Quan Niệm Về Biện Pháp Bắt Người


thì:

Cuốn Giáo trình Luật TTHS Việt Nam - Trường Đại học Luật Hà Nội


Biện pháp ngăn chặn là biện pháp cưỡng chế trong tố tụng hình sự áp dụng đối với bị can, bị cáo, người bị truy nã hoặc đối với những người chưa bị khởi tố (trong trường hợp khẩn cấp hoặc phạm tội quả tang) nhằm ngăn chặn những hành vi nguy hiểm cho xã hội, ngăn ngừa họ tiếp tục phạm tội, trốn tránh pháp luật hoặc có hành động gây cản trở cho việc điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự [41].

Còn theo cuốn "Tội phạm học, Luật hình sự và Luật tố tụng hình sự"

thì BPNC là một loạt biện pháp do CQĐT, Viện kiểm sát và Tòa án áp dụng đối với người bị tình nghi phạm tội, đối với bị can, bị cáo và cả người bị kết án khi các cơ quan này có căn cứ cho rằng những người này sẽ gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án hoặc tiếp tục phạm tội [42].

Có thể thấy các khái niệm trên chỉ phản ánh được phần nào của BPNC. Nhằm xây dựng một khái niệm hoàn chỉnh trong đó bao hàm những dấu hiệu đặc trưng như mục đích áp dụng, thẩm quyền áp dụng, đối tượng áp dụng, căn cứ và mục đích áp dụng để từ đó hiểu và vận dụng đúng đắn trong thực tiễn. Vì vậy, có thể hiểu rằng:

BPNC là những biện pháp cưỡng chế trong TTHS do các chủ thể có thẩm quyền được áp dụng đối với bị can, bị cáo hoặc người chưa bị khởi tố khi có căn cứ do BLTTHS quy định, nhằm ngăn chặn kịp thời những hành vi nguy hiểm cho xã hội, ngăn ngừa họ tiếp tục phạm tội, trốn tránh pháp luật hoặc có hành động gây cản trở cho việc điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự. BPNC bao gồm: Bắt, tạm giữ, tạm giam, cấm đi khỏi nơi cư trú, bảo lĩnh, đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm.

Tóm lại, các BPNC là những biện pháp được áp dụng để ngăn ngừa bị can, bị cáo gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc tiếp tục phạm

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 150 trang tài liệu này.

tội. Chúng không phải là những biện pháp trừng trị, trấn áp bị can, bị cáo hoặc được áp dụng để răn đe người khác, bởi vì chúng không phải là hình phạt. Về bản chất pháp lý, các BPNC trong luật TTHS có tính phòng ngừa, được áp dụng để chặn đứng hoặc ngăn ngừa hành vi phạm tội cũng như hành vi trốn tránh pháp luật của bị can, bị cáo. Áp dụng đúng đắn và kịp thời các BPNC tạo điều kiện cho việc giải quyết đúng đắn và có kết quả các nhiệm vụ của TTHS. Ý nghĩa trực tiếp của chúng là tạo điều kiện thuận lợi cho việc làm rõ sự thật của vụ án hình sự, bảo đảm thực hiện nguyên tắc người có tội phải chịu trách nhiệm hình sự và ngăn chặn bị can, bị cáo tiếp tục phạm tội. Việc quy định những BPNC trong BLTTHS góp phần tích cực vào việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ sự an toàn và vững mạnh của chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ tài sản, tính mạng, sức khỏe, danh dự và nhân phẩm của công dân; bảo đảm việc thực hiện dân chủ, tôn trọng và bảo đảm các quyền và tự do của công dân được Hiến pháp ghi nhận, không để một công dân nào bị hạn chế các quyền công dân, bị bắt, bị giam, giữ một cách trái pháp luật.

1.1.1.2. Quan niệm về biện pháp bắt người

Biện pháp bắt người đang bị truy nã trong luật tố tụng hình sự Việt Nam - Một số vấn đề lý luận và thực tiễn - 3

Biện pháp bắt người có một vị trí quan trọng trong số những BPNC mà BLTTHS quy định, bởi lẽ đây là BPNC có tính chất cưỡng chế rất nghiêm khắc, trực tiếp hoặc gián tiếp tác động đến các quyền cơ bản của công dân được Hiến pháp quy định. Đây là cơ sở pháp lý để nhận thức quyền bất khả về thân thể của công dân có thể bị tác động trong những trường hợp cần thiết do yêu cầu của cuộc đấu tranh chống tội phạm và trong khuôn khổ pháp luật quy định.

