Chương 1:
Một số vấn đề lý luận chung và kinh nghiệm quốc tế về Năng lực cạnh tranh quốc gia
1.1. Khái niệm cạnh tranh và các yếu tố quyết định năng lực cạnhtranh quốc gia
1.1.1. Khái niệm cạnh tranh:
Cạnh tranh là một khái niệm được sử dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Trong kinh tế, khái niệm cạnh tranh có thể được hiểu là sự ganh đua giữa các quốc gia, các doanh nghiệp trong việc giành một nhân tố sản xuất hoặc khách hàng nhằm nâng cao vị thế của mình trên thị trường. Cạnh tranh có thể đưa lại lợi ích cho tổ chức này và thiệt hại cho tổ chức khác, song xét dưới góc độ lợi ích toàn xã hội, cạnh tranh luôn có tác động tích cực (Ví dụ: chất lượng tốt hơn, giá rẻ hơn, dịch vụ tốt hơn...)
Cạnh tranh là một trong những đặc trưng cơ bản và là động lực phát triển của nền kinh tế thị trường. Trong nền kinh tế thị trường, khả năng cạnh tranh là điều kiện cho sự sống còn của mỗi doanh nghiệp. Kết quả cạnh tranh sẽ xác định vị thế của doanh nghiệp trên thị trường, vì thế từng doanh nghiệp đều cố gắng tìm cho mình một chiến lược cạnh tranh phù hợp để vươn lên tới vị thế cao nhất.
Cạnh tranh kinh tế quốc tế là cạnh tranh giữa chủ thể kinh tế trên thị trường thế giới, là cạnh tranh kinh tế đã vượt khỏi phạm vi quốc gia. Sở dĩ như vậy là do sự tác động của cách mạng khoa học - công nghệ, phân công lao động quốc tế đã phát triển sâu, rộng, sự phát triển lực lượng sản xuất xã hội có tính chất quốc tế và do quá trình mở rộng thị trường trên quy mô toàn thế giới.
Có thể bạn quan tâm!
- Bảo vệ quyền lợi lao động nữ trong Pháp luật lao động Việt Nam - 1
- Kinh Nghiệm Phát Triển Thị Trường Cho Xuất Khẩu Hàng Hoá Của Trung Quốc:
- Năng Lực Cạnh Tranh Của Việt Nam Dựa Vào Các Chỉ Tiêu Đánh Giá Của Wef:
- Mức Độ Cạnh Tranh Giữa Các Ngân Hàng Trong Nước
Xem toàn bộ 120 trang tài liệu này.
Năng lực cạnh tranh quốc gia là năng lực của một nền kinh tế đạt được tăng trưởng bền vững, thu hút được đầu tư, bảo đảm ổn định kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống của người dân.
1.1.2. Phân loại:
1.1.2.1 Lý thuyết cổ điển
a) Lý luận cạnh tranh của Adam Smith
Adam Smith chủ trương tự do cạnh tranh. Ông cho rằng cạnh tranh có thể phối hợp các hoạt động kinh tế một cách nhịp nhàng và có lợi cho xã hội. Vì cạnh tranh trong quá trình của cải của quốc gia tăng lên, chủ yếu diễn ra thông qua thị trường và giá cả, do đó cạnh tranh có quan hệ chặt chẽ với thị trường. Theo Smith, tự do thôi thúc cá nhân thực hiện các công việc một cách tốt hơn và năng suất hơn. Từ đó, cạnh tranh có thể khơi dậy nỗ lực của con người và làm cho của cải của quốc gia tăng lên.
Trong tác phẩm Sự giàu có của quốc gia, theo ông muốn tăng của cải quốc gia cần thực hiện 3 việc: tăng cường phân công, tăng số lượng tư bản và cải thiện công cụ của tư bản. Mọi cá nhân không ngừng tìm kiếm thêm lợi nhuận của họ. Do đó nhà nước không không cần can thiệp vào đời sống kinh tế. Ngoài ra theo Smith, cạnh tranh có thể điều tiết cân bằng cung cầu. Bởi vì trong môi trường cạnh tranh sẽ có người tham gia. Do đó, họ phải chú ý tới điều kiện thị trường, áp lực cạnh tranh. Từ đó thích ứng với quá trình thay đổi cung cầu.
