4.2. Dự báo xu hướng văn hóa làng dệt Phương La trong thời gian tới
4.2.1. Xu hướng chú trọng, đề cao các giá trị văn hóa truyền thống
Sự thay đổi về kinh tế, nâng cao đời sống vật chất là nguyên nhân quan trọng để người dân có điều kiện quan tâm nâng cao đời sống tinh thần. Các di tích được người dân quan tâm tu bổ, hay dựng mới rất mạnh mẽ. Không chỉ vậy, việc sưu tầm, biên soạn gia phả, tộc phả, sắc phong... cũng được người dân chú trọng. “Phú quý sinh lễ nghĩa”, vì thế, các lễ nghi được tăng cường, khôi phục, các lễ nghi mới được cập nhật và sáng tạo. Người Phương La đến lễ đình Đông không chỉ còn vào dịp lễ hội mà họ đến lễ ở đình Đông bất cứ khi nào nếu gia đình có công việc lớn.
Việc huy động công đức để tôn tạo, tu bổ di tích thể hiện trách nhiệm, quyền lợi của dân làng trong ứng xử với những người có công với làng với nước; việc ủng hộ xây dựng các công trình phúc lợi của làng xã, tham gia ủng hộ các quỹ nhân đạo từ thiện... đã góp phần quy tụ, phát huy sự tương thân tương ái “lá lành đùm lá rách”, tình làng nghĩa xóm “tối lửa, tắt đèn có nhau”.
Sự thay đổi này kéo theo những sự thay đổi lớn trong cộng đồng làng: mâu thuẫn giữa các thế hệ, sức ép cộng đồng và cả những quy định của chính sách đối với lễ nghi… Người dân Phương La rất quan tâm đến đời sống tâm linh vì thế các di tích được trùng tu, tôn tạo và việc thờ cúng tổ tiên, dòng họ… vô cùng quan trọng với họ. Nhà có điều kiện làm càng lớn, sắm lễ càng nhiều tiền. Họ tham gia công đức không chỉ thuần túy là cái tâm mà còn thể hiện sức mạnh của gia đình, dòng họ. Điều này cũng dễ dẫn đến sự pha tạp, biến dạng của văn hóa tâm linh, cách ứng xử với những người có công với làng với nước…Mặc dù vậy, những truyền thống cũ trong nghi lễ tôn giáo, những biểu tượng văn hóa, những truyền thuyết vẫn là những điểm tựa cho việc khẳng định sức sống lâu bền của văn hóa truyền thống, trước sự thay đổi mọi mặt của đời sống xã hội.
4.2.2. Xu hướng đa dạng văn hóa
Mọi con người, tuy có nguồn gốc khác nhau, sống trong môi trường tự nhiên, xã hội khác nhau nhưng đều có chung bản chất - bản chất người, luôn có tính sáng tạo trong cuộc sống, hoàn thiện bản thân, thoả mãn các nhu cầu người theo các chuẩn
Có thể bạn quan tâm!
- Đánh Giá Mức Độ Coi Trọng Vấn Đề Tâm Linh Của Người Dân Hiện Nay So Với Trước Năm 1996
- Việc Thực Hành Các Tiết Chính Trong Tang Ma Của Người Phương La Hiện Nay So Với Trước Năm 1996
- Những Tác Động Của Sự Biến Đổi Văn Hóa Làng Dệt Phương La Đến Kinh Tế - Xã Hội Và Văn Hóa Của Làng
- Nhóm Giải Pháp Bảo Tồn, Phát Huy Giá Trị Văn Hóa Truyền Thống
- Xây Dựng Đội Ngũ Doanh Nhân - Yếu Tố Giữ Vai Trò Quyết Định Việc Duy Trì Và Phát Triển Nghề
- Biến đổi văn hóa làng dệt Phương La huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình - 20
Xem toàn bộ 299 trang tài liệu này.