Bắt người trong TTHS là việc bắt người phạm tội theo các quy định của pháp luật TTHS. Bắt người trong trường hợp này do chủ thể sử dụng quyền lực nhà nước nhằm đạt được mục đích tố tụng.

Theo Từ điển Luật học, Nxb Từ điển Bách khoa thì:

Bắt là một trong những biện pháp ngăn chặn mà Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hoặc Tòa án áp dụng khi có căn cứ chứng tỏ

bị can, bị cáo sẽ gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc sẽ tiếp tục phạm tội cũng như khi thấy cần thiết để đảm bảo thi hành án [48].

Trong giáo trình Luật TTHS Việt Nam của trường Đại học Luật Hà Nội thì:

Bắt người là biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự được áp dụng đối với bị can, bị cáo, người đang bị truy nã và trong trường hợp khẩn cấp hoặc phạm tội quả tang thì áp dụng cả đối với người chưa bị khởi tố về hình sự nhằm kịp thời ngăn chặn hành vi phạm tội của họ, ngăn ngừa họ trốn tránh pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho việc điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự [41].

Có thể thấy, cả hai cách hiểu như trên về bắt người trong TTHS là chưa đầy đủ. Theo cách hiểu thứ nhất chưa bao hàm hết mục đích, phạm vi đối tượng áp dụng của biện pháp này đồng thời cũng không xác định thẩm quyền quyết định áp dụng, thẩm quyền bắt, không phù hợp với tinh thần các Điều 79, 80, 81, 82 BLTTHS. Còn theo cách hiểu thứ hai cũng chưa xác định được thẩm quyền quyết định bắt. Theo tôi, khái niệm bắt người trong Luật TTHS phải thể hiện đầy đủ bản chất, nội dung, căn cứ áp dụng, mục đích, thẩm quyền áp dụng, phạm vi áp dụng, đối tượng áp dụng biện pháp này. Với quan niệm nêu trên, tôi xin đưa ra khái niệm bắt người trong TTHS như sau:

Bắt người là một BPNC trong TTHS do người có thẩm quyền quyết định áp dụng và thực hiện theo trình tự tố tụng đối với bị can, bị cáo hoặc đối với người chưa bị khởi tố về hình sự khi có đầy đủ căn cứ theo luật định, nhằm kịp thời ngăn chặn tội phạm, ngăn ngừa không để họ tiếp tục phạm tội, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và bảo đảm việc thi hành án.

Bắt người cũng như các BPNC khác đều là những biện pháp cưỡng chế tố tụng được thực hiện bằng sức mạnh của quyền lực nhà nước, luôn gắn liền với sự tác động và hạn chế các quyền tự do cá nhân của đối tượng bị áp dụng trong TTHS nhằm mục đích chung là ngăn chặn tội phạm, ngăn ngừa người phạm tội trốn tránh pháp luật hoặc có hành vi gây khó khăn, cản trở việc điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án hình sự hoặc tiếp tục phạm tội. Do đó khi thực hiện quyết định bắt cần phải có sự cân nhắc hết sức thận trọng, tuân thủ chặt chẽ các quy định của pháp luật về căn cứ, trình tự, thủ tục, thẩm quyền. Với biện pháp này, buộc người bị bắt phải có mặt tại địa điểm quy định để làm việc với Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán. Biện pháp bắt người được tính từ thời điểm người có chức vụ theo luật định ra lệnh bắt đến khi kết thúc là người bị bắt được dẫn giải đến nơi để tạm giữ, tạm giam.

Biện pháp bắt người luôn có quan hệ tác động qua lại với các BPNC khác. Trong mối quan hệ với các BPNC khác, bắt người thường là tiền đề cho việc áp dụng các BPNC khác. Ở phương diện quan hệ này có thể nói trong luật TTHS nếu xác định bắt người là BPNC độc lập có lẽ cũng chỉ nhằm xác định ranh giới về mặt hình thức của sự tác động đến các quyền tự do cá nhân của đối tượng bị áp dụng BPNC mà thôi. Nếu nghiên cứu đầy đủ, cụ thể các quy định của BLTTHS về các BPNC như đối tượng, căn cứ, mục đích cụ thể của việc áp dụng, chúng ta có thể đưa ra một kết luận chắc chắn rằng sẽ không có bắt người độc lập (bắt chỉ để bắt) mà thường gắn với một mục đích nhất định nào đó, từ đó cho thấy bắt người thường là BPNC đi liền trước hoặc là tiền đề cho việc áp dụng BPNC khác.

