Những Tác Động Của Sự Biến Đổi Văn Hóa Làng Dệt Phương La Đến Kinh Tế - Xã Hội Và Văn Hóa Của Làng


sao duy trì được hội thi tay nghề giữa các dòng họ. Hội thi phải thật sự trở thành ngày hội chung của làng nghề, của tất cả mọi người làm nghề, qua đó cũng góp phần thúc đẩy sự sáng tạo của người thợ, tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng đáp ứng nhu cầu thị trường, nâng cao thu nhập cho họ và phát triển kinh tế của địa phương.

Đặc biệt, việc biện lễ vào hội đình làng khác rất nhiều, xưa cả làng chỉ chuẩn bị một lễ duy nhất vào đình thì nay mỗi dòng họ, thậm chí nhiều gia đình cũng biện lễ vào dâng. Các dòng họ, gia đình khá giả thì biện lễ càng lớn. Trước đây, chỉ có một đội tế chung cho cả làng, bây giờ mỗi dòng họ lại có một đoàn tế riêng nên rất cầu kỳ, tốn kém và gây phiền toái.

Ở Phương La, hội làng cũng là ngày giỗ của các vị lập làng, có công với làng, do đó tất cả các dòng họ trong làng đều có nguyện vọng tế lễ. Đây cũng là nét đẹp văn hoá, là truyền thống của dân tộc ta thể hiện “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. Song, nếu chúng ta không chú ý thì việc này vô hình dung cũng sẽ góp phần làm biến dạng hoạt động mang tính tâm linh, thay vào đó là sự thể hiện thế mạnh về kinh tế và các thế mạnh khác của dòng họ. Mỗi dòng họ có cách thể hiện khác nhau, từ số lượng người tham gia tế lễ, lễ vật... chúng ta làm sao phải giúp các dòng họ hiểu rằng đây là sự thể hiện cái tâm, cái đức chứ không phải là sự thể hiện giàu nghèo, mạnh yếu.

Điểm nữa là mọi người đến với lễ hội để lễ bái, là cầu may, cầu những điều tốt lành cho bản thân, gia đình, cầu làm ăn phát đạt… chứ chưa hẳn là trở về với cội nguồn, với cộng đồng làng xã để nhân lên tinh thần đoàn kết tương trợ lẫn nhau, như vậy tình làng nghĩa xóm có còn trọn vẹn, tinh thần cấu kết cộng đồng liệu có bền chặt?, tính ích kỷ, vụ lợi đã chen vào làm mất đi vẻ tâm linh cội nguồn của lễ hội.

Tiểu kết

Từ 1986, với đường lối đổi mới của Đảng, hộ gia đình trở lại vai trò là đơn vị kinh tế tự chủ. Đặc biệt, từ khoảng 1990, nền kinh tế phát triển theo cơ chế thị trường tạo điều kiện cho sự ra đời các công ty, doanh nghiệp; làm cho nghề, làng nghề Phương La ngày càng giàu có, nhiều tỷ phú nổi lên; dẫn tới hình thành tầng lớp chủ doanh nghiệp và xuất hiện các mối quan hệ mới trong làng


nghề. Các ông chủ doanh nghiệp là những người chủ động tìm nguồn nguyên liệu rẻ, đảm bảo chất lượng; và cũng chính họ là thành viên tích cực, quyết định để hình thành hệ thống tổ chức, đảm bảo việc tiêu thụ sản phẩm... Các yếu tố đó kích thích sản xuất, kích thích người lao động, thúc đẩy sản xuất phát triển. Vì vậy, các chủ doanh nghiệp là những người có uy tín, vị thế với làng xã và người dân. Sự hình thành tầng lớp chủ doanh nghiệp cũng dẫn đến sự phân hóa giàu nghèo, phân tầng xã hội, làm doãng rộng khoảng cách giàu nghèo ở Phương La.