Cạnh tranh còn có tác dụng nâng cao năng lực của lao động, điều tiết phân phối các yếu tố sản xuất một cách hợp lý. Cạnh tranh thôi thúc người lao động nâng cao kỹ năng, hợp lý hoá sản xuất để nâng cao lợi nhuận.
b) Quan điểm cạnh tranh của John Stuart Mill
John Stuart Mill đã bổ sung lý luận cạnh tranh của Smith. Theo ông cạnh tranh không phải là yếu tố kích thích dựa vào mong muốn, nhưng trong thời đại mà ông đang sống thì cạnh tranh là cần thiết. Quan điểm của Mill về tự do không chỉ bó hẹp trong chính trị học và đạo đức học mà là vấn đề cốt lõi trong toàn bộ lý luận về công lợi mà ông nêu ra.
Mill phân biệt rõ tự do kinh tế và tự do cá nhân, ông cho rằng trao đổi mua bán có thể làm cho hàng hoá được sản xuất ra nhiều hơn, tốt hơn và rẻ hơn. Mill thừa nhận phải có các biện pháp kiểm soát gian lận thương mại, tuy nhiên không được kiểm soát hành vi cạnh tranh trong hợp đồng kinh tế. Nếu cuộc chơi là công bằng thì kẻ thất bại phải chấp nhận thực tế. Lý luận cạnh tranh của Mill được coi là tiến bộ vì nó chống lại chế độ phong kiến, khuyến khích tự do cá nhân, gợi mở tư tưởng cho con người mở mang trí tuệ, phát triển khoa học công nghệ thúc đẩy tiến bộ xã hội.
c) Quan điểm cạnh tranh của C.Mác
C.Mác không có lý luận cạnh tranh riêng, mà lý luận cạnh tranh của ông nằm trong học thuyết giá trị thặng dư. Theo Mác, sự ra đời và tồn tại của cạnh tranh trước hết phải dựa vào hai điều kiện cơ bản: phân công xã hội và chủ thể lợi ích đa nguyên.
Trong lý luận cạnh tranh của Mác, có thể thấy nổi bật quan điểm về cạnh tranh giữa những người sản xuất, đồng thời cạnh tranh giữa các nhà sản xuất đã ảnh hưởng tới người tiêu dùng. Cạnh tranh diễn ra ở ba bình diện: cạnh tranh giá thành thông qua nâng cao năng suất lao động giữa các nhà tư bản nhằm thu hút được giá trị thặng dư siêu ngạch; cạnh tranh chất lượng thông qua nâng cao giá trị sử dụng hàng hoá; cạnh tranh giữa các ngành thông qua khả năng luân chuyển tư bản để từ đó các nhà tư bản chia nhau giá trị thặng dư. Những luận điểm cơ bản đó đã tạo nên lý luận cạnh tranh của Mác.
1.1.2.2 Lý thuyết hiện đại
Lợi thế cạnh tranh quốc gia của Michael Porter: Lĩnh vực nghiên cứu của Michael Porter chủ yếu tập trung vào hai mặt, quản lý chiến lược doanh nghiệp và tổ chức ngành. Do vậy trong cuốn Chiến lược cạnh tranh ông đã chỉ ra ba chiến lược dẫn đầu: chiến lược giá thành, chiến lược về sự khác biệt và chiến lược tập trung mục tiêu. Trong tác phẩm Lợi thế cạnh tranh ông đề ra lý luận về chuỗi giá trị là nguồn gốc cơ bản của lợi thế cạnh tranh. Porter vận dụng lý luận về lợi thế cạnh tranh trong nước Mỹ vào lĩnh vực cạnh tranh quốc tế và đề ra “Lý thuyết hình kim cương”, còn gọi là lý thuyết về lợi thế cạnh tranh.
Trong tác phẩm lợi thế cạnh tranh quốc gia, Porter nhấn mạnh đến sự khác nhau giữa lợi thế so sánh và lợi thế cạnh tranh. Ông cho rằng, lợi thế so sánh được quyết định bởi giá cả thị trường, còn lợi thế cạnh tranh được quyết định bởi nhiều yếu tố khác như tổ chức ngành, trình độ nhân lực, khoa học công nghệ, khả năng sáng tạo và tận dụng các cơ hội. Do đó để nâng cao năng lực cạnh tranh ông đề nghị cần cải thiện môi trường doanh nghiệp và đề ra các giai đoạn tham gia cạnh tranh. Theo ông có 4 giai đoạn: chạy đua các yếu tố sản xuất; chạy đua đầu tư; chạy đua sáng tạo; chạy đua của cải tích luỹ tư bản.