mực chân - thiện - mỹ - ích; có tính xã hội cao, tính cộng đồng mở, có nhu cầu tương giao, tương tác, gắn kết, liên kết với nhau. Mỗi con người đều có nhu cầu giao lưu, trao đổi kinh tế nhằm đáp ứng nhu cầu sống của con người xã hội là cơ sở của giao lưu văn hóa. Ngoài ra, con người còn có các nhu cầu giao lưu khác trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. Bên cạnh đó, mỗi cộng đồng người dù lớn hay nhỏ, cho dù đã phát triển hay còn lạc hậu đều đã có một truyền thống lịch sử lâu đời, có một vốn tri thức nhất định và thể hiện thông qua văn hóa của mình. Tuy nhiên, để làm giàu vốn tri thức và phong phú thêm văn hóa đó, con người của cộng đồng cần phải được giao lưu, tiếp xúc. Chỉ có thông qua giao lưu tiếp xúc, văn hóa của mỗi cộng đồng mới được phát huy và phong phú thêm. Giao lưu văn hóa chính là quy luật chung của sự phát triển văn hóa. Giao lưu văn hóa hết sức sống động, nó là một động lực thúc đẩy sự phát triển văn hóa và nói rộng hơn là sự phát triển xã hội.
Nghề dệt làng Phương La phát triển tạo nhiều công ăn việc làm cho người dân nơi đây; đồng thời, còn thu hút nhiều lao động từ nơi khác đến, do vậy, giao lưu văn hóa cởi mở và mở rộng. Những người đến làm thuê đã mang theo tập tục, những nét văn hóa riêng góp phần làm phong phú thêm văn hóa của làng Phương La: từ âm ngữ, giọng nói, nét sinh hoạt, phong tục tập quán… Trong Chương 1, Luận án chỉ ra: “theo ông Trần Hữu Huỳnh, người xã Hồng An (giáp với làng Phương La) cho biết, Thế phả dòng họ của ông có nói, vào thời Vua Lê Thánh Tông (1460-1497), Nhà Vua đi đánh Chiêm Thành, bắt được tù binh đem về. Lấy ruộng công của nơi xa, cấp cho người Chiêm cày cấy… Người Chiêm tụ họp lại dựng nhà lập ấp, ngày khẩn hoang cấy lúa, trồng dâu chăn tằm, đêm đánh cá, dệt vải”. Vì vậy, dân làng Phương La có thêm nghề dệt. Điều này càng khẳng định sự giao lưu đã làm phong phú văn hóa cho dân làng Phương La ngay từi thời xa xưa. Vào làng Phương La ngày nay, chúng ta được chứng kiến sự phong phú về âm sắc, giọng nói của người dân do công nhân ở nhiều làng quê khác đến làm thuê. Đặc biệt, do được đi giao lưu, tiếp xúc để trao đổi mua bán nguyên liệu, sản phẩm nên giọng nói của người Phương La ngày nay nghe đã nhẹ, trong và hay hơn rất nhiều. Người Phương La cũng được tiếp thu cả cách thức ăn uống, chế biến món ăn của các làng xã khác từ những người làm thuê.
4.2.3. Xu hướng phân hóa trong đời sống văn hóa
Làng Phương La giầu có, nhiều doanh nghiệp, công ty thành lập, đồng thời đội ngũ giám đốc, chủ cơ sở sản xuất xuất hiện. Tầng lớp chủ doanh nghiệp ngày càng đông đảo, là động lực quan trọng để duy trì và thúc đẩy làng nghề phát triển. Các quan hệ làm ăn kinh tế, trong đó bao gồm cả người nhà ruột thịt, người trong họ, ngoài làng, bạn hàng từ nơi khác đến…tạo lên cho người Phương La càng có thêm nhiều mối quan hệ, nhiều vai khác nhau trong làng, xã. Vì vậy tính cộng đồng vẫn còn bền chặt, bó bện. Tuy nhiên, tính cố kết cộng đồng sẽ dẫn đến tự trị cục bộ, tiểu nông, kinh nghiệm và bảo thủ; cản trở quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa, ảnh hưởng, chi phối tới đời sống văn hóa của các thế hệ sau.