Việc quy định biện pháp bắt người trong TTHS thể hiện đường lối, chính sách của Nhà nước ta trong việc xử lý những hành vi phạm tội. Bắt người cùng với các BPNC khác góp phần nâng cao hiệu quả quản lý xã hội bằng pháp luật, là cơ sở pháp lý để cơ quan tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tác động đến quyền bất khả xâm phạm về thân thể của công dân trong

những trường hợp cần thiết, nhằm mục đích của TTHS. Mặt khác, việc quy định biện pháp bắt người còn thể hiện thái độ kiên quyết, triệt để của Nhà nước trong đấu tranh phòng ngừa tội phạm.

Quy định và áp dụng biện pháp bắt người có ý nghĩa rất lớn trong thực tiễn. Việc bắt người sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết được những nhiệm vụ đặt ra trong các giai đoạn tố tụng một cách chính xác, nhanh chóng. Thông thường khi thực hiện tội phạm hoặc ngay cả trường hợp đang chuẩn bị thực hiện tội phạm, người phạm tội đã ít nhiều nhận thức được những hậu quả mà mình phải gánh chịu, do vậy họ thư- ờng tính toán những phương án cần thiết để trốn tránh pháp luật hoặc gây khó khăn cho việc điều tra, xử lý tội phạm mà họ thực hiện. Việc bắt các đối t- ượng này để hạn chế tự do của họ, làm rõ hành vi phạm tội của họ một cách khách quan là cần thiết và trong nhiều trường hợp là cấp bách không thể trì hoãn (trường hợp phạm tội quả tang, khẩn cấp), nó giúp cơ quan có thẩm quyền không chỉ kịp thời ngăn chặn tội phạm, ngăn ngừa người có hành vi phạm tội bỏ trốn mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án.

Việc quy định một cách cụ thể, rõ ràng các trường hợp bắt người về đối tượng, thẩm quyền, căn cứ, thủ tục bắt là cơ sở pháp lý vững chắc để xử lý hành vi vi phạm pháp luật khi áp dụng biện pháp bắt người. Việc bắt người hầu hết đều do người tiến hành tố tụng và cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện, các quy định của pháp luật TTHS về biện pháp này là những quy định có tính chất lựa chọn, tức là chỉ áp dụng trong những trường hợp cần thiết, không phải là biện pháp bắt buộc đối với tất cả tội phạm. Việc bắt người trong thực tế không chỉ là đòi hỏi của công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án hình sự, liên quan trực tiếp đến đối tượng bị áp dụng mà còn ảnh hưởng đến tình hình an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội. Việc áp dụng BPNC này là một việc rất phức tạp và hệ trọng. Do đó, để đảm bảo được hiệu quả cao nhất, bảo

đảm được sự đồng tình của dư luận xã hội, tạo được niềm tin của quần chúng nhân dân vào tính đúng đắn của việc áp dụng biện pháp này, việc bắt người trong TTHS phải được xem xét, cân nhắc, đánh giá một cách thận trọng, đầy đủ. Khi áp dụng phải đảm bảo được các yêu cầu về chính trị, pháp luật và nghiệp vụ.

Bắt người đúng pháp luật sẽ góp phần nâng cao hiệu quả của cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm, ngăn chặn kịp thời những hành vi phạm tội cũng như hành vi trốn tránh pháp luật, gây khó khăn cho tiến trình giải quyết vụ án hình sự, bảo đảm việc thực thi pháp luật của các cơ quan tiến hành tố tụng. Ngược lại bắt người không đúng pháp luật (không đúng căn cứ áp, thủ tục, trình tự, thẩm quyền, bắt nhầm, bắt oan, bắt sai...) sẽ gây tác hại to lớn đến nhiều mặt, không những xâm phạm quyền tự do thân thể của công dân mà còn làm giảm uy tín của Nhà nước và các cơ quan bảo vệ pháp luật, gây hoang mang trong dư luận, dễ bị các thế lực phản động, thù địch trong và ngoài nước lợi dụng để xuyên tạc nói xấu chế độ, chống phá lại Nhà nước ta.

Với ý nghĩa và tầm quan trọng to lớn của việc bắt người nêu trên nên Nhà nước ta đã ban hành một hệ thống văn bản pháp luật TTHS quy định chi tiết về vấn đề này. Quá trình tổ chức thực hiện các văn bản trên đây đã phát huy được tác dụng to lớn trong cuộc đấu tranh chống và phòng ngừa tội phạm. Tuy nhiên, việc vận dụng các quy định nói trên trong một thời gian dài mà ít có sự thay đổi đã không tránh khỏi những hạn chế, vướng mắc do sự thay đổi của tình hình kinh tế - xã hội và những diễn biến phức tạp của tình hình tội phạm. Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn của cuộc đấu tranh chống và phòng ngừa tội phạm cũng như yêu cầu của việc tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa và việc bảo đảm các quyền dân chủ của công dân, kế thừa có chọn lọc các quy định về bắt người trong các văn bản pháp luật trước đây, nhất là quy định của BLTTHS năm 1988, BLTTHS năm 2003 quy định ba trường hợp bắt người sau:

- Bắt bị can, bị cáo để tạm giam;

- Bắt người trong trường hợp khẩn cấp;

- Bắt người phạm tội quả tang hoặc đang bị truy nã.