Quá trình công nghiệp hóa - đô thị hóa, nhất là kinh tế phát triển đã tác động đến đời sống văn hóa - xã hội của làng. Vốn là làng cổ, các dòng họ về sinh sống đã được nhiều đời, ngày một đông, cộng thêm sự tác động của các yếu tố kinh tế, những ông chủ doanh nghiệp nhiều tiền muốn khẳng định mình... đã dẫn đến việc tách họ, xây nhà thờ mới. Điều này làm chi phối tới tính cố kết trong cộng đồng, dòng họ; ảnh hưởng không nhỏ tới tâm lý và tình cảm của những người có cùng cội nguồn… Nghề phát triển, quá trình CNH, đô thị hóa cùng với sự xuất hiện của những người lao động làm thuê, mỗi năm lại một tăng, khiến cho vấn đề an ninh - xã hội của Phương La tiềm ẩn những phức tạp.

Khi nghề dệt của làng Phương La chiếm ưu thế và chuyển sang sản xuất công nghiệp, người dân từng bước thay đổi lối sống truyền thống dần chuyển thành người công nhân, buộc họ phải thích ứng với tác phong công nghiệp. Từ nhịp sống mùa vụ, nông nghiệp sang một nhịp sống công nghiệp chưa đầy đủ, vẫn có sự pha trộn, đan xen. Chưa hẳn là nhịp sống đô thị nhưng cuộc sống đã khẩn trương, gấp gáp và năng động hơn. Lối sống đô thị, nhịp sống công nghiệp đã được biểu hiện rõ nét trong làng Phương La, song sự cố kết cộng đồng vẫn được duy trì. Nhịp sống có sự biến đổi nhưng các lễ tiết trong năm, phong tục tang ma, cưới hỏi, vẫn được bảo lưu, coi trọng và thể hiện theo mô thức, nhịp điệu của đời sống nông nghiệp mùa vụ nhưng được đầu tư và tiến hành trang trọng hơn… Tuy nhiên, trong thực hành lễ nghi có những biểu hiện chưa đúng với truyền thống, một số giá trị văn hóa truyền thống trong lễ hội chưa được quan tâm đúng mức nên bị mờ nhạt hoặc không còn nữa. Trong tổ chức tang ma, cưới hỏi vẫn có biểu hiện ganh đua làm mất đi nét đẹp của truyền thống …


Chương 4


NHỮNG VẤN ĐỀ RÚT RA TỪ VIỆC NGHIÊN CỨU BIẾN ĐỔI VĂN HÓA LÀNG DỆT PHƯƠNG LA


4.1. Những tác động của sự biến đổi văn hóa làng dệt Phương La đến kinh tế - xã hội và văn hóa của làng

Phương La xưa, sản xuất nông nghiệp vẫn giữ vai trò chủ đạo, vì thế, lối sống truyền thống mùa vụ đủng đỉnh vẫn cơ bản, tư duy người Phương La chưa có sự thay đổi.

Khi nghề dệt chiếm ưu thế và trở thành nghề chính, với sự năng động thích nghi cao, người Phương La đã không ngừng cải tiến, đổi mới các khâu của quá trình sản xuất, nên sản phẩm làm ra ngày càng nhiều, thu nhập của người dân tăng cao. Kinh tế phát triển, xã hội biến đổi dẫn đến văn hóa làng Phương La cũng biến đổi. Nhiều công ty, doanh nghiệp lớn mạnh; đồng thời là sự trưởng thành đội ngũ giám đốc, các doanh nhân… Nhờ có kinh tế nên các ông chủ tích cực tham gia các hoạt động nhân đạo, từ thiện, các hoạt động chung của làng xã, giúp đỡ nhau xóa đói, giảm nghèo… Cũng do kinh tế phát triển mà người Phương La có điều kiện để quan tâm chú ý đến đời sống tinh thần hơn, các di tích thờ cúng được tôn tạo, sửa sang rất bề thế; các lễ tiết, nghi lễ truyền thống được giữ gìn, chú trọng. Nhà thờ họ được dựng lên nhiều, làm cho làng nghề trở lên trù phú. Việc sưu tầm và ghi chép lại gia phả dòng họ, các hoạt động hướng về cội nguồn, nhớ về công lao ông, bà tổ tiên góp phần giáo dục con cháu trở thành người có ích cho xã hội. Nhiều hoạt động văn hóa tinh thần khác được phục dựng, quan tâm, chăm chút…

Tuy nhiên, quá trình biến đổi văn hóa làng Phương La vẫn có những biến đổi mang tính trào lưu, còn nhiều hạn chế chưa phù hợp với truyền thống ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống của làng, điều này được khái quát ở Bảng 4.1.