Nghề, làng nghề phát triển, kinh tế thị trường càng phát triển tuy tạo ra nhiều cơ may, vận hội cho các các thành viên làng nghề; song sự phân hóa giàu nghèo cũng như mức độ phân tầng xã hội càng diễn ra mạnh mẽ, sâu sắc. Những người giàu có càng có nhiều cơ hội để cho con cháu học hành, nâng cao trình độ. Những người làm thuê, khó khăn hơn nhiều về kinh tế, càng ít có điều kiện để cho con cái học cao. Chính điều này làm cho sự phân hóa về trình độ học vấn, khả năng nhận thức của người dân trong làng nghề càng rõ nét. Những dòng họ có kinh tế mạnh, nhiều con em được đi du học ở nước ngoài, học đại học… Sự chênh lệch về kinh tế, về mức sống dẫn đến quan niệm về văn hóa ứng xử, nhu cầu hưởng thụ, thị hiếu văn hóa của người dân trong một làng nghề cũng rất khác nhau. Người nhiều tiền quan niệm, ứng xử đẹp phải là người ứng xử như “mạnh thường quân”… Những người có điều kiện về kinh tế càng có nhiều cơ hội làm giàu thêm, do đó, dễ dẫn đến chi phối hoạt động của làng xã, thậm chí họ còn chi phối cả những chính sách của địa phương phục vụ chính lợi ích của họ. Đây là điểm mà các nhà quản lý cần nắm bắt và có giải pháp để hạn chế.
Làng xã xưa được xem là một không gian khép kín và tự trị, một cộng đồng đa chức năng, văn hóa truyền thống chi phối hầu hết các yếu tố từ kinh tế - xã hội, cơ cấu tổ chức làng xã. Nhưng Phương La giờ đây có không gian làng rất „„mở‟‟. Sự thu hẹp của đất nông nghiệp, thay đổi cơ cấu kinh tế, tăng tỷ trọng tiểu thủ công nghiệp, người dân thoát hẳn nghèo, trở lên giàu có. Sự tăng nhanh mức sống và các dịch vụ
đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân Phương La, sinh hoạt của các gia đình khác nhau, dẫn đến sự phân hóa trong đời sống văn hóa của cư dân, từ quan niệm về văn hóa, thực hành các lễ thức thờ cúng, sự ứng xử giữa người với người… khác nhau.
4.2.4. Xu hướng đề cao vai trò cá nhân, thích thể hiện mình
Hướng phát triển của các làng nghề cũng sẽ phụ thuộc vào không gian làng nghề, không gian làng nghề cũng có thể được bảo tồn hoặc phá vỡ. Nó bảo tồn được là hướng CNH phù hợp với điều kiện phát triển của làng nghề hoặc CNH được dựa trên cơ sở của làng nghề. Xu hướng đô thị hoá không diễn ra một cách ào ạt thì khi đó các yếu tố văn hoá bên trong (đình, chùa, đền, miếu, cảnh quan,..) vẫn giữ được; nhịp sống, nếp sống và các giá trị văn hoá của con người làng nghề ít bị xáo trộn. Ngược lại nếu CNH, đô thị hoá mà không quan tâm tới quyền lợi của các làng nghề, không dựa trên các điều kiện của làng nghề thì lúc đó không gian làng nghề sẽ bị phá vỡ, các di tích làng nghề sẽ bị xâm lấn và nhịp sống, nếp sống làng nghề nhanh chóng bị xáo trộn.