Với ba trường hợp nêu trên là quy định chung để khi có căn cứ thuộc trường hợp nào thì cơ quan, người có thẩm quyền do luật định có thể áp dụng. Song căn cứ vào Luật tổ chức Quốc hội, Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân, các quy định đối với người chưa thành niên, các quy định đối với người nước ngoài, khi chủ thể thuộc các trường hợp này còn phải vận dụng thêm các quy định mang tính cá biệt để áp dụng BPNC cũng như áp dụng các quy định trong BLTTHS được đúng đắn. Việc áp dụng các biện pháp bắt cũng phải quán triệt các nguyên tắc chung, các chủ trương, đường lối chỉ đạo của Đảng và Nhà nước trong mỗi giai đoạn xây dựng và phát triển nền kinh tế - xã hội của đất nước ta.

1.1.2. Biện pháp bắt người đang bị truy nã

1.1.2.1. Khái niệm biện pháp bắt người đang bị truy nã

Để đảm bảo tính chính xác, khách quan, nhanh chóng và xử lý nghiêm minh, kịp thời mọi hành vi phạm tội, với phương châm "không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội", các cơ quan và người có thẩm quyền theo quy định của BLTTHS được phép áp dụng BPNC quy định tại Điều 79 BLTTHS. Nội dung của điều luật là cơ sở pháp lý quan trọng cho việc bắt người trong đó có trường hợp bắt người đang bị truy nã.

Mặc dù Điều 82 BLTTHS quy định tương đối đầy đủ việc bắt người đang bị truy nã nhưng không giải thích thế nào là bắt người đang bị truy nã. Về lịch sử, truy nã là một tập quán phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới xuất phát từ yêu cầu bảo vệ cuộc sống yên ổn của cộng đồng và trừng trị kẻ gây ra tội ác. Truy nã tội phạm từ lâu đã gắn liền và trở thành một bộ phận quan trọng trong cuộc đấu tranh chống tội phạm ở nước ta. Tuy vậy do nhiều

nguyên nhân khác nhau, vấn đề pháp lý và lý luận còn nhiều hạn chế, chưa tương xứng với tầm quan trọng mà BPNC này mang lại. Do vậy, việc tìm hiểu, làm sáng tỏ bản chất khái niệm truy nã tội phạm đang đặt ra trước yêu cầu hoàn thiện lý luận về truy nã tội phạm.

Bằng cách hiểu thông thường, truy nã tội phạm được coi là hoạt động "Truy lùng, dò theo để bắt" [51]. Với quan niệm này, truy nã tội phạm được coi như việc truy đuổi, tìm kiếm, tầm nã để bắt những kẻ gian phi không để chúng trốn thoát. Như vậy, ý tưởng ban đầu về truy nã tội phạm có ý nghĩa là những hành vi tự vệ, có tính tự phát của cộng đồng mà chưa phản ánh tính pháp lý với tính chất là một hoạt động thực thi quyền lực nhà nước để bắt giữ người phạm tội. Hiện nay pháp luật nhiều nước trên thế giới và kể cả ở nước ta cho phép bất kỳ người nào cũng có quyền bắt giữ người đang bị truy nã đều bắt nguồn từ quan niệm, tập quán đó.

Cùng với những tiến bộ của văn minh nhân loại và sự phát triển của khoa học pháp lý, truy nã tội phạm đã dần trở thành vấn đề pháp lý gắn với hoạt động bảo vệ pháp luật của những cơ quan chức năng. Với quan điểm nêu trên, các nhà nghiên cứu cũng đã xuất phát từ lý luận pháp lý, khoa học điều tra tội phạm để xây dựng nên những khái niệm về truy nã tội phạm ngày càng chính xác hơn.

Theo Từ điển Luật học thì:


Truy nã tội phạm là hoạt động tố tụng hình sự - nghiệp vụ của lực lượng Công an nhân dân trong đấu tranh phòng, chống tội phạm nhằm phát hiện, tìm kiếm, bắt giữ người có hành vi phạm tội đang lẩn trốn theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, phục vụ cho công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án phạt tù hoặc tử hình [48].

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 30/10/2023