Bảng 4.1: Những tác động của sự biến đổi văn hóa làng dệt Phương La


Lĩnh vực

tác động

Những ưu điểm

Những hạn chế

Kinh tế

Duy trì, phát triển nghề truyền thống

Kinh tế phát triển, đời sống người dân được nâng cao

Sao nhãng hoạt động nông nghiệp

Văn hóa xã hội

Tạo cơ hội để khôi phục, giữ gìn, phát huy các giá trị truyền thống

Du nhập lối sống mới, làm mai một một số giá trị văn hóa truyền thống

Nâng cao trình độ của cộng đồng dân cư

Suy giảm tính cộng đồng, biểu hiện sự ganh đua trong đời sống xã hội

Phân hóa giàu nghèo, phân tầng xã hội

Việc thực hiện chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước của người dân ở một số nội dung chưa cao

Tạo công ăn việc làm cho người lao động, tăng thu nhập cho người dân

Vấn đề an ninh - xã hội tiềm ẩn nhiều phức tạp, tệ nạn xã hội đã xuất hiện trong một số gia đình

Môi trường làng nghề ô nhiễm trầm trọng

Hạ tầng

cơ sở

Hạ tầng cơ sở vật chất, kỹ thuật của làng được nâng lên

Giao thông ách tách, hạ tầng cơ sở chưa đáp ứng kịp nhu cầu phát triển của làng nghề

Kiến trúc cảnh quan

Kiến trúc, cảnh quan làng khang trang, bề thế, nhiều công trình kiến trúc hiện đại được xâydựng

Các công trình kiến trúc truyền thống bị mất giá trị do hoạt động bảo tồn, tôn tạo thiếu đồng nhất và quy hoạch tổng thể

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 299 trang tài liệu này.

Biến đổi văn hóa làng dệt Phương La huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình - 16

[Nguồn: Kết quả khảo sát của NCS (năm 2014)].


Như vậy, thông qua bảng trên, có thể thấy rằng, các vấn đề có tác động ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển bền vững của làng nghề Phương La trong thời gian qua, bao gồm:

- Ô nhiễm môi trường trầm trọng


Làng nghề dệt Phương La phát triển, kéo theo ô nhiễm môi trường đang là những vấn đề nổi bật. Sự phát triển của làng nghề đã mang lại nguồn thu lợi vô cùng lớn, đời sống người dân giàu có, sung túc nhưng môi trường thì bị ô nhiễm trầm trọng ở mức báo động. Có tới gần 100% hộ gia đình làm nghề, lại sản xuất theo quy mô hộ gia đình nhiều, cơ sở sản xuất nằm xen kẽ trong khu dân cư, nhiều công đoạn sản xuất thủ công… nên rác thải, bụi bặm bay khắp nơi trên diện rộng không được khống chế. Hệ thống cấp thoát nước sản xuất chưa đảm bảo. Theo thống kê của các cơ quan chức năng, mỗi năm làng nghề Phương La sử dụng gần 10 tấn ôxy già, khoảng 100 tấn nhớt thủy tinh, hàng chục tấn xà phòng để nhuộm và tẩy. Sản phẩm làm ra tăng, lượng hóa chất thải ra môi trường càng lớn. Đa số, các công đoạn này đều được làm bằng công nghệ thủ công nên rất độc hại, gây ô nhiễm môi trường. Mùa nóng và sau mỗi trận mưa, mùi ô nhiễm bốc lên khó chịu. Làng nghề Phương La tạo ra ô nhiễm môi trường, nguồn nước, tiếng ồn, bụi của bông, tơ, sợi đay, cói bay khắp nơilàm ngột ngạt bầu không khí, dễ gây các bệnh nan y.