Cho dù CNH - HĐH diễn ra đúng hướng hay không đúng hướng thì trong xu hướng phát triển của tương lai, chắc chắn có sự cạnh tranh gay gắt giữa chủ cơ sở sản xuất trong từng làng nghề, cũng như giữa các làng nghề và khi đó những mặt hạn chế, tiêu cực cuả con người làng nghề có xuất phát điểm từ hạn chế, tiêu cực của người tiểu nông sẽ có dịp bộc lộ, đó là sự đề cao, thích thể hiện mình ở ngoài xã hội, trong làng xã và ngay cả trong dòng họ. Luôn thích mình là người đứng đầu, là mạnh thường quân, giàu có,…; là người sành điệu từ trong suy nghĩ, biểu hiện là tâm lý sùng ngoại: nhà thờ thiết kế “theo kiểu Mỹ”, khi đi quan hệ làm ăn “phải có con trai đi theo như người nước ngoài”… đến những hành động, việc làm cụ thể như xây dựng nhà cửa, phương tiện đi lại, đồ dùng sinh hoạt phải nhất; trong ủng hộ xây dựng các công trình phúc lợi, tu bổ du tích cũng luôn muốn mình là nhất… Cũng chính vì vậy, dẫn đến tư tưởng “trọng nam, khinh nữ”, việc sinh con thứ ba, thứ tư có chiều hướng gia tăng…
Mặt khác, có điều kiện kinh tế, một số ông chủ trong các dòng họ chủ động tổ chức các hoạt động của dòng họ mình, như: gây quỹ của dòng họ phục vụ các mục đích khuyến học, thăm hỏi, giúp đỡ người trong dòng họ vượt khó, tổ chức các hoạt
động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao…. Đây là những việc làm rất có ích, phát huy vai trò dòng họ - một nguồn lực góp phần phát triển kinh tế - xã hội của làng xã. Tuy nhiên, việc làm này không cẩn thận sẽ dễ tạo ra sự ganh đua không lành mạnh giữa các dòng họ có thế mạnh về kinh tế. Bên cạnh đó, các hoạt động văn hóa, các hoạt động chung khác của làng xã liệu có còn được mọi người quan tâm?.
4.3. Đề xuất giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa làng dệt Phương La
Từ những kết luận về hạn chế, bất cập của sự biến đổi văn hóa làng Phương La thời gian qua, cùng với dự báo xu thế biến đổi văn hóa làng Phương La thời gian tới, Luận án đưa ra một số giải pháp góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa làng Phương La giai đoạn đẩy mạnh CNH-HĐH.
4.3.1. Nhóm giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động xây dựng ĐSVHCS ở làng nghề
4.3.1.1. Nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho người dân
Phát triển nghề nhằm tăng trưởng kinh tế, cải thiện đời sống; đồng thời, cần chú trọng xây đời sống văn hóa theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ năm (khóa VIII) và Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ chín (khóa XI) đề ra. Hai Nghị quyết đó nhấn mạnh, văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Nghị quyết cũng chỉ ra rằng: chăm lo văn hóa là chăm lo củng cố nền tảng tinh thần của xã hội, thiếu nền tảng tinh thần tiến bộ và lành mạnh, không quan tâm giải quyết tốt mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với tiến bộ và công bằng xã hội thì cũng không thể có được sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Việc xây dựng, phát triển kinh tế cũng phải nhằm mục tiêu văn hóa, đảm bảo tiến tới xã hội công bằng, văn minh, con người phát triển một cách toàn diện. Văn hóa chính là kết quả của kinh tế, nhưng đồng thời cũng lại là động lực cho sự phát triển kinh tế.
Xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở có nhiều nội dung, nhưng với các làng nghề rất cần quan tâm xây dựng con người Việt Nam mới (yêu nước, tự cường dân tộc, phấn đấu vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, có ý chí vươn lên đưa đất nước
thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu…). Ngoài những phẩm chất trên, xây dựng con người ở làng nghề cần chú trọng các tiêu chí: có lối sống lành mạnh, văn minh, trung thực, nhân nghĩa; lao động cần cù với lương tâm nghề nghiệp, có trách nhiệm cao với cộng đồng; có ý thức bảo vệ môi trường sinh thái… Xã hội càng hiện đại, con người càng phải sống, làm việc tuân thủ theo pháp luật. Với người làng nghề, có mối quan hệ giao lưu rộng, lại làm ăn, buôn bán nên càng cần phải hiểu biết toàn diện về pháp luật, nhất là Luật doanh nghiệp, Luật thuế, Luật bảo vệ môi trường… và nghiêm túc, tự giác thực hiện pháp luật, quy định của địa phương, thực hiện hương ước của thôn, làng. Để khi thành lập, triển khai các hoạt động của doanh nghiệp đúng với quy định của Nhà nước, thực hiện nghĩa vụ thuế đầy đủ…
Muốn giúp người làm nghề có hiểu biết về pháp luật và có lối sống lành mạnh; các cấp ủy, chính quyền cần tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nâng cao nhận thức về các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước cho mọi tầng lớp nhân dân, để nhân dân hiểu và chấp hành. Quá trình đó cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, đây là một việc làm hết sức cần thiết, sự kết hợp đó có mối quan hệ mật thiết với nhau, như: Đoàn thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân... Các tổ chức đoàn thể, tùy theo chức năng, nhiệm vụ của mình, quy tụ, giáo dục, động viên nhân dân tích cực hưởng ứng các cuộc vận động do cấp trên đề ra: việc chấp hành chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước; xoá đói, giảm nghèo, giữ gìn môi trường, y tế giáo dục, kế hoạch hoá gia đình…
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật của mọi người dân; kịp thời khen thưởng, động viên những người tích cực, những người thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; đồng thời, xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm để nhằm răn đe, giáo dục những người dân khác.
4.3.1.2. Cần phải có biện pháp mạnh để ngăn chặn, phòng ngừa sự gia tăng của các tệ nạn xã hội
Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã tạo nhiều điều kiện để chúng ta mở rộng giao lưu hội nhập với các nước trong khu vực và trên thế giới, kinh
tế phát triển, sản xuất cũng tăng trưởng, đồng thời với cơ chế thị trường thì mặt trái của nó cũng có tác động nhất định tới đời sống xã hội. Một bộ phận cán bộ, đảng viên có lối sống buông thả, hưởng thụ…
Đặc biệt, ở các làng nghề vốn đã manh nha tiểm ẩn các quan hệ kinh tế, sự trao đổi mua bán cùng các hợp đồng kinh tế, con người vốn phải nhanh nhạy, năng động; lại chịu tác động của cơ chế thị trường, họ càng thích ứng rất nhanh, vươn lên chiếm lĩnh thị trường, bạn hàng… Tuy nhiên, do “mải” làm ăn kinh tế, say sưa với công việc nên cũng có phần nào sao nhãng bổn phận, thờ ơ với vấn đề làng xã. Họ chỉ có kinh tế để công đức, để ủng hộ… và thậm chí không hiểu ngọn nguồn việc làm của mình, ý nghĩa của nó là gì, chỉ biết có tiền đóng góp và tên họ được coi trọng nhất, nhân dân ngưỡng mộ. Nhưng rồi nếu cứ như vậy thì việc giáo dục thế hệ trẻ sau này thế nào? Con em học được gì ở họ. Hơn nữa nếu buông lỏng sự giáo dục của họ đối với con cái thì sẽ góp phần gia tăng tệ nạn xã hội ở làng quê. Thứ hai, nếu bố mẹ vì chỉ mải làm, thậm chí đi làm ăn nơi xa đem theo cả gia đình, sau nhiều năm trở về mang theo cả điều hay điều dở, … những điều này làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường văn hoá làng nghề, đe doạ trực tiếp cuộc sống bình yên của gia đình, làng xã. Vì vậy chúng ta phải phòng ngừa và đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả với các tệ nạn xã hội, thậm chí cần phải có biện pháp xử lí nghiêm minh, triệt để đối với các loại đối tượng này. Song song với nó là phải phát huy vai trò của giáo dục gia đình, dòng họ trong dạy dỗ, hướng nghiệp cho con, tạo ra sự thi đua đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau để thu hút sự quan tâm chú ý của các em. Phải đưa các em tham gia vào các tổ chức đoàn thể, giao nhiệm vụ, phân công công việc để các em có tính phấn đấu, có môi trường hoạt động trong thời gian nhàn rỗi. Ban tự quản của thôn làng thường xuyên, kịp thời phát hiện những biểu hiện lệch chuẩn trong đạo đức để uốn nắn động viên các em, tuyên truyền tác hại của tệ nạn xã hội giúp cho người dân nâng cao nhận thức, cảnh giác với các loại tội phạm góp phần phát hiện, giải quyết tốt các vấn đề xã hội.
