như tham gia công tác quản lý, các công việc hành chính, tham gia các tổ chức xã hội, cố vấn cho sinh viên, liên hệ thực tập, tìm việc làm cho sinh viên…

Tâm huyết với nghề dạy học

Đây là một yêu cầu bắt buộc đối với bất cứ nghề nào, nhưng đối với nghề “thầy giáo” thì yêu cầu “tâm huyết” phải đặt lên hàng đầu vì sản phẩm của giáo dục là hàm lượng trí thức, phẩm chất đạo đức, tác phong, lối sống… được kết tinh trong con người. Sự tâm huyết này thể hiện ở lòng đam mê với nghề nghiệp và nó sẽ tạo nên động lực rất lớn cho hoạt động sáng tạo và phấn đấu vươn lên trong mỗi người thầy, đồng thời sự tâm huyết ấy sẽ truyền sang các thế hệ người học. Do vậy, nếu người thầy không yêu nghề, say sưa với nghề thì hậu quả thật khó lường.

1.2.4. Biện pháp quản lý

Theo Từ điển Tiếng Việt thông dụng, biện pháp là: “cách làm, cách thức tiến hành” [34, tr.67].

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 19/05/2022