Ô nhiễm trầm trọng nhất ở Phương La hiện nay là nguồn nước. Nguồn nước bị ô nhiễm do chất thải từ công nghệ tẩy nhuộm của các công ty, hộ gia đình làm cho nước của các con sông đen ngòm, có mùi hôi thối. Nhiều gia đình đào giếng nhiều lần vẫn không sử dụng được vì nước có màu vàng đục. Các cơ sở tẩy nhuộm xả nước thải trực tiếp chưa qua xử lý ra môi trường, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của nhân dân. Khảo sát thực tế nhiều lần ở làng Phương La, đứng gần sông Cầu Du, màu nước đen ngòm, mùi hôi thối bốc lên, chúng tôi thấy rất khó chịu.


Bảng 4.2: Đánh giá về tình trạng ô nhiễm môi trường ở Phương La

Đơn vị tính: %


Nguồn ô nhiễm

Mức độ ô nhiễm

Tỷ lệ

Nước

Ô nhiễm nặng nề

0,00

Ô nhiễm ít

30,72

Không ô nhiễm

69,23

Khó đánh giá

0,00

Rác thải

Ô nhiễm nặng nề

0,00

Ô nhiễm ít

76,92

Không ô nhiễm

23,08

Khó đánh giá

0,00

Đất

Ô nhiễm nặng nề

0,00

Ô nhiễm ít

76,92

Không ô nhiễm

23,08

Khó đánh giá

0,00

Tiếng ồn, không khí

Ô nhiễm nặng nề

0,00

Ô nhiễm ít

61,54

Không ô nhiễm

38,46

Khó đánh giá

0,00

[Nguồn: Xử lý kết quả phiếu điều tra (Phụ lục 7)].


Bảng 4.2 cho thấy không chỉ nguồn nước bị ô nhiễm mà nguồn đất, không khí ở Phương La hiện nay cũng đang ở mức báo động. Bụi của bông, vải, sợi bay khắp nơi, càng tăng thêm sự ngột ngạt đến ngộp thở. Nếu không quen, khách đến, khó có thể cư trú tại làng. Hầu như mọi người dân, mọi cơ sở sản xuất đều chưa đáp ứng đảm bảo các yêu cầu về bảo vệ môi trường, không khí. Môi trường làng nghề bị ô nhiễm nghiêm trọng: tiếng ồn, bụi, nguồn nước, rác thải, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dân, điều kiện lao động của người làm nghề; đe dọa sự tồn tại của nghề trong tương lai.

Mặc dù vậy, một số người dân làng nghề vẫn nhận thức rằng, làng nghề không bị ô nhiễm nên họ còn thờ ơ với việc gìn giữ, bảo vệ môi trường.


- Không gian cảnh quan làng

Các cơ sở sản xuất mở rộng, nhu cầu về mặt bằng sản xuất rất cao, do không có mặt bằng sản xuất nên các cơ sở sản xuất, các hộ gia đình tận dụng mọi chỗ, mọi nơi để đáp ứng nhu cầu sản xuất. Nơi ăn, chốn nghỉ sẵn sàng trở thành chỗ chứa nguyên liệu, sản phẩm để làm nghề. Vườn cây của từng gia đình đã thiếu vắng, thay vào đó là nhà xưởng sản xuất, kho chứa hàng. Các ao trong làng cũng đã bị san lấp, diện tích được quy hoạch để xây dựng khu công nghiệp của làng. Một số ao chuôm, sông tù đọng trở thành nơi chứa chất thải sản xuất gây ô nhiễm. Không gian công cộng của làng dần bị thu hẹp, nhà cửa cao tầng mọc lên… cũng nhằm phục vụ sản xuất, kinh doanh, cộng với bụi của bông vải, sợi dẫn đến ngột ngạt, ô nhiễm không khí nặng. Cũng vì thế nên nơi vui chơi, thư giãn của người già, trẻ em đã hết. Không gian chung của làng còn lại giờ đây chỉ là những nơi gắn liền với yếu tố tâm linh bất khả xâm phạm như khu đình Phương La, chùa Mẹo… và một chút không gian gần đình Phương La là nơi giành cho người cao tuổi tập thể dục, diện tích chừng vài trăm mét vuông. Hầu như mọi người đều tất bật với việc sản xuất, ngồi bên máy dệt, ít đi ra ngoài; do vậy, họ cũng không quá chú ý đến cảnh quan làng.