Lý luận cạnh tranh của Porter đã đáp ứng được các đòi hỏi của thời đại, vào lúc các quốc gia đều hội nhập vào nền kinh tế thế giới, tham gia cạnh tranh. Lý luận đó giúp các nước đưa ra chiến lược cạnh tranh phù hợp với điều kiện của mình. Đồng thời chỉ ra các giải pháp chính sách của chính phủ hỗ trợ cho các doanh nghiệp phát huy lợi thế so sánh để nâng cao năng lực cạnh tranh của mình.
1.1.2.3 Sự thay đổi quan điểm cạnh tranh trong điều kiện toàn cầu hoá
Sự thay đổi các quan điểm về cạnh tranh kinh tế xuất phát từ ba tiền đề cơ bản. Thứ nhất, thế giới đã chuyển từ nền kinh tế công nghiệp sang nền kinh tế tri thức, và toàn cầu hoá kinh tế thì cần phải tìm hiểu các quy định và luật chơi về cạnh tranh trong nền kinh tế tri thức. Thứ hai, xét từ góc nhìn thương mại quốc tế, cân tìm hiểu cơ sở lý luận cạnh tranh trong từng quốc gia, đặc biệt là các nước công nghiệp trong hoạt động thương mại. Thực tế cho thấy, các nước công nghiệp phát triển không căn cứ vào nguyên tắc lợi thế so sánh như trước đây để hoạch định chính sách thương mại quốc tế mà xuất phát từ nhu cầu tăng khả năng cạnh tranh cảu họ để chuyển sang cạnh tranh nhờ vào các quy chế. Thứ ba, trong phần này cũng chú ý tới tính tất yếu của hợp tác kinh tế để đổi mới quan điểm từ cạnh tranh đối kháng sang cạnh tranh có tính hợp tác.
1.1.3. Các chỉ tiêu đánh giá năng lực cạnh tranh quốc gia:
1.1.3.1 Cơ sở chung
Hiện tại đang có hai phương pháp đánh giá năng lực cạnh tranh quốc gia được áp dụng rộng rãi. Phương pháp thứ nhất do Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) thiết lập trong bản Báo cáo cạnh tranh toàn cầu. Phương pháp thứ hai do Viện quốc tế về quản lý và phát triển (IMD) đưa ra trong cuốn Niên giám cạnh tranh thế giới. Cả hai phương pháp đều do một số giáo sư Đại học Tổng hợp Havard như Michael E. Porter, Jeffrey D. Sachs, Andrew M.Warner và các chuyên gia của WEF như Peter K.Cornelius, Mache Levinson và Klaus Schwab xây dựng.
Cơ sở của các phương pháp đánh giá được xác định bởi năng suất. GDP bình quân đầu người được xem là thước đo chung nhất về năng suất của quốc gia, có quan hệ dài hạn với mức sống của người dân và sự thịnh vượng của
quốc gia. Đó là thước đo tổng hợp nhất, phù hợp nhất và thể hiện rõ nhất năng lực cạnh tranh của quốc gia.
Trong luận văn sử dụng phương pháp đánh giá của Diễn đàn Kinh tế thế giới vì WEF là một tổ chức phi chính phủ rất có uy tín về tính khách quan và độ xác thực - phối hợp với Đại học Harvard - chuyên nghiên cứu và xếp hạng năng lực cạnh tranh của các quốc gia toàn cầu dựa trên một phương pháp luận đã được áp dụng và luôn được hoàn thiện từ 1979 đến nay, kết hợp tính toán các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô được tham khảo và tính toán từ kho dữ liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và các tổ chức, hiệp hội quốc tế khác. Phần quan trọng còn lại là kết quả phỏng vấn, khảo sát ý kiến của hàng nghìn công ty lớn trên thế giới, các doanh nghiệp có qui mô toàn cầu về những tiêu chí khó định lượng hoá bằng mô hình toán học.
Cách tiếp cận của WEF thường được các nhà hoạch định chính sách quan tâm vì nó mang tính khái quát, tổng thể khá cao và tương đối rõ ràng, dễ hiểu. Hơn nữa, cách tiếp cận này cũng thể hiện được sự gắn kết môi trường kinh tế chung với các hoạt động kinh doanh và đây là điều quan trọng xét từ góc độ các nhà kinh doanh. Đặc biệt, quan điểm nhìn nhận tổng thể tính cạnh tranh cấp độ quốc gia của WEF có được sự “đồng thuận” quốc tế khá cao.