Công tác phòng chống tệ nạn xã hội là việc làm cấp bách không của riêng ai. Tất cả mọi người phải tự ý thức và tự bảo vệ mình trước sự cám dỗ của vật chất, tệ nạn xã hội; gia đình phải kết hợp cùng nhà trường, địa phương quản lý tốt hoạt động
của các em. Các tổ chức đoàn thể vào cuộc, cần phải để tâm lưu ý đến đối tượng này, tuyên truyền, động viên các em tham gia các hoạt động văn hoá nhằm hạn chế thấp nhất sự sa ngã của các em. Mặt khác, khi đã phát hiện đối tượng tệ nạn xã hội chúng ta cần giải quyết một cách kịp thời, dứt điểm bằng những biện pháp mạnh để làm gương cho các đối tượng khác.
Phải xác định công tác phòng chống ma tuý, tệ nạn xã hội là việc làm của các cấp, các ngành, của mỗi người dân để tạo ra sự đồng thuận, đồng bộ có như vậy hiệu quả hoạt động xây dựng đời sống văn hoá cơ sở mới tốt.
4.3.1.3. Tăng cường các hoạt động văn hoá, thể dục thể thao
Một sự khác biệt giữa các làng nghề với các làng thuần nông, đó là nhịp sống lao động. Thời gian lao động của người dân làng nghề bận mải hơn, họ say làm ra sảm phẩm để làm giàu, nghỉ một ngày công là tương ứng với việc mất vài trăm nghìn đồng. Vì vậy, việc tham gia các hoạt động xã hội thường xuyên ngưng trệ, thậm chí họ không còn thời gian, tâm trí để quan tâm.
Muốn cho họ tham gia các hoạt động xã hội, các hoạt động của thôn làng, phải thành lập các đội văn nghệ, thể thao của các dòng họ, sử dụng ngay chính các từ đường dòng họ (nếu có đủ điều kiện) để biểu diễn, thi đấu. Hoặc sử dụng các thiết chế văn hoá của thôn làng, như đình, chùa… tổ chức giao lưu hoặc thi biểu diễn, chọn lọc những tiết mục văn nghệ hay, kết quả thể thao cao để trao thưởng động viên. Thu hút mọi đối tượng, già trẻ, nam nữ, tạo môi trường văn hoá lành mạnh, tránh sự căng thẳng sau những giờ lao động vất vả.
Mỗi con người đều có hai nhu cầu cơ bản: nhu cầu vật chất và nhu cầu tinh thần, nhu cầu vật chất đã đáp ứng được thì nhu cầu tinh thần càng phải cao mới đạt. Chính vì vậy, bất cứ ai làm gì trong môi trường nào đều cần phải có nhu cầu tinh thần. Một trong những hoạt động đáp ứng nhu cầu tinh thần của con người đó là hoạt động văn hoá nghệ thuật, nó giúp con người tái tạo lại sức lao động, giúp con người sảng khoái, dẫn đến hiệu quả lao dộng cao. Hơn nữa, thông qua các hoạt động thể dục - thể thao chúng ta dễ dàng lồng ghép việc tuyên truyền chủ chương, đường lối chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước tới quần chúng nhân dân.