Những vấn đề trên ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của người dân và người lao động. Bên cạnh đó, việc kiến trúc thiếu đồng bộ, dẫn đến không gian làng không còn thoáng đãng như xưa, thiếu cây xanh, ít khu vui chơi giải trí công cộng.

- Vấn đề an ninh và các tệ nạn xã hội

Như đã trình bày ở Chương 3, mặc dù hiện nay, an ninh trật tự của làng đang tốt, nhưng quá trình CNH - HĐH đã giúp nghề và làng nghề Phương La phát triển, thu nhận hàng vài ngàn lao động đến làm thuê mỗi ngày, dẫn đến vấn đề an ninh - xã hội của làng luôn tiềm ẩn những vấn đề phức tạp. Người tứ xứ đến làm thuê gây khó khăn cho công tác quản lý, du nhập nhiều thứ "văn hóa" chưa hẳn đã phù hợp với truyền thống, lối sống của người làng nghề. Lượng người đến làng đông mà hạ tầng cơ sở lại chưa đáp ứng kịp, do vậy luôn gây tắc đường vào giờ cao điểm,... Có điều kiện về kinh tế, lại lo mải làm ra tiền, các gia đình không nâng cao cảnh giác, nuôi dạy, quản lý con cái tốt cũng dễ làm cho con cái hư hỏng, mắc tệ nạn xã hội...


- Việc chấp hành chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước của người dân chưa cao

Mặc dù, các cấp chính quyền địa phương và ngành văn hóa đã có quy định về thực hiện nếp sống văn hóa trong việc cưới, việc tang và lễ hội, nhưng các gia đình ở Phương La vẫn vi phạm: xây cất mổ mả không theo quy định về chiều cao và chiều rộng, tổ chức phúng viếng linh đình trong đám tang; ...

Có điều kiện về kinh tế, hơn nữa khi bị phạt thì số bỏ ra nộp phạt không thấm vào đâu đối với các gia đình chủ doanh nghiệp, các hộ làm nghề vì vậy tỉ lệ sinh con thứ 3, thứ 4 có xu hướng gia tăng, ảnh hưởng đến tỉ lệ dân số. Bên cạnh đó, tư tưởng "trọng nam khinh nữ" vẫn còn tồn tại trong làng nghề , nên có những gia đình đã đủ hai con nhưng vẫn cố gắng đẻ thêm để được cậu con trai nối dõi tông đường, thừa kế tài sản, đi giao dịch mua bán có con trai đi cùng (học theo mô hình của các thương gia, doanh nhân nước ngoài).

Khi chính quyền thôn, xã có công việc họp bàn cần có ý kiến đóng góp của người dân, nhưng việc triệu tập họp rất khó khăn, vì thế nhiều hộ làm nghề ít nắm đầy đủ chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

- Một số quan hệ cộng đồng có biểu hiện suy giảm và sự ganh đua trong các mặt đời sống xã hội

Các quan hệ kinh tế - xã hội đa dạng đã tác động mạnh mẽ đến các quan hệ cộng đồng của truyền thống. Một mặt, người Phương La vẫn tích cực giữ gìn những giá trị văn hóa của mình, thể hiện ở giữ gìn các quan hệ dòng họ, quan hệ cộng đồng làng xã thông qua các phong tục tập quán; song vẫn diễn ra quá trình suy giảm tính cộng đồng. Xu hướng tách họ, hay tuy không tách họ nhưng lập nhà thờ mới, tổ chức sinh hoạt riêng; hoặc xu hướng một bộ phận cư dân (chủ yếu là những người giàu) có quan hệ kinh tế - xã hội rộng rãi với người ngoài làng sẽ ít tham gia các hoạt động chung của làng tiếp tục diễn ra. Sự ganh đua còn biểu hiện ở nhiều khía cạnh của đời sống, trong tang ma cho cha mẹ, xây cất mồ mả, cưới xin cho con cái ít nhất cũng phải “bằng anh, bằng em”; … Điều này cũng ảnh hưởng trực tiếp tới các mối quan hệ dòng tộc, họ hàng, làng xóm “người ta có tiền, mình không theo được”.

Xem tất cả 299 trang.

Ngày đăng: 22/01/2024
Trang chủ Tài liệu miễn phí