1.1.3.2 Các chỉ tiêu đánh giá năng lực cạnh tranh quốc gia:
Theo WEF, năng lực cạnh tranh quốc gia được xác định bởi tám nhóm chỉ tiêu sau:
1 - Thể chế kinh tế - chính trị; 2 - Vai trò của chính phủ;
3 - Năng lực tài chính - tiền tệ;
4 - Mức độ mở cửa nền kinh tế, bao gồm mở cửa thương mại và đầu tư;
5 - Kết cấu hạ tầng;
6 - Trình độ công nghệ; 7 - Lực lượng lao động;
8 - Trình độ quản lý doanh nghiệp;
8 nhóm chỉ tiêu quan trọng trên bao gồm nhiều tiêu chí được định lượng hoá và so sánh với nhau. Tuỳ theo tầm quan trọng ở từng giai đoạn phát triển mỗi nhóm có một trọng số nhất định. Trong Chương 2 của Luận văn sẽ đi sâu vào phân tích cụ thể hơn từng chỉ tiêu năng lực cạnh tranh, những mặt mạnh cần phát huy và những mặt yếu cần khắc phục của các chỉ tiêu trong nền kinh tế Việt Nam.
1.2. Kinh nghiệm quốc tế trong việc phát hiện và tận dụng các lợi thếcạnh tranh quốc gia
1.2.1. Kinh nghiệm mở cửa, hội nhập và nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế một số nước trong khu vực:
1.2.1.1 Kinh nghiệm mở cửa, hội nhập và nâng cao sức cạnh tranh của một số ngành công nghiệp Nhật Bản
Chúng ta đều biết rằng nền kinh tế Nhật Bản phát triển qua nhiều thời kỳ với nhiều mô hình tăng trưởng khác nhau. Trong hơn 100 năm của quá trình phát triển tại Nhật Bản, giai đoạn 1955 - 1973 là một thời kỳ rất đặc biệt. Kinh tế mỗi năm tăng trưởng bình quân 10% và thành quả này kéo dài trong khoảng thời gian gần 20 năm. Các nhà nghiên cứu gọi đó là giai đoạn “thần kỳ” hoặc là “thời đại phát triển cao độ”. Chính vì vậy, vào thời kỳ những năm 70, Nhật Bản được gọi là “siêu cường về kinh tế” và trở thành một trong những trung tâm kinh tế lớn.
Trước khi bước vào giai đoạn phát triển “thần kỳ” này, Nhật Bản đứng trước một tình huống quốc tế giống như Việt Nam hiện nay là phải có một chiến lược như thế nào trước trao lưu chung của thế giới là mở cửa, hội nhập vào nền
kinh tế thế giới trong khi nền kinh tế nước mình còn non yếu.
Sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai, với những nỗ lực của Nhật Bản và sự trợ giúp của Mỹ, kinh tế Nhật Bản dần dần ổn định từ năm 1949, sau đó sức sản xuất phục hồi nhanh chóng nhờ nhu cầu đặc biệt từ chiến tranh Triều Tiên (1959 - 1953). Đến năm 1955, Nhật Bản xem như đã khắc phục được những hậu quả của chiến tranh và kinh tế đã thực sự hồi phục. Tuy nhiên, dù kinh tế đã được ổn định và sức phát triển đã được phục hồi, kinh tế Nhật Bản vào giữa thập niên 1950 vẫn còn rất non kém so với các nước Âu - Mỹ. Xuất khẩu của Nhật Bản, ngoài tàu thuyền thì có các mặt hàng chủ yếu là từ những ngành công nghiệp nhẹ, công nghiệp thô sơ: vải, áo quần, giày dép mà phẩm chất chưa có uy tín trên thị trường thế giới. Tại thị trường Mỹ vào thời điểm đó, các sản phẩm sản xuất từ Nhật Bản được coi là biểu tượng cho các sản phẩm có phẩm chất kém.
Trong bối cảnh kinh tế như vậy, Nhật Bản phải đối mặt với vấn đề nên gia nhập các tổ chức thương mại, kinh tế thế giới như thế nào? Nhật Bản là nước nghèo tài nguyên thiên nhiên vào loại nhất thế giới nên ngoại thương có vai trò vô cùng quan trọng cho kinh tế phát triển. Thị trường trong nước tuy không nhỏ, nhưng để đạt hiệu quả quy mô kinh tế phải cần đến thị trường nước ngoài. Rõ ràng việc gia nhập các tổ chức kinh tế, thương mại quốc tế sẽ mang lại cơ hội tiếp cận thị trường thế giới rộng lớn. Song, việc gia nhập vào các tổ chức kinh tế quốc tế lại đi kèm theo những nghĩa vụ phải mở cửa thị trường nước mình đối với hàng ngoại và hoạt động đầu tư của